Thứ Tư, 29 tháng 7, 2015

MẸ


MẸ

Tóc dài chấm gót chân son 
Mảnh mai dáng Mẹ thủa còn thanh tân 
Thương Giang nức nở hợp làn
Lắng trong tiễn Mẹ tần ngần theo Cha

Đồng chiêm trũng, bãi đồi xa
Chân trần thiếu phụ trải qua sớm chiều
Bên Cha góp nhặt thương yêu 
Âm thầm vốc nước tưới điều khốc khô

Nửa chiều che nắng quái xô
Hoàng hôn hắt đổ giấc mơ lặng thầm 
Bao lần dõi ánh trăng rằm
Mẹ mong đêm vắng "Tháng năm..." thật dài

Lưng oằn từ buổi sớm mai 
Thương con Mẹ chất lên vai nghĩa nghì 
Nuốt từng giọt lệ chèo đi
Mặc cho sông uốn ôm ghì vực sâu...


Nhìn con Mẹ thấy mình giàu
Giàu luôn "Dị mộng" níu nhau suốt đời
Cuối chiều mây xám vẫn trôi
Vói tay Mẹ hái nụ cười già nua...

Mẹ ơi! Trái ngọt được mùa
Nhờ bàn tay Mẹ nắng mưa ươm mầm
Gieo hương một dạ sắt cầm 
Vườn nhà ấm áp tình thâm trĩu cành 

(Huỳnh Phú Vang)

Thứ Hai, 27 tháng 7, 2015

Đọc ĐỪNG! Của tác giả C. H



Bao nhiêu chữ cho một bài thơ đủ để đọng lại trong lòng bạn đọc, ý thơ mà người viết muốn chuyển tải? Câu hỏi này ít nhiều mỗi người viết đều đắn đo khi gặp ý thơ muốn viết. Với tác giả C.H thì chỉ cần ba ngắt ý với mười từ là đủ:
Đừng!

Ứ!
Đừng anh ..,
Mình để dành cho nhau ngày cưới! (C.H)

Chỉ với vỏn vẹn ba ngắt ý cho một bài thơ tình, phải chăng là quá ngắn? Bởi biển tình thường sâu thăm thẳm và rộng mênh mông !

Đừng! chỉ với mười từ mà tác giả muốn chuyên chở một cuộc đối thoại? Hình như chỉ là độc thoại? Nhưng có Anh lại có Mình có sự phản kháng hẳn là đối thoại!

Ứ! Một sự phản kháng nhẹ nhàng, dịu dàng và rất dễ thương là ngắt ý thứ nhất cho bài thơ này! Vì sao?Và vì đâu? dẫn đến một từ chỉ sự phản kháng. Ứ! Hẳn sự phản kháng này đến từ phía Em mà nguyên nhân xuất phát từ đối tác bên cạnh!

Vừa mới bật lên một từ Ứ rất dễ thương thì liền theo sau là ngắt ý thứ hai.

Đừng anh....!

Vẫn là một sự phản kháng có lẽ kèm theo hành động cương quyết hơn. Đừng anh...Cái dấu ba chấm này thật đắc địa, Không cần nói ra thì ai cũng biết tại sao có sự phản kháng này.
Anh đã làm gì?
Dang tay ngắt một bông hoa em cũng có thể ngăn lại và nói "Đừng anh..." Lắm chứ.
Một vòng tay, môi kề một nụ hôn, cũng có thể là Đừng anh...Con gái mà! Dẫu sao? Và muốn biết tại sao? Em lại phản kháng ta vào ngắt ý thứ ba

Mình để dành cho nhau ngày cưới!

Không chỉ là Anh và cũng chẳng là Em nữa mà là Mình, cả hai mới thực hiện được chuyện để Dành này .
Chữ tình, thâm ý và hồn cốt của bài thơ Đừng! Nằm trọn trong câu thơ bảy chữ và một dấu chấm than này.

Xưa nay : "Các nền văn hóa luôn đề cao trinh tiết bởi nó cho thấy sự trong trắng trong tâm hồn, ý chí kiên định trong việc tiết chế bản năng để giữ gìn thể xác thuần khiết trước hôn nhân. Trinh tiết là món quà tinh thần lớn lao khi "lần đầu tiên" Của người bạn đời được họ giữ gìn và dành tặng cho mình, qua đó củng cố sự tin tưởng vào đức hạnh của bạn đời. Do giá trị đạo đức và tinh thần đó mà trinh tiết được nhiều người tôn vinh..."

Thời xa xưa khi mà quan niệm"Nhất nam viết hữu thập nữ viết vô" Nhưng phụ nữ vẫn có quyền ngẩn cao đầu mà nói với các chàng trai:

Hàng ngày kinh sử dùi mài
Anh biết chăng ngàn vàng dẫu có khó nài chữ trinh.(Ca dao)

Những nam sinh nho nhã biết tôn trọng trinh tiết cũng là đức hạnh của các cô thì đối đáp rằng:

Phận anh quân tử bất quý ngàn vàng
Chữ trinh em giữ anh chẳng màng vàng cân.

Trở lại với bài thơ Đừng! Của tác giả C. H. Sau khi phản kháng nhỏ nhẹ nhưng cương quyết với người mình yêu đã xác định có "ngày cưới". Anh không có hành động hay lời nói nào trả lại Em trong bài thơ! Nhưng tác giả tin, tôi tin và mong rằng bạn đọc cũng tin rằng . Cô gái ấy như phần đông các cô gái Việt Nam đã được răn dạy theo nề nếp gia phong từ bao đời nay ông bà ta giữ gìn và truyền lại.

Mặc ai ép nghĩa nài tình
Phận mình là gái tiết trinh làm đầu. (Ca Dao)

"Chữ trinh đáng giá ngàn vàng." Không chỉ đúng với thế hệ tác giả nay tuổi đã về chiều. Mà ở đâu thời nào và bao giờ cũng vậy!
"Không phải ngẫu nhiên mà hầu hết các tôn giáo và dân tộc từ Đông sang Tây đều có khái niệm về trinh tiết và tôn vinh nó. Trinh tiết là biểu tượng của một tình yêu trong sáng, thủy chung, không bị chi phối bởi dục vọng xác thịt. Đây là một trong những giá trị Chân - Thiện - Mỹ mà dù ở thời đại nào thì con người cũng ca tụng và hướng tới."

Ngày hôm nay xã hội phát triển kéo theo nhiều quan niệm về tình yêu hôn nhân và trinh tiết cũng thoáng hơn của một bộ phận giới trẻ. Nhưng không vì thế mà Trinh tiết bị coi nhẹ.

Lối sống buông thả, Sống thử, yêu hết mình. Của một số bạn trẻ ngày nay dẫn tới nhiều hệ luỵ xấu. Tha hoá về đạo đức, ảnh hưởng hạnh phúc gia đình, trong khi gia đình là nền tảng của xã hội!

Một tình yêu trong sáng một lối sống lành mạnh, dẫn tới gia đình hạnh phúc. Cần và rất cần phải có Đừng từ mỗi thiếu nữ. Và cần cả hai phải cùng "Mình để dành cho nhau ngày cưới!"!

Cám ơn tác giả C.H đã cho tôi có cơ hội đồng cảm và giãi bãy những suy nghĩ cũng như quan niệm của riêng mình!

Còn bạn? Bạn nghĩ sao về Đừng...!


Sài Gòn 29/5/2015

Huỳnh Xuân Sơn

Đọc Giấu của tác giả Hương Ngọc Lan


Giấu! Một hành động nhằm che đậy những việc làm hoặc những hình ảnh đồ vật của riêng mình mà không muốn người khác biết đến, lại được tác giả Hương Ngọc Lan đặt tựa đề cho bài thơ tình của mình. Người viết bị cuốn hút bởi tựa đề dẫn đến chìm đắm trong ý thơ với tình thơ nhẹ nhàng, đã dẫn người viết bước vô thế giới nội tâm của bài thơ.

 Người viết mong bạn đọc cùng  khám phá xem Hương Ngọc Lan đã Giấu những gì?..

GIẤU

Em giấu anh vào trong trái tim em
Để không phải cả đêm ngày thổn thức
Và yêu anh bằng tình yêu rất thực
Cho tâm hồn không còn phải cô liêu

Em giấu anh vào nỗi nhớ liêu xiêu
Dẫu thời gian làm bạc đầu con sóng
Tình vẫn như bờ cát yêu biển rộng
Và cuộc đời còn đẹp mãi giấc mơ

Em giấu anh vào trong những vần thơ
Để nhân gian còn được nhiều ước vọng
Dù trải qua bao năm dài tháng rộng
Thì cuộc tình vẫn đẹp mãi như tranh

Giấu anh vào trong giấc mộng mong manh
Cho yêu thương suốt đời không phai nhạt
Như sóng lòng luôn cuộn dâng dào dạt 
Vì anh là hạnh phúc của riêng em! (Hương Ngọc Lan)

Giấu ! Đã được tác giả dùng thể thơ tự do để chuyên chở tứ thơ chứa đựng tình thơ, đưa người đọc qua nhiều cung bậc cảm xúc riêng. Nhưng hẳn mỗi bạn đọc trong đó có người viết, ít nhiều đã tìm thấy mình trong những câu thơ với những từ ngữ giản đơn mà thanh thoát.

Em giấu anh vào trong trái tim em
Để không phải cả đêm ngày thổn thức
Và yêu anh bằng tình yêu rất thực
Cho tâm hồn thoát khỏi bến cô liêu 

Điều mà "em muốn giấu" Đầu tiên qua những câu thơ rất dễ cảm, nhưng lại trùng trùng những câu hỏi? Anh người mà chủ thể Em "yêu bằng tình yêu rất thực" Sao lại phải Giấu? Và nơi cất giấu ấy cũng khác lạ "trong trái tim em".
 Ngay sau đó là một sự giả định . Nếu giấu được thì Em "không phải cả đêm ngày thổn thức", chưa hết, nếu  giấu được thì "tâm hồn" Cũng "thoát khỏi bến cô liêu"... 
Một tình yêu em đã khẳng định rằng nó  rất thực, nhưng tâm hồn nơi xuất phát tình yêu thì lại trú ngụ trong một"bến cô liêu" và suốt cả ngày đêm trái tim ấy phải "thổn thức"... 
Ôi! Giá như những cảm xúc ấy, nơi trú ngụ ấy chỉ sảy ra khi phải Giấu! Nỗi khát khao, niềm mong mỏi ấy, có lẽ không chỉ đến với một mình người viết khi đọc khổ thơ mở đầu này. Để rồi một câu hỏi xuất hiện phía sau câu chữ vừa chuyển tải qua tứ thơ!
Tình yêu rất thực em trao cho anh mà lại mong mỏi Giấu trọn anh trong trái tim mình. Yêu anh mà trái tim em phải ngày đêm thổn thức, Yêu anh mà tâm hồn em phải Trú ngụ trong "bến cô liêu". Nhưng tất cả sẽ thoát ra khi "Em Giấu anh"! Tình yêu đơn phương? Hay tình yêu đầy trắc trở...
Ngổn ngang câu hỏi người viết mang theo vào sâu hơn trong Giấu:

Em giấu anh vào nỗi nhớ liêu xiêu
Dẫu thời gian làm bạc đầu con sóng
Tình vẫn như bờ cát yêu biển rộng
Và cuộc đời còn đẹp mãi giấc mơ

Cuộc đời hẳn ai cũng nuôi dưỡng những ước mơ chứ không riêng Em và cũng chẳng mình Anh trong cuộc tình được ví như "Bờ yêu biển rộng" này. "Nỗi nhớ liêu xiêu" Ơi! Liệu có đủ chỗ cho em cất Giấu anh không? Em không giấu một chốc một lát như thủa nào ta chơi trò chơi trốn tìm đâu. Em muốn giấu kỹ giấu lâu dầu có phải chờ đợi bao lâu để giấu được? Em cũng cam lòng..
Hình ảnh những con sóng bạc đầu hiện diện nơi đây được tác giả đổ thừa tại "Thời gian. Không! Thời gian chỉ làm những mái tóc xanh kia bạc vì chờ đợi? Phai vì thổn thức...

Cuộc tình như "bờ cát yêu biển rộng" Ư? Phải chăng bờ lặng lẽ đợi chờ những con sóng được hình thành từ sự cuộn nhồi trong lòng biển theo tiếng gọi con tim lao vào bờ bất chấp "Bờ cát dài phẳng lặng" Hay vách đá đang chờ.

Giấu vào anh này đáng yêu, nhưng cũng thật đáng sợ tác giả ạ! Có lẽ tới đây tác giả sẽ đặt cho người viết một câu hỏi? Người viết biết câu hỏi ấy, Tác giả biết câu trả lời cho câu hỏi ấy, vậy thôi mình cùng giữ lại cho riêng mỗi người nhé !

Hai nơi cất giấu mà Em muốn giấu anh vào đã qua. Trái tim và Nỗi nhớ liêu xiêu. Nhưng có lẽ hai nơi ấy chỉ một mình Em biết và nếu giấu được thì nhiều lắm có thêm Anh nữa biết ...
Phải chăng Giấu anh ở hai nơi ấy bí mật sẽ được giữ kín. Tình yêu cũng vì thế mà mãi mãi như bờ với biển chẳng thể rời nhau?

Giấu được anh phải chăng Em chỉ muốn thế? Không ! Hình như Em cần nhiều hơn thế:

Em giấu anh vào trong những vần thơ
Để nhân gian còn được nhiều ước vọng
Dù trải qua bao năm dài tháng rộng
Thì cuộc tình vẫn đẹp mãi như tranh

Tranh hẳn chỉ dùng để ngắm, ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt. Vậy mà tác giả lại ví "cuộc tình vẫn đẹp mãi như tranh". Dẫu bao nhiêu năm dài tháng rộng đi qua. Cuộc tình này sẽ là như thế nếu "Em giấu anh vào trong những vần thơ". Thơ cần có bạn đọc, tranh cần có người ngắm. Vậy phải chăng Em chỉ muốn khoe ra chứ không cần giấu đi? Cuộc tình này như một bức tranh đẹp lắm, thơ mộng lắm, sâu nặng lắm và cũng không ít khổ đau với Em phải không tác giả ơi!

Giấu! Hình như lẫn trong tiếng lòng thổn thức Em lại không muốn giấu. Cứ quẩn quanh, loay hoay tìm nơi cất giấu thêm một lần nữa...

Giấu anh vào trong giấc mộng mong manh
Cho yêu thương suốt đời không phai nhạt
Như sóng lòng luôn cuộn dâng dào dạt 
Vì anh là hạnh phúc của riêng em!

Giấu trong tim! Mong chiếm giữ trọn trong nhịp đập dập dồn ấy, Em còn muốn Giấu cả trong tâm tư trong bất kể suy nghĩ nào nơi ấy chắc chỉ có Em cảm nhận được - Nỗi nhớ... Nhưng rồi cả hai nơi ấy nếu Giấu được thì tình yêu ấy, nỗi niềm ấy và Anh ... Chỉ một mình em biết, mình em cảm và đó không phải điều mà Em muốn. Thôi thì nơi cất giấu của Thi sĩ có lẽ an toàn và cũng sẽ có một ai đó biết "những vần thơ" ... Hiện hữu mà lại không thể cầm nắm, không thể ôm ấp nâng niu, chỉ có thể nhìn thấy và cảm nhận. Cuộc tình không thể như "một bức tranh" Tác giả có lẽ cũng dđồng cảm như thế để rồi phân vân, để rồi lựa chọn và cuối cùng đi đến quyết định "Giấu anh vào trong giấc mộng mong manh".

Trong giấc mộng Em hẳn nhiên sẽ không phải sống trong "thổn thức suốt đêm ngày". Cũng không phải chờ đợi như bờ chờ sóng, càng không phải ngắm nhìn từ xa như tranh. Em với một tình yêu đặc biệt dành cho Anh "suốt đời không phai nhạt". Tình của em có lẽ còn dạt dào hơn những con sóng bạc đầu ngoài khơi lao về với bờ. Bất chấp tất cả chỉ bởi "anh là hạnh phúc của riêng em"Chứ không hẳn là hạnh phúc của hai ta.

Giấu của Hương Ngọc Lan phải chăng là một cuộc tình cần phải giấu. Nhưng khi yêu trái tim luôn có lý lẽ riêng của nó, người mang trái tim yêu thổn thức suốt đêm ngày kia hẳn không hề muốn Giấu... Em trong thơ Hương Ngọc Lan là một chủ thể đặc biệt, và tình yêu thương dành cho Anh của Em cũng đặc biệt không kém.
 Đó chính là nguyên nhân để cảm xúc bật lên Giấu được tác giả gửi vào câu chữ đơn giản nhưng trau chuốt kỹ lưỡng, trước khi sắp xếp theo một nhịp điệu khi êm ả, lúc gập ghềnh và có lúc như hụt hẫng... Tất cả nhằm chuyên chở một mối tình trắc trở, có lẽ người gây ra trắc trở từ phía anh.
 Phải chăng bắt nguồn từ trắc trở ấy khiến cho trái tim yêu loạn nhịp của Em buộc phải che Giấu... 
Giấu nhưng mà không giấu được nữa rồi. Mối tình ấy đã được khoe ra kể từ khi câu thơ đầu tiên được viết ra...

Sài Gòn 26/7/2015
Huỳnh Xuân Sơn