Thứ Hai, 25 tháng 12, 2017

Huỳnh Xuân Sơn cảm nhận bài thơ Mùa Hoa Cải của tác giả Nguyễn Quân




Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo cùng nhà thơ Lê Huy Mậu đã góp vào kho tàng Âm nhạc Việt một Khúc Hát Sông Quê đủ để nao lòng người xa xứ bất cứ nơi đâu, chứ không chỉ riêng người con Xứ Nghệ. Những ca từ da diết như

Quá nửa đời người phiêu dạt
Con lại về úp mặt vào sông quê
Ơi con sông dạt dào như lòng mẹ
Chở che con đi qua chớp bể mưa nguồn
Từng hạt phù sa tháng ba tháng bảy
Từng vị heo may trên má em hồng (Nhạc Nguyễn Trọng Tạo thơ Lê Huy Mậu).

Hẳn là người tha hương bạn cũng như tôi tìm thấy mình trong đó. Sông quê gắn bó với tuổi thơ, gắn bó với những lời hẹn hò thề ước, gắn bó với người ra đi, gắn liền với người ở lại. Sông quê bồi đắp phù sa dâng cho mùa màng đầy ắp.
Có một bến sông quê gắn với một mối tình, cùng màu hoa cải nở vàng của tác giả Nguyễn Quân, trong bài thơ Mùa Hoa Cải. Tứ thơ có lẽ được bật lên trong một lần cũng “quá nửa đời người phiêu dạt” tác giả trở về “Úp mặt vào sông quê”, để rồi có một bài thơ thấm đẫm tình cảm…

Mùa Hoa Cải

Anh trở lại bến xưa
Cỏ non lấp lối
Những viên sỏi biết nói
Kêu đau!
Cỏ xưa nát nhàu.Gãy vụn
Lá cỏ như cánh áo.Nát tan
Thân cỏ như xương. Bền vững
Rễ bám sâu trong đất
Đau quặn thắt, đẻ chồi non
Phép nhiệm màu. Tạo hóa
Ba Lạt cánh buồm nâu
Thấp thoáng, bạc màu. Miếng vá
Gió reo buồn, nước lững thững trôi. Khôn tả
Ba Lạt thét gào, nước xoáy. Đau đau
Thuyền em trôi dạt về đâu?
Bão lòng anh nổi chênh chao
Va đập nát tan, tim gan tóp lại
Lời thề còn đâu?
Khát vọng còn đâu?
Theo gió cuốn đi
Không hề sót lại tẹo nào
Anh cứ tưởng vẫn ươm mầm trong đất
Vẫn ủ trong lớp lá ken dày
Vẫn nằm gọn trong lòng bàn tay
Vẫn rưng rưng trong những năm dài
Vẫn nghẹn ngào những lúc đắm say
Vẫn tinh khôi, thơm thơm hơi thở
Nhịp đập trái tim sóng vỗ

Nấm mốc rêu phong những ngày cách trở
Không biến dạng hình hài
Không đổi màu, biến sắc em ơi
Ba Lạt, đời người hay đời sông?
Anh không biết nữa
Chỉ nhớ có một mùa hoa cải em ơi!
Anh chết lặng, đơn côi
Dép mòn, chân mỏi
Vó ngựa, đường xa, phi nước đại
Anh về

Ba Lạt thinh không, dáng hình người con gái
Mà"Anh thức trắng đêm, viết trắng lòng
Gửi người áo trắng ở bến sông
Tâm hồn trong trắng như hoa trắng
Bướm trắng thi nhau đến vẽ vòng..."
Ngày ấy cải vàng suộm bến sông
Hoàng hôn tím biếc đến nao lòng
Mặt sông gợn lên màu hoàng thánh
Heo may len lỏi buổi tàn Đông
Anh vuốt tim em, tiếng sóng reo
Em đỡ hồn anh gió lộn nhào
Đàn sếu bay qua kêu xích siết
Áp tai xuống đất, đất cũng reo

Nay về thăm lại bến sông xưa
Vỡ òa gặp lại câu thơ cũ
Cải vàng bẽn lẽn ấp úng thưa
Người ấy ngày xưa vẫn còn đây
Chiều chiều lặng lẽ ra bến này
Thẫn thờ ngồi nhìn hoa cải nở
Mắt phóng tầm xa, bấm đốt tay...
Trên đầu quấn tròn vành khăn trắng
Trắng tóc, trắng tay, trắng cuộc đời...
Anh chết đứng, chết thêm một lần nữa
Chết cùng em, chết trong mùa hoa cải em ơi...(Nguyễn Quân.)

Một bài thơ tự do dài, dài như thời gian chia cắt một mối tình không trọn. Những câu thơ ngắt khúc không đều, được kết nối bằng những từ ngữ đơn giản, không quá cầu kỳ, trau chuốt, theo một nhịp thơ gập ghềnh, trúc trắc không suôn sẻ. Chuyên chở một tình thơ sâu sắc chuyển tải ý thơ tầng tầng, lớp lớp. Tất cả hòa quyện với nhau nhằm chuyển tải một câu chuyện tình mà kết cuộc khiến cho ngày “Anh trở lại bến xưa” phải “… chết đứng, chết thêm một lần nữa./Chết cùng em, chết trong mùa hoa cải...” bài thơ ấy, câu chuyện tình ấy, được tác giả kết bằng dấu ba chấm đi sau ba từ chết của Anh và một lần Chết cùng em…! Phải chăng sự Chết chưa hết…

Mùa Hoa Cải của tác giả Nguyễn Quân liệu có mềm mại như cánh hoa nhỏ xinh ấy hay có ấm áp, nồng nàn bởi màu vàng rực rỡ của nắng cuối thu trong tiết trời se lạnh. Mùa Hoa Cải nở bên cửa sông Ba Lạt nơi “Con sông Hồng chảy về với” biển…Nở màu vàng rực rỡ ? khoe màu trắng tinh khôi? Hay chuyển màu gì? Mang câu hỏi ấy, tôi theo bước chân của người lính xa quê ngày trở lại:
Anh trở lại bến xưa
Cỏ non lấp lối
Những viên sỏi biết nói
Kêu đau!
Cỏ xưa nát nhàu.Gãy vụn
Lá cỏ như cánh áo.Nát tan
Thân cỏ như xương. Bền vững
Rễ bám sâu trong đất
Đau quặn thắt, đẻ chồi non
Phép nhiệm màu. Tạo hóa
Ba Lạt cánh buồm nâu
Thấp thoáng, bạc màu. Miếng vá

Chủ thể trữ tình Anh của tác giả đã đi bao lâu? Để giờ đây trở lại với cảm giác khiến người đọc nặng lòng theo sức nặng tàn phá chốn cũ, được khắc họa bằng nhịp thơ gửi theo tiếng lòng hụt hẫng, với những câu thơ tác giả cố ý ngắt ra nát vụn, gẫy gập, chất chứa một loạt các động từ đơn, động từ kép như: “lấp lối, biết nói, kêu đau, nát nhàu, gãy vụn, nát tan, bám sâu, đau quặn thắt, đẻ chồi non…để tả sỏi và cỏ… Hai thứ vô tri vô giác Anh gặp lại trước khi thấy “cánh buồm nâu” đã “bạc màu” nhưng còn nhìn rõ “miếng vá” mà cánh buồm ấy mới chỉ ẩn hiện “thấp thoáng” chứ chưa rõ nét phía cửa sông Ba Lạt.

Anh trở lại với những bước chân cảm nhận Sỏi trên lối cũ cũng “Biết nói kêu đau” ắt hẳn là điềm báo cho sự trở về đầy xót xa…May sao, sau sự vùi dập đến “Nát tan” vẫn còn chút hy vọng rằng tạo hóa đã ban cho cỏ có một sức mạnh để vượt qua cơn “đau quặn thắt” mà “đẻ chồi non”. Nào chỉ có lối cũ với cảm nhận thật gần và thật đau đớn không thôi đâu! Dưới dòng sông quê thấp thoáng tưởng như xa nhưng lại đang hiện hữu bên Anh:

Gió reo buồn, nước lững thững trôi. Khôn tả
Ba Lạt thét gào, nước xoáy. Đau đau
Thuyền em trôi dạt về đâu?
Bão lòng anh nổi chênh chao
Va đập nát tan, tim gan tóp lại
Lời thề còn đâu?
Khát vọng còn đâu?
Theo gió cuốn đi
Không hề sót lại tẹo nào
Vẫn biết cửa sông nơi con nước trước khi hòa mình vào lòng biển để không còn mình nữa, nó sẽ phải vược qua rất nhiều ghềnh thác và ngay tại Ba Lạt nó vẫn phải chọn dòng chảy cho riêng mình. Lẽ nào có con nước “cứng đầu” không chịu xuôi dòng mà cứ “thét gào” rồi “xoáy”.
Không! Dòng nước vẫn “Lững thững trôi”kia mà. Gió cũng “reo buồn” một nỗi buồn “khôn tả”. Khiến cho Anh nổi bão trong lòng và gào thét khi trên dòng “lững thững” ấy không thấy “thuyền em”.

Chủ thể thứ hai em xuất hiện trong thơ chứ chưa hề trong mắt Anh. Anh vẫn đang “chênh chao” bước thấp, bước cao, trên những viên sỏi xen lẫn đám cỏ mà cuồng quay với câu hỏi “về đâu?” Còn đâu? Và Còn đâu?. Đến đây thì không thể đổ thừa cỏ “Nát tan” nữa . Anh tự thú nhận “bão lòng nổi dày vò gào thét khiến anh có cảm giác “nát tan” và tim gan teo “tóp lại”. Chỉ vì lời thề, hy vọng… Tất cả khao khát,ước mơ xưa đã bị gió cuốn đi sạch sành sanh…Lúc này hai chữ “Đau đau” có lẽ chưa đủ để diễn tả hết tâm trạng, hoặc giả Anh vẫn còn cứng rắn mạnh mẽ dẫu chênh chao khi không thấy “thuyền em” nhưng vẫn còn đủ tỉnh táo để ngược dòng hồi ức trở về thực tại và ngờ rằng
Anh cứ tưởng vẫn ươm mầm trong đất
Vẫn ủ trong lớp lá ken dày
Vẫn nằm gọn trong lòng bàn tay
Vẫn rưng rưng trong những năm dài
Vẫn nghẹn ngào những lúc đắm say
Vẫn tinh khôi, thơm thơm hơi thở
Nhịp đập trái tim sóng vỗ.
Năm chữ Vẫn đặt ở đầu năm câu, sau chữ Vẫn cùng Anh cứ tưởng…diễn tả năm trạng thái tâm lý cùng cảm giác của ngày ra đi Anh đã có thì phải? Đúng là Anh cứ tưởng thôi, chứ không phải là anh đang cảm nhận thấy, đang cầm nắm được...Có lẽ ngay lúc mà anh cứ tưởng này..chỉ duy nhất nhịp đập trái tim sóng vỗ là vẫn đang hiện hữu trong lồng ngực Anh thôi! Còn lại tất cả đã an vị nơi chốn xưa cũ theo nghiệt ngã thời gian “gió cuốn trôi” sạch rồi Anh ạ! Vậy mà sao sức mạnh nào để mà anh vẫn còn cảm nhận tiếp rằng

Nấm mốc rêu phong những ngày cách trở
Không biến dạng hình hài
Không đổi màu, biến sắc em ơi
Ba Lạt, đời người hay đời sông?
Anh không biết nữa
Chỉ nhớ có một mùa hoa cải em ơi!
Anh chết lặng, đơn côi
Dép mòn, chân mỏi
Vó ngựa, đường xa, phi nước đại
Anh về
Những ngày xa cách giờ đây anh mới cảm nhận được qua “nấm mốc rêu phong” nhưng khi ấy, anh vẫn cứ tưởng,vẫn cứ ngỡ hay là Anh đã tin. Tất cả vẫn còn vẹn nguyên, cả hình hài lẫn màu sắc.. Để rồi giờ đây đứng ngay tại chốn cũ với ngổn ngang câu hỏi “Ba Lạt đời người hay đời sông?”. Dẫu là đời sông thì cũng chỉ còn một đoạn nữa là hết rồi! nước sẽ về với bao la biển mặn..Nếu là đời người? Anh không biết…Tác giả không biết…Tôi không biết và có lẽ bạn đọc cũng không thể biết được…Nhưng Mùa Hoa Cải thì đã hiện diện trong thơ, không thanh thoát, nhẹ nhàng, như những chùm hoa cải vẫn thường thấy…Mùa Hoa Cải Anh nhớ để mà về với chết lặng đơn côi, sau những dặm dài “dép mòn chân mỏi”. Thật cám cảnh nếu Ba Lạt là “đời người”. Có lẽ nào lại là đời người thật ư?

Ba Lạt thinh không, dáng hình người con gái
Mà"Anh thức trắng đêm, viết trắng lòng
Gửi người áo trắng ở bến sông
Tâm hồn trong trắng như hoa trắng
Bướm trắng thi nhau đến vẽ vòng..."
Ngày ấy cải vàng suộm bến sông
Hoàng hôn tím biếc đến nao lòng
Mặt sông gợn lên màu hoàng thánh
Heo may len lỏi buổi tàn Đông
Anh vuốt tim em, tiếng sóng reo
Em đỡ hồn anh gió lộn nhào
Đàn sếu bay qua kêu xích siết
Áp tai xuống đất, đất cũng reo

Rất nhiều từ Trắng trong khổ thơ này, nhiều chứ không thừa, bởi tinh khôi buổi mai ấy, tà áo trắng của một người con gái có tâm hồn trong trắng, bên màu hoa trắng, khiến anh thao thức trắng đêm, hoa gì trắng? chứ hoa cải thì ngày ấy vàng suộm bến sông rồi. Hai người có lẽ đã gặp nhau trong buổi chiều tà cuối thu năm ấy, Màu tím hoàng hôn cùng những cơn gió heo may cuối mùa vẽ trên mặt sông những nét vẽ ngổn ngang màu hoành thánh ư? Một điềm báo cho màu trắng tinh khôi sẽ ngả màu chăng? Khi mà “đất cũng reo”, “sóng cũng reo” nhưng sếu lại kêu “sích xiết” và hồn anh gió không đưa bay bổng lãng mạn mà lại “lộn nhào” theo gió. Thêm một khổ thơ gập gềnh trúc trắc nữa qua đi, khó cảm, khó nhận ra sau trùng trùng ý thơ…đan xen giữa quá khứ và hiện tại bằng tâm trạng Anh trở về đơn côi bão bùng bủa vây nơi cửa sông có lẽ cũng chả yên ả gì…
Nay về thăm lại bến sông xưa
Vỡ òa gặp lại câu thơ cũ
Cải vàng bẽn lẽn ấp úng thưa
Người ấy ngày xưa vẫn còn đây
Chiều chiều lặng lẽ ra bến này
Thẫn thờ ngồi nhìn hoa cải nở
Mắt phóng tầm xa, bấm đốt tay...

Cho tới tận bây giờ dụng ý của tác giả khi đặt tựa đề Mùa Hoa Cải mới vỡ lẽ…Họ đã “Có một mùa hoa cải. Nắng vàng trong mê mải. Anh nói lời yêu thương. Anh nói rồi anh đi. Chiến tranh không ước hẹn. Sợ làm con bướm trắng. Thẫn thờ chiều bên sông…*” Anh ra trận mang theo “dáng hình người con gái” và những lời hẹn hò ấy đã theo anh động viên từng bước chân vượt đèo lội suối hay giữa những làn đạn bom ác liệt….Ngày lại ngày, tháng lại tháng, năm lại năm và nhiều năm nữa…Anh cứ tưởng…Để rồi vào mùa hoa cải năm nay anh vội vã trở về, gặp bến xưa, chốn cũ mới hay: “Bao mùa vàng rực nắng. Đợi anh mặc hoa trôi. Đợi anh trong khắc khoải…Thư đi không trả lời…Em vẫn chờ đợi anh. Sao anh mãi không về…?”* Vâng Anh đã có rất nhiều điều “Cứ Tưởng…” nhưng anh đã không tưởng rằng “em vẫn chờ đợi anh” để giờ đây ta phải cùng tác giả bước vào với những câu thơ kết, nặng trĩu tâm tư

Trên đầu quấn tròn vành khăn trắng
Trắng tóc, trắng tay, trắng cuộc đời...

Ai? “Trên đầu quấn tròn vành khăn trắng”. Tác giả? Anh? Hay Em? người con gái sau quá nhiều mùa “Thẫn thờ nhìn hoa cải nở”. Ai! Thì cũng đều đau khổ cả bởi giờ đây.

Trắng tóc! Vốn quy luật của tạo hóa rồi không thể cưỡng lại. Trắng tay! Vẫn còn cơ hội làm lại sau bôn ba cuộc chiến anh đã trở lại, còn người là còn tất cả.
Nhưng, lại là chữ nhưng khốn khổ cho Ai? Trắng cuộc đời! khi đã trắng, đã hết, đã không còn gì thì hỡi cuộc đời ơi! Làm sao làm lại được đây? Và có phải vì thế mà

Anh chết đứng chết thêm một lần nữa
Chết cùng em chết trong mùa hoa cải em ơi…
Mùa Hoa Cải của tác giả Nguyễn Quân vừa nở rộ. Không hương thơm, không rực rỡ sắc vàng, không thơ mộng như nam thanh, nữ tú làm duyên, tạo dáng chụp ảnh…Mùa Hoa Cải ghi dấu một mối tình ngang trái. Người ở lại một lòng chờ đợi kẻ đi xa…Người đi xa cứ tưởng…vẫn tưởng…nhưng sự thật Mùa Hoa Cải đã không kết trái…Người trở về cũng như người ở lại…Họ giờ đây như hình ảnh của cửa sông Ba Lạt, hai bờ, hai quê, bên lở, bên bồi, cùng hòa vào dòng nước đỏ quạch phù sa. Phù sa thì lặng lẽ lắng đọng góp phần bồi đắp đôi bờ và góp phần thanh lọc dòng nước lững thững trôi về với biển. Mặc dù biết ra đến đó nước không còn là mình nữa…
*Lời ca khúc Mùa Hoa Cải Ven Sông của nhạc sĩ Lê Vinh

Sài Gòn 28/8/2014
Huỳnh Xuân Sơn
Nguồn: http://titan.blogtiengviet.net/2014/08/26/mua_hoa_c_i_tac_gi_nguy_n_quan_ha_nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét