Thứ Tư, 24 tháng 2, 2016

Đọc bài thơ Quê Hương của tác giả Nguyễn Thị Thanh Nhàn



Sinh ra và lớn lên ở miền quê trung du “Đất cày lên sỏi đá”. Rồi đi học xa nhà, lấy chồng xa xứ…Có lẽ vì vậy mà mỗi khi thấy hai chữ Quê Hương lại bồi hồi xúc động chăng? Tuổi thơ tôi đã thuộc lòng bài thơ và đôi lúc hay ngân nga giai điệu với lời thơ:

Quê Hương là gì hở mẹ
Mà cô giáo dậy phải yêu
Quê hương là gì hở mẹ
Ai đi xa cũng nhớ nhiều (Quê Hương –Đỗ Trung Quân).

Lời trẻ thơ hỏi mẹ, người mẹ trả lời, lời nhà thơ nói, lời nhạc sĩ viết. Có lẽ rất nhiều người đã nghe, đã thuộc…Quê hương là…quê hương là…Và hôm nay có một Quê Hương khác, sự khác biệt nằm trọn trong ý thơ của tác giả Nguyễn Thị Thanh Nhàn qua bài thơ mang tựa đề: Quê Hương.

Quê hương
là nấc thang đầu
Mẹ là tay vin bắc cầu cho con
Quê hương
Tiếng sáo véo von
Tâm hồn bay bổng nâng con vào đời
Quê hương
Nắng nở hoa trời
Ươm mầm cho những cuộc đời bay xa
Quê hương
Níu bước chân ta
xoáy vào tâm thức câu ca dao vần.(Nguyễn Thị Thanh Nhàn)

Quê Hương được tác giả viết bằng thể thơ Lục bát phá cách.Quê hương của chị, trong trái tim chị, khi bật lên tứ thơ không phải “Là đường đi học, con về rợp bướm vàng bay”(Đỗ Trung Quân). Cũng chẳng phải là kỷ niệm“Những buổi trốn học. đuổi bướm cạnh cầu ao.mẹ bắt được chưa đánh roi nào đã khóc”(Giang Nam). Càng không phải “Quê hương ơi! Việt nam nước tôi, tôi mong ngày về từng phút người ơi!Quê hương tôi nằm cạnh biển khơi, cho tôi tiếng khóc từ khi ra đời”( Đường Về Quê Hương- Lam Phương).

Mặc dù tất cả những câu thơ, lời hát trích dẫn ở trên là hình ảnh,là kỷ niệm, là nỗi niềm không chỉ của riêng nhạc sĩ nhà thơ, mà còn có của chị, của tôi và có lẽ có nhiều bạn đọc khác nữa..
 Quê Hương của tác giả Nguyễn Thị thanh Nhàn còn có thêm những tình cảm, những ý thơ đặc biệt khác nữa.

Quê hương
là nấc thang đầu
Mẹ là tay vin bắc cầu cho con

Hai câu thơ mở toang cánh cửa ký ức đưa tác giả đưa tôi và có lẽ là cả bạn về với dấu ấn tuổi thơ. “Quê hương là nấc thang đầu” mới gợi hình gợi ảnh làm sao, Sao Quê Hương không là một điều gì cao sang, to tát, mà lại chỉ là một nấc thang nhỏ tác giả ơi!Phải chăng từ nơi ấy chị bắt đầu những bước đầu tiên lên thang gác cuộc đời? câu hỏi ấy đã được trả lời ngay từ “Mẹ là tay vịn bắc cầu cho con”. Có quê hương là nguồn cội, có mẹ dìu dắt những bước đi đầu đời, hẳn chị đã rất tin tưởng để vượt qua những bước tiếp theo khi leo lên những bậc thang cao hơn nữa của cuộc đời. Hai câu thơ này chị dùng hình tượng “Nấc thang đầu” để chỉ quê hương trong tâm trí chị cùng hình ảnh “Mẹ là tay vịn”, rất đắt giá và với tôi nó là ý thơ mới lạ, là điểm nhấn đặc biệt cho bài thơ. Hai câu thơ ấy cũng chính là tiếng lòng chủ đạo để chị ngân lên khúc ca dạt dào tình cảm về quê hương trong chị với những câu thơ gợi nhớ:
Quê hương
Tiếng sáo véo von
Tâm hồn bay bổng nâng con vào đời
Quê hương
Nắng nở hoa trời
Ươm mầm cho những cuộc đời bay xa

Vâng tôi rất đồng ý với chị mỗi khi nhớ về quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn của mình, nơi ấy tuổi thơ của chị của tôi và có lẽ cả bạn đọc nữa, ai không từng “mơ màng nghe chim hót trên cao” không từng dõi theo cánh diều chao liệng chở theo tiếng sáo bay vào không trung lộng gió. Quê Hương chị đã “có bão tháng bảy, có mưa tháng ba” nay còn có thêm “Nắng nở hoa trời”! những Bông hoa nắng ấy nở từ những giọt mồ hôi mặn đắng của mẹ cha ngoài đồng ngày hạ, hay cái rét cắt da trong màu nắng lợt lạt mùa đông? Bốn mùa đều nở “hoa nắng” để “ươm mầm cho những cuộc đời bay xa”. Vâng biết bao đôi cánh đã bay đi từ cánh cổng làng, từ những ruộng lúa, bờ sông, cửa biển hay từ bất cứ nơi nào ta sinh ra lớn lên và trưởng thành. Rồi khi đã có một bến đậu bình yên hay còn gợn sóng với những lo toan đời thường.Tác giả, tôi và có lẽ là có thêm rất nhiều bạn đọc nữa đều thấy:
Quê hương
Níu bước chân ta
xoáy vào tâm thức câu ca dao vần

Hai câu thơ kết của Quê Hương với hai động từ “Níu bước” và “Xoáy vào” lay động tâm tư người đọc xa quê...Vâng hẳn sẽ rất nhiều người nghĩ như chị, hai tiếng quê hương không chỉ “níu bước chân ta”, mà còn trỗi dậy những lời ru câu hát thủa còn nằm nôi.Có câu thơ “Sữa nuôi phần xác hát nuôi phần hồn”. Chính phần hồn trong mỗi người đã được nuôi dưỡng từ những lời ru đầu đời, từ những bài đồng dao hát cùng chúng bạn thủa nào đã ăn sâu bám chắc trong tiềm thức, để rồi mỗi khi có dịp chúng lại trỗi dậy. Ví như tác giả hôm nay, có lẽ cũng bắt nguồn từ trong sâu thẳm nỗi nhớ quê hương chị đã bật lên tứ thơ dạt dào tình cảm mang tựa đề Quê Hương.

Sài Gòn 6/11/2014
Huỳnh Xuân Sơn


http://tho.com.vn/thi-pham/que-huong/55862

Cùng Ngẫm Trẻ với nữ sĩ Phan Thị Thanh Minh

Trẻ
Cây đàn sẽ cũ
Người sẽ già
Lời ca trẻ mãi (Phan Thị Thanh Minh)

Với tựa đề mang tên Trẻ nữ sĩ tuổi tám mươi muốn gửi gắm thông điệp vào câu chữ qua thể thơ Haiku.
Trẻ lại được tác giả bắt đầu bằng công cụ đặc biệt cụ thể qua ngắt ý

Cây đàn sẽ cũ

Cây đàn vốn chỉ là một dụng cụ dùng trong âm nhạc,  Chúng ta ai cũng ít nhiều  gắn với những âm thanh được cất lên từ cây đàn. Khi vui, lúc buồn đều không thể không gắn bó với nốt thăng, nốt giáng hay quãng ngưng... Cây đàn hẳn nhiên là phải cũ theo thời gian trôi.
Và ngắt ý thứ hai của Trẻ lại là một đối tượng cụ thể

Người sẽ già

Ai cũng hiểu và ai cũng thấy sự thay đổi của thời gian hằn lên nét mặt mỗi người. Chẳng ai cưỡng lại được quy luật của tạo hoá sinh ra. Có sinh có tử huống chi là già...
Chỉ có điều thật khó định lượng ai già? Ai trẻ. Một nữ sĩ tuổi lục tuần ắt hẳn già hơn một thiếu phụ tuổi bốn mươi! Nhưng nếu đi bên cạnh tác giả của chúng ta cô lại trẻ hơn nữ sĩ hơn hai chục tuổi.
Mới hay cần và rất cần mỗi người nên nhớ nên biết mình là ai  và mình đang đứng ở đâu? Mình sẽ về đâu?

Cuối cùng Trẻ được nữ sĩ kết bằng ngắt ý cuối cùng!

Lời ca trẻ mãi

Không còn từ sẽ trong ngắt ý này nữa,
 Lời ca là bất biến nó hiện hữu mà vô hình quanh ta nhưng không biến đổi là điều mà nữ sĩ muốn gửi gắm vào câu chữ

Lời ca phải chăng chỉ là lời hát cất lên?
Lời ca phải chăng là câu thơ, là bản nhạc?
Lời ca phải chăng là sợi dây tình cảm gắn kết gia đình?
Lời ca phải chăng là tình yêu đôi lứa?
Lời ca phải chăng là nghĩa vợ tình chồng?
Lời ca phải chăng là hiếu để trong lòng mỗi người?
Hay lời ca là tất cả những tinh anh của tâm hồn?
Tôi đã tìm được hướng đi cho riêng mình để mai này có một Lời ca trẻ mãi!
Còn bạn?

Bài thơ được nữ sĩ Phan Thị Thanh Minh viết khi bước vào tuổi 80, Có lẽ những kinh nghiệm sống, những trải nhiệm trên dòng đời giúp bà thấu hiểu  thông điệp của cuộc sống rồi gửi vào bài thơ  ý tại ngôn ngoại mang tên Trẻ.
Giá trị vật chất không thể trường tồn mãi theo thời gian!
Vẻ đẹp nhan sắc bên ngoài rồi cũng tàn phai!
Chỉ có vẻ đẹp tâm hồn là còn lưu lại mãi!

Tuy Hoà 21/2/2016
Huỳnh Xuân Sơn






Đọc ĐIỀU NGHỊCH LÝ TRONG MƯA tác giả Huỳnh Gia

Điều Nghịch Lý Trong Mưa
======================
( Viết tặng những mảnh đời cơ nhỡ )

Khi hạt nắng khốc khô ...
chiều đỏ mắt đợi giao mùa .
Những chiếc lá trên cành cong queo vì cháy nám
Cả mảng lớn không gian oi nồng và ngột ngạt
Thì chiều - sáng ...hoặc ban trưa
một chút gió vẫn chưa vừa ...

Nhưng ...
khi từng góc phố ... con đường khao khát đợi những cơn mưa
Thì trên một góc nhỏ mái hiên nhà đang đóng kín cửa kia ...
Đêm nguyện cầu điều ngược lại .
Trong khoảng ánh sáng cố giãn ra từ ánh đèn đường vàng vọt cháy
Chỉ cần một ít gió nhẹ lùa ...
giấc ngủ đã bình yên .

Rồi ...
Khi những giọt nước mát buông mình
tưới mùa hạ ướt nhem
Thì từ trong bóng tối xanh xao ...
Lóp ngóp đống chăn mền - lạnh ngắt đôi vai ...
Có những chiếc bóng gầy gò đang cố thu mình thật gọn
Có những cặp mắt quầng thâm sau một đêm dài thức trọn ...
Che chắn nỗi buồn ...
Buông thỏng mọi hơn thua ...

Và ...
Khi ngoài kia ...những đám ruộng xanh non đơm trĩu hạt ...
hẹn cho mùa ...
Thì những đám mây xám trên cao sẽ đổ tràn niềm hoan hỉ
Nhưng mấy ai biết được từ phía bên trái của cuộc đời
vẫn còn điều nghịch lý .
Rằng lại có những con người luôn dè dặt thì thầm cho một điều ước:
" Giá đừng mưa ...!? " (Huỳnh Gia)


Tôi đọc Điều Nghịch Lý Trong Mưa sau một ngày rong ruổi ngang qua Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh và về lại Sài Gòn trong cái nắng xiên khoai cuối tháng tư.
Thả theo bài thơ với những câu thơ ngắn thì một từ, dài lại tới mười bốn từ... Chúng dùng dằng lôi kéo nhau,lúc thu mình lại, lúc bung cánh cửa ra cho nắng gió ùa vào, lúc im lìm như đã ngủ yên. Tất cả chúng đã được tác giả Huỳnh Gia chọn lựa  sắp xếp để chuyển tải Điều Nghịch Lý Trong Mưa mà chị cảm nhận được.

Điều Nghịch Lý Trong Mưa nhưng chị lại bắt đầu bằng  Nắng

Khi những hạt nắng khốc khô ... 
đỏ mắt đợi giao mùa . 
Những chiếc lá trên cành cong queo vì cháy nám 
Cả mảng lớn không gian oi nồng và ngột ngạt 
Thì chiều - sáng ...hoặc ban trưa một chút gió vẫn chưa vừa ... 

Khổ thơ với  những từ như :khốc khô, đỏ mắt, cong queo, cháy nám, ngột ngạt, oi nồng, được chị lựa chọn để diễn tả cái nắng của mùa nắng phương nam... Nắng đợi giao mùa của chị  khiến bạn đọc vừa bước vào đã gặp ngay những "hạt nắng khốc khô". 

Hai chữ khốc khô là  một sự đảo tự rất đắt giá. Nếu tác giả viết khô khốc cũng chưa sai, nhưng không để lại ấn tượng về cái nắng nóng mạnh đến thế trong lòng người đọc. "Cả mảng lớn không gian" Như những vạt rừng, rẫy, nương hay vạt cỏ, thậm chí cả cánh rừng cao su cũng không ngoại lệ. 

Khoảng cuối mùa nắng chúng không khác cái "nắng tháng tám rám trái bưởi" Ở miền Trung miền Bắc là bao. Chúng như thiêu như đốt một vùng rộng lớn xung quanh, đi tới đâu ta gặp cỏ cây "cong queo vì cháy nám" Đến đấy. Khi ấy chúng "đỏ mắt đợi mưa" Là đương nhiên. Bất kể  có "một chút gió" Thổi, dù sáng, trưa, chiều thì " Cũng chưa vừa" Hay nói đúng ra chẳng thấm tháp vào đâu với "cả mảng lớn không gian oi nồng và ngột ngạt". 

Không có hoặc giả chưa xuất hiện "Điều nghịch lý". Nhưng đã xuất hiện một dấu hỏi vô hình mà hiện hữu,ẩn sau cụm từ "khi hạt nắng khốc khô. Đỏ mắt đợi giao mùa"! Ai đỏ mắt đợi? Hay hạt nắng đỏ mắt đợi? Vẫn biết Nắng chỉ xuất hiện từ buổi bình minh cho tới khi hoàng hôn khuất dạng, nhường chỗ cho màn đêm. Và cũng biết rằng, Ban ngày khi "cả khoảng không gian rộng lớn đã oi nồng, ngột ngạt" Thì gió thổi cũng vô ích, có khi còn phản tác dụng, nếu một chút gió ấy là gió Lào chở theo nắng nóng. 

 Nhưng  điểm nhấn quan trọng là Gió đã hiện diện dẫu chỉ là ước lệ "Một ít cũng chưa vừa?

Gửi lại câu hỏi nơi này, ta theo tác giả với "ma thuật câu từ" Đi tìm Điều Nghịch Lý Trong Mưa

Nhưng ... 
khi từng góc phố ... con đường khao khát đợi mưa 
Thì trên một góc nhỏ mái hiên nhà đang đóng kín cửa kia ... 
Đêm nguyện cầu điều ngược lại . 
Trong khoảng ánh sáng cố giãn ra từ ánh đèn đường vàng vọt cháy 
Chỉ cần một ít gió nhẹ lùa ... 
giấc ngủ đã bình yên .

Khổ thơ không dài nhưng có tới ba dấu chấm lửng theo sau nhằm chuyển tải thông điệp "Đêm nguyện cầu điều ngược lại".
Khác với cái "Khốc khô" Ở phần đầu khi "hạt nắng, đỏ mắt đợi  giao mùa" Của ngày. Câu mở đầu ở đây chỉ duy nht một từ Nhưng...

Và, Khi! ở đây không còn "cả khoảng không gian rộng  lớn" Nữa, mà chỉ còn là "góc phố" Là "con đường" .Ở nơi ấy có "một góc nhỏ mái hiên nhà" Mà hình như luôn luôn chứ không hẳn "đang đóng kín cửa kia..." Cùng "khao khát đợi mưa"!
 Một đằng  đợi giao mùa một nẻo đợi  mưa trong khao khát. Kết nối với nhau bằng chữ Nhưng...và "đêm nguyện cầu điềungược lại". Điều ngược lại trong nội tại của điều thuận chiều thì phải.
Đêm không đồng loã với những "ánh đèn vàng vọt cháy" Dẫu cho có cố giãn ra đi chăng nữa. Đêm chẳng nhìn thấy "những  cánh lá "cong queo cháy nám", Đêm đợi mưa? Hay "mái hiên nhà" đợi mưa?
Bể kể là ai đợi?kể cả là  góc phố, hay con đường hoặc  "ngọn đèn đường". 
Khi ấy chỉ "cần một cơn gió nhẹ lùa..." Xuôi theo con phố, hay tạt ngang mái hiên, hoặc len nhẹ qua khe cửa "đang đóng kín" Vào trong là có ngay "Giấc ngủ đã bình yên"! 
Điều Nghịch Lý Trong Mưa đã xuất hiện thêm một dấu hỏi nữa.
 Ai đã ngủ " Giấc ngủ bình yên ấy? Và cũng thêm một lần Gió xuất hiện thực tế hơn, gần gũi hơn qua cụm từ "Chỉ một ít gió nhẹ lùa"

Tác giả vẫn đang tiếp tục dẫn dắt ta đi giữa ngổn ngang mưa nắng cuộc đời.

Rồi ...
Khi những giọt nước mát buông mình
tưới mùa hạ ướt nhem
Thì từ trong bóng tối xanh xao ...
Lóp ngóp đống chăn mền - lạnh ngắt đôi vai ...
Có những chiếc bóng gầy gò đang cố thu mình thật gọn 
Có những cặp mắt quầng thâm sau một đêm dài thức trọn ...
Che chắn nỗi buồn ...
Buông thỏng mọi hơn thua ...

Với chỉ duy nhất một chữ Rồi...Kéo theo sau là những cụm từ :ướt nhem, Xanh xao, Lóp ngóp, Lạnh ngắt, Gầy gò, Thu mình, Quầng thâm, Che chắn, và câu thơ đặc biệt  "Buông thỏng mọi hơn thua...".
Tác giả đã khắc hoạ ra một góc của bức tranh màu xám của xã hội hiện đại hôm nay , những mảnh đời cơ nhỡ mà chị đề tặng đã xuất hiện. 
Vâng rất đồng ý với chị, với những mảnh đời cơ nhỡ đang kiếm ăn hàng ngày bên chiếc xe đẩy tay bán dạo, những đôi quang gánh oằn vai, những chiếc rổ bưng trên tay hay sấp vé số, hoặc giả những số phận không may mắn mất khả năng kiếm sống bằng sức lực phải đi xin ăn...

Đêm về sau một ngày vất vả cực nhọc, cũng như sáng ra sau một đêm nhặt ve chai, một đêm bán dạo trở về.. Thì ắt hẳn họ "buông thỏng mọi hơn thua" Là đương nhiên. 

Với phần đông số họ chỉ mong một giấc ngủ bình yên, để sáng ra hay để đêm xuống họ lại tiếp tục kiếm sống bằng chính sức lao động của mình. Nếu may mắn họ có một căn phòng nhỏ, một gác xép chật chội thì những hạt mưa kia không làm họ ướt nhem được, mà lùa cho họ một chút hơi lạnh giúp "Giấc ngủ bình yên". Nhưng những mảnh đời sau một buổi mưu sinh cực nhọc lại phải trú ngụ dưới gầm cầu, hay dưới mái hiên nhà ai đó...Họ lại đang "cố thu mình thật gọn" và nguyện cầu điều ngược lại "giá đừng mưa"

Điều nghịch lý trong mưa đã xuất hiện. Nhưng có mưa có nắng thì có van vật sinh sôi phát triển cùng thuận theo tự nhiên và cả những nghịch lý. Tác giả Huỳnh Gia đã cho thấy sau tất cả những điều tưởng như thuận lẽ, lại xuất hiện trong đó những điều nghịch lý. Xa hơn, sâu hơn, và rộng hơn những gì nhìn thấy trong "những hạt nắng khốc khô" , những "ánh đèn vàng vọt cháy" hay "từ trong bóng tối xanh xao" Là một mảng màu khác chị vừa khắc hoạ:

Và ...
Khi ngoài kia ...những đám ruộng xanh non đơm trĩu hạt ...
hẹn cho mùa ...
Thì những đám mây xám trên cao sẽ đổ tràn niềm hoan hỉ 
Nhưng mấy ai biết được từ phía bên trái của cuộc đời
vẫn còn điều nghịch lý .
Rằng lại có những con người luôn dè dặt thì thầm cho một điều ước: 
" Giá đừng mưa ...!? "

 Giữa cuộc sống trong xã hội hiện đại hôm nay tưởng như mảng màu xanh trong lấn át tất cả... "những đám ruộng xanh non trĩu hạt" Chị nhìn thấy và có lẽ rất nhiều người nhìn thấy, nhưng không phải ai cũng viết tiếp "hẹn cho mùa..." Mùa vụ bội thu? Hay lại một mùa thất thu bởi nắng khốc khô, bởi mưa bão bủa vây? Dấu ba chấm ấy bắt ta phải suy tư rồi chờ đợi....
Có thể lắm chứ nếu "những đám mây xám trên cao" kia trút xuống đúng lúc vừa đủ sẽ là "tràn niềm hoan hỉ" Nhưng vẫn còn và có lẽ sẽ lâu nữa vẫn còn "những điều nghịch lý" Tồn tại như một gam màu tối của bức tranh đời "những con người..." Những mảnh đời không may mắn vẫn đang "dè dặt" Và luôn "thì thầm cho một điều ước" Giá đừng mưa...!? Dẫu cái nóng oi nồng ngột ngạt vẫn đang bủa vây!

 Bánh xe thời gian cứ lặng lẽ trôi đi theo quy luật tự nhiên. Bất kể cỏ cây vạn vật con người có muốn hay không muốn thuận theo vòng quay của nó.Biết bao điều nghịch lý vốn luôn tồn tại song hành cùng những điều tưởng như có lý.
Nắng Mưa Gió vào thơ tác giả phải chăng nó gánh thêm những ẩn ý mà chị muốn gửi gắm trong lời đề tặng cho những mảnh đời bất hạnh của mình.
Nắng đại diện cho tầng lớp trung thượng lưu có khao khát hướng tới mục đích sống cao. "Một chút Gió.." Cho họ thì rõ ràng là "vẫn chưa vừa" . Nếu Gió là chăn ấm, nệm êm, là vàng bạc châu báu, là biệt thự lộng lẫy xa hoa... Bao nhiêu cho đủ?
Ngược lại với Nắng là Mưa. 
Phải chăng với tầng lớp nghèo khó của xã hội quanh ta. Khi họ khao khát đợi mưa. Mưa cho họ bớt nóng nực, mưa sẽ cuốn trôi đi hết bụi bặm bùn nhơ...Khao khát bao nhiêu nhưng ai đáp lại mới là điều mà nghịch lý cần lý giải? Tác giả đã cho Gió thêm một lần xuất hiện và cũng lại chỉ là "một ít gió nhẹ lùa". Nhưng đã đủ để "Giấc ngủ bình yên"! 
Vâng với những mảnh đời cơ nhỡ còn rất nhiều quanh ta với họ khi có được một lời động viên một ít vật chất một tấm lòng nhân ái! Chia sẻ cảm thông như những cơn Gió quanh năm đều đặn sẽ là món quà vô giá! Chứ không chỉ là một Giấc ngủ bình yên " Để ngày mai thức dậy lại vẹn nguyên "Những điều nghịch lý" bủa vây đời họ nữa.
 Nhưng bao giờ? Thì lại là câu hỏi không dễ một sớm một chiều có lời giải đáp giữa xã hội phân hoá giầu nghèo mỗi ngày một gia tăng khoảng cách..
 Sài Gòn mùa nắng 2014
Huỳnh Xuân Sơn



ĐÔI ĐIỀU VỀ BÀI THƠ Đã Có Ai Hỏi Em Của Huỳnh Xuân Sơn


ĐÔI ĐIỀU VỀ BÀI THƠ Đã Có Ai Hỏi Em


Người xưa thường nói :'' Vạn sự khởi đầu nan '',tức là mọi việc khó nhất là cái bắt đầu .Trong thiên nhiên thì cái đẹp nhất bắt đầu từ mùa xuân .Đúng như bài viết dưới đây của tác giả Xuân Sơn vẽ một bức tranh tứ quý bằng thơ ,Nhưng bức tranh này lại lột tả một tình cảm ,một tâm trạng ,một nỗi lòng nó như là bột phát

Đã Có Ai Hỏi Em

Đã có ai hỏi em
Sao mãi thì thầm chút duyên con gái
Khi mùa xuân về
Xanh màu lộc non tơ
Đàn chim sáo cũng bắt chước con người
Hẹn nhau về xây tổ
Sao hai ta vẫn cứ mãi đợi chờ ?

Đã có ai hỏi em
Sợi nắng màu gì khi trời sang hạ ?
Con diều bay theo mây trắng trên cao
Trên tán phượng hồng
Bầy ve sầu vẫn đang reo hát
Những bản tình ca muôn thuở dạt dào


Đã có ai hỏi em
Thu về bằng mấy nẻo
Sao lá ngả vàng mà em vẫn chưa hay?
Bởi mùa thu về mênh mang quá
Vàng tận cuối trời vàng cả chút tình si

Đã có ai hỏi em
Cây đã trơ cành làm sao ngăn gió lạnh
Nhỡ khi đông về
Thêm một bận co ro
Đôi mắt ai kia
Vương chút buồn xa vắng
Bên này sông ta vẫn mãi đợi chờ.

Mở đầu bài thơ ,cũng là một mùa xuân ,''Đã có ai hỏi em '' chắc chắn khẳng định rằng ,đã có ai đó hỏi mà không nhớ nữa .Một câu rất bâng quơ ,thờ ơ rất tế nhị ,kín đáo Một câu như vừa hỏi như thú nhận

-Đã có ai hỏi em
-Sao mãi thì thầm chút duyên con gái
-Khi mùa xuân về
-Màu xanh lộc non tơ

Có chút lúng túng ,e thẹn ,sao không phải là cái duyên con gái mà chỉ một chút .Chỉ một chút mà đã có cả một mùa xuân ...Nếu cả cái duyên thì làm sao có bốn mùa .tinh tế lắm ngòi bút rất ngoan ,khéo léo rất khôn có hồn

Mùa xuân của thiên nhiên của đất trời ,cây chồi nẩy lộc ,hoa trái sinh sôi bướm đến quen hoa ''Trời đẹp như trời mới tráng gương ...Chim ca bướm lượn dọc ven đường '' xuân của lòng người của lứa đôi

Hồ Dếnh viết

Hôm nay ngày cuối (Cuối đông )
có đôi chim quyên
Hôm nay ngày duyên
Của đôi lòng nhỏ .

Có nhiều lý do để mà chờ đợi một cái vô hình cũng gây ra trở ngại để mùa xuân ta vẫn mãi đợi chờ ,khao khát đến cháy lòng có cái gì đố nằm đâu đó giữa hai người
Cũng lại mang máng ,bâng quơ 

Đã có ai hỏi em
Sợi nắng màu gì khi trời sang hạ

Vẫn nhẹ nhàng khéo léo trong cách hành văn ,Sợi nắng theo từng tâm trạng ,tình cảm mà nắng cũng sẽ đổi màu

Có một mùa hè trong sáng diệu kỳ
Có nắng êm du màu trời không chói (mùa hè Rớt )

Mùa hè những con diều vi vu trong gió ,cành phượng hồng thắm đỏ ,những giàn sáo ve rỉ rả ,không khí sôi động ,một mùa hè dành cho tuổi học trò.

Trên đê trắng, chỏm đầu phơ phất gió,
Lũ cu con mê mải chạy theo diều
Bỏ mặc cả trâu, bò nằm vệ cỏ
Mắt mơ màng trông gió gợn hiu hiu. (Anh Thơ)

Vẫn một câu

'Đã có ai hỏi em
Thu về bằng mấy ngả
Sao lá ngả vàng mà em vẫn chưa hay

Hay làm sao được khi mùa hè còn chưa dứt còn vương vấn đâu đây vẫn còn chút mưa rào và nắng nóng .Mùa thu đã đến nó không đột ngột nhưng chưa kịp hòa nhập nên chưa hay biết là có thu về .Mà chưa biết thì làm sao biết'' thu về bằng mấy ngả''

Em không nghe mùa thu
Dưới trăng vàng thổn thức (Lưu Trọng Lư )

Mùa thu mênh mang quá ..'.vàng tận cuối trời vàng cả chút tình si '' tác giả dùng từ chút , nó nói rằng rất ít , ''chút xuân ..chút tình si '' chỉ có chút thôi không nhiều nhưng đã rạo rực Nnìn chung cả 3 mùa trên chúng cũng không làm ảnh hưởng hay xáo trộn tâm tư cũng như tình cảm của nhân vật là mấy nó chỉ một chút thôi .Vẫn khéo léo bộc bạch nhẹ nhàng tâm trạng nhưng cũng đặt người đọc vào tâm trạng của mình ,3 mùa 3 tâm trạng và nhịp điệu khác nhau ,tương ứng mà tương phản sắp đặt rất tự nhiên

Đã ai đó hỏi em

Xuân Hạ Thu rồi là đến đông,Đông ''cây trơ cành lá''Câu này tác giả vẽ mùa đông bằng thơ rất nghệ thuật mà lại rất thực tế vẽ luôn bằng ''Cây trơ cành lá ''chỉ cần nói vậy là biết đông thế nào rồi

Nắng chẳng về nữa đâu em
Khi mùa đông đã khuất nắng vàng (24h.com.vn)

Đông thật rồi ...Mà đông về thì mới có xuân. Bốn mùa rõ ràng ,rõ nét và màu sắc khác nhau

(Bài thơ ĐÃ CÓ AI HỎI EM nó cũng là tâm trạng là mơ ước của mỗi người ,để nguyên ta đọc thì thấy 4 khổ rất gắn kết nhưng khi ta tách chúng ra thì đúng là 4 bài độc lập ,Quả là tài tình ,một cách viết mà tác giả rất thành công .

Đọc bài này tôi nghĩ đây là bài viết bột phát và ngẫu hứng nên ý từ rất mộc mạc tự nhiên ,

Với khả năng và nhận thức ở góc độ có hạn nên bài viết của tôi còn nhiều nhược điểm tôi mong bạn đọc hết sức thông cảm và góp ý xây dưng Đặc biệt là tác giả có điều gì về văn phạm của tôi chưa đúng mong bỏ qua và góp ý .cảm ơn tác giả và bạn đọc

Hải Phòng 20/11/13 Chu Long

Đọc NHỚ LỜI CHA DẠY của tác giả Võ Khắc Mai

Trong dòng thơ chảy xuôi nguồn xuân Bính Thân có rất nhiều bài thơ của nhiều nhà thơ, nhiều tác giả trình làng trên không gian mạng. Người viết đặc biệt chú ý tới bài thơ Nhớ Lời Cha Dạy của tác giả Võ Khắc Mai.


NHỚ LỜI CHA DẠY
 Năm chục năm rồi vắng bóng cha
 Những lời dạy bảo ý sâu xa 
Vì dân, vì nước ,không quyền thế 
Cấp dưới cấp trên sống thuận hòa 
Chung thủy tận trung cùng Tổ quốc
 Nghĩa nhân đạo lý với tình nhà 
Giữ hồn thanh thản tâm trong sáng
 Oán bỏ, ơn đền, sống vị tha. 
(Võ Khắc Mai - Xuân Bính Thân)

Bài thơ với những câu từ giản dị viết theo lối thơ cổ phong( Thất Ngôn Bát Cú) được tác giả gắn kết lại nhm chuyên chở một ý thơ đặc biệt, Không mới, nhưng ý thơ đã nhắc lại  một mốc son đánh dấu lý tưởng gần như cả một thế hệ của tác giả, thế hệ của cha ông người viết. Ở tuổi 80 như lời giới thiệu, hẳn nhiên những chiêm nghiệm về Chủ nghĩa, Lý tưởng, về cuộc sống của tác giả đã tròn vành rõ nét.
Nhớ Lời Cha Dạy là hồi ức về Cha của tác giả dẫu cha ông đã đi xa "Năm chục năm rồi...".
 Năm mươi năm qua đi, một nửa thế kỷ ấy, tác giả từ một chàng trai tuổi "tam thập nhi lập" đã nghe, đã mang theo, ghi nhớ  và thực hiện tất cả những điều người cha răn dạy tới hôm nay... 
Năm mươi năm trước, đất nước chia đôi, chiến tranh gieo tang tóc khắp nơi. Thù trong giặc ngoài nhũng nhiễu, người cha ấy đã không dạy con lo cho mình, cho gia tộc hay là chính bản thân con, mà ông chỉ một lòng căn dặn:

Vì dân, vì nước ,không quyền thế 
Cấp dưới cấp trên sống thuận hòa 
Chung thủy tận trung cùng Tổ quốc
 Nghĩa nhân đạo lý với tình nhà 

Bốn câu thơ cùng nội dung của nó khiến người viết liên tưởng tới lời căn dặn Nguyễn Trãi của người cha Nguyễn Phi Khanh ngày trước, để từ đó ÁNam Trần Tuấn Khải đã viết nên Trường Thiên Song Thất Lục Bát mang tên  Hai Chữ Nước Nhà còn mãi tới hôm nay.

"...Con nay cũng một người trong nước
Phải nhắc câu Gia, Quốc đôi đường
Làm trai hồ thỉ bốn phương
Sao cho khỏi thẹn với gương Lạc Hồng ...
...........
Con đương độ đầu xanh tuổi trẻ
Bước cạnh tranh há dễ nhường ai?
Phải nên thương lấy giống nòi
Đừng tham phú quí mà nguôi tấc lòng...

...........
...Làm cho đất rộng trời kinh
Bấy giờ quốc hiển gia vinh có ngày! (
Á Nam Trần Tuấn Khải)

Xin trở lại với Nhớ Lời Cha Dặn của tác giả Võ Khắc Mai.
Như ở câu đề thứ hai tác giả đã khẳng định chắc nịch rằng: "Những lời dạy bảo ý sâu xa".  Vâng! Những lời người cha dạy ông năm mươi năm trước cho thấy rõ lý tưởng "Vì nước, vì dân" của thế hệ cha ông, có lẽ với họ không có chút nào nghĩ cho riêng mình hoặc giả nghĩ cho gia đình mình, một lòng tận trung sống vì lý tưởng vì cái chung cho toàn xã hội...
Và cuối cùng ông đã đúc kết rằng để làm được điều đó thì người con cũng chính là tác giả Võ Khắc Mai cần phải 
Giữ hồn thanh thản tâm trong sáng
 Oán bỏ, ơn đền, sống vị tha. 
 Lời dặn dò dành cho con của người cha ngày ấy vẫn còn nguyên tính thời sự cho đến hôm nay, dẫu đã năm mươi năm sau... Không chỉ mình tác giả được dạy,không chỉ mình Người Cha dặn con, mà ngày ấy có lẽ, có rất rất nhiều những người cha căn dặn con như ông... 
Thế hệ của tác giả, của cha tác giả đã làm được những điều tưởng như không thể bởi có những lời dăn dạy xuất phát từ trái tim cùng bầu nhiệt huyết vì non sông xã tắc truyền từ đời cha sang đời con rồi con truyền lại cho đời sau. Họ đã làm nên một chiến thắng Điện Biên lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu... Họ đã có mùa xuân 1975 non sông nối liền một dải.
Thế hệ ông cha đã không tiếc máu xương thậm chí hy sinh cả bản thân mình để đổi lấy hoà bình hôm nay. 

Với cặp câu kết ở Nhớ Lời Cha Dạy phải chăng từ lời thơ, ý thơ, tình thơ còn được tác giả gửi gắm tới thế hệ cháu con, những người sinh ra và lớn lên trong hoà bình hôm nay vẫn  cần và rất cần có cái "Tâm trong sáng" và hơn hết là "Oán bỏ.." Để làm được điều đó mỗi cá nhân trong nhân quần xã hội hiện đại này  cần phải "Sống vị tha" trong mọi mối giao tiếp, mọi hành động cũng như công việc hàng ngày thì Tâm hồn mới thanh thản được khi tuổi về chiều.

Một bài thơ ghi lại những lời dạy cứ ngỡ chỉ là lời răn dạy của cá nhân người cha, dành cho người con của mình. Thật đơn giản, dễ hiểu như những gì mà ngôn từ bình dị đã chuyển tải thông điệp tới bạn đọc.
Nhưng không chỉ có vậy, người viết đã nhận ra ẩn sâu trong đó là cả một thông điệp lớn lao của thế hệ cha ông, thế hệ anh hùng của dân tộc Việt nhắn gửi lại thế hệ trẻ hôm nay.

Cám ơn tác giả Võ Khắc Mai đã cho người viết có dịp chiêm nghiệm và đồng hành với một ý thơ cũng là một thông điệp đặc biệt này. Tuổi đời và vốn sống còn hạn chế nên có thể những cảm nhận trên đây là chưa đủ với những gì tác giả muốn gửi gắm, Cũng mong nhận được sự bao dung từ tác giả cũng như từ bạn đọc.

Sài Gòn đầu xuân Bính Thân
Huỳnh Xuân Sơn

Thứ Hai, 22 tháng 2, 2016

Đọc XIN HÃY TIN TÔI của tác giả Hải Minh.


Tác giả Hải Minh như anh tự nhận "
tôi không phải nhà thơ./ chẳng là thi nhân nhớn./ một thằng gàn -cà chớn./ lấy chữ nghịch xếp câu" (Xin Em), thế nhưng sau những lần "nghịch" ấy là những bài thơ rất đặc biệt. Xin Hãy Tin Tôi là một trong những bài thơ khiến người viết dừng lại sau khi đọc vì sự đặc biệt, rất riêng, rất lạ trong dòng thơ đang lặng lẽ tuôn chảy không ngừng... 
Mạn phép tác giả người viết mang Nó ra đặt riêng một nơi, khui  và thưởng thức như một chai Vang Đỏ có  lẽ đã được ủ rất lâu mới mang chưng cất và trình làng.... 


Xin Hãy Tin Tôi!

xin em đấy -đừng tin 
những lời hoa vừa nói
khi chiều nay -coi bói
yêu hay là không yêu ?
**
hoa trinh bạch ,diễm kiều
nhưng con tim vô cảm
đi qua mùa -năm tháng
chữ yêu chưa tròn lời
**
sao em không cho tôi
một lần thôi cơ hội
gặp lần nào cũng vội
đâu đã nói gì đâu ?
**
như trầm giữa rừng sâu
chờ tay em bóc vỏ
cả khi ngừng hơi thở
vẫn một lời -yêu em ! (Hải Minh)

Chai Rượu Tình vừa ngắm, vừa khui, chưa cần nhấp môi đã cảm nhận rằng ở trong Nó không chỉ có hương vị ngọt,nồng cay thơm của Rượu, mà còn là cả tấm lòng thành, cả nhịp đập khát khao chân thật của người ủ men, chưng cất luôn gửi gắm vào...
Tác giả không cần rào trước đón sau, Xin Em Đấy! làm như Xin là Em sẽ mủi lòng ngay vậy:

xin em đấy -đừng tin 
những lời hoa vừa nói
khi chiều nay -coi bói
yêu hay là không yêu ?

Hình như khi cảm xúc trào dâng để bắt đầu vào Xin Em Đấy tác giả đã quên mình từng khẳng định chắc nịch rằng:

đừng tin quả đất hình tròn
đừng tin hổ báo thương con -quên mình (Sám Hối)

Vậy mà sau khi biết Em của mình đã "coi bói". Không biết kết quả cánh hoa cuối cùng rơi ra vào từ yêu hay là từ không? Chỉ biết rằng từ đó trái tim bấn loạn thúc giục phải "xin em" nào đâu chỉ xin em không còn đỡ...Ở đây là "Xin em đấy" chữ đấy nằm cuối câu như thể đã hết cách rồi mới phải "xin em đấy. Đừng tin" những gì đã bói!
Em đã trả lời ra sao ? tác giả không đề cập đến. Kết thúc khổ thơ mở, sang khổ thứ hai tác giả đã biến cuộc đối thoại với em thành độc thoại. 
Bởi vẫn là từ phía Anh nửa như khẳng định, nửa như thanh minh:

hoa trinh bạch ,diễm kiều
nhưng con tim vô cảm
đi qua mùa -năm tháng
chữ yêu chưa tròn lời

Em bói bằng hoa gì vậy tác giả ơi? Hồng, Cúc, Thiên Lý hoặc giả Dã Quỳ hay Xuyến Chi. Anh đặt loài hoa mà anh khẳng định là "trinh bạch diễm kiều" ấy bên cạnh "Con tim vô cảm" thì ý thơ đã tố cáo rằng kết quả  ban chiều khi Em bói ắt hẳn là "Không yêu" rồi phải không? 
Thêm nữa có lẽ Em cũng tin vào cánh hoa cuối cùng ấy thì phải? Còn nữa đã có lần tác giả đạt lên bàn cân mà đong đếm mà so sánh rằng:
em sương thu bảng lảng
tôi mưa hạ nát nhầu (Xin Em)

Vậy thì cái kết quả Không Yêu càng được củng cố thêm phải không Em? Phải không người hỏi? Và phải không tác giả?
Và đây nữa chứng cứ tố cáo người hỏi vốn không chỉ mang trên mình gánh nặng tự ti mặc cảm không thôi mà còn hay đổ thừa nữa...

sao em không cho tôi
một lần thôi cơ hội
gặp lần nào cũng vội
đâu đã nói gì đâu ?

Bốn câu thơ chất chứa sự lúng túng qua những từ, những âm lặp lại Tôi, thôi, Hội, vội, Nói và hai từ Lần, hai từ Đâu?  Thanh minh hay là chống chế vậy nhỉ? Có lẽ ở đây có cả hai bởi người viết đồ rằng đã nhiều rất nhiều lần người hỏi đã nói ít nhất là nói một mình... Chả phải "gặp lần nào cũng vội" cũng chẳng phải do không có "cơ hội"...Để giờ đây tự mình hỏi mình, tự mình nói với mình "đâu đã nói gì đâu?" Nói gì là nói gì đây? Người viết tin rằng nếu như không có câu thanh minh kiểu như tự hai bàn tay nói với nhau này thì rất nhiều người trong đó có người viết đã tin rằng người mà "Bảng lảng sương thu" ấy quả thật đã có "trái tim vô cảm".

Em vẫn chưa trả lời! Cuộc độc thoại của Lãng Tử tự ti mặc cảm vẫn chưa dừng lại! 

như trầm giữa rừng sâu
chờ tay em bóc vỏ

Một khổ kết bất ngờ, ở đó người hỏi đã thoát xác để trở thành một Trang Nam Tử kiêu ngạo tự nhận mình "Như trầm giữa rừng sâu". Trầm dẫu đang nằm trong cội rễ ven rừng, hay trong nương rẫy, vườn tược nhà ai cũng cần phải có duyên, có lộc mới gặp được, huống gì nằm giữa "Rừng sâu" mà mong "Chờ tay em bóc vỏ"... 

Ôi! có lẽ mơ vẫn mãi chỉ là mơ thôi! Bởi cho tới câu kết đại từ nhân xưng Anh vẫn chưa lộ diện thì thử hỏi lời trách Em có "trái tim vô cảm" Hay lần "gặp nào cũng vội" để anh không có cơ hội "Nói gì đâu" đã gửi đi đúng địa chỉ chưa?  Chứ nói gì đến một ngày nào đó khối Kỳ Nam nằm lẩn khuất đâu đó giữa rừng sâu có khi còn trong cội già mục ruỗng sẽ phát lộ bởi tay "Em bóc vỏ".

Thôi có lẽ những gì tác giả đã viết trong một lần trước Xin Em nó đã vận vào mình rồi! Tác giả có nhớ mình đã viết gì không? Để người viết nhắc lại giùm nhé!

một giao mùa đã cũ
tình cờ mình biết nhau
**
không chung một nhịp cầu
mà mơ hoang mây trắng
chạy trời không khỏi nắng
đêm rót họa vào thân
**
rất xa mà rất gần
huyễn mình trong ma mị
thôi -chấp gì em nhỉ
cứ kệ tôi trộm yêu (Xin Em- Hải Minh)
 Đó ! Bây giờ thì  có lẽ không yêu mà cánh hoa ban chiều Em bói ... Anh dẫu có Xin Em Đấy thêm bao nhiêu lần nữa thì khối "Trầm giữa rừng sâu" ơi! cứ việc "Trộm yêu" đi chẳng ai chấp trách gì người yêu trộm mình đâu, dẫu cho cô ấy có biết rõ mười mươi đi nữa... Phụ nữ Á Đông mà chả nhẽ "Cọc đi tìm trâu".

Nhưng chắc chắn Em của Anh tin, người viết tin, và sẽ có rất nhiều bạn đọc tin ở câu kết này.

cả khi ngừng hơi thở
vẫn một lời -yêu em !

Và mong rằng "trai Xứ Đoài không nói hai nhời !"(HM)!

Cùng khui, cùng uống cạn Xin Em Đấy với tác giả với bạn đọc tới đây Người viết đã viết ra hương vị ngọt, nồng, cay một chút thơm và xin giữ lại một chút dư vị đắng nếu có..
Người viết muốn mượn một khúc thơ rất thật, rất thơ, nặng tình của tác giả Hải Minh viết có lẽ cũng dành tặng cho người phụ nữ có tên Em trong Xin Em Đấy, thay cho lời kết của mình.

người yêu ơi bao bài thơ tôi viết
để tặng em -gọi về thuở ban đầu
dù gặp muộn vẫn nồng nàn tinh khiết
thơ xếp dầy -đâu có gửi được đâu ?(Cho Người Ở Lại- Hải Minh
)
............

Sài Gòn 14/11/2015
Huỳnh Xuân Sơn


Chủ Nhật, 21 tháng 2, 2016

Đọc bài thơ Haiku số 52 của tác giả Mai Văn Phấn

(Ảnh minh hoạ của tác giả Bùi Thuỵ Đào Nguyên)

Chiều muộn trung tuần tháng riêng trong bộ đồ lam sau khi vào chùa lễ Phật tôi bước ra trước cổng tam quan, bên dưới cội Đại già nhìn quang cảnh chùa trong tiết trời se lạnh, mưa bụi bay. Lòng thư thái lạ thường, bất giác bài thơ đọc hồi sáng hiện diện từng ngắt ý trong đầu.
52.
Trú dưới hoa đại trắng
Mưa
Sạch bụi trần (Mai Văn Phấn)


Nếu nghĩ đây là bài thơ vốn tả thực một việc Trú dưới hoa, rồi mưa, và sạch bụi...Bạn hẳn sẽ như tôi không có gì đọng lại nếu đọc lướt qua mấy từ chưa đến con số hàng chục cho một bài thơ không đề.
 Nhưng nếu bạn nghĩ thơ Haiku vốn chỉ gợi không tả thì ý nghĩa hồn cốt bài thơ lại chuyển hướng sang chiều liên tưởng khác.
Với ngắt ý thứ nhất 

Trú dưới hoa đại trắng

Hoa đại trắng thường được trồng trong khuôn viên hay trước cổng các ngôi chùa, ngôi đình.. Hoa đại biểu trưng cho sức sống mãnh liệt qua dòng nhựa trắng chảy tràn như bất tận, Nếu muốn trồng chỉ cần cắt một đoạn giâm xuống đất lập tức cây sẽ sinh sôi... Đặc biệt là cách phân cành, rẽ nhánh, từ cội lên cành luôn phân hai nhánh.
Người xưa có lẽ cũng từ cách phân cành rẽ nhánh đặc biệt này mà đã định ra một quy tắc bất thành văn là cây họ đại thường chỉ được trồng trong chùa đình là vậy.
Trở lại với việc Trú dưới hoa đại trắng của tác giả, Hẳn nhiên chẳng phải như nhà thơ Trần Minh Hiền khi gửi vào câu chữ
"...hương hoa sứ nồng nàn
Đêm trăng ngọt ngào hư ảo
Ta viết vần thơ lãng mạn..."
Mà ý thơ có lẽ muốn nhắc về việc trú dưới hoa đại nhằm gợi cho người đọc một khung cảnh cụ thể như người viết vừa đứng trong khuôn viên chùa Bửu Tịnh hôm nay chăng?
Dưới cây đại luôn phân hai nhánh, cũng như trước cửa chùa nơi chốn tôn nghiêm, phật tử và chúng sinh cần thông tỏ "Cõi thiêng của Đức Phật từ bi và tục luỵ tham sân hận của trần thế là hai ngả riêng biệt..". Mặc dù " cõi tâm linh của Đức Phật và tục luỵ trần thế đều có trong tâm khảm mỗi một con người". Như hình ảnh Gốc cây đại chung dòng nhựa nuôi sự sống nhưng khi vươn lên luôn 
phân hai nhánh tách biệt... 
Ngắt ý thứ hai chỉ vỏn vẹn một từ

Mưa
Mưa chẳng phải là nước rớt xuống hay sao? Một ngắt ý cụt ngủn, mà gợi biết bao nhiêu suy nghĩ trước những câu hỏi thật khó lý giải khi liên hệ với động từ Trú ở ngắt ý trước.
Trú mưa thì hẳn để tránh mưa rồi, nhưng dưới hoa đại trắng thì có lẽ trong khuôn viên chùa chiền hay đình. Ít nhất có mái tam quan nơi cổng, có mé hiên chùa sao không trú khi mưa...
 Vậy phải chăng khi Trú dưới hoa đại trắng là trú một cơn mưa khác không giống những cơn mưa rào, mưa ngâu, hay mưa bụi là hiện tượng tự nhiên của tời tiết.
Mang theo thắc mắc này ta đến với ngắt ý thứ ba
Sạch bụi trần
Nếu chỉ rửa sạch bụi thì hẳn nhiên là cơn mưa từ hiện tượng thời tiết trong thiên nhiên rồi. Thêm một chữ Trần khiến ta phải nối sợi suy tư xuyên qua ba ngắt ý .. Trú dưới hoa đại trắng/ Mưa/ Sạch bụi trần
Mưa này có lẽ là cơn mưa hay chí ít là những giọt mưa vô hình, mà hiện hữu quanh ta! Có tâm sẽ thấy, có lòng sẽ gặp
 Bụi trần ai chẳng vương dù nhiều hay ít. Nhưng nếu biết tìm về và an trú nơi cõi tâm linh của Đức Phật ta sẽ được gột rửa khi nghe tiếng kinh cầu, khi tịnh tâm bên khói hương trầm thơm ngát.
 Từng giọt mưa ấy, từng cơn mưa ấy sẽ gột rửa dần để ta rũ bỏ lần lần những tham sân hận nơi cõi tuỵ lục ...
Tìm đường đến dưới hoa đại trắng thật dễ mà cũng lại thật khó... 
Hãy thong thả từng bước một, ta đón những giọt mưa tâm linh. Hãy đi và đến Dốc Thiêng là khi ấy ta đã rửa sạch bụi trần...

Tuy Hoà 20/2/2016
Huỳnh Xuân Sơn



Bài Thơ Haiku Không Đề của tác giả Canh Thanh Le




Đêm Xuân se lạnh một mình nơi quán vắng quê người, nỗi nhớ cố hương ùa về với những đêm trăng lu bên thềm nhà, nơi có Cha ngồi nhâm nhi tách trà mạn, Có Mẹ  có chị có em quây quần bên nồi khoai luộc ngọt lịm. Thấm thoắt thời gian trôi đi kéo theo sự bình yên ấm áp ấy chia nhỏ ra nhiều tổ ấm.
Hồi ức xa xưa hiện về rõ nét khi gặp bài thơ Không Đề của tác giả Canh Thanh Lê khơi dòng chảy ngược trong lòng người viết

Tách trà đêm.
Hương đọng bên thềm.
Bình yên....!! (Canh Thanh Le)

Bài thơ viết theo thể Haiku gợi rất nhiều điều qua những ngắt ý mà ý thơ gợi mở.
 Tách trà đêm! khiến ta liên tưởng tới một tách trà bốc khói đêm khuya, Bạn thưởng thức một mình? Bạn thưởng thức có đôi, có bạn? Tôi , hay tác giả cũng thế, Một hình tượng thơ cụ thể dẫn đến chiều liên tưởng với những tách trà ấm nóng được lần lượt rót ra chủ khách và có khi chỉ có một mình thưởng thức, Vị ngọt theo sau vị đắng của trà đọng lại mùi hương thân thuộc mang tên trà luôn gắn liền với những phút giây thư thái của tâm hồn. Phải chăng đó là những gì mà ngắt ý thứ nhất vừa khơi gợi trong tôi trong lòng bạn đọc trước khi đến
với ngắt ý thứ hai]

Hương đọng bên thềm

 Bên thềm nhà  sẽ có rất nhiều mùi hương lan toả. Hương thơm thanh khiết của khóm nhài kế bên, Hương của hoa soan ngoài ngõ hay hương hoa bưởi góc vườn lan tới, đặc biệt là hương nồng ngai ngái của đất khi thấm mưa xuân bốc lên ùa vào thềm. Bốn mùa bên thềm nhà sẽ có những mùi hương lan toả vào chung vui với làn khói thơm của trà...
Với bạn thì hương nào đọng bên thềm?
Còn với tôi chắc chắn sẽ là hương nồng của đất mùa xuân sẽ lấn át mùi hương của các loài hoa.
Hương sen thanh khiết mùa hè, hương quả ngọt mùa thu và hương hoa sữa mùa đông...
Mùa nào cũng gợi nhớ những đêm trăng sáng có, lu có bên thềm nhà gắn với tuổi thơ tôi, gắn với cha mẹ tôi và có lẽ không chỉ mình tôi, mà còn có tác giả, có bạn, cùng chung dòng hồi ức như thế.

Bình yên...!

Vâng! Chỉ có bình yên thanh thản mới có những đêm thanh bên tách trà và đắm mình trong làn hương quê sau một ngày vất vả với công việc bộn bề
Bình yên còn cần cả sự bình yên của cả bầu trời, bình yên của mặt đất, và bình yên của mỗi gia đình, bình yên của cộng đồng..Tất cả bình yên mới có được trọn vẹn những giờ phút thưởng thức trà bên thềm nhà dưới trăng và đắm mình trong làn hương của đất trời ban tặng. Phải chăng đó là những gì mà ngắt ý thứ ba đưa đến.



Tuy Hoà 19/2/2016
Huỳnh Xuân Sơn



Thứ Sáu, 19 tháng 2, 2016

Đọc DẶN EM của Tác Giả Mai Văn Phấn



Những ngày đầu xuân Bính Thân trên đường rong ruổi khắp dải đất Nam Ngãi Bình Phú người viết gặp rất nhiều hoa Cúc. Nhà nhà trưng hoa cúc, mọi ngả đường đều có hoa cúc. Cúc đại đoá, cúc Kim cương, cúc vạn thọ, và không thể không kể đến những vạt cúc dại màu trắng tinh khôi ven bờ mương, ruộng lúa hay mé sườn đồi. Muôn hoa khoe sắc trong tiết trời se lạnh. Từng khóm, từng bông, từng cánh như gọi như mời người chiêm ngưỡng hoà vào niềm vui rực rỡ của sắc xuân. Dăm cánh bướm nhỏ vẫy cánh đùa rỡn. Bên thềm nhà ai vọng lại tiếng chim gù thao thiết. Trên cao những cánh én chao liệng như muốn chung vui cùng với hoa. Đi giữa trời xuân, nghe tiếng xuân chiêm ngưỡng sắc xuân vậy mà đọng lại trong lòng người viết lúc này lại là hình ảnh của một Bông cúc đã mãn khai và sắp sửa tàn… Bông cúc ấy hiện diện trong bài thơ “Dặn Em” của nhà thơ Mai Văn Phấn.

 Bông cúc ấy sắp tàn/ Nhớ lấy màu hoa/ Đan áo.

Bài thơ với 11 từ cho ba ngắt ý chuyên chở tựa đề “Dặn em” phải chăng là quá ít? Không! Với thể thơ 3 câu (theo cách gọi của Mai Văn Phấn) bấy nhiêu đã đủ cho người đọc có một không gian tha hồ bay bổng cùng những khơi gợi của ý thơ chắp cánh.

Bông cúc ấy sắp tàn

Ngắt ý thứ nhất cho người đọc liên tưởng tới hoa cúc sắp tàn, phải chăng là cuối thu, cũng có thể là đầu xuân. Tùy vùng miền người đọc chiêm ngưỡng. Mùa xuân ở miền Nam cũng như Trung Bộ ngập tràn hoa cúc vàng rực rỡ. Nhưng ngay lúc này người viết muốn đồng cảm cùng bông cúc của mùa xuân. Bông cúc nào rồi cũng tàn phai theo thời gian trôi! Nhưng bông cúc ấy thì lại dẫn người viết theo một đối tượng cụ thể bởi chữ “ấy”! Một bông cúc mà cả người dặn và người nghe đều biết. Người viết cũng có dự cảm của riêng mình cho bông cúc ấy khi sắp tàn... Mang theo suy nghĩ này người viết đến với ngắt ý thứ hai.

Nhớ lấy màu hoa

Vâng! Hoa sắp tàn có nghĩa sẽ không còn lại vẻ rực rỡ nữa... Hoa tàn đi nhưng điều người dặn muốn nói là hãy ghi nhớ màu hoa. Màu vàng, màu trắng, màu tím, màu xanh, Bao nhiêu loài cúc sẽ có bấy nhiêu màu nhưng chỉ muốn em nhớ màu của bông cúc ấy mà thôi. Rồi ngắt ý thứ ba dẫn ta tới việc Đan áo

Nàng Bân xưa đan áo cho chồng xong khi tiết trời đầu xuân nắng ấm. Để rồi có cái rét Nàng Bân cho mãi tới hôm nay vẫn về trao cái lạnh giữa tiết xuân để chàng mặc áo ấm nàng đan. Dặn em: Đan áo hẳn người dặn có lý do sau khi nhắc bông cúc ấy sắp tàn, và cần nhớ lấy màu hoa. Ba ngắt ý của bài thơ đưa người viết đến một dự cảm rằng. Bông cúc ấy đương độ mãn khai. Xuân sắc lắm, tươi tắn lắm, rực rỡ lắm. Bông cúc ấy phải chăng chính là Em, người được Dặn. Khi bước vào độ thu của đời người, Em hẳn đang độ đằm thắm ngời sắc xuân. Vẻ đẹp bên ngoài rồi cũng sẽ phải nhạt phai như bông hoa kia sẽ tàn. Màu hoa sẽ đọng lại trong lòng người chiêm ngưỡng. Nhưng điều quan trọng là việc chuẩn bị đón lúc tàn ấy ra sao. Thu đi, đông đến, xuân mới về, xin đừng tưởng chỉ toàn sắc xuân rực rỡ... Còn những cái rét tái tê mang tên Nàng Bân dù đón đợi hay không nó cũng sẽ đến. Cái rét ấy sẽ về lúc bông cúc sắp tàn. Người dặn mong Em hãy chuẩn bị trước qua ngắt ý Đan áo...
Người dặn sẽ mãi nhớ màu hoa rực rỡ cũng như nhớ vẻ đẹp mặn mà của người phụ nữ tuổi heo may có tâm hồn mẫn cảm sâu sắc. Người dặn đã gửi gắm vào ý thơ, người được dặn có lẽ cũng đã nghe, đã nhận ra và làm theo lời căn dặn. Người viết cũng vừa mới nói nên cảm nhận của mình khi chứng kiến hai người dặn dò nhau! Có thể những cảm nhận trên đây chưa giống với suy nghĩ của phần đông bạn đọc cũng như ý của tác giả.
 Mong nhận được sự lượng thứ!

Tuy Hoà, đầu xuân 2016
Huỳnh Xuân Sơn

Thứ Tư, 17 tháng 2, 2016

CÂY ĐÀN của tác giả Nguyên Kim



CÂY ĐÀN

Cây đàn cạnh vách móc từ lâu
Không gảy hình như có nỗi sầu
Cung bậc dây chùng bao tiếc nuối
Bổng trầm phím lạc dấu in sâu
Tiêu tan tiếng nhạc lòng khô héo
Mất hút lời ca mắt đỏ ngầu
Âm hưởng chung hòa tung cán nhạn
Chiếc cầm lỗi nhịp đợi canh thâu (Nguyên Kim)

Cây Đàn được tác giả Nguyên Kim gửi gắm ý thơ, hồn thơ vào thể thơ Thất Ngôn Bát Cú Luật Đường, với niêm luật vần hoàn hảo và đối ngẫu tương đối chặt chẽ.

Cây Đàn vốn chỉ là một nhạc cụ, nhưng qua bút pháp của tác giả người viết nhận thấy có lẽ nó còn là là người bạn tri âm, là người tri kỷ bên người sở hữu nó.

Với câu Khai Đề

Cây đàn cạnh vách móc từ lâu

Tác giả vào đề theo cách trực khởi nhằm giới thiệu ngay Cây Đàn. Cây Đàn này có lẽ một thời đã ngân lên những âm thanh trầm bổng, chở theo những cung bậc cảm xúc của người Gẩy...Nay thì được móc trên vách từ lâu rồi. Lâu rồi là bao lâu? tác giả không đề cập đến và thông điệp của câu khai đề hình như chỉ muốn giới thiệu có vậy.

Nhưng điều mà câu phá đề chuyên chở thì lại khác

Không gảy hình như có nỗi sầu

Cây Đàn nằm trên vách ắt hẳn nó không thể tự ngân rung, Nhưng hai từ Không Gảy thì lại dẫn người đọc sang chiều cảm nhận khác. Với người viết thì có lẽ Cây Đàn vẫn còn nguyên giá trị sử dụng như xưa nay vẫn thế. Chỉ có nhạc công là Không gảy mà thôi! Tại sao không gảy tác giả đã nói ngay "Hình như có nỗi sầu" . Ai mang nỗi sầu mà tác giả phải phán đoán hình như chứ chưa chắc chắn? Phải chăng người sở hữu Cây Đàn? Phải chăng nhạc công? Phải chăng là tác giả? Hoặc giả không gian, cảnh vật xung quanh cũng mang nỗi sầu như chính người sử dụng Cây Đàn nên từ lâu lắm rồi, Cây Đàn phải nằm im trên vách...

Một cặp Đề giới thiệu Cây Đàn không thể không khiến bạn đọc phải dừng lại ngẫm nghĩ trở trăn rồi thả hồn ngược dòng chảy cuộc đời mà Cây đàn đã trải qua có lẽ cũng đã "lâu lắm rồi"!

Cung bậc dây chùng bao tiếc nuối
Bổng trầm phím lạc dấu in sâu

Hai câu thực tác giả sử dụng các cặp đối "cung bậc dây chùng đối với Bổng trầm phím lạc rồi Bao tiếc nuối đối với Dấu in sâu. Nhằm gửi ý thơ về Cây Đàn "dây chùng" rồi "phím lạc" dẫu bao tiếc nuối thì cũng chỉ còn lại dấu ấn có lẽ buồn in sâu khắc đậm mà thôi!

Dây chùng nếu người sử dụng tận tình thì vẫn có thể so dây lại, Phím lạc đâu chỉ vấp phải một lần rồi bỏ dở...Ở đây ngay trong ý thơ mà hai câu thực đang chuyển tải vẫn phảng phất hai chữ Hình Như...

Hình như nhạc công chưa vận dụng hết tình, hết ý, hơn hết là hết lòng để cho Cây Đàn cùng ngân lên những cung bậc cảm xúc, những nốt nhạc trầm bổng dìu dặt dẫu có bao tiếc nuối nhưng nếu quyết tâm vẫn có thể Gảy chứ không phải chỉ mới bấy nhiêu mà đã phải móc trên vách từ lâu.

Mang theo suy nghĩ cùng những câu hỏi ở nội dung mà hai câu thực vừa chở tới, người viết theo dòng đến với cặp Luận.

Tiêu tan tiếng nhạc lòng khô héo
Mất hút lời ca mắt đỏ ngầu

Với các cặp đối chỉn chu Tiêu tan với Mất hút, Tiếng nhạc với Lời ca và Lòng khô héo đối với Mắt đỏ ngầu. Ba cặp đối với những câu từ gần gũi làm nhiệm vụ chuyên chở ý thơ đặc biệt đến với người đọc...

Qủa thật với hai từ Tiêu Tan đã khiến Cây Đàn trở thành vật vô dụng kể từ lúc Ai đó cảm nhận Tiếng Nhạc đã tiêu tan bởi lòng khô héo.
Lòng ai khô héo? Không lý là lòng Cây Đàn!
Vậy thì chỉ còn lại Lòng Nhạc Công, Lòng Tác giả hay lòng người sở hữu Cây Đàn. Dẫu là lòng ai đi nữa thì Cây Đàn từ lúc này đã trở nên "câm Nín".
Bất giác người viết nhớ đến lời ca của Cố nhạc sĩ Phạm Duy:

Đàn ôi, thôi cứ lên tiếng than
Hay cứ reo nỗi hoan
Trên đường lên viễn phương (Cây Đàn Bỏ Quên)

Khi Phạm Duy cất tiếng than thay cho cây đàn, hẳn ông yêu nó, yêu những âm thanh mà nó phát ra thay tiếng lòng mình lắm lắm, Với người nhạc sĩ cây đàn không cất tiếng có lẽ cũng là cây đàn đã chết kéo theo tâm hồn người nhạc sĩ khô héo theo chăng và có phải vì vậy mà ông muốn nó cất tiếng đi dù là tiếng than hay nỗi hân hoan cũng vậy?

Với Cây Đàn ở cặp Luận này tác giả Nguyên Kim muốn gửi gắm thông điệp rằng: Không chỉ mình Âm thanh của chính nó ngân lên đã bị tiêu tan mà còn kéo theo người bạn song hành có tên Lời Ca cũng Mất hút luôn.

Không có tiếng đàn thì lời ca mộc trở lên lạc lõng, Nhưng cái động từ Mất hút mới là điều đáng phải suy ngẫm, nhất là khi nó đi liền với ánh mắt được tác giả mô tả "Đỏ ngầu" lại càng thê thảm hơn.

Ánh "Mắt đỏ ngầu" này của ai? và vì sao nó lại làm cho lời ca mất hút. là câu hỏi mà người viết suy tư mãi khi đồng hành cùng với Cây Đàn.

Để tìm lời biện giải cho câu hỏi này, người viết muốn quay lại với giả định Hình Như ở câu Phá Đề trên đây. Hình như có nỗi sầu. Và bây giờ thì tiếng nhạc tiêu tan, đi kèm lời ca mất hút, Có nhiều lý do dẫn tới kết quả trên khi lòng khô héo, Khô héo ví rất nhiều nhẽ dẫn đến. Nhưng ám ảnh thay một ánh "Mắt đỏ ngầu" thì lại khác. 


Ánh mắt buồn, ánh mắt vô hồn.. Đều có thể dẫn tới lời ca mất hút. Nhưng Ánh mắt đỏ ngầu thể hiện một sự giận dữ và có thể ánh mắt ấy còn chứa đựng nỗi căm hờn ...
Người ta vẫn nói "đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn" Ở Cây Đàn mà cụ thể là cặp luận lại xuất hiện ánh mắt đỏ ngầu khiến ta liên tưởng tới một tâm hồn không những khô héo, mà còn chất chứa nhiều nỗi niềm bức bối không thể nói ra đành thể hiện qua ánh mắt..
Vậy thì Hình Như ở trên đã không còn đúng nữa.

Khi ngược dòng tới đây người viết nhận ra Cây Đàn đã là hiện thân của người sở hữu Nó và có lẽ đó cũng chính là Người nhạc công hoặc giả chính là tác giả chăng? Nỗi sầu đã hiện rõ nét, và cũng chính nỗi niềm ấy chất chứa quá lâu là nguyên nhân Cây Đàn bị treo trên vách... Để rồi Dây chùng, phím lỗi và dẫn tới Âm thanh tiêu tan, lời ca mất hút...Lòng người mang ánh mắt đỏ ngầu cũng khô héo theo hay nói cách khác là tâm hồn đang chết dần chết mòn...

Mang theo nhiều thêm nỗi niềm cùng tâm tư với Cây Đàn người viết đến hai câu kết:
Âm hưởng chung hòa tung cán nhạn
Chiếc cầm lỗi nhịp đợi canh thâu

Vẫn là những hình ảnh, âm thanh mô tả về Cây Đàn nhưng tình thơ, ý thơ, hồn thơ thì có lẽ là của người sở hữu. Biết để đợi được "âm hưởng chung hoà tung cánh" thì có lẽ sẽ phải đợi rất lâu, và nếu đợi được thì có khi cũng chỉ là một cánh nhạn lẻ loi thì phải.

Nhưng dẫu lẻ loi, dẫu đơn độc nhưng niềm hy vọng đã loé lên ở câu kết bởi một chữ Đợi. Có chữ Đợi hẳn nhiên người viết tràn trề niềm tin dẫu Chiếc Cầm có lỗi nhịp thì khi người sở hữu biết chờ đợi thì một ngày kia Cây Đàn sẽ lại ngân lên những thanh âm khi bổng lúc trầm cùng lời ca hoà quyện chở theo tâm tư tình cảm của người gảy cũng như cảm xúc của người gửi gắm vào lời ca.

Đâu đây thấp thoáng niềm hy vọng một ngày gần tác giả Nguyên Kim sẽ được chứng kiến Người sở hữu Cây Đàn sẽ có cảm xúc giống như :

Ta lại vác cây đàn đi tứ chiếng
Hồn theo ta qua những chốn mịt mùng
Mây viễn phố bao chiều thay áo nõn
Ta nâng đàn thương nhớ phá lên cung (Cây đàn thương nhớ- Đinh Trầm Ca)

Cùng Ngược Dòng với Cây Đàn. Cùng đồng cảm với người sở hữu Cây Đàn với tác giả Nguyên Kim tới đây. Cá nhân người viết muốn gửi tới Họ một lời chia sẻ thay cho lời kết bài viết rằng.

Ngày xưa khi Khương Tử Nha đi câu với chiếc cần câu chỉ có sợi dây ở tuổi 60 mà chưa muộn. Thì giờ đây dẫu cho Lòng héo hắt, Mắt đỏ ngầu, Và cho có phải đợi nhiều canh thâu nữa để được nghe, được thấy lại những thanh âm hoà quyện với lời ca cất lên từ Cây Đàn treo trên vách đã lâu ấy, thì cứ đợi chắc chắn sẽ nghe sẽ thấy. Người viết khẳng định vậy bởi người viết tin Cây Đàn đang nằm trong tay một đấng trượng phu "nam nhi chi chí".

Tuy Hoà đầu xuân 2016
Huỳnh Xuân Sơn

Thứ Năm, 11 tháng 2, 2016

XUÂN XANH




Xuân Xanh 


Nghiêng vai đỡ cành liễu rủ 

Mùa xuân vừa đến hôm qua 

Mang theo hẹn hò năm cũ 

Hình như trăng rụng hiên nhà 


Áo em xanh màu thay lá 

Bên đời nở mấy nụ hoa 

Khoe cười nhìn ai xa lạ? 

Tóc mai dài? Ngắn? Đợi chờ 


Em về cùng ta trẩy hội 

Thướt tha áo mỏng sang cầu 

Câu hò trao duyên quên đối 

Ô hay ! hũ rượu khay trầu ? 


Xuân xanh chỉ về một bận 

Mong ngày se chỉ trăm năm 

Chờ em bên cầu soi bóng 

Hạ hồng trăng sáng mênh mông

Thứ Hai, 1 tháng 2, 2016

ĐÔNG BẠC



Đông về sương bạc vừa giăng 

Dường như có cơn bão rớt 
Lạnh run đôi tay gầy guộc 
Về đi…chút duyên muộn màng 

Môi người vẫn luôn nồng cháy 
Mặc cho đông rét bên trời 
Lò than củi hồng khơi dậy 
Nhịp tim rộn quá người ơi!

Tay cầm tay trong giây lát 

Ngỡ như từ thủa trăm năm 
Ấm êm… đời ta chết ngạt 
Sương sa áo lạnh âm thầm

Cạn bầu…rượu vơi mấy giọt 

Co ro cơn rét trong mơ 
Ngàn năm sương mù bạc lối 
Tình xưa chết tự bao giờ? (HXS)