Thứ Bảy, 10 tháng 8, 2019

CƠN SỐT ĐẤT của Thanh Trắc Nguyễn Văn




CƠN SỐT ĐẤT

Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở. 
Khi ta đi đất bỗng hoá tâm hồn. (Tiếng Hát Con Tàu - Chế Lan Viên) 
Hay: “Đất vắng cây đất ngừng ngừng hơi thở…Cây thiếu đất cây sống sống với ai?” (Tình cây và đất -Tô Thanh Tùng) 
Có lẽ bất cứ ai trong mỗi chúng ta khi nghe những câu thơ, lời hát ấy ít nhiều đều có cảm xúc bồi hồi nhớ về những nơi mình đã đi qua, đã ở lại, được đánh dấu bằng những địa danh mang tên Đất, tên Nước. Và có lẽ sẽ thêm yêu hơn quê hương, yêu hơn cuộc sống của mình. Đất đi vào thơ vào nhạc phần đông là tình thơ, ý nhạc dạt dào tình cảm, ca ngợi vẻ đẹp của quê hương. 
Vậy mà hôm nay tôi rất ngỡ ngàng gặp một tâm trạng của thầy giáo nhà thơ Thanh Trắc Nguyễn Văn. Anh viết về Đất… Bài thơ có tựa đề 

Cơn Sốt Đất. 

Khi ta về cơn sốt đất đang cao
Đồng tiền quẳng ra trên những đống gò ao bãi 
Quán xá lềnh khênh 
Nhạc tình rơi vãi 
Giữa dòng đời ai nghiêng ngả 
Ngả nghiêng? 
Từng ngôi nhà hối hả mọc chông chênh 
Vội thay mặt chủ sau mỗi lần được giá 
Vườn ruộng ông cha giờ cháu con đem mặc cả 
Tấc đất tấc vàng 
Trong hai tiếng bán buôn. 
Khi ta về nước mắt mẹ đang tuôn 
Một hố lầy hoang cũng giật giành xỉa xói 
Anh em nhìn nhau nghi ngờ soi mói 
Chửi rủa trước nhà 
Dao búa sau lưng. 
Mẹ một đời người vẫn buôn thúng bán bưng 
Thương đàn cháu đói lại đường xa chạy gạo 
Đất chưa hóa vàng đã từng giờ rỉ máu 
Bao nhân nghĩa cuộc đời theo nước lã trôi sông. 


Khi ta về biết em nhớ hay không? 
Hàng dâm bụt tuổi thơ đã không còn đó nữa 
Một bức tường vôi mảnh chai găm tua tủa 
Ngăn trở lòng người 
Cứa nát những vì sao. 
Ta bàng hoàng nghe vị đắng nỗi đau 
Đất cao giá biến nụ cười em băng giá! 
Người yêu cũ nay bỗng dưng xa lạ 
Hỏi tại người 
Hay tại đất 
Mẹ ơi? (Thanh Trắc Nguyễn Văn) 

Bài thơ dừng lại ở câu cảm thán “Mẹ ơi!” và câu hỏi “Hỏi tại người hay tại Đất? khiến cho tôi (một bạn đọc yêu thơ) rất muốn đi tìm nguyên do dẫn đến câu hỏi nhức nhối trai tim người đọc ấy. 
Thể thơ tự do với những ngôn từ được lựa chọn kỹ càng, đã được nhà thơ chọn để gửi gắm vào ý thơ chuyên chở cả một hồn thơ sâu rộng. Nhằm phản ánh một thực trạng đau lòng, một mặt trái của sự phát triển nhanh chóng. Mà đất mang lại cho những chủ nhân của nó…Những điều nhức nhối ấy,khuất lấp sau những gì mà chợt nhìn, chợt thấy cứ ngỡ đó là những giá trị tốt đẹp, là “sự phát triển vượt bậc” mà Cơn Sốt Đất mang đến…Nhưng không! Nhà thơ đang khắc hoạ cơn sốt này theo góc nhìn của riêng mình. 
Góc nhìn dẫn tới mặt trái của bức tranh Cơn Sốt Đất của nhà thơ Thanh Trắc Nguyễn Văn mở ra trong bối cảnh “Khi ta về…” 
Khi ta về cơn sốt đất đang cao 
Đồng tiền quẳng ra trên những đống gò ao bãi 
Quán xá lềnh khênh 
Nhạc tình rơi vãi 
Giữa dòng đời ai nghiêng ngả 
Ngả nghiêng? 

“Khi ta về…”của nhà thơ (năm 2000) lúc ấy nào đâu chỉ có nơi nhà thơ đến “cơn sốt đất đang cao” mà khắp nơi, từ nông thôn đến thành thị chỗ nào thấy dăm ba người ngồi trong quán nước phía Bắc hay quán cà phê phía Nam thì y như rằng họ đang bàn về Đất. Một thửa ruộng đất nông nghiệp, một góc ao làng lấn chiếm, một rẻo đất lấn sông hay một vạt đất ven đường lộ…bỗng chốc hoá thành vàng. Hôm qua 2 triệu một sào đất, vừa sang tay cầm đồng tiền còn nóng hổi trên tay. Hôm nay có thể đã 2 triệu một mét vuông. Ngày mai, ngai mốt đã gấp nhiều lần số ấy…Từ đó nào đâu chỉ có “nhạc tình rơi vãi” mà hệ luỵ kéo theo cơ man nào là rắc rối. Dòng đời êm trôi đang lặng sóng nhất là làng quê thôn xóm..Bỗng chốc cơn bão giá nhà đất ào tới xô nghiêng tất cả…Tình người rơi theo tỷ lệ thuận với giá nhà đất tăng cao.. 
Vẫn là “khi ta về..” nhà thơ bắt gặp và có lẽ tận mắt chứng kiến: 

Từng ngôi nhà hối hả mọc chông chênh 
Vội thay mặt chủ sau mỗi lần được giá 
Vườn ruộng ông cha giờ cháu con đem mặc cả 
Tấc đất tấc vàng 
Trong hai tiếng bán buôn. 

Còn nỗi đau nào hơn đến với những người tạo dựng cơ nghiệp mong để lại cho đời sau chút đất hương hoả. Gặp cơn bão sốt đất cuốn về tình nghĩa cuốn theo, lòng người nghiêng ngả. Nhà thơ gặp “vườn ruộng ông cha giờ cháu con mặc cả…” là còn đỡ hơn nhiều so với ngay gần nơi tôi sống… Chính con đẻ của người khuất núi còn đang tâm thuê người dời mộ cha mẹ của mình về quê để lấy đất bán…Dù hai ngôi mộ ấy nằm gọn một góc mảnh vườn..Và tấc đất ấy không chỉ là “tấc đất tấc vàng” mà nó còn đào luôn cả chữ hiếu chữ tâm đi chôn xuống ba tấc đất cùng lương tâm của những đứa con cạn tình hết nghĩa… Tất cả bóp nát, vo tròn theo “hai tiếng bán buôn”. Một khổ thơ chất chứa tình thơ nặng trĩu…kéo theo hai chữ tình người ngả nghiêng bởi “tấc đất tấc vàng”. 

Lại vẫn là “Khi ta về…”nhà thơ bắt gặp những nỗi niềm xót xa…xót xa đến quặn thắt lòng người chứng kiến để rồi bật lên thành những câu thơ ..nấc nghẹn khắc khoải… 

Khi ta về nước mắt mẹ đang tuôn 
Một hố lầy hoang cũng giật giành xỉa xói 
Anh em nhìn nhau nghi ngờ soi mói 
Chửi rủa trước nhà 
Dao búa sau lưng. 

Như đã nói một vạt đất lấn chiếm bỗng chốc hoá vàng. Ở đây trước mắt nhà thơ chỉ có “một hố lầy hoang..”, vậy mà “anh em nhìn nhau nghi ngờ soi mói”, giành giật xỉa xói” không xong…sẵn sàng quay ra “chửi rủa trước nhà..” hậu quả mang đến là “dao búa sau lưng” . Anh em ruột thịt bất chấp “nước mắt mẹ đang tuôn” còn nỗi đau xé lòng nào hơn thế ! khi những bậc làm cha làm mẹ một đời tần tảo chắt bóp nuôi con để hôm nay chúng đối xử với nhau bằng “dao búa” cũng chỉ bởi tại “tấc đất tấc vàng”. Vàng đâu chưa thấy, chỉ thấy tình nghĩa đảo điên lòng người se thắt héo hon rớt rơi theo nước mắt của những người mẹ… 

Mẹ một đời người vẫn buôn thúng bán bưng 
Thương đàn cháu đói lại đường xa chạy gạo 
Đất chưa hóa vàng đã từng giờ rỉ máu 
Bao nhân nghĩa cuộc đời theo nước lã trôi sông. 

Lại là một cảnh đời éo le đập vào trước mắt nhà thơ. Hình ảnh người mẹ lam lũ “một đời người vẫn buôn thúng bán bưng” chứ nào đâu giàu có gì cho cam. Nước mắt chảy xuôi lòng mẹ bao la nào nỡ bỏ đàn cháu đói.. ‘lại đường xa chạy gạo”. Xưa các con còn nhỏ mẹ “vẫn một đời buôn thúng bán bưng”chạy từng bữa ăn lo cho chúng tới nay trưởng thành dựng vợ gả chồng sinh con ..những tưởng mẹ sẽ được an hưởng tuổi già vậy mà…Cũng bởi tại “tấc đất tấc vàng”. Đất chưa hoá vàng…vậy mà đã “giành giật xoi mói” ..rồi phải dùng đến cả “dao búa” để mà nói chuyện…người xưa nói “một giọt máu đào hơn ao nước lã” ngày hôm nay nhà thơ đã thấy, tôi đã thấy và có lẽ nhiều bạn đọc đã thấy “ bao nhân nghĩa cuộc đời theo nước lã trôi sông”.Còn đâu là máu mủ ruột rà thân thích..tất cả bị một bộ phận không nhỏ những con người trong xã hội,coi đồng tiền là trên hết làm vấy bẩn hay nói rõ hơn là bôi bẩn, gạch xoá chữ tâm, chữ tình, chữ hiếu ở đời, chỉ vì lòng tham cầm chẳng đặng bị đồng tiền cuốn trôi dìm xuống… 
Còn đây một nỗi niềm “Khi ta về…”nữa của nhà thơ… 
Khi ta về biết em nhớ hay không? 
Hàng dâm bụt tuổi thơ đã không còn đó nữa 
Một bức tường vôi mảnh chai găm tua tủa 
Ngăn trở lòng người 
Cứa nát những vì sao. 
Chút kỷ niệm thời ấu thơ đến khi biết thầm thương, trộm nhớ, rồi yêu,với cô bé nhà bên chung một bờ giậu của nhà thơ. Có lẽ là hy vọng niềm vui dẫu mong manh còn sót lại cũng tan biến ngay khi bắt gặp “ một bức tường vôi mảnh chai găm tua tủa” thay chỗ “hàng dâm bụt..”. Đã bị “ngăn trở lòng người” thì làm sao biết được “em nhớ hay không”. Những mảnh chai găm tua tủa kia “cứa nát những vì sao” ? Hay cứa nát ánh mắt dõi sang nhà hàng xóm cùng trái tim của nhà thơ đây nhỉ?...”Khi ta về…” nghe sao đắng chát… Hình như lát cắt này làm nhà thơ hụt hẫng thì phải… 
Ta bàng hoàng nghe vị đắng nỗi đau 
Đất cao giá biến nụ cười em băng giá! 
Người yêu cũ nay bỗng dưng xa lạ 
Hỏi tại người 
Hay tại đất 
Mẹ ơi? 

Tấc đất tấc vàng, dẫu chưa hoá thành vàng. Đã khiến máu đào rỉ, tình nghĩa hiếu hoà rụng rơi, nay thêm tình xưa nghĩa cũ…cũng là hàng xóm láng giềng trở thành xa lạ. “Nụ cười em băng giá” chỉ vì “đất cao giá..” Cao giá lên em đã bán cả “hàng dâm bụt”? để cho “bức tường vôi…” mọc lên thế chỗ. Bạc như vôi vốn là câu nói của người xưa để lại…”Ta bàng hoàng nghe vị đắng nỗi đau” cũng phải thôi! Tình đời, tinh người đã nghiêng ngả theo cơn sốt đất ngay từ lúc đầu tiên “Khi ta về…” rồi mà… 
Nhà thơ muốn hỏi “ tại người? hay tại đất? câu hỏi này nhà thơ hỏi chỉ để hỏi mà thôi. Bản thân tác giả, bản thân tôi, và có lẽ có nhiều bạn đọc khác nữa đã có câu trả lời cho riêng minh khi đọc đến hai chữ “Mẹ ơi!” của nhà thơ Thanh Trắc Nguyễn Văn. 
Cơn Sốt Đất bài thơ đã khắc hoạ rõ nét một bức tranh mang gam màu xám của xã hội khi cơn bão “sốt đất nóng nhà” mang đến. Một bộ phận không nhỏ người dân đã bị lòng tham vật chất làm lu mờ, che khuất tình người, dìm chết tình thân, đạo hiếu ở đời. Ta có thể gặp bất cứ ở đâu trên khắp đất nước từ thành thị đến nông thôn, từ người giàu thành đạt tới người nghèo thất học…Nhan nhản trên báo đài…có khi ngay cạnh nhà bạn nhà tôi, nhà tác giả… Bất chấp luân thường đạo lý họ coi đồng tiền là trên hết ….nhiều nhất là khoảng hai chục năm trở lại đây… 
Cơn Sốt Đất của nhà thơ Thanh Trắc Nguyễn Văn tôi đã đọc, đã đồng cảm và tôi đã viết…Mong tác giả và bạn đọc hãy coi đây là cảm xúc của riêng cá nhân tôi cùng cái nhìn một chiều, mang theo gam màu xám…những suy luận và cảm ý thơ trong Cơn Sốt Đất có thể chưa hẳn đúng với phần đông bạn đọc và cảm xúc của tác giả. Rất mong được lượng thứ và bỏ qua. 

Sài Gòn 8/7/2014 
Huỳnh Xuân Sơn 

Mép Nước Hồ Tây- Hạt Cát Diệu Sinh

MÉP NƯỚC HỒ TÂY - Hạt Cát Diệu Sinh

Năm Mươi Năm, một nửa thế kỷ, hơn nửa đời người…Liệu thời gian ấy có quá dài hay quá ngắn với bạn, với tôi, và với những người hay hoài niệm? Khi nâng niu cất giữ những kỷ niệm bên mình như những báu vật. Vậy mà Năm mươi năm về trước. Có một người phải xa một người... để rồi năm mươi năm sau ta được chiêm nghiệm một tác phẩm mang tên 
MÉP NƯỚC HỒ TÂY 

Năm mươi năm ... 
mép nước Tây Hồ 
thơ ấu một thời hiển hiện 
Nhớ ngụp lặn bùn lầy ốc hến 
Bê rổ đầy Trùng trục 
cùng 
Lem luốc trùng trục anh. 
Nhớ rón rén mép nước xanh 
Đám cỏ gà hẫng tụt 
Hì hóp nhìn cá cua chạy mất 
Nhếch nhác hình hài... mếu cười 
Quần áo rong rêu... xước cẳng, vều môi 
Mắt vẫn dõi cá ve cờ xanh đỏ 
Thò tay chộp ngoé con ôm lá cỏ 
Chạy toé tung khi thấy đỉa ngo ngoe... 
... 
Rồi chiến tranh. 
Anh đi 
nghẹn Tây Hồ 
mưa gió ngày về vùi trong lửa đỏ. 
Biền biệt niềm thương nối nhớ 
biền biệt mùa sấu non 
biền biệt phượng già hoa đỏ như son 
biền biệt bằng lăng lối về tím lịm 
ngày cũ tháng xưa... Biền biệt 
Ta thành xa lạ trong nhau 
hai ngả đi về không nhau. 
.... 
Chiều Hồ Tây năm tháng thay màu 
Năm mươi năm 
Lại về Hồ Tây - 
mép nước…(Hạt Cát Diệu Sinh) 

Hạt Cát _ Diệu Sinh chính là tác giả bài thơ ấy. Với một mệnh phụ bước vào tuổi gần thất thập, sẽ có bao nhiêu điều muốn nhắc nhớ, muốn hoài niệm. Nhưng nhắc ai? nhớ điều gì? hẳn mỗi người, mỗi tuổi mỗi khác nhau. Nữ sĩ Hạt Cát Diệu Sinh dù hiện tại đang sống ở Hà Nội vậy mà cũng phải: 
Năm mươi năm 
Lại trở về Hồ Tây 
Mép Nước… 
Thắng cảnh Hồ Tây nên thơ, đẹp như tranh vậy. Sao chỉ có “mép nước..” hồ làm tác giả bâng khuâng “Chiều Hồ Tây năm tháng thay màu”. Màu chiều chẳng thể thay đổi dẫu bao lâu. Ráng chiều đổ xuống bốn mùa có màu sắc riêng của 
mình. Dáng nữ sĩ hôm nay thả bộ tới “mép nước” có khác và hẳn là khác nhiều so với Năm mươi năm trước. Tóc đã phai màu, làn da nay đã có mấy chị em đám đồi mồi thăm viếng rồi chẳng chịu dời đi cứ bám riết. 
Ven hồ năm mươi năm trước là những “đám cỏ gà” dập dềnh theo mặt nước. Những hang cua, hang ếch ăn nham nhở bờ đất. Giờ đây là bờ kè lát đá một màu xám ngoét. 
Duy chỉ có mặt nước hồ là luôn xao động bất kể nắng mưa, sáng lên hay chiều xuống. Tác giả dạo bước trước sự thay đổi đến ngỡ ngàng liệu có ước ao mình có tâm trạng giống nữ sĩ Hồ Xuân Hương: 

Phong cảnh Hồ Tây chẳng khác xưa 
Người đồng châu trước biết bao giờ .(Nhớ Bạn Chiều Hồ Tây) 

Hồ Tây nay đã thay đổi hẳn nhiên rồi. Nhưng có những cảnh vật nơi đây đã biến mất mà kỷ niệm gắn liền với nó thì vẫn còn nguyên trong góc khuất trái tim tác giả. Nhiều lúc cứ tưởng như nó đã ngủ yên suốt mấy chục năm qua, giờ đây bỗng trở dậy xô bật cửa trái tim vùng ra. Tất cả bắt nguồn cũng từ“mép nước” Hồ Tây cách đây nửa thế kỷ 

Năm mươi năm ... 
mép nước Tây Hồ 
thơ ấu một thời hiển hiện 
Nhớ ngụp lặn bùn lầy ốc hến 
Bê rổ đầy Trùng trục 
cùng 
Lem luốc trùng trục anh. 

Cái “mép nước” của Hồ Tây thơ mộng này,cũng chính là nơi lưu giữ kỷ niệm của tác giả để giờ đây trái tim người thiếu phụ đập rộn ràng khi thấy“hiển hiện” những buổi “ngụp lặn..” mò trong “bùn lầy” để mà bắt “ốc hến”.Có những hôm (có lẽ) tác giả là người “bê rổ đầy Trùng trục” ( một loài ăn thịt họ nhà trai nhưng nhỏ hơn, dài hơn và nhiều thịt hơn..) Cùng với “ người ấy” cũng đang “lem luốc…” nhưng lại trần “trùng trục”. Hai từ trùng trục đi liền trong hai câu thơ mang hai nghĩa hoàn toàn khác nhau có tác dụng nhấn mạnh đặc biệt. Mà với riêng tôi thì “trùng trục anh” thật ấn tượng. Mà nghĩ cho cùng, dẫu chẳng còn thời “cởi truồng tắm mưa” với nhau nữa. Nhưng làm con trai ai lại mặc áo đi mò ốc, bắt cua bao giờ. Có lẽ nhờ “lấm lem” và “trùng trục” nên mới có “rổ đầy Trùng trục” cho tác giả bê. Để hôm nay đứng ngây ra mà nhớ, nhớ tới cồn cào… Kỷ niệm còn vương nơi “mép nước” đâu chỉ có vậy… 
Nhớ rón rén mép nước xanh 
Đám cỏ gà hẫng tụt 
Hì hóp nhìn cá cua chạy mất 
Nhếch nhác hình hài... mếu cười 
Quần áo rong rêu... Xước cẳng, vều môi 
Mắt vẫn dõi cá ve cờ xanh đỏ 
Thò tay chộp ngoé con ôm lá cỏ 
Chạy toé tung khi thấy đỉa ngo ngoe... 

Ai bị “hẫng tụt” bởi “đám cỏ gà” lừa bên “mép nước xanh” tác giả không nói rõ. Có lẽ là tác giả hay là “trùng trục anh”, có khi là cả hai cùng “hẫng tụt một lúc”. Để rồi khi leo lên được thì hỡi ơi, miệng cười, miệng mếu với bộ dạng nhếch nhác. Quần áo rong rêu mắc đã đành. Còn thêm bị “xước cẳng vều môi”. Nhưng vẫn chẳng chừa tội “mê cá ve cá cờ” mấy con cá hay chúi trong hang khi trời nắng ấy…Ôi! Tác giả nghịch có lẽ cũng nhất trong số những cô cậu đứng “thứ ba” thì phải. Ai đời con gái đi “chộp ngoé con ôm lá cỏ” bao giờ. Nghịch thì nghịch vậy đấy nhưng chỉ phút chốc thôi lại trở về bản chất nhát như cáy của mấy cô gái “ chạy toé tung khi thấy đỉa ngo ngoe”. Bao nhiêu hồi ức ùa về bên mép nước để cho kỷ niệm chất chồng lên kỷ niệm thuở ấu thơ với “trùng trục anh”. 
... 
Thời gian lặng lẽ trôi, Đất nước vừa khai sinh lại phải chia đôi rồi bùng nổ chiến tranh…nếu không nhầm thì cột mốc Năm mươi năm bắt đầu từ lúc“trùng trục anh” lên đường ra trận. 
Khổ thơ được ngăn cách bằng một khoảng lặng đủ cho dòng cảm xúc lắng lại: 

Rồi chiến tranh. 
Anh đi 
nghẹn Tây Hồ 
mưa gió ngày về vùi trong lửa đỏ. 
Biền biệt niềm thương nỗi nhớ 
biền biệt mùa sấu non 
Biền biệt phượng già hoa đỏ như son 
biền biệt bằng lăng lối về tím lịm 
ngày cũ tháng xưa... Biền biệt 
Ta thành xa lạ trong nhau 
hai ngả đi về không nhau. 

Nhịp thơ trầm trầm khắc khoải như nỗi lòng người đợi trông. Đợi trông mà không biết ngày trở lại… Năm từ biền biệt trong một khổ thơ có là quá nhiều? không! có lẽ còn chưa đủ. Anh đi là biền biệt. Hồ Tây còn nghẹn, huống chi lòng người ở lại. Anh đi biền biệt lúc sấu mới vừa đậu trái nghĩa là đầu hạ…những tưởng nhanh thôi! để rồi hạ ùa về hoa phượng nở mang theo nỗi lòng kẻ đợi người đi biền biệt…”Phượng già hoa đỏ như son”? hay lòng người chờ đợi sắt son? 
Biền biệt mùa bằng lăng mới tràn đầy khắc khoải…Màu hoa ấy khiến cho “lối về tím lịm” hay nỗi nhớ thương chìm đắm nỗi buồn vương theo màu tím. Những biền biệt ấy còn chưa đáng sợ bằng “ngày cũ tháng xưa biền biệt”. Viết tới đây bỗng nhiên tôi nhớ tới ca khúc “Mùa hoa cải ven sông” và tôi cũng muốn tác giả và bạn đọc cùng nghe một đoạn ca từ “Chiến tranh không ước hẹn./ Sợ làm con bướm trắng./ Thẫn thờ chiều bên sông./…Thế rồi thế rồi em…./ Đợi anh mặc hoa trôi./ Đợi anh trong khắc khoải..” Để rồi người con gái trong ca khúc ấy “buồn thương hoa héo hắt” và nghe “ai cũng bảo phải quên./ Em đành bước sang ngang./ Gửi mùa xuân ở lại./ Gửi con tim cháy mãi./ Cho người mình chờ mong”… Người con gái trong "Mùa hoa cải ven sông" của nhạc sĩ Lê Vinh có bao nhiêu nét tương đồng và tâm trạng giống tác giả của chúng ta? Câu hỏi này có lẽ Hạt Cát Diệu Sinh là người trả lời đúng nhất. Tôi và bạn đọc chỉ có quyền phỏng đoán mà thôi… 
Hai câu thơ cuối khổ tác giả đã viết “ta thành xa lạ trong nhau..." và “hai ngả đi về không nhau”. Với riêng tôi sau khi đã đi suốt chuyến đò ký ức để về bên “mép nước” Hồ Tây cùng tác giả. Tôi nghĩ "hai ngả đi về không nhau” là sự thật. Nhưng ít nhất là từ phía tác giả, trong trái tim luôn có bóng dáng một người… người mà năm mươi năm trước đã Ra đi bởi chiến tranh…Tôi khẳng định vậy bởi tôi cũng là phụ nữ và không thể nào có bài thơ Năm Mươi Năm nếu tác giả quên phéng “trùng trục anh” ngày nào? 
Cám ơn tác giả Hạt Cát Diệu Sinh đã cho tôi có dịp đồng hành với những kỷ niệm ngọt ngào thủa ấu thơ, cho đến tuổi cập kê vẫn vô tư trong sáng và đẹp lấp lánh như bình minh chiếu tia nắng trải mặt hồ phẳng lặng… Năm mươi năm không là dài nhưng cũng chẳng phải ngắn để mà nâng niu gìn giữ những kỷ niệm ấy… 

Sài Gòn 3/7/2014 
Huỳnh Xuân Sơn 

BẾN ĐỢI Của Lê Thanh Bình



 
BẾN ĐỢI!


Không biết từ bao giờ? Bắt đầu ở đâu? Do ai phát hiện ra? Mà cứ mỗi khi mùa hè về lại có tiếng ve cất lên. Nếu có phải bộn bề công việc mưu sinh hoặc do nơi sinh sống chẳng phân ra ranh giới bốn mùa rõ rệt, thì cứ nghe tiếng râm ran của dàn đồng ca ấy cất lên là biết hạ đã về…
Hạ về! lại là khởi nguồn cho bao hoài niệm của thời tuổi hồng. Mỗi tuổi mỗi hoài niệm khác nhau. Hình như không ai giống ai cả…
Mùa hạ cũng là khởi nguồn cho cảm xúc thơ ca dâng trào… Thơ về mùa hạ thì nhiều vô kể như lớp lớp sóng trên sông. Không con sóng nào, giống con sóng nào cả… Và Bến Đợi của tác giả Lê Thanh Bình là một con sóng đặc biệt trên dòng sông thơ mùa hạ đang trôi.

Bến Đợi
(Tặng Một Người)

Tiếng ve thao thiết gọi hè
Khiến người day dứt lời thề... bến xưa
Con sông ngày đứng tiễn đưa
Nửa bên nắng, nửa bên mưa rối bời...

Người đi như cánh chim trời
Để người ở lại bời bời ngóng trông
Dặn nhau giấu nhớ vào trong
Mà sao lại cứ mỏi mong thành lời...

Lời yêu ai thả cuối trời
Để ve khản tiếng ca bài hạ sang
Chia phôi cắt nửa vầng trăng
Ai đo nỗi nhớ thử bằng bao nhiêu???

Lê Thanh Bình

Bài thơ với lời đề tựa “Tặng một người”. Mạch thơ như một tiếng lòng kìm nén lâu năm nay bật lên… Một chủ đề cũ, một thể thơ cổ, được tác giả viết về một hoàn cảnh ra đời không mới (chia tay, đợi chờ, mong nhớ) Nhưng để chuyên chở được những cái cũ, tưởng như đã rất cũ ấy lại là những ngôn từ mới, những ý thơ mới trẻ trung và khác lạ.. mang dấu ấn riêng của người cầm bút rất riêng biệt.

Tiếng ve thao thiết gọi hè
Khiến người day dứt lời thề… bến xưa
Con sông ngày đứng tiễn đưa
Nửa bên nắng, nửa bên mưa rối bời…
Người ta thường cảm nhận tiếng ve rộn rã gọi hè! ở đây tác giả thấy tiếng ve thao thiết như tiếng lòng đang bồi hồi trong “day dứt lời thề…”. Bến xưa có một người, tiễn một người! bến sông ấy ở con sông nào vậy? Suốt dải đất hình chữ S chẳng có vùng nào có hiện tượng thời tiết "ác" đến vậy… Vậy chỉ có thể đấy là một con sông vô hình ngăn cách dòng tình cảm. Bởi nó chia đôi thành: “Nửa bên nắng, nửa bên mưa”... Bên mưa thì “rối bời”… nhưng còn “bên nắng” thì sao? Hay vì bên mưa rối bời mà không để ý tới bên nắng cũng đang như mối tơ vò đấy thôi!
Một khổ thơ đầy tâm trạng nhưng tràn ý thơ… Tiếng ve thao thiết này liệu có tiên tri như:

Tiếng ve trong veo xé đôi hồ nước
Con ve tiên tri vô tâm báo trước
Có lẽ một người cũng bắt đầu yêu
Muốn nói bao nhiêu, muốn khóc bao nhiêu 
(Chiếc Lá Đầu Tiên- Hoàng Nhuận Cầm)…
Tiếng ve và hai nửa bên mưa, bên nắng ra sao? Ta đành phải nhờ tác giả trả lời để cùng đi tiếp
Người đi như cánh chim trời
Để người ở lại bời bời ngóng trông
Dặn nhau giấu nhớ vào trong
Mà sao lại cứ mỏi mong thành lời…

Có lẽ bên nắng đã là “người đi…” mà đi mải miết như “cánh chim trời”. Không hẹn ngày trở lại và chắc cũng chưa một lần trở lại Bến Xưa…
Bên mưa ở lại… nhạt nhoà… dõi mắt “ngóng trông”, mà trong lòng thì “bời bời” nỗi nhớ! Biết là chẳng thể quên đồng nghĩa với nhớ ùa về… Biết là đã mắt nói với mắt, lòng dặn với lòng. Hai trái tim nói với nhau “giấu nhớ vào trong”. Dặn thì dặn thế… Nhưng biết giấu đi đâu? Nơi nào đồng loã cho cất giấu nỗi nhớ? lại không có ai chỉ đường dẫn lối cho biết. Có khi càng muốn giấu, lại chính là không thể giấu được, cho nên: “Mà sao lại cứ mỏi mong thành lời”…
Hai câu thơ này cũng chính là hai tia sáng lấp lánh nhất làm điểm nhấn trong bài thơ!
Ngày trước nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm cũng có những nỗi nhớ rất đặc biệt

Nỗi nhớ đầu anh nhớ về em
Nỗi nhớ trong tim em nhớ về mẹ
Nỗi nhớ chẳng bao giờ nhớ thế
Bạn có nhớ trường nhớ lớp nhớ tên tôi
(Chiếc Lá Bên Thềm)

Có nỗi nhớ nào trong số nỗi nhớ của thơ Hoàng Nhuận Cầm ở trên đây, là nỗi nhớ mà hai nửa bên mưa, bên nắng dặn nhau “giấu nhớ vào trong” không?.. Điều này có lẽ chỉ có tác giả và “một người” được tặng bài thơ này mới trả lời được…
Căn nguyên dẫn đến nỗi nhớ mong mỏi phải bật lên bài thơ này đã phần nào lộ diện qua khổ kết:

Lời yêu ai thả cuối trời
Để ve khản tiếng ca bài hạ sang
Chia phôi cắt nửa vầng trăng
Ai đo nỗi nhớ thử bằng bao nhiêu???

Chỉ vì một lời yêu, nào có phải dành cho mình đã đành! Ai là ai? Mưa hay nắng? Mà đang tâm đành đoạn mang “thả cuối trời”! Để rồi mỗi khi hạ về bằng lăng tím nở bên đường… bầy ve rộn ràng ca hát chào cái nắng nồng mùa hạ… đẹp là thế, sống động vui tươi là thế… mà để ai kia bồi hồi thổn thức mà ngỡ chúng “khản tiếng”.
Hạ sang, nỗi nhớ ùa về ngổn ngang… Ai nỡ cắt đi một nửa vầng trăng? phải chăng là “nửa bên nắng” bay đi như cánh chim trời mang theo cả lời yêu “thả cuối trời” xa tít… Nửa bên mưa ở lại… ngóng chờ, mong nhớ để rồi năm tháng lạnh lùng trôi qua… Tóc đã phai màu nắng, mây tím hoàng hôn đang buông rất gần… Chẳng thể đong đếm được kể từ buổi tiễn đưa “rối bời” ấy. Mỗi bên đã giấu được bao nhiêu nỗi “nhớ vào trong”… Biết bao nhiêu lần thao thiết nhớ thương thả hồn theo những âm thanh gọi mùa sang… nghèn nghẹn… Nén lòng… để rồi bật lên tiếng than! Không… hình như là câu hỏi! mà có lẽ là một sự đánh đố “Ai đo nỗi nhớ thử bằng bao nhiêu???”. 
Ba dấu hỏi mà tác giả đặt ở cuối bài cùng câu thơ ấy. Tôi thấy lấp lánh viên đá quý chứa đựng trong nó chiều dài của nỗi nhớ mong, chiều rộng của nỗi nhớ thương, có sức nặng của chữ tình…

Một Bến Xưa ngọt ngào không hề xưa cũ chính là Bến Đợi mà tác giả mong “tặng một người”…
Tôi xin mượn một đoạn ca từ trong ca khúc Tình Nhớ của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để kết cho bài viết này và cũng là một lời chia sẻ gửi tới “nửa bên mưa” Của tác giả Lê Thanh Bình.
Tình ngỡ đã quên đi. Như lòng cố lạnh lùng. Người ngỡ đã xa xăm bỗng về quá thênh thang… Tình ngỡ đã phôi pha. Nhưng tình vẫn còn đầy. Người ngỡ đã đi xa. Nhưng người vẫn quanh đây ….
(Tình Nhớ- Trịnh Công Sơn)

Sài Gòn 9/6/2014
Huỳnh Xuân Sơn 

BÙI XUÂN PHÁI Của Nguyễn Vũ Tiềm


Cảm Nhận Bài Thơ Bùi Xuân Phái Của Nhà Thơ Nguyễn Vũ Tiềm 



Bùi Xuân Phái là một trong những họa sĩ thuộc lớp họa sĩ cuối cùng của trường Mỹ Thuật Đông Dương. Ông vẽ rất nhiều đề tài nhưng có lẽ dòng tranh về phố cổ Hà Nội là được biết đến nhiều nhất và ngay khi còn đương thời thì giới thưởng ngoạn tranh đã đặt cho ông một cái tên rất thân thương: Phố Phái. Nói đến tranh về Hà Nội đặc biệt là Hà Nội cổ kính rêu phong không ai lại không nhắc đến Phố Phái.
Nguyễn Vũ Tiềm cũng không ngoại lệ khi viết về Thăng Long Hà Nội ông đã chọn người họa sĩ tài ba này để viết trong tập thơ Sương Hồ Tây Mây Tháp Bút:

Bùi Xuân Phái

Thời gian mối mọt

Nghiến vào quên nhớ trong ta

Kỷ niệm chờ san ủi

Hương khói ông bà chờ khoan cắt bê tông

Búa tạ nện vào ký ức

Thanh lịch thuở nào vào gầu xúc đổ đi



Có chàng hiệp sĩ vung cây cọ

Chấm vào thương nhớ mờ xa

Chạy nước rút cuối chặng đường thế kỷ

Níu giữ vui buồn thần thái phố xưa (Nguyễn Vũ Tiềm )

Mở đầu bài thơ ông làm tôi sững sờ với cách đặt vấn đề, khi ông ví thời gian với mối mọt, mà ông còn để cho mối mọt nghiến vào trí nhớ nữa lại càng làm cho người đọc phải động não.

Viết về một họa sĩ với biệt danh Phố Phái. ông dẫn người đọc vào thế giới của sự lãng quên bởi nghiệt ngã của thời gian. Thật lạ lùng và khiến trí tò mò nổi lên để tôi theo tiếp những vần thơ của ông.

Trời ạ ! ông trăn trở ông suy tư nặng lòng về Hà Nội đến mức mà ông dùng một loạt động từ nào là san ủi, khoan cắt, nện, xúc để diễn tả sự mất mát cả cái hữu hình đến cái vô hình trong Hà Nội hôm nay.
Kỷ niệm thì chờ san ủi.
Hương khói ông bà chờ khoan cắt bê tông.
Hai câu thơ làm nhức nhối lòng người đọc. Những làng hoa một thời nên thơ, vào nhạc và hiện hữu trong tranh như Ngọc Hà gần như biến mất. Nghi Tàm, Quảng Bá , Nhật tâncũng đang rầm rộ san ủi, chẳng còn mấy diện tích cho hoa. Những làng hoa ấy đã bao thế hệ người Hà Nội lưu giữ kỷ niệm về nó. kỷ niệm nào ai nỡ để cho máy ủi san ủi như họ đang san lấp mặt bằng khắp nơi rầm rộ kia. Nếu còn sót lại chút ít thì cũng chỉ là đang Chờ mà thôi…
Và ngay cả những căn nhà từ đường làm nơi thờ tự ông bà thì lớp con cháu đời sau cũng bị cuốn theo guồng xoáy của cơn lốc phát triển mà sẵn sàng phá.Ngày nay dẫu được bảo tồn theo qui định nhưng những ngôi nhà trong khu phố cổ cứ lần lượt biến mất, những bức tường mái ngói cổ kính rêu phong mỗi ngày một ít đi nếu không bị “khoan cắt bê tông” thăm hỏi. thì cũng bị xuống cấp trầm trọng.
Khi mà kỷ niệm bị san ủi. Còn khoan cắt bê tông đến để dỡ bỏ cả nơi thờ tự ông bà thì quả thật quá đau xót cho những người nặng lòng với “thần thái phố xưa” như tác giả. Ta không ngạc nhiên khi ông phải bật ra những câu thơ đau xót và nặng trĩu “Búa tạ nện vào ký ức”. chữ nện cho ta cảm giác tan vỡ hết rồi chỉ một chữ nện mà khiến người đọc phải trăn trở phải nặng lòng, phải suy ngẫm về hậu quả hiển hiện trước mắt.
Vẫn chưa hết sau cú nện chát chúa, vỡ tan cả ký ức ấy. tác giả bồi thêm một câu thơ
“Thanh lịch thuở nào vào gầu xúc đổ đi”
Nét thanh lịch của người Hà nội bao đời nay ăn sâu trong tiềm thức mỗi người dân Việt như :
Chẳng thơm cũng thể hoa nhài
Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An (Ca dao)
Vậy mà hôm nay tác giả để cho cái gầu xúc vô tri vô giác kia lạnh lùng xúc đổ đi. Một câu thơ sâu xa và nặng trĩu với nhiều nghĩa. Một nét đẹp của người Hà Nội sao ông nỡ phũ phàng vậy. Nhưng ta hãy nhìn vào thực tế hôm nay nét đẹp ấy mai một mỗi ngày mỗi mất dần như cái hành động xúc đổ đi kia chẳng thể xúc một lần mà hết, nhưng lần lần sẽ hết và mất hẳn.
Tôi chỉ xin đơn cử một dẫn chứng cho sự mất đi này năm 2008 Hà Nội tổ chức lễ hội hoa anh đào của Nhật Bản mang sang trong lễ hội đó hình ảnh để lại trong mắt bạn bè quốc tế và những ai yêu nét thanh lịch người Hà Nội là cảnh cướp hoa bẻ cành của một bộ phận giới trẻ trước sự bất lực của ban tổ chức. Hậu quả là cho tới nay hoa anh đào từ Nhật không xuất hiện trong lễ hội nữa.
Chưa hết năm 2010 ngay sau lễ bế mạc lễ hội hoa ngày 4/1 nam thanh, nữ tú, ông già, bà cả, có đủ. Lao vào cướp hoa. Sự xuống cấp của nét thanh lịch thấy rõ như vậy đó
Bây giờ thì tác giả mới viết về người họa sĩ tài ba Bùi Xuân Phái bằng hình ảnh: “Vung cây cọ” để “chấm vào thương nhớ” thôi . Nhưng thương nhớ của họa sĩ và có lẽ cả của tác giả nữa chăng đã “mờ xa”. Nên họ phải cố gắng “chạy nước rút”
Có chàng hiệp sĩ vung cây cọ
Chấm vào thương nhớ mờ xa
Chạy nước rút cuối chặng đường thế kỷ
Níu giữ vui buồn thần thái phố xưa
Bùi Xuân Phái đã dành phần lớn cuộc đời họa sĩ của mình để vẽ về phố cổ Hà Nội với mong muốn níu giữ lại những nét đẹp cổ kính, níu giữ cái thần thái phố xưa với những nét vẽ trăn trở như sợ nếu không vẽ rồi nó sẽ biến mất trong tích tắc.
Thơ của nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm viết về Bùi Xuân Phái nhưng ông đã đồng cảm, đã trăn trở và khắc khoải cùng từng nét vẽ của Phố Phái. qua từng câu thơ mang đậm dấu ấn hồn tranh của Phố Phái.
Ai đã từng ngắm tranh của Bùi Xuân Phái vẽ về phố cổ Hà Nội và đọc thơ của Nguyễn Vũ Tiềm viết về Bùi Xuân Phái. Ta đều thấy họ đã gửi gắm những kỷ niệm, những hoài cảm, cùng nỗi buồn man mác tiếc nuối bâng khuâng trên từng nét vẽ, từng câu thơ. Và có cảm giác như họ cùng cố gắng níu lại từng mái nhà cổ, từng nét rêu phong trên những bức tường, và níu giữ từng nét đẹp của người Hà Nội xưa.
Hôm nay đã và đang dần mai một và mất đi trước mắt họ.
Sài Gòn 19/11/2013
Huỳnh Xuân Sơn 

RỖNG CỦA HOÀNG DUNG



Có Một nỗi cô đơn đáng sợ trong RỖNG của tác giả Hoàng Dung qua cảm nhận của Huỳnh Xuân Sơn 

Rỗng là một tính từ, mà không có ai và phần lớn không vật dụng gì muốn gắn liền với nó. Vậy mà tác giả Hoàng Dung, lại dùng để đặt tựa đề cho một bài thơ tình….Rỗng ám ảnh người đọc là tôi, bất giác tôi muốn đi tìm xem vì sao lại Rỗng….

RỖNG

Yên lặng
Chỉ có tiếng thở quen thuộc
Nhưng mơ hồ từ chốn xa xăm
Lặng thầm 
Trong vùng giá lạnh
Mắt ráo hoảnh
Nhìn thạch sùng chắt lưỡi gọi nhau
Tiếng chắt lưỡi ngọt ngào
quyến dụ...
Đồng hồ không ngủ
Tít tắc...tít tắc...
Nghe chừng " đánh mất...đánh mất..."
Chút mong manh còn lại
Đến là tê tái
Giật mình
Hóa rỗng trái tim (Hoàng Dung).

Rỗng được gửi gắm qua thể thơ Tự Do. Với những ngôn từ trau chuốt nhưng gần gụi. Câu dài, câu ngắn không phân định, theo một nhịp thơ không êm ả, với những câu thơ điệp tự có chủ đích. Những âm thanh, hình ảnh khác lạ hòa quyện vào ý thơ, níu giữ tình thơ sâu thăm thẳm, nhưng không khuất lấp. Nhằm khắc họa một nỗi niềm, mà có lẽ không có người phụ nữ nào, dù trẻ, hay già muốn trải qua. Cô đơn đã là đáng sợ, nhưng đáng sợ hơn khi nỗi cô đơn ấy gặm nhấm tâm hồn ta, dày vò thân xác ta, trong một căn phòng mà bóng tối đồng lõa với cô đơn.

Yên lặng
Chỉ có tiếng thở quen thuộc

Tiếng thở nào quen thuộc đây? Tiếng của mình thì không thể nghe rồi, phải chăng “Lặng thầm” mà còn thêm “trong vùng giá lạnh” để cho nhân vật trữ tình của Rỗng cảm thấy “Như mơ hồ từ chốn xa xăm”…Vậy nhiều khả năng là tiếng thở của người có lẽ đã có một thời “mặn nồng ân ái”! mới có cảm giác “quen thuộc” nhưng vì đâu? Vì sao? Mà loan phòng hạnh phúc một thời ấy nay trở thành “Vùng giá lạnh” chỉ có hai người họ mới biết và tác giả mới hiểu…

Trong không gian Lặng yên và lặng thầm ấy, có một người thở đều cùng giấc ngủ và một người có đôi “Mắt ráo hoảnh”.Đôi mắt ấy đã bao đêm không ngủ hay mới chỉ đêm đầu tiên trong vùng giá lạnh đã “ráo hoảnh”rồi..Ám ảnh nhất là đôi mắt ấy trong đêm khi thạch thùng cất tiếng mà “Nhìn thạch sùng chắt lưỡi gọi nhau” sao không là nghe mà lại là “nhìn”, có lẽ chủ thể đã không nhìn bằng đôi mắt bình thường mà nhìn bằng “đôi mắt” của trái tim cô đơn! Và chính sự cô đơn trong cảnh “đồng sàng dị mộng” ấy mới cảm thấy; “Tiếng chắt lưỡi ngọt ngào” và âm thanh cô độc của loài thạch sùng cũng khiến cho chủ thể Em cảm thấy chúng “quyến dụ...”.

Thạch sùng tặc lưỡi trong đêm, vốn không gọi nhau, nhưng với chủ thể Em của Rỗng thì có lẽ ngoài việc “mắt ráo hoảnh” chị còn thèm khát được nói, được nghe, được sẻ chia …Nhưng người thì đây,ngay bên cạnh, mà sao như mơ hồ từ chốn xa xăm…vì đâu và vì sao? Thì cũng đều đáng sợ cả…Nhất là trong không gian ấy còn có thêm tiếng “tíc tắc…tíc tắc” vô hồn của chiếc “Đồng hồ không ngủ”….dội vào nỗi cô đơn khắc khoải trong tim nghẹn đắng mà nghe ra âm thanh ấy đang gõ tiếng “Đánh mất..đánh mất./ Chút mong manh còn lại”…Mới “nghe chừng” thôi ư? Không….Không…Hình như là đã mất mất thật sự, mất hết rồi. Chỉ còn “tiếng thở quen thuộc” là hiện hữu, không gian thân thuộc cũng đã mất..đối nghịch với tiếng thở gần có lẽ là lòng người bên cạnh đã quá xa xăm…Tất cả đang cùng nhau gặm nhấm, dày vò trái tim khiến nỗi cô đơn mỗi lúc một lớn lên và đỉnh điểm tột cùng đã tới… sự cô đơn khủng khiếp nhất ấy là khi có người bên mình đấy nhưng lại không thể sẻ chia hay nắm giữ….Sự cảm nhận rõ ràng “Đến là tê tái” rồi “Giật mình”…Cô đơn đến từ sâu thẳm tâm hồn, nơi cảm nhận sâu sắc nhất thì lại “Hóa rỗng trái tim”.Trái Tim quả là một nơi trống rỗng đáng sợ nhất cho bất cứ ai…Trái Tim đã hiện diện trong Rỗng của tác giả Hoàng Dung nhưng có lẽ nó chỉ còn là nhịp đập cơ học vô hồn ….

Một Rỗng đáng sợ đã đến hồi kết, mong rằng Rỗng chỉ là cảm xúc thơ ca mà tác giả Hoàng Dung trong một phút xuất thần đã viết ra…

Là một phụ nữ, bản thân chưa từng trải qua những nỗi cô đơn đáng sợ như Rỗng. Nên sự đồng cảm này có thể chưa là suy nghĩ chung, của phần đông bạn đọc cũng như tác giả…Xuân Sơn mong được lượng thứ nếu như có sai sót…

Sài Gòn 1/12/2014

Huỳnh Xuân Sơn

NGƯỜI ĐÀN BÀ ĐI TÌM ĐỒNG ĐỘI Của Trần Ngọc Hòa

 NGƯỜI ĐÀN BÀ ĐI TÌM ĐỒNG ĐỘI  TÁC GIẢ TRẦN NGỌC HÒA (HOA HỒNG)


Thú thật cho đến giờ tôi mới thấy được lỗ hổng kiến thức của mình. Tôi đã biết rằng muốn từ Bắc vô Nam có một quốc lộ 1A hôm nay thông thoáng. Ngày chiến tranh có một đường Hồ Chí Minh trên biển, có một cung đường Trường Sơn huyền thoại. Nhưng cho đến tận bây giờ tôi vừa mới biết ngày chiến tranh tàn khốc ấy có một con đường, hay đúng hơn là Tuyến Lửa 1C. Một tuyến đường độc đạo nối liền giữa miền Đông và miền tây Nam Bộ, Kéo dài từ biên giới nước bạn Cam Pu Chia qua kênh Vĩnh Tế, Hà Tiên,Hòn Đất cho tới kênh Cái Sắn thuộc tỉnh Kiên Giang* Tuyến lửa 1C tuyến đường độc đạo chuyển quân,vận chuyển vũ khí, đạn dược phục vụ cho cuộc chiến… Vậy mà hoạt động trên tuyến đường này lại là lực lượng TNXP gần như 100% là nữ.


Biết được Tuyến lửa 1C là do tôi đọc và thấy như mình còn mắc nợ với bài thơ


NGƯỜI ĐÀN BÀ ĐI TÌM ĐỒNG ĐỘI.

Trần Ngọc Hòa ( Hoa Hồng)

Người đàn bà ngửa mặt hứng giọt ngâu.
Con cua trong hang quăng ra ngoài tiếng khóc.
Tháng bảy trằn trọc.
Nước mắt người đàn bà
Ướt tháng bảy
Ướt thời gian

Lưng trâu lưng người xuồng ba lá tải hàng.
Tuyến lửa máu vùng đồng trũng lung bào thiên nhiên khắc nghiệt.
Người đàn bà
Vốc nắm đất ngào nỗi đau đi khập khiễng.
Đồng đội ơi !
Các anh, các chị , các em nằm nơi đâu ?.
Muỗi từng đàn thổi sáo vào tai trâu.
Nó cọ rung cành ,máy bay quần trâu bổ nhào bổ ngửa.
Ì đùng.
Chiếc khăn rằn chỉ còn một nửa.
Trôi !
Trôi giữa dòng trôi.

Anh " Chàng Hiu " vác mấy khẩu súng to đùng đi vẹo cả người.
Mấy chị " Kiến Đen " gồng mình lôi chiếc xuồng vượt lộ.
Cò con cõng hòm đạn nặng hơn mình
lội lầy té nhào té bổ.
Chẳng khóc đau mà khóc gào khóc gọi
Khóc thương đồng đội
Khóc nhớ đàn trâu đen.
Mùa nước ngập lụt , mùa hạ khô cháy, đìa xì phèn.
Trên đầu
B52 và pháo bầy nã xuống.
Dưới đất
Khói Napal đốt cạn ngày gầy guộc.
Dòng kiên cường vẫn cuộn cuồn nơi huyết quản thanh niên xung phong.


Người đàn bà đưa tay nâng ký ức, chị nuốt nước mắt chảy ngược vào trong.
Cò Con, Chàng Hiu, Ễnh Ương, Nhái Cóc.
Tên đồng đội gọi vui nhau trong cái đói giơ xương, lứa tuổi lẽ ở nhà chải tóc
Lẽ đến trường để học.
Lẽ vô tư yêu.
Bảy ngày dầm lung ăn cù nèo bước loạng chọang liêu xiêu.
Ghẻ , lở , lác ,lang ben tàn tạ cái thì con gái.
Tóc xa lược lâu ngày bết bùn đanh lại.
Bàn tay gầy. . .che một bàn năm ngón khẳng khiu.


Người đàn bà nghiêng nón, múc nỗi nhớ múc yêu thương nâng niu.
Rưới lên vạt cỏ vòm cây.
Rưới lên những linh hồn đã cùng chị một thời kinh qua gian khổ.
Kinh qua bão giông cuồng nộ.
Nơi này !
Chị cắm cọc vào tim mình gửi em dưới lũng tràm thưa.
Đắng khúc đợi chờ khản đục tiếng gà trưa.
Ra đi cả ngàn hy sinh quá nửa.
Hài cốt còn không? Hay vụn rữa ?
Bờ kinh ? Hang núi ? Đồng cỏ bàng ?
Dưới dòng nồng nàn chảy tràn trên tuyến lửa 1C. ?


Người đàn bà
Gói kỷ niêm tuổi nhõng đuôi gà bằng sợi tóc bạch kim lặng lẽ kéo về.
Qua Bảy Núi
Qua Mo So.
Qua Hòn Đất
Cất riêng ngăn đồng đội.
Vùng Tứ Giác Long Xuyên xưa ba chìm bảy nổi.
Nay lúa trổ vàng đồng
Cò Con ngày nào giờ tóc trắng như bông.
Chị dang tay ôm đất vào lòng ôm cả bầu trời đầy ngôi sao rực sáng
Đêm Gộc Xây chị ngồi ôn những chiến công thăng hoa chói rạng.
Gọi vầng dương về
Sưởi ấm hồn liệt sĩ xa quê.

Tháng bảy !
Lốc xoáy triền đê.
Khai quật nỗi đau.
Những linh hồn nhớ nhà mà chẳng đươc về.
Nát một ánh nhìn
Đau đáu kéo lê.
Nước mắt người đàn bà
Tuôn . . .
Đỏ miền ký ức

(Tác giả Hoa Hồng)


Đọc nhiều lần bài thơ tự do, với lối viết phóng khoáng, ngôn từ sâu sắc, theo một nhịp thơ gập ghềnh, trắc trở không dễ đọc và cảm nhận hết ý thơ…Mỗi câu thơ, mỗi khổ thơ, chất chứa trùng trùng ý thơ, vừa kịp nhận ra ý này lập tức bóng dáng ý sau xuất hiện…Có thể nói mỗi khổ thơ được tác giả xếp tầng tầng ý thơ trên nền tình thơ , tình người.. Tất cả như một dòng suối trong vắt, ngọt ngào cuốn tôi vào trong lòng thả xuôi theo dòng chảy, chưa hề yên ả. Dẫu tôi chỉ vừa mới biết bơi, tôi sẽ có gắng bơi theo bài thơ này…


Người đàn bà đi tìm đồng đội của tác giả Hoa Hồng mang bóng dáng người cựu thanh niên xung phong trên tuyến lửa 1C Lê Thị Minh Tâm. Không có sự kết nối của tác giả với nhân vật mà tôi hằng kính trọng…Nhưng tôi thấy sự gan dạ, sự dũng cảm , sự kiên cường quả cảm của người lính, một lòng vì đồng đội của người cựu nữ TNXP ấy, trong hình tượng người Đàn Bà Đi Tìm Đồng Đội của tác giả Hoa Hồng.


Người đàn bà ấy quanh năm dọc ngang đi tìm đồng đội, nhưng tháng bảy về mỗi bước đi trên những bờ đê lộng gió hòa bình hôm nay. Chị lại thấy “Lốc xoáy triền đê”. Nỗi đau mà chiến tranh gieo rắc trên quê hương, tổ quốc của chị , gieo lên những thân phận con người sống trong thời chiến ấy, Gieo rắc cái chết bi hùng lên những người bạn, người đồng đội của chị năm xưa… Ngày thường mấy khi báo , đài nhắc tới. Chỉ có những nhân chứng một thời, và người thân của họ âm thầm lặng lẽ nhắc nhớ hoặc giả chưa một phút nào quên… ‘Tháng bảy về ..khai quật nỗi đau”. Hai từ “khai quật” mới nhức nhối làm sao? Có ai chôn được nỗi đau bao giờ đâu nhỉ? Cớ sao tháng bảy lại “ khai quật”…


Tháng bảy về , tháng mà người ta hay gọi “tháng tri ân”. Dành tặng cho những người đã để lại một phần máu xương nơi chiến trường, và những người đã ngã xuống…Trong đó có biết bao người lính trẻ đã hóa thân vào đất mẹ, vào lòng biển cả không một nấm mồ…Nghẹn đắng lòng người, khi đọc những vần thơ kết của Người Đàn Bà Đi Tìm Đồng Đội : “Những linh hồn nhớ nhà mà chẳng đươc về./ Nát một ánh nhìn ./ Đau đáu kéo lê.” “Cơn lốc xoáy”đã “khai quật” được những gì ?mà khiến “nát” và “kéo lê” một ánh nhìn, ánh nhìn ấy phải chăng cũng chính là ánh mắt đau đáu nỗi niềm của “người đàn bà.” Đang “tuôn” không phải là dòng hay giọt nước mắt, mà là “Tuôn…đỏ miền ký ức.” Ánh mắt ấy, nỗi đau ấy, vết sẹo khó liền ấycủa chiến tranh, đã là chất xúc tác ủ dậy men tình người, khiến trái tim của tác giả rung lên những nhịp đập hòa vào trong từng câu chữ, viết ra khúc tráng ca mang tên Người Đàn Bà Đi Tìm Đồng Đội.

Người đàn bà ngửa mặt hứng giọt ngâu.
Con cua trong hang quăng ra ngoài tiếng khóc.
Tháng bảy trằn trọc.
Nước mắt người đàn bà
Ướt tháng bảy
Ướt thời gian

Vẫn là tại tháng bảy…Tháng bảy đâu làm gì nên tội, mà nó cũng chẳng thể “ trằn trọc”. Có lẽ chỉ có “người đàn bà” đang “ ngửa mặt hứng giọt ngâu” kia là đã bao đêm “trằn trọc”, bao ngày đau đáu với nỗi đau thương của cuộc chiến, gieo rắc những mất mát, không gì bù đắp được cho đồng đội trên tuyến lửa 1C nói riêng và trên khắp các chiến trường nói chung… Người mà tự thấy thân phận chẳng khác gì “con cua trong hang”…Không phải nằm trong đó mà ẩn dật, mà trú thân, mà gặm nhấm mất mát…Ở trong hang mà “quăng ra ngoài tiếng khóc”. Nước mắt người đàn bà ấy chảy bao lâu nay để mà ướt cả thời gian. Uớt cả tháng bảy và ướt nhòe cả trang thơ…


Ướt cái gì? Và ướt bao lâu? Thì những giọt nước mắt của người đàn bà đi tìm đồng đội đều quặn thắt trái tim cả..Huống chi bây giờ là dáng hình chất chứa những giọt nước mắt ấy, lại chẳng thể còn nguyên vẹn nữa, mà từng bước “đi khập khiễng..” . Người đàn bà ấy một thời dọc ngang trên “tuyến lửa máu..” Tháng bảy chị “ngửa mặt hứng giọt ngâu” phải chăng chị ước mong có một cây cầu như “cầu Ôthước” để chị và những người đồng đội đã khuất gặp nhau…

Lưng trâu lưng người xuồng ba lá tải hàng.
Tuyến lửa máu vùng đồng trũng lung bào thiên nhiên khắc nghiệt.
Người đàn bà
Vốc nắm đất ngào nỗi đau đi khập khiễng.
Đồng đội ơi !
Các anh, các chị , các em nằm nơi đâu ?.

Ám ảnh với hành động “vốc nắm đất” của người đàn bà ấy. Chị đã vốc đất để “ngào nỗi đau..” nỗi đau nào có thể ngào nặn bằng vốc đất nơi “vùng trũng lung bào thiên nhiên khắc nghiệt” mà có thể vơi được đây?

Tuyến lửa máu ấy,thời chiến tranh với mưa bom bão đạn cũng là thời thanh xuân của chị và đồng đội. Các chị đã tải đạn, tải lương, dẫn đường cho bộ đội chủ lực hành quân vào hậu cứ với những phương tiện thô sơ “lưng trâu” “xuồng ba lá” và cả “lưng người”. những tấm lưng mà ở tuổi 18 đôi mươi tha thướt “thắt đáy lưng ong”. Cõng trên lưng những hòm đạn với trọng lượng nhiều hơn trọng lượng cơ thể mỗi người…Bom đạn trút xuống con đường độc đạo ấy, bao nhêu đồng đội đã nằm lại…giờ đây để tìm lại một nắm xương tàn mà sao thật khó…Người đàn bà ấy cất tiếng gọi “đồng đội ơi!” các anh, các chị các em nằm nơi đâu? Câu hỏi trong tiếng gọi cất lên từ người đàn bà “đi khập khiễng” như nhấn mạnh thêm khoét sâu hơn vào vết thương lòng của những người lính năm xưa và người thân của người đã khuất…
Bởi là chốn “lung bào” hoang vu khắc nghiệt, nên đâu phải chỉ có bom đạn trút xuống, còn có:

Muỗi từng đàn thổi sáo vào tai trâu.
Nó cọ rung cành ,máy bay quần trâu bổ nhào bổ ngửa.
Ì đùng.
Chiếc khăn rằn chỉ còn một nửa.
Trôi !
Trôi giữa dòng trôi.

Nơi chiến trường khốc liết ấy, nơi con đường độc đạo ấy, con người còn có thể nín lặng chứ trâu làm sao im. Mấy ai hiểu được cảnh “muỗi từng đàn thổi sáo vào tai trâu”. Trâu còn không chịu nổi làm sao con người chịu? Vậy mà con người với ý chí sắt đá vẫn im lặng chịu đựng nhưng nghiệt ngã ở chỗ mấy con trâu không chịu nổi đã “cọ rung cành”. Tán cây trong đìa, trong rừng bất chợt rung lên…Là mục tiêu cho máy bay trút bom đạn xuống. “ Ì đùng…” tiếng đạn pháo, hay tiếng bom nổ khiến cho “trâu bổ nhào bổ ngửa..” chiếc khăn rằn” trên vai “chỉ còn một nửa”…Còn người quàng nó với một nửa kia trôi về đâu? Giữa “dòng trôi” ấy…
Một khổ thơ với rất nhiều động từ “thổi, cọ, rung, quần, bổ,ì đùng, trôi….đã khắc họa một góc nhìn khốc liệt của chiến tranh mà chị và các đồng đội đã trải qua ngày ấy..

Anh " Chàng Hiu " vác mấy khẩu súng to đùng đi vẹo cả người.
Mấy chị " Kiến Đen " gồng mình lôi chiếc xuồng vượt lộ.
Cò con cõng hòm đạn nặng hơn mình
lội lầy té nhào té bổ.
Chẳng khóc đau mà khóc gào khóc gọi
Khóc thương đồng đội
Khóc nhớ đàn trâu đen.

Những tên riêng,biệt danh như :Chàng Hiu, Kiến Đen, Cò Con. Đã phần nào nói lên hình dáng bé nhỏ của các chị vậy mà “vác mấy khẩu súng to đùng vẹo cả người”,cảm động nhất là hình ảnh của họ nhà kiến “lôi chiếc xuồng vượt lộ” và “cõng hòm đạn nặng hơn mình”. Tuyến lửa ấy, nào phải đường mòn hay con lộ cho cam, mà là “lung bào” sình lầy, cây cỏ níu bước, gai cào cây ngáng như vậy thì cảnh “té nhào té bổ” là chuyện thường ngày gặp phải…Nhưng “chẳng khóc đau mà khóc gào khóc gọi”, khóc thương đồng đội, khóc nhớ trâu đen.” Các chị là vậy đấy, chẳng phút nào nghĩ cho riêng mình, tất cả lao lên phía trước…mang trong tim bóng hình những đồng đội ngã xuống… nhớ cả bày trâu hôm nào “bổ nhào bổ ngửa”…Những khó khăn gian khổ còn nối tiếp:

Mùa nước ngập lụt , mùa hạ khô cháy, đìa xì phèn.
Trên đầu
B52 và pháo bầy nã xuống.
Dưới đất
Khói Napal đốt cạn ngày gầy guộc.
Dòng kiên cường vẫn cuộn cuồn nơi huyết quản thanh niên xung phong.
Người đàn bà đưa tay nâng ký ức, chị nuốt nước mắt chảy ngược vào trong.
Cò Con, Chàng Hiu, Ễnh Ương, Nhái Cóc.
Tên đồng đội gọi vui nhau trong cái đói giơ xương, lứa tuổi lẽ ở nhà chải tóc
Lẽ đến trường để học.
Lẽ vô tư yêu.
Bảy ngày dầm lung ăn cù nèo bước loạng chọang liêu xiêu.
Ghẻ , lở , lác ,lang ben tàn tạ cái thì con gái.
Tóc xa lược lâu ngày bết bùn đanh lại.
Bàn tay gầy. . .che một bàn năm ngón khẳng khiu.

Ba khổ thơ với những câu thơ không dễ đọc dễ cảm. là điểm nhấn cho cả bài thơ…Ba khổ thơ khắc họa những gian nan, nguy hiểm mà các chị đã trải qua ở cái tuổi “lẽ ra ở nhà chải tóc” làm duyên. Lẽ ra ở nhà đến trường…Lẽ ra vô tư yêu..Lẽ ra và lẽ ra…

Nhưng có lẽ nào lại quên đi “trên đầu B52 và pháo bầy nã xuống./ Dưới đất bom napan đốt cạn ngày…” Chưa hết đâu , các chị đang tuổi ăn, tuổi ngủ, tuổi mơ mộng ở cái thời “bẻ gãy sừng trâu” ấy, mà “bước loạng choạng liêu xiêu” bởi “bảy ngày dầm lung ăn cù nèo..”

Cái đói, chưa đáng sợ với các chị “đang thì con gái”bằng “ghẻ lở lác lang ben..rồi mái tóc “bết bùn đanh lại” bởi lâu ngày “Tóc xa lược..”. Mấy ai hiểu nỗi niềm con gái khi “bàn tay gầy…che một bàn năm ngón khẳng khiu”.

Vậy mà “ Dòng kiên cường vẫn cuộn cuồn nơi huyết quản thanh niên xung phong.” Nghĩ lại thời ấy, những người đồng đội ấy, người chị, người em người bạn ấy…nay vẫn còn đang nằm đâu đó giữa “bưng biền” hay mé kênh, bìa rừng, ven lộ..hoặc dưới lòng những con kênh ngang dọc kia..Người Đàn Bà Đi Tìm Đồng Đội chỉ còn biết “ đưa tay nâng ký ức, chị nuốt nước mắt chảy ngược vào trong”. Có câu “nước mắt đàn ông không rơi thành dòng”. Chứ chưa thấy nước mắt đàn bà nuốt ngược vào trong bao giờ! Thế mới biết nỗi đau mà chị chịu đựng lớn thế nào. Bao nhiêu năm qua chị đã “nước mắt thành dòng” để đến hôm nay sau mấy chục năm, chị không còn nước mắt để khóc, để gào, để gọi “Đồng đội ơi!” nữa…Người đàn bà ấy. cứ âm thầm lặng lẽ đi tìm lại ký ức xưa…để rồi :


Người đàn bà nghiêng nón, múc nỗi nhớ múc yêu thương nâng niu.
Rưới lên vạt cỏ vòm cây.
Rưới lên những linh hồn đã cùng chị một thời kinh qua gian khổ.
Kinh qua bão giông cuồng nộ.
Nơi này !
Chị cắm cọc vào tim mình gửi em dưới lũng tràm thưa.

Người đàn bà quả cảm trong chiến tranh ngày ấy…Chị là chứng nhân lịch sử…Hành động chị “nghiêng nón múc nỗi nhớ, múc yêu thương nâng niu” để mà Rưới…Biết nơi đâu là nơi những “linh hồn đã cùng chị một thời…” yên nghỉ. Những vạt cỏ lùm cây vô tri kia có lẽ chẳng giúp gì được cho chị…Chỗ kia ư? Hay là “Nơi này!” chỗ nào khi xưa chị đã “cắm cọc vào tim mình..” để đánh dấu giữa những “lũng tràm thưa”…Bao năm qua cây cọc trong tim vẫn nhức nhối khi chưa tìm ra nơi mà ngày ấy đã “gửi em” lại..

Đắng khúc đợi chờ khản đục tiếng gà trưa.
Ra đi cả ngàn hy sinh quá nửa.
Hài cốt còn không? Hay vụn rữa ?
Bờ kinh ? Hang núi ? Đồng cỏ bàng ?
Dưới dòng nồng nàn chảy tràn trên tuyến lửa 1C. ?

Khổ thơ với nhịp thơ như gào thét, như căm hờn chất chứa nỗi đau mà mấy ai hiểu được… “Ra đi cả ngàn hy sinh quá nửa”. Bao chàng trai cô gái đã ngã xuống trên tuyến lửa 1C ngày ấy…có sách sử nào ghi lại hay không? Tôi đã từng nghe “cả dòng sông là một nghĩa trang trôi” ( thơ Hải Minh), bởi “đáy sông còn đó bạn tôi nằm. / Có tuổi hai mươi thành sóng nước” ( thơ Lê Bá Dương). Nhưng dọc ngang những con kênh, rừng đước, ven sông, hang núi, hay lung bào mà “ra đi cả ngàn hy sinh quá nửa” những “bóng hồng liễu yếu đào tơ” thì hôm nay tôi mới biết, và còn được biết thêm:

Tuyến lửa 1C ấy “là nơi sắt thép cũng bị nung chảy tan ra nhưng con người đã đi qua được”. Một trong số đó là Người đàn bà đi tìm đồng đội hôm nay…Với cả tấm lòng và nhiệt huyết như thời còn ngang dọc xông pha xưa..khó khăn sình lầy mùa nước ròng, hay mênh mông mùa nước nổi, chị chẳng quản, chỉ đắng nghét cổ họng với câu hỏi nhức nhối “hài cốt còn không? Hay vụn vữa?

Nếu còn thì đang ở đâu “bờ kinh? Hang núi? Đồng cỏ bàng? Còn có thể tìm lại…Nhưng ngộ nhỡ “dưới dòng nồng nàn chảy tràn trên tuyến lửa 1C” kia thì biết đâu mà tìm. Dòng Thạch Hãn mỗi năm còn một vài bận thả hoa trôi, để nhớ một thời, một nơi từng là địa đầu chiến tuyến…. Gạc Ma, Hoàng Sa cũng bập bềnh những vòng hoa tri ân những năm tháng gần đây…Dọc ngang những con kênh, hang núi, lung bào của tuyến lửa 1C bao người nhớ, ngoại trừ những chứng nhân như chị và người thân của người nằm xuống…

Ôi ! vẫn biết chiến tranh là mất mát, vẫn biết bom đạn, pháo vốn không có mắt…nhưng “Ra đi cả ngàn…” mà “ hy sinh quá nửa” chỉ riêng lực lượng TNXP thì quả thật tuyến lửa này nung chảy sắt thép chẳng hề ngoa…

Người đàn bà
Gói kỷ niêm tuổi nhõng đuôi gà bằng sợi tóc bạch kim lặng lẽ kéo về.
Qua Bảy Núi
Qua Mo So.
Qua Hòn Đất
Cất riêng ngăn đồng đội.
Vùng Tứ Giác Long Xuyên xưa ba chìm bảy nổi.
Nay lúa trổ vàng đồng
Cò Con ngày nào giờ tóc trắng như bông.
Chị dang tay ôm đất vào lòng ôm cả bầu trời đầy ngôi sao rực sáng
Đêm Gộc Xây chị ngồi ôn những chiến công thăng hoa chói rạng.
Gọi vầng dương về
Sưởi ấm hồn liệt sĩ xa quê.

Cò Con vác hòm đạn nặng hơn cả thân mình ngày ấy vào sinh ra tử chẳng màng sống chết…Thưở tóc “nhõng đuôi gà” xả thân ngang dọc tuyến lửa 1C dọc các địa danh từ miền Đông sang miền Tây Nam Bộ…Chiến trường ác liệt nhất cũng là nơi có lẽ nhiều đồng đội chị nằm lại nhất đó là vùng “Tứ Giác Long Xuyên” .Chị “cất riêng ngăn đồng đội” trong trái tim chị đã bao năm để bây giờ khi mà:

Người Đàn Bà Đi Tìm Đồng Đội hôm nay “tóc trắng như bông”. Trên một địa danh ác liệt ngày ấy với cái tên Gộc Xây đang “ngồi ôn những chiến công thăng hoa chói rạng” không để cho riêng mình..mà chị muốn những chiến công ấy là vầng mây sáng :”Sưởi ấm hồn liệt sĩ xa quê”.

Vâng nhiều còn nhiều và rất nhiều những “liệt sĩ xa quê” còn nằm đâu đó trong lòng đất mẹ, trong lòng biển, hay lòng những con kênh ngang dọc nơi miền sông nước bao la… Người Đàn Bà Đi Tìm Đồng Đội kính mến ơi!, Chị đã góp một nén hương lòng vào muôn triệu ngọn nến tri ân…mong sưởi ấm những vong linh người ngã xuống còn chưa biết nằm lại nơi nào, trên dọc tuyến lửa 1C nói riêng và trên khắp các chiến trường cả nước nói chung. Tháng bảy, tháng của tri ân với mỗi người dân cả nước. Nhưng với Người Đàn Bà Đi Tìm Đồng Đội và người thân của những người còn nằm đâu đó chưa về, thì có lẽ với họ không chỉ có một tháng bảy. Mà bất cứ ngày nào? Tháng nào cũng đều là:

Tháng bảy !/Lốc xoáy triền đê./ Khai quật nỗi đau./ Những linh hồn nhớ nhà mà chẳng đươc về./ Nát một ánh nhìn / Đau đáu kéo lê./Nước mắt người đàn bà/ Tuôn . . .Đỏ miền ký ức.

Cám ơn tác giả Hoa Hồng. Đã cho tôi có dịp tìm hiểu và đồng hành cùng với bài thơ Người Đàn Bà Đi Tìm Đồng Đội.. Có thể với tuổi đời và vốn sống cũng như sự hiểu biết của tôi về chiến tranh còn hạn hẹp…Nên tôi chưa thể cảm nhận hết được những ý thơ, tình thơ mà tác giả muốn gửi gắm… Mong nhận được sự lượng thứ từ tác giả và bạn đọc cho bài viết này nếu có sai sót..
Sài Gòn 21/7/2014
HXS

Thứ Năm, 8 tháng 8, 2019

Đọc MẢNH ĐỜI THỪA của tác giả Phạm Hoàng Tuyên

MẢNH ĐỜI THỪA
Ba nó mất khi nó vừa lên sáu
Mẹ nó ngầm thương tiếc tuổi xuân trôi
Sợ nhạt màu má thắm với son môi
Nên lặng lẽ bên đời - thêm bước nữa
Nó ngây thơ nào có đâu chọn lựa
Khi đắng cay người lớn đã ban dành
Ngày qua ngày trong chiếc áo mong manh
Về với Nội cả hai cùng nương tựa
Nó phụ bà đi hái rau mót lúa
Nhặt ve chai tìm manh áo chén cơm
Đời âm thầm rồi cho đến một hôm
Bà thấy Nó dắt về thêm đứa bé
Đến bên bà nó buông lời thỏ thẻ
- Cháu còn có bà, chứ nó chẳng còn ai!

(Phạm Hoàng Tuyên)

Mười bốn câu thơ tự do, với những ngôn từ đơn giản, được trau chuốt kỹ lưỡng, trước khi sắp xếp.Nhằm chuyển tải những ý thơ như những gam màu xám, được tác giả vẽ đậy trên nền bức hoạ màu xanh ngăn ngắt tình người.Níu kéo tâm tư người đọc chùng xuống theo sức nặng của hồn thơ.
Người vẽ - tác giả Phạm Hoàng Tuyên- đã cố tình để lộ một phần phông nền màu xanh hy vọng, không thể phai mờ theo năm tháng ấy. Nếu ai để ý sẽ bắt gặp và người viết đã là một người trong số ấy...
Mảnh Đời Thừa! với câu thơ mở đầu đã giật phăng bức mành chắn cho bạn đọc nhìn trực diện vào Nó:
Ba nó mất khi nó vừa lên sáu
Ca dao ông bà ta để lại có câu:
Mồ côi Cha ăn cơm với cá,
Mồ côi Mẹ lót lá mà nằm! (Ca dao)
Với hai câu này thì người mẹ lại là người quan trọng chứ chưa phải là người cha ...Nó không may mất cha nhưng còn mẹ.Hy vọng vừa kịp loé sáng khi câu ca dao ấy xuất hiện, Lại vụt tắt trong tích tắc vì
Mẹ nó ngầm thương tiếc tuổi xuân trôi
Sợ nhạt màu má thắm với son môi
Nên lặng lẽ bên đời - thêm bước nữa!
Nó ngây thơ nào có đâu chọn lựa
Khi đắng cay người lớn đã ban dành
Ngày qua ngày trong chiếc áo mong manh
Về với Nội cả hai cùng nương tựa
Bảy câu thơ không có một từ nào khó hiểu, như chính những nét vẽ mà tác giả Phạm Hoàng Tuyên phác hoạ. Nó lên sáu tuổi, cha nó mất, Có lẽ chưa kịp có em chứ Nó không có anh chị, Vậy suy ra mẹ nó còn trẻ. Phụ nữ Á Đông vẫn được răn dạy theo "tam tòng tứ đức" nhưng thời hiện đại hôm nay mà đòi hỏi một thiếu phụ trẻ phải "ở vậy" thờ chồng nuôi con thì thật khó. Có lẽ vì mẹ Nó còn "má thắm" và đang thì "Xuân trôi" nên: Mẹ Nó đi "Thêm bước nữa"! Nó có lẽ chưa biết hát, hoặc giả mẹ nó chưa kịp ru nó ngủ hay dạy nó hát câu:
Trời mưa bong bóng phập phồng
Mẹ đi lấy chồng con ở với ai? (ca dao)
Nên Nó "nào có đâu chọn lựa" khi mà "người lớn đã ban dành". Hai chữ ban và dành mới chua xót làm sao? Ban tặng, hay dành tặng cho cuộc đời của Nó "Những cay đắng"! Hoặc giả ông trời đã định đoạt rồi ban tặng, dành tặng cho Nó phải sống cảnh "ngày qua ngày trong chiếc áo mong manh".Thiếu thốn về vật chất, lại thêm "mồ côi cha" mà chẳng được "ăn cơm cá". Không biết trong sáu năm may mắn cuộc đời nó còn đủ cha mẹ ấy, Nó có được ngày nào "Còn Cha gót đỏ như son..."(ca dao) hay không?Nhưng giờ thì sau khi "Cha mất" thì ".. gót con đen sì!(Ca dao) đã thấp thoáng trên dấu chân non nớt của nó rồi.
Tới đây dẫu tác giả không! hoặc giả không nỡ để mình là người đàn ông và để một đứa trẻ mới sáu tuổi lên án người mẹ. Nhưng người viết là mẹ của hai đứa con đã chớm trưởng thành thì bức xúc vô cùng và muốn gửi cho người mẹ ấy mấy câu ca dao sau
Mẹ ơi, mẹ bạc hơn gà
Con chưa lẻ mẹ, mẹ đà lẻ con!
Mẹ ơi, trái bí còn non
Cầm dao mẹ cắt ruột con sao đành!(Ca dao)
Xin bạn đọc cùng lắng lòng để trở lại và đi tiếp cùng với tác giả Phạm Hoàng Tuyên
Nó phụ bà đi hái rau mót lúa
Nhặt ve chai tìm manh áo chén cơm
Có câu "Sểnh cha còn chú, Sểnh mẹ bú dì" Nó không được may mắn như thế Nó về ở với Bà Nội. Hai câu thơ đã vẽ xong cảnh nhà đơn chiếc và khó khăn, hai bà cháu rau cháo qua ngày nhờ vào sức lao động của một đứa bé sáu tuổi, cùng bà nội của Nó có lẽ đã không còn nhiều sức khoẻ nữa, nên mới phải "hái rau, mót lúa, nhặt ve chai.."
Tới đây người viết bỗng phảng phất nỗi lo "Con hư tại mẹ cháu hư tại bà" bởi Cha của Nó cũng là con trai của bà nội nó đã không còn...Mọi yêu thương hoặc giả nuông chiều ( nếu có) bà sẽ giành hết cho đứa cháu côi cút là Nó.
Nhưng điều gì và chuyện gì cũng đều có ngoại lệ.
Điều ngoại lệ ấy khiến cho người đọc vỡ oà niềm vui, niềm hạnh phúc, không chỉ cho Nó, cho bà nội Nó, cho tác giả và có lẽ là cho cả người mẹ sinh ra nó, cũng như vong linh bố Nó...
Bài thơ đã lan toả niềm vui ấy sang người viết và có lẽ không ít bạn đọc nữa:
Đời âm thầm rồi cho đến một hôm
Bà thấy nó dắt về thêm đứa bé
Đến bên bà nó buông lời thỏ thẻ
- Cháu còn có bà, chứ nó chẳng còn ai!
Bôn câu thơ cuối là niềm tin ở thê hệ trẻ ngày mai, là hy vọng vào lòng nhân ái của con người. "Lá lành đùm lá rách". Nó còn quá nhỏ để hiểu về nhân tình thế thái, để hiểu về tình đời nhiều lúc "bạc trắng như vôi", Nó có lẽ cũng chưa thể lường trước về việc nuôi thêm một đứa trẻ cùng với Nó, dẫu chỉ "rau cháo" có là quá sức với bà nội của Nó hay không? Nó chỉ biết "thỏ thẻ" với bà rằng "Cháu còn có bà nó chẳng có ai". Có nghĩa tự đáy lòng nó đã biết nhận thức Nó mất cha, mẹ đi bước nữa, nhưng may mắn còn có bà. Một mảnh đời thừa khác mà nó gọi là Nó xuất hiện,còn kém may mắn hơn, vì "chẳng còn ai" Hai chữ còn trong một câu thơ cũng là câu nói xuất phát từ bản tính thiện của Nó khiến cho ngưọc đọc có quyến hy vọng vào một ngày mai tươi sáng của nó.
Trong xã hội hôm nay, nhìn quanh không thiếu những cô bé, cậu bé có đủ cha, đủ mẹ, lại được sống trong thừa thãi vật chất nhưng có một tâm hồn méo mó...Để rồi lớn lên ăn chơi lêu lổng không chịu học hành, thậm chí đua đòi hút chích...
Từ xa xưa đã có rất nhiều những đứa trẻ mồ côi cha như Nó nhưng lớn lên lại công thành danh toại.
Như Vua Đinh Tiên Hoàng mà theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép:"Vua mồ côi cha từ bé, mẹ họ Đàm đưa gia thuộc vào ở cạnh đền sơn thần trong động. Vào tuổi nhi đồng, vua thường cùng bọn trẻ con chăn trâu ngoài đồng. Bọn trẻ tự hiểu kiến thức không bằng vua, cùng nhau suy tôn ông làm trưởng."
Gần đây hơn nữa là ngài Bill Clinton Tổng thống thứ 42 của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ! Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia thì: Ông mồ côi cha từ trong bụng mẹ và "Billy được nuôi dưỡng bởi mẹ và cha kế.... Cậu bé lớn lên trong một gia đình truyền thống, nhưng cha kế của cậu, nghiện cả rượu và cờ bạc, thường ngược đãi mẹ cậu, và đôi khi, cả người em cùng mẹ khác cha với ông"
Một cậu bé chăn trâu mồ côi cha về ở với chú ..Lớn lên thành vị Vua được tôn kính của nước Việt, Một Cậu bé môi côi cha phải sống với người cha dượng nghiện rượu,nghiện cờ bạc ...Vẫn trở thành Tổng Thống của nước Mỹ hùng mạnh đứng đầu cả thế giới....
Điều đó cho người viết nuôi dưỡng niềm hy vọng Nó với bản tính thiện và được nuôi dưỡng dạy dỗ từ Bà Nội. Một ngày kia cậu sẽ trưởng thành cùng với rất nhiều chữ thành đi theo đúng nghĩa, để cuối cùng Nó một đứa trẻ mồ côi cha lúc sáu tuổi lại thiếu bàn tay săn sóc của mẹ Thành Nhân.. Và có lẽ để hy vọng ấy thành sự thực không thể thiếu sự đùm bọc yêu thương chở che của những người tốt xung quanh Nó trên đường đời vốn không bằng phẳng...
Cám ơn tác giả Nguyễn Hoàng Tuyên đã viết tác phẩm Mảnh Đời Thừa để người viết có dịp đồng hành với những câu thơ viết về cuộc sống, cũng như nhân tình thế thái quanh mình. Rất may mắn người viết chưa từng trải qua bất kỳ một tâm trạng nào của tất cả những chủ thể trong Mảnh Đời Thừa. Nên mọi cảm xúc khi trải lòng vào câu chữ trong bài viết này đều mang tính chủ quan với góc nhìn một chiều. Rất mong nhận được sự bao dung của tác giả cũng như bạn đọc nếu như có điều gì sai sót.

Sài Gòn 14/4/2015
Huỳnh Xuân Sơn