Thứ Tư, 19 tháng 12, 2018

Tản Mạn Cùng Anh Hát Cho Em Nghe Của Tác Giả Diệp Thế Hùng


Bấy lâu nay tôi vẫn tưởng chỉ có những chàng trai mới lớn rụt rè mới phải mượn lời thơ, câu hát để gửi lòng mình đến người họ yêu thương! Nhưng không hẳn thế, ngay lúc này tôi đang gặp một trang nam tử đã qua ngưỡng  tuổi "Biết được mệnh trời" khá lâu, anh cũng là một nhà khoa học tiếng tăm lừng lẫy, một Soái Ca làm thơ tình bấy lâu nay tôi vẫn cảm dòng thơ anh tuôn tràn  ăm ắp chở đi những lời thơ " ướt rượi"!
Thế mà thật sự tôi không ngờ  Người Hùng họ Diệp cũng có lúc để cho nhân vật trữ tình trong Thơ mình phải mượn lời ca khúc để nói với em!
Từ ngạc nhiên dẫn tới thắc mắc nên tôi đã cùng trôi theo dòng cảm xúc của tác giả gửi gắm ý thơ vào câu chữ của mình!

Anh Hát Cho Em Nghe

Anh thích hát những lời ca tình ái *
Cho em nghe để mãi giữ trong tim
Những lời yêu làm hai đứa đắm chìm
Trong nhạc điệu êm đềm ngàn xúc động

Anh thích hát những lời đầy mơ mộng
Để muôn niềm hy vọng kết thành thơ
Hát cho em lời dịu đẹp như tơ
Những yêu dấu mong chờ không tả được

Mượn lời hát anh muốn mình hẹn ước
Mãi yêu nhau, mỗi bước suốt cuộc đời
Mượn bài ca, anh muốn nói những lời
Thật âu yếm, tuyệt vời cho em hiểu

Em có biết những lời trong nhạc điệu
Là những lời tuyệt diệu nói giùm anh
Rằng anh yêu yêu đến bạc đầu xanh
Em không nỡ không đành làm anh khổ ?

* Yêu Em Dài Lâu (Đức Huy)
Diệp Thế Hùng (26 November 2018).

Anh Hát Cho Em Nghe được tác giả viết bằng thể thơ tự do (8 chữ) với những câu từ chọn lọc kỹ càng trước khi sắp xếp theo một nhịp thơ dìu dặt như thuyền tình đang êm ái trôi trên dòng tĩnh lặng..
Đọc xong bài thơ Nghe hẳn có không ít bạn đọc  giống như tôi khe khẽ hát:

Em như cơn gió thu bay bay nhè nhẹ
Đưa anh đi tìm vần thơ
Qua công viên lá rơi trên con đường về
Bỗng nhiên nghe lòng đang ước mơ (Yêu Em Dài Lâu)
Tôi khe khẽ hát một mình bởi ca khúc này được tác giả ghi chú trong Nghe! 

Anh thích hát những lời ca tình ái *
Cho em nghe để mãi giữ trong tim
Những lời yêu làm hai đứa đắm chìm
Trong nhạc điệu êm đềm ngàn xúc động

Anh Hát Cho Em Nghe lại được bắt đầu từ Anh thích hát cho em nghe, em đã nghe, em đang nghe hay sẽ nghe tác giả quên nói! Hoặc giả không muốn nói! Bởi còn đang hy vọng em nghe và em sẽ "Giữ mãi trong tim" ! Em giữ gì đây tác giả ơi? Sao không giữ tình anh, giữ gìn kỷ niệm của hai người mà lại giữ "nhạc điệu êm đềm" mang tới cho hai người không chỉ một sự xúc động mà là cả "Ngàn xúc động" thì chắc chẳn không phải những lời ca mở đầu mà tôi bất giác cất tiếng hát ban nãy rồi. 
Phải chăng Anh đang hát cho Em nghe:

Anh mang thương nhớ gửi vào trong gió
Đôi phút bên em được nghe em nói với anh.

Cơn gió nào bay ngang cuộc đời
Nói với em rằng tôi lẻ loi
Cơn gió nào bên tai thì thầm
Nói với em rằng tôi rất xấu. ( Lời Của Gió - Duy Thái)

Hay là Anh vẫn đang ngân nga Yêu Em Dài Lâu 

Bỗng nhiên nghe lòng đang ước mơ
Mơ ôm em trong tay đêm mưa thì thào
Cho bão tố về làm chiêm bao
Mơ yêu em thiết tha như yêu lần đầu !(  Đức Huy)

Tôi đồ rằng Anh đã và đang hát cho em nhiều hơn thế những ngôn ngữ của tình yêu bởi chỉ có thế mới mang tới cho họ ngàn xúc động! Nhưng tính từ Thích mà tác giả dùng ngay câu đầu thì tôi đang thắc mắc liệu em có đang nghe hay không? Dẫu sao tôi vẫn nghiêng về phía họ đang bên nhau và Anh đang hát cho Em nghe !

Anh thích hát những lời đầy mơ mộng
Để muôn niềm hy vọng kết thành thơ
Hát cho em lời dịu đẹp như tơ
Những yêu dấu mong chờ không tả được

Lại là Anh thích hát chứ không phải anh đang hát hoặc giả anh đã hát "những lời đầy mơ mộng".
Những lời ca ấy phải chăng là :
Anh muốn yêu em dài lâu
Yêu em cho đến khi con tim ngừng đập
Cho thiên thu là một giây
Yêu em cho đến khi ong thôi làm mật
Đến khi loài chim quên lối bay
Khi ôm em trong tay anh nghe ngọt ngào
Nếu đời là một giấc chiêm bao
Xin yêu em thiết tha như yêu lần đầu (Đức Huy)
Có lẽ thế bởi để có được "muôn niềm hy vọng kết thành thơ" không hề dễ dàng, cho dù Anh có một tâm hồn giống tác giả người có dòng thơ tình tuôn chảy gần như bất tận đi chăng nữa.
Tôi không tin Tác Giả không tả được "những yêu dấu mong chờ" mà có lẽ những nỗi niềm của Anh của Em trong Nghe không thể diễn tả bằng lời ! Hoặc giả thật khó để họ nói ra lòng mình vì một lý do đặc biệt nào đó mà chỉ có tác giả, có Anh và Em biết!

Mượn lời hát anh muốn mình hẹn ước
Mãi yêu nhau mỗi bước suốt cuộc đời
Mượn bài ca anh muốn nói những lời
Thật âu yếm tuyệt vời cho em hiểu

Tới đây sau hai lần tác giả nói rằng Anh của Nghe thích hát thì Anh mới thú thật lòng mình rằng muốn "Mượn lời hát" có lẽ là :
"Anh muốn yêu em đậm sâu
Anh đã thương em từ lâu "
Còn muốn "Mượn bài ca " Yêu Em Dài Lâu" để thổ lộ cho Em rằng "Anh muốn" "Mãi yêu nhau mỗi bước suốt cuộc đời" bằng những lời nói yêu thương, bằng những cử chỉ "âu yếm tuyệt vời"
Em Nghe ắt hẳn Em hiểu phải không Anh phải không Em và phải không tác giả Diệp Thế Hùng ?
Khổ thơ kết đã hiện diện nhưng vẫn chỉ là những lời độc thoại tử phía nhân vật Anh mà thôi! Em đâu không lên tiếng hay em còn đang mải mê Nghe

Em có biết những lời trong nhạc điệu
Là những lời tuyệt diệu nói giùm anh
Rằng anh yêu, yêu đến bạc đầu xanh
Em không nỡ không đành làm anh khổ ?

Trời ạ! Những lời tuyệt diệu nói dùm Anh trong nhạc điệu là những lời nào mà tác giả phải để cho Anh không thể cất lời mà phải mượn lời nhạc sĩ Đức Huy thế?
Mơ yêu em dài lâu? mơ ôm em lần đầu hay thực là muốn Yêu em đậm sâu rồi yêu em dài lâu? hoặc giả thực lòng "anh đã thương em từ lâu" ! lời nào cũng nói được hết chỉ là hơi khó khăn một chút khi lần đầu nói yêu Em thôi! 
Phải chăng lý do tới từ "em không nỡ không đành làm anh khổ" khi biết "anh yêu yêu đến bạc đầu xanh"?
Thú thật tới câu kết này tôi đã phải lần lại ca từ của Yêu Em Dài Lâu và đọc lại Nghe rồi xâu chuỗi lại xem có ý thơ hay lời ca nào thể hiện tình yêu của Anh và Em bị trắc trở hay không? Tôi chưa thấy nhưng ý nghĩ về một sự trắc trở hay bức tường Xám ngăn cách giữa Anh và Em cứ lởn vởn trong đầu tôi!
Văng vẳng đâu đây lời ca như đồng cảm, như sẻ chia cùng với Anh và cùng với Nghe và tác giả Diệp Thế Hùng!

Em có nghe thấy anh nói gì không ?
Em có nghe thấy gió nói gì không ?
Anh mang thương nhớ gửi vào trong gió!
.....
Gió hãy nói rằng tôi mong có em
Gió hãy nói rằng tôi luôn nhớ em
Gió hãy nói rằng tôi yêu em
Thế thôi! ( Duy Thái)

Tác giả ơi! có lẽ nào lý do "Không nỡ không đành làm anh khổ"  lại chỉ bởi em đã không hoặc giả chưa Nghe Yêu Em Dài Lâu? Một dấu hỏi cho một câu hỏi không hoặc chưa có lời giải vừa được tác giả đặt cuối bài thơ như một cánh cửa khu vườn Tình chưa đóng lại!
Một bài thơ tình, một đoản khúc vừa vang lên lan xa và dừng lại cùng dấu chấm hỏi? Thể hiện một khúc tâm tình, một nỗi niềm thương nhớ, một nỗi mong chờ, mộ chút hờn ghen tất cả gói trọn tâm tư chủ thể trữ tình Anh trong Anh Hát Cho Em Nghe  tôi vừa đồng hành cùng tác giả tới đây!
Có thể những suy nghĩ cảm nhận trên đây qua góc nhìn phiến diện một chiều, tôi đã không nhìn theo phần đông bạn đọc yêu thơ của Khoa Học Gia Diệp Thế Hùng!
Rất mong nhận lại sự bao dung từ bạn đọc cũng như tác giả nếu như có góc nhìn khác biệt!
Sài Gòn 10/12/2018
Huỳnh Xuân Sơn!


Thứ Bảy, 15 tháng 12, 2018

Đọc Thu Này Của Tác Giả Diệp Thế Hùng



Mùa Thu đã tạm biệt! Nhường chỗ cho mùa đông băng giá hoành hành thậm chí lan cả cái se lạnh đặc thù tới nơi đây vốn chỉ hai mùa mưa nắng!
lá thôi rơi, mưa ngâu ngừng rớt, trên trời cao bầy Qụa cũng trở về nơi cư ngụ đồng nghĩa với cây cầu Ô Thước cũng đã rớt nhịp báo hiệu một mùa ngâu đã hết!
Mùa Thu  đi rồi tôi mới gặp một dòng suy tư, một nỗi niềm khắc khoải, một lời tự sự hoặc giả là một cuộc độc thoại của tác giả nhà khoa học làm thơ Diệp Thế Hùng mang tên Thu Này! thú thực tôi rất muốn biết Thu Này là thu nào? Nhưng không thể hỏi tác giả, hỏi Anh hay hỏi Em, nên đành tự mình đi tìm! Nếu bạn cũng có thắc mắc giống tôi thì xin mời nhé cùng tôi ngược dòng về với Thu Này!

THU NÀY

Trời trở gió, lá vàng lác đác
Mùa thu này buồn nát tâm can
Trong ao bèo hợp rồi tan
Như tình xuân đến rồi tàn theo đông

Thu chưa hết sao lòng rét mướt
Gió mùa thu lạnh buốt bờ vai
Rồi trong những tháng năm dài
Lẽ nào mình phải chịu hoài nhớ nhung

Có những lúc lạnh lùng trống vắng
Nỗi đau thương làm trắng mái đầu
Chờ em đến tận đời sau
Kiếp này anh phải mang sầu từng đêm

Gió lạnh thổi nỗi niềm chồng chất
Lá vàng bay lất phất buông rơi
Không ai trong suốt cuộc đời
Chỉ yêu mà chẳng có hồi đau thương.
Diệp Thế Hùng (29 Oct. 2018).

Thu Này vừa được tác giả chất lên chuyến xe mang tên Song Thất Lục Bát chở tới đây!
Trong Thu Này có trời trở gió, có lá vàng bay, có gió lạnh thổi và đặc biệt có nỗi niềm chồng chất của Tao Nhân  khi "lạnh buốt bờ vai" lúc thì " lạnh lùng trống vắng" và có khi " buồn nát tâm can". Vì sao và vì đâu mà tâm trạng chủ thể anh lại phải "mang âu sầu từng đêm" đến "Nỗi đau thương làm trắng mái đầu"?
Người viết mạn phép tác giả xin dỡ từng kiện hàng mang tên Ý Thơ  trên chuyến xe Thu Này xuống và mở ra theo ý chủ quan của người đọc !

Trời trở gió, lá vàng lác đác
Mùa thu này buồn nát tâm can
Trong ao bèo hợp rồi tan
Như tình xuân đến rồi tàn theo đông

Trời trở gió khi sang thu hẳn là gió heo may đã về! Không lãng mạn như Trịnh khi viết Nhìn Những Mùa Thu Đi!
Gió heo may đã về
Chiều tím loang vỉa hè
Và gió hôn tóc thề
Rồi mùa thu bay đi
Mà tác giả để cho chủ thể trong thơ mình cảm "Mùa thu này buồn nát tâm can" khi thấy "lá vàng lác đác" chao nghiêng rồi rơi xuống bên cạnh, hay trên "ao bèo" vẫn biết gió dạt, bèo xô sẽ dẫn tới hợp rồi tan nhưng sao lại cám cảnh tới mức Tình xuân vừa đến lại vội vàng "tàn theo đông" Tình xuân theo thói thường sẽ rực rỡ khi sang hạ, dạt dào đằm thắm cùng thu cơ mà? Phải chăng tại "trời trở gió" nên Thu Này không giống những Thu xưa?
Thu vẫn mãi là thu dịu dàng đằm thắm và chín ửng bên trời! Chỉ có ai kia chắc hẳn đang "buồn nát tâm can" vì tình xuân vừa mới khỏi duyên lại vội tàn phai hoặc giả vừa hợp lại tan  nên mới có chuyếnThu Này đầy âu sầu như thế sau khi mở Kiện Tình đầu tiên.
Và đây Kiện Tình thứ hai cũng vừa được dỡ xuống và mở ra:

Thu chưa hết sao lòng rét mướt
Gió mùa thu lạnh buốt bờ vai
Rồi trong những tháng năm dài
Lẽ nào mình phải chịu hoài nhớ nhung

Đứng trước những gì vừa mở ra người viết chừng như đang cùng tác giả và bạn đọc nghe lời sẻ chia đồng cảm của Trịnh vang lên! mặc dù trong Thu này chưa có đại từ nhân xưng Anh hay em mà chỉ có Mình xuất hiện !
Nhìn những mùa thu đi
Em nghe sầu lên trong nắng
Và lá rụng ngoài song
Nghe tên mình vào quên lãng
Nghe tháng ngày chết trong thu vàng (Nhìn Những Mùa Thu Đi)
Tác giả ơi! Mình phải chịu hoài nhớ nhung? Hẳn mình là chúng mình (hai mình) hay Mình là Mình anh? Mình em của Thu Này đây? Dẫu cho câu trả lời có thế nào thì Người đang cảm "Thu chưa hết " đã thấy cái lạnh giá len lỏi vào tận trong lòng khi mà "gió mùa thu" nhẹ nhàng kia  lại làm cho mình ấy phải "lạnh buốt bờ vai" thì chắc hẳn mình ấy là kẻ đang cô đơn một mình gặm nhấm  nỗi niềm nhớ nhung một mình khác có lẽ cũng đang nhớ mình này không kém đâu phải không tác giả?

Có những lúc lạnh lùng trống vắng
Nỗi đau thương làm trắng mái đầu
Chờ em đến tận đời sau
Kiếp này anh phải mang sầu từng đêm

Nỗi đau thương đến từ đâu mà trong Thu Này lại "Làm trắng mái đầu" có phải vì "Chờ em đến tận đời sau" không nhỉ? Lời hẹn kiếp này chẳng đặng đành chờ kiếp sau phải chăng chính là nguyên nhân và là khởi nguyên cho anh phải "mang sầu từng đêm" không đây?
Nếu giả định trên đây mà đúng thì trời ơi! lại là cách núi ngăn sông cho Anh đến với Em trong thơ tác giả soái ca họ Diệp ta vẫn thường gặp!
Muốn hỏi tác giả rằng Anh trong Thu Này đã bao nhiêu đêm hoặc giả không thể đếm nổi đã bao đêm ôm nỗi nhớ nhung đứng nhìn màn đêm đen đặc quánh mà:
Nhìn những lần thu đi
Tay trơn buồn ôm nuối tiếc
Nghe gió lạnh về đêm
Hai mươi sầu dâng mắt biếc
Thương cho người rồi lạnh lùng riêng (Nhìn Những Mùa Thu Đi- Trịnh Công Sơn)
Thu vẫn lặng lẽ trôi theo vòng quay của trái đất, Thu rồi phải đi nhường chỗ cho đông về. Cuộc tình trên chuyến xe Thu Này cũng tới kiện tình cuối cùng vùa hạ xuống và mở ra!

Gió lạnh thổi nỗi niềm chồng chất
Lá vàng bay lất phất buông rơi
Không ai trong suốt cuộc đời
Chỉ yêu mà chẳng có hồi đau thương.
Thêm một lần gió xuất hiện được gắn thêm tính từ Lạnh đi theo để làm nhiệm vụ "Thổi nỗi niềm chồng chất" cùng những cánh lá vàng hiện diện thêm lần nữa không còn lác đác nữa mà là "lất phất" buông rơi!
Hai câu thơ đầu không có từ buồn nào xuất hiện  chỉ có thi ảnh 'lá vàng lất phất buông rơi" là đủ để cả tứ thơ chìm xuống! Mới hay thủ pháp mượn vật tả tình của tác giả thật tài tình và cách chọn lọc ngôn từ đưa vào sử dụng thật đắt giá!
Hai câu kết như một lời tự an ủi của Anh và cũng chính là thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm tới những Anh những Em mà kiếp này có duyên nhưng chưa đủ để được bên nhau và đang phải gánh chịu những chất chồng nhớ nhung, những lạnh lùng trống vắng và nhiều đêm âu sầu, những nỗi buồn nát tâm can! Rằng ai cũng có nỗi niềm sâu kín riêng chứ không hẳn chỉ có Mình trong Thu Này !
Người viết đã mở xong những Kiện Tình nặng trĩu tâm tư theo ý chủ quan của mình,.
Một Thu Này với chủ thể trữ tình Anh ôm nỗi nhớ nhung thật buồn, nỗi buồn thương xâm lấn tới mọi ngõ ngách của tâm hồn lan đến cả trời thu vốn trong veo, buồn cả những cơn gió thu dìu dặt lãng mạn xen chút đa tình lãng tử...
Rất mong mỏi và cũng như một lời cầu chúc cho Anh cho Em của tác giả Diệp Thế Hùng tới mùa thu sau hoặc giả sau nữa sẽ có một đêm cuối thu nở nụ cười và hát :

Đã mấy lần thu sang
Công viên chiều qua rất ngắn
Chuyện chúng mình ngày xưa
Anh ghi bằng nhiều thu vắng
Đến thu này thì mộng nhạt phai (Nhìn Những Mùa Thu Đi - Trịnh Công Sơn)

Sài Gòn những ngày se lạnh 12/12/2018
Huỳnh Xuân Sơn

Thứ Hai, 3 tháng 12, 2018

Đọc Còn Nửa Mùa Thu Của Tác Giả An Sơn



Mùa Thu với nồng nàn nắng vương, với trong vắt giọt sương, với vấn vương heo may, với  mây bay bảng lảng, với sắc vàng lá buông. Với ríu ran chim hót, với róc rách suối reo...Và, còn rất nhiều những sắc thái biểu cảm để cho các thi nhạc sĩ đem cất cảm xúc vào thơ, vào nhạc!
Rất nhiều  bài hát, bài thơ viết về mùa thu trọn vẹn,  nhưng đây đó cũng lại gặp chỉ có một nửa mùa thu thôi!
Nửa mùa thu ... Nắng vẫn trong
Em về "một nửa" vẫn mong một người (Cát Nhu)
Hay ưu tư  như thi sĩ Tú Yên

Chỉ một nửa mùa mà lại lắm bâng khuâng
Một nửa yêu thương tần ngần bên giậu vắng
Lá nuối tiếc níu cành khô
thầm lặng
Như nhớ mùa Thu rơi vỡ đâu rồi!(Một Nửa Mùa Thu)

Không giống  như hai thi sĩ trên đã viết, An Sơn tác giả người con Xứ Nẫu lại có một khúc tâm tình viết về Thu, cũng là thời khắc khi Thu vừa qua nửa chặng, rất đặc biệt!


CÒN NỬA MÙA THU

Kể em nghe chuyện mưa nắng quê anh
Khi mùa Thu đã qua một nửa
Trời miền Trung mưa dầm nắng lửa
Tháng tám về trái bưởi nám màu da
Nắng cho nhà nông đem lúa về nhà
Cho em thơ múa lân, phá cỗ
Nắng hết mình rồi Đông về mưa đổ
Mưa lủng mái tranh
Mưa mốc nỗi buồn
Mưa…
Cho má hồng chẳng thiết soi gương
Cho thi nhân tay vàng khói thuốc
Cho con thạch sùng kiếp nào thua cuộc
Đến bây giờ còn tặc lưỡi suốt đêm thâu
Lâu lắm rồi từ buổi xa nhau
Anh xếp đời, làm người bạn núi
Đêm nay nhìn trăng mà thương chú Cuội
Mấy ngàn năm chưa quên được tình Hằng (An Sơn)

Với tựa đề Còn Nửa Mùa Thu! Phải chăng tác giả muốn nói Thu vừa qua nửa chặng, Trung Thu? Hay còn điều gì khác nữa  muốn gửi gắm sau câu chữ nữa nơi đây?
Còn Nửa Mùa Thu! Tác giả đặt để chữ Còn đứng đây ắt hẳn Thu đã đi qua nửa chặng! Còn lại Nửa Chặng đường tới Đông! Nửa mùa đã qua là kỷ niệm, là hồi ức, để chủ thể trong thơ  mang theo trong suốt hành trình còn lại của mùa thu? Nếu bạn cũng thắc mắc như tôi ta sẽ cùng bước vào Còn Nửa Mùa Thu cũng là "Khi mùa Thu đã qua rồi một nửa " cùng tác giả An Sơn!

Kể em nghe chuyện mưa nắng quê anh
Khi mùa Thu đã qua một nửa
Trời miền Trung mưa dầm nắng lửa

 Còn Nửa Mùa Thu mới bắt đầu "kể cho em nghe chuyện mưa nắng quê anh" ư? " Sao không là "Lá trở mình thôi thắm" Sao không là "Mưa giăng lá đổ" ? Sao không là " Ngày sang thu anh lót lá em nằm" và rất rất nhiều những câu chuyện tình lãng mạn để anh có thể kể cho em nghe khi Thu sang và Thu bên nhau. Hà cớ gì khi còn nửa mùa thu mới kể cho em nghe !
Vẫn biết "trời miền trung mưa dầm nắng lửa" Nhất là trên Cuộc Đất Phú Trời Yên ! Nơi mà mỗi ngày nhìn thấy "Chóp chài đội mũ, mây phủ Đá Bia"! Rồi thấy :
Lập lòe trời chớp Vũng Rô
Mây che Hòn Yến gió vô Chóp Chài!
Mưa Miền Trung không ào ào ròi tạnh như mưa Phương Nam, mà dầm dề lê thê gây lũ, khiến lụt sau những cơn nắng lửa chang chang nung nóng khắp nơi!
Anh đã  kể về mưa!
 Anh đang kể về nắng cho Em nghe khi Thu còn nửa mùa! Đây là câu chuyện về Nắng

Tháng tám về trái bưởi nám màu da
Nắng cho nhà nông đem lúa về nhà
Cho em thơ múa lân, phá cỗ
Nắng hết mình rồi Đông về mưa đổ!

Anh của tác giả An Sơn  phải chăng qua câu chuyện kể muốn giới thiệu  thời điểm nửa mùa thu cũng là mùa thu hoạch của Vựa Lúa Miền Trung, những vụ mùa trĩu hạt trên cánh đồng Phước Lộc, Phước Hậu quê anh! Đất Phú vào thơ tác giả qua thi ảnh này đây, còn Trời Yên ta có thể cảm nhận qua thi ảnh "em thơ múa lân phá cỗ"
Anh đã kể về quê anh khi nắng thì "Nắng hết mình"!
"Rồi Đông về mưa đổ" Phải chăng đã hết Nửa mùa Thu còn lại rồi ư khi Đông xuất hiện cùng lúc nắng tắt mưa về đổ xuống?
 Bất giác người viết như thấy thấp thoáng lời ca của Trần Quang Lộc
"Tháng tám mùa thu lá rơi vàng chưa nhi
Từ độ người đi thương nhớ âm thầm"
Cùng lúc như nghe văng vẳng lời  thi sĩ Tú Yên 
"Em nhận nơi anh
Một nửa mùa thu
Thu vu vơ
Thu mơ màng
Cũ kỹ
Bóng nắng khẽ khàng
như có điều suy nghĩ
Anh đã gửi gì trong màu mắt Thu phân?"
Nhạc sĩ và Thi sĩ họ viết thế  khi cảm xúc Thu và Nửa Mùa Thu mang đến cho họ. Nhưng Anh của tác giả An Sơn thì vẫn đang say sưa kể chuyện Còn Nửa Mùa Thu! 

Mưa lủng mái tranh
Mưa mốc nỗi buồn
Mưa…
Cho má hồng chẳng thiết soi gương
Cho thi nhân tay vàng khói thuốc
Cho con thạch sùng kiếp nào thua cuộc
Đến bây giờ còn tặc lưỡi suốt đêm thâu!
Những câu thơ dập tắt hy vọng câu chuyện về mưa sẽ lãng mạn như những  “Hạt mưa tình”

Ước gì tôi biến thành mưa,
Vương trên mái tóc em vừa hong khô.
Để em hờn giận trách đùa:
Ông trời sao nỡ làm mưa lúc này.

Hạt tình rắc nhẹ từ mây
Mà sao ướt lạnh, hao gầy tim em?
Ngước nhìn em bước vào thềm,
Mưa tôi lặng lẽ ướt mềm dấu chân.( Mưa Tình - Hồng Dương)

Nhưng không ở câu chuyện mưa quê Anh đã ám ảnh người đọc theo chiều ngược lại với Mưa tình! Mưa dai dẳng đến "Lủng mái tranh" còn có thể nghĩ đến đó đây có thể gặp, nhưng mưa tới mức mà nỗi buồn trong Anh "Mốc" và khói thuốc của người gặm nhấm nỗi buồn ấy "ám vàng tay",  thì quả thật chỉ có trong thơ tác giả An Sơn mà thôi!
Với riêng hai câu thơ tác giả để cho Anh kể em nghe khi quê anh mùa Mưa...
...
Cho con thạch sùng kiếp nào thua cuộc
Đến bây giờ còn tặc lưỡi suốt đêm thâu!
Thạch sùng tích xưa vì đâu mà tặc lưỡi suốt đêm ai trong mỗi chúng ta đều đôi lần nghe kể!
Nhưng nay tích ấy vào trong Còn Nửa Mùa Thu  và hiện diện trong nửa câu chuyện quê anh hai mùa mưa nắng thì hẳn nguyên do không đến từ "Tiếc Của" mà có lẽ từ hai từ "Thua Cuộc".
Kiếp nào thua, hay ngày ấy thua hoặc giả vừa mới thua? Và quan trọng là ai thua? Anh thua? Mưa thua? Hoặc giả Sơn Tinh lần này vào thơ tác giả An Sơn lại  thất thủ trước Thủy Tinh chăng?
Với cá nhân người viết thì hai câu thơ này là điểm nhấn sáng lấp lánh cho bài thơ và nó cũng chính là khối đá tảng có sức nặng níu giữ người đọc ở lại với Mưa sau khi đi qua Nắng để rồi trăn trở ưu tư đi tiếp cùng Còn Nửa Mùa Thu
Nhưng cho dù câu trả lời có thế nào chăng nữa thì trong câu chuyện mưa của Anh cũng phảng phất nỗi niềm phần nào đồng cảm với  thi sĩ Cách Trần Tư, với người viết và có lẽ có thêm nhiều bạn đọc cùng nghĩ:

Mùa tháng tám giọt mưa chiều lướt thướt.
Bão đang về trời xám xịt mưa tuôn.
Nhớ nhung ai thơ nhức nhối Thu buồn.
Chiều vàng úa sầu muộn lên cuồng mắt.

Mùa tháng tám có lúc mưa như cắt.
Xé lòng mình góp nhặt những vần thơ.(Mùa Tháng Tám Trong Tôi)!

Vâng! người viết cũng dăm lần chìm trong màn mưa dai dẳng dầm dề trên dải đất Nam Ngãi Bình Phú, cũng đôi lần thảng thốt đi qua dòng nước lũ đang hung hãn tràn về từ  dòng sông Kỳ Lộ hay nước xả đập Thủy Điện làm ngập các con phố Tuy Hòa, nên cảm được cái "Xé lòng mình góp nhặt những vần thơ" của tác giả Cách Trần Tư cũng như tác giả An Sơn cùng chủ thể trữ tình Anh trong Còn Nủa Mùa Thu !
Và dẫu muốn hay không thì những câu thơ kết cũng vừa hiện diện để khép lại tròn vành một mùa thu

Lâu lắm rồi từ buổi xa nhau
Anh xếp đời làm người bạn núi
Đêm nay nhìn trăng mà thương chú Cuội
Mấy ngàn năm chưa quên được tình Hằng

Đọc xong khổ thơ kết cũng là những gì mà chủ thể Anh muốn nói với em như những lời nhắn gửi ! Người viết lại muốn hỏi họ (tác giả và cả Anh ) Buổi xa nhau ấy phải chăng là từ buổi "Thua Cuộc" Anh xếp đời, làm người bạn núi" Những tưởng ở nơi thâm sơn cùng cốc ấy Anh thỏa chí trai "Trải mưa rừng gió núi "! Nơi ấy Trăng sáng vằng vặc không bị lu mờ bởi ánh đèn cao áp. Mưa trong vắt rơi thản nhiên chẳng hề vướng bụi..  Và cũng nơi ấy Nắng nung cỡ nào thì vẫn có bóng núi chở che...
Thời gian vẫn lặng lẽ trôi! Bao lâu để hôm nay Anh mới "nhìn trăng mà thương chú cuội" chưa quên được tình Hằng"! Tác giả ơi? Anh ơi! Anh thương chú Cuội hay anh thương ai kia "xếp đời làm người bạn núi" bao nhiêu năm ngỡ đã quên đi nửa mùa thu trước! Nhưng không thể nào quên!
Còn Nửa Mùa Thu của tác giả An Sơn vừa đi hết chặng cuối cùng cũng là lúc Đông Về mang theo mưa trút cùng giá lạnh bủa vây!
Còn Nửa Mùa Thu rồi cũng trở thành hồi ức, thành kỷ niệm cho Ai kia mỗi khi đêm về ngắm trăng thanh treo trên triền núi!
Anh Kể chuyện cho em nghe! Em nghe xong đã trả lời ra sao? Anh không nói, hoặc giả tác giả không muốn nói!
Vậy thì người viết xin mượn một tứ thơ thay cho lời kết bài viết này, cũng như là  câu trả lời của Em cho Anh mà người viết đồ thế và như một lời sẻ chia đồng cảm cùng tác giả An Sơn

Em sẽ được gì khi nhận nửa mùa thôi?
Nhìn Thu đi qua, em bần thần ngơ ngác
Giận cành khẳng khiu nên lá buồn không hát
Cũng chẳng rì rào, che mát bóng người qua.

Mùa rất ngọt ngào
mà mình lại cách xa
Anh cắt Thu ra mỗi người một nửa
Em vơ vẩn
tựa mình bên song cửa
Thu bên anh
Thu có dịu dàng?( Một Nửa Mùa Thu - Tú Yên)

Sài Gòn 1/12.2018
Huỳnh Xuân Sơn


Thứ Tư, 28 tháng 11, 2018

Đọc Hồ Hoàn Kiếm Vắng Em Của Tác Giả Diệp Thế Hùng




Theo dòng chảy dạt dào tình thơ của tác giả, khoa học gia, soái ca họ Diệp, tôi đặc biệt ấn tượng với những khúc gập ghềnh tung bọt mang tên Song Thất Lục Bát mà tác giả thường dùng chuyên chở những tứ thơ có những ẩn ý sâu nặng.
Trở lại Hà Nội tác giả đã khỏa sóng dòng trong một khúc tâm tư khiến người viết không thể không vén bức màn chắn câu chữ mà tác giả bung ra sau khi gửi gắm ý thơ!
Nếu bạn cũng là người yêu những câu thơ đắm đuối yêu, bất chấp yêu của chủ thể trong thơ tác giả Diệp Thế Hùng, thì hãy cùng tôi đi dạo quanh hồ Hoàn Kiếm với tác giả trong bài thơ sau:

HỒ HOÀN KIẾM VẮNG EM

Hồ Hoàn Kiếm chiều nay gió lạnh
Mưa rơi rơi không tạnh từ lâu
Hàng cây liễu đậm ưu sầu
Cúi đầu trên nước đượm màu tương tư


Gió nhẹ thổi, gió từ phương bắc
Hồ vắng tanh, lác đác lá buông,
Mưa rơi như lệ sầu tuôn
Trên hồ bạc trắng nỗi buồn vấn vương

Thu này nữa trên đường vạn dậm
Vẫn thâu đêm thăm thẳm đợi chờ
Biển trời cách trở mịt mờ
Anh mang yêu dấu làm thơ u sầu

Có những lúc xa nhau biền biệt
Như hôm nay chẳng biết em đâu
Tương phùng ngày ấy còn lâu?
Hay là chỉ một thoáng sầu mà thôi? (Diệp Thế Hùng 06 Nov 2018)

Hồ Hoàn Kiếm vắng Em là một bản nhạc lòng bâng khuâng, thương nhớ, xen lẫn chút buồn thương cô đơn của chủ thể Anh được tác giả neo từng câu, sau khi trau chuốt kỹ lưỡng từng từ,rồi sắp xếp khéo léo chúng trên  Khuông mang tên Song Thất Lục Bát!
Không biết đã bao lâu Anh mới trở lại Hồ Hoàn Kiếm ? hoặc giả lần trở lại này chưa xa cách lâu nhưng vì Anh chỉ có một mình?
Hồ Gươm vào thu nước xanh ngăn ngắt,  không thể thiếu "cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ" và luôn có rất nhiều những cánh tay của Liễu, của Si  nghiêng ngả rủ rê đu đưa theo cánh gió heo may mời gọi! Lữ Khách lững thững tản bộ quanh Hồ hẳn không thể không cảm ánh trăng thu tỏa xuống từ muôn phía lấp lánh trên mặt hồ, lung linh trên những tàng cây. Nhưng Thu Hà Nội  lần trở về này trong lòng Lữ Khách của thi sĩ họ  Diệp lại mang một sắc thái khác, mọt cảm nhận khác

Thu này nữa trên đường vạn dặm
Vẫn thâu đêm thăm thẳm đợi chờ
Biển trời cách trở mịt mờ
Anh mang yêu dấu làm thơ u sầu

Bước chân Anh như vơi, như đầy trở về đây để cảm thấy "Biển trời cách trở mịt mờ". Khi đi giữa "trời thu Hà Nội từng con đường nhỏ trả lời cho anh" điều gì mà  bên Hồ Hoàn Kiếm Anh lai "mang yêu dấu làm thơ u sầu"?
Vẫn biết "Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ" Nhưng khi cảm ý thơ của tác giả "Thu này nữa trên đường vạn dặm. Vẫn thâu đêm thăm thẳm đợi chờ" Sao lòng bỗng rưng rưng thương những "Phố nhỏ, ngõ nhỏ" Nhớ thương những Cổ Ngư, Nghi Tàm, nhớ đường Nguyễn Du "Thơm từng cơn gió ..." Nhớ những cửa ô cổ kính rêu phong ! Nhớ mênh mang mặt nước Hồ Tây
! Chỉ nhớ thôi đã thấy dạt dào kỷ niệm rồi Vậy mà không hiểu sao tác giả lại để Anh giữa đường thiên lý dừng chân trong cảnh vời vợi nỗi niềm vào thơ như thế!
"Anh mang yêu dấu làm thơ.." Thì những câu thơ sẽ bay bổng lãng mạn cùng Anh là tất yếu .Nhưng hai chữ  "u sầu" hiện diện trong câu thơ hẳn sẽ là dự cảm cho một chuyện tình buồn !
Phảng phất đâu đây tứ thơ của tác giả người viết vừa mới đọc được

Rồi một sáng bình minh vừa ló dạng
Bầu trời xanh quang đãng một ngày thu
Chim líu lo, gió nhẹ thổi vi vu
Anh trở lại ngục tù, tim tan vỡ (Tan Vỡ - DTH)

Nhốt lại tứ thơ vào "ngục tù"  Ta  bâng khuâng theo chân tác giả dạo bên Hồ để cảm những tứ thơ  u sầu Chủ Thể Anh viết

Có những lúc xa nhau biền biệt
Như hôm nay chẳng biết em đâu

Tác giả viết rằng"Có những lúc xa nhau biền biệt" chứ không phải "đã bao lần.." vậy thì  dự cảm ở trên có lẽ đã sai? Còn "Như hôm nay chẳng biết em đâu"? Những lúc, hôm nay là những cụm từ chỉ những khoảng thời gian gần và rất ngắn Anh đã "Chẳng biết em đâu" Thế mà Anh đã cảm những tứ thơ "U Sầu" đến mức tràn cả sang người đọc ngay từ những câu thơ mở đầu cho một Hồ Hoàn Kiếm Vắng Em lạnh lẽo dẫu thời tiết vừa mới chuyển mùa bước vào Đông theo như ngày bài thơ ra đời 2/11/2018!

Hồ Hoàn Kiếm chiều nay gió lạnh
Mưa rơi rơi không tạnh từ lâu
Hàng cây liễu đậm ưu sầu
Cúi đầu trên nước đượm màu tương tư

Với người viết và có lẽ có thêm nhiều bạn đọc nữa thì những cành liễu rủ soi bóng bên hồ thật quyến rũ và dịu dàng e ấp như mấy nàng thiếu nữ đang tuổi thanh xuân đưa tay chào đón ! Vậy mà tác giả lại để cho Nó "đậm ưu sầu" Và dáng thướt tha kia vào thơ tác giả trong con mắt của chủ thể Anh thì Nó đang "Cúi đầu trên nước đượm màu tương tư". Hai câu thơ rất thật, rất thơ và rất tình này chính là điểm nhấn là hồn cốt của Hồ Hoàn Kiếm Vắng Em!
Cây Liễu từ khi hiện diện ở bên Hồ vào thơ theo nhạc hay trong ánh mắt các Tao nhân Mặc khách nó đều "Nghiêng ngả rủ rê. nét xuân xanh ngày xưa trở lại" Nhưng nay vào trong thơ của tác giả Diệp Thế Hùng bỗng chốc trở nên có tâm hồn của một chàng trai,hoặc một cô gái mang nỗi niềm của kẻ bại trận trên tình trường..Nước thì "đượm màu tương tư" và Liễu thì "đậm ưu sầu"

Gió nhẹ thổi, gió từ phương bắc
Hồ vắng tanh lác đác lá buông,
Mưa rơi như lệ sầu tuôn
Trên hồ bạc trắng nỗi buồn vấn vương

 Trời ơi! bất giác người viết muốn kêu trời khi  mường tượng Thi ảnh trong khổ thơ này với bối cảnh ai đó phải gặm nhấm nỗi cô đơn trống vắng, gánh nặng nhớ thương, khoác thêm chút hờn tủi đi trong "Mưa rơi như lệ sầu tuôn"! cả mặt hồ trong mưa luôn bị bao phủ một màu xám trắng lạnh lùng mà tác giả nhuộm cho nó thêm màu Bạc của nguyên nhân "Nỗi buồn vấn vương" nữa mới cám cảnh làm sao?
Lời thơ của Tan Vỡ lại bảng lảng trong màn sương mờ đục mà Trịnh gọi là " Màu sương thương nhớ" đâu đây như là tiếng lòng của Anh của Em !

Từ đây chỉ những ngày buồn tiếp nối
Những đêm dài với một mối tình câm
Chân bước đi trong một cõi âm thầm
Em ở lại mắt dầm dề lệ đổ (Tan Vỡ- DTH)

Kết quả phải chăng đã hiện diện nhưng còn nguyên nhân nào thì có lẽ là đây phải không Anh, phải không tác giả?

Trên trần giới tình yêu không còn chỗ
Ta mỏi mòn đau khổ chiếm tâm can
Trách ai đây? Trách định mệnh trái ngang ?
Mình hạnh phúc thì có người đau khổ. (Tan Vỡ- DTH)

Mượn những câu thơ Tan Vỡ của chính tác giả để lý giải cho Thi Ảnh Cây liễu đậm âu sầu cúi đầu trước mặt hồ Bạc trắng đượm màu tương tư" Phải chăng là khiên cưỡng? Câu hỏi này thú thật người viết không giám nhờ tác giả trả lời! Hãy để ngỏ cho mỗi người có cảm nhận của riêng mình trước Hồ Hoàn Kiếm Vắng Em của tác giả Diệp Thế Hùng!
Dẫu không muốn thì những câu thơ kết cũng vừa được tác giả đặt nó lên khuông trước khi khóa lại bản nhạc lòng của chủ thể Anh trong thơ!

Tương phùng ngày ấy còn lâu?
Hay là chỉ một thoáng sầu mà thôi?

Một cái kết mở cho một bài thơ tình buồn của tác giả? Người viết mong mỏi đây "Là chỉ một thoáng sầu mà thôi"! Ngày mai mưa thôi rơi, hoa lộc vừng thả thảm đỏ nhớ mong bồng bềnh trên mặt hồ thơ mộng, những cành liễu đu đưa trong gió heo may lần lữa chưa muốn rời đi.
Nắng sẽ lên mặt hồ lại xanh trong và bước chân Anh lại thư thả dạo quanh Hồ cùng Em như chưa hề trải qua  một đêm Hồ Hoàn Kiếm Vắng Em !
Còn nếu như "Tương phùng ngày ấy còn lâu" thì Anh ơi! Tác giả ơi! Cho người viết gửi tới Anh một ý thơ thay cho lời chia sẻ, thay cho cái siết tay đồng cảm của người viết muốn mượn lời thơ của tác giả gửi tới Anh !

Cuộc tình ái thôi phải đành dang dở
Vì dấu yêu đã lỡ một cung đàn
Gặp làm chi rồi phải chịu lìa tan
....
(Tan Vỡ -Diệp Thế Hùng )

Một ý thơ không mới nhưng qua sự sắp đặt câu từ sau khi chắt lọc kỹ càng theo một giai điệu nhạc khi bổng lúc trầm của thể thơ Song Thất Lục Bát, đã gieo vào người đọc một sự quyến luyến với bài thơ. Ai đó nói Thơ hay là sau khi đọc bạn đọc muốn quay lại đọc thêm nhiều lần nữa.Với cá nhân Người viết và tin chắc có thêm nhiều bạn đọc  có nhận định Hồ Hoàn Kiếm Vắng Em là một bài thơ Hay. Một trong những điều làm nên thành công của bài thơ phải chăng chính là sự lựa chọn thể thơ Song Thất Lục Bát. Với Người viết thì chính thể thơ này đã làm lên thành công của bản nhạc lòng cho chủ thể Anh trong thơ bởi Song Thất Lục Bát có thế mạnh Bằng Trắc chở luật vần đi mang theo những ý thơ mà không thể thơ nào có được

Sài Gòn đêm nay bão đã tan mưa thôi rơi và triều cường đã rút! Đọc Hồ Hoàn Kiếm Vắng Em của tác giả với tâm thế của người Nhìn từ một phía nên khó tránh khỏi những suy nghĩ phiến diện một chiều. Người viết mong nhận được sự bao dung của tác giả cũng như bạn đọc yêu thơ  Diệp Thế Hùng cho những điều khác biệt nếu có !

Sài Gòn 28/11/2018
Huỳnh Xuân Sơn






Thứ Ba, 27 tháng 11, 2018

Khúc Cảm Mong Manh



Khúc Cảm Mong Manh

Mong manh sợi nắng thu vàng
Như vòng tay ấm nhẹ nhàng bủa vây
Mong manh lắm chút đắm say
Mong manh ấy thả quắt quay một đời

Mong manh một giọt sương rơi
Trong veo thủa ấy chơi vơi đến giờ
Mong manh thiêu đốt ước mơ
Mong manh như thể bất ngờ gặp nhau

Mong manh biển rộng sông sâu
Mong manh cất giữ tình đầu tinh khôi
Mong manh tơ quấn quýt rồi
Người ơi sợi nhớ một đời mắc giăng

17/9/2018
Phương Lan

Thứ Hai, 26 tháng 11, 2018

Đọc Vào Đông Của Tác Giả Diệp Thế Hùng





Mùa Đông không biết vì đâu do ai? Mà như một sự mặc định khi vào thơ, theo nhạc luôn mang nỗi buồn man mác cùng cái se lạnh đồng cảm trong lòng với ngoài trời .. Khi viết tình khúc bất hủ  Đêm Đông là lúc một mình nơi đất khách quê người nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương đã cảm những cơn Gió lạnh với rất nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau.

Gió nghiêng chiều say
Gió lay ngàn cây
Gió nâng thềm mây
Gió gieo sầu nghiêng
Gió đau niềm riêng
Gió than triền miên ( Đêm Đông)
Trong dòng chảy thơ ca hiện đại Mùa Đông nhất là khoảng thời gian đêm về cũng luôn được các tác giả khai thác nỗi niềm triệt để.
Người viết vừa gặp một nỗi niềm khi bước Vào Đông của tác giả, nhà khoa học, soái ca làm thơ Diệp Thế Hùng có lẽ cũng trong một tâm tư không khác Nguyễn Văn Đông là mấy khi viết tác phẩm này!

VÀO ĐÔNG

Đêm nay trời đã ngã vào đông
Tuyết xuống ngoài hiên tuyết ngập lòng
Anh vẫn cô đơn, đêm lạnh quá
Bên chồng, em có biết anh mong?


Anh biết em từ mấy tháng nay
Mình yêu như thuở tuổi thơ ngây
Mỗi ngày khắc khoải chờ tin nhắn
Rồi thức thâu đêm, nỗi nhớ này


Em đẹp vô cùng em biết không ?
Mắt nhung em sưởi trái tim đông
Dáng em yểu điệu, hồn anh đắm
Trong một tình yêu rất mặn nồng

Đã biết rằng yêu phải khổ nhiều
Vui thì chẳng có được bao nhiêu
Nhưng tim đã đắm say màu mắt
Hồn đã đi theo sắc diễm kiều. (Diệp Thế Hùng)

Hơn một lần sau khi đọc những bài thơ tình của tác giả, người viết đã muốn hỏi anh "cảm xúc bắt nguồn từ đâu ? Nàng thơ có thật ngoài đời hay từ cảm xúc bất chợt anh bắt gặp đây đó để đêm về anh gửi những câu chuyện ấy vào thơ?
Có lẽ tới đây nhiều bạn đọc sẽ hỏi tôi tại sao muốn hỏi tác giả như thế? Xin thưa người viết vẫn chưa hỏi! Chỉ là nhân vật trữ tình của tác giả luôn phải ôm những mối tình trái ngang trắc trở tới ngỡ ngàng.. Nhận định ấy đã có thể chứng minh ngay những câu thơ mở đầu đây thôi

Đêm nay trời đã ngã vào đông
Tuyết xuống ngoài hiên tuyết ngập lòng
Anh vẫn cô đơn đêm lạnh quá
Bên chồng em có biết anh mong?
Ôi! thấp thoáng đâu đây có "Nỗi nhớ em cồn cào như biển" của Đồng Đức Bốn khi ông phải
Em ở gần tôi lại ở xa
Tim vẫn đập về nơi em nhiều nhất
Và tôi tin tình em là có thật
Những lúc buồn tôi mới viết thành thơ (Em Bỏ Chồng Về Ở Với Tôi Không)

Không biết chủ thể Anh của soái ca họ Diệp đã phải "Cô đơn đêm lạnh giá" bao lâu để đến  khi đêm về với cái lạnh âm độ ngoài trời thêm cái lạnh giá băng trong lòng anh mới cảm nhận " Đêm nay trời ngã vào đông"! Trời sang đông đâu có bất ngờ như thơ anh đâu? Vẫn biết  khi yêu "Xa một ngày bằng triệu mùa đông" Một triệu mùa đông kia có lẽ không phải là nguyên nhân trái tim đóng băng, tâm tưởng buốt giá của Anh. Mà  nó được bắt nguồn từ cơn ghen vô lối  "Bên chồng em có biết anh mong"?
Tác giả đặt một dấu hỏi cho câu hỏi của Anh gửi tới Em nhưng cũng đồng thời xuất hiện nhiều câu hỏi không có văn bản ở đây.
Anh cô đơn thì anh đã nói rõ..
Nhưng Em đang bên chồng? Là bên chồng chứ không phải bên người nào khác tại sao lại phải "biết anh mong?"!
Em đồng sàng dị mộng? Hoặc giả Anh đã yêu đơn phương để đêm đêm tự huyễn hoặc mối tình của mình?
Nhiều câu hỏi nhưng xin gửi lại đây vì Đêm Đông của tác giả mới: "Chiều chưa đi màn đêm rơi xuống" Và có lẽ tâm tư chủ thể trữ tình Anh trong thơ cũng chẳng khác gì "Đôi cánh chim bâng khuâng rã rời. Cùng mây xám về ngang lưng trời"!
 Vâng tác giả ơi! Anh ơi! và Em ơi! Ta vẫn biết "Lời tình yêu là vô ngôn, tiếng tình yêu là vô thanh trái tim yêu có lý lẽ riêng của nó" người viết đã đọc được ở đâu đó đại ý như thế.
Nhưng trong Vào Đông của tác Giả Diệp Thế Hùng thì quả thật những Danh Ngôn trên có lẽ chưa đủ để diễn tả hết những sự vô lý, những ngạc nhiên, những bất ngờ trong tình yêu của nhân vật trữ tình Anh!
Anh biết em từ mấy tháng nay
Mình yêu như thuở tuổi thơ ngây
Mỗi ngày khắc khoải chờ tin nhắn
Rồi thức thâu đêm, nỗi nhớ này

Bốn câu thơ đã nói đủ nói hết về nguyên nhân cũng như lý giải về cú ngã Vào Đông ở trên của Anh người viêt không thể lạm bàn hơn được nữa. Một thắc mắc bất ngờ ở đây là đại từ  Mình xuất hiện đứng trước "yêu như thủa mới thơ ngây" Chẳng phải anh yêu em, cũng không hẳn Em yêu anh! phải chăng chỉ mới "biết em mấy tháng nay" Mình đã yêu nhau? Còn những gì tác giả gửi ở Vào Đông trong câu thơ này người viết sẽ đợi khi có dịp sẽ hỏi Em hoặc Anh trong thơ của tác giả !
Chỉ thấy mọi ngôn từ đều bất lực khi muốn viết về khổ thơ này! Vẫn biết có thế giới thật mới sinh ra thế giới ảo . Nhưng quả thật với một tình yêu mà "Mỗi ngày khắc khoải chờ tin nhắn. Rồi thức thâu đêm nỗi nhớ này" thì cũng quả đủ để hiểu Anh yêu Em đến thế nào? dẫu mới "biết em từ mấy tháng nay" chứ nào phải  đã yêu em từ mấy tháng nay còn đỡ hơn.

Em đẹp vô cùng em biết không ?
Mắt nhung em sưởi trái tim đông
Dáng em yểu điệu, hồn anh đắm
Trong một tình yêu rất mặn nồng

Vậy là đã rõ nguyên nhân và hệ quả của nó!
Vẫn chỉ là từ phía anh thôi! anh hỏi và anh trả lời. anh cảm nhân và anh suy diễn ..
Tác giả ơi! tới đây khi chủ thể Anh cảm nhận "một tình yêu rất mặn nồng" tác giả có thấy bóng dáng mình hoặc giả bạn bè mình trong đó không? khi mà chỉ biết em mấy tháng.. Khi mà chỉ có mắt nhung...khi chỉ có dáng em yểu điệu..
Có lẽ tất cả cảm nhận này mới chỉ đến qua Thị Giác của chủ thể Anh trong Vào Đông phải không tác giả kính mến!

Đã biết rằng yêu phải khổ nhiều
Vui thì chẳng có được bao nhiêu
Nhưng tim đã đắm say màu mắt
Hồn đã đi theo sắc diễm kiều.

Bốn câu thơ kết đã được tác giả đặt để khép lại một Vào Đông của chủ thể trữ tình Anh trong một tình yêu ngang trái khi trái tim đang run rẩy những nhịp đập xua dòng máu nóng vào mùa đông của đời mình!
Vâng! Có trái tim thanh xuân rạo rực khi yêu thì hà cớ gì "trái tim đông" lại thôi nhịp rộn ràng ấy được. Nhưng lại là chữ nhưng xuất hiện.
Đàn ông yêu bằng mắt có phải là đây không?Bất giác người viết nhớ tới nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương đã viết
Đêm đông ôi ta nhớ nhung chiều về xa xa
Đêm đông ta mơ giấc mơ gia đình yêu đương
Đêm đông ta lê bước chân phong trần tha phương
Có ai
Thấu tình cô lữ đêm đông không nhà (Đêm Đông)
Người viết mong mỏi chủ thể Anh của tác giả cũng có một hoàn cảnh tương tự như thế trong Vào Đông, Để sau "Mấy tháng" Chờ đợi tin nhắn hàng đêm thao thức, hoặc giả vì đã "đắm say màu mắt" ấy mà hồn phải "đi theo sắc diễm kiều" vẫn còn chút hy vọng mong manh ở cảm nhận mối tình mặn nồng thì ngày mai khi hừng đông ló rạng rồi bình minh lên, nắng đông dẫu không chói chang như nắng hạ hay đằm thắm như nắng thu nhưng vẫn đủ ấm áp để  sưởi ấm cho "trái tim đông" thôi loạn nhịp trở về thực tại..
Còn nếu điều đó không sảy ra thì nắng ấm ban mai cũng xua đi băng giá trong lòng Anh và ở phía Em cũng "Biết anh mong". Tác giả ơi ! Tới đây người viết muốn gửi cho chủ thể Anh một lời nhắn rằng cho dù kết quả có thế nào đến từ phía Em thì cũng mong Anh hãy can đảm dùng sức mạnh của tình yêu mà cất lên khúc hoan ca "Em bỏ chồng về ở với tôi không"?
Và cũng xin mượn một ý thơ gửi tặng Anh cũng như khơi một dòng chảy khi băng giá ngoài trời tan đi hoặc giả nhờ anh gửi qua tin nhắn tới Em rằng

Nếu như em còn nhớ về bên ấy
Nơi cạn chiều góp nhặt chút mùa thương
Dẫu giá buốt cỏ vẫn xanh mầm dại
Níu chân xa bươn trải mấy cung đường...(Phan Minh Anh)

Vào Đông của tác giả Diệp Thế Hùng với cảm nhận của riêng tôi là như thế! Xin mạo muội viết đôi dòng tản mạn như một lời chia sẻ gửi tới Anh của tác giả cũng như rất nhiều những Anh, những Em trong nhân quần xã hội hôm nay họ đã không có được may mắn trong tình yêu, để được chung một Thuyền Tình xuôi dòng Tình êm ái!

Sài Gòn 26/11/2018
Phương Lan






Cảm Nhận Ca Từ Ca Khúc Nha Trang Ngày Nước Lũ Của Tác Giả Huỳnh Thúc Ngân

Nha Trang thành phố biển hiền hòa vào thơ theo nhạc trở nên thân thương gần gũi với Biển Tình của Lam Phương Với Nha Trang Ngày Về của Phạm Duy làm xao xuyến biết bao trái tim người yêu thơ thích nhạc trong đó có tôi.
Vậy mà ngay lúc này tôi lại đang nghe và thấy một Nha Trang hoàn toàn khác của nhạc sĩ Huỳnh Thúc Ngân vừa neo xong những nốt nhạc trên khuông có lẽ chưa lâu sau trận lũ quét kinh hoàng vừa mới sảy ra trên mảnh đất Nha Trang
 Ca từ cùng với giai điệu nhẹ nhàng chuyển tải tâm tư tình cảm của người viết nhạc, người hát... Tất cả như đang sẻ chia, như đang đồng cảm với những mát mát đau thương của người dân Nha Trang làm thổn thức có lẽ không chỉ riêng trái tim tác giả ca sĩ mà còn có tôi và tin chắc rất rất nhiều người nghe nữa..

Nha Trang Ngày Nước Lũ

Chỉ sau một đêm nước lũ tràn về
Những con đường quen giờ nước dâng cao
Nha Trang quê tôi giờ đây mênh mông biển nước
chảy xiết nhiều nơi
nhiều nhà dân đất đá dập vùi
Nha Trang tôi ơi!
Hòn rớ
 Phước Đồng
Vĩnh Nguyên
 Vĩnh Thọ và nhiều nơi sập đổ tan hoang
Thiên tai đi đi
 đừng đến nơi này
xót thương cho dân lành giờ đây khổ lắm ai ơi!
Tiếng khóc nỉ non chiều nay xé nát cõi lòng
Cảnh nhà tang thương cùng bao  nỗi đau mất mát
Xin trời đừng mưa xin thôi đừng lũ
cho dân quê mình được bình yên! (Huỳnh Thúc Ngân)

Đọc những lời chia sẻ về ca khúc và nhất là sau khi nghe bộ ba ca sĩ  Nhân Khải, Trường Hải Hoài Thu hát nhiều lần, (mỗi lần tôi chép được một đôi câu ca từ..)
Tôi đã lặng đi rất lâu bởi hình ảnh tang thương cách đây 9 năm lần đầu trong đời tôi được tận mắt chứng kiến hậu quả của Lũ Quét kinh hoàng để lại cho người dân và mảnh đất  Xóm Trường ( Triêm Đức Xuân Quang Đồng Xuân Phú Yên ) chỉ sau 2 ngày cơn lũ kinh hoàng quét  qua..
Những tan hoang đổ nát, những đau thương mất mát, đặc biệt là những ánh mắt thất thần của người dân nơi ấy ám ảnh tôi mãi và ngay lúc này hiển hiện trong từng lời ca ám ảnh của ca khúc Nha Trang Ngày Nước Lũ của nhạc sĩ Huỳnh Thúc Ngân cùng lời chia sẻ đồng cảm của một trong ba ca sĩ thể hiện ca khúc rằng:"Xót thương thay những người mẹ, người cha nỉ non kêu gào khi lạc mất con, quần áo rách tả tơi, lang thang bơ vơ tìm kiếm những đồ vật còn sót lại sau cơn lũ khinh hoàng. Những khối bê tông đổ nát, cây cỏ xác xơ, trần trụi, bị bật gốc. Những xác người tội nghiệp xấu số bị nước lũ nhấn chìm.Đồng cảm và chia sẽ chúng tôi xin góp lời ca để xoa dịu những mất mát này."(Nguyễn Văn Nhân Khải)
Vâng tôi đã nghe và tôi đã cảm nhận rằng  họ đã  hát ca khúc này bằng tấm tình của người con xa xứ hát về quê hương, họ đã hát bằng  lời của Trái Tim biết ngân rung nhữn nhịp đồng cảm làm lay động trái tim người nghe! Tôi đã khóc khi nghe Nhân Khải cất tiếng "Nha Trang quê tôi giờ đây mênh mông biển nước " nghẹn ngào!

Chỉ sau một đêm nước lũ tràn về
Những con đường quen giờ nước dâng cao
Nha Trang quê tôi giờ đây mênh mông biển nước
chảy xiết nhiều nơi
nhiều nhà dân đất đá dập vùi
Nha Trang tôi ơi!
Hòn rớ
Phước Đồng
Vĩnh Nguyên
 Vĩnh Thọ và nhiều nơi sập đổ tan hoang

Vâng thật bàng hoàng đau đớn khi chỉ sau một đêm tất cả những triền núi tươi xanh, những con đường quen thuộc, những mái nhà thân thương, những con người hiền hòa dễ mến bỗng dưng biến mất. Thay vào đó những nơi cao lũ đi qua để lại nào là những đá hộc đá tảng, nằm trơ trơ như từ xưa đến giờ vẫn ở đó. trên tàng cây hoặc giả ngọn tre cột điện là rác rến nằm phất phơ .
Những nơi thấp hơn là mênh mông một màu đục ngầu của nước. Vẫn lững lờ trôi đấy, vẫn lăn tăn nổi sóng đấy, nhưng chất chứa trong lòng biển nước ấy là tính mạng, là tài sản cả đời tích cóp của nhiều người dân sinh sống trên đường lũ qua vừa cướp mất.
"Nha Trang quê tôi giờ đây" một phần thành phố đang chìm trong biển nước do hoàn lưu bão số 8 gây mưa lớn để lại ! Hai  chục sinh mạng con người vừa mất đi sau khi lũ đưa đất đá theo về từ phía núi đổ xuống dập vùi  những ngôi nhà!
Nha Trang Tôi ơi! là một câu cảm thán xé lòng, buốt nhói trái tim người nghe. Nha Trang của tôi hay Nha Trang tôi vừa cất tiếng gọi nghẹn ngào đau đớn đây? Muốn hỏi tác giả câu hỏi này? Chưa kịp hỏi thì lại thấy như muốn hỏi ca sĩ đang cất lời ca nấc nghẹn ấy? Vẫn chưa thể hỏi lại thấy trái tim mình thổn thức, Nha Trang một phần tổ quốc tôi.. Tôi, Bạn, Ca Sĩ và Tác Giả Huỳnh Thúc Ngân có lẽ tất cả chúng ta đều thốt lên "Nha Trang Tôi Ơi" Khi xem những hình ảnh kinh hoàng mà lũ quét cùng sạt lở đất để lại trên các phương tiện truyền thông và đặc biệt trong clip minh họa cho Nha Trang Ngày Nước Lũ...
Đau thương, mất mát lớn nhất, sự hung tàn của sạt lở núi cùng lũ quét  kinh hoàng nhất ập đến cuốn trôi cả gia đình thầy Trần Hoàng Phong cùng người vợ cũng là một cô giáo trẻ với hai thiên thần nhỏ! theo thông tin có được từ các cấp chính quyền thì cả thành phố Nha Trang có 18 người chết và 2 người mất tích trong đợt mưa bão vừa qua. Nhạc sĩ Huỳnh Thúc Ngân đã viết lên khúc bi ai tơi đây như một sự đồng cảm, như một lời sẻ chia với những đau thương, những mất mát không gì bù đắp được cho người dân cả nước, người dân Thành Phố Nha Trang nói chung và Thân nhân những người không may mắn gặp nạn nói riêng.
Trước những thảm cảnh ấy người nhạc sĩ có lẽ sau phút bàng hoàng định thần lại  dẫu bất lực cũng đành xin Thiên tai như kiếm nơi bấu víu khi đang chấp chới giữa dòng nước cuốn hung tàn vậy:

Thiên tai đi đi
 đừng đến nơi này
xót thương cho dân lành giờ đây khổ lắm ai ơi!
Thiên Tai cũng như Địch họa vậy không ai biết trước nó sảy ra lúc nào và ở đâu. Nhưng hậu quả mà nó để lại thì không mấy ai không biết trước nó thảm khốc thể nào! Nhưng làm sao chống đỡ đây.. Câu hỏi này có lẽ còn lâu lắm hoặc giả mãi mãi không có lời giải đáp..

Tiếng khóc nỉ non chiều nay xé nát cõi lòng
Cảnh nhà tang thương cùng bao  nỗi đau mất mát

Điệp khúc chở theo "Tiếng khóc nỉ non xé nát cõi lòng" không chỉ  thân nhân những người không may thiệt mạng, Những gia đình mất nhà cửa mà còn có tác giả, ca sĩ, tôi và các bạn nữa, đã đang và  sẽ còn ngân lên vang xa bay cao theo gió mặn mòi về từ biển Nha Trang hòa vào đất , vào nước vào những khối đá vô tri lạnh lùng nằm trên đường lũ qua. Những mong vơi bớt phần nào nỗi đau chừng như vô tận.
Xin trời đừng mưa xin thôi đừng lũ
cho dân quê mình được bình yên!

Phải chăng khi viết những ca từ trước khi đặt dấu chấm kết cho ca khúc Nha Trang Ngày Nước Lũ tác giả đã ngửa mặt kêu trời.. Biết Trời không thấu.. Bởi nếu trời thấu hiểu thảm cảnh đớn đau này thì ắt ông trời  không gieo mưa, rắc lũ kéo đất dá sụt lở...
Vẫn biết Thiên Tai ập tới không báo trước, khó biết trước.Thôi thì như tâm tư  nhạc sĩ, như lời ca sĩ  đang chuyển tải và chúng ta đã nghe, đang nghe và sẽ nghe hãy cùng cầu "Xin trời đừng mưa xin thôi đừng lũ" để mong mỏi cũng như là Khát Vọng tột cùng cầu "Cho dân quê mình được bình yên!"

Ca từ ca khúc Nha Trang Ngày Nước Lũ vừa dừng lại cùng lời cầu xin ông Trời!

Bất giác tôi nghĩ tới hai chữ Nhân Tai mà mình đọc được ở đâu đó. Không biết các sử gia đã có ai ghi chép thống kê bao nhiêu nỗi thống khổ do thiên tai ập đến cướp đi sự bình yên của người dân ? Và có ai dám đứng ra nhận trách nhiệm  những vụ  cấp phép phá rừng đầu nguồn, Xây đặp thủy điện dẫn tới nguy cơ lũ quét sạt lở đất vẫn ngày đêm rình rập người dân.. vân vân và vân vân không?
Cám ơn nhạc sĩ Huỳnh Thúc Ngân, cám ơn các ca sĩ Nhân Khải ,Trường Hải và Hoài Thu đã cho tôi có dịp đồng cảm với ca từ ca khúc này.
Vẫn biết không gì có thể bù đắp để nhanh vợi bớt những đau thương mất mát mà Lũ và sạt lở đất để lại cho những người dân không may mắn phải gánh chịu. Nhưng cá nhân tôi, tác giả, ca sĩ và tin mong bạn đọc cùng cộng hưởng từ sự lan tỏa của cộng đồng mạng sẽ có nhiều hơn nữa sự chia sẻ bằng vật chất cũng như tinh thần của bạn đọc cũng như các thính giả  gần xa đến được nhiều hơn với người dân Hòn Rớ, Phước Đồng, Vĩnh Nguyên, Vĩnh Thọ..
Thay cho lời kết bài viết tôi xin mượn lời chia sẻ của một người con Nha Trang xa xứ đã viết sau khi chị nghe ca khúc Nha Trang Ngày Nước Lũ:
"Thương quá Nha Trang quê tôi vi sao ra nông nỗi này .xưa kia yên lành biết bao ..vì sao mấy năm qua thiên tai dồn dập .phải chăng vì phá rừng ..đắp đập .vì đường sá cầu cống không thoát nước ..vì nhà cửa xây cất chằng chịt không lối thoát ..vì.. Xin. Cầu nguyện Đức Bà Thiên Y Ana cứu độ cho người dân lành Nha Trang Khánh Hòa ..
Xin cảm ơn NS va các Ca sĩ quê nhà đã cho nghe bài hát rả rích đau buồn này thật là xúc động ..Cầu xin Đức Bà Thiên Y Ana cứu độ cho người dân lành Nha Trang..
Thương quá Nha Trang yêu ơi nghìn trùng xa cách ..
Sydney 25/11/ 2018
Phuongtrang Le "
*************************************
*************
Là Người ngoại đạo với âm nhạc nhưng khi nghe ca khúc Nha Trang Ngày Nước Lũ của Nhạc Sĩ Huỳnh Thúc Ngân tôi mạo muội viết đôi dòng cảm nhận của cá nhân mình với góc nhìn và tai nghe phiến diện một chiều có thể đó chưa phải là tâm tư, là tình cảm của phần đông bạn đọc cũng như bạn yêu nhạc của nhạc sĩ họ Huỳnh !
Xin coi đây là tình cảm là sự sẻ chia của cá nhân tôi dành cho người dân Nha Trang nói chung và ca khúc tôi trân quý nói riêng. Mong nhận được sự bao dung của bạn đọc cũng như bạn yêu nhạc cùng tác giả và các ca sĩ nếu như có diều sơ sót trong bài viết này
Sài Gòn 25/11/2018

Thứ Sáu, 9 tháng 11, 2018

Đọc NGƯỜI ĐÀN BÀ ĐI TÌM ĐỒNG ĐỘI Của Tác Giả TRẦN NGỌC HÒA (HOA HỒNG)



BÀI CẢM NHẬN CỦA XUÂN SƠN HUỲNH VỀ " NGƯỜI ĐÀN BÀ ĐI TÌM ĐỒNG ĐỘI "TÁC GIẢ TRẦN NGỌC HÒA (HOA HỒNG)


Thú thật cho đến giờ tôi mới thấy được lỗ hổng kiến thức của mình. Tôi đã biết rằng muốn từ Bắc vô Nam có một quốc lộ 1A hôm nay thông thoáng. Ngày chiến tranh có một đường Hồ Chí Minh trên biển, có một cung đường Trường Sơn huyền thoại. Nhưng cho đến tận bây giờ tôi vừa mới biết ngày chiến tranh tàn khốc ấy có một con đường, hay đúng hơn là Tuyến Lửa 1C. Một tuyến đường độc đạo nối liền giữa miền Đông và miền tây Nam Bộ, Kéo dài từ biên giới nước bạn Cam Pu Chia qua kênh Vĩnh Tế, Hà Tiên,Hòn Đất cho tới kênh Cái Sắn thuộc tỉnh Kiên Giang* Tuyến lửa 1C tuyến đường độc đạo chuyển quân,vận chuyển vũ khí, đạn dược phục vụ cho cuộc chiến… Vậy mà hoạt động trên tuyến đường này lại là lực lượng TNXP gần như 100% là nữ.


Biết được Tuyến lửa 1C là do tôi đọc và thấy như mình còn mắc nợ với bài thơ


NGƯỜI ĐÀN BÀ ĐI TÌM ĐỒNG ĐỘI.

Trần Ngọc Hòa ( Hoa Hồng)

Người đàn bà ngửa mặt hứng giọt ngâu.
Con cua trong hang quăng ra ngoài tiếng khóc.
Tháng bảy trằn trọc.
Nước mắt người đàn bà
Ướt tháng bảy
Ướt thời gian

Lưng trâu lưng người xuồng ba lá tải hàng.
Tuyến lửa máu vùng đồng trũng lung bào thiên nhiên khắc nghiệt.
Người đàn bà
Vốc nắm đất ngào nỗi đau đi khập khiễng.
Đồng đội ơi !
Các anh, các chị , các em nằm nơi đâu ?.
Muỗi từng đàn thổi sáo vào tai trâu.
Nó cọ rung cành ,máy bay quần trâu bổ nhào bổ ngửa.
Ì đùng.
Chiếc khăn rằn chỉ còn một nửa.
Trôi !
Trôi giữa dòng trôi.

Anh " Chàng Hiu " vác mấy khẩu súng to đùng đi vẹo cả người.
Mấy chị " Kiến Đen " gồng mình lôi chiếc xuồng vượt lộ.
Cò con cõng hòm đạn nặng hơn mình
lội lầy té nhào té bổ.
Chẳng khóc đau mà khóc gào khóc gọi
Khóc thương đồng đội
Khóc nhớ đàn trâu đen.
Mùa nước ngập lụt , mùa hạ khô cháy, đìa xì phèn.
Trên đầu
B52 và pháo bầy nã xuống.
Dưới đất
Khói Napal đốt cạn ngày gầy guộc.
Dòng kiên cường vẫn cuộn cuồn nơi huyết quản thanh niên xung phong.


Người đàn bà đưa tay nâng ký ức, chị nuốt nước mắt chảy ngược vào trong.
Cò Con, Chàng Hiu, Ễnh Ương, Nhái Cóc.
Tên đồng đội gọi vui nhau trong cái đói giơ xương, lứa tuổi lẽ ở nhà chải tóc
Lẽ đến trường để học.
Lẽ vô tư yêu.
Bảy ngày dầm lung ăn cù nèo bước loạng chọang liêu xiêu.
Ghẻ , lở , lác ,lang ben tàn tạ cái thì con gái.
Tóc xa lược lâu ngày bết bùn đanh lại.
Bàn tay gầy. . .che một bàn năm ngón khẳng khiu.


Người đàn bà nghiêng nón, múc nỗi nhớ múc yêu thương nâng niu.
Rưới lên vạt cỏ vòm cây.
Rưới lên những linh hồn đã cùng chị một thời kinh qua gian khổ.
Kinh qua bão giông cuồng nộ.
Nơi này !
Chị cắm cọc vào tim mình gửi em dưới lũng tràm thưa.
Đắng khúc đợi chờ khản đục tiếng gà trưa.
Ra đi cả ngàn hy sinh quá nửa.
Hài cốt còn không? Hay vụn rữa ?
Bờ kinh ? Hang núi ? Đồng cỏ bàng ?
Dưới dòng nồng nàn chảy tràn trên tuyến lửa 1C. ?


Người đàn bà
Gói kỷ niêm tuổi nhõng đuôi gà bằng sợi tóc bạch kim lặng lẽ kéo về.
Qua Bảy Núi
Qua Mo So.
Qua Hòn Đất
Cất riêng ngăn đồng đội.
Vùng Tứ Giác Long Xuyên xưa ba chìm bảy nổi.
Nay lúa trổ vàng đồng
Cò Con ngày nào giờ tóc trắng như bông.
Chị dang tay ôm đất vào lòng ôm cả bầu trời đầy ngôi sao rực sáng
Đêm Gộc Xây chị ngồi ôn những chiến công thăng hoa chói rạng.
Gọi vầng dương về
Sưởi ấm hồn liệt sĩ xa quê.

Tháng bảy !
Lốc xoáy triền đê.
Khai quật nỗi đau.
Những linh hồn nhớ nhà mà chẳng đươc về.
Nát một ánh nhìn
Đau đáu kéo lê.
Nước mắt người đàn bà
Tuôn . . .
Đỏ miền ký ức

(Tác giả Hoa Hồng)


Đọc nhiều lần bài thơ tự do, với lối viết phóng khoáng, ngôn từ sâu sắc, theo một nhịp thơ gập ghềnh, trắc trở không dễ đọc và cảm nhận hết ý thơ…Mỗi câu thơ, mỗi khổ thơ, chất chứa trùng trùng ý thơ, vừa kịp nhận ra ý này lập tức bóng dáng ý sau xuất hiện…Có thể nói mỗi khổ thơ được tác giả xếp tầng tầng ý thơ trên nền tình thơ , tình người.. Tất cả như một dòng suối trong vắt, ngọt ngào cuốn tôi vào trong lòng thả xuôi theo dòng chảy, chưa hề yên ả. Dẫu tôi chỉ vừa mới biết bơi, tôi sẽ có gắng bơi theo bài thơ này…


Người đàn bà đi tìm đồng đội của tác giả Hoa Hồng mang bóng dáng người cựu thanh niên xung phong trên tuyến lửa 1C Lê Thị Minh Tâm. Không có sự kết nối của tác giả với nhân vật mà tôi hằng kính trọng…Nhưng tôi thấy sự gan dạ, sự dũng cảm , sự kiên cường quả cảm của người lính, một lòng vì đồng đội của người cựu nữ TNXP ấy, trong hình tượng người Đàn Bà Đi Tìm Đồng Đội của tác giả Hoa Hồng.


Người đàn bà ấy quanh năm dọc ngang đi tìm đồng đội, nhưng tháng bảy về mỗi bước đi trên những bờ đê lộng gió hòa bình hôm nay. Chị lại thấy “Lốc xoáy triền đê”. Nỗi đau mà chiến tranh gieo rắc trên quê hương, tổ quốc của chị , gieo lên những thân phận con người sống trong thời chiến ấy, Gieo rắc cái chết bi hùng lên những người bạn, người đồng đội của chị năm xưa… Ngày thường mấy khi báo , đài nhắc tới. Chỉ có những nhân chứng một thời, và người thân của họ âm thầm lặng lẽ nhắc nhớ hoặc giả chưa một phút nào quên… ‘Tháng bảy về ..khai quật nỗi đau”. Hai từ “khai quật” mới nhức nhối làm sao? Có ai chôn được nỗi đau bao giờ đâu nhỉ? Cớ sao tháng bảy lại “ khai quật”…


Tháng bảy về , tháng mà người ta hay gọi “tháng tri ân”. Dành tặng cho những người đã để lại một phần máu xương nơi chiến trường, và những người đã ngã xuống…Trong đó có biết bao người lính trẻ đã hóa thân vào đất mẹ, vào lòng biển cả không một nấm mồ…Nghẹn đắng lòng người, khi đọc những vần thơ kết của Người Đàn Bà Đi Tìm Đồng Đội : “Những linh hồn nhớ nhà mà chẳng đươc về./ Nát một ánh nhìn ./ Đau đáu kéo lê.” “Cơn lốc xoáy”đã “khai quật” được những gì ?mà khiến “nát” và “kéo lê” một ánh nhìn, ánh nhìn ấy phải chăng cũng chính là ánh mắt đau đáu nỗi niềm của “người đàn bà.” Đang “tuôn” không phải là dòng hay giọt nước mắt, mà là “Tuôn…đỏ miền ký ức.” Ánh mắt ấy, nỗi đau ấy, vết sẹo khó liền ấycủa chiến tranh, đã là chất xúc tác ủ dậy men tình người, khiến trái tim của tác giả rung lên những nhịp đập hòa vào trong từng câu chữ, viết ra khúc tráng ca mang tên Người Đàn Bà Đi Tìm Đồng Đội.

Người đàn bà ngửa mặt hứng giọt ngâu.
Con cua trong hang quăng ra ngoài tiếng khóc.
Tháng bảy trằn trọc.
Nước mắt người đàn bà
Ướt tháng bảy
Ướt thời gian

Vẫn là tại tháng bảy…Tháng bảy đâu làm gì nên tội, mà nó cũng chẳng thể “ trằn trọc”. Có lẽ chỉ có “người đàn bà” đang “ ngửa mặt hứng giọt ngâu” kia là đã bao đêm “trằn trọc”, bao ngày đau đáu với nỗi đau thương của cuộc chiến, gieo rắc những mất mát, không gì bù đắp được cho đồng đội trên tuyến lửa 1C nói riêng và trên khắp các chiến trường nói chung… Người mà tự thấy thân phận chẳng khác gì “con cua trong hang”…Không phải nằm trong đó mà ẩn dật, mà trú thân, mà gặm nhấm mất mát…Ở trong hang mà “quăng ra ngoài tiếng khóc”. Nước mắt người đàn bà ấy chảy bao lâu nay để mà ướt cả thời gian. Uớt cả tháng bảy và ướt nhòe cả trang thơ…


Ướt cái gì? Và ướt bao lâu? Thì những giọt nước mắt của người đàn bà đi tìm đồng đội đều quặn thắt trái tim cả..Huống chi bây giờ là dáng hình chất chứa những giọt nước mắt ấy, lại chẳng thể còn nguyên vẹn nữa, mà từng bước “đi khập khiễng..” . Người đàn bà ấy một thời dọc ngang trên “tuyến lửa máu..” Tháng bảy chị “ngửa mặt hứng giọt ngâu” phải chăng chị ước mong có một cây cầu như “cầu Ôthước” để chị và những người đồng đội đã khuất gặp nhau…

Lưng trâu lưng người xuồng ba lá tải hàng.
Tuyến lửa máu vùng đồng trũng lung bào thiên nhiên khắc nghiệt.
Người đàn bà
Vốc nắm đất ngào nỗi đau đi khập khiễng.
Đồng đội ơi !
Các anh, các chị , các em nằm nơi đâu ?.

Ám ảnh với hành động “vốc nắm đất” của người đàn bà ấy. Chị đã vốc đất để “ngào nỗi đau..” nỗi đau nào có thể ngào nặn bằng vốc đất nơi “vùng trũng lung bào thiên nhiên khắc nghiệt” mà có thể vơi được đây?

Tuyến lửa máu ấy,thời chiến tranh với mưa bom bão đạn cũng là thời thanh xuân của chị và đồng đội. Các chị đã tải đạn, tải lương, dẫn đường cho bộ đội chủ lực hành quân vào hậu cứ với những phương tiện thô sơ “lưng trâu” “xuồng ba lá” và cả “lưng người”. những tấm lưng mà ở tuổi 18 đôi mươi tha thướt “thắt đáy lưng ong”. Cõng trên lưng những hòm đạn với trọng lượng nhiều hơn trọng lượng cơ thể mỗi người…Bom đạn trút xuống con đường độc đạo ấy, bao nhêu đồng đội đã nằm lại…giờ đây để tìm lại một nắm xương tàn mà sao thật khó…Người đàn bà ấy cất tiếng gọi “đồng đội ơi!” các anh, các chị các em nằm nơi đâu? Câu hỏi trong tiếng gọi cất lên từ người đàn bà “đi khập khiễng” như nhấn mạnh thêm khoét sâu hơn vào vết thương lòng của những người lính năm xưa và người thân của người đã khuất…
Bởi là chốn “lung bào” hoang vu khắc nghiệt, nên đâu phải chỉ có bom đạn trút xuống, còn có:

Muỗi từng đàn thổi sáo vào tai trâu.
Nó cọ rung cành ,máy bay quần trâu bổ nhào bổ ngửa.
Ì đùng.
Chiếc khăn rằn chỉ còn một nửa.
Trôi !
Trôi giữa dòng trôi.

Nơi chiến trường khốc liết ấy, nơi con đường độc đạo ấy, con người còn có thể nín lặng chứ trâu làm sao im. Mấy ai hiểu được cảnh “muỗi từng đàn thổi sáo vào tai trâu”. Trâu còn không chịu nổi làm sao con người chịu? Vậy mà con người với ý chí sắt đá vẫn im lặng chịu đựng nhưng nghiệt ngã ở chỗ mấy con trâu không chịu nổi đã “cọ rung cành”. Tán cây trong đìa, trong rừng bất chợt rung lên…Là mục tiêu cho máy bay trút bom đạn xuống. “ Ì đùng…” tiếng đạn pháo, hay tiếng bom nổ khiến cho “trâu bổ nhào bổ ngửa..” chiếc khăn rằn” trên vai “chỉ còn một nửa”…Còn người quàng nó với một nửa kia trôi về đâu? Giữa “dòng trôi” ấy…
Một khổ thơ với rất nhiều động từ “thổi, cọ, rung, quần, bổ,ì đùng, trôi….đã khắc họa một góc nhìn khốc liệt của chiến tranh mà chị và các đồng đội đã trải qua ngày ấy..

Anh " Chàng Hiu " vác mấy khẩu súng to đùng đi vẹo cả người.
Mấy chị " Kiến Đen " gồng mình lôi chiếc xuồng vượt lộ.
Cò con cõng hòm đạn nặng hơn mình
lội lầy té nhào té bổ.
Chẳng khóc đau mà khóc gào khóc gọi
Khóc thương đồng đội
Khóc nhớ đàn trâu đen.

Những tên riêng,biệt danh như :Chàng Hiu, Kiến Đen, Cò Con. Đã phần nào nói lên hình dáng bé nhỏ của các chị vậy mà “vác mấy khẩu súng to đùng vẹo cả người”,cảm động nhất là hình ảnh của họ nhà kiến “lôi chiếc xuồng vượt lộ” và “cõng hòm đạn nặng hơn mình”. Tuyến lửa ấy, nào phải đường mòn hay con lộ cho cam, mà là “lung bào” sình lầy, cây cỏ níu bước, gai cào cây ngáng như vậy thì cảnh “té nhào té bổ” là chuyện thường ngày gặp phải…Nhưng “chẳng khóc đau mà khóc gào khóc gọi”, khóc thương đồng đội, khóc nhớ trâu đen.” Các chị là vậy đấy, chẳng phút nào nghĩ cho riêng mình, tất cả lao lên phía trước…mang trong tim bóng hình những đồng đội ngã xuống… nhớ cả bày trâu hôm nào “bổ nhào bổ ngửa”…Những khó khăn gian khổ còn nối tiếp:

Mùa nước ngập lụt , mùa hạ khô cháy, đìa xì phèn.
Trên đầu
B52 và pháo bầy nã xuống.
Dưới đất
Khói Napal đốt cạn ngày gầy guộc.
Dòng kiên cường vẫn cuộn cuồn nơi huyết quản thanh niên xung phong.
Người đàn bà đưa tay nâng ký ức, chị nuốt nước mắt chảy ngược vào trong.
Cò Con, Chàng Hiu, Ễnh Ương, Nhái Cóc.
Tên đồng đội gọi vui nhau trong cái đói giơ xương, lứa tuổi lẽ ở nhà chải tóc
Lẽ đến trường để học.
Lẽ vô tư yêu.
Bảy ngày dầm lung ăn cù nèo bước loạng chọang liêu xiêu.
Ghẻ , lở , lác ,lang ben tàn tạ cái thì con gái.
Tóc xa lược lâu ngày bết bùn đanh lại.
Bàn tay gầy. . .che một bàn năm ngón khẳng khiu.

Ba khổ thơ với những câu thơ không dễ đọc dễ cảm. là điểm nhấn cho cả bài thơ…Ba khổ thơ khắc họa những gian nan, nguy hiểm mà các chị đã trải qua ở cái tuổi “lẽ ra ở nhà chải tóc” làm duyên. Lẽ ra ở nhà đến trường…Lẽ ra vô tư yêu..Lẽ ra và lẽ ra…

Nhưng có lẽ nào lại quên đi “trên đầu B52 và pháo bầy nã xuống./ Dưới đất bom napan đốt cạn ngày…” Chưa hết đâu , các chị đang tuổi ăn, tuổi ngủ, tuổi mơ mộng ở cái thời “bẻ gãy sừng trâu” ấy, mà “bước loạng choạng liêu xiêu” bởi “bảy ngày dầm lung ăn cù nèo..”

Cái đói, chưa đáng sợ với các chị “đang thì con gái”bằng “ghẻ lở lác lang ben..rồi mái tóc “bết bùn đanh lại” bởi lâu ngày “Tóc xa lược..”. Mấy ai hiểu nỗi niềm con gái khi “bàn tay gầy…che một bàn năm ngón khẳng khiu”.

Vậy mà “ Dòng kiên cường vẫn cuộn cuồn nơi huyết quản thanh niên xung phong.” Nghĩ lại thời ấy, những người đồng đội ấy, người chị, người em người bạn ấy…nay vẫn còn đang nằm đâu đó giữa “bưng biền” hay mé kênh, bìa rừng, ven lộ..hoặc dưới lòng những con kênh ngang dọc kia..Người Đàn Bà Đi Tìm Đồng Đội chỉ còn biết “ đưa tay nâng ký ức, chị nuốt nước mắt chảy ngược vào trong”. Có câu “nước mắt đàn ông không rơi thành dòng”. Chứ chưa thấy nước mắt đàn bà nuốt ngược vào trong bao giờ! Thế mới biết nỗi đau mà chị chịu đựng lớn thế nào. Bao nhiêu năm qua chị đã “nước mắt thành dòng” để đến hôm nay sau mấy chục năm, chị không còn nước mắt để khóc, để gào, để gọi “Đồng đội ơi!” nữa…Người đàn bà ấy. cứ âm thầm lặng lẽ đi tìm lại ký ức xưa…để rồi :


Người đàn bà nghiêng nón, múc nỗi nhớ múc yêu thương nâng niu.
Rưới lên vạt cỏ vòm cây.
Rưới lên những linh hồn đã cùng chị một thời kinh qua gian khổ.
Kinh qua bão giông cuồng nộ.
Nơi này !
Chị cắm cọc vào tim mình gửi em dưới lũng tràm thưa.

Người đàn bà quả cảm trong chiến tranh ngày ấy…Chị là chứng nhân lịch sử…Hành động chị “nghiêng nón múc nỗi nhớ, múc yêu thương nâng niu” để mà Rưới…Biết nơi đâu là nơi những “linh hồn đã cùng chị một thời…” yên nghỉ. Những vạt cỏ lùm cây vô tri kia có lẽ chẳng giúp gì được cho chị…Chỗ kia ư? Hay là “Nơi này!” chỗ nào khi xưa chị đã “cắm cọc vào tim mình..” để đánh dấu giữa những “lũng tràm thưa”…Bao năm qua cây cọc trong tim vẫn nhức nhối khi chưa tìm ra nơi mà ngày ấy đã “gửi em” lại..

Đắng khúc đợi chờ khản đục tiếng gà trưa.
Ra đi cả ngàn hy sinh quá nửa.
Hài cốt còn không? Hay vụn rữa ?
Bờ kinh ? Hang núi ? Đồng cỏ bàng ?
Dưới dòng nồng nàn chảy tràn trên tuyến lửa 1C. ?

Khổ thơ với nhịp thơ như gào thét, như căm hờn chất chứa nỗi đau mà mấy ai hiểu được… “Ra đi cả ngàn hy sinh quá nửa”. Bao chàng trai cô gái đã ngã xuống trên tuyến lửa 1C ngày ấy…có sách sử nào ghi lại hay không? Tôi đã từng nghe “cả dòng sông là một nghĩa trang trôi” ( thơ Hải Minh), bởi “đáy sông còn đó bạn tôi nằm. / Có tuổi hai mươi thành sóng nước” ( thơ Lê Bá Dương). Nhưng dọc ngang những con kênh, rừng đước, ven sông, hang núi, hay lung bào mà “ra đi cả ngàn hy sinh quá nửa” những “bóng hồng liễu yếu đào tơ” thì hôm nay tôi mới biết, và còn được biết thêm:

Tuyến lửa 1C ấy “là nơi sắt thép cũng bị nung chảy tan ra nhưng con người đã đi qua được”. Một trong số đó là Người đàn bà đi tìm đồng đội hôm nay…Với cả tấm lòng và nhiệt huyết như thời còn ngang dọc xông pha xưa..khó khăn sình lầy mùa nước ròng, hay mênh mông mùa nước nổi, chị chẳng quản, chỉ đắng nghét cổ họng với câu hỏi nhức nhối “hài cốt còn không? Hay vụn vữa?

Nếu còn thì đang ở đâu “bờ kinh? Hang núi? Đồng cỏ bàng? Còn có thể tìm lại…Nhưng ngộ nhỡ “dưới dòng nồng nàn chảy tràn trên tuyến lửa 1C” kia thì biết đâu mà tìm. Dòng Thạch Hãn mỗi năm còn một vài bận thả hoa trôi, để nhớ một thời, một nơi từng là địa đầu chiến tuyến…. Gạc Ma, Hoàng Sa cũng bập bềnh những vòng hoa tri ân những năm tháng gần đây…Dọc ngang những con kênh, hang núi, lung bào của tuyến lửa 1C bao người nhớ, ngoại trừ những chứng nhân như chị và người thân của người nằm xuống…

Ôi ! vẫn biết chiến tranh là mất mát, vẫn biết bom đạn, pháo vốn không có mắt…nhưng “Ra đi cả ngàn…” mà “ hy sinh quá nửa” chỉ riêng lực lượng TNXP thì quả thật tuyến lửa này nung chảy sắt thép chẳng hề ngoa…

Người đàn bà
Gói kỷ niêm tuổi nhõng đuôi gà bằng sợi tóc bạch kim lặng lẽ kéo về.
Qua Bảy Núi
Qua Mo So.
Qua Hòn Đất
Cất riêng ngăn đồng đội.
Vùng Tứ Giác Long Xuyên xưa ba chìm bảy nổi.
Nay lúa trổ vàng đồng
Cò Con ngày nào giờ tóc trắng như bông.
Chị dang tay ôm đất vào lòng ôm cả bầu trời đầy ngôi sao rực sáng
Đêm Gộc Xây chị ngồi ôn những chiến công thăng hoa chói rạng.
Gọi vầng dương về
Sưởi ấm hồn liệt sĩ xa quê.

Cò Con vác hòm đạn nặng hơn cả thân mình ngày ấy vào sinh ra tử chẳng màng sống chết…Thưở tóc “nhõng đuôi gà” xả thân ngang dọc tuyến lửa 1C dọc các địa danh từ miền Đông sang miền Tây Nam Bộ…Chiến trường ác liệt nhất cũng là nơi có lẽ nhiều đồng đội chị nằm lại nhất đó là vùng “Tứ Giác Long Xuyên” .Chị “cất riêng ngăn đồng đội” trong trái tim chị đã bao năm để bây giờ khi mà:

Người Đàn Bà Đi Tìm Đồng Đội hôm nay “tóc trắng như bông”. Trên một địa danh ác liệt ngày ấy với cái tên Gộc Xây đang “ngồi ôn những chiến công thăng hoa chói rạng” không để cho riêng mình..mà chị muốn những chiến công ấy là vầng mây sáng :”Sưởi ấm hồn liệt sĩ xa quê”.

Vâng nhiều còn nhiều và rất nhiều những “liệt sĩ xa quê” còn nằm đâu đó trong lòng đất mẹ, trong lòng biển, hay lòng những con kênh ngang dọc nơi miền sông nước bao la… Người Đàn Bà Đi Tìm Đồng Đội kính mến ơi!, Chị đã góp một nén hương lòng vào muôn triệu ngọn nến tri ân…mong sưởi ấm những vong linh người ngã xuống còn chưa biết nằm lại nơi nào, trên dọc tuyến lửa 1C nói riêng và trên khắp các chiến trường cả nước nói chung. Tháng bảy, tháng của tri ân với mỗi người dân cả nước. Nhưng với Người Đàn Bà Đi Tìm Đồng Đội và người thân của những người còn nằm đâu đó chưa về, thì có lẽ với họ không chỉ có một tháng bảy. Mà bất cứ ngày nào? Tháng nào cũng đều là:

Tháng bảy !/Lốc xoáy triền đê./ Khai quật nỗi đau./ Những linh hồn nhớ nhà mà chẳng đươc về./ Nát một ánh nhìn / Đau đáu kéo lê./Nước mắt người đàn bà/ Tuôn . . .Đỏ miền ký ức.

Cám ơn tác giả Hoa Hồng. Đã cho tôi có dịp tìm hiểu và đồng hành cùng với bài thơ Người Đàn Bà Đi Tìm Đồng Đội.. Có thể với tuổi đời và vốn sống cũng như sự hiểu biết của tôi về chiến tranh còn hạn hẹp…Nên tôi chưa thể cảm nhận hết được những ý thơ, tình thơ mà tác giả muốn gửi gắm… Mong nhận được sự lượng thứ từ tác giả và bạn đọc cho bài viết này nếu có sai sót..
Sài Gòn 21/7/2014
HXS

https://www.facebook.com/search/top/?q=%C4%91%E1%BB%8Dc%20ng%C6%B0%E1%BB%9Di%20%C4%91%C3%A0n%20b%C3%A0%20%C4%91i%20t%C3%ACm%20%C4%91%E1%BB%93ng%20%C4%91%E1%BB%99i%20c%E1%BB%A7a%20t%C3%A1c%20gi%E1%BA%A3%20hoa%20h%E1%BB%93ng%20(tr%E1%BA%A7n%20ng%E1%BB%8Dc%20h%C3%B2a

Thứ Tư, 7 tháng 11, 2018

Tản Mạn Cùng TÌNH KHÚC DIÊU BÔNG Của Tác Giả Quý Phương




Đôi Dòng Tản Mạn Cùng TÌNH KHÚC DIÊU BÔNG Của Tác Giả Quý Phương

Dẫu được sinh ra, lớn lên trên miền quê Kinh Bắc nhưng cũng phải tới đầu thập niên 90 của thế kỷ trước người viết mới cảm được vẻ đẹp "Những cô hàng xén răng đen. Cười như mùa thu tỏa nắng!" sau khi biết nghêu ngao "Lấy chồng sớm làm gì để lời ru thêm buồn.. !"( Trần Tiến).
không nhớ bao lâu sau nữa người viết mới biết Lá Diêu Bông của Hoàng Cầm để rồi từ đó chưa bao giờ quên lời thơ cũng như lời ca khúc Sao Em Nỡ Vội Lấy Chồng cho tới hôm nay!
lòng vẫn tự nhủ nhớ để mà nhớ, cũng không mong mình sẽ quên và cũng chẳng cầu phải nhớ mãi. Nhưng đêm nay gặp Tình Khúc Diêu Bông một bài thơ được Qúy Phương cảm tác và đăng trên trang cá nhân của nữ sĩ.
Bài thơ đã khiến tâm tư người viết muốn Ngược Dòng về với bến sông quê nơi mà Hoàng Cầm đã khẳng định:
"Mùa đông sau em tìm thấy lá
Chị lắc đầu 
Trông nắng vãn bên sông"
Dẫu loài lá ấy không có thật nhưng Nó đã quyến rũ, mê hoặc biết bao Tao Nhân Mặc Khách, ngay cả cố Nhạc Sĩ Phạm Duy còn phải thốt lên:
Em đi trăm núi nghìn sông
Nào tìm thấy Lá Diêu Bông bao giờ (Phạm Duy)
Mang theo thêm chút nỗi niềm cũng như thắc mắc về Lá Diêu Bông người viết theo dòng cùng với Chị chủ thể trữ tình trong thơ Qúy Phương!

TÌNH KHÚC DIÊU BÔNG

Chị bây giờ là gái đã có chồng
Em đợi chờ chi mà lòng buồn héo hắt
Mấy mùa cải ngồng ven bờ sông đắng ngắt
Chị khóc một mình chắc em chẳng biết đâu


Cơ cực tháng ngày tủi phận làm dâu
Hạnh phúc đắng đau từng ngày chị nếm
Mảnh trăng còn treo đầu non vẫn sáng
Chị ngồi ngẩn ngơ nhớ chuyện hôm nào

Duyên nợ buộc ràng câu chuyện trầu cau
Chị gật đầu đi theo người, lỗi hẹn
Bến sông ngày xưa chị và em từng đến
Chắc giờ mình em đang oán trách nhiều

Chị vẫn còn hoài niệm những dấu yêu
Nhưng chỉ dằn lòng giấu vào một góc
Biết em còn chờ chị buồn rồi khóc
Mà sợ thị phi bao kẻ đặt điều

Em! tìm cho mình một người khác để yêu
Quên chị đi, một con người bạc bẽo
Ván đóng thuyền rồi, bến sông xưa lạnh lẽo
Chị cũng lạnh cả lòng sống khô héo ai hay (Qúy Phương)

Những vần thơ được Quý Phương gửi câu từ vào thể thơ Tự Do phóng khoáng mà sâu sắc! Tác giả đã để nhân vật trữ tình Chị trải lòng sau khi " Biết em còn chờ chị buồn rồi khóc". Chị khóc vì đâu và vì sao hoặc giả chị giật mình nhận ra sự thật"Ván đóng thuyền rồi, bến sông xưa lạnh lẽo"! Người viết trộm nghĩ có lẽ Chị đang nức nở mà rằng:
Nhớ thương ngày xưa cũng đâu có thể
Níu chị quay về hồi trẻ cho em (Quý Phương)
Với hai câu thơ tưởng chừng như Chị đã yên lòng neo bến đậu nhưng không Tình Khúc Lá Diêu Bông vừa cất tiếng:

Chị bây giờ là gái đã có chồng
Em đợi chờ chi mà lòng buồn héo hắt
Mấy mùa cải ngồng ven bờ sông đắng ngắt
Chị khóc một mình chắc em chẳng biết đâu

Thực tình mà nói nếu chỉ nghe lời tự sự của chị qua những câu thơ trôi như dòng chảy hiền hòa của khúc sông lặng sóng, dẫu Thuyền thơ chở nặng nỗi niềm thì cũng chưa có gì phải trở trăn với nó. Nhưng bởi người viết lỡ đọc và cảm những câu thơ của Quý Phương trong một Tình Khúc Diêu Bông khác rằng:

Chị chẳng bận tâm em khóc hay cười
Vì đũa lệch đôi mấy ai hạnh phúc
Có lẽ là em bồng bột trong phút chốc
Nên gửi tim yêu sai lối mất rồi (TKDB 8)

Nên Cảm được cái "buồn héo hắt" của em trong khi chờ đợi! Thấu hiểu cái vị Đắng ngắt của ngồng cải và tin chắc chị đã đang và sẽ còn phải "khóc một mình" không dám chia sẻ cùng ai! Giá như chị đừng nghi ngờ "em bồng bột trong phút chốc" hẳn sẽ không có Tình Khúc Diêu Bông ra đời và chị chắc hẳn không phải "khóc một mình"?
Vì sao chị khóc khi "Ván đã đóng thuyền" lý do đã có rồi đây!

Cơ cực tháng ngày tủi phận làm dâu
Hạnh phúc đắng đau từng ngày chị nếm
Mảnh trăng còn treo đầu non vẫn sáng
Chị ngồi ngẩn ngơ nhớ chuyện hôm nào

Đời phụ nữ như hạt mưa sa trong nhờ đục chịu! Chị cam phận? chị chấp nhận? nhưng người đầu ấp má kề đâu để chị phải "Cơ cực tháng ngày tủi phận  làm dâu"? Và phải thao thức trắng đêm để cảm nhận thứ 'Hạnh phúc đắng đau từng ngày ". Trên đời này có thứ hạnh phúc mang tên đắng đau ư? Chị đã dối lòng mình hay còn lý do nào khác ? Câu hỏi này chắc hẳn chị khó trẩ lời nhưng có lẽ  tác giả Quý  Phương biết bởi nữ sĩ từng viết:
Chồng chị rất yêu thương chị em à
Chị thấy mình cần phải quên tất cả
Dù cho em ngày đêm nhắc nhớ
Chị vẫn ấm yên hạnh phúc với chồng (TKDB 2)
Thấp thoáng đâu đây câu hát " Con gái nói có là không!... Con gái nói hai là một"! Người viết đồ rằng như thế!
Tới đây ta vẫn chỉ thấy độc thoại từ chủ thể Trữ Tình Chị trong Tình Khúc Riêu Bông! Tác giả vẫn để em ngoài cuộc, nhưng người viết muốn mượn một ý thơ của Nam thi sĩ gửi lại đây thay cho tâm tư chủ thể Em của Chị!

Lá diêu bông em tìm kiếm bao lần
Vẫn thương chị trong vần thơ ai viết
Vẫn thương em dại khờ trong nhớ thương bất diệt
Mải miết kiếm tìm một chiếc lá hư không

Chị đã an vui, hạnh phúc bên chồng
Ngày pháo nổ, má hồng chị vội vàng bỏ bến
Bỏ bờ sông, hoa cải vàng thương mến
Bỏ lại mình em lặng lẽ cô đơn

Em giận số phận sinh chị sớm hơn
Nợ - Duyên trêu đùa thương một người mà không thể nói (Nguyễn Mạnh Hùng)
Không biết em không thể nói hay Chị đã không cho em cơ hội nói! Nhưng để Lỗi Hẹn thì chị đã nhận lỗi về mình!

Duyên nợ buộc ràng câu chuyện trầu cau
Chị gật đầu đi theo người, lỗi hẹn
Bến sông ngày xưa chị và em từng đến
Chắc giờ mình em đang oán trách nhiều

Cả bài thơ trôi êm đềm theo bút pháp điêu luyện của Nữ Sĩ bất ngờ câu thơ" Chắc giờ mình em đang oán trách nhiều" lại khựng lại như một khúc quanh của dòng chảy, Câu thơ có ba cặp thanh chùng nhau liền nhau dắt díu ý thơ hờn trách trôi đi thật ám ảnh người đọc. Có phải chăng tác giả muốn mượn nhịp thơ để diễn tả  tâm tư chủ thể  Chị gập ghềnh như thế hoặc giả nếu câu thơ có nhịp thơ suôn mượt thì ý thơ không được nhấn mạnh như thế chăng?
Chị biết vì Nợ nhưng vẫn có Duyên trước nên chị Gật đầu đi theo người"  ! Ván đã đóng thuyền ! Chị về nơi xứ lạ với bổn phận làm dâu làm vợ cứ ngỡ tất cả đã lùi vào quá khứ đã trở thành kỷ niệm .. Đôi lúc cũng chạnh lòng mà nghĩ tới để đêm về thao thức:

Chị vẫn còn hoài niệm những dấu yêu
Nhưng chỉ dằn lòng giấu vào một góc

Em vẫn chưa có câu trả lời tất cả vẫn chỉ mình chị Độc Thoại! người viết Lại lạm bàn khi mượn một tứ thơ khác của tác giả Nguyễn Mạnh Hùng đặt lại đây như một cầu nối để bước qua khúc ngoặt đời chị rất khó khăn này

Em khóc, cười trong nỗi nhớ mùa sang
Chị bỏ xóm làng về làm dâu xứ khác
Để hoa cải, con nước buồn man mác
Có kịp ngược dòng trở về ký ức xưa?

Ngày chị lấy chồng, em khóc, trời chợt đổ cơn mưa! (Nguyễn Mạnh Hùng)

Cho tới lúc này có lẽ chị đã không hay hay giả vờ không biết  mình đã để lại sau lưng một dấu lặng buồn ?
Biết em còn chờ chị buồn rồi khóc
Mà sợ thị phi bao kẻ đặt điều!

Em! tìm cho mình một người khác để yêu
Quên chị đi, một con người bạc bẽo
Ván đóng thuyền rồi, bến sông xưa lạnh lẽo
Chị cũng lạnh cả lòng sống khô héo ai hay !

Tình Khúc Diêu Bông đã được tác giả Qúy Phương đặt dấu chấm than cho câu thơ cuối ! Nhưng chưa có cánh của nào mở ra ở đây cả. Vẫn chỉ là chị nói, chị muốn, chị nghe và chị biết! Nhưng lại vẫn là cái vòng kim cô Lễ Giáo siết trên đầu người phụ nữ á đông yêu người lớn tuổi cũng sợ, yêu người nhỏ hơn cũng sợ điều dị nghị thị phi...
Tự trong sâu thẳm đáy lòng chị vẫn còn bóng dáng em bởi sự thật là tổ ấm của chị chưa đủ ấm. Nên hệ quả tất yếu là "Chị cũng lạnh cả lòng sống khô héo ai hay !" Ai hay hay không tác giả không nói, nhưng cái dấu chấm than để ở cuối câu lại tố cáo chị rằng đã có người hay!
Ít nhất là đã có sự đồng cảm của một tác giả :

Chị đừng bận tâm cứ để mặc em giữa lạ, quen
Giữa ký ức lấm lem chỉ một mình lưu giữ
Có cô đơn đâu còn bên em vần thơ; câu chữ
Chỉ thương cho một kiếp lục bình trôi

Em có nhớ đâu chỉ giận giọt mồ hôi
Bết tóc chị những trưa hè vất vả
Thương ai dầm mình giữa cơn mưa lã chã
Nhớ mẹ về thăm giữa tất tả ngược xuôi

Diêu bông ơi, nhẫn cỏ, kỷ niệm ơi
Ngủ yên nhé đừng bao giờ thao thức
Chị an phận rồi, giấu đi trong lòng ngực
Hay đem thả trôi sông để chị bớt nghĩ suy

Có con nước nào ngược được dòng để níu thuyền đừng đi? ( Ngược Dòng -Nguyễn Mạnh Hùng)

Tình Khúc Diêu Bông của tác giả Qúy Phương vừa khép lại! Cũng như chiếc lá huyền thoại Diêu Bông cũng chưa ai tìm thấy bao giờ thì ở đây trong câu chuyện tình trái ngang này vẫn chưa có lối thoát !Chủ thể trữ tình trong thơ vẫn phải "sống khô héo" và ở Bến xưa "Em vẫn mắc nợ mẹ già một nàng dâu"! 
Những câu chuyện tình éo le như trong thơ Quý Phương hôm nay ta có thể bắt gặp rất nhiều xun quanh ta, Phải chăng hệ lụy này bắt đầu từ  rất nhiều những người Đàn ông vô trách nhiệm  rượu chè bê tha bỏ bê gia đình... Để những người phụ nữ của họ phải thốt lên:

Em kiệt sức rồi không đợi được nữa đâu
Hay ta giải thoát cho nhau khỏi ngục tù đày đọa
Cuộc sống sau hôn nhân cứ như là biển lửa
Thiêu đốt tình yêu nhen nhóm ngày đầu (Giải Thoát - Quý Phương)

Trong những tháng năm gặm nhấm thứ "Hạnh phúc Đắng đau" Chị đại diện cho một số nhất định những người phụ nữ không may mắn có bao giờ nghĩ tới Giải Thoát không? Câu hỏi này vẫn biết hỏi chỉ để hỏi mà thôi nhưng sao khi viết người viết vẫn nghèn nghẹn nơi cổ họng...
Người viết xin mượn một khúc thơ của tác giả Nguyễn Mạnh Hùng như gửi một lời an ủi tới chủ thể Chị trong thơ của tác giả Quý Phương! 

Trong tình yêu làm sao rõ đúng, sai
Em chỉ biết trái tim em thổn thức
Đâu chỉ là những đam mê, rạo rực
Một chữ thương mà ngơ ngẩn một đời

Nơi triền đê hoa gạo đỏ rực trời
Máu trong tim cồn cào gọi tên chị
Tình yêu em từ những điều bình dị
Từ mo cau, mùi ổi, hoa bưởi trắng tinh khôi

Mùa qua mùa, tuổi thơ cũng dần trôi
Chị lấy chồng xa chưa một lần về quê mẹ
Em lớn khôn tự nhủ mình mạnh mẽ
Nhớ ngút ngàn búi tóc chị ngày xưa ( Nguyễn Mạnh Hùng)!
Nếu chị đọc được những lời chia sẻ này cũng mong chị nở một nụ cười bởi đâu đó giữa dòng đời nghiệt ngã không công bằng với chị thì vẫn có một trái tim chung nhịp đập với chị dẫu không hoặc chưa chung đường !
Sài Gòn 6/11/2018
Phương Lan

Thứ Sáu, 19 tháng 10, 2018

Đọc EM XƯA Của Tác Giả Hải Minh



EM XƯA


Sao mắt em bầm tím ?
Vội quá va cạnh bàn
Sao cánh tay xước xát ?
Nồm trơn truợt cầu thang

Nhìn sâu nơi đáy mắt
Đâu rồi lửa nồng nàn ?
Đâu nụ cười mãn nguyện
Trong hạ vàng mênh mang ?

Cúi đầu vê tà áo
Mắt nhìn phía xa xôi
Bỗng òa lên tức tưởi
Tôi hiểu rồi em ơi

Tôi không dám cầm tay
Đưa bờ vai em tựa
Bởi có hai đốm lửa
Chờ gió là bùng lên..Hải Minh


Mới nhìn tựa đề Em Xưa người viết đã nghĩ ngay tới ca khúc Một lần Nào Cho Tôi Gặp Lại Em của nhạc sĩ Vũ Thành An! Với những ca từ da diết nhớ nhung khao khát gặp lại!

"Một lần nào cho tôi gặp lại Em
Nghe Em nói Em vui một lần
Một lần nào cho tôi gặp lại Em
Còn chút tình đốt hết một lần..."

Nhưng khi đọc, rồi quay lại nhẩn nha từng câu chữ để cảm ý thơ mà tác giả gửi gắm thì quả thật Em Xưa không theo lối mòn mà các Thi Nhạc Sĩ vẫn viết!
Em Xưa! Người mà một khoảng thời gian nhất định đã là tất cả của Tôi! Nay thì sao? Tác giả giới thiệu ngay bằng một loạt câu hỏi?

Sao mắt em bầm tím ?
Vội quá va cạnh bàn
Sao cánh tay xước xát ?
Nồm trơn truợt cầu thang

Bốn câu thơ chở hai câu hỏi và hai câu trả lời rất rõ ràng người viết không còn cần lột ra lớp vỏ ngôn từ nữa. Câu hỏi của ngôi thứ nhất không có gì phải lạm bàn
Nhưng! Lại vẫn là chữ nhưng ẩn hiện sau câu trả lòi nhất là khi mắt bầm tím vì " vội quá va cạnh bàn" và cánh tay kia xước xát lý do là do trời nồm nên nền cầu thang trơn truợt! Chắc cũng do vội quá?

Bất giác tôi như bị dội ngược trở lại tuổi ấu thơ ! Nơi thôn quê nghèo nửa xã mới có 3 đứa con gái cùng tuổi tôi đi học! 15 16 tuổi các bạn lần lượt lấy chồng.Chị hàng xóm kề rào nhà tôi cũng tầm tuổi tôi vậy mà khi tôi tốt nghiệp cấp 3 chị đã kịp sinh 2 đứa và đang mang thai đứa thứ 3

Nào phải tiếng trẻ thơ mang lại hạnh phúc cho chị! Không mấy ngày thân thể chị không bị bầm tím do những cú ra đòn Thù của chồng vì say rượu! Những tiếng nồi niêu bát đũa bay cùng tiếng khóc tiếng kêu la của chị cũng như ánh mắt hoảng loạn của mấy đứa trẻ ám ảnh tôi đến giờ!
Thế nhưng khi chị về ngoại hay đi chợ ( Tôi hay chở giúp chị bằng xe đạp hồi bấy giờ) chị dặn - Đùng nói anh đánh chị mà nói chị bị ngã xe nhé!
Câu chuện ấy xảy ra cách đây hơn ba mươi năm bỗng dưng hiện ra trước mắt tôi vì những câu trả lời không có logic của Em trong Em Xưa...
Bất chợt tôi ngửa cổ muốn la to lên
-Trời ơi? Em ơi? Phụ nữ chúng mình ơi? Thế kỷ hai mươi mốt rồi! Sao còn phải cam chịu như vậy? Chấp nhận che giấu tội vũ phu bạo hành của chồng cũng là đồng lõa với cái ác đấy.
Xin trở lại với Em Xưa!
Có lẽ chủ thể ngôi thứ nhất sau phút gặp gỡ nghe câu trả lời của Em hẳn cũng xót xa, xót xa đến quặn thắt trong lồng ngực. ...
Để rồi

Nhìn sâu nơi đáy mắt
Đâu rồi lửa nồng nàn ?
Đâu nụ cười mãn nguyện
Trong hạ vàng mênh mang ?

Một khổ thơ dạt dào tình cảm vừa được tác giả giới thiệu về Em Xưa và cũng là gửi gắm tình cảm của mình trong đó.
Một đôi mắt có lẽ một thời ngự trị trong ngôi thứ nhất rất đẹp, đã từng tỏa ra những ánh nhìn nồng nàn bỏng cháy khi xưa... Nay không còn nữa!
Khi cửa sỗ tâm hồn " bầm tím" thì tìm đâu nụ cười mãn nguyện là hệ quả tất yếu
Chiều hạ vàng mênh mang? Hay chính ngôi thứ nhất đang hoang mang đây?
Có lẽ sau khi nghe trả lời có phần phi lý ! Cả hai cùng nhận ra điều ấy! Người hỏi không nỡ hỏi thêm nữa hay là biết trước câu trả lời...
Còn Em thì thế này đây :

Tay vân vê tà áo
Mắt nhìn phía xa xôi
Bỗng òa lên tức tưởi
Tôi hiểu rồi em ơi!

Đọc và cảm bốn câu thơ này có gì đó nghẹn đắng trong cổ họng!
Tác giả dùng hai từ Tức Tưởi mới đắt giá làm sao! Nếu như thay hai từ ấy bằng nức nở bằng thút thít bằng sụt sùi thì ý nghĩa và hồn cốt bài thơ lại chuyển sang một hướng khác trái ngược hoàn toàn.
Tức tưởi nhằm chỉ tiếng khóc bật lên trong nỗi oan ức có khi là phẫn uất đã được tác giả sử dụng hẳn anh đã chọn lựa rất kỹ...
 Người viết hy vọng bài thơ này tác giả viết đã lâu!
Qủa thực ngày nay khi xã hội phát triển nhanh, kéo theo nhiều hệ lụy, xấu có, tốt có, bên cạnh đó trình độ dân trí đã cao hơn, sự  bắt buộc phải cam chịu, nhẫn nhịn của người phụ nữ Á Đông theo Tam Tòng cũng đã được cởi trói giải thoát rất nhiều.
Thời đại công nghệ 4.0 mà sao vẫn còn nạn bạo hành phụ nữ như vây để tác giả ghi lại hôm nay! Là câu hỏi mà tôi rất muốn hỏi tác giả!
Hy vọng vẫn chỉ là hy vọng thôi! Người phụ nữ ấy! sau phút lúng túng kìm nén có lẽ chị đã cố gắng muốn giấu những tủi nhục mà mình đang nhẫn nhịn chịu đựng từ chính người "đến sau" thay chỗ người đang đứng trước mặt chị!
Nhưng vân vê tà áo thì áo cũng chẳng nhàu thêm! Nhìn xa nhìn gần cũng không tìm được sự chia sẻ, hoặc nơi nào để bấu víu . Ngay trước mặt lại là người chị muốn giấu lý do mắt bầm tay xước... Trái tim chị có lẽ đã run lên trước khi không ghìm nén được mới òa khóc tức tưởi!

Tác giả thốt lên " Tôi hiểu rồi em ơi"! Và hiểu thế nào? hiểu do đâu? Có lẽ anh không cần nói lý do nữa, bởi vì đã có hai từ Tức tưởi tố cáo vì sao chị lại bầm mắt và xước xát tay! Đó là những nơi đối diện và nhìn thấy,
Ai dám khẳng định thân thể chị không bị bầm tím, khi mà đôi mắt còn bị đánh đập thì có lẽ không nơi đâu còn lành lặn! Là Người viết nghĩ thế vì thủa xưa đã nhiều lần chứng kiến ánh mắt cầu xin của chị hàng xóm khi bị chồng chị Thượng cẳng chân hạ cẳng tay...Thậm chí chị có thai gần đến ngày sinh anh vẫn đánh! Quanh năm người chị không bao giờ hết dấu tích những trận đòn! Nhưng không phải ở những nơi ai cũng nhìn thấy như Em Xưa của tác giả Hải Minh hôm nay!
Những câu thơ với những câu từ giản dị chở ý thơ dễ hiểu nhưng lại nặng trĩu kéo tâm tư người đọc theo vào sâu trong những ý thơ ấy!
Dẫu muốn hay không thì khổ thơ kết cũng vừa hiện diện cùng một dấu chấm than!

Tôi không dám cầm tay
Đưa bờ vai em tựa
Bởi có hai đốm lửa
Chờ gió là bùng lên!

Tác giả đã đặt một dấu chấm than khép lại bài thơ. Nhưng chưa thể mở ra một lối thoát, cũng như chưa thể xóa nhòa hết nỗi đau còn hằn trên thân xác của Em Xưa một nạn nhân của bạo lực gia đình.Nạn nhân vẫn bị sống trong ngập ngụa nỗi đau thân xác cũng như bị hành hạ về tinh thần, Một mảng màu buồn bao trùm và xâm lấn tâm hồn chị, có lẽ cả Người đang đứng trước mặt chị.
Người Viết, tác giả cũng như mong bạn đọc hãy chung tay thắp lên những ngọn lửa tin yêu trong lòng những người phụ nữ như Em Xưa.. Để rồi một ngày gần chúng ta không còn phải chứng kiến những đôi mắt bầm tím, với những vết bầm tím trên khắp thân thể. Và vết thương trong tâm hồn trong trái tim Em Xưa!

Tới đây Người Viết Muốn gửi tới ngôi thứ nhất và tác giả Hải Minh một chút suy tư riêng thế này!
Thực tình mà nói nếu trong hoàn cảnh này,chủ thể trong thơ Tôi làm được điều mà khổ kết đã viết thì quả thật người viết và có lẽ có thêm nhiều bạn đọc nữa rất nể trọng!
Tác giả ơi! ngay như ông nhạc si họ Vũ khi chia tay người yêu còn khẳng khái
"Suốt con đường ai dìu lối
Hãy yêu nhiều người em tôi
Xin gửi em một lời chào...
Một lời thương, một lời yêu...
Lần cuối cùng...."
Tưởng mình nói được, làm được, nhưng cuối cùng thì sao?
Ông đã phải sống trong nhung nhớ tới nỗi mong "Một lần nào cho tôi gặp lại em. Còn chút tình đốt hết một lần" sau khi làm ra vẻ lạnh lùng: "Nhớ em nhiều nhưng chẳng nói!Nói ra nhiều cũng vậy thôi! Ôi! đớn đau đã nhiều rồi!" Để thấy nói dễ mà làm không được!
Riêng với khổ thơ kết và tác giả Hải Minh! Người viết có suy tư thế này:
Diễn biến tâm lý nhân vật trong thơ anh tới khổ thơ kết này hoàn toàn hợp lý! Nhưng trong khổ kêt thì tác giả lại để cho ngôi thứ nhất Tôi không dám cầm tay. Đưa bờ vai em dựa"
Vế thứ hai thông thường phải là hệ quả của vế thư nhất nhưng ỏ đây lại là
Bởi có hai đốm lửa. Chờ gió là bùng lên" !Biết rằng chỉ có hai đốm lửa thôi Nhưng thử hỏi khi đôi vai gầy guộc nhỏ kia rung lên và tiếng khóc mà Tôi nghe và cảm được nó Tức Tưởi nữa thì liệu trái tim ngôi thứ nhất có đủ Vô Cảm đến mức đứng nhìn hay không, chứ chưa nói đến suy nghĩ được nếu như thế này.. thì sẽ như thế kia... nếu như thế kia... thì như thế này .. đâu tác giả ạ!
Thả rẳng cứ để cho ngôi thứ nhất "cầm tay" và cho "mượn bờ vai" một lúc thôi coi như "còn chút tình đốt hết một lần" thì lại có lý và hợp tình hơn..
Thay cho lời kết người viết xin mượn mấy câu thơ của tác giả Trần Mạnh Tuân như một lời can gián hay chia xẻ với tác giả với hai chủ thể trong Em Xưa!
Dẫu rằng lắm ước nhiều mong,
Xin đừng gặp lại sầu đong thêm đầy!
Cho dù còn chút đắm say,
Bóng hình xưa giữ thế này mãi thôi! (Trần Mạnh Tuân)

Sài Gòn 19/10/2018
Phương Lan