Chủ Nhật, 20 tháng 7, 2014

KHI MẶT TRỜI NGỪNG QUAY

Khi mặt trời ngừng quay
Con chim sáo cũng đã trở về với tổ
Nói với nhau điều gì
Khi lòng chưa thổ lộ
Rằng ta vẫn yêu người
Dù mây trắng thôi bay

Khi mặt trời ngừng quay
Giọt nước mắt cũng đã thôi không còn chảy
Chiếc khăn tay đã khô
Và cõi lòng sám hối
Rằng ta vẫn yêu người
Khi mơ ước trôi xuôi

Khi mặt trời ngừng quay
Chiếc lá khô cuối cùng cũng vừa rơi rụng
Đôi tay gầy lúng túng
Níu kéo chút mênh mông
Rằng ta vẫn yêu người
Khi đời biết thủy chung

Khi mặt trời ngừng quay
Bóng thời gian đứng lặng yên và rồi ngừng thở
Nghe tiếng gọi thì thầm
Chờ trái tim mở ngõ
Rằng ta vẫn yêu người 
Mãi với tuổi hai mươi

Khi mặt trời ngừng quay
Ta trở về và chợt nhận ra một đời cô độc
Mang thân phận lạc loài 
Bên dòng đời xuôi ngược
Ta vẫn mãi yêu người 
Dẫu bóng nắng thôi rơi





Thứ Tư, 16 tháng 7, 2014

ĐOẠN KẾT MỘT CHUYỆN TÌNH



(Thân Tặng chị TB)

Cách trở đôi đường mãi vấn vương
Đồng sàng dị mộng chẳng yêu thương
Bởi duyên không nợ tình chia cắt
Hai kẻ đôi quê một đoạn trường

Bão táp vần xoay cuộn chữ tình
Nàng ôm sầu muộn giữ trung trinh
Chàng thề sống hẳn cùng hồi ức
Yên phận dần nguôi được sóng tình

Vô duyên gắn mãi với mình rồi
Cách mặt nhưng đau vẫn chẳng rời
Ôm mãi trong ta tình một thủa
Tương phùng chẳng thể cũng đành thôi


Thứ Sáu, 11 tháng 7, 2014

CHUYỆN TÌNH BẠN TÔI


                                (Tặng chị N.T.T.B)


Tiễn bạn đi xa một quãng đường
Nẻo về thổn thức nỗi niềm vương
Bao năm xa cách bây giờ gặp
Chắc hẳn trong lòng vẫn mến thương
......................
Mấy chục năm trời nhớ quắt quay
Yêu thương chất chứa mãi vơi đầy
Vì đâu nên nỗi tình chia cắt
Hai kẻ đôi quê ngóng tháng ngày

Những tưởng thời gian sẽ xóa nhòa
Người ôm đau khổ chuyển trường xa
Kẻ thì mang hận đời phiêu bạt
Trôi nổi dòng đời tưởng sẽ qua

Có dịp đi ngang ghé trước nhà
Nàng ngồi điện thoại núp trong xe
Người kia chẳng biết cố nhân đến
Thoải mái chuyện trò tưởng vẫn xa

Số mệnh cho bạn cuộc gặp này
Nôn nao người đến chẳng ai hay
Tâm tư chôn dấu đang ghìm nén
Mong bạn trao đi kẻo nó đầy



Thứ Tư, 2 tháng 7, 2014

HÈ CỦA TÁC GIẢ HẢI MINH- MỘT BÀI THƠ ĐẶC BIỆT



Mùa hè đã ở lại cùng tôi, bên bạn hơn một nửa thời gian được ghé thăm của nó. Riêng mình tôi đã có dăm bài văn vần…Dăm bảy bài văn xuôi về mùa hè với nhiều tác giả. Mỗi tác giả gửi gắm vào thơ ca một cảm xúc riêng khác biệt. Hình như với tôi là chưa đủ… Tự đáy lòng tôi vẫn như thấy thiếu một góc nhìn nào đó về mùa hè. Mang theo suy nghĩ ấy tôi hỏi “Ông Gồ” :Thơ hè? Lập tức cơ man nào là tựa đề …Chúng như chìa tay ra chào đón tôi. Chúng như muốn cùng tôi đi tới… Tôi bấm bài thơ duy nhất một chữ Hè. Đây là nội dung đã níu tôi đọc đi đọc lại:

có một mùa hè không hoa phượng

đỏ trên cây là máu bạn bè tôi

có một mùa hè không có sấm

chỉ pháo giàn ,bom lạc mẹ mồ côi

bạn nằm xuống không khói nhang ,huyệt mộ

cả dòng sông là một nghĩa trang trôi

hơn một lần tôi ghé thăm QUẢNG TRỊ

thả hoa tươi và khóc gọi CƯỜNG ơi ( Hải Minh)

Hè về với tôi và có lẽ với rất nhiều người, là hoa phượng, là tiếng ve, nếu không cũng là hoa sen, hay nắng vàng, thậm chí là tiếng ếch sau đêm mưa rào. Với tác giả Hải Minh lại khác. Khi hè đến cảm xúc trào dâng về một mùa hè đã xa được anh gửi gắm vào 8 câu thơ tự do, với 62 từ cho tựa đề chỉ một chữ Hè.

Và mùa Hè ấy “không có hoa phượng”, mà “đỏ trên cây là máu bạn bè tôi”…Tôi đã rùng mình khi đọc và cảm ý thơ này. Mùa hè dù muốn hay không hoa phượng vẫn nở.. Anh viết “không có..” là bởi anh không thể, hay nói đúng hơn là không có cơ hội để nhìn “màu hoa như màu máu con tim” ấy. Tới đây tôi bỗng giật mình trộm nghĩ:

Có lẽ anh là một trong hàng chục ngàn học sinh, sinh viên, của các trường đại học, cao đẳng, thậm chí trường cấp ba của Hà Nội. Tham gia Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972. Nếu đúng vậy thì nửa câu thơ “đỏ trên cây là máu…”. Chưa thể cho anh toại nguyện ý muốn miêu tả sự khốc liệt của mùa hè năm ấy….Máu chảy nhuộm đỏ nước sông Thạch Hãn, Máu nhuộm đỏ khắp nơi…Nhất là thành cố Quảng Trị nơi diễn ra trận đánh kéo dài “tám mốt ngày đêm..”. Máu, máu, máu chứ chẳng thể có màu nào khác! Cây cối bị bom đạn phạt ngang, chặt dọc…còn đâu lá để nâng đỡ những giọt máu. Máu nhuộm đỏ cây, thậm chí là gốc cây và có lẽ cả rễ cây bị bom đạn cày xới tung lên…

Nửa câu thơ thứ hai còn lại “…bạn bè tôi”. Vâng trong chiến tranh giữa lằn ranh của sự sống và cái chết…những người lính bắt buộc phải cầm súng hướng nòng vào nhau… Nhằm bảo vệ quê hương mà họ sinh sống, cũng như mạng sống của mình….Khi ngã xuống trên trận địa máu hoà vào máu…cùng là người da vàng cùng dòng giống Tiên Rồng, đâu thể phân biệt máu địch máu ta…nếu đã không phân định được rõ ràng thì thôi ta hãy coi nhau là bạn…

Chiến tranh tàn khốc đâu chỉ có máu…Dòng hồi ức của tác giả đưa ta đi tiếp vào sâu trong Hè với: “

có một mùa hè không có sấm

chỉ pháo giàn ,bom lạc mẹ mồ côi

Không thể không có sấm, vì đó là hiện tượng tự nhiên của trời đất, dù muốn hay không, nó vẫn diễn ra khi những cơn giông mùa hè ập đến… Chỉ là tác giả và bạn bè còn mải chiến đấu giữa tiếng bom đạn đang gầm thét nên bị lấn át đấy thôi…

Tiếng sấm nào át được tiếng đạn bom của Mùa hè đỏ lửa ấy. Còn "pháo giàn" hay "bom lạc mẹ mồ côi" thì có lẽ không cần phải miêu tả cái sự tàn khốc mà hậu quả nó để lại nữa... Tôi xin trích một đoạn thông tin như sau: “Nếu tính trung bình thì mỗi người dân sống ở mảnh đất này phải gánh chịu 7 tấn bom. Thật là một sức chịu đựng ghê gớm, khó có thể tưởng tượng nổi, nhưng cũng minh chứng ý chí quật cường của dân tộc ta. 81 ngày đêm cả Thành Cổ Quảng Trị rung chuyển trong khói súng bom đạn….” (Nguồn Saigonnet).

Chỉ bấy nhiêu thôi đã quá đủ cho thế hệ chúng tôi cảm thấy chiến tranh tàn khốc như thế nào? Và với một lượng bom đạn khủng khiếp như vậy trút xuống làm sao tránh khỏi mất mát đau thương. Mất mát không chỉ đến với hai bên tham chiến mà còn gieo tang tóc lên biết bao người dân vô tội, mà có lẽ mãi mãi, không có sử gia nào thống kê và ghi chép nổi…Vẫn còn đây dấu tích của chiến tranh mang tên “Đại lộ kinh hoàng”. Lộ máu số 7 … Đó là với niềm chung, còn niềm riêng của tác giả với những người bạn của mình..Những người mà thân xác của họ vĩnh viễn tan vào đất, vào nước Quảng Trị nói riêng và khắp dải đất Việt Nam nói chung vẫn còn đang được nhắc đến cùng nỗi đau như vô tận.

bạn nằm xuống không khói nhang ,huyệt mộ

cả dòng sông là một nghĩa trang trôi
Đau xót chồng lên nỗi đau mất mát, nhất là với những người tận mắt chứng kiến cảnh hàng hàng xác chết nổi chìm trên dòng sông màu máu...Sông vẫn xuôi nguồn về với biển...Nhiều năm sau nữa tái diễn cảnh "nghĩa trang trôi" nhưng là những vòng hoa tươi dập dềnh cùng ngọn nến tưởng niệm những người đã khuất...

Hai câu thơ của tác giả Hải Minh khiến tôi bất giác nhớ tới bài thơ Lời Gọi Bên Sông của Người lính, nhà thơ, nhà báo Lê Bá Dương

Đò lên Thạch Hãn ơi!...chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm

Có tuổi hai mươi thành sóng nước

Vỗ yên bờ..mãi mãi ngàn năm ( Lê Bá Dương).

Con sông Thạch Hãn hôm nay trong xanh thơ mộng là vậy. Thế mà cách nay bốn mươi hai năm, nó mang dòng nước màu máu suốt nhiều ngày…Từ sâu thẳm đáy lòng tác giả cũng như nhà thơ Lê Bá Dương và biết bao triệu người lính hai bên tham gia chiến dịch Mùa hè đỏ lửa năm ấy chưa một lần quên…khi nhắc nhớ. Sự nhắc nhớ không hẳn chỉ có người lính mà còn cả những người dân Quảng Trị nói riêng và người dân cả nước nói chung…

Sáu câu thơ không dễ để đọc và để cảm đã qua, cũng là lúc gặp hai câu kết của Hè hiện diện:

hơn một lần tôi ghé thăm QUẢNG TRỊ

thả hoa tươi và khóc gọi CƯỜNG ơi!

Cả bài thơ, với tám câu thơ, tác giả không hề viết hoa đầu dòng…Một sự cố tình để thể hiện tên địa danh Quảng Trị và một cái tên riêng Cường nổi bật bằng cách viết hoa hai danh từ này chăng?


“Hơn một lần…” có nghĩa là số nhiều. Có thể là 2, có thể là 10 và cũng có thể vài chục lần… hoặc giả chưa một giây phút nào tác giả quên được hai từ Quảng Trị, bất kể mưa,nắng, giá rét hay vui buồn… Trong suốt bốn mươi hai mùa hè, kể từ mùa hè đỏ lửa ấy… Mỗi lần “thăm Quảng Trị…” Là lại thêm một lần “thả hoa tươi” và cũng thêm một lần “khóc gọi CƯỜNG ơi!

Tôi cũng đang khóc và gọi tên Cường. Nhưng là “Cậu Cường Ơi! cậu em trai duy nhất của mẹ tôi…Đã trích máu viết đơn tình nguyện…Rồi hy sinh vào ngày 3/3/1972 tại Mặt trận phía nam. Năm ấy cậu tôi 19 tuổi….

Cậu Cường của tôi cùng bạn Cường của tác giả, cũng như bao người lính trẻ đã mãi mãi nằm lại đâu đó trên đại ngàn xanh, dưới dòng sông Thạch Hãn, Nhật Lệ trong vắt, hay dưới con đường hoặc vườn tược nhà ai đó… Thân xác của những người lính trẻ ấy có thể mãi mãi mất đi. Nhưng tên tuổi họ sẽ còn được người thân, bạn bè và các thế hệ sau nhắc nhớ…

Mùa Hè Đỏ Lửa Đã lùi xa vào quá khứ... Hè của tác giả Hải Minh cũng vừa khép lại…Có thể với cá nhân tôi, Vốn được sinh ra trong chiến tranh nhưng lớn lên khi chiến tranh đã kết thúc…Sự hiểu biết cũng như vốn sống còn hạn chế, tôi chưa thể cảm nhận hết được mọi góc cạnh và vẻ đẹp nhân văn của bài thơ Hè… Mong tác giả và bạn đọc hãy coi đây là cảm xúc của cá nhân tôi khi gặp bài thơ Hè của tác giả Hải Minh. Một tác giả mà tôi chưa từng được đọc tác phẩm nào khác của anh…

Sài Gòn 1.7/2014

Huỳnh Xuân Sơn