Thứ Hai, 1 tháng 8, 2016

Huỳnh Xuân Sơn Cảm Nhận Bài Thơ Góc Quê Của Tác Giả Lý Đức Quỳnh



Câu thơ “nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát. Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông”- (Nguyên Sa). Nhiều người thuộc và rất nhiều người thích.Áo lụa em mặc mà anh mát, nói lên vẻ đẹp của lụa tô điểm thêm cho nét đẹp người con gái mặc nó.

Tình cờ tôi đọc được bài thơ của tác giả Lý Đức Quỳnh, cũng liên quan tới lụa nhưng trước khi có tơ để dệt lụa ,thì phải trồng dâu nuôi tằm , quay tơ, canh cửi mới có lụa. và muốn biết nơi làm ra nó thì ta hãy về thăm một Góc Quê của anh:


Góc Quê

Khuất lặng sau tre cái cổng làng

Chia khao khát nhớ nỗi thênh thang

Vàng phơi ánh lụa trên nong kén

Biếc lượn triều dâu cuối bãi ngàn

Nắng dệt đường tơ se sợi thắm

Trăng quay canh cửi vọng đêm tàn

Xiêm y hồ hởi ai reo phố

Lủi thủi góc quê những trễ tràng.- (Lý Đức Quỳnh)




Bài thơ được viết theo thể thơ Đường Luật Thất Ngôn Bát Cú. Với những câu từ chắt lọc viết về một làng nghề trồng dâu nuôi tằm dệt lụa.nhưng có lẽ muốn biết về nghề trồng dâu hay về nuôi tằm dệt lụa ta phải vô hai câu đề đã :

Khuất lặng sau tre cái cổng làng

Chia khao khát nhớ nỗi thênh thang




Hai câu đề anh viết, có lẽ ngay cái lúc anh bước về quê trước cổng làng nằm lặng lẽ sau rặng tre xưa, giờ vẫn vậy. làng quê dù có thay đổi đến đâu thì cái cổng làng thiêng liêng ấy chẳng thể dời chỗ.

Nhưng nút thắt cần gỡ là ở câu đề thứ hai :”Chia khao khát nhớ nỗi thênh thang”. Nỗi nhớ có bao nhiêu và nhiều tới mức nào? Sao anh không thể tìm từ diễn tả mà phải chia nó ra vậy? dẫu nỗi nhớ có thênh thang cỡ nào thì trong lòng trong trái tim ta vẫn còn chỗ chất chứa mà! Hai câu đề anh dùng phép đảo từ càng làm cho nỗi nhớ thêm mênh mang, nhưng nhớ gì đây thì ta phải đi tiếp tìm ở trong hai câu thực:




Vàng phơi ánh lụa trên nong kén

Biếc lượn triều dâu cuối bãi ngàn




Ở đây hai câu này với các cặp đối “Vàng phơi” đối với “Biếc lượn” và “ánh lụa” đối với “Triều dâu” . còn “trên” đối với “cuối” và cặp đối cuối cùng “nong kén” đối với “bãi ngàn”. Bốn cặp đối của hai câu thơ thứ 3 và thứ 4 trong thơ Đường luật gọi là hai câu thực này, hòa quyện ý từ với nhau kết thành hai câu thơ tả cảnh sống động và đẹp tuyệt. Bạn hãy xem nhé: Bức tranh Góc Quê có muôn nong kén sắp hàng vàng óng chuẩn bị quay tơ, tơ quay xong được mang ra phơi vàng óng một góc trời .

Đối với cảnh ươm tơ đó. Nhìn xa ngút tầm mắt là bãi dâu màu xanh biếc, gió thổi từng lớp lớp nô đùa trên ngàn dâu lả lướt tạo ra những triều sóng nối tiếp nhau chạy dài đến cuối bãi.

Phong cảnh quê anh đẹp vậy cớ sao nỗi nhớ mênh mang, anh lại phải chia nhỏ ra ngay khi nhìn thấy cổng làng nhỉ. Ta sẽ vào hai câu luận xem may ra có đáp án:




Nắng dệt đường tơ se sợi thắm

Trăng quay canh cửi vọng đêm tàn




Ở hai câu luận này anh dùng các cặp đối “Nắng dệt đường tơ” đối với “trăng quay canh cửi”. và “se sợi thắm” đối với “ vọng đêm tàn”. Các cặp đối kết lại với một nhịp điệu mượt mà như chính khung cảnh mà cặp luận muốn tả

Quang cảnh làng nhề ươm tơ dệt lụa nổi rõ hơn qua hai câu luận này. Anh dùng biện pháp ẩn dụ dẫn dắt ta vào ban ngày thì, ươm tơ, dệt lụa bằng hình ảnh nắng làm nền. Còn đêm về tiếng canh cửi vọng khắp làng nhiều khi tới tàn đêm bằng hình ảnh Trăng quay khung cửi. Không gian và thời gian cùng khung cảnh đã được tác giả khắc họa rất tài tình và sống động ta thấy rõ làng quê thanh bình với công việc qua một ngày đêm rồi mà vẫn chưa thấy tại sao nỗi nhớ mênh mang kia phải chia ra, mặc dù đã tới hai câu kết:




Xiêm y hồ hởi ai reo phố

Lủi thủi góc quê những trễ tràng.




Giờ thì chẳng cần thắc mắc nữa. đã có câu trả lời. sau hai câu kết đầy tâm trạng và nỗi niềm của anh. Ta mới vỡ ra cái điều mà khiến nỗi nhớ anh phải chia ra kia. Bởi "hồ hởi reo trên phố" chẳng mấy ai còn dùng tới lụa nữa xã hội phát triển vải vóc công nghiệp ào vào theo. Cuốn phăng đi mất những ánh lụa vàng phơi, những biếc lượn triều dâu và trăng quay canh cửi hay nắng nhuộm đường tơ kia chỉ còn trong nỗi nhớ của anh thôi. Làm sao trái tim đau đáu với quê hương với cuội nguồn như anh mà có chỗ chứa.đành phải chia ra cho vơi bớt. Nhưng nào đã thấy bớt được mà chỉ thấy anh với "lủi thủi góc quê những trễ tràng"

Vâng có lẽ là mới "trễ tràng" thôi anh ạ. Chứ chưa muộn hẳn. Giờ đây nghề chăn tằm dệt lụa đang dần khôi phục trên khắp quê hương từ Tân Châu Long Xuyên tới Vạn Phúc Hà Đông. Duy chỉ có điều các công đoạn quay tơ, dệt lụa, hong tơ sấy lụa, tẩm hấp người ta làm bằng máy thay thế cho thủ công, vì vậy mà tiếng khung cửi lanh canh thâu đêm chẳng còn nghe. Nhưng chắc chắn sẽ còn một thứ mà đau đáu trong lòng anh, đó là sóng lượn xanh biếc của « triều dâu ». để bù lại một chút cho những hình ảnh và âm thanh sẽ chỉ còn trong nỗi nhớ : .

Ở câu kết cái"lủi thủi",cái"trễ tràng"còn nói lên nỗi đau của người viết khi nhìn thấy cái hình ảnh rất đẹp,rất êm đềm thơ mộng.Nhưng cái"mốc thếch"của quê nghèo vẫn nguyên vẹn,vẫn đóng khung sau cái cổng làng,vẫn im lìm trong góc quê khuất lặng,như đang tụt hậu,như đang bị bỏ quên khi xã hội vận động phát triển,phố xá đông vui rộn ràng hồ hởi,còn người quê vẫn mãi lủi thủi quẩn quanh trong nhịp điệu lỗi thời lạc hậu,tẻ nhạt.Hoàn cảnh và điều kiện như đang chôn chân,nhốt cuộc đời họ trong mỏi mòn,trong khát khao mà chẳng thể nào vượt thoát được......”

Góc Quê của tác giả Lý Đức Quỳnh là như vậy đó ư? Góc quê là hoài niệm, là trở trăn, là hình ảnh sẽ theo anh mãi mãi tới bất cứ nơi nào mà anh đến!

Sài Gòn 25/11/2013

Huỳnh Xuân Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét