Thứ Sáu, 19 tháng 2, 2016

Đọc DẶN EM của Tác Giả Mai Văn Phấn



Những ngày đầu xuân Bính Thân trên đường rong ruổi khắp dải đất Nam Ngãi Bình Phú người viết gặp rất nhiều hoa Cúc. Nhà nhà trưng hoa cúc, mọi ngả đường đều có hoa cúc. Cúc đại đoá, cúc Kim cương, cúc vạn thọ, và không thể không kể đến những vạt cúc dại màu trắng tinh khôi ven bờ mương, ruộng lúa hay mé sườn đồi. Muôn hoa khoe sắc trong tiết trời se lạnh. Từng khóm, từng bông, từng cánh như gọi như mời người chiêm ngưỡng hoà vào niềm vui rực rỡ của sắc xuân. Dăm cánh bướm nhỏ vẫy cánh đùa rỡn. Bên thềm nhà ai vọng lại tiếng chim gù thao thiết. Trên cao những cánh én chao liệng như muốn chung vui cùng với hoa. Đi giữa trời xuân, nghe tiếng xuân chiêm ngưỡng sắc xuân vậy mà đọng lại trong lòng người viết lúc này lại là hình ảnh của một Bông cúc đã mãn khai và sắp sửa tàn… Bông cúc ấy hiện diện trong bài thơ “Dặn Em” của nhà thơ Mai Văn Phấn.

 Bông cúc ấy sắp tàn/ Nhớ lấy màu hoa/ Đan áo.

Bài thơ với 11 từ cho ba ngắt ý chuyên chở tựa đề “Dặn em” phải chăng là quá ít? Không! Với thể thơ 3 câu (theo cách gọi của Mai Văn Phấn) bấy nhiêu đã đủ cho người đọc có một không gian tha hồ bay bổng cùng những khơi gợi của ý thơ chắp cánh.

Bông cúc ấy sắp tàn

Ngắt ý thứ nhất cho người đọc liên tưởng tới hoa cúc sắp tàn, phải chăng là cuối thu, cũng có thể là đầu xuân. Tùy vùng miền người đọc chiêm ngưỡng. Mùa xuân ở miền Nam cũng như Trung Bộ ngập tràn hoa cúc vàng rực rỡ. Nhưng ngay lúc này người viết muốn đồng cảm cùng bông cúc của mùa xuân. Bông cúc nào rồi cũng tàn phai theo thời gian trôi! Nhưng bông cúc ấy thì lại dẫn người viết theo một đối tượng cụ thể bởi chữ “ấy”! Một bông cúc mà cả người dặn và người nghe đều biết. Người viết cũng có dự cảm của riêng mình cho bông cúc ấy khi sắp tàn... Mang theo suy nghĩ này người viết đến với ngắt ý thứ hai.

Nhớ lấy màu hoa

Vâng! Hoa sắp tàn có nghĩa sẽ không còn lại vẻ rực rỡ nữa... Hoa tàn đi nhưng điều người dặn muốn nói là hãy ghi nhớ màu hoa. Màu vàng, màu trắng, màu tím, màu xanh, Bao nhiêu loài cúc sẽ có bấy nhiêu màu nhưng chỉ muốn em nhớ màu của bông cúc ấy mà thôi. Rồi ngắt ý thứ ba dẫn ta tới việc Đan áo

Nàng Bân xưa đan áo cho chồng xong khi tiết trời đầu xuân nắng ấm. Để rồi có cái rét Nàng Bân cho mãi tới hôm nay vẫn về trao cái lạnh giữa tiết xuân để chàng mặc áo ấm nàng đan. Dặn em: Đan áo hẳn người dặn có lý do sau khi nhắc bông cúc ấy sắp tàn, và cần nhớ lấy màu hoa. Ba ngắt ý của bài thơ đưa người viết đến một dự cảm rằng. Bông cúc ấy đương độ mãn khai. Xuân sắc lắm, tươi tắn lắm, rực rỡ lắm. Bông cúc ấy phải chăng chính là Em, người được Dặn. Khi bước vào độ thu của đời người, Em hẳn đang độ đằm thắm ngời sắc xuân. Vẻ đẹp bên ngoài rồi cũng sẽ phải nhạt phai như bông hoa kia sẽ tàn. Màu hoa sẽ đọng lại trong lòng người chiêm ngưỡng. Nhưng điều quan trọng là việc chuẩn bị đón lúc tàn ấy ra sao. Thu đi, đông đến, xuân mới về, xin đừng tưởng chỉ toàn sắc xuân rực rỡ... Còn những cái rét tái tê mang tên Nàng Bân dù đón đợi hay không nó cũng sẽ đến. Cái rét ấy sẽ về lúc bông cúc sắp tàn. Người dặn mong Em hãy chuẩn bị trước qua ngắt ý Đan áo...
Người dặn sẽ mãi nhớ màu hoa rực rỡ cũng như nhớ vẻ đẹp mặn mà của người phụ nữ tuổi heo may có tâm hồn mẫn cảm sâu sắc. Người dặn đã gửi gắm vào ý thơ, người được dặn có lẽ cũng đã nghe, đã nhận ra và làm theo lời căn dặn. Người viết cũng vừa mới nói nên cảm nhận của mình khi chứng kiến hai người dặn dò nhau! Có thể những cảm nhận trên đây chưa giống với suy nghĩ của phần đông bạn đọc cũng như ý của tác giả.
 Mong nhận được sự lượng thứ!

Tuy Hoà, đầu xuân 2016
Huỳnh Xuân Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét