Thứ Ba, 16 tháng 10, 2018

Cảm Nhận Hoa Chuối Của Tác Giả Hải Minh

Cảm Nhận Hoa Chuối của tác giả Hải Minh!

Tháng mười mở cửa tiễn Thu với nhiều sắc hoa rực rỡ! Không hẹn nhưng sao tôi luôn bâng khuâng chờ đợi, Chờ đợi để được gặp một loài hoa nhỏ nhắn không đài các kiêu sa như Hồng, như Ly. Không ngào ngạt thanh tao như Nhài, nhưng trong trắng tinh khôi,
Chờ đợi Họa Mi như một lời hẹn thề rất riêng. 
Họa Mi chưa cất tiếng thì bất ngờ tôi lại được chiêm ngưỡng một loài hoa bình dị khác của tác giả Hải Minh. Chỉ nhìn tựa bài là cảnh cũ quê xưa với thời niên thiếu ùa về! Nhưng khi đọc xong bỗng nhận ra loài hoa ấy đẹp nao lòng, chứ không như xưa nay tôi vẫn hờ hững nghĩ về nó!
Dẫu đã từng say đắm Ba Tiêu (cây chuối) Của Ức Trai ! Cũng đã từng cảm Phục ông khi búp chuối non xanh ấy vào thơ ông lại hóa thân thành bức thư tình kín đáo của một giai nhân mong người nhận đón đọc.
Tự bén hơi xuân, tốt lại thêm
Đầy buồng lạ, mầu thâu đêm
Tình thư một bức phong còn kín
Gió nơi đâu gượng mở xem (Cây chuối)
Nhưng tôi vẫn ngạc nhiên và thích thú khi thấy tác giả Hải Minh hôm nay có cái nhìn khác lạ, đặc biệt về bông hoa chuối!

HOA CHUỐI 

Thắm như máu chảy qua tim
Êm như mùa gặt tiếng chim cu gù
Cánh ôm nhau ấp lời ru
Quản gì nắng gắt sương mù hanh hao 

Chắt chiu từng giọt ngọt ngào
Hương không toả mà lặn vào bên trong
Mỗi cánh rơi đau xé lòng
Để từng nải nhỏ cong cong chào đời 

Lọc bao tinh tuý giữa trời
Hóa về với đất trao người trái thơm (Hải Minh)

Một vòng đời Hoa Chuối được tác giả gói gọn trong năm cặp Lục Bát nhuần nhuyễn về niêm vần!
Một thể thơ cổ được một trang nam tử qua tuổi lục tuần chọn để gửi gắm một loài hoa quen thuộc gần gụi nhưng ít thi sĩ xưa nay lưu tâm để ý. Họa huần mới có, thì cũng chỉ là thoáng qua như Nguyễn Mỹ
Tôi biết cái màu đỏ ấy
Cái màu đỏ như cái màu đỏ ấy
Sẽ là bông hoa chuối đỏ tươi
Trên đỉnh dốc cao vẫy gọi đoàn người (Cuộc Chia Ly Màu Đỏ)
Hay như Tố Hữu 
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng (Việt Bắc) 
Hôm nay Hoa chuối đi vào thơ Hải Minh và ngự trị trong trái tim tôi cũng với màu hoa đỏ nhưng rất riêng biệt!

Thắm như máu chảy qua tim
Êm như mùa gặt tiếng chim cu gù 

Hoa Chuối được tác giả giới thiệu bằng phương pháp lung khởi ! Màu hoa đỏ ấy Thắm như màu máu chảy qua tim ! Màu nó Đỏ tươi vì đã được nhịp đập của buổng tim chuyển hóa.
Thật lạ và thật đặc biệt khi sự mịn màng êm ái của cánh hoa lại được tác giả miêu tả "Êm như mùa gặt tiếng chim cu gù"!
 Nếu bạn cũng là người xa xứ nhưng được sinh ra ở làng, lớn lên với hương đồng gió nội, cùng những mùa vụ.  Hẳn bạn cũng như tôi lúc này, nghẹn lại nơi ngực trái một nỗi niềm riêng với những gì mà câu thơ vửa gợi tả!
Vâng tác giả ơi! Êm ái và ngọt ngào làm sao khi mùa về no đủ, bên  những tiếng gù  thao thiết gọi bạn tình của loài  chim hiện thân cho âm thanh của đồng quê.
Và tác giả ơi! Hình tượng này vào thơ mới đắt giá làm sao  bởi "Chim cu gáy thường sống từng đôi, một trống một mái theo chế độ đơn thê, kén bạn tình nhưng gắn bó chung thủy".! Bông Hoa Chuối của tác giả vừa giới thiệu hẳn là bông hoa vửa độ căng tròn chờ đợi.. Như cô gái thôn quê 17 tuổi! đang thì căng tràn sức sống! Hai câu thơ mở bức màn dẫn người đọc vào khám phá Hoa Chuối quả thật có sức níu kéo ghê gớm, khiến người viết có cảm giác tức ngực và hụt hơi khi theo dòng chảy ý thơ dẫn dắt!

Cánh ôm nhau ấp lời ru
Quản gì nắng gắt sương mù hanh hao !

Vâng tác giả ơi! từng lớp, từng lớp cánh êm ái ấy ôm ấp nhau, quấn quýt nhau nương tựa vào nhau "yêu trong nắng gió" để cùng nghe, để cùng uống, để cùng cảm, từng  âm thanh dìu dặt của mưa phùn mùa xuân, âm thanh rộn rã của những trận mưa rào đầu hạ, âm thanh dìu dặt của mưa ngâu mùa thu!
Tất nhiên không thể thiếu âm thanh ngọt ngào của lời ru bên nôi khi những bà, những mẹ, những chị! trưa nắng hay đêm về cất tiếng!
Và còn nữa những âm thanh ru hời qua câu hò, điệu ví, những làn điệu dân ca vang lên từ buổi làm đồng, từ những bờ đê hoặc giả những bờ vùng bờ thửa của các nam thanh nữ tú, của các ông bà, các cô chú các anh chị cũng như tiếng líu lo của bầy trẻ nhỏ! Tất cả, tất cả thành những lời ru mà Hoa Chuối ấp ủ nâng niu mỗi ngày.. 
Và tác giả ơi! bạn đọc ơi! lớp lớp cánh mịn màng êm ái ấy bên nhau đi suốt vòng đời thì hà cớ gì phải sợ  nắng lửa hay giá đông?
Một vạt nắng quái  hay dăm làn sương lạnh chỉ làm cho Em thêm mặn mà hơn, cứng cáp hơn trước những giông bão mà thôi!

Chắt chiu từng giọt ngọt ngào
Hương không toả mà lặn vào bên trong 
Mỗi cánh rơi đau xé lòng
Để từng nải nhỏ cong cong chào đời 

Hoa Chuối đã được kết tinh từ tình yêu tận hiến của cây mẹ, sau những tháng ngày chắt chiu sương nắng, chống chọi với giông bão nay đơm nụ khoe bông!
 Hoa Chuối được tác giả giới thiệu hôm nay và từ xa xưa tới giờ "Hương không tỏa mà lặn vào bên trong". Không như các loài hoa khác khoe sắc rực rỡ, Tỏa hương ngào ngạt.
Bông hoa nào rồi cũng phải hồ tàn hoa chuối không ngoại lệ. Nhưng sao khi đọc và cảm câu thơ miêu tả sự lìa đài hoa cũng là lúc kết trái của hoa chuối lại nặng lòng đến thế.
Mỗi cánh rơi đau xé lòng!
Câu thơ được ngắt nhịp không suôn sẻ như từ đầu bài thơ nữa, Tác giả đã để nhịp thơ ngắt đôi 3/3
Mỗi cánh rơi
Đau xé lòng!
3 động từ cho một câu thơ sáu chữ !Phải chăng là quá nhiều! Phải chăng là chưa đủ để diễn tả hết ý thơ?
Tác giả ơi ! Bạn đọc ơi! Tôi ơi! chỉ là một cánh hoa rơi khi đã hồ tàn nhường chỗ cho đài hoa kết trái thôi mà cớ sao đau đến xé lòng vậy?
Người viết trộm nghĩ : Phải chăng bông hoa chuối lúc này không còn là cô thiếu nữ nữa mà đã trưởng thành ! Tình yêu kết trái vừa chào đời! Khoảnh khắc hạ sinh ấy  Tuy có đau đớn đấy  nhưng lại là khoảnh khắc là niềm hạnh phúc vô bờ đối với những người làm mẹ!

Lọc bao tinh tuý giữa trời
Hóa về với đất - dâng người trái thơm

Một cặp câu kết vừa hiện diện ! 14 chữ đã nói đủ nói hết và kết thúc một vòng đời bông Hoa Chuối!
Bài thơ đã kết nhưng đồng thời mở ra chiều cảm nhận khác sâu xa hơn cho cá nhân người viết!
Hoa Chuối của Hải Minh hôm nay không còn là bông hoa bình dị khiêm nhường như ca dao xưa đã mượn để ví von
Nhà em không hiếm chi hoa
Chanh chua, chuối chát, cải cà nhiều hung (Ca Dao)
Mà ở đây Hoa Chuối với thủ pháp mượn vật tả tình nhân cách hóa tài tình tác giả Hải Minh đã mượn hình ảnh bông Hoa Chuối cùng những đặc tính sinh học của nó để miêu tả một người thiếu nữ, chẳng phải giai nhân đài các kiêu sa như nhiều thi sĩ đã viết. Người con gái sau bông Hoa Chuối kia hẳn là một thôn nữ bình dị nhưng thanh cao! Mặn mà xuân sắc khiêm nhường mà cao cả! Với những đức tính chịu thương chịu khó hy sinh tất cả cho chồng con!
Hoa Chuối phải chăng là hiện thân của người phụ nữ Việt mà ta có thể gặp mỗi ngày nhưng đã vô tình lướt qua hoặc giả hờ hững với cái bình dị chân chất gần gụi mà thanh cao bấy lâu nay!

Sài Gòn 16/10/2018
Huỳnh Xuân Sơn!



1 nhận xét: