Thứ Tư, 30 tháng 3, 2016

Những Điều Trắc Ẩn P3

Hồi Ký Đời Học Trò - Những Điều Trắc Ẩn P3

Sông Nhật Lệ một dòng trong vắt
Đã bao giờ ai chắt gạn chưa?
Giọt nào nước mắt ngày xưa?
Giọt nào sương lẫn giọt mưa đầu nguồn?

Thuyền ký ức căng buồm rẽ sóng
Ghé bến sông gió lộng đời tôi
Chở đi một mớ ngậm ngùi
Chở thêm niềm nỗi một thời đắng cay

Gửi hờn tủi trả ngày xưa đó
Khi vừa xong đấu tố ở làng
Xếp ba loại tội nhẹ nhàng
Cho đi cải tạo hoang mang cả nhà!

Rồi từ đấy phải sa bể khổ
Má một mình luôn cố chắt chiu
Để khi nghe họ đến kêu
Phải lo có gạo mang theo nộp liền

Trong một bận kêu tên như thế
Tôi theo bà cốt để nhìn ba
Đường đi thăm vốn rất xa
Hai bà cháu tính ghé qua họ hàng

Anh tên Lý nhà  nâng đỡ đó
Bà cháu mong có chỗ nghỉ chân
Đến nơi mệt gấp bội phần
Vợ anh ấy đã nhạt dần tình thâm

Hai bà cháu thêm lần buồn tủi
Nghĩ về ngày chỉ mới đây thôi
Nhà mình giúp đỡ bao người
Đưa anh Lý vốn mồ côi về làng

Để anh có họ hàng ấm áp
Có việc làm và gặp người thương
Tấm lòng Ba sáng như gương
Ngờ đâu hoạn nạn “luân thường” hết luôn

Có ai hiểu rõ nguồn cơn ấy
Bởi vì đâu chẳng thấy ân tình
Ai gieo cảnh khổ cho mình
Ai chia rẽ, rũ bỏ Tình- Nghĩa – Ơn

Bao trắc ẩn dập dồn ập tới
Đường Quán hàu - Đồng Hới còn xa
Thuê xe thương cháu lòng Bà
Ba đồng bạc ấy quả xa xỉ nhiều

Xe lăn bánh gom điều thắc mắc
Làng quê im phăng phắc cảnh quen
Gọi kêu dân khổ vùng lên
Viết bằng vôi trắng hai bên dọc đường

Quán Hàu đến nhớ thương giục giã
Tôi cùng bà vội vã đi mau
Vĩnh Tuy trộm nghĩ trong đầu
Chắc cha con sắp gặp nhau thật mừng

Đang khấp khởi chợt dừng nghe quát
Đi đâu đây (giọng nạt nộ người)
Bà dừng lại mới lựa lời
Tôi đi nộp gạo thăm nuôi con mà

Vẫn xét hỏi gạn tra quê quán  
Sau một hồi lục vấn cho đi
Mấy lần cho đến Vĩnh Tuy
Hai bà cháu phải dừng vì hỏi han

Rồi cũng tới ủy ban hợp tác
Nơi dân quân canh gác giữ người
Tôi cầu khấn tận trên trời
Mong cho được thấy dáng người của ba

Hai bà cháu nghĩ là đi chậm
Ngang qua nơi họ cấm để nhìn
Trong lòng cứ nghĩ đinh ninh
Từ trong sâu thẳm cha mình thấy con

Nộp được gạo héo hon hụt hẫng
Bởi biết rằng sẽ chẳng gặp ba
Hai bà cháu quay trở ra
Dáng chiều đổ xuống nhạt nhòa ước mơ

Đến Lộc Đại trời giờ đã tối
Bà cháu tôi khăn gói ngủ nhờ
Ăn cơm nắm dỡ ngẩn ngơ
Ba ơi! thương khó tuổi thơ chất đầy

Bà nằm ghế kê ngay cửa trước
Ván cháu xiên dốc ngược ra sau
Nửa đêm gió lạnh thốc vào
Trong lòng thao thức biết sao bây giờ

Khi đi nghĩ người ta cho gặp
Bây giờ về ăm ắp nỗi buồn
Hỏi đâu cho rõ ngọn nguồn
Vì đâu chịu cảnh nằm đường nhớ cha

Trời hừng sáng thì bà gọi dậy
Trở về khi gà gáy cất lên
Nhiều năm tôi vẫn chưa quên
Lần đi nộp gạo không nhìn thấy cha

Bao trắc ẩn từ xa xưa ấy
Giờ viết lại vẫn thấy nhói đau
Má con cực nhọc nuôi nhau
Đêm đêm thấp thỏm nát nhàu tâm can

Đất làng Vĩnh muôn ngàn nỗi nhớ
Bến sông quê ngọn gió xôn xao
Ngược dòng ký ức nao nao
Từ trong cuộc sống ngọt ngào dậy men

 (Từ  câu 193 tới câu  284


Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2016

Một Mình Giữa Rừng Bồng Lai- P2-Bước Đường Về

HKĐHT - Một Mình Giữa Rừng Bồng Lai- P2-Bước Đường Về

Ngay đêm ấy ngọn nguồn tôi kể
Rằng ở nhà sự thể hằng đêm...
Chị đi học dệt khó yên
Mỗi lần Trấn Áp bắt lên kêu về

Họ rình rập bốn bề nhà nữa
Rằng học hay giấu của mang đi?
Đêm trăng bỗng sáng lạ kỳ
Tiếng ông mãnh hổ gầm gừ trên non

Trái tim nhỏ dập dồn ngã rẽ
Sáng chị xin phép để về ngay
Chỉ lưu lại cố một ngày
Dự xong đám cưới việc này nghĩa ơn!

Vẫn còn nhớ sớm hôm về lại
Dọc đường đi cứ phải tránh luôn
Nửa đường thắc mắc nguồn cơn
Chỉ gom quần áo mà hơn trộm đồ

Một mình chị bước vô nhà trọ
Bỏ lại tôi đứng đó bơ vơ
(Nhiều điều khó hiểu bấy giờ)
Quay ra chị nói mình chờ ở đây

Một lát có người tay cầm gói
Lặng lẽ qua vứt vội bên đường
Tôi dần hiểu sự khác thường
Từ đây lại phải tránh đường né nhau

Tôi với chị trước sau nhiều thước
Mé vườn bờ ruộng bước về thôi
Sợ gì ư ? Chỉ sợ người
Sợ quen nhận mặt để rồi nhiêu khê

Tủi thân bám bước về níu chặt
Dọc đường đau quặn thắt trong tâm
Anh em ruột thịt tình thâm
Vì đâu mà phải âm thầm tránh xa

Các O- Mụ với Cha thân thiết
Gặp cháu như không biết làm ngơ
Vì đâu lâm cảnh thế cô?
Má con đùm bọc đợi chờ đổi thay…

Bây giờ viết nhớ ngày xưa ấy
Tràn yêu thương và dậy nỗi sầu
Biết rằng đời vốn muôn màu
Chỉ mong quên được khổ đau một thời

Chị ham học tâm người thiếu nữ
Ước mong sao có chữ ít nhiều
Làm cô tấm dệt đáng yêu
Vậy mà bắt phải bỏ điều ước mong

Chốn xưa gió núi bồng bềnh thổi
Phía Bồng Lai vời vợi sầu vương
Còn đâu đó dấu con đường
Một mình len lỏi đêm buông rừng chiều

Biển dào dạt bao điều muốn ngỏ
Nỗi niềm này trăng tỏ lòng tôi
Ứơc mong trở lại Bồng Lai
Đành nhờ hương vị mặn mòi biển đưa ..!
Từ câu 141 tới câu 192)

Thứ Ba, 15 tháng 3, 2016

Một Mình Giữa Rừng Bồng Lai P2-Bước Đường Tìm Chị



Quảng Bình nắng tháng năm đổ lửa
Gió nam Lào bụng chứa nóng thiêu
Cảnh nhà đơn chiếc quạnh hiu
Ra sân nằm chõng mong điều bình yên

Bức màn tối trời đêm bủa khắp
Nghe gọi tên.Má lập cập đi
Tôi chưa kịp hiểu chuyện gì
Một mình sợ hãi bao giờ mới quen ?

Bốn bề vắng ngủ liền sao được
Thin thít nằm nghĩ ngược nghĩ xuôi
Thình lình một bóng than ôi!
Từ đâu len lỏi để rồi trèo vô

Bóng người đó mờ mờ tôi thấy
Nhưng một mình biết vậy mà thôi
Nằm im với những hộp hồi
Thế rồi ngủ thiếp sáng trời mới hay…

Lời của má tới nay nhớ mãi
Ngày mai con chắc phải đi rồi
Đi lên gọi chị về thôi
Tôi thưa chuyện thấy có người trèo vô

Má khe khẽ -Họ dò xét đó
Đêm nằm nghe xem có nói gì
Lần sau gặp cứ ngủ đi
Lặng im đừng hỏi không thì khó yên

Mụ Xàng dẫn tôi lên tìm chị
Đêm tối trời cả nghĩ trong đầu
Mụ gồng gánh trước tôi sau
Đi như chạy trốn khổ đau không bằng

Trời hừng sáng mù giăng theo bước
Lúa trên đồng chín ướp hương thơm
Vàng tươi sóng uốn dập rờn
Nắng lên gió thốc từng cơn mỏi nhừ

Đến Cự Nẫm nông phu đã nghỉ
Dẫm bóng mình vừa nghĩ vừa đi
Ước ao phép lạ diệu kỳ
Cho tôi giấc ngủ sau khi được dừng

Cũng đến lúc Mụ Xàng ngừng lại
Dưới bóng râm của bụi tre ngà
Dỡ cơm với muối mè ra
Ăn ngon lành cả hai bà cháu tôi

Tu hú gọi chào mời cu gáy
Đang mơ màng vừa thấy bà Tiên
Vẫn nghe gọi dậy đi liền
Đường xa Mụ giục tôi bèn chạy theo

Bóng nắng đổ xế chiều thì đến
Ngã ba sông có bến nước trong
Từng lời Mụ chỉ nằm lòng
Một mình đi tiếp thật không dễ dàng

Trời chuyển tối theo từng bước gấp
Rừng Bồng Lai chẳng gặp người qua
Lối mòn lọt thỏm bóng ta
Bốn bề vọng tiếng rừng già âm u

Tôi vội vã bước như chẳng sợ
Vì trong lòng cứ ngỡ gần thôi
Thế rồi trống ngực liên hồi
Càng đi càng sợ vì trời tối nhanh

Tay nắm chặt nhìn quanh rảo bước
Lòng nhủ thầm gặp được suối khô
Trèo qua mấy tảng đá to
Lọt vào lòng suối lại lo tìm đường

Trước mặt vẫn bốn phương quạnh vắng
Trời tối đang lẳng lặng bủa vây
Vẫn rừng rậm rạp toàn cây
Đá hình kỳ quái xưa nay chưa nhìn

Cất tiếng hát nhấn chìm nỗi sợ
Gặp đá đen cứ ngỡ Trâu Ma.
Từ trong cổ tích bước ra.
Sợ thì có sợ nhưng qua được rồi

Vừa kịp thấy một ngôi nhà nhỏ
Bất thình lình bầy chó xông ra
Vía hồn cất cánh bay xa
May sao ông chủ đã la kịp thời

Nhà ông Tích kêu trời khi thấy
Thằng bé tôi lẩy bẩy đến tìm
Chị Hanh như vẫn chưa tin
Rằng em bé út lại lên một mình

Gặp được chị thật tình tôi khóc
Mừng tủi thôi khó nhọc không màng
Vòng tay chị rất nhẹ nhàng
Xoá tan sợ hãi hoang mang hết rồi

Chuyến đi ấy một đời ghi khắc
Rừng Bồng Lai giăng mắc tình tôi
Còn bao niềm nỗi đầy vơi
Đường về năm ấy với tôi thật buồn.. 140

(Câu 57 tới 140)

http://www.tho.com.vn/thi-pham/hoi-ky-doi-hoc-tro-mot-minh-giua-rung-bong-lai-p2-buoc-duong-ve/41111

Thứ Sáu, 11 tháng 3, 2016

Hồi Ký Đời Học Trò- Niềm Vui Ngắn Chẳng Tày Gang - P1



Bàng thay lá bảy mươi mùa chẵn
Vẫn hiên ngang thẳng thắn trước sân
Trải qua vận nước thăng trầm
Cội già nhân chứng bao lần buồn vui !

Tôi nay cũng bảy mươi mùa lá
Mong một lần bạn ghé qua đây
Bồng bềnh mái tóc tuyết bay
Rút từng sợi thả đắng cay ngọt bùi

Nâng niu giữ giọt đời gửi lại
Đau thắt lòng xa ngái ngược về
Má Ba nên nghĩa phu thê
Sinh anh sinh chị liền kề út tôi

Quãng hạnh phúc yên vui rất ngắn
Tuổi mười hai may mắn êm trôi
Đến năm đất nước chia đôi

Lăn theo kẻ khóc người cười từ đây

Dậy trời Bắc đêm ngày ca hát
Cổ động hò reo bất kể khuya
Nhiều hôm gần sáng mới về
Tôi cùng chị với bạn bè tham gia

Nhiều đêm trắng mình Ba suy nghĩ
Rồi Má nghe thủ thỉ từng lời
-Đi vào Huế gọi con thôi
Hòa bình cả nước chắc thời còn lâu

Xe quân đội nối nhau rầm rộ
Xuôi vào Nam theo lộ Má vô
Thuận tình Ba vốn ước mơ
Một đêm má nói bấy giờ anh thưa

-Cháu còn nhỏ dại chưa đi được
Chờ tháng sau cứng cáp con về…
Má cùng hàng xóm hồi quê
Mười ngày gian khổ không hề nghỉ ngơi

Người có học! Ba tôi nhạy bén
Đọc báo nghe đài đến ngóng trông
Làm sao tồn tại xuôi dòng
Ngày đêm canh cánh chuyện vòng mưu sinh

Lúc nhà nước hòa bình chưa đến
Suốt những năm “Kháng chiến chín năm”
Cũng thuê thuyền ‘nôốc’ của dân
Nhà nhà chung sức góp phần làm nên!

Ba tính toán rồi bèn gom góp
Đóng chiếc thuyền kết hợp bán mua
Má thì lo lắng (không thừa)
Sợ rằng Chính Phủ bây giờ không thuê

Ba tôi vẫn mải mê phân tích
Cuối cùng rồi cũng định đoạt xong
Tháng ba năm ấy trời hồng
Chiếc ghe xuống biển vượt dòng nước xanh

Người tính kỹ tâm thành lòng sáng
Chuyến hải trình một tháng mộng tan
Tháng tư một chín năm lăm (1955)
Chiếc ghe chính thức không còn của Ba

Cũng từ đấy cảnh nhà tan nát
Đồng vợ chồng chẳng tát được gì
Phu Thê Phụ Tử phân ly
Những ngày phía trước còn gì nữa đây??? 56

(Từ câu 1 đến câu 56)


http://www.tho.com.vn/thi-pham/hoi-ky-doi-hoc-tro-niem-vui-ngan-chang-tay-gang-p1/40604

Thứ Tư, 9 tháng 3, 2016

Đọc Chị Tôi Của Tác Gỉa Hải Minh



Quán cà phê Về Nguồn sáng nay đẹp và lãng mạn hơn hẳn nhiều ngày trong năm, nào hoa hồng, hoa cúc,hoa ly, dăm giò Phong lan kiêu ngạo khoe sắc. Mấy cô bé bán bông mời các đấng mày râu trong quán mua hoa... Lúc này tôi mới nhớ ra mùng tám tháng ba...

Giữa thành phố ồn ào náo nhiệt này thì ngày mùng tám tháng ba là cơ hội, là dịp để mấy chàng trai, Các ông chồng ga lăng với phụ nữ...

Nhưng giờ này tôi lại bắt gặp một nguời đàn ông chẳng ga lăng chút nào. Anh là tác giả bài thơ sau

CHỊ TÔI
**
một đời nụ vối ,dưa cà
biết đâu ngày tám tháng ba mà mừng
mùa hè -nắng lột da lưng
mùa đông -rét buốt cước từng ngón chân
đời cần lao -kiếp tảo tần
(trời quên -cắt phúc, cắt phần Chị tôi)
bát cơm mặn chát mồ hôi
thời gian đâu để lên đồi ngắm hoa
đi qua tuổi mộng xót xa
rửa rau -thấy một bà già -đáy ao ! (Hải Minh)



Bài thơ được viết với những câu từ giản dị, không cầu kỳ hoa mỹ, chẳng dùng ẩn ý, nhưng nó lại có sức lay động đến lạ kỳ với tôi. Phải chăng những câu thơ này được bật ra từ tình cảm chân thành của một người em?

Chị Tôi phải chăng là chị gái của tác giả? Chị Tôi có thể là Chị hàng xóm, Chị một người bạn nào đó của tác giả, hoặc giả Chị Tôi ấy là bà tôi, là mẹ tôi, là chị tôi là bạn tôi, một thời là tôi... Cũng có thể Chị Tôi là hình tượng người phụ nữ Việt Nam cùng thế hệ với tác giả.

Tôi liên tưởng thế ! Bạn tin không? Nếu bạn muốn biết vì sao tôi nghĩ thế Bạn hãy cùng tôi đến với Chị Tôi

một đời nụ vối ,dưa cà
biết đâu ngày tám tháng ba mà mừng

Thế đấy, Chị Tôi ấy chả như ai kia áo lụa thướt tha, đầm Tây sang trọng một bước lên xe, ăn nhà hàng Âu- Á. Nụ Vối nấu nước, dưa cà ăn cơm, nếu chỉ dăm bữa nửa tháng có khi còn thấy ngon hơn đặc sản... Nhưng Một đời gắn cùng thì hệ quả tất yếu sảy ra không chỉ ngày mùng tám, tháng ba, mà ngay cả ngày tết cũng chưa chắc đã nhớ tới,

Một đời ấy dài ngắn ra sao còn tuỳ người, tuỳ hoàn cảnh sinh sống, nếu may mắn con cháu học hành thành đạt,biết đâu cuối đời lại thấy nụ vối dưa cả là đặc sản.

Hai sản vật đại diện cho những thức ăn nước uống dân dã nơi quê vào thơ tác giả, khiến nặng trĩu tâm tư người đọc,mang đến nhiều thắc mắc trước khi đồng cảm tiếp cùng Chị Tôi.

mùa hè -nắng lột da lưng
mùa đông -rét buốt cước từng ngón chân

Hai câu thơ tác giả viết chỉ vỏn vẹn mười bốn chữ, mà nó đã bất ngờ xô ngược tôi trở về những năm đầu thập niên tám mươi của thế kỷ trước. Mùa hè nắng như đổ lửa, tôi lẽo đẽo theo mẹ đi tập cấy, Cúi người cắm cây mạ mà nước ngập ướt cả ngực áo lúc ấy cảm được cái nóng của nước ruộng, chứ chưa hề biết câu thơ của nhà thơ Trần Đăng khoa 'Nước như ai nấu chết cả cá cờ. Cua ngoi lên bờ mẹ em xuống cấy".

Tác giả dùng từ Nắng lột da lưng để diễn tả cái nắng xiên khoai mùa hạ quả thật làm ám ảnh người đọc .., Nào đã hết đâu? Mùa đông thì "Rét buốt cước từng ngón chân". Tôi không bao giờ quên những chiều giáp tết từ lúc biết đi cấy cho đến lúc xa quê. Đang vụ cấy nên nhà nào cũng tranh thủ cấy cho xong để còn ăn tết, có năm trước tết cấy xong, sau tết lúa chết rét hết lại phải gieo mạ sân để cấy lại... Lội bùn cấy thì đất ôm chân còn ấm , sợ nhất là khi mới bước xuống và lúc bước lên bờ, chân tay tê dại vì rét.

Chị Tôi của tác giả có lẽ có rất nhiều mùa hè mùa đông như thế nên tác giả viết tiếp
đời cần lao -kiếp tảo tần
(trời quên -cắt phúc, cắt phần Chị tôi)

Một cái ngoặc đơn được mở ra đóng vào, chứa đựng một câu thơ nửa như trách cứ, nửa như chấp nhận, sự an bài của số phận mà ông trời chia không công bằng cho Chị. Tác giả dùng từ Quên mới thật độc đáo, Ông trời quên hay chính chị đã quên mình cả đời, suốt kiếp đang phải gành chịu thua thiệt đây?

Trên trời hay dưới đất này cũng vậy làm gì có công bằng tác giả ơi! Ngời xưa vẫn nói "Kẻ ăn không hết, người lần không ra" đấy thôi!

bát cơm mặn chát mồ hôi
thời gian đâu để lên đồi ngắm hoa

Ngày hôm nay, ngày mà rất nhiều người hoa được tặng không biết để đâu cho hết, người thì được chồng con hoặc người yêu đưa đi du lịch ngắm hoa anh đào tận xứ Phù Tang, Người đựơc ngắm hoa nơi thành phố Ngàn Hoa Đà Lạt, nhưng Chị của tác giả cũng như nhiều người phụ nữ khác đang phải bươn chải kiếm sống "bát cơm mặn chát mồ hôi" thì hoa hay quá hẳn nhiên là điều xa sỉ với họ.

Dẫu muốn hay không thì Chị Tôi cũng đã được tác giả kết


đi qua tuổi mộng xót xa
rửa rau -thấy một bà già -đáy ao !

Tia hy vọng lúc đầu mong Hậu vận về sau dành cho Chị Tôi đã tắt ngấm ở đây. Đáy ao, Rửa rau, bà già.. Mấy cụm từ ấy nếu đứng riêng rẽ thì không sao, đằng này tác giả đã thêm hai từ Thấy một và gắn kết chúng lại thành câu thơ chuyên chở nỗi niềm của người phụ nữ "đi qua tuổi mộng xót xa" đến lúc về già . Thật nhanh như thể vừa mới đây thôi, cô thôn nữ dịu dàng mộc mạc chân quê với nụ vối, với dưa cà, với đồng sâu, ruộng trũng, quanh năm lam lũ, tảo tần vì miếng cơm manh áo, cho mình và còn cho cả gia đình nữa... Chị có lẽ không còn thời gian để nghĩ cho mình chứ nói chi đến soi gương mà trang điểm.

Đáy ao phản chiếu người trên bờ là một bà già có làm chị giật mình thảng thốt hay không? Người viết đồ rằng không! Bởi chị vốn mặc tình chấp nhận phận số an bài của ông trời chia không công bằng cho mình từ lâu rồi!

Tác giả viết Chị Tôi với góc nhìn về phụ nữ khác những người đàn ông khác nhân ngày mùng tám tháng ba. Không ngợi ca vẻ đẹp, chẳng hoa mỹ ngôn từ tác giả dùng những từ ngữ giản dị nhất, ghép chúng lại thành những câu thơ cứ tự nhiên chảy như mạch suối nơi quê róc rách từ từ trôi, chở theo ý thơ về người phụ nữ đại diện cho một tầng lớp nhất định những người phụ nữ nghèo. Họ không chỉ là những người quanh năm chân lấm tay bùn với vườn ruộng, mà họ có thể là người phụ nữ đang kiếm sống nơi thành phố, ngày tám tháng ba hay ngày lễ tết với họ đến lúc nào có khi họ không hay.

Sài Gòn 8/3/2016

Huỳnh Xuân sơn

http://haiminh.blogtiengviet.net/?page=1&paged=2

Thứ Hai, 7 tháng 3, 2016

Đọc Bài Thơ Bố Tôi Của Tác Giả Đồ Khươn



Mồ côi cha ăn cơm với cá
Mồ côi mẹ lót lá mà nằm. –(ca dao)

Câu ca dao nói về thân phận những đứa con không may mất mẹ. Ở với cha vô trách nhiệm nên khổ sở.

Nhưng lại còn một câu ca dao khác :

Còn Cha gót đỏ như son
Một mai cha mất gót con đen sì –(ca dao).

Nói về thân phận của đứa con khi mất cha sẽ lam lũ khổ sở.

Vậy ta có thể hiểu từ xa xưa đã lâu lắm rồi, Ca dao tục ngữ là xuất phát từ những hoàn cảnh nhất định. Nhưng vì có nhiều hoàn cảnh giống nhau thì lưu truyền rộng rãi thôi. Chứ chưa hẳn ca dao đã đúng với mọi hoàn cảnh. Mang trong mình những suy nghĩ như vậy và tôi đã gặp :

Bài thơ Bố Tôi của Đồ Khươn viết về người cha một mình gà trống nuôi con đã thật sự làm tôi xúc động.Đồ Khươn đã viết :

Bố Tôi

Bố tôi cũng một cuộc đời
Cũng hào hoa lắm một thời trẻ trai
Oái oăm …chữ Mệnh chữ Tài
Ngoảnh trông thương những lâu đài không tên

Vì đâu… ? cò phải ăn đêm
Phải vì nước lạnh mà mềm ngọn tre
Người ta xuống ngựa lên xe
Bố tôi cọc cạch đi về sớm hôm

Một thân gà trống nuôi con
Cái duyên bạc bẽo lại còn đùa dai
Dằn lòng vá tạm mảnh vai
Ngẩn ngơ trông xuống đã hai vạt nhầu

Chẳng đành ôm khối hồn đau
Đem thơ thả xuống mặc dầu nước trôi
Vàng-thau để đó cho người
Nuôi con bằng giấc mộng đời dở dang

Lòng này dẫu phải xáo măng
Cũng không vẩn vấy trắng trong thân cò
Đàn con tháng đợi năm chờ
Dài lưng vẫn cứ dại khờ thế thôi
Bố đi đong gạo cả đời
Chín cơm thì đã tối trời…còn đâu ! (Đồ Khươn)

Bài thơ lục bát của một chàng trai viết về Bố của mình. Đã làm tôi nao nao rất lâu mới viết được . Từng cặp thơ lục bát quyện đầy tình cảm cuốn đi theo nhịp thơ lúc dạt dào lúc gẫy khúc .

Bố tôi cũng một cuộc đời / Cũng hào hoa lắm một thời trẻ trai / Oái oăm …chữ Mệnh chữ Tài /Ngoảnh trông thương những lâu đài không tên.

Vì đâu… ? cò phải ăn đêm / Phải vì nước lạnh mà mềm ngọn tre /Người ta xuống ngựa lên xe / Bố tôi cọc cạch đi về sớm hôm.

Với bốn câu thơ khổ đầu và kèm theo một dấu ba chấm (…) tác giả đã vẽ xong chân dung bố của mình , rằng thời trẻ ông ‘cũng hào hoa’ phong nhã như ai ! nhưng câu thơ sau tác giả cho người đọc hụt hẫng với hai chữ ‘Oái oăm….’ Anh không nói rõ oái oăm vì cái gì chỉ biết có hai ‘chữ Mệnh’ và ‘chữ Tài’ đi sau nó thôi.

Câu hỏi vì đâu… ? cò phải ăn đêm. Ta chưa kịp suy nghĩ câu trả lời, thì lại gặp ngay ‘phải vì nước lạnh mà mềm ngọn tre’.

Thực ra chẳng có nước lạnh nào làm mềm được ngọn tre cả. Ở đây tác giả mượn hình ảnh câu ca dao

Cái cò mà đi ăn đêm.
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao…’ – (ca dao)

Để nói lên hình ảnh người cha tần tảo lam lũ và thêm sự so sánh trong xã hội thì vô vàn hoàn cảnh trái ngược như ; ‘Người ta xuống ngựa lên xe’ còn bố anh thì lại ‘cọc cạch đi về’ . hình ảnh người bố đi chiếc xe đạp chắc cũ lắm rồi hằn sâu trong tim tác giả để hôm nay anh viết hai từ ‘cọc cạch’ nghe sao chạnh lòng quá.

Bố của tác giả ở đây vì hoàn cảnh dẫn đến cảnh ‘gà trống nuôi con’ mà hy sinh tất cả ,ngày qua ngày ông đi kiếm kế sinh nhai bằng chiếc xe ‘cọc cạch’ để nuôi nấng một đàn con trưởng thành.

Chạnh lòng cho ông ở chỗ : Liệu xã hội ta đã có cấp nào ghi nhận cho ông những ‘công trình’ mà ông tâm huyết cả đời, hy sinh cả đời sống riêng tư ‘giấc mộng đời dở dang’, để xây dựng lên những lâu đài tri thức –những đứa con thành đạt-mà rõ ràng những người con trưởng thành từ trong hoàn cảnh này là những lâu đài tuyệt tác nhưng khổ nỗi nó là ‘lâu đài không tên’ nên nó chẳng là thước đo thành quả của người đàn ông trong xã hội

Bài thơ thì vẫn còn tiếp lên ta chưa biết ‘Vì đâu… ?’.mà người bố lại là hình ảnh ‘con cò lặn lội ăn đêm’

Một thân gà trống nuôi con / Cái duyên bạc bẽo lại còn đùa dai / Dằn lòng vá tạm mảnh vai / Ngẩn ngơ trông xuống đã hai vạt nhầu.

Một khổ thơ làm mủi lòng người đọc. tác giả không nói vì sao mà người bố phải chịu cảnh ‘gà trống nuôi con’. Nhưng có lẽ ông là người lận đận vì tình duyên nên mới có câu : ‘cái duyên bạc bẽo’ chưa hết buồn vì duyên bạc bẽo với ông thì lại thêm nó ‘còn đùa dai’

Mảnh tình duyên của đời ông có lẽ rách bươm mất rồi. Vì con ? hay vì sao ? mà ông lại phải ‘dằn lòng’ để mà vá víu tạm bợ ‘mảnh vai’ .

Nhưng có lẽ hai chữ bạc bẽo gắn liền với nhân duyên đời ông lên nó đã nô đùa đến rách nát và khi ông cố vá víu thì ôi thôi ! ‘nhìn xuống đã hai vạt nhàu’. Người ta thường nói ‘giật gấu vá vai’ mà ở đây còn gấu không để mà giật mới là nỗi khổ chồng thêm nỗi cô đơn của người bố.

Một phần câu hỏi đã hé mở ta mang theo vào khổ thơ tiếp :

Chẳng đành ôm khối hồn đau / Đem thơ thả xuống mặc dầu nước trôi / Vàng-thau để đó cho người/ Nuôi con bằng giấc mộng đời dở dang / Lòng này dẫu phải xáo măng / Cũng không vẩn vấy trắng trong thân cò / Đàn con tháng đợi năm chờ / Dài lưng vẫn cứ dại khờ thế thôi.

Hai khổ thơ này với nhịp thơ đều đều ngắt nhịp 2/2 diễn ta tâm tư tình cảm của người cha cô đơn trong nỗi vất vả, vừa làm cha, vừa làm mẹ, nuôi một bầy con, vừa lo cho chúng, vừa chờ đợi chúng trưởng thành. Theo lẽ đời thì muốn con nên người, làm cha làm mẹ phải là tấm gương cho chúng noi theo !

Người cha trong hình ảnh con cò lặn lội…dẫu có phải ‘xáo măng’ thì ông vẫn giữ ‘trắng trong thân cò’. Còn vàng- thau thì ‘để đó’ người đời sẽ biết . Còn ông thì vẫn cần mẫn ‘nuôi con bằng giấc mộng đời dở dang’ và vì ông quá yêu thương con, chúng thiếu đi bàn tay chăm sóc yêu thương của mẹ . nên ông lại càng cố bù đắp thiếu hụt mong cho con trưởng thành

Nhưng ở đời con có lớn tới đâu có làm bố, làm ông đi nữa, thì với cha mình, con vẫn mãi ‘dại khờ’. Nên người bố của tác giả sẽ vất vả để lo cho con suốt đời vì ông quá yêu con.

Và còn một ý nghĩa gần hơn, thực tế hơn nữa mà tác giả có lẽ muốn gửi gắm. Bình thường thì người đàn ông lo việc ‘lớn’ ngoài xã hội. nếu không làm ông nọ bà kia để được ‘lên xe xuống ngựa’ thì cũng làm ‘ông thầu bà khoán’. Làm ra tiền bạc của cải bước chân vào giới thượng lưu giàu có được ‘vua biết mặt chúa biết tên.

Người bố ở đây đã lặng lẽ hy sinh thầm lặng vì con. Câu thơ này ta cũng có thể nghĩ tới một sự ăn năn của con vì đã ‘dài lưng’ mà vẫn ‘cứ dại khờ’. Để cha phải lo lắng cho

Từ đầu bài thơ tới giờ tác giả viết về cuộc đời của người bố của mình với bao nhiêu vất vả để lo cho con trong cảnh ‘lọc cọc đi về sớm hôm’ và oái oăm ở chỗ là ông phải ‘gà trống nuôi con’. Với tác giả thì hình ảnh người cha lam lũ vất vả chưa có lúc nào ông nghĩ cho mình cho đến bây giờ thì :

Bố đi đong gạo cả đời
Chín cơm thì đã tối trời…còn đâu !

Hình ảnh bố anh ‘đi đong gạo cả đời’ ! khắc họa lên chân dung người cha vất vả vì cái ăn cái mặc cho mình và đàn con. Cho đến cuối đời thì ‘…còn đâu !’. dấu ba chấm bỏ lửng sau câu ‘chín cơm thì đã tối trời…’.

Quả đúng là chữ Mệnh với cuộc đời ông đã không hề được ông trời viết đẹp, dẫu đã cho ông một chữ Tài…

Tôi xin mượn câu ca dao sau để kết cho bài viết này và cũng là để cảm ơn tác giả Đồ Khươn cùng với bài thơ Bố Tôi đã cho tôi có một buổi chiều đầy cảm xúc ;

Công cha nghĩa mẹ cao vời
Nhọc nhằn chẳng quản suốt đời vì ta
Nên người- ta phải xót xa
Đáp đền nghĩa nặng như là trời cao- (ca dao)

Sài Gòn ngày 29/11/2013
Huỳnh Xuân Sơn

Đọc Bài Thơ Ngõ Cả Của Nhà Thơ Nguyễn Khôi



Chỉ còn đôi ngày nữa, tiếng trống khai hội Đền Đô lại thúc giục người người nô nức về trảy hội . Tiếng trống giục giã ấy không chỉ vang lên trên Làng Đình Bảng nơi có đền thờ 8 vị vua nhà Lý. Mà tiếng vọng của nó còn nổi lên trên khắp các làng quê vùng Kinh Bắc. Tiếng trống khai hội với tiếng vọng vang ấy còn thôi thúc những người con xa xứ tìm về…

Về trảy hội Đền Đô mỗi người có cảm nhận và mang theo một kỷ niệm khác nhau. Trong dòng người nườm nượp ấy không thể thiếu thi sĩ Nguyễn Khôi một người con làng Đình Bảng. Và đây là cảm nhận và nỗi lòng ông về một đêm hội Đền Đô trong muôn vàn đêm hội từ trước tới nay!

Trăng Ngõ Cả

Tan hội người về qua Ngõ Cả

Râm ran tiếng Guốc dậy trăng Vàng

Tôi muốn lòng tôi là Ngõ Cả

Để tình em dẫm tiếng trăng vang- (Nguyễn Khôi)

Ánh trăng luôn là nguồn cảm hứng cho thi sĩ bao đời nay. Ánh trăng trong đêm tan hội vào ngày 16 tháng 3 lại càng dậy lòng thôi thúc cảm xúc thăng hoa, để cho người con xa xứ sống giữa chốn phồn hoa đô hội nay trở về quê Nguyễn Khôi bật lên một cảm xúc khác lạ.

Về trảy hội Đền Đô bạn sẽ thấy sẽ gặp các liền chị xúng xính trong bộ trang phục nón thúng quai thao guốc mộc. Các liền anh tay Ô, chân guốc mộc trong trang phục áo the khăn đóng. Ngày nay người trảy hội có thể mang giầy Tây, giầy Mỹ nhưng với những hội làng Quan Họ trên quê hương Kinh Bắc, mà đặc biệt là  hội Đền Đô thì đôi guốc mộc vẫn gõ nhịp đều đều theo bước chân các liền anh liền chị…

Đêm tan hội cũng chính là lúc Ngõ Cả, một con ngõ lớn nhất chạy ngang làng Đình Bảng ‘Râm ran’ tiếng Guốc.

Tan hội người về qua Ngõ Cả
Râm ran tiếng Guốc dậy trăng vàng.

Thi sĩ Nguyễn Khôi lúc này có lẽ đang thả hồn theo ánh trăng 16 bàng bạc đẹp mê hồn nơi làng quê êm ả. Để rồi khi hội tan dòng “Người về qua Ngõ Cả” đã phá vỡ không gian yên tĩnh ấy bằng tiếng “râm ran” chuyện trò. Bằng “tiếng Guốc” gõ nhịp xuống đường làng rộn rã .Tiếng Guốc đã được thi sĩ nhân cách hóa để cho Nó biết "râm ran". Âm thanh của dòng người “tan hội” xen lẫn nhịp gõ của “tiếng Guốc” ấy có lẽ đã lâu rồi thi sĩ không gặp lại. Để giờ đây khi âm thanh ấy dội vào lòng khiến ông thấy “dậy trăng vàng”. Ánh trăng trên cao vẫn dịu dàng bao phủ như bao đêm rồi vẫn thế. Ánh trăng hẳn nhiên không “Dậy” theo “tiếng Guốc” đâu? Chỉ có tiếng lòng của thi sĩ đã “dậy” theo những âm thanh gợi nhớ ấy mà liên tưởng tới ánh trăng đấy thôi!

Tôi muốn lòng tôi là Ngõ Cả
Để tình em dẫm tiếng trăng vang.

Như đã suy đoán ở trên thi sĩ Nguyễn Khôi thấy cả bầu trời trăng sáng cũng “dậy” theo tiếng lòng mình. Bây giờ thì chẳng cần mượn trăng mà nói nỗi lòng nữa .Ông đã nói ra cái khát khao thầm kín trong lòng bấy lâu nay: Tôi muốn lòng tôi là Ngõ Cả”. Tại sao vậy nhỉ ? khi hội tan giữa đêm trăng huyền ảo với những âm thanh chuyện trò cùng nhịp Guốc gõ xuống Ngõ Cả của dòng người dân quê. Lại khiến ông ước muốn lòng mình được là con ngõ đó. Mà ước muốn ấy chỉ “Để tình em dẫm tiếng trăng vang”.

Phải chăng những âm thanh trên con ngõ hôm nay? Ngày thường ít dần, mai một dần bởi bộn bề cơm áo, bởi sự phát triển nhanh đến chóng mặt của xã hội. Nên ông đã muốn lòng mình là con ngõ ấy để nâng niu để gìn giữ và nhất là “Để tình em dẫm tiếng trăng vang”.

Chỉ với “tiếng Guốc”thôi mà ông đã cảm thấy “dậy ánh trăng vàng” .Giờ đây ông lại muốn “Tình em dẫm tiếng trăng vang”. Trăng vàng ngay trước mặt trong đêm tan hội đã bị tiếng lòng thổn thức hoài niệm ngỡ như “dậy tiếng”. Vậy thì “Dẫm tiếng trăng vang” bởi “tình em…”. Phải chăng “Tình em..” là tình người, tình quê với những nét đẹp văn hóa bao đời nay như hình ảnh các liền anh liền chị đủ các lứa tuổi, áo the, khăn đóng, nón thúng, quai thao, áo mớ ba, mớ bảy và đặc biệt là những đôi Guốc mộc dân dã một thời cùng những làn điệu dân ca Quan Họ nay dần đi vào quên lãng. Gần hơn, thiết thực hơn nữa là sự ấm áp chân tình của tình làng nghĩa xóm, dần bị nhạt phai.Theo cơn lốc đô thị hóa của làng quê hôm nay.

Chỉ với bốn câu thơ viết theo lối thơ cổ tứ tuyệt. Vỏn vẹn 28 chữ nhưng có tới hai từ “Ngõ Cả” và hai từ “Trăng” hai từ “Tiếng” và hai từ “Tôi”. Vị chi chỉ còn 23 từ mà chứa đựng một tình cảm bao la của người con xa quê với con Ngõ lớn nhất làng Đình Bảng. Hơn thế nữa ẩn chứa trong đó không chỉ tấm lòng của người con xa xứ với quê hương mà nó còn mang thông điệp gửi gắm những khát khao trong lòng người muốn lưu giữ mãi những nét đẹp truyền thống lâu đời mà ông cha ta xa xưa đã truyền lại.

Cám ơn nhà thơ, nhà văn Nguyễn Khôi đã chép tặng chùm thơ quê hương. Trong đó có bài Ngõ Cả để cho Xuân Sơn có dịp đồng hành và chia sẻ với những bài thơ sâu sắc của tác giả

Sài Gòn 9/4/2014 ( 10/3/Giáp Ngọ)
Huỳnh Xuân Sơn

Chủ Nhật, 6 tháng 3, 2016

Đọc Bài Thơ Lời Hẹn Tháng Giêng Của Tác Giả Như Mai










Đang lang thang trên mạng thì điện thoại reo, nhấc máy lên một người bạn đã lâu không gặp.Hôm nay có dịp về dự hội Yên Thế, cô ấy mới ghé nhà em tôi xin được điện thoại để liên lạc. Sau một hồi hỏi thăm nhau nào là chuyện xưa rồi chuyện nay…Cuối cùng cũng phải tạm biệt. Có một điều tôi không biết rằng vô tình hay cố ý cô ấy đã gợi lại một góc khuất tôi đã cất kỹ rất lâu qua lời hẹn : Nhớ Hội Lim sang năm về nhé! Quê tôi ở hội Đề Thám cơ mà...

Bần thần ngược dòng hồi ức,men theo kỷ niệm về với tuổi đôi mươi…Về với những mộng mơ, những bâng khuâng hẹn hò của mối tình đầu cũng xuất phát từ Hội Lim…Có lẽ cho tới lúc này tôi mới cảm nhận rằng thi sĩ Hồ Dzếnh đã đúng khi ông nêu quan điểm: “Tình chỉ đẹp khi còn dang dở…”. Người ấy nay đã mãi mãi đi xa, Hội Lim vẫn còn đó mỗi năm một lần, ôi! May mà có một lần thôi, chứ nếu nhiều lần thì chắc trái tim tôi không còn sức cho những lần đập thình thịch theo tiếng trống hội giục giã vọng lại từ cách xa 2000 km.

Dòng hồi ức dần lắng lại, tôi quay vào mạng bất ngờ nó lại có dịp bùng lên như đám lửa cháy rừng được tiếp thêm cơn gió mạnh . Cơn gió ấy chính là bài thơ:

Lời Hẹn Tháng Giêng

Giêng xưa...
Sóng sánh mắt cười
Đượm câu hò hẹn, thắm lời giao duyên
Gặp nhau ngồi tựa mạn thuyền
Anh trao em cả một miền dân ca!

Sông Cầu ngóng đợi phương xa
Nghe câu quan họ thiết tha... tìm về!
Chẳng màng khăn đóng áo the,
Mớ ba, mớ bảy...
Chỉ nghe giục lòng!
***
Thế rồi xưa cũ rêu phong
Ân tình thuở ấy... trăng non hao gầy
Nhìn bàn tay
Nhớ bàn tay...
Vời vợi xa, gió heo may trắng trời!

Cau thanh người vội trao người
Để câu ước nguyện thâm vôi bẽ bàng
Cỏn con một chút duyên ngàn
Niềm tin níu giữ úa vàng trầu cay!

***

Giêng nay…

Mưa bụi bay bay
Ngỡ như sương khói giăng đầy mắt nhau
Ngẩn ngơ sau ánh dao cau
Mượn câu thơ... Gửi nông sâu nỗi niềm (Như Mai)


Bài thơ được tác giả Như Mai viết từ cảm xúc của một người chị. Tôi và tác giả chưa một lần gặp mặt, chưa một lần trò chuyện. Sao cả một bài thơ từng câu từng ý cứ như là chị viết cho tôi với nỗi niềm ngay lúc này vậy. Với thắc mắc này tôi quyết định bước vào đồng hành cùng với bài thơ của chị. Mở đầu bài thơ chị viết:

Giêng xưa...
Sóng sánh mắt cười
Đượm câu hò hẹn, thắm lời giao duyên
Gặp nhau ngồi tựa mạn thuyền
Anh trao em cả một miền dân ca!

Có lẽ nào chị đã hiểu thấu tâm can tôi lúc này rồi ư! Từng lời thơ từng câu thơ như những lời thì thầm ngày nào bên nhau của tôi và người ấy. Hội đông quá nào tôi có kịp nghe anh nói gì đâu! Chỉ có ánh mắt nồng nàn chứa đựng những điều muốn nói, mà anh chẳng cần nói tôi cũng hiểu rồi.

Vâng tác giả đã viết về ngày xưa. “Cái thủa ban đầu lưu luyến ấy” đọng lại và mang theo trong chị là ánh mắt biết nói của hai người “sóng sánh mắt cười”. Hai từ “mắt cười” nói nên sự đồng điệu trong tâm hồn của hai người đang yêu, chỉ cần nhìn ánh mắt nhau là đã hiểu người kia muốn nói gì, mà không cần phải nói. Nếu chị viết môi cười , thì tứ thơ không đẹp đến nao lòng như vậy được, dẫu từ “câu hò hẹn” đến “lời giao duyên” đều xuất phát từ đôi môi khi cất tiếng.

Tay trong tay xiết chặt, như sợ buông ra là lạc mất , chen lấn một hồi cũng ra đến chỗ thuyền quan họ hát đối giao duyên giữa các liền anh liền chị ! Từng làn điệu quan họ vang lên, nào là “ “chàng buông vạt áo em ra…”. Rồi “còn duyên kẻ đón người đưa…” “ Bèo dạt mây trôi…”. Nhiều lắm những làn điệu quan họ cải biên do các liền anh liền chị đối đáp. Nhưng có một làn điệu quan họ cổ mà cho đến tận bây giờ, chưa bao giờ tôi quên một chữ đó là:

Hôm nay canh hát nơi đây./ Đêm đêm thao thức canh tà./ Người loan tôi phượng chung tình./ Yêu nhau để nhớ cho nhau./ Xuân này gặp mặt nghĩa dày đôi ta. / Nhớ người Quan Họ vào ra một mình./ Trai thanh gái lịch nhớ hình bóng nhau./ Mến tài trọng nghĩa trước sau một lời (Canh Hát Đêm nay- Quan Họ Cổ)

Tôi không quên, tôi nhớ từng lời bởi vì khi ấy sắp đến làn giao duyên giã bạn. Anh không muốn cùng nghe lời ca giã bạn lên dắt tôi lên đỉnh đồi Lim và tự anh hát cho tôi nghe làn điệu quan họ cổ này. Đúng như tác giả Như Mai đã viết : “Anh trao em cả một miền dân ca”. Vâng Anh đã trao, Em đã nhận và mang theo nó tới bây giờ đấy tác giả ạ!

Sau hôm đó, tâm trạng tôi không khác chút nào so với khổ thơ tiếp của tác giả Như Mai:

Sông Cầu ngóng đợi phương xa
Nghe câu quan họ thiết tha... tìm về!
Chẳng màng khăn đóng áo the,
Mớ ba, mớ bảy...
Chỉ nghe giục lòng!

Khổ thơ này chỉ duy nhất có địa danh Sông Cầu là khác so với hồi ức của tôi! Người ấy công tác ở Bắc Giang bên bờ Sông Thương. Còn tôi lại đang học ở Hà Nội nơi có con Sông Hồng ,Cách nhau một con Sông Cầu. Nỗi nhớ niềm thương khởi nguồn từ những lời yêu của làn điệu Quan họ trao nhau …bằng những lá thư.

Một năm trôi qua .Tháng giêng lại về , Hội Lim lại réo gọi hai chúng tôi. Tác giả viết như thấu tâm can chúng tôi vậy “ Chỉ nghe giục lòng…” vâng chỉ có tình yêu giục giã chứ nào ai còn màng chi “khăn đóng áo the”. Hay lùng thùng trong tấm áo “mớ ba, mớ bẩy…” ( Thường thì các liền chị chỉ mặc áo mớ ba, tức ba lớp áo tứ thân, bên ngoài yếm). Chúng tôi đã có thêm một mùa trảy hội tháng giêng cùng những làn điệu dân ca quan họ Bắc Ninh nữa…..

Và rồi :

Thế rồi xưa cũ rêu phong
Ân tình thuở ấy... trăng non hao gầy
Nhìn bàn tay
Nhớ bàn tay...
Vời vợi xa, gió heo may trắng trời!

Vâng giờ đây tác giả cũng như tôi khi bước vào tuổi “heo may” của đời người.Bao nhiêu những lo toan trong cuộc sống hàng ngày vây lấy. Kỷ niệm xưa đã xưa đã cũ nhưng vẫn còn nguyên chứ chưa hề mất, một lớp rêu phong phủ lên rồi ư? Có hề chi chỉ cần “nhìn bàn tay” là lập tức “nhớ bàn tay…” với tôi là cái xiết tay chặt như sợ lạc mất năm ấy. Với tác giả có thể là cái bắt tay tạm biệt, Bàn tay vuốt sợi tóc mai nhẹ nhàng.., hay cũng có thể là một vòng tay xiết chặt….

Nhưng giờ đây tất cả đã “vời vợi xa..” bởi:

Cau thanh người vội trao người
Để câu ước nguyện thâm vôi bẽ bàng
Cỏn con một chút duyên ngàn
Niềm tin níu giữ úa vàng trầu cay!

Làn điệu mời trầu như âm vang bên chị, bên tôi với khổ thơ này. Cau, trầu, vôi, vỏ làm nên hương vị nồng cay của miếng Trầu. Nếu chỉ thiếu một vị thì miếng trầu không thắm…Ở đây tác giả viết “Cau thanh người vội trao người” chỉ một miếng cau thôi, nhưng không có nó thì “vôi thâm” và “Trầu úa”. Với chị vì sao mà cau trầu biểu tượng cho tình yêu và hạnh phúc lại phải xa nhau ? tôi xin để ngỏ câu hỏi này cho riêng chị khi nào gặp!

Còn tôi chẳng phải “cau thanh người vội trao người” mà có lẽ do “anh ngỏ lời vào một đêm trăng khuyết. Để bây giờ thầm tiếc một vầng trăng không tròn.”

Người ấy đã mang theo tình yêu của tôi ! Mang theo lời ca Quan Họ ngọt ngào năm nào, cùng bao lời hẹn ước đắm say, Mang theo lời hẹn “mỗi năm đến ngày Hội Lim dù ở đâu cũng tìm về, nếu không về được cũng giành một khoảng thời gian cùng nhau nhớ ”…Đến một nơi xa lắm….

Hồi ức về Mối tình đầu của tôi. Lời Hẹn Tháng Giêng của tác giả Như Mai đã đến hồi kết và cả hai chúng tôi đều có chung một nỗi niềm, và cùng nhìn về một hướng nhưng với hai tâm trạng khác nhau:

Giêng nay…
Mưa bụi bay bay
Ngỡ như sương khói giăng đầy mắt nhau
Ngẩn ngơ sau ánh dao cau
Mượn câu thơ... Gửi nông sâu nỗi niềm!

Tác giả thấy “mưa bụi bay bay” để mà phải “ngẩn ngơ” sau ánh mắt “dao cau” rồi thấy “ngỡ như sương khói giăng đầy mắt nhau” và chị phải “mượn câu thơ” để “gửi nông sâu nỗi niềm”.

Còn tôi “giêng nay…” nhìn nắng vàng rực rỡ ngoài song. Nghe trống hội giục nơi xa xôi, chỉ còn kịp thấy “sương khói giăng đầy …” trước mắt thôi ! và đành mượn bài thơ của tác giả để “gửi nông sâu nỗi niềm”

Bài thơ Lời Hẹn Tháng Giêng với lời tựa “viết từ cảm xúc của tác giả Thanh Bình” rõ ràng chẳng hề có một câu, một ý nào giành cho tôi cả! Nhưng tôi đã thấy gần như trọn vẹn, từng câu chữ chị viết giành tặng cho nỗi lòng mình…Đó phải chăng là một thành công của tác giả khi chị đã hòa được nỗi niềm riêng vào nỗi niềm chung của rất nhiều bạn đọc mà tôi là một trong số đó…

Cám ơn tác giả Như Mai với bài thơ của mình đã cho tôi có những phút giây sống lại với những kỷ niệm đã xa.

Sài Gòn /2/2014

Huỳnh Xuân Sơn