Ngày bé cứ tối đến xong việc nhà và việc học là lũ trẻ con trong xóm lại được ra sân kho, hay nhà một cô chú diễn viên nào đó để xem tập chèo. Những vở chèo cổ như Lưu Bình Dương lễ, Nghêu Sò Ốc Hến, đặc biệt là vở Thị Mầu Lên Chùa là tôi nhớ nhất. Cô nào được đóng vai Tiểu Kính Tâm là tụi tôi rất quí, gặp mặt trên đồng từ xa đã chào, cô nào đóng vai Thị Mầu là tụi tôi ghét lắm. Có bạn còn bị ăn roi vì gặp người lớn không chào hỏi, cũng chỉ vì cô ấy đóng vai Thị Mầu bị ghét.
Kỷ niệm tuổi thơ với những suy nghĩ tức cười như vậy cứ theo tôi cùng năm tháng tới lúc lớn khôn. Không biết các bạn tôi ngày ấy ra sao? Chứ tôi sau này không còn thấy ghét Thị Mầu nữa, tôi đã biết yêu, biết cảm thông cho Thị Mầu.
Nhiều lúc tôi đã quên đi nhân vật Thị Mầu trong truyền thuyết.Còn các cô các bà đóng vai Thị Mầu ngày trước, nay đều đã già ,người còn người mất và gánh Chèo làng tôi cũng tan rã khá lâu rồi!
Bất ngờ ,hôm nay trên Tho.com.vn, tôi gặp bài thơ Thị Mầu của Tác giả Anh Ngọc. bao nhiêu suy nghĩ, trở trăn về nhân vật Thị Mầu, người mà có lẽ rất nhiều người ghét. Riêng tôi, tôi lại muốn viết một chút cảm nhận về bài thơ này. Như một lời chuộc lỗi vì ngày trước tôi đã ghét cay ghét đắng Thị Mầu.
Thị Mầu
Người mấy trăm năm làm rung chuyển những sân đình
Làm điên đảo những phông màn khép mở
Người táo bạo
Người không hề biết sợ
Người chưa từng lùi bước trước tình yêu
Người phá tung khuôn khổ những điệu chèo
Để cuộc sống ùa lên đầu cửa miệng
Người trung thực đến không cần giấu giếm
Cặp môi hồng con mắt ướt đong đưa
Người cả gan sàm sỡ cả cửa chùa
Chọn sắc áo cà sa mà chọc ghẹo
Thừa sinh lực nên người luôn túng thiếu
Nên hương trầm tiếng mõ khéo trêu ngươi
Người đi qua nghiêng ngả những trận cười
Chấp tất cả lời ong ve mai mỉa
Người chịu hết mọi thói đời độc địa
Chiếc quạt màu khép mở vẫn ung dung
Trên môi người câu hát cứ trẻ trung
Từng sợi tóc cũng rung theo nhịp phách
Mùi táo chín, mùi hương, mùi da thịt
Người đi qua sân khấu tới đời thường
Người sống trong hơi thở của nhân dân
Mấy trăm năm ai để thương để giận
Câu sa lệch cũng hò reo nổi loạn
Nhịp trống gầm lên những khát vọng không lời
Những khát vọng nằm sâu trong mỗi trái tim người
Được sống đúng với lòng mình thực chất
Những xiềng xích phết màu sơn đạo đức
Mấy trăm năm không khóa nổi Thị Màu
Những cánh màn đã khép lại đằng sau
Táo vẫn rụng sân đình không ai nhặt
Bao Thị Màu đã trở về đời thực
Vị táo còn chua mãi ở đầu môi _(Anh Ngọc)
Một bài thơ tự do dài, với những câu từ chắt lọc kỹ càng. Miêu tả nhân vật Thị Mầu trong làn điệu chèo cổ. Thị Mầu từ xa xưa tới nay đều là nhân vật phản diện, người đóng vai Thị Mầu là Đào lẳng…Tác giả thông qua bài thơ đã dùng phương pháp ẩn dụ từ nhân vật Thị Mầu liên tưởng tới các thiếu nữ xưa nay thật tài tình.Thị Mầu được bắt đầu bằng:
Người mấy trăm năm làm rung chuyển những sân đình
Làm điên đảo những phông màn khép mở
Người táo bạo
Người không hề biết sợ
Người chưa từng lùi bước trước tình yêu
Năm câu thơ với độ dài câu chữ khác nhau. Tác giả dùng tới bốn chữ Người và một loạt các động từ như “rung chuyển”, “khép, mở” “sợ” và “lùi bước”. thêm các trạng từ như “”điên đảo” rồi “táo bạo” . để giới thiệu một nhân vật có từ “mấy trăm năm” và luôn luôn làm “rung chuyển những sân đình” . Tại sao? Có lẽ bởi Thị Mầu luôn là nhân vật chính mà bất kỳ già trẻ gái trai, đều rất thích xem, mặc dù ai cũng rất ghét. Mỗi khi Thị Mầu bước ra là tiếng la hét tiếng vỗ tay rần rần làm “rung chuyển” cả “sân đình” ngày trước, Và làm náo động những sân khấu hiện đại bây giờ.
Phải chăng từ “rung chuyển” ở đây còn có ý muốn nói đến sự nổi loạn của Thị Mầu đi ngược lại với những luật lệ đạo đức cổ truyền từ xa xưa của người con gái phương đông,trong xã hội phong kiến nho giáo.
Nhân vật ấy đi ra từ “phông màn khép mở”. Nhưng sống mãi trong lòng người đến hôm nay. Nhân vật ấy không chỉ có vậy . Tác giả viết tiếp:
Người phá tung khuôn khổ những điệu chèo
Để cuộc sống ùa lên đầu cửa miệng
Người trung thực đến không cần giấu giếm
Cặp môi hồng con mắt ướt đong đưa
Người cả gan sàm sỡ cả cửa chùa
Chọn sắc áo cà sa mà chọc ghẹo
Thừa sinh lực nên người luôn túng thiếu
Nên hương trầm tiếng mõ khéo trêu ngươi
Người đi qua nghiêng ngả những trận cười
Chấp tất cả lời ong ve mai mỉa
Người chịu hết mọi thói đời độc địa
Chiếc quạt màu khép mở vẫn ung dung
Ba khổ thơ tác giả khắc họa bản tính lẳng lơ, trắc nết của Thị Mầu.
Ai cũng nhận thấy ngay và xót xa khi thấy nỗi oan của Thị Kính lúc cắt râu chồng.
Rồi bao người nức nở khi thấy Thị Kính bị mẹ chồng (Sùng Bà) đối xử cay nghiệt. Và có mấy ai hiểu được nỗi lòng Thị Mầu “trung thực” .Bởi Thị Mầu “không cần giấu giếm”, Thị Mầu “lẳng lơ” ai cũng thấy “cặp môi hồng con mắt ướt đong đưa”.
Nhưng đã có ai chịu hiều cho Thị Mầu, cũng chỉ là một cô gái, cũng muốn được yêu, được thương, được có hạnh phúc như bao người phụ nữ bình thường khác. Và có ai chịu hiểu cho nỗi lòng một cô gái, muốn yêu mà không được đáp lại tấm chân tình của mình như Thị Mầu không?
Ngược về thời xã hội phong kiến ngày trước. Với quan niệm phụ nữ được ví như là cây cọc, đàn ông như con trâu. Trâu đi tìm cọc chứ cọc sao lại đi tìm được trâu?
Thị Mầu sống trong một xã hội như vậy. Xung quanh Thị Mầu chỉ là các nam gia nô, tá điền…không cùng tầng lớp giai cấp với mình. Vậy thì ai dám bầy tỏ tình yêu với Thị Mầu đây?
Trong cái bức bách ấy. Trái tim loạn nhịp của Mầu muốn nổ tung, khi lên chùa dâng lễ bắt gặp khuôn mặt thánh thiện của chú tiểu Kính Tâm.
Bao nhiêu oan trái giăng ra bủa vây Thị Mầu từ đây. Bắt nguồn từ sự nổi loạn của trái tim muốn yêu mà bị lễ giáo ràng buộc.
Tác giả viết do “thừa sinh lực nên Người luôn túng thiếu”. Mới cả gan “chọn sắc áo cà sa mà chọc ghẹo”. Mặc dầu Thị Mầu là người lên chùa lễ Phật. Vậy mới thấy sự nổi loạn ghê gớm của trái tim Thị Mầu khi yêu nó bức bách nên muốn phá vỡ mọi khuôn phép . Cốt chỉ để yêu và được yêu bất chấp cả “cửa chùa” …
Tác giả còn cho thấy nhân vật Thị Mầu trong các vở Chèo xưa nay. Thị Mầu đi qua là “nghiêng ngả những trận cười”. Chua xót thay, tiếng cười ấy và bao nhiêu những “thói đời độc địa” và biết bao “lời ong ve mai mỉa” Thị Mầu “bất chấp tất cả” vẫn ung dung “khép mở…” Mầu khép mở cánh quạt trên sân khấu? hay Mầu đang khép mở cánh cửa của lòng mình?Tác giả viết tiếp:
Trên môi người câu hát cứ trẻ trung
Từng sợi tóc cũng rung theo nhịp phách
Mùi táo chín, mùi hương, mùi da thịt
Người đi qua sân khấu tới đời thường
Từ chân dung và nỗi lòng Thị Mầu, tác giả khéo léo đưa ta về với diễn viên đóng vai đào lẳng Thị Mầu trên sân khấu Chèo. Diễn viên hay là Thị Mầu “trên môi…câu hát cứ trẻ trung” . một câu thơ gợi ra rất nhiều ý tưởng . Hình ảnh “từng sợi tóc cũng rung theo nhịp phách” .( Phách là một dụng cụ âm nhạc dùng trong hát chèo) rồi mùi hương, mùi táo chín,mùi da thịt” ở đâu ra trên sân khấu cổ xưa cũng như hôm nay?
Phải chăng tác giả muốn thông qua nhân vật Mầu mà diễn viên đang khắc họa qua bao lớp diễn kia, để đưa ta đi “qua sân khấu tới đời thường” chứ không hẳn là chỉ mình Thị Mầu với “táo chín” với “mùi hương, mùi da thịt”.Bài thơ đang dẫn dắt ta đi tiếp:
Người sống trong hơi thở của nhân dân
Mấy trăm năm ai để thương để giận
Câu sa lệch cũng hò reo nổi loạn
Nhịp trống gầm lên những khát vọng không lời
Những khát vọng nằm sâu trong mỗi trái tim người
Được sống đúng với lòng mình thực chất
Những xiềng xích phết màu sơn đạo đức
Mấy trăm năm không khóa nổi Thị Màu
Dẫu Thị Mầu là người con gái “lẳng lơ”, là người mà ngay cả nơi tôn nghiêm ‘cửa Phật” cũng “chọc ghẹo” không tha. Khi Thị Mầu xuất hiện thì "câu Sa lệch" vốn là một làn điệu chèo nhẹ nhàng dịu dàng là thế. Nhưng khi câu Sa Lệch ấy đi cùng với Thị Mầu cũng phải "hò reo nổi loạn" theo.
Thị Mầu vẫn “sống trong hơi thở của nhân dân” suốt mấy trăm năm”. Dẫu có người “để thương” và cũng có người “để giận”. Nhưng Thị Mầu vẫn là người con gái làm cho “câu sa lệch cũng hò reo nổi loạn” vì sao ? nhịp trống chèo rộn ràng là thế nay phải "gầm lên bao khát vọng không lời"
Có phải chăng nỗi niềm khao khát được yêu, được sống với bản năng con người của Thị Mầu, cũng chính là những “khát vọng không lời” của bao nhiêu người con gái xưa nay bị vòng kim cô của lễ giáo kìm tỏa.
Và phải chăng chính sự nổi loạn bất chấp “xiềng xích được sơn phết màu đạo đức”. Đã góp phần làm cho Thị mầu sống mãi tới ngày nay.
Những cánh màn đã khép lại đằng sau
Táo vẫn rụng sân đình không ai nhặt
Bao Thị Màu đã trở về đời thực
Vị táo còn chua mãi ở đầu môi
Một bi kịch với cuộc đời Thị Mầu đã trôi qua. Thị Mầu vẫn là cô gái dám sống thật với lòng mình. Bất chấp miệng lưỡi thế gian “độc địa”. Thị Mầu trong truyền thuyết dân gian đã đi vào những vở Chèo và sống mãi tới hôm nay.
Thị Mầu là người phụ nữ mà người đời chê hay khen. Điều đó còn tùy thuộc vào sự nhìn nhận và đánh giá của mỗi cá nhân bạn đọc. Song với tác giả Anh Ngọc thì nhân vật Thị Mầu là một khuôn mẫu người phụ nữ ở thời phong kiến .Với bao “xiềng xích” trong vỏ bọc “đạo đức” khóa chặt đời sống tự do yêu và tự do bầy tỏ tình yêu của người phụ nữ! Thị Mầu đã không cam chịu. Đã không có “xiềng xích” nào “khóa nổi” trái tim nổi loạn của Thị Mầu.
“Bao Thị Mầu đã trở về đời thực”.Câu khẳng định và cũng là câu hỏi mà tác giả muốn đưa ta trở về xã hội thực tại hôm nay.
Phải chăng? hôm nay, ta không còn phải đi tìm Thị Mầu trên sân khấu nữa. Biết bao cô gái, áo hai dây, quần cạp trễ liếc mắt đưa tình ngay chỗ đông người. Rồi biết bao cô gái đang yêu đã sống thử bất chấp lề lối gia phong. và rồi "táo vẫn rụng sân đình". "Vị chua" của táo cũng như sự thiệt thòi của người phụ nữ bao đời từ ngàn năm nay vẫn nguyên vẹn như nhau.
Xã hội đã giải phóng cho người phụ nữ rất nhiều rồi. Những “xiềng xích” ngày xưa Thị Mầu phải chịu, hôm nay diễn viên thể hiện trên sân khấu phải nhập vai…đã không còn nữa.
Nhưng đây đó trong xã hội hôm nay vẫn còn phảng phất rất nhiều hình ảnh và tấm lòng muốn sống “trung thực” như Thị Mầu, của biết bao cô gái, vì điều kiện khách quan, hay chủ quan mà vẫn phải mang cái bức bách trong tim khi muốn yêu mà không mà không dám bầy tỏ tình yêu! Để rồi có cơ hội họ bùng lên mãnh liệt, hậu quả là rất nhiều những thiệt thòi trút lên đầu người phụ nữ sau khi cuộc vui, cuộc nổi loạn qua đi.
Sài Gòn 23/1/2014
Huỳnh Xuân Sơn