Chủ Nhật, 31 tháng 1, 2016

ĐỌC bài thơ Tình Yêu Trong Chiến Tranh của tác giả Bùi Thị Sơn



Huỳnh Xuân Sơn Với Cảm Nhận bài thơ Tình Yêu Trong Chiến Tranh của tác giả Bùi Thị Sơn 


****************

Tháng Bảy thơ về đề tài Chiến Tranh và Tri Ân tràn lên khắp các trang thơ xuất phát từ những tâm hồn yêu thơ. Nào đâu chỉ có những vần thơ nhắc nhớ về chiến trận với bom đạn tàn khốc. Đâu phải chỉ có thơ lên án tội ác chiến tranh gây cảnh tang tóc, mất mát đau thương cho người dân trên cả nước,dù ít dù nhiều đều phải gánh chịu hậu quả…

Một mảng đề tài không thể thiếu trong những năm gian khổ ấy, là Tình Yêu. Vâng Tình Yêu lúc nào cũng là đề tài nóng nhất cho nhà thơ khi cầm bút. Người trong cuộc viết cho nhau, người ngoài cuộc viết cho người trong cuộc cùng thế hệ. Đặc biệt hôm nay tôi gặp và rất muốn đồng hành với cảm xúc của người ngoài cuộc viết về những người trong cuộc yêu nhau, nhưng khác thế hệ. Bài thơ của tác giả Bùi Thị Sơn có tựa đề:

Tình Yêu Trong Chiến Tranh

Tình yêu trong chiến tranh
mong manh
lặng lẽ như trăng rằm
long lanh…
Phút rạo rực nhọn hoắt như chiếc dằm
Găm chặt trong lòng lính trẻ
Không dám vượt một tầm với rất gần
Vuốt ve một niềm mơ thật khẽ…
Nuốt lịm nỗi khát khao lặng lẽ
Giữa hai đầu võng đưa
Cô dân công
Tay bấu víu khoảng thừa
vờ ngủ
Bốn mươi năm sau
Trở về thăm mộ cũ
Người lính tóc bạc phơ
Thương cô gái hóa người thiên cổ
Trắng trong mãi một giấc mơ( Bùi Thị Sơn)

Lời mở cho bài thơ phải chăng tác giả muốn khẳng định “Tình yêu trong chiến tranh” khác với tình yêu trong hoà bình ư? Từ xa xưa tới nay câu hỏi thế nào là tình yêu chẳng ai định nghĩa đúng trong mọi trường hợp… Mỗi trái tim có nhịp rung động theo tần số khác nhau, chẳng ai giống ai. 

Nhưng trong chiến tranh tình yêu “mong manh” thì có lẽ đúng trong mọi trường hợp. Người đi tham gia chiến đấu. Người ở lại hậu phương, một lá thư tâm tình gửi cho nhau cũng là báu vật hiếm hoi.
 Người đi mang theo lời hẹn thề để sống chiến đấu…Người ở lại chờ đợi với một niềm tin trong mỏi mòn..không biết ngày sum họp. Người đi kẻ ở họ yêu nhau như vậy trong thời ly loạn.

 Còn những cuộc tình nảy sinh tại chiến trường đến với các chàng trai cố gái xông pha lửa đạn thì lại khác. Người con trai biết trái tim mình rừng rực lửa đấy, nhưng có khi ngay cả ngỏ lời cũng không…Vì biết ngày mai ra sao dưới mưa bom bão đạn…Còn phía người nữ nhi đang tham gia phần việc mà thanh niên thời nay phần đông có lẽ chỉ nghe cũng đã thấy sợ. 

Tôi chỉ biết những công việc mà họ đã làm qua sách vở và những lời ca là động lực để sống để chiến đấu của các anh các chị một thời “Ơi những cô con gái đang ngày đêm mở đường
 hỏi em bao nhiêu tuổi mà sức em phi thường?
 em đi lên rừng cây xanh mở lối
 em đi lên núi núi ngả cúi đầu..” (Cô Gái Mở Đường- Xuân Giao). Chứ tôi chưa hề được học được nghe về tâm tư tình cảm của họ khi bên nhau phải nén lòng. Kìm hãm tiếng yêu, mà hình ảnh tác giả miêu tả có lẽ rất đúng tâm lý và rất thực ở thời điểm ấy:

Nuốt lịm nỗi khát khao lặng lẽ
Giữa hai đầu võng đưa
Cô dân công
Tay bấu víu khoảng thừa
vờ ngủ

Hai động từ kép “nuốt lịm” và “bấu víu” rồi “vờ ngủ” cho thấy sự chịu đựng và kìm nén tình cảm không hề dễ dàng chút nào. Trong khi ở ngay cánh võng bên cạnh là một anh lính trẻ cũng đang có khao khát rất đàn ông rất thật:

Phút rạo rực nhọn hoắt như chiếc dằm
Găm chặt trong lòng lính trẻ
Không dám vượt một tầm với rất gần
Vuốt ve một niềm mơ thật khẽ…

Có lẽ tôi và rất nhiều bạn đọc sống và yêu trong thời bình yên hôm nay. Rất khó hiểu hết tại sao “Phút rạo rực” của người đàn ông lại được tác giả ví nó “nhọn hoắt như chiếc dằm”. Ác nghiệt ở chỗ cái dằm ấy lại “găm chặt trong lòng anh lính trẻ”. Chiếc dằm nhọn hoắt ấy lại chính là phút rạo rực của người đàn ông ư? Vậy thì tại sao lại bị “găm chặt trong lòng” mà không bùng phát ra? Mang thắc mắc ấy đi tìm và tôi được biết vào lúc chiến tranh ác liệt ấy họ không được biểu hiện tình yêu ủy mỵ, làm nhụt chí chiến đấu. Thư từ gửi trao cho nhau cũng chỉ được nói chuyện đánh giặc. Làm gì có chuyện âu yếm “vuốt ve một niềm mơ ..” dẫu có thật khẽ thì cũng không được! bởi kỷ luật sắt của mệnh lệnh. Nên anh lính trẻ “không dám vượt một tầm với rất gần”. Còn “phút rạo rực” ai lại không có, đâu chỉ riêng người lính trẻ ấy! Nhưng "phút rạo rực" đến để rồi phải kìm nén, chôn vùi đi trong nhức buốt trái tim thì có lẽ chỉ có trong thời chiến mà thôi!

Một thời tôi đã nghe và đã thích những lời ca:

Anh lên xe, trời đổ cơn mưa
Cái gạt nước xua đi nỗi nhớ
Em xuống núi nắng về rực rỡ
Cái nhành cây gạt nỗi riêng tư. (Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây- Hoàng Hiệp)

Và cũng đã tin rằng “cái gạt nước” trước tấm kính xe ấy có thể “xua đi nỗi nhớ” trong lòng người đang yêu. Còn phía nữ nhi thì đơn giản hơn chỉ cần “cái nhành cây “ thôi là “gạt nỗi riêng tư” đi được. Tôi đã thật là ngây thơ và có phần mù quáng trong niềm tin vào sự rung động của trái tim yêu! Cho đến lúc mà đọc được lời thơ cũng như những lời chia sẻ sau:

“cả tiểu đội ngây người đứng ngắm
đây rừng phơi quần áo của chị em
17 năm -mài miệt sách đèn
đâu ai đã dám cầm tay bạn gái

nếu xem phim RỪNG LẠNH em sẽ hiểu về nỗi khát yêu của lính - đói rét ,bom đạn ,kể cả cái chết họ cũng không sợ -cái họ sợ là nỗi cô đơn -cô đơn đến mất lý chí ,đến phát rồ phát dại -trần truồng chạy trong rừng gào gọi tình yêu cũng không biết bao nhiêu người ngã xuống có trở thành thiên sứ không khi mà họ còn trinh trắng ?’ (Hải Minh)

Hay như:

Đọc, hiểu, thương và cảm phục những CON NGƯỜI chân chính trong cuộc chiến tranh vệ quốc đau thương và oanh liệt!
Bạn chị viết thư từ chiến trường Trị - Thiên về, có đoạn: "T ơi! Sáu tháng nay chúng tớ ở rừng, tuyệt nhiên không có bóng dáng con gái. Nói chuyện với nhau, chúng tớ chỉ thèm được nhìn thấy đôi bím tóc và chiếc quần phíp thôi!" Tội chưa?! (Hoamai1)

Và đây là lời chia sẻ của một bạn đọc khác nữa:

“Giai thoại chiến tranh và người lính kể đến bao giờ mới hết. Tình yêu khát khao, rạo rực, cháy bỏng con tim của người chiến sĩ. Nhưng họ không dám thổ lộ tình yêu, bởi họ sợ hôm nay là vậy nhưng ngày mai sẽ ra sao chỉ làm khổ cho nhau. Đớn đau vì một mối tình. Đành lặng yên, tinh nguyên sự trắng trong của mối tình lùi sâu vào ký ức và đẹp theo thời gian... (Đức Thắng)

Những khao khát rất thật, rất đời như thế nhưng họ cả một thế hệ đã phải nín nhịn, phải kìm nén vì chiến tranh. Vâng tôi cũng đồng ý rằng còn nhiều lắm kể bao giờ mới hết được. Thôi kể ra được bao nhiêu những uẩn ức trong lòng họ đã phải chịu đựng và kìm nén, thì có lẽ cũng an ủi được phần nào. Vì sự hy sinh thầm lặng mà lớn lao của các cô gái, chàng trai năm xưa cũng có người biết đến, dẫu muộn còn hơn không!

Bài thơ Tình Yêu Trong Chiến Tranh đã vào khổ kết với những vần thơ nặng trĩu tâm tư người trong cuộc may mắn trở về, tâm tư tác giả, tâm tư tôi và có lẽ rất nhiều bạn đọc khác nữa:

Bốn mươi năm sau
Trở về thăm mộ cũ
Người lính tóc bạc phơ
Thương cô gái hóa người thiên cổ
Trắng trong mãi một giấc mơ

Tính từ 30/5/1975 cho tới nay ngót bốn mươi năm. Từngđoàn cựu chiến binh quanh năm tìm về chiến trường xưa. Người mong muốn đi tìm đồng đội hoặc thân nhân ngã xuống những năm bom đạn. Có không ít người lính già tìm lại chiến trường xưa thăm người trong mộng của mình. Gọi là trong mộng, bởi ngày ấy có yêu đến mấy cũng lặng im kìm nén vì đại cuộc vì nhiệm vụ… Một trong số đó là “Người lính tóc bạc phơ” của tác giả Bùi Thị Sơn. Anh về “thăm mộ cũ” sau “bốn mươi năm” còn gặp lại, dẫu chỉ là nấm mộ cũ có lẽ anh còn là “người may mắn” bởi dẫu cho “thương người con gái” ấy “trắng trong mãi một giấc mơ” và đã “hóa người thiên cổ” nhưng còn nấm mộ là còn hơn biết bao nhiêu những: “Trắng trong mãi một giấc mơ”, còn đang phải nằm đâu đó, cô đơn, lạnh lẽo, giữa rừng già, ven lộ hay bên bờ suối! mà người “Không dám vượt một tầm với rất gần” xưa, cũng còn đang nằm đâu đó hoặc không biết họ ở đâu mà đến thăm như “người lính tóc bạc phơ” hôm nay.

Vẫn biết chiến tranh là hy sinh, là mất mát không chỉ tình riêng mà cả chính mạng sống của những người tham gia chiến đấu. Sự hy sinh thầm lặng của những đôi lứa yêu nhau, chờ đợi nhau. Rồi những người vợ chờ chồng trong mòn mỏi, những đôi lứa được gần nhau, yêu nhau mà không dám bày tỏ cũng là sự mất mát vì chiến tranh, do chiến tranh, mà có lẽ không bao giờ, và có điều gì bù đắp lại được.

Bài thơ Tình Yêu Trong Chiến Tranh của tác giả Bùi Thị Sơn, với những câu thơ mộc mạc giàu hình tượng, nặng tình thơ và ý thơ dạt dào. Đã nói lên được phần nào những hy sinh thầm lặng ấy. Sự dũng cảm vượt qua được “phút rạo rực” của người lính trẻ có khi còn khó khăn hơn việc cầm súng lao lên giữa mưa bom bão đạn.

Cám ơn Tác giả Bùi Thị Sơn đã cho tôi có dịp đồng hành với một góc nhìn về sự mất mát trong chiến tranh, mà xưa nay tôi chưa lưu tâm tìm hiểu. Có thể với cá nhân tôi cùng những suy nghĩ trong bài viết này, chưa hẳn đúng trong mọi trường hợp. Mong tác giả và bạn đọc hãy coi đây là tình cảm của cá nhân tôi dành tặng cho những “người lính tóc bạc phơ” hôm nay tìm về với những “Trắng trong mãi một giấc mơ”nơi chiến trường năm xưa. Cùng dành tặng cho những người lính mà một thời trai trẻ đã “không dám vượt một tầm với rất gần”.Nhưng nay chưa có điều kiện hoặc không biết "người ấy" đang ở nơi đâu, để mà tìm đến, mong một lần hội ngộ dẫu có phải âm dương cách trở...

Quy Nhơn 26/7/2014
Huỳnh Xuân Sơn

Thứ Bảy, 30 tháng 1, 2016

Cảm nhận bài thơ Anh Có Theo Về của tác Hoa Hồng


(Tác giả Hoa Hồng)

Huỳnh Xuân Sơn cảm nhận bài thơ Anh Có Theo Về của tác Giả Hoa Hồng

Chiếc xe từ từ leo dốc cầu Cần Thơ theo yêu cầu đi chậm của tôi. Bên cạnh anh chăm chú lái xe, còn tôi bấm kính xuống và thả tâm hồn mình lơ lửng cùng mênh mang sông nước miệt vườn cây trái Nam Bộ. Nước lớn đưa những đám lục bình dạt vào bờ. Nhen lên niềm hy vọng mai về gặp con nước ròng để mơ màng thêm lần nữa theo sắc tím chân quê đồng nội.

Miền Tây Nam Bộ tôi đã đi gần như khắp, tỉnh nào cũng vậy không lưu lại nhiều ngày thì cũng đã đi qua. Vậy mà giờ đây đọc được bài thơ Anh Có Theo Về của tác giả Hoa Hồng tôi cũng ngơ ngẩn… Lòng thầm ước giá như mình ngày trước cũng có một anh nào mời như Em của Hoa Hồng trong bài thơ!

Anh Có Theo Về


Anh có theo về với em không ?
Về vớt trăng mùa con nước nổi
Vớt tiếng cười chân quê đồng nội
Thả vào thơ.
Có về theo em hò lớ hò lờ
Bên bển bên nay đối qua đáp lại
Bơi xuồng đốt than bắt cua bắt nhái
Cá lóc nướng trui thơm nức cánh đồng.
Anh có theo về với em không ?
Để mà biết
Điên điển vàng ra sao trong nỗi nhớ
Để mà biết
Thế nào là con trăng đi ở đợ
Cho sông nước Miền Tây.
Về cho biết hốc mắt mẹ sâu -gầy
Lưng còng
Tay với
Theo mái dầm khua nhịp
Về mà nghe tiếng rao quê da diết
Ai . . .mua dưa điên điển . . . hông ?....
Em lớn lên theo từng nhịp mái dầm
Xinh mặn mòi trong lời rao của mẹ
Ký túc xá đêm nay nỗi nhớ nào len nhẹ
Nỗi nhớ vàng lắm
Vàng như bông điên điển mẹ hái chiều nao.
Anh có theo về với em không ?
Để mà biết
Mùa nước nổi quê em sướng khổ thế nào (Trần Ngọc Hòa- Hoa Hồng)

Thật thích thú khi xem Vở Diễn thơ tự do của tác giả Hoa Hồng với những Diễn viên câu chữ mộc mạc, không cần trang điểm vẫn đẹp một cách tự nhiên. Đạo diễn Hoa Hồng đã khéo léo sắp xếp cho các diễn viên nhảy múa, ca hát, theo nhịp điệu của Những mái dầm khua nước, nhịp điệu của câu hò đối đáp, nhịp của lời rao giữa mênh mang sông nước. Tất cả hòa quyện trong thơ nhằm khắc họa nên tình người chân quê, lòng người dân quê, cảnh sắc nơi quê, âm thanh đặc trưng vang vọng trên khắp vùng sông nước, hoa trái miệt vườn…đặc biệt là tấm lòng của cô gái trẻ đang yêu rất muốn Anh về cùng nhưng chữ Hiếu cô vẫn nắn nót viết bằng cả tấm lòng để làm nền cho vở diễn Anh Có TheoVề
Để cảm được hết vở diễn đặc biệt này có lẽ ta không chỉ nghe, nhìn, cầm nắm mà phải vận dụng hết năm giác quan và cần thêm giác quan thứ sáu nữa..

Anh có theo về với em không ?
Về vớt trăng mùa con nước nổi
Vớt tiếng cười chân quê đồng nội
Thả vào thơ.

Câu hỏi em trao đi nhưng hình như chưa muốn nghe anh trả lời! Em hỏi đó và muốn anh hãy nghe đã nhé, về cùng em “Vớt con trăng mùa nước nổi”, Hình ảnh đẹp quá, lung linh quá, về cùng em Vớt chứ không phải ngắm hay nhìn đâu anh ạ! Đọc xong khổ thơ ta cứ ngỡ nếu anh về cùng thì hai người sẽ vớt được và sở hữu trọn vẹn ánh trăng… Phải chăng Em vẫn còn phân vân sợ anh chưa cảm nhận được, bởi “con trăng mùa nước nổi” nếu anh là người thành phố hay vùng khác thì hẳn còn mơ màng… Em của Hoa Hồng quả nhiên có cách mời độc đáo khi đưa hình ảnh “vớt tiếng cười chân quê đồng nội.” để mà “thả vào thơ”. Đúng là tâm hồn mơ mộng của nàng thơ mới nghĩ ra được trò tinh nghịch như vậy. Ai thả tiếng cười trong dòng nước nổi mà vớt đây? Phải chăng nếu anh về, để rồi cùng đi vớt trăng với em, sẽ có rất nhiều tiếng cười vang lên giữa mênh mông đồng quê mùa nước nổi. Em đấy cùng nụ cười duyên của mình in bóng trong làn nước đấy… Chỉ cần anh giơ tay ra vớt thôi là sẽ có em trên tay. Một mở đầu cho một lời mời thật quyến rũ đưa ta về với quê hương Em của tác giả Hoa Hồng.

Có về theo em hò lớ hò lờ
Bên bển bên nay đối qua đáp lại
Bơi xuồng đốt than bắt cua bắt nhái
Cá lóc nướng trui thơm nức cánh đồng.

Thêm nhiều điều thú vị đi kèm lời mời tha thiết nữa rồi đây…Ai không thích thú khi được ngồi trên những chiếc xuồng ba lá trôi giữa mênh mông sông nước chỉ thấy dáng mà khó thấy mặt người cầm dầm khua nước. Nhưng những câu hò đối đáp giao duyên thì lanh lảnh cất lên rõ mồn một…mỗi lúc một xích lại gần nhau hơn. Anh của Em, tôi và có lẽ rất nhiều bạn đọc nữa chưa từng chứng kiến cảnh “bơi xuồng đốt than, bắt cua bắt nhái”. Nhưng qua phim ảnh sách vở thì “cá lóc nướng trui” đã thấy rất nhiều. Chỉ riêng cái hương vị “thơm nức cánh đồng” mênh mông mùa nước nổi là đã đủ để cho mấy chàng “ yêu bằng mắt” phải tặc lưỡi mà theo ngay là cái chắc…
Quê em còn nhiều điều muốn anh biết trước khi về! có lẽ Em đã nghĩ vậy nên :

Anh có theo về với em không ?
Để mà biết
Điên điển vàng ra sao trong nỗi nhớ
Để mà biết
Thế nào là con trăng đi ở đợ
Cho sông nước Miền Tây.

Mùa nước nổi cũng là mùa bông điên điển. Không phải ngẫu nhiên mà cụ Vương Hồng Sển đã từng viết:

Điên điển trên bờ ruộng trổ hoa
Vàng soi đáy nước tóc buông xòa
Chàng trai ve vãn “chờ em nhé
Ló rạng trời hồng em sẽ qua.

Loài Hoa dân dã mộc mạc đã ăn sâu vào trong tiềm thức mỗi người dân nơi đây, Loài hoa mang sắc vàng tô điểm khắp các bờ kinh, con rạch bờ ruộng mỗi khi mùa về. Ai đi xa cũng mang theo hình bóng không chỉ loài hoa mà cả các bà, các mẹ, các chị trên những chiếc xuồng ba lá hái bông điên điển. Trăng mênh mang rắc vàng ánh sáng trên sông nước miền tây mùa nước nổi,Trăng bầu bạn với người, với hoa với thiên nhiên nơi này…Mùa về trăng sáng reo vui mang đến cho người dân quê khiến họ cảm thấy mắc nợ ánh trăng ngà…Chứ nào ai có đủ can đảm cho trăng ở đợ nơi này…

Về cho biết hốc mắt mẹ sâu -gầy
Lưng còng
Tay với
Theo mái dầm khua nhịp
Về mà nghe tiếng rao quê da diết
Ai . . .mua dưa điên điển . . . hông ?....

Đọc tới đây mới hay, mới thấy thấm thía câu ca dao xưa

Điên điển mà đem muối chua
Ăn kèm cá nướng đến Vua cũng thèm


Mới thấy thấm cảm nhận của nữ ca nhạc sĩ Hà Phương:

Xa xăm nơi đất bưng biền
Ăn bông mà điên điển
Nghiêng mình nhớ đất quê
Xa xôi em khó mà về (Bông điên điển- Hà Phương)

Tấm lòng của người dân quê là vậy đấy! thật lòng cũng muốn mời, muốn gọi anh về! xong Em cũng muốn cho anh biết quê em với tình đất, tình người nơi đây không chỉ đẹp lãng mạn như thơ, như nhạc ,như tranh, anh vẫn nghe vẫn nhìn và vẫn thấy… Quê em còn có “lưng còng của mẹ./ Với tay./ Theo mái nhịp khua dầm”. Mẹ cũng là hình ảnh của đại đa số các bà mẹ Nam Bộ xưa nay tần tảo. Một đời lam lũ vất vả vì con. Những điều mà em muốn nói chưa hết, còn đây nữa:


Em lớn lên theo từng nhịp mái dầm
Xinh mặn mòi trong lời rao của mẹ
Ký túc xá đêm nay nỗi nhớ nào len nhẹ
Nỗi nhớ vàng lắm
Vàng như bông điên điển mẹ hái chiều nao.

Điều quan trọng nhất là điều em muốn nói sau cùng thì phải. Quê em đó em sẽ về, có những đêm trăng đẹp như xứ sở thần tiên, có tiếng cười trong vắt hòa vào sông nước bao la. Có mùa vàng bông điên điển làm nao lòng người xa xứ, Có những kỷ niệm thủa ấu thơ theo em lớn lên cùng chúng bạn. Có dáng mẹ tảo tần lam lũ nổi giữa mênh mang sóng nước. Mẹ đã nuôi em khôn lớn từ những lời rao theo nhịp mái dầm, len lỏi giữa màu vàng của trăng của hoa.Em với tâm hồn được nuôi dưỡng bằng những câu ca dao, câu hò đối đáp và không thể thiếu âm thanh rao bán vọng ra từ chiếc xuồng ba lá của bà của mẹ. Em của tác giả đã nói hết tâm tư khi cất lời mời! Vẫn chỉ là riêng em độc thoại, chưa có anh trả lời nhưng đã đến hồi kết.
Anh có theo về với em không ?
Để mà biết
Mùa nước nổi quê em sướng khổ thế nào

Một khổ thơ kết lặp lại câu hỏi tu từ nhưng tha thiết của cô sinh viên trong ký túc xá một chiều nhớ quê và mong mỏi ngày về sẽ có anh theo cùng! Em hỏi nhưng có lẽ em đã biết anh sẽ về. Chỉ là em muốn nhắc quê em có sướng, có khổ khi mùa nước nổi ! Tất nhiên điều đó nơi đâu và quê ai cũng vậy cả!

Viết đến đây! Tôi muốn cám ơn chủ thể Anh dầu anh chưa xuất hiện trong thơ, nhưng anh là người mà nhờ đó Em của tác giả Hoa Hồng đã cất lên những tâm tư tình cảm sâu kín, rất thơ, rất đẹp mà vẫn đậm chất dân dã Nam bộ. Cám ơn tác giả Hoa Hồng với bút pháp tinh tế thể hiện dòng thơ riêng biệt cuốn tôi vào…

Sài Gòn 4/9/2014

Huỳnh Xuân Sơn

Thứ Sáu, 29 tháng 1, 2016

Đọc Quê Mẹ của tác giả Phạm Hoàng Tuyên



QUÊ MẸ !

Mẹ ơi tết ta về quê ngoại nhé!
- Ừ con ngoan mẹ sẽ dẫn con đi.
Tiếng trẻ thơ vẫn bên chị thầm thì
- Mẹ nói thế đã bao lần rồi đó
Chị lặng buồn, mắt xa xăm trước ngõ
Mấy xuân qua chị đã nói cùng con
Thời gian trôi năm tháng cũng hao mòn
Hôm sắp mất chị nghẹn ngào trăn trối
- Tha lỗi mẹ nghen con, vì những lời nói dối
Quê ngoại chỉ là trong tưởng tượng mà thôi
Vì ngày xưa mẹ là đứa con rơi
Mẹ đâu biết về quê hương của mẹ! ( Phạm Hoàng Tuyên)

Tác giả viết Quê Mẹ với góc nhìn từ ngôi thứ ba! Quê Mẹ không phải là quê ngoại của tác giả, cũng không phải quê ngoại của tôi, của phần đông bạn đọc ...

Quê Mẹ là quê của nhân vật chữ tình Chị và là quê ngoại của nhân vật Con trong tứ thơ được chuyên chở bằng những câu thơ Tự Do...
Mười hai câu thơ với ba gạch đầu dòng phân chia ba giai đoạn cuộc đời nhân vật Chị... Ba cung bậc cảm xúc khác nhau từ đối thoại đến độc thoại giữa hai mẹ con của Chị...

Các bậc làm cha làm mẹ ai trong đời vì nhiều lý do khác nhau lại không có đôi lần thất hứa với con khi chúng muốn được về thăm Quê Ngoại...Nhiều khi cùng sống chung một vùng quê mà đòi hỏi sang nhà ngoại cũng chưa chắc bậc làm cha mẹ đáp ứng được đủ đầy cho con. Bởi vậy nên khi đọc bốn câu thơ mở đầu cũng chính là cuộc đối thoại giữa hai mẹ con :

Mẹ ơi tết ta về quê ngoại nhé!
- Ừ con ngoan mẹ sẽ dẫn con đi.
Tiếng trẻ thơ vẫn bên chị thầm thì
- Mẹ nói thế đã bao lần rồi đó

Nghe con trách, hẳn người mẹ nào cũng xót xa, chạnh lòng. Quê ngoại cũng chính là nơi sinh ra lớn lên, nơi lưu giữ biết bao kỷ niệm thủa ấu thơ của mỗi người mẹ. Tác giả Phạm Hoàng Tuyên thấu hiểu nỗi niềm ấy của những người phụ nữ đã và đang làm mẹ, Tác giả viết:

Chị lặng buồn, mắt xa xăm trước ngõ
Mấy xuân qua chị đã nói cùng con

Thật tình tới đây tôi cũng muốn buông một lời trách cứ chị bởi chị đã để con thốt lên "Mẹ nói thế đã bao lần". Ngay bản thân tác giả là người ngoài cuộc còn phải thốt ra "Mấy xuân qua chị đã nói cùng con" ...Phải chăng ẩn chứa trong ánh mắt xa xăm lặng buồn ấy là một dấu hỏi? Mà tác giả không nỡ đặt vào đây. Hay là còn uẩn khúc nào khác nữa...

Bài thơ vẫn còn ở phía trước, với câu thơ như một lời ta thán, như một sự khẳng định sự biến thiên không ngừng nghỉ của vòng quay trái đất.

Thời gian trôi năm tháng cũng hao mòn

Tới đây tôi bỗng nhận thấy cụm từ "mấy xuân qua..." Nó như vô lý khi tác giả sử dụng ở trên. Mới mấy xuân thôi mà sao lại phải hứng chịu sự phũ phàng "Năm tháng cũng hao mòn"? Hay chính chị đang bị bào mòn về thân xác đến nỗi chưa thể đưa con về quê ngoại. Một ước mơ trỗi lên trong lòng người viết giá như tác giả thay chữ Mấy bằng chữ Bao... Vâng Bao "xuân qua" Thì có lẽ tôi sẽ không hụt hẫng đến thế khi bước vào gạch đầu dòng thứ ba cũng chính là khổ thơ kết của tác giả Phạm Hoàng Tuyên:

Hôm sắp mất chị nghẹn ngào trăn trối
- Tha lỗi mẹ nghen con, vì những lời nói dối
Quê ngoại chỉ là trong tưởng tượng mà thôi
Vì ngày xưa mẹ là đứa con rơi
Mẹ đâu biết về quê hương của mẹ!

Chữ mấy có nghĩa chưa thể đến con số 10. Chỉ mới " Mấy xuân thôi" ấy mới đau đớn làm sao, khi mà hoàn cảnh éo le của Chị bắt buộc phải bật lên những lời "Trăn trối" với đứa con chưa một lần biết quê ngoại...

Đau xót nhất, cám cảnh nhất, nghẹn ngào nhất chính là cụm từ "Đứa con rơi" . Vì bị bỏ rơi nên chị không hề biết quê hương bản quán của mình ở đâu? Dẫu trong tưởng tượng có lẽ cũng chưa hình dung ra.

Phải chăng Chị thương con, không muốn con chịu cảnh như mình nên đành lòng phải nói dối. Lời nói dối ấy khi mà chị trăn chối chính là nút thắt cuộc đời chị đã được gỡ ra...

Chị "Đâu biết quê hương của" chị. Thì con chị cũng chẳng thể có quê ngoại. Hai chữ Quê Ngoại của tựa đề ngỡ ngọt ngào bỗng tất cả trở nên cay đắng xót xa, nghẹn ngào với hai chủ thể trữ tình trong thơ của tác giả Phạm Hoàng Tuyên.

Với Quê Ngoại tác giả Phạm Hoàng Tuyên đã khắc hoạ ra hai mảnh đời trong nhân quần xã hội hôm nay, ta có thể gặp rất nhiều. Vẫn biết "Mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh". Nhưng sau khi đọc xong Quê Ngoại. Tôi thấy mình vẫn còn may mắn dẫu cho phải:
Nhìn người có Ngoại trong đời
Còn tôi mất ngoại từ thời ấu thơ (Chạnh Lòng- Tiểu Long)

Đã thấy tủi tủi gì đâu? Mẹ tôi mồ côi mẹ từ nhỏ nên tôi chỉ còn Quê Ngoại mà không còn Ngoại nữa...
Năm tháng trôi qua tôi lại làm mẹ. May mắn thay có nhiều lần ríu rít mẹ con đùm túm về thăm Ngoại. Cũng dăm lần con đòi về mà vì áo cơm, vì nhiều nhẽ mà hứa lèo với con....

Nay các con tôi đã trưởng thành có thể tự về quê ngoại...Nhưng ngay lúc này tôi vẫn muốn nói với chúng.

Cuối tuần này cả nhà mình về Quê Ngoại nhé!

Sài Gòn 25/6/2015
Huỳnh Xuân Sơn


Thứ Ba, 26 tháng 1, 2016

Đọc VÔ ĐỊNH của Ngô Tuyết Lê





Huỳnh Xuân Sơn cảm nhận tác phẩm Vô Định của tác giả Ngô Tuyết Lê

Đã bao giờ bạn tự hỏi lòng mình rằng đi đâu? về đâu? Rồi cũng lại tự mình không thể trả lời câu hỏi ấy không? Tâm trạng ấy tôi đã từng đôi lần rơi vào! Ngay lúc này tôi gặp và đồng cảm với một thiếu nữ, khi cô gửi gắm một tâm trạng bất an, một tâm hồn trống rỗng vào câu chữ trong bài thơ :

Vô Định

Chầm chậm...
Từng giọt cà phê rơi
Sóng sánh.
Bước thời gian
Lặng lẽ quay về.
Ta...

Đếm nhặt...
Hòng lấp đầy khoảng trống.
Góc tâm hồn.
Cả một khoảng mông lung. (Ngô Tuyết Lê )

Vô Định! Ba mươi hai chữ, ba mươi mốt từ cho một bài thơ phải chăng là quá nhiều, phải chăng là quá ít!

Vô định!
Bất an!
Trống rỗng! Và còn gì nữa đây trong khuôn khổ một bài thơ tình Tự Do.

Vô Định! Được bắt đầu từ lúc chờ đợi từng giọt cà phê rơi? Hay Vô Định và bước chân vô lối dẫn tới nơi quán vắng để ngồi mà gặm nhấm cùng

Chầm chậm...
Từng giọt cà phê rơi
Sóng sánh.
Mâu thuẫn xuất hiện ngay những câu thơ ngắn mở đầu. Chầm chậm... Chầm chậm bao lâu? Mới nhìn "Từng giọt cà phê rơi" Để rồi nhận thấy "sóng sánh" Trong ly! Nếu những giọt cà phê đầu tiên rơi xuống đáy cốc hẳn nhiên không thể "Sóng sánh"! Phải chăng người phục vụ mang cà phê đến lúc nào cũng không hay? Bất an hay trống rỗng? Hoặc giả Vô Định xuất hiện trước để cho ánh mắt nhìn vô cảm trong khoảng thời gian này?

Nhà thơ Thanh Trắc Nguyễn Văn cũng đã viết

Cà phê
Sóng sánh trời quên
Khuấy tan rồi lại hiện tên một người. (Lục Bát Cà Phê)

Có lẽ ở Vô Định người nhìn cà phê sóng sánh cũng có nỗi niềm riêng chăng?

Bước thời gian
Lặng lẽ quay về.
Ta...
Đếm nhặt...
Hòng lấp đầy khoảng trống.
Góc tâm hồn.
Cả một khoảng mông lung.

Vô Định! Trạng thái này có lẽ đã xuất hiện trong tâm trí lâu rồi hoặc nguyên nhân dẫn đến trạng thái này đã ủ mầm, nảy lộc, đơm bông, kết trái, trái chín rơi xuống bủa vây chủ thể trong thơ!

Ngồi trước ly Cà Phê, nghe thời gian chông chênh trở về trên đường ngược gió "lặng lẽ". Ôi cái sự "lặng lẽ quay về" Trong lúc cô đơn, trống rỗng mới đáng sợ làm sao? Để rồi:

Ta...
Đếm nhặt...

Hai dấu ba chấm đi theo đại từ nhân xưng Ta và hai động từ Đếm Nhặt. Cho người đọc cảm nhận rằng Ta trong khoảng thời gian ấy đã cố gắng gom góp, nhặt nhạnh từng ít một, có lẽ là yêu thương trên đường đời, trên đường tình Ta qua."Hòng lấp đầy khoảng trống". Khoảng trống thật đáng sợ của một"Góc tâm hồn". Cũng còn may chưa phải là cả Tâm hồn, để còn có phần mà hy vọng, mà chờ đợi,Ta sớm vượt qua khoảng lặng vô hình mà tác giả gọi nó là "Cả một khoảng mông lung."

Vô Định! Nếu như không có chữ Góc ấy, mà chỉ là Tâm Hồn hoặc thay chữ góc bằng chữ Cả. Có lẽ tia hy vọng mong manh xuất hiện ngay từ đầu của Ta, lúc nhận ra ly cà phê dẫu chầm chậm nhỏ giọt cũng kịp sóng sánh hẳn đã tan biến đi tự bao giờ!

Vô Định! Thật đáng sợ, nhưng vẫn là chữ nhưng trạng thái này rồi sẽ trôi qua cùng quy luật bất biến của thời gian. Vô Định xuất phát có lẽ từ sự hụt hẫng trong tâm hồn, từ sự chông chênh trên đường đời, đường tình. Một góc tâm hồn thương tổn kéo Ta vào trạng thái Vô Định và thấy trước mắt là "Cả khoảng trống mông lung". Biết rằng đã cố gắng gom góp yêu thương để mà lấp cái khoảng trống đáng sợ ấy! Chỉ là hiện tại ngay lúc này chưa lấp được thôi! Chứ không phải là không lấp được.

Ly cà phê đặc sánh còn đây! Ta ơi! hãy khuấy đều và chầm chậm thưởng thức, một chút đắng, một chút chua, một chút thơm, một chút...Một chút... Nhưng chính yếu là Dư vị sau khi uống còn đọng lại rất lâu không hề có vị Đắng dẫu chỉ một chút!

Ly cà phê rồi sẽ cạn, nỗi niềm cũng sẽ vơi. Biển mênh mông là thế vẫn có bờ, Trời lồng lộng vẫn thấy chân. Trạng thái Vô Định này rồi sẽ hết!

Sài Gòn 27/5/2015
Huỳnh Xuân Sơn


Thứ Hai, 25 tháng 1, 2016

Đọc Nhớ Em Của Tác Giả Thiên Tú



Cảm Nhận bài thơ Nhớ Em của tác giả Thiên Tú 

Ca Dao viết về nỗi nhớ  có câu:
Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ, 
Nhớ ai, ai nhớ bây giờ nhớ ai? (Ca Dao)
Nỗi nhớ ở đây không có đối tượng cụ thể, phải chăng trong đó có một nỗi nhớ bâng quơ? Một nỗi nhớ vô bờ hoặc giả nỗi nhớ ấy không thể nào ghi lại bằng ngôn từ cụ thể để gửi cho một đối tượng rõ ràng...
Không như trong câu Ca Dao trên, ở Song Thất Lục Bát Độc Tôn có một nỗi nhớ đặc biệt  mang tên Nhớ Em được tác giả Thiên Tú viết để gửi gắm nỗi nhớ của mình :

Nhớ Em

Biển yên sóng lặng bờ cát trắng
Đàn hải âu trong nắng đẹp xinh
Bình minh trên biển một mình
Có cơn gió gọi cuộc tình năm xưa (Thiên Tú)


Bài thơ ngắn theo thể thơ Song Thất Lục Bát với niêm vần chặt chẽ, cùng những câu từ chắt lọc, được tác giả sắp xếp theo một giai điệu nhẹ nhàng, như những cơn sóng biển bạc đầu dìu dặt chở ý thơ Nhớ Em xô bờ... 
Nhớ Em được tác giả bắt đầu bằng một khung cảnh cụ thể 

Biển yên sóng lặng bờ cát trắng

 Với câu Thất mở đầu, tác giả đã vẽ ra một không gian, một quang cảnh và địa điểm cụ thể. Có lẽ đây chính là nơi khởi nguyên cho Nhớ Em xuất hiện. 
Biển luôn dập dìu những khúc tình ca vang lên, lan xa muôn thủa của mình hoà cùng vũ khúc của gió và nước ào ạt xô bờ. Biển không yên, sóng không lặng, chỉ có lòng người đang đứng trước "Bờ cát trắng đẹp xinh" kia thấy lòng mình bình yên, lặng sóng trước biển nên mới cảm vậy mà thôi!
Khi lòng người thư thái cùng bước chân trần trên cát trắng, bên bờ biển xanh dạt dào sóng vỗ ấy, hẳn là Nhớ Em chưa xuất hiện cho đến lúc ánh mắt Lãng Tử bắt gặp hoặc giả những sải cánh dũng mãnh của "Đàn hải âu" xuất hiện, phá vỡ không gian "trong nắng đẹp xinh" Và yên bình ấy!
Lúc này Lãng Tử mới nhận ra phía chân trời, hừng đông đã nhường chỗ cho bình minh rạng rỡ xuất hiện. Những ánh nắng ban mai lao lên xé toang vầng mây, rồi toả ra sà xuống mặt biển chúng nô đùa với sóng nước bao la... 
Có lẽ chính những tia nắng trên biển khiến cho bước chân LãngTử khựng lại nhìn quanh tìm tiếng reo vui ngày nào,cũng nơi này và những tia nắng ấy. Để rồi chợt nhận ra "Bình minh trên biển" hôm nay, ngay lúc này, ta chỉ có "Một mình". Biển xanh, cát trắng, nắng, gió, cả đàn hải âu kia cũng trở nên vô vị bởi nỗi nhớ ùa về. 
Nhớ Em lúc này mới xuất hiện:

Có cơn gió gọi cuộc tình năm xưa

Một câu kết nên thơ, nặng tình, làm điểm nhấn của bài thơ thể hiện một nỗi nhớ về một cuộc tình đã xa (năm xưa)... Nhưng chưa khuất và có lẽ nó chỉ ẩn khuất đâu đó trong một ngăn bí mật của trái tim đa cảm, để rồi sớm nay trước biển nó bật dậy. 

Nhớ Em nhưng cả bài thơ hai mươi tám chữ không có chữ nào mang tên Nhớ, Chỉ đến cuối cùng có "Cơn gió gọi" mà thôi!
Cơn gió ấy gọi "cuộc tình năm xưa". Cuộc tình ấy đã trả lời thành giai điệu cùng nhịp đập trái tim người nghe,để rồi tứ thơ xuất hiện và có một Nhớ Em hiện diện ...
Cám ơn tác giả Thiên Tú đã viết Nhớ Em và Cám ơn Song Thất Lục Bát Độc Tôn đã làm cầu nối cho người viết có duyên được gặp một bài thơ hay.
 Sài Gòn 12/11/2015
Huỳnh Xuân Sơn


Nguồn https://www.facebook.com/profile.php?id=100009140790861&fref=nf



Thứ Ba, 19 tháng 1, 2016

Đọc MẸ GHẺ Của Tác Giả Phạm Hoàng Tuyên




Không biết từ bao giờ nữa? Có lẽ từ thủa có con người và hình thành nên mối quan hệ gia đình và xã hội, thì người xưa đã truyền khẩu những câu ca dao tục ngữ về mối quan hệ mẹ ghẻ con chồng. Phần đông không mấy thiện cảm với người mẹ kế.
Nào là

Mấy đời bánh đúc có xương
Mấy đời mẹ ghẻ lại thương con chồng(Ca dao)

Rồi thì
Mồ côi cha ăn cơm với cá
Mồ côi mẹ liếm lá đầu đường (Ca Dao)

Hay như câu chuyện mẹ ghẻ con chồng trong Tấm Cám. Có lẽ chỉ nhắc tới tên truyện là phần đông bạn đọc đều hiểu nội dung của nó muốn nói gì?

Ngày nay trong dòng chảy thơ ca hiện đại các thi nhạc sĩ cũng không tiếc lời than van về sự cay nghiệt của Mẹ kế, về sự khổ cực oan ức của con chồng...

Tác giả Phạm Hoàng Tuyên là một
 ngoại lệ khi anh gửi gắm vào câu chữ trong bài thơ 


Mẹ Ghẻ
***
Chị dữ dằn nên chẳng có ai thương
Ba mươi tuổi mới có chồng - góa vợ
Nhìn thằng bé con chồng như của nợ
Chị hung tàn trên những vết roi mây

Mười tuổi đời như một kẻ ăn mày
Làm quần quật vẫn chưa vừa lòng chị
Có bao giờ chị hài lòng thỏa ý
Khi trái tim người dì ghẻ độc tài

Rồi đớn đau lại giáng xuống một ngày
Mười sáu tuổi nó lìa cha mãi mãi
Chị đuổi khéo " Mày muốn về với ngoại,
Thì đi đi, tao chẳng thiết tha đâu!"

Nó lặng đau trên khuôn mặt u sầu
Khe khẽ bảo - Con sao đành bỏ mẹ!
...!!!
Nấm mồ chồng chôn tâm hồn dì ghẻ
Để lương tri chị trở lại con người
Ôm vào lòng mà nước mắt tuôn rơi
Tha lỗi nhé, đứa con khờ của mẹ!! (Phạm Hoàng Tuyên)


Bài thơ Mẹ Ghẻ với chủ thể chữ tình Chị, được khắc hoạ chân dung, tính cách từ góc nhìn trực diện của tác giả trong vai người quan sát... Người ta vẫn hay gọi Dì Ghẻ.... Tác giả lại gọi chủ thể Chị là Mẹ Ghẻ của Nó. Không rào trước đón sau tác giả xô người đọc đến diện kiến ngay chân dung và tính cách một người phụ nữ chẳng mấy thiện cảm:

Chị dữ dằn nên chẳng có ai thương
Ba mươi tuổi mới có chồng - góa vợ
Nhìn thằng bé con chồng như của nợ
Chị hung tàn trên những vết roi mây

Không cần ẩn ý, chẳng cần ngôn từ hoa mỹ, cũng không chút mảy may che đậy... Chân dung người phụ nữ lỡ thì, quá lứa vì tính cách "dữ dằn chẳng có ai thương" Đã được tác giả căn ngang xổ thẳng qua hai câu thơ mở đầu... Chưa hết "yêu nhau cau sáu bổ ba. Ghét nhau cau sáu bổ ra làm mười", Câu nói của người xưa có lẽ dành cho Chị thì phải. Người đàn bà ấy may mắn có được tấm chồng dầu là "goá vợ". Những tưởng xưa nay vì dữ dằn chẳng ai đoái hoài tới, Nay may mắn có được một tổ ấm gia đình riêng thì phải biết yêu thương con trẻ mới là phải đạo...

Nhưng không! Có lẽ Chị đã được nghe, được đọc,được học Tấm Cám nhuần nhuyễn rồi. Con chồng, là giọt máu của chồng người mà bỏ qua tất cả yêu thương và lấy chị làm vợ, lại hiện diện trong thơ, trong mắt Chị "Như của nợ...". Và khi đã coi như của nợ thì hẳn nhiên bản tính "Dữ dằn"Được dịp thể hiện là tất yếu...


Mười tuổi đời như một kẻ ăn mày
Làm quần quật vẫn chưa vừa lòng chị
Có bao giờ chị hài lòng thỏa ý
Khi trái tim người dì ghẻ độc tài

Chân dung Nó đứa trẻ mồ côi mẹ không hiện diện rõ nét trong thơ. Nhưng tác giả biết Nó chỉ là đứa trẻ "Mười tuổi đầu..." Và có lẽ vì thiếu bàn tay săn sóc của người mẹ nên nhìn Nó "như một kẻ ăn mày" Có khác chăng "kẻ ăn mày ấy" Phải "Làm quần quật..." Để đổi lấy miếng ăn cái mặc... Ác nghiệt thay là ở chỗ "Vẫn chưa vừa lòng Chị"... Người Mẹ Ghẻ có "trái tim ....Độc tài".... Bất giác người viết muốn hỏi tác giả rằng trái tim người mẹ ghẻ này Độc tài hay độc ác đây? Nếu là người viết trong trường hợp câu thơ này, người viết sẽ bất chấp "lỗi vần thất luật" Để sử dụng chữ Ác thay chữ Tài...

Vẫn biết ở đời trong mọi mối quan hệ chứ không riêng gì Dì ghẻ con chồng, "Yêu nên tốt, ghét nên xấu" . Ở đây người mẹ ghẻ này coi đứa trẻ "con chồng như của nợ". Hẳn nhiên bất kể lúc nào cũng muốn "khuất mắt cho rảnh nợ" Là cái chắc...

Chẳng cần phải trong ca dao răn dạy người đời, Cũng không phải tìm những nhân vật trong phim ảnh hay thơ ca để minh chứng cho điều ấy. Người viết xin mượn hai đoạn trích sau :

-"Mụ dì ghẻ sợ sau này chồng sẽ chia chác đất cát cho con riêng, đã trói thằng bé mới 5 tuổi, buộc đá vào, rồi ném xuống sông Hồng. Sau khi xác cháu bé phân hủy, tay rụng ra khỏi dây thừng, thì nổi lên, trôi vào vụng nước, rồi anh Đại vớt được." (lời kể của người vớt xác trên Sông Hồng)
- Lời thuật lại của Mụ dì ghẻ sát nhân Vũ Thị Duyên Quỳnh:
"...Chuyện xảy ra năm 1998. Mới sinh con chưa đầy 3 tháng, Quỳnh đã khủng hoảng tinh thần khi không nhận được sự quan tâm của chồng. Mối nghi hoặc, ghen tuông, bệnh hoạn đã biến chị ta thành mụ dì ghẻ độc ác đến rợn người. Hàng ngày thấy chồng tỏ ý quan tâm chăm sóc đứa con gái riêng mới 4 tuổi, lòng Quỳnh sục sôi cảm giác đố kỵ, ghen ghét. Ả thoắt trở nên khó hiểu, lầm lì và nung nấu một âm mưu độc ác khủng khiếp.

Một buổi chiều, Quỳnh nhờ người trông con, sau đó ả bình tĩnh dắt xe ra ngoài, rủ con của chồng "đi chơi", rồi ả chở thẳng cô bé lên cầu Thăng Long. Đến giữa cầu, ả trực tiếp ném đứa bé vô tội xuống sông Hồng. Dòng sông ngầu đỏ phù sa ấy đã vô tình cuốn theo một đứa trẻ vô tội... Tiếng thét cuối cùng của đứa bé đã hằn sâu trong óc ả." (Theo Thuỳ Chi - Gia Đình & Xã Hội).


Hai lời kể từ những câu chuyện có thật ở trên, ngẫm sâu xa một chút theo suy nghĩ thiển cận rằng "nhìn lên chẳng bằng ai, nhìn xuống thấy chẳng ai bằng mình." Ta thấy Nó còn có phần được an ủi và may mắn hơn những mảnh đời bất hạnh khác, mà hai em bé xấu số ở trên đại diện cho số ấy!

Dòng đời vốn không yên ả, cũng chẳng có ai giống ai. Mỗi người có phận số riêng của mình...

Tác giả cho biết thêm về Nó

Rồi đớn đau lại giáng xuống một ngày
Mười sáu tuổi nó lìa cha mãi mãi

Mười sáu tuổi cột mốc ấy đã lưu dấu thêm một nỗi đau mất mát lớn nhất trong cuộc đời Nó.... Cứ ngỡ Nó "làm quần quật" Một thân trâu ngựa cho Mẹ Ghẻ dẫu chưa vừa lòng thì nay Cha Nó ra đi mãi mãi, ít nhiều Nó cũng nhận được chút bố thí tình thương từ người Kế mẫu mới phải, vì dẫu là Dì Ghẻ thì cũng là con người chứ đâu phải gỗ đá mà không biết thương xót nhau....

Nhưng! Nó đã không được may mắn như thế. Tác giả không nói rõ bao lâu sau khi cha Nó không còn thì Nó nhận được "Ân sủng" Từ mẹ ghẻ rằng:

Chị đuổi khéo " Mày muốn về với ngoại,

Thì đi đi, tao chẳng thiết tha đâu!"

Tích Xưa trong Nhị Thập Tự Chí Hiếu Mẫu Tử Khiên bị dì ghẻ bạc đãi vẫn nén cơ cực mà chịu ...Một ngày cha ông phát hiện ra sự cay nghiệt của vợ kế dẫu đã có thêm hai mặt con với người vợ này cha ông vẫn quyết định: "Nghiến răng cắt đứt mối dây xướng tùy." Nhưng Mẫu Tử Khiên đã :

Gạt nước mắt chân quỳ miệng gởi.
Lạy cha xin xét lại nguồn cơn,
Mẹ còn chịu một thân đơn.
Mẹ đi luống để cơ hàn cả ba.

Cha trông xuống lệ sa giọt tủi
Mẹ nghe lời cũng đổi lòng xưa,
Cho hay hiếu cảm nên từ.
Thấm lâu như đá cũng nhừ lọ ai? (Thơ: Lý Văn Phức).

Trở Lại với Nó trong Mẹ Ghẻ của tác giả Phạm Hoàng Tuyên. Phải chăng đến lúc cha Nó đi mãi mãi Nó vẫn không có em? Nên sau khi nghe mẹ ghẻ đuổi khéo phản ứng của nó thật bất ngờ khiến cho ai nấy khi hay, đều cảm động, trước khi an lòng:

Nó lặng đau trên khuôn mặt u sầu
Khe khẽ bảo - Con sao đành bỏ mẹ!

...!!!

Chỉ một nửa câu thơ "Con sao đành bỏ mẹ!" Như một biển tình trong sáng mênh mông hiếu nghĩa của Nó ập vào thức tỉnh lương tri người phụ nữ vốn xưa nay "dữ dằn" Có "Trái tim độc tài"...

Một ý thơ đặc biệt, cho một khổ thơ cũng đặc biệt không kém khi chỉ có hai câu và ba dấu chấm than đi theo sau dấu ba chấm. Phải chăng khi nút thắt này được gỡ bỏ Mọi ngôn từ đều bất lực trước tấm lòng hiếu nghĩa của Nó dành cho người mẹ kế, sau khi Nó không còn cả cha lẫn mẹ. Chỗ dựa còn lại ngoài Mẹ Ghẻ là Ngoại.

Hoặc giả sau khi Chị "đuổi khéo" cái "Của nợ" Xưa nay vốn là cái gai trong mắt chị, nhưng vì Cha Nó cũng chính là chồng chị, mà chị còn để cho Nó có cơ hội nương náu "Như kẻ ăn mày" trong chính ngôi nhà của cha và mẹ kế là Chị. Nhưng mấy lời nó "Khe khẽ bảo" Này thì suốt những năm tháng qua, có lẽ chị chưa bao giờ ngờ tới. Nên giờ đây chị nghe và có lẽ sự ngỡ ngàng cùng với xúc động đã khiến chị không thể cất thành lời... Tác giả cảm được điều đó nên đã để hai câu thơ không có ngôn từ biểu đạt cho mỗi bạn đọc cùng suy ngẫm...

Và cũng có thể hai câu thơ không có ngôn từ ấy Một dành cho Nó :

"Trăm cay đắng một niềm ngon ngọt,
Dẫu tử sinh không chút biến dời,
Xót tình khóc tối kêu mai
Xui lòng ghen ghét hóa vui dần dần,

Trời cao thẳm mấy lần cũng đến
Vật vô tri cũng mến lọ người." ( Lý Văn Phức).

Một dành cho Chị người Mẹ ghẻ tự chiêm ngiệm ....

Dẫu có thế nào thì bài thơ cũng đã đi vào những câu thơ kết.

Nấm mồ chồng chôn tâm hồn dì ghẻ
Để lương tri chị trở lại con người
Ôm vào lòng mà nước mắt tuôn rơi
Tha lỗi nhé, đứa con khờ của mẹ!!

Một tứ thơ kết có hậu có lẽ đủ để cho rất nhiều người dù trong hoàn cảnh nào cũng đều vỡ oà niềm vui.
Tình mẫu tử thiêng liêng đã được hiện diện trong lời nói cùng vòng tay của người Mẹ ghẻ, lúc này chỉ còn biết nghẹn ngào trong nước mắt, trong niềm hạnh phúc bất ngờ, mà ngôn từ còn bất lực trước Lời nói cũng như tình cảm của đứa con mình không sinh ra nhưng lại đem đến trao tặng...

Nhưng để đem được những cảm xúc ấy đến với bạn đọc thì tác giả Phạm Hoàng Tuyên đã siết nút thắt chặt, tưởng như bóp nghẹt trái tim người đọc đồng cảm,khi đưa hình ảnh "Nấm mộ chồng..." vào tứ thơ kết, dùng để chôn luôn "Tâm hồn dì ghẻ". Tác giả lần đầu tiên và cũng là duy nhất trong bài dùng đại từ nhân xưng Dì ghẻ chứ không phải Mẹ Ghẻ.

Hỏi còn gì đau đớn hơn, bạc đãi hơn trong mối nối tình cảm mẹ kế con chồng, khi mà ngay lúc đang gánh chịu nỗi đau vĩnh viễn mất đi người cha thân yêu, thế mà ngay ngày chôn cha cũng là ngày Nó nhận được lời :Đuổi khéo" Của Dì ghẻ...
Tới đây người viết muốn gửi tới bạn đọc và tác giả một câu hỏi:
- Nhân chi sơ tính bản thiện của Khổng Tử hay Nhân chi sơ tính bản ác của Tuân Tử đúng, trong trường hợp người Mẹ Ghẻ và Nó đây?
Với cá nhân người viết thì xin mượn mấy câu thơ sau làm câu trả lời cho câu hỏi của chính mình.

"Nhân chi sơ vô bản tính .
Gần thiện tính thiện
Gần ác tính ác.
Tùy nghiệp chi phối.
Ắc có sai khác.
Trung trùng duyên khởi.
biết đâu mà lần.
Đi thuyền Bát nhã.
Chẳng thiện chẳng ác "

Nó gieo nhân lành ắt ngày sau gặt được trái ngọt. Người Mẹ kế dẫu đã có cay nghiệt, bạc ác với con chồng, nhưng đã thức tỉnh bản tính thiện trong con người,trước tấm lòng thánh thiện của Nó....
Để rồi sau phút nói không nên lời Chị đã mở rộng lòng, cũng như dang rộng vòng tay ôm Nó cùng lời xin lỗi muộn mà không muộn...
Đại từ nhân xưng cuối cùng của khổ kết, thì từ Mẹ thiêng liêng không còn gắn theo chữ Ghẻ nữa.

Vẫn biết Nó chẳng phải Ngu Thuấn hiếu tử cảm động lòng trời để rồi được thánh thượng kêu gả con gái và truyền ngôi cho...
Nó cũng chẳng phải Mẫn Tử Khiên để mà lưu danh mãi ngàn đời trong Nhị Thập Tứ hiếu...
Nó cũng không phải là Nàng Bạch Tuyết trong Nàng Bạch Tuyết Và Bảy Chú Lùn để rồi một ngày kia sẻ gặp chàng hoàng tử...

Nó chỉ là một đứa trẻ mồ côi mẹ như bao nhiêu đứa trẻ mồ côi trên đất nước này, cha đi bước nữa và không may mắn một thời gian Nó đã phải sống với Dì Ghẻ dữ dằn...

Cứ ngỡ đời Nó tối tăm như lối mòn nhiều người đã khắc hoạ... Nhưng với tác giả Phạm Hoàng Tuyên thì cuối đường hầm là một cánh cửa mở ra , một bầu trời trong sáng, một vườn nhân ái với hoa thơm hiếu tử vừa kịp kết trái thiện tâm chờ đón Nó cùng người mà bấy lâu nay Nó luôn coi là Mẹ .
Thông điệp mà tác giả Phạm Hoàng Tuyên muốn gửi gắm trong bài thơ Mẹ Ghẻ phải chăng là như thế!

Sài Gòn 15/7/2015
Huỳnh Xuân Sơn

Chủ Nhật, 17 tháng 1, 2016

Đọc THÈM của tác giả Thiên Thu


(Ngày 20 tuổi)

Người viết gặp dòng thơ của tác giả Thiên Thu (Vũ Sơn) một cách tình cờ khi anh trùng tên với một tác giả khác. Theo dấu chân anh sang nhà. Để rồi nội dung bài thơ đầu tiên người viết gặp đã níu giữ người viết dừng lại...

Sau khi được Thèm dẫn dắt đi, rồi bị xô ngược trở về tuổi thơ, về với một làng quê nghèo thuộc vùng Trung Du Bắc Bộ... Người viết rất muốn chia sẻ với bạn đọc tác phẩm có tựa đề rất đặc biệt này.


THÈM.

Tôi chợt thèm cong queo chiếc bánh đa
Trong thúng cũ sáng chợ phiên mẹ quẩy
Thèm củ khoai bốc khói thơm ngầy ngậy
Lũ trẻ chụm đầu gian bếp nực khói rơm...

Thèm chẹn lòng đòng đồng lúa mới trổ đơm
Trưa nắng giang lũ bạn thân hò nhau chạy nhảy
Chụm mái đầu đỏ hoen màu nắng cháy
Thách thức nhau ồn ã đấu cỏ gà...

Tôi chợt thèm áp má tựa vai cha
Mùi mồ hôi lẫn mùi hương đất ruộng
Chiếc xà cạp lem bùn... một vài con cà cuống
Mẹ bắt buổi lên đồng... hai ba đứa vội chia nhau...

Thèm đằm mình chạy giữa buổi mưa ngâu
Cả cái vụt oằn mông tội... trốn ngủ trưa trộm quả...
Thèm dòng sông quê màu biếc xanh đến lạ
Sóng vỗ rì rào tiếng gọi... tuổi thơ ơi... (Thiên Thu)


Bài thơ Tự Do với một nhịp điệu nhẹ nhàng khơi gợi tình cảm với quê hương nguồn cội cho người đọc, nhất là những người con xa xứ. Hẳn mỗi bạn đọc trong chúng ta ít nhiều đều thấy có mình trong hai câu thơ thơ mở đầu:

Tôi chợt thèm cong queo chiếc bánh đa
Trong thúng cũ sáng chợ phiên mẹ quẩy

Hình ảnh chiếc bánh đa (bánh tráng) nướng những năm nửa cuối của thế kỷ hai mươi, luôn in đậm trong trái tim những cô bé,cậu bé thủa ấy ngồi ngóng mẹ đi chợ về. Dẫu trên bậc thềm nhà, đầu con ngõ vắng, hay dưới tán đa đầu làng thì giờ đây chỉ cần một câu thơ, một lời hát hoặc giả trong câu chuyện trao đổi với bạn bè bất kể tuổi tác, nghe nhắc đến là lập tức "vời vợi tuổi thơ một xu bánh đa vừng".

Hình ảnh "chiếc thúng cũ" Nơi chứa đựng phần quà mẹ quẩy về từ chợ phiên. In sâu khắc đậm trong tâm trí...Để hôm nay bất ngờ nhớ lại mà nổi "Chợt thèm" chứ chả phải nhìn thấy mới Thèm như cảm giác thèm của mỗi người, khi thiếu một món gì đó mà thị giác bắt gặp...

Quê tôi mùa đông cũng là mùa những túm khoai lang được mỗi nhà dỡ về, buộc lại rồi treo trên gác nhà ngang bắt đầu tươm mật... Mỗi buổi đi học hay chăn trâu hoặc cấy cày về mà có củ khoai nướng hoặc luộc ủ nóng trên bếp, hương vị của nó sẽ theo tôi theo bạn đến bất cứ chân trời góc bể nào. Tác giả Thiên Thu:

Thèm củ khoai bốc khói thơm ngầy ngậy
Lũ trẻ chụm đầu gian bếp nực khói rơm...

"...Gian bếp nực khói rơm". Mà "Lũ trẻ chụm đầu..." Quanh nồi khoai luộc bốc khói... Hẳn nhiên là mùa đông miền Bắc rồi! Tác giả đã chuyển cái Thèm đặc biệt này sang tôi, một kẻ cả đờichỉ thích Khoai lang, từ thủa khó khổ ở quê ăn khoai độn thay cơm... Cho đến bây giờ một củ khoai nướng bên lề phố ngang với một tô phở...

Ngôn từ bình dị, ý thơ dẫn dắt nhẹ nhàng qua những hình ảnh thơ đặc tả một thời tuổi thơ,với bao kỷ niệm có lẽ cũng ở một vùng thôn quê Bắc Bộ. Khổ thơ dđầu tác giả đã rất thành công khi mở toang cánh cửa Thèm để đưa người đọc vào sâu trong không gian của kỷ niệm.

Thèm chẹn lòng đòng đồng lúa mới trổ đơm
Trưa nắng giang lũ bạn thân hò nhau chạy nhảy
Chụm mái đầu đỏ hoen màu nắng cháy
Thách thức nhau ồn ã đấu cỏ gà...

Tuổi thơ sinh ra lớn lên được ôm ấp, nâng niu bởi hương đồng gió nội. Phải chăng tác giả chính là một trong những cậu bé nghịch nghợm bạn tôi năm nào? Đi học ngang cánh đồng lúa đang thời kỳ làm đòng thế nào cũng tuốt trộm rồi bóc những bông lúa non ngọt lịm mà nhai ngấu nghiến.... Những trò chơi dân gian của bọn trẻ chúng tôi chơi ,giữa những buổi trưa hè nắng cháy, cũng chả khác là bao so với thơ tác giả đang khơi gợi nỗi Thèm...

Thèm, Thèm lắm lắm được một lần trở lại nơi ấy, đấu cỏ gà, đánh chắt chuyền rồi bắt cua, bắt cá, trốn nắng trong hang. Thèm của tác giả vẫn còn đang mời gọi đi tiếp

Tôi chợt thèm áp má tựa vai cha
Mùi mồ hôi lẫn mùi hương đất ruộng
Chiếc xà cạp lem bùn... một vài con cà cuống
Mẹ bắt buổi lên đồng... hai ba đứa vội chia nhau...

Nỗi niềm Thèm khát đã tăng lên có lẽ theo với năm tháng dần trôi. Cảm giác ấm áp bên cha..Hình dáng lam lũ tảo tần của mẹ hiện diện trong Thèm qua nỗi nhớ "Chiếc xà cạp lem bùn..." Mà cuối buổi làm đồng mẹ đã tháo ra buộc một đầu lại bắt mấy "con cà cuống" Mấy anh chị em chia nhau nhai rau ráu.. Có khi là một bọn cua mang về cho bữa cơm có thêm một món nữa... Nỗi Thèm này nghe sao cay cay khoé mắt... Tránh làm sao được những hình ảnh nghèo khó một thời oằn lên vai cha mẹ...

Thèm đằm mình chạy giữa buổi mưa ngâu
Cả cái vụt oằn mông tội... trốn ngủ trưa trộm quả...

Bao nhiêu năm tác giả xa quê để hôm nay bất chợt Thèm như thế? Nỗi Thèm cứ nhẹ nhàng mà lấn tới. Xưa trốn cha mẹ đi chơi dang nắng, tắm mưa, rồi trộm quả, nghịch phá nhà hàng xóm, hay chính vườn nhà mình. Bị cha vụt lằn roi vào mông hẳn oà khóc nức nở làm như oan uổng lắm. Để rồi chỉ trưa mai, trưa mốt có dịp lại trốn đi bất chấp cái mông còn lằn roi bữa trước.. Vậy mà nay thấy Thèm mới đặc biệt làm sao? Nỗi Thèm khát này mấy ai có được trong cuộc sống ồn ã hôm nay.

Nhà thơ nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo đã viết Khúc Hát Sông Quê từ bài thơ của tác giả Lê Huy Mậu có những câu như:

Quá nửa đời phiêu dạt
Con lại về úp mặt vào sông quê
Ơi con sông dạt dào như lòng mẹ
Chở che con đi qua chớp bể mưa nguồn
Từng hạt phù sa tháng ba tháng bảy,
Từng vị heo may trên má em hồng. (Nguyễn Trọng Tạo)

Tác giả Thiên Thu có lẽ cũng chung niềm cảm xúc ấy khi viết hai câu kết của Thèm.

Thèm dòng sông quê màu biếc xanh đến lạ
Sóng vỗ rì rào tiếng gọi... tuổi thơ ơi...

Tuổi thơ ơi! Anh đã cất lên sau những nỗi Thèm... Tôi cũng đang cất lên tiếng gọi tự đáy lòng Tuổi thơ ơi! Và có lẽ có nhiều bạn đọc khi ngược dòng cùng với Thèm tới đây cũng sẽ cất lên ba tiếng Tuổi thơ ơi! như một sự đồng cảm với Thèm của tác giả Thiên Thu!

Sài Gòn 15/7/ 2015
Huỳnh Xuân S
ơn


Thứ Sáu, 15 tháng 1, 2016

ĐỌC GIẢI THOÁT của tác giả QUÝ PHƯƠNG



Đã hơn một lần tôi có cảm giác ghét cay đắng  ca khúc Hãy Cứ Là Tình Nhân của nhạc sĩ Tú Vinh, khi nghe tới đoạn: "Đừng là vợ là chồng Rồi nhìn nhau chán ngắt Hãy cứ là tình nhân Để tình ta mênh mông Em ko thích làm vợ Cũng ko thích anh làm chồng Chỉ muốn yêu muốn nhớ..." Là tôi bấm tắt ngang... 
Giờ này tôi đang nghĩ lại khi gặp bài thơ của tác giả Quý Phương

GIẢI THOÁT

Em kiệt sức rồi không đợi được nữa đâu
Hay ta giải thoát cho nhau khỏi ngục tù đày đọa
Cuộc sống sau hôn nhân cứ như là biển lửa
Thiêu đốt tình yêu nhen nhóm ngày đầu

Hay ta hãy đi về hai lối không nhau
Để khi gặp lại còn gật đầu chào hỏi
Dù chỉ đôi câu có hơi bối rối
Còn hơn nhìn nhau như những kẻ thù

Đừng bắt em phải chờ đợi suốt đêm thâu
Giấc ngủ chập chờn gục đầu rệu rã
Nếu anh nghĩ mẹ con em là tất cả
Thì hãy quay đầu buông bỏ hết đi

Mộng ước dệt thêu em trao tuổi xuân thì
Mang đến tặng anh những gì em có
Rộn tiếng cười vang của những thiên thần nhỏ
Vẫn chưa hài lòng chưa đủ sao anh

Em dành được gì mà phải đấu tranh
Giữ từ anh sự vô hồn trống rỗng
Bên cạnh người ta anh bảo mình đáng sống
Đó là tình yêu là rung động từ tim

Nốt hôm này thôi em sẽ chẳng yếu mềm
Em sẽ sống một lần cho đáng sống
Sẽ không gồng mình lên để rồi chịu đựng
Mưa đã tạnh rồi trời ắt sẽ trong xanh ... (Quý Phương)

Tác giả Quý Phương là ai? Ở đâu người viết chưa có dịp diện kiến. Nhưng bài thơ này tác giả viết rất cuốn hút người đọc bằng ngôn ngữ thơ chân thật, bằng nhịp thơ sống động, như dòng chảy cuộc tình mà ý thơ đang được chuyên chở qua những câu từ gần gũi...
Chủ thể trữ tình Em trong  Giải Thoát ta có thể nhận thấy giữa nhân quần xã hội hôm nay, không hiếm những hoàn cảnh như thế....Đứng trước từng hoàn cảnh, từng con người thì mỗi người có những suy nghĩ riêng, có lẽ không ai giống ai! Biết là như thế người viết vẫn muốn mở cánh cửa của Giải Thoát cùng bước vô với tác giả Quý Phương xem vì đâu? do ai? Vì sao mà cần Giải Thoát?

Em kiệt sức rồi không đợi được nữa đâu
Hay ta giải thoát cho nhau khỏi ngục tù đày đọa
Cuộc sống sau hôn nhân cứ như là biển lửa
Thiêu đốt tình yêu nhen nhóm ngày đầu 

Có lẽ Em cũng không dễ dàng gì khi thốt lên những lời như thế! Em đợi gì? Đợi trong bao lâu? Để giờ đây thốt lên rằng "kiệt sức rồi"! Người viết trộm nghĩ nếu như còn có thể đợi được Em vẫn đợi ư? Dẫu đã gần  sức cùng lực kiệt ...
Nay Em nhận ra mình đã Kiệt sức bởi "Cuộc sống sau hôn nhân cứ như là biển lửa" Biển lửa ấy từng ngày, từng giờ, có lẽ là mỗi giây đều  đã, đang"Thiêu đốt tình yêu nhen nhóm ngày đầu" Em mới phải buông câu hỏi làm nhức nhối người đọc, nhức nhối trái tim tác giả chứ chưa chắc đã làm nhức nhối trái tim Anh: "Hay ta giải thoát cho nhau khỏi ngục tù đày đọa" Một câu hỏi không cần đặt dấu câu vẫn xoáy vào lòng người đọc... Một khổ thơ mở đầu không dễ nói ra, Không dễ viết và không dễ cảm, dẫu câu từ chân thực, 
Một khổ thơ với nhịp thơ êm ả chở tình thơ nặng nề cùng người viết đi qua cánh cửa Giải Thoát. Hai từ Giải Thoát đã xuất hiện nhưng vì sao? Và vì đâu? Thì chưa hẳn đã rõ ràng với một cuộc hôn nhân có khởi đầu Nhen nhóm đã bị "biển lửa" "Thiêu đốt".

Hay ta hãy đi về hai lối không nhau
Để khi gặp lại còn gật đầu chào hỏi
Dù chỉ đôi câu có hơi bối rối
Còn hơn nhìn nhau như những kẻ thù

 Lại thêm một câu hỏi chỉ để hỏi. Em đã tự đối thoại với chính mình trong khổ thơ này thì phải? Em nói với ai hay em tự nói với mình? Tình yêu từ phía Em vẫn còn phảng phất đâu đây trong những câu thơ nửa như muốn giãi bày, nửa như muốn buông bỏ...
Ca dao xưa có câu:

Chèo ghe  vượt sóng qua sông
Đạo nghĩa vợ chồng nặng lắm anh ơi !

Tình nghĩa vợ chồng đâu dễ chia phôi bao đời nay vẫn thế. Hẳn khi buông câu hỏi Hay là đường ai lấy đi này Em cũng không dễ dàng gì thì phải? Dẫu cho sức kiệt lực tàn bấy lâu nay.

Đừng bắt em phải chờ đợi suốt đêm thâu
Giấc ngủ chập chờn gục đầu rệu rã
Nếu anh nghĩ mẹ con em là tất cả
Thì hãy quay đầu buông bỏ hết đi

Mộng ước dệt thêu em trao tuổi xuân thì
Mang đến tặng anh những gì em có
Rộn tiếng cười vang của những thiên thần nhỏ
Vẫn chưa hài lòng chưa đủ sao anh 

Vậy là nguyên nhân dẫn đến Giải Thoát đã hiện diện. Cây Tình yêu của họ, của Anh và Em ấy, đã kết trái. Em đã toàn tâm toàn ý trao tặng cho anh tất cả những gì Em có, Anh có lúc đã nghĩ "mẹ con em là tất cả" Bởi mộng ước thủa "Xuân thì" Anh đã đạt được... Nhưng với Anh bấy nhiêu là chưa đủ? Để rồi tổ ấm hôm nào "Rộn tiếng cười vang của những thiên thần nhỏ" Nay không còn nữa, Đã bao đêm? Có  lẽ anh không đếm, hay không cần đếm , Người phụ nữ người đầu ấp má kề bấy lâu giờ đang "chờ đợi suốt đêm thâu" Với "Giấc ngủ chập chờn gục đầu rệu rã" Có lẽ không ít lần Em đã kêu lên thảng thốt trong mơ mà rằng:
Vợ chồng người đủ đôi đủ bạn
Vợ chồng mình như nhạn kêu sương (Ca dao)

 Và có lẽ cũng không biết bao nhiêu lần Em đã: 

Nước mắt nhỏ sa, khăn mùi soa thấm ướt 
Trời hỡi trời có biết hay không
Nghĩa nhân thương quá vợ chồng
Vắng nhau một buổi, ngồi trông sững sờ (Ca dao)

Mà có lẽ "Em trông em biết" Chứ anh đâu có "Anh chờ" mà Anh hay? 
Thế rồi những chờ trông mòn mỏi từng đêm ấy đã vắt kiệt sức chịu đựng của người phụ nữ chờ chồng. Bào mòn tình yêu thương của Em dẫu đó đây hẳn đã có những lời khuyên của người thân, của bạn bè rằng Phải đấu tranh, phải dành lấy Chồng mình từ tay kẻ khác. Nhưng sau tất cả những cố gắng trong vô vọng Em đã buông khi nhận thấy mình lực bất tòng tâm thì phải

Em dành được gì mà phải đấu tranh
Giữ từ anh sự vô hồn trống rỗng
Bên cạnh người ta anh bảo mình đáng sống
Đó là tình yêu là rung động từ tim 

Vẫn là những câu thơ độc thoại được tác giả viết ra nhằm khắc hoạ thêm rõ nét tâm tính người chồng, người cha vô trách nhiệm với con với vợ. Câu trả lời mà không hẳn là trả lời dẫu "Anh bảo..." là như thế!
 Người viết đồ rằng khi nghe những lời cay nghiệt từ chính miệng người mình yêu thương thốt ra, Em của tác giả đã suy sụp và hụt hẫng khi nhớ lại lúc hai người họ yêu thương và có lẽ đã cảm thấy không thể sống thiếu nhau, Nên họ  mới quyết định đi đến hôn nhân...
 Không có nỗi đau nào bằng nỗi đau bị chính người mình hết lòng yêu thương phản bội lại... Khi nỗi đau dày vò bóp nghẹt  trái tim... Ắt hẳn Nó sẽ bật nên tiếng nói của chính nó. "Con run xéo lắm cũng quằn" Chẳng còn phải thời phong kiến với đủ thứ vòng kim cô lễ giáo kìm kẹp nữa... Cái gì đến ắt phải đến thôi! 

Nốt hôm này thôi em sẽ chẳng yếu mềm
Em sẽ sống một lần cho đáng sống
Sẽ không gồng mình lên để rồi chịu đựng
Mưa đã tạnh rồi trời ắt sẽ trong xanh ... 

Khổ thơ kết chưa hẳn đã kết! Ba dấu chấm lửng còn hiện diện sau những từ Nốt, Sẽ. cho thấy chưa hẳn Em đã dứt khoát không "Gồng mình lên để rồi chịu đựng" nữa... Em đã nhận ra mình vốn Yếu Mềm! Nhưng để thoát ra khỏi cái sự  yếu mềm ấy hẳn không dễ, Em biết bấy lâu nay mình đang sống cuộc sống đoạ đày như ngục tù... Muốn Giải Thoát thì đã rõ, còn Giải Thoát được hay không vẫn còn nằm ở ngày mai vì Em khẳng định vẫn cam chịu "Nốt hôm nay"
Vâng Mưa đã tạnh thì ắt trời sẽ trong xanh! Người viết mong, tác giả mong và tin rằng có nhiều bạn đọc cũng cầu mong cho Em Sau hôm nay sẽ được Giải Thoát...

Người viết là phụ nữ tuổi đời và vốn sống chưa nhiều. Rất may mắn chưa một lần phải nghĩ tới Giải Thoát như Em. Nhưng khi đọc bài thơ của tác giả Quý Phương tôi vẫn muốn viết đôi dòng Cảm Nhận bài thơ nói nên tâm trạng của nhiều người Phụ Nữ thời nay..
Biết là chưa đủ song vẫn mong bài viết này như một tấm chân tình sẻ chia với Em của tác giả. Nếu có điều sai sót rất mong nhận được sự bao dung từ tác giả và bạn đọc.

Sài Gòn 31/12/2015
Huỳnh Xuân Sơn


Thứ Tư, 13 tháng 1, 2016

GiAO MÙA



Giao Mùa

Thu còn đếm bước chiều sang
Nào hay Đông đã nhẹ nhàng buông lơi
Hoàng hôn bao sắc mây trời
Màu nào che khuất một thời truân chuyên?

Bến xưa nghiêng đỡ mạn thuyền
Nắng vàng hồ hởi sưởi miền giá băng
Để đêm dịu ngọt ánh trăng 
Tiếng Xuân rộn rã ngân vang bên thềm! (HXS)