Thứ Tư, 17 tháng 2, 2016

CÂY ĐÀN của tác giả Nguyên Kim



CÂY ĐÀN

Cây đàn cạnh vách móc từ lâu
Không gảy hình như có nỗi sầu
Cung bậc dây chùng bao tiếc nuối
Bổng trầm phím lạc dấu in sâu
Tiêu tan tiếng nhạc lòng khô héo
Mất hút lời ca mắt đỏ ngầu
Âm hưởng chung hòa tung cán nhạn
Chiếc cầm lỗi nhịp đợi canh thâu (Nguyên Kim)

Cây Đàn được tác giả Nguyên Kim gửi gắm ý thơ, hồn thơ vào thể thơ Thất Ngôn Bát Cú Luật Đường, với niêm luật vần hoàn hảo và đối ngẫu tương đối chặt chẽ.

Cây Đàn vốn chỉ là một nhạc cụ, nhưng qua bút pháp của tác giả người viết nhận thấy có lẽ nó còn là là người bạn tri âm, là người tri kỷ bên người sở hữu nó.

Với câu Khai Đề

Cây đàn cạnh vách móc từ lâu

Tác giả vào đề theo cách trực khởi nhằm giới thiệu ngay Cây Đàn. Cây Đàn này có lẽ một thời đã ngân lên những âm thanh trầm bổng, chở theo những cung bậc cảm xúc của người Gẩy...Nay thì được móc trên vách từ lâu rồi. Lâu rồi là bao lâu? tác giả không đề cập đến và thông điệp của câu khai đề hình như chỉ muốn giới thiệu có vậy.

Nhưng điều mà câu phá đề chuyên chở thì lại khác

Không gảy hình như có nỗi sầu

Cây Đàn nằm trên vách ắt hẳn nó không thể tự ngân rung, Nhưng hai từ Không Gảy thì lại dẫn người đọc sang chiều cảm nhận khác. Với người viết thì có lẽ Cây Đàn vẫn còn nguyên giá trị sử dụng như xưa nay vẫn thế. Chỉ có nhạc công là Không gảy mà thôi! Tại sao không gảy tác giả đã nói ngay "Hình như có nỗi sầu" . Ai mang nỗi sầu mà tác giả phải phán đoán hình như chứ chưa chắc chắn? Phải chăng người sở hữu Cây Đàn? Phải chăng nhạc công? Phải chăng là tác giả? Hoặc giả không gian, cảnh vật xung quanh cũng mang nỗi sầu như chính người sử dụng Cây Đàn nên từ lâu lắm rồi, Cây Đàn phải nằm im trên vách...

Một cặp Đề giới thiệu Cây Đàn không thể không khiến bạn đọc phải dừng lại ngẫm nghĩ trở trăn rồi thả hồn ngược dòng chảy cuộc đời mà Cây đàn đã trải qua có lẽ cũng đã "lâu lắm rồi"!

Cung bậc dây chùng bao tiếc nuối
Bổng trầm phím lạc dấu in sâu

Hai câu thực tác giả sử dụng các cặp đối "cung bậc dây chùng đối với Bổng trầm phím lạc rồi Bao tiếc nuối đối với Dấu in sâu. Nhằm gửi ý thơ về Cây Đàn "dây chùng" rồi "phím lạc" dẫu bao tiếc nuối thì cũng chỉ còn lại dấu ấn có lẽ buồn in sâu khắc đậm mà thôi!

Dây chùng nếu người sử dụng tận tình thì vẫn có thể so dây lại, Phím lạc đâu chỉ vấp phải một lần rồi bỏ dở...Ở đây ngay trong ý thơ mà hai câu thực đang chuyển tải vẫn phảng phất hai chữ Hình Như...

Hình như nhạc công chưa vận dụng hết tình, hết ý, hơn hết là hết lòng để cho Cây Đàn cùng ngân lên những cung bậc cảm xúc, những nốt nhạc trầm bổng dìu dặt dẫu có bao tiếc nuối nhưng nếu quyết tâm vẫn có thể Gảy chứ không phải chỉ mới bấy nhiêu mà đã phải móc trên vách từ lâu.

Mang theo suy nghĩ cùng những câu hỏi ở nội dung mà hai câu thực vừa chở tới, người viết theo dòng đến với cặp Luận.

Tiêu tan tiếng nhạc lòng khô héo
Mất hút lời ca mắt đỏ ngầu

Với các cặp đối chỉn chu Tiêu tan với Mất hút, Tiếng nhạc với Lời ca và Lòng khô héo đối với Mắt đỏ ngầu. Ba cặp đối với những câu từ gần gũi làm nhiệm vụ chuyên chở ý thơ đặc biệt đến với người đọc...

Qủa thật với hai từ Tiêu Tan đã khiến Cây Đàn trở thành vật vô dụng kể từ lúc Ai đó cảm nhận Tiếng Nhạc đã tiêu tan bởi lòng khô héo.
Lòng ai khô héo? Không lý là lòng Cây Đàn!
Vậy thì chỉ còn lại Lòng Nhạc Công, Lòng Tác giả hay lòng người sở hữu Cây Đàn. Dẫu là lòng ai đi nữa thì Cây Đàn từ lúc này đã trở nên "câm Nín".
Bất giác người viết nhớ đến lời ca của Cố nhạc sĩ Phạm Duy:

Đàn ôi, thôi cứ lên tiếng than
Hay cứ reo nỗi hoan
Trên đường lên viễn phương (Cây Đàn Bỏ Quên)

Khi Phạm Duy cất tiếng than thay cho cây đàn, hẳn ông yêu nó, yêu những âm thanh mà nó phát ra thay tiếng lòng mình lắm lắm, Với người nhạc sĩ cây đàn không cất tiếng có lẽ cũng là cây đàn đã chết kéo theo tâm hồn người nhạc sĩ khô héo theo chăng và có phải vì vậy mà ông muốn nó cất tiếng đi dù là tiếng than hay nỗi hân hoan cũng vậy?

Với Cây Đàn ở cặp Luận này tác giả Nguyên Kim muốn gửi gắm thông điệp rằng: Không chỉ mình Âm thanh của chính nó ngân lên đã bị tiêu tan mà còn kéo theo người bạn song hành có tên Lời Ca cũng Mất hút luôn.

Không có tiếng đàn thì lời ca mộc trở lên lạc lõng, Nhưng cái động từ Mất hút mới là điều đáng phải suy ngẫm, nhất là khi nó đi liền với ánh mắt được tác giả mô tả "Đỏ ngầu" lại càng thê thảm hơn.

Ánh "Mắt đỏ ngầu" này của ai? và vì sao nó lại làm cho lời ca mất hút. là câu hỏi mà người viết suy tư mãi khi đồng hành cùng với Cây Đàn.

Để tìm lời biện giải cho câu hỏi này, người viết muốn quay lại với giả định Hình Như ở câu Phá Đề trên đây. Hình như có nỗi sầu. Và bây giờ thì tiếng nhạc tiêu tan, đi kèm lời ca mất hút, Có nhiều lý do dẫn tới kết quả trên khi lòng khô héo, Khô héo ví rất nhiều nhẽ dẫn đến. Nhưng ám ảnh thay một ánh "Mắt đỏ ngầu" thì lại khác. 


Ánh mắt buồn, ánh mắt vô hồn.. Đều có thể dẫn tới lời ca mất hút. Nhưng Ánh mắt đỏ ngầu thể hiện một sự giận dữ và có thể ánh mắt ấy còn chứa đựng nỗi căm hờn ...
Người ta vẫn nói "đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn" Ở Cây Đàn mà cụ thể là cặp luận lại xuất hiện ánh mắt đỏ ngầu khiến ta liên tưởng tới một tâm hồn không những khô héo, mà còn chất chứa nhiều nỗi niềm bức bối không thể nói ra đành thể hiện qua ánh mắt..
Vậy thì Hình Như ở trên đã không còn đúng nữa.

Khi ngược dòng tới đây người viết nhận ra Cây Đàn đã là hiện thân của người sở hữu Nó và có lẽ đó cũng chính là Người nhạc công hoặc giả chính là tác giả chăng? Nỗi sầu đã hiện rõ nét, và cũng chính nỗi niềm ấy chất chứa quá lâu là nguyên nhân Cây Đàn bị treo trên vách... Để rồi Dây chùng, phím lỗi và dẫn tới Âm thanh tiêu tan, lời ca mất hút...Lòng người mang ánh mắt đỏ ngầu cũng khô héo theo hay nói cách khác là tâm hồn đang chết dần chết mòn...

Mang theo nhiều thêm nỗi niềm cùng tâm tư với Cây Đàn người viết đến hai câu kết:
Âm hưởng chung hòa tung cán nhạn
Chiếc cầm lỗi nhịp đợi canh thâu

Vẫn là những hình ảnh, âm thanh mô tả về Cây Đàn nhưng tình thơ, ý thơ, hồn thơ thì có lẽ là của người sở hữu. Biết để đợi được "âm hưởng chung hoà tung cánh" thì có lẽ sẽ phải đợi rất lâu, và nếu đợi được thì có khi cũng chỉ là một cánh nhạn lẻ loi thì phải.

Nhưng dẫu lẻ loi, dẫu đơn độc nhưng niềm hy vọng đã loé lên ở câu kết bởi một chữ Đợi. Có chữ Đợi hẳn nhiên người viết tràn trề niềm tin dẫu Chiếc Cầm có lỗi nhịp thì khi người sở hữu biết chờ đợi thì một ngày kia Cây Đàn sẽ lại ngân lên những thanh âm khi bổng lúc trầm cùng lời ca hoà quyện chở theo tâm tư tình cảm của người gảy cũng như cảm xúc của người gửi gắm vào lời ca.

Đâu đây thấp thoáng niềm hy vọng một ngày gần tác giả Nguyên Kim sẽ được chứng kiến Người sở hữu Cây Đàn sẽ có cảm xúc giống như :

Ta lại vác cây đàn đi tứ chiếng
Hồn theo ta qua những chốn mịt mùng
Mây viễn phố bao chiều thay áo nõn
Ta nâng đàn thương nhớ phá lên cung (Cây đàn thương nhớ- Đinh Trầm Ca)

Cùng Ngược Dòng với Cây Đàn. Cùng đồng cảm với người sở hữu Cây Đàn với tác giả Nguyên Kim tới đây. Cá nhân người viết muốn gửi tới Họ một lời chia sẻ thay cho lời kết bài viết rằng.

Ngày xưa khi Khương Tử Nha đi câu với chiếc cần câu chỉ có sợi dây ở tuổi 60 mà chưa muộn. Thì giờ đây dẫu cho Lòng héo hắt, Mắt đỏ ngầu, Và cho có phải đợi nhiều canh thâu nữa để được nghe, được thấy lại những thanh âm hoà quyện với lời ca cất lên từ Cây Đàn treo trên vách đã lâu ấy, thì cứ đợi chắc chắn sẽ nghe sẽ thấy. Người viết khẳng định vậy bởi người viết tin Cây Đàn đang nằm trong tay một đấng trượng phu "nam nhi chi chí".

Tuy Hoà đầu xuân 2016
Huỳnh Xuân Sơn

8 nhận xét:

  1. Sự đổi thay đã để lại trong lòng bao tiếc nuối.Có thể sẽ mãi lỗi nhịp,khi thời gian chung hòa đã theo cánh nhạn bay vào phương trời thẳm.Sự chờ đợi đã ẩn chứa niềm vô vọng....

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. SỰ ĐỔI THAY! cũng chính là nguyên nhân dẫn đến ánh "mắt đỏ ngầu" Cám ơn anh đã nói hộ điều mà XS chưa dám nói ạ!
      Biết là phải chờ đợi lâu nhưng XS vẫn hy vọng trong vô vọng cô độc là một ngày kia Cây Đàn sẽ cất tiếng anh ạ!
      Chúc anh vui nhé!

      Xóa
  2. Thơ lắm nỗi niềm. Bình thấu tâm can. Ảnh minh họa lại rất lãng tử.
    Chúc em và gia đình một mùa xuân tràn ngập sức xuân nha

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chị ơi! Thơ lắm nỗi niềm thì đúng ròi ạ! Nhưng người bình đã thấu tâm can nhưng chưa nói hết được cái THẤU đó...
      Chị luôn vui khoẻ chị nhé!

      Xóa
    2. Chị ơi! Thơ lắm nỗi niềm thì đúng ròi ạ! Nhưng người bình đã thấu tâm can nhưng chưa nói hết được cái THẤU đó...
      Chị luôn vui khoẻ chị nhé!

      Xóa
  3. Đúng là bài phân tích rất hay đối với bài thơ TNBC với lời bình tuyệt vời
    Chúc tg Huỳnh Xuân Sơn thành công với tư cách là nhà phê bình, cản ơn tg bài thơ rất tuyệt vời Cây Đàn...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. XS cám ơn anh Cường đã ghé thăm lưu lại lời động viên..
      Chúc anh luôn vui khoẻ ạ!

      Xóa
  4. LỜI CẢM ƠN!!!!
    Trước tiên tôi xin chân cảm ơn lời phê bình của Huỳnh Xuân Sơn.Đây là một bức tranh đúng sự thật,sự ngẫu nhiên đồng cảnh ngộ trước 2 mối tình của cha và con mà cây đàn hiện tại treo trên vách đã từ lâu chưa bao giờ gảy lại.Nhà phê bình Xuân Sơn có những lời phê bình chính xác,sâu sắc và tuyệt vời về bài thơ CÂY ĐÀN.Một lần nữa tôi xin trân trọng cảm ơn về lời phê bình trên của Xuân Sơn,đồng thời cảm ơn các bạn đã có lời bình luận,góp ý về bài thơ CÂY ĐÀN.

    Tuy Hòa ngày 27 tháng 3 năm 2016

    NGUYÊN KIM

    Trả lờiXóa