Thứ Hai, 7 tháng 3, 2016
Đọc Bài Thơ Bố Tôi Của Tác Giả Đồ Khươn
Mồ côi cha ăn cơm với cá
Mồ côi mẹ lót lá mà nằm. –(ca dao)
Câu ca dao nói về thân phận những đứa con không may mất mẹ. Ở với cha vô trách nhiệm nên khổ sở.
Nhưng lại còn một câu ca dao khác :
Còn Cha gót đỏ như son
Một mai cha mất gót con đen sì –(ca dao).
Nói về thân phận của đứa con khi mất cha sẽ lam lũ khổ sở.
Vậy ta có thể hiểu từ xa xưa đã lâu lắm rồi, Ca dao tục ngữ là xuất phát từ những hoàn cảnh nhất định. Nhưng vì có nhiều hoàn cảnh giống nhau thì lưu truyền rộng rãi thôi. Chứ chưa hẳn ca dao đã đúng với mọi hoàn cảnh. Mang trong mình những suy nghĩ như vậy và tôi đã gặp :
Bài thơ Bố Tôi của Đồ Khươn viết về người cha một mình gà trống nuôi con đã thật sự làm tôi xúc động.Đồ Khươn đã viết :
Bố Tôi
Bố tôi cũng một cuộc đời
Cũng hào hoa lắm một thời trẻ trai
Oái oăm …chữ Mệnh chữ Tài
Ngoảnh trông thương những lâu đài không tên
Vì đâu… ? cò phải ăn đêm
Phải vì nước lạnh mà mềm ngọn tre
Người ta xuống ngựa lên xe
Bố tôi cọc cạch đi về sớm hôm
Một thân gà trống nuôi con
Cái duyên bạc bẽo lại còn đùa dai
Dằn lòng vá tạm mảnh vai
Ngẩn ngơ trông xuống đã hai vạt nhầu
Chẳng đành ôm khối hồn đau
Đem thơ thả xuống mặc dầu nước trôi
Vàng-thau để đó cho người
Nuôi con bằng giấc mộng đời dở dang
Lòng này dẫu phải xáo măng
Cũng không vẩn vấy trắng trong thân cò
Đàn con tháng đợi năm chờ
Dài lưng vẫn cứ dại khờ thế thôi
Bố đi đong gạo cả đời
Chín cơm thì đã tối trời…còn đâu ! (Đồ Khươn)
Bài thơ lục bát của một chàng trai viết về Bố của mình. Đã làm tôi nao nao rất lâu mới viết được . Từng cặp thơ lục bát quyện đầy tình cảm cuốn đi theo nhịp thơ lúc dạt dào lúc gẫy khúc .
Bố tôi cũng một cuộc đời / Cũng hào hoa lắm một thời trẻ trai / Oái oăm …chữ Mệnh chữ Tài /Ngoảnh trông thương những lâu đài không tên.
Vì đâu… ? cò phải ăn đêm / Phải vì nước lạnh mà mềm ngọn tre /Người ta xuống ngựa lên xe / Bố tôi cọc cạch đi về sớm hôm.
Với bốn câu thơ khổ đầu và kèm theo một dấu ba chấm (…) tác giả đã vẽ xong chân dung bố của mình , rằng thời trẻ ông ‘cũng hào hoa’ phong nhã như ai ! nhưng câu thơ sau tác giả cho người đọc hụt hẫng với hai chữ ‘Oái oăm….’ Anh không nói rõ oái oăm vì cái gì chỉ biết có hai ‘chữ Mệnh’ và ‘chữ Tài’ đi sau nó thôi.
Câu hỏi vì đâu… ? cò phải ăn đêm. Ta chưa kịp suy nghĩ câu trả lời, thì lại gặp ngay ‘phải vì nước lạnh mà mềm ngọn tre’.
Thực ra chẳng có nước lạnh nào làm mềm được ngọn tre cả. Ở đây tác giả mượn hình ảnh câu ca dao
Cái cò mà đi ăn đêm.
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao…’ – (ca dao)
Để nói lên hình ảnh người cha tần tảo lam lũ và thêm sự so sánh trong xã hội thì vô vàn hoàn cảnh trái ngược như ; ‘Người ta xuống ngựa lên xe’ còn bố anh thì lại ‘cọc cạch đi về’ . hình ảnh người bố đi chiếc xe đạp chắc cũ lắm rồi hằn sâu trong tim tác giả để hôm nay anh viết hai từ ‘cọc cạch’ nghe sao chạnh lòng quá.
Bố của tác giả ở đây vì hoàn cảnh dẫn đến cảnh ‘gà trống nuôi con’ mà hy sinh tất cả ,ngày qua ngày ông đi kiếm kế sinh nhai bằng chiếc xe ‘cọc cạch’ để nuôi nấng một đàn con trưởng thành.
Chạnh lòng cho ông ở chỗ : Liệu xã hội ta đã có cấp nào ghi nhận cho ông những ‘công trình’ mà ông tâm huyết cả đời, hy sinh cả đời sống riêng tư ‘giấc mộng đời dở dang’, để xây dựng lên những lâu đài tri thức –những đứa con thành đạt-mà rõ ràng những người con trưởng thành từ trong hoàn cảnh này là những lâu đài tuyệt tác nhưng khổ nỗi nó là ‘lâu đài không tên’ nên nó chẳng là thước đo thành quả của người đàn ông trong xã hội
Bài thơ thì vẫn còn tiếp lên ta chưa biết ‘Vì đâu… ?’.mà người bố lại là hình ảnh ‘con cò lặn lội ăn đêm’
Một thân gà trống nuôi con / Cái duyên bạc bẽo lại còn đùa dai / Dằn lòng vá tạm mảnh vai / Ngẩn ngơ trông xuống đã hai vạt nhầu.
Một khổ thơ làm mủi lòng người đọc. tác giả không nói vì sao mà người bố phải chịu cảnh ‘gà trống nuôi con’. Nhưng có lẽ ông là người lận đận vì tình duyên nên mới có câu : ‘cái duyên bạc bẽo’ chưa hết buồn vì duyên bạc bẽo với ông thì lại thêm nó ‘còn đùa dai’
Mảnh tình duyên của đời ông có lẽ rách bươm mất rồi. Vì con ? hay vì sao ? mà ông lại phải ‘dằn lòng’ để mà vá víu tạm bợ ‘mảnh vai’ .
Nhưng có lẽ hai chữ bạc bẽo gắn liền với nhân duyên đời ông lên nó đã nô đùa đến rách nát và khi ông cố vá víu thì ôi thôi ! ‘nhìn xuống đã hai vạt nhàu’. Người ta thường nói ‘giật gấu vá vai’ mà ở đây còn gấu không để mà giật mới là nỗi khổ chồng thêm nỗi cô đơn của người bố.
Một phần câu hỏi đã hé mở ta mang theo vào khổ thơ tiếp :
Chẳng đành ôm khối hồn đau / Đem thơ thả xuống mặc dầu nước trôi / Vàng-thau để đó cho người/ Nuôi con bằng giấc mộng đời dở dang / Lòng này dẫu phải xáo măng / Cũng không vẩn vấy trắng trong thân cò / Đàn con tháng đợi năm chờ / Dài lưng vẫn cứ dại khờ thế thôi.
Hai khổ thơ này với nhịp thơ đều đều ngắt nhịp 2/2 diễn ta tâm tư tình cảm của người cha cô đơn trong nỗi vất vả, vừa làm cha, vừa làm mẹ, nuôi một bầy con, vừa lo cho chúng, vừa chờ đợi chúng trưởng thành. Theo lẽ đời thì muốn con nên người, làm cha làm mẹ phải là tấm gương cho chúng noi theo !
Người cha trong hình ảnh con cò lặn lội…dẫu có phải ‘xáo măng’ thì ông vẫn giữ ‘trắng trong thân cò’. Còn vàng- thau thì ‘để đó’ người đời sẽ biết . Còn ông thì vẫn cần mẫn ‘nuôi con bằng giấc mộng đời dở dang’ và vì ông quá yêu thương con, chúng thiếu đi bàn tay chăm sóc yêu thương của mẹ . nên ông lại càng cố bù đắp thiếu hụt mong cho con trưởng thành
Nhưng ở đời con có lớn tới đâu có làm bố, làm ông đi nữa, thì với cha mình, con vẫn mãi ‘dại khờ’. Nên người bố của tác giả sẽ vất vả để lo cho con suốt đời vì ông quá yêu con.
Và còn một ý nghĩa gần hơn, thực tế hơn nữa mà tác giả có lẽ muốn gửi gắm. Bình thường thì người đàn ông lo việc ‘lớn’ ngoài xã hội. nếu không làm ông nọ bà kia để được ‘lên xe xuống ngựa’ thì cũng làm ‘ông thầu bà khoán’. Làm ra tiền bạc của cải bước chân vào giới thượng lưu giàu có được ‘vua biết mặt chúa biết tên.
Người bố ở đây đã lặng lẽ hy sinh thầm lặng vì con. Câu thơ này ta cũng có thể nghĩ tới một sự ăn năn của con vì đã ‘dài lưng’ mà vẫn ‘cứ dại khờ’. Để cha phải lo lắng cho
Từ đầu bài thơ tới giờ tác giả viết về cuộc đời của người bố của mình với bao nhiêu vất vả để lo cho con trong cảnh ‘lọc cọc đi về sớm hôm’ và oái oăm ở chỗ là ông phải ‘gà trống nuôi con’. Với tác giả thì hình ảnh người cha lam lũ vất vả chưa có lúc nào ông nghĩ cho mình cho đến bây giờ thì :
Bố đi đong gạo cả đời
Chín cơm thì đã tối trời…còn đâu !
Hình ảnh bố anh ‘đi đong gạo cả đời’ ! khắc họa lên chân dung người cha vất vả vì cái ăn cái mặc cho mình và đàn con. Cho đến cuối đời thì ‘…còn đâu !’. dấu ba chấm bỏ lửng sau câu ‘chín cơm thì đã tối trời…’.
Quả đúng là chữ Mệnh với cuộc đời ông đã không hề được ông trời viết đẹp, dẫu đã cho ông một chữ Tài…
Tôi xin mượn câu ca dao sau để kết cho bài viết này và cũng là để cảm ơn tác giả Đồ Khươn cùng với bài thơ Bố Tôi đã cho tôi có một buổi chiều đầy cảm xúc ;
Công cha nghĩa mẹ cao vời
Nhọc nhằn chẳng quản suốt đời vì ta
Nên người- ta phải xót xa
Đáp đền nghĩa nặng như là trời cao- (ca dao)
Sài Gòn ngày 29/11/2013
Huỳnh Xuân Sơn
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét