Thứ Ba, 20 tháng 6, 2017

Cảm nhận bài thơ Thu Về Chưa Em? của tác giả Trần Ngọc Hòa (Hoa Hồng )


Cảm nhận bài thơ Thu Về Chưa Em? của tác giả Trần Ngọc Hòa (Hoa Hồng ) 

Những cơn mưa chiều thưa dần và bớt nặng hạt rơi xuống mảnh đất phương Nam hai mùa mưa nắng, cũng là lúc phương Bắc bước vào mùa thu. Không biết đã bao lần tôi bâng khuâng tự hỏi Thu đã về chưa? Nhìn cánh lá me nhỏ xinh màu vàng rớt lên vai áo, cũng lâng lâng hạnh phúc ngỡ như thu vừa trao tặng. Để rồi lại tự nhủ "lá trút rơi nhiều đâu phải bởi mùa thu".Nhiều lúc bất chợt nghĩ gió heo may lùa trong mái tóc đuổi thời gian hằn lên pha màu muối tiêu rồi ư?. Mang tâm trạng man mác buồn khi thu về của người sinh ra lớn lên ở phương Bắc, nay sống ở phương Nam, phải chăng những điều đó cũng chính là khởi nguồn cho xúc cảm trào dâng khi đọc bài thơ Thu Về Chưa Em của tác giả Trần Ngọc Hòa ( Hoa Hồng)


Thu Về Chưa Em?

Thu đã về chưa em ?
Mà anh nghe trong gió
Điên điển xòe cánh nhỏ
Rủ rỉ lời chân quê.

Thu đã về chưa em ?
Mà dầm ai khua vội
Nhớ nhau mùa nước nổi
Hoa nhà quê trổ vàng.

Em yêu ơi nhà giàn
Bốn phía đều nắng gió
Mùa thiếu hương hoa cỏ
Mùa thiếu lá vàng rơi

Thu về chưa em ơi !
Mà nghe xao xuyến lạ
Lúm đồng xu xinh quá
Lúng liếng cười như hoa.(Trần Ngọc Hòa- Hoa Hồng)

Thu Về Chưa Em? của tác giả Hoa Hồng viết theo thể thơ năm chữ, đòi hỏi phải chắt lọc câu từ, cô đọng ý, nhưng vẫn đảm bảo chuyên chở được tình thơ mênh mang đến người đọc nhanh nhất có thể. Tác giả đã thật tài tình khi sắp xếp câu chữ theo một nhịp điệu có cung bậc âm thanh trầm bổng. Khi đọc bài thơ tôi cứ ngỡ đang ngân nga giai điệu một bản nhạc tình dìu dặt.
Thu Đã Về Chưa Em, cất lên tiếng lòng của một chàng trai là lính biển Nhà Giàn, anh có lẽ là người Phương Nam gửi đến cô gái nơi quê nhà phải chăng là người gốc Bắc. Thu của phương bắc cùng với nắng gió nhà giàn, với hương hoa đồng nội miệt vườn cây trái Nam bộ hoà lên khúc ca có nỗi nhớ thương da diết, có tình yêu quê hương hai mùa mưa nắng, có nỗi nhớ của người con gái mà anh cảm nhận bằng trái tim người lính khi yêu! 

Thu đã về chưa em ?
Mà anh nghe trong gió
Điên điển xòe cánh nhỏ
Rủ rỉ lời chân quê.

Mùa hoa điên điển nở vàng khắp các bờ kênh, rạch, ven bờ đầm lầy ở miền Tây cũng là khi mùa nước nổi tràn về, đồng nghĩa với cuối mùa mưa. Người dân miệt vườn sông nước không hỏi nhau Thu đã về chưa? chỉ có hỏi nhau nước nổi về chưa? Mùa mưa sắp cạn ngày rồi nhỉ? Lời rủ rỉ chân quê anh nghe, phải chăng là lời của hai người yêu nhau đang thì thầm lẫn trong gió biển dạt dào. Hình ảnh bông điên điển xoè cánh nhỏ mới dễ thương làm sao? dễ thương bởi anh hỏi thu về chưa? nhưng anh không nhớ tới lá vàng, gió heo may mà là bông điên điển loài hoa đặc trưng mùa nước nổi. Thu là của quê em! Điên điển là của quê anh! lời tự tình trong gió là ta trao nhau! hình như Hoa Hồng muốn nói thế!

Thu đã về chưa em ?
Mà dầm ai khua vội
Nhớ nhau mùa nước nổi
Hoa nhà quê trổ vàng.

Vẫn lại là câu hỏi ấy! nhưng có chút nôn nao rạo rực ẩn trong từng con chữ của khổ thơ này. Phải chăng mùa thu phương Bắc với hoa cúc vàng trước sân, hoa cải vàng khắp đồng. Rồi mùa nước nổi phương Nam với hoa điên điển rung rinh trong gió. Thu về trong sắc vàng mênh mang khắp hai quê ấy phải chăng là lúc mà họ ghi dấu kỷ niệm sâu nặng với nhau. Có thể ngày cưới, hẹn mùa cưới hay chí ít cũng là ngày họ ngỏ lời với nhau!
Có lẽ là anh vội anh nôn nóng biết Thu về chưa ? nên anh cảm thấy "dầm ai khua vội" đấy thôi! Hai quê đã hoà một, cùng những bông hoa mang màu vàng hương đồng gió nội. Anh vội làm chi nữa, nôn nóng làm chi nữa, Nỗi nhớ trong xa cách chính là hương vị nồng nàn của ngày gặp lại.

Em yêu ơi nhà giàn
Bốn phía đều nắng gió
Mùa thiếu hương hoa cỏ
Mùa thiếu lá vàng rơi

Nỗi nhớ quả thật khó giấu, sau hai lần hỏi Thu về chưa em ơi! bây giờ anh mới nói về mình. Cũng như lời tự tình trước biển trao về với em qua tiếng sóng và cánh gió từ khơi xa. Nhà Giàn thì bản thân tên gọi của nó ai cũng biết nó ở đâu. Xưa nay vẫn cứ nghĩ thiếu nước ngọt, thiếu thốn đủ thứ cho sinh hoạt tối thiểu và thiếu tình cảm gần gũi yêu thương. Nay Anh còn muốn thổ lộ rằng Bốn mùa đều nắng gió, đông qua, xuân đến hạ về đón thu...Nỗi nhớ đan xen giữa hai quê, quê nào anh cũng nhớ và cũng thấy thiếu hoa cỏ phương Nam, lá vàng phương Bắc...anh nhớ thu hẳn có nỗi niềm riêng trong đó. Nỗi niềm này trộn lẫn trong nỗi nhớ về em về đất liền....

Thu về chưa em ơi !
Mà nghe xao xuyến lạ
Lúm đồng xu xinh quá
Lúng liếng cười như hoa.

Lại vẫn là câu hỏi tu từ đặc biệt ấy! Bây giờ là tiếng lòng anh tiếng nhịp tim anh và có lẽ là anh nói với chính mình!
Anh hỏi chỉ để hỏi mà thôi!Anh biết em đã đang và mãi trả lời bằng những lời rủ rỉ chân quê gửi vào trong gió, trong nắng, trong tiếng rì rào của biển. Đọng lại trong anh vẫn là hình dáng thân yêu của người anh yêu thương. Núm đồng xu xinh quá! phải chăng nụ cười như bông hoa e ấp ấy chính là nguồn động viên anh “chân cứng đá mềm” ngày đêm giữ đảo ngoài khơi xa, trên thềm lục địa của quê hương!
Một cuộc độc thoại, một lời tình tự của anh lính Nhà Giàn giữa bốn bề sóng nước Biển Đông thiếu thốn trăm bề, nhưng anh không nói về điều ấy. Tất cả trái tim tình yêu, nỗi nhớ, niềm thương anh gửi gắm về quê nhà, nơi có người anh yêu thương! Có màu hoa yêu thương, có tình quê anh yêu thương. Dẫu phương Bắc bốn mùa hay Phương Nam hai mùa mưa nắng…. Tất cả tình cảm nỗi lòng của người lính ấy được viết ra từ cảm xúc của một người phụ nữ trẻ với tình yêu của chị dành cho những chàng trai lính Nhà Giàn. Thu Về Chưa Em Ơi! Của tác giả Trần Ngọc Hòa đem đến cảm xúc thật đặc biệt với riêng tôi!

Sài Gòn 6/9/2014
Huỳh Xuân Sơn

Cảm Nhận Bài Thơ Ăn Trộm Mùa Thu Của Tác Giả Bình Địa Mộc


Huỳnh Xuân Sơn Cảm Nhận Bài Thơ Ăn Trộm Mùa Thu Của Tác Giả Bình Địa Mộc



Ăn Trộm Mùa Thu

Anh giấu mùa thu giữa đụn mo cau
Chỗ ngày xưa mẹ bó cơm cho cha đi rẫy
Khói bếp thơm thủa cuộn vòng bao dấu hỏi
Năm nay nhuần mưa có kịp về chăng

Anh giấu mùa thu vào chiếc gàu dai
Đêm trăng sáng dân làng rủ nhau tát nước
Giọt mồ hôi như rượu nồng say khướt
Nhỏ xuống đồng vết nứt nẻ chân chim

Anh giấu mùa thu đôi quang gánh bong niềng
Đợi giáp hạt quẩy mái gà tơ đi bán
Củ khoai Sùng ăn… nép mình sau mầm lá
Phiên chợ buồn… rây mịn nỗi lo toan

Anh giấu mùa thu máng xối nhà ngang
Giấc mơ khuya giật mình đánh võng
Con heo nái đói lòng gặm móng
Nồi cám khê thông thốc từ chiều

Anh giấu mùa thu trong ong ống tre
Hạt giống cuối cùng vỡ ối
Nghe mạch chảy thời gian thao thiết gọi
Tiếng tù và hối hả bước đàng trai

Bao năm rồi hồn chửa phôi phai
Giấu hết yêu thương âm thầm vào dĩ vãng
Em có về không để anh còn trao nhẫn
Kết bởi lá vàng ăn trộm mùa thu ...(Bình Địa Mộc)

Nơi tôi sinh ra và lớn lên là một làng quê nghèo thuộc vùng trung du bắc bộ, với bốn mùa yêu thương .Giờ này ngoài ấy đã vào cuối mùa Thu .Lá vàng sắp thôi chơi trò chơi đuổi bắt cùng những cơn gió heo may nhè nhẹ ...Đồng làng đang vào vụ thu hoạch lúa mùa, hương lúa chín, cùng với mùi thơm nồng của rơm rạ ngạt ngào quyện theo những đụn khói tỏa ra từ những chái bếp đang lan xa, bay xa và nó đã tới đây –Vùng đất phương nam chỉ hai mùa mưa nắng.Nơi tôi đang sinh sống!

Tôi cảm nhận được “Hương đồng gió nội” của quê hương xa xôi ấy, là vì tôi đang thả hồn mình theo một dòng thơ,một dòng cảm xúc rất riêng biệt, rất lạ và trên hết là tôi đã tìm được trong bản trường ca mà tác giả gửi gắm(- có thể gọi là tác giả đã “Rút ruột…” để viết). Một đoản khúc về mùa Thu, về quê hương yêu dấu. Để tôi ngồi đây uống từng lời và khe khẽ ngân nga cho riêng mình.

Đoản Khúc Thu ấy chính là bài thơ Ăn Trộm Mùa Thu.Của tác giả Bình Địa Mộc

Năm nay thời tiết không có Nhuần.Nắng mưa có lẽ đúng hẹn.Nhưng với nỗi lòng của người con xa quê, vẫn đau đáu nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn,nơi mà tác giả đã lớn lên trong vòng tay của mẹ trong sự bảo bọc của cha. Để rồi giờ đây viết ra tiếng lòng của một người con xa xứ gửi về nơi ấy.Bằng những lời thơ giản dị , nhưng chứa đầy tình cảm và khơi gợi cho người đọc bao cảm xúc:

Anh giấu mùa thu giữa đụn mo cau
Chỗ ngày xưa mẹ bó cơm cho cha đi rẫy
Khói bếp thơm thủa cuộn vòng bao dấu hỏi
Năm nay nhuần mưa có kịp về chăng

Mở đầu tác giả đã xô tôi "đánh ầm" vào căn hầm bí mật mà tôi cất giữ hơn nửa đời người..Và có lẽ đây cũng là vùng ký ức in đậm trong tiềm thức của tác giả.Hình ảnh đụn mo cau bó cơm sao gần gũi và thân thương thế. Trong thơ anh luôn có những vần thơ rất đặc biệt với tôi. Chẳng hạn như làn khói bếp nhẹ nhàng kia, mỏng manh kia, sao không len lỏi đi đâu? bay đi đâu? Mà lại là “Cuộn vòng bao dấu hỏi”. thật lạ , thật đắt.Anh không chỉ giấu mùa thu vào những ký ức mùa Thu trong hình ảnh trẻ thơ với những suy nghĩ ngộ nghĩnh.Nhưng ẩn trong câu hỏi đó là câu trả lời của thì tương lai.Ta phải chờ đợi vậy…
Thật lạ lùng khi anh lại cất giấu mùa Thu trong:
Anh giấu mùa thu vào chiếc gàu dai
Đêm trăng sáng dân làng rủ nhau tát nước

Ở quê còn có Gàu Sòng nữa ? nhưng ở đây anh lại lấy hình ảnh chiếc Gàu Dai…vì có lẽ gàu dai thì ắt hẳn phải tát nước với hai người? Ý, tình và cảnh làng quê trong thơ hòa quyện vào nhau ở hai câu này rất rõ nét.Tôi tin rằng ngày xưa anh đã có nhiều lắm những đêm đi tát nước, phụ giúp cha mẹ. Nên mới thấu hiểu sâu nặng đến mức:

Giọt mồ hôi như rượu nồng say khướt
Nhỏ xuống đồng vết nứt nẻ chân chim

Cao trào của cảm xúc tác giả gửi vào đây,không còn cho riêng mình nữa mà cho cả cha mẹ, anh chị, em và những người bạn, người hàng xóm và xa hơn nữa là tất cả những người nông dân một nắng hai sương ở ngoài đồng…

Nhưng rồi đến lúc giáp vụ thì lại phải bán đi từ , con “gà mái tơ” để chỉ mong đổi lấy mấy “Củ khoai bị Sùng ăn…” trong một phiên chợ quê nghèo

“Đợi giáp hạt quẩy mái gà tơ đi bán
Củ khoai sùng ăn- nép mình sau mầm lá”

Nỗi lo toan lớn, nặng và không mịn màng dù Tác giả đã muốn” Rây mịn” bằng “Phiên chợ buồn”.thật lạ lùng và xúc động khi thấy tác giả nhớ tới mùa Thu bằng hình ảnh đôi quang gánh đã:”Bong niềng”

Hình ảnh mùa Thu trong tác giả sao mà thân thương, sao mà gần gũi thế.Nhưng cũng xót xa, đau đáu nhiều lắm, lắm đấy.

Tôi như thấy lại tôi. Bên căn nhà tranh nhỏ ngày nào.Trước mái có một ống máng xối bằng cây vầu bắc để hứng nước mưa.

Giờ đây bắt gặp “Anh giấu mùa thu máng xối nhà ngang.” Nhưng lại gặp “giấc mơ khuya giật mình đánh võng.”

Bức tranh quê nghèo đã khắc họa rõ nét, không chỉ con người lúc giáp vụ với hình ảnh củ khoai Sùng ăn nữa, mà đến “con heo nái đói lòng gặm móng” vì “nồi cám khê thông thốc từ chiều”.

Trời ạ. Còn cái hình ảnh nào để khắc họa đắt hơn ngoài từ Thông Thốc ở đây nữa không? Và sao lại không cho nó kêu, réo gọi, phá chuồng mà lại để nó phải Gặm Móng Tác giả ơi!...Tôi cảm nhận ở đây nỗi khổ cùng cực rồi Bình Địa Mộc ạ !

Tất cả những nét vẽ của bức tranh mang gam màu buồn gần như hoàn thiện. Thì bất ngờ tác giả đã cho ta thấy phía chân trời một ánh sáng lóe lên. Một tia hy vọng cho cả một chuỗi những cung bậc cảm xúc mỗi ngày một ảm đạm.

Với hình ảnh “Anh giấu mùa Thu trong Ong ống tre”. Tác giả đã khéo léo so sánh sự cần mẫn của người dân quê với hình ảnh của chú Ong Bầu.

Nhờ chăm chỉ, cần mẫn chịu thương chịu khó nên “Hạt giống cuối cùng vỡ ối” Sự sinh sôi nảy nở đã hiện diện .Tia sáng đã lóe lên “Nghe mạch chảy thời gian thao thiết gọi”.và Hạnh phúc cũng đã mỉm cười “Tiếng tù và hối hả bước đàng trai”…

Hạnh phúc, niềm tin và hy vọng đã song hành để hôm nay dù “Bao năm rồi hồn chửa phôi phai”. Anh vẫn đau đáu, vẫn gói ghém từng kỷ niệm và chỉ để “Giấu hết yêu thương âm thầm vào dĩ vãng”và mỗi khi Thu đến ở giữa một thành phố ồn ào náo nhiệt.chỉ có hai mùa Mưa -Nắng.

Anh vẫn tự hỏi “ Em có về không để anh còn trao nhẫn” và chiếc nhẫn ấy được “Kết bởi lá vàng ăn trộm mùa thu ...”

Không!Tôi tin và Tin chắc rằng anh hỏi chỉ để hỏi? trong anh đã và sẵn có câu trả lời rồi. Bởi cả dòng đời trôi nổi bập bềnh nên thác xuống ghềnh anh phải mang giấu mùa Thu ở khắp mọi nơi từ "đụn mo cau,gàu dai,quang gánh đã bong niềng,máng xối nhà ngang, hay Ong ống tre....Bây giờ cuộc sống của anh đã cập bến bình yên, và vẫn chưa yên tâm với những nơi mà mình cất giấu ấy.Năm nay nếu mùa Thu về thì anh sẽ "Trao nhẫn".... Đồng nghĩa với việc anh đã quyết định mang những nỗi niềm, ký ức về mùa Thu cất giấu ở trong Tim mình. Ở nơi này anh sẽ không còn phải trở trăn và sợ bị ai Ăn trộm nữa

Thu sẽ về trong anh.Mùa Thu đã cùng anh lớn lên, cùng anh đi qua những tháng năm gian khổ.Mùa Thu cùng anh yêu, cùng anh sống trong hồi ức, cùng anh đến muôn phương.Và, Thu luôn luôn ngự trị trong trái tim anh ,người xa quê đau đáu nhớ về cội nguồn của mình.Một thời khó khăn ,gian khổ…

Cám ơn tác giả Bình Địa Mộc với một dòng thơ đặc biệt...nó đặc biệt với tôi bởi tôi tìm được trong thơ anh nhạc điệu của bài thơ theo nhịp đập của trái tim mình và sự bình dị, ngôn từ không quá cầu kỳ chau chuốt.Nhưng bằng những tứ thơ sâu sắc được viết ra từ tận trong sâu thẳm tâm hồn của một người từng trải.Rất giàu cảm xúc và quá giầu vốn sống và vốn từ ...và đặc biệt là bài thơ Ăn Trộm Mùa Thu.

Tôi đã đọc và cảm nhận Ăn Trộm Mùa Thu với tấm lòng của một người yêu và thích đọc thơ..Đây là cảm nhận của cá nhân tôi, có thể tôi chưa hiểu hết được ý, tình, và trên hết là cái hồn của bài thơ mà tác giả gửi gắm tâm tư tình cảm của mình.Xong do tôi đã tìm thấy mình, thấy quê hương mình trong bài thơ này . Rất mong sự lượng thứ từ tác giả và bạn đọc nếu có gì sai sót.


Sài Gòn 8/10/2013
Huỳnh Xuân Sơn

Cảm Nhận Bài Thơ Em Bé Đánh Giầy Của Tác Giả Việt Năm



Trời chiều Đà Lạt lạnh, với cái lạnh rất đặc trưng của xứ ngàn hoa. Quán cà phê Bích Câu gió lồng lộng thổi, tăng cái lạnh thêm nữa. Quấn thêm vòng khăn vào cổ, cài thêm mấy khuy áo lạnh. Tôi vẫn giữ nguyên ý thích ngồi ở ngoài trời chứ không vào nhà kính. Dẫu anh và các con tôi muốn vào, cuối cùng tôi vẫn là nhất, cả nhà theo ý tôi.
Một cậu bé đánh giầy đi ngang mời. Con trai tôi định để nguyên đôi giầy đang mang trên chân cho cậu bé đánh xi. Anh bắt con cởi giầy ra đưa cho cậu bé...
Rồi bắt đầu anh kể về những vui buồn, trong những năm tháng anh rong ruổi xách hộp đồ gỗ đi đánh giầy, cho mẹ con tôi nghe…
Câu cuối tôi nhớ như in. anh dạy con dù mình có thuê người ta đánh giầy , người ta làm để lấy đồng tiền của mình. Mình vẫn cần phải tôn trọng người ta, dù em ấy còn nhỏ hơn con. Không được phép coi thường người khác trong bất kỳ hoàn cảnh nào!
Bất kỳ ai. Bất kể họ làm gì họ vẫn có lòng tự trọng của riêng họ. Nếu con không khéo sẽ làm họ tổn thương mà không biết.

Giờ đây về lại nhà, mở máy lại gặp bài thơ với tựa đề Em Bé Đánh Giầy của tác giả Lê Thị năm. Câu chuyện cậu bé đánh giầy hồi chiều tái hiện trong thơ chị. Tôi thấy mình muốn viết một chút cảm nhận về bài thơ này. Và tôi đã viết ngay sau khi đọc bài thơ. Dù mới gửi duyệt chưa được xuất bản.

Em Bé Đánh Giầy

Em lếch thếch ôm đồ nghề rảo bước
Bỗng nghe kêu: "Ê nhóc đánh giầy".

Chú ngắm mình rồi gác chân lên ghế
Sợ gãy ly quần xấu bộ com lê.

Em mừng rỡ chạy lại:"Vâng thưa chú!
Con đánh giầy bằng xi ngoại chú nha"?

Rồi cẩn thận lựa quanh chân em đánh
Giầy bóng lên tôn bộ cánh chú mang.

Chú hất hàm: "Bao nhiêu hả nhóc"?
Dạ mười ngàn! Thưa chú con xin. (Việt Năm- Lê Thị Năm)


Với mười câu thơ tự do, chỉ khắc họa Em Bé Đánh Giầy và người khách của mình. Hai con người sống trong xã hội, hai tầng lớp khác nhau. Một cháu “lếch thếch” và một Chú ….

Bài thơ được mở ra là hình ảnh “ Em lếch thếch ôm đồ nghề rảo bước” và niềm vui đã đến với em khi Em “bỗng nghe kêu…”.Em mưu sinh bằng nghề đánh giầy. Chắc hẳn sẽ rất vui khi nghe: “Ê nhóc đánh giầy”. Người kêu là ai thì em vẫn nở nụ cười tươi rói. Bởi lẽ thường thì em phải mời chào và mong có khách.
Tiếng kêu của người khách làm em vui. Nhưng có lẽ cũng từ tiếng kêu ấy. Tác giả của chúng ta mới để ý và bài thơ ra đời..bởi hành động hay bởi cái nhìn của người khách .
Câu thơ tả thực “chú ngắm mình…” có gì đâu khi khách kêu và ngắm nhìn cậu bé . tác giả không nói cái nhìn của Chú ấy ra sao? Hay ánh mắt Chú ấy thế nào? nhưng hành động của Chú sau khi “ngắm nhìn” thì “gác chân lên ghế”. Tác giả lý giải cho hành động không đẹp ấy của Chú là do “sợ gãy ly quần xấu bộ com lê”.

Không cần miêu tả gì thêm về người khách này nữa. Với hình ảnh “bộ com lê”thẳng ly, khoác trên người khách ấy. chứng tỏ Chú là người sang trọng. Đối lập với “em lếch thếch” hình ảnh của người lao động nghèo.

Nhưng đâu có nề hà chi. Chú đã kêu, đã ngắm nhìn Em rồi. Em chỉ việc “mừng rỡ chạy lại” và rất lễ phép trong cách giao tiếp em nói: “Vâng thưa chú! Con đánh bằng si ngoại chú nha”. Thêm một dấu hiệu nữa, tác giả cho ta thấy, chị đã quan sát rất kỹ, hành động, cử chỉ, lời nói của hai nhân vật .

Hai câu thơ tiếp tác giả viết :”Rồi cẩn thận lựa quanh chân em đánh” vậy là em đã đánh giầy khi đôi giầy vẫn đang ôm ấp đôi chân của người khách, và có lẽ đôi chân ấy vẫn đang “gác trên ghế”. Nhưng với em thì không sao cả . Bởi em đã cẩn thận làm xong và đôi “Giầy bóng lên tôn bộ cánh chú mang.”

Em làm xong công việc của mình!lẽ thường thì cũng chưa có gì để mà phải trách cứ người khách sang trọng trong bộ “com lê” kia. Nếu như không có hành động “Chú hất hàm” …

Thật tình thì tôi đã thử tự ý thay nhiều từ vào chỗ động từ Hất hàm kia như: Chú nhẹ nhàng, chú dịu dàng, chú ân cần, chú hỏi nhỏ, hay là chú hỏi em…tất cả đều vô duyên khi đi kèm với câu nói: “Bao nhiêu hả nhóc”…nó chỉ phù hợp khi đi cùng bao nhiêu hả con?, bao nhiêu hả cháu?, hay là bao nhiêu nhỉ?

Nhưng không, Chú đã thể hiện mình là một người Sang trọng, ngay cả bộ quần áo là vật ngoài thân kia, khi đi với chú nó phải luôn hoàn hảo. Chỉ có một điều chú đã không hoàn hảo trong cách “đối nhân xử thế” …

Còn cậu bé đánh giầy lôi thôi “lếch thếch”, mưu sinh trên đường phố kia, thì ngược lại với Chú . Em lại thêm một lần rất lễ phép “dạ mười ngàn!” với một người như chú em có thể dừng lại ở câu này. Cũng không ai chê trách gì em. Nhưng không em nói tiếp “Thưa chú con xin.”

Em đã bỏ công sức, bỏ vốn ra để đổi lấy tiền, vốn và tiền công của mình. Vậy mà em vẫn biết làm cho người khác vui lòng với động từ “con xin”. Em không cần phải xin mới đúng.
Hai nhân vật. Đại diện cho một bộ phận những người, thuộc hai tầng lớp đối nghịch, trong xã hội hôm nay. Ta có thể bắt gặp rất nhiều trong cuộc sống xung quanh mình. Đã được tác giả đưa vào bài thơ qua một góc nhìn mà chị đã quan sát rất kỹ càng.

Em dù nghèo. Dù nhỏ và phải vất vả mưu sinh nhưng mọi lời nói hành động của em làm cho người khác khi nhìn khi nghe rất vừa lòng và cảm mến.
Chú khách sang trọng và có lẽ giàu có kia thì lại tỏ ra là người trên trước. Coi thường người khác, không tôn trọng sức lao động mà họ đánh đổi để lấy đồng tiền của mình .

Mùa xuân đang về, có lẽ ngoài kia Em Bé Đánh Giầy vẫn mãi miết đi qua các con phố. Cầu chúc em gặp may mắn trên bước đường mưu sinh của mình. Và mong sao em gặp càng ít những người khách như Chú khách hôm nay càng tốt. Cầu chúc cho em luôn có khách gọi đều đều mỗi ngày, vì vốn dĩ công việc của em là nghề Đánh giầy, cần có khách để làm việc và sinh sống...

Sài Gòn 11/1/201
Huỳnh Xuân Sơn

Cảm Nhận Bài Thơ Thư Xuân Gửi Cho Vợ Yêu Của Tác Giả Vũ Hải Châu CGS.SPQNK10



Xuân về, khiến tâm hồn và tình cảm con người cũng rạo rực theo tin xuân. Các ông, các bà, mong tới ngày xuân, gặp mặt đông đủ con cháu quây quần xum họp. Mấy cô, mấy chị tíu tít lo làm bánh mứt. với các bạn trẻ chờ xuân đến cũng là dịp để bày tỏ tình yêu. Người đã luống tuổi thì xuân về hay hoài niệm. Người để trong lòng, người viết ra nhạc, ra chuyện còn các thi sĩ dù chuyên, hay không chuyên, thì hẳn nhiên là gửi hoài niệm trong lòng mình vô những câu thơ .

Xuân Quý Tỵ về. Cũng là lúc tôi đang tập tễnh viết đôi câu gọi là thơ, và tôi gặp một bài thơ cũng là nỗi niềm của nhà giáo vừa vể hưu viết cho vợ mình :

Thơ Xuân Gửi Cho Vợ Yêu

Én về , mai nở báo xuân sang
Nắng mới ngoài hiên óng ánh vàng
Bướm lượn dập dìu trên giậu thắm
Líu lo chim hót dưới trời quang

Tết đến anh càng thương em hơn
Đắn đo sắm sửa cho mâm cơm
Rồi còn bánh mứt , trà tiếp khách
Lương giáo , lương còm ... giá lên cơn !

Theo anh từ thủa tuổi đôi mươi
Vu quy áo cưới dù kém tươi
Đón dâu , chàng rể quên hoa cưới
Ngấn lệ rưng rưng vẫn mỉm cười

Từ ấy thương anh , em chắt chiu
Bảng đen , phấn trắng đời hắt hiu
Nhìn con khôn lớn em thường bảo
Hạnh phúc nào hơn , buổi xế chiều

Em ơi , anh mãi mãi yêu em !
Có em , xuân sẽ mãi êm đềm
Bên em , xuân sẽ càng thêm thắm
Yêu em , xuân đến càng yêu thêm .(Vũ Hải Châu)



Kể từ lúc được đọc bài thơ này tới nay, đã thêm một mùa xuân mới, một cái tết nữa. Nhưng những câu thơ tự do, chân chất, mộc mạc, nhưng tràn đầy tình cảm, cứ tự nhiên ngự trị trong tôi, để mỗi khi có dịp nó lại về lung linh trước mặt .

Tác giả Vũ Hải Châu là một nhà giáo đã nghỉ hưu, Người đầu ấp tay gối của anh vẫn còn đang theo nghề. cuộc sống thanh đạm của hai nhà giáo sống giữa thành phố biển Qui Nhơn, cứ lặng lẽ trôi theo dòng đời. Lúc khó khăn của thời bao cấp, hay lúc thanh nhàn bởi con cái đã trưởng thành. Thì tình cảm họ giành cho nhau vẫn ngọt ngào như ngày nào mới gặp.

Tết Quý Tỵ cũng vậy, trong khi chị đang chuẩn bị bánh mứt để đón tết, thì anh ngồi trước nhà và anh nhận ra cảnh sắc mùa xuân xung quanh tổ ấm hạnh phúc của mình:

Én về , mai nở báo xuân sang
Nắng mới ngoài hiên óng ánh vàng
Bướm lượn dập dìu trên giậu thắm
Líu lo chim hót dưới trời quang

Vẫn là những tin xuân đơn giản, Én về, Mai nở, nắng và đâu đây quanh nhà vang thêm tiếng “líu lo chim hót”. Bầu trời quang đãng với “nắng óng ánh vàng”.

Xuân về với anh sao đẹp thế, nhịp thơ như tiếng ngân vui hạnh phúc trong lòng, hòa vào từng câu, từng chữ. Ta cảm nhận thấy xuân tươi vui, rộn ràng. Có lẽ cảm xúc xuân đó cũng chính là cảm xúc trong lòng anh chăng? .
Ta hãy cùng bước vào chính nỗi niềm trong anh.
Xuân về anh cảm nhận cảnh sắc xuân như vậy, nhưng ngược lại trong lòng anh là :

Tết đến anh càng thương em hơn
Đắn đo sắm sửa cho mâm cơm
Rồi còn bánh mứt , trà tiếp khách
Lương giáo , lương còm ... giá lên cơn !

Với đồng lương eo hẹp của hai nhà giáo, hàng ngày vốn đã phải chắt chiu rồi. Nay vật “giá lên cơn”, mà khi tết đến nào đâu chỉ có mâm cơm thanh đạm như ngày thường . Mà còn “bánh mứt, trà tiếp khách”. Bao nhiêu khoản phải chi, nhưng lương thì không phải là “nồi cơm Thánh Gióng” nó vốn đã bị đóng khung bấy nhiêu đó rối!

Tác giả không nói hàng ngày thì sao? Anh giành tình cảm cho chị thế nào? Nhưng nay anh viết “Tết đến anh càng thương em hơn”.Chỉ một câu thơ thôi mà cho ta cảm thấy lúc nào anh cũng thương chị. Vừa phải dạy học, vừa phải lo vén khéo cho gia đình .

Từ tình thương yêu giành cho chị mà anh cảm nhận được khi tết đến. Anh dắt ta ngược dòng về cột mốc họ gặp nhau:

Theo anh từ thủa tuổi đôi mươi
Vu quy áo cưới dù kém tươi
Đón dâu , chàng rể quên hoa cưới
Ngấn lệ rưng rưng vẫn mỉm cười

Kỷ niệm có lẽ anh nhớ và thương chị nhất là ngày cưới. Ngày ấy mới sau biến cố năm 1975. Anh chị cưới nhau trong hoàn cảnh khó khăn cùng cái khó khăn chung của toàn xã hội. Nên ngày hạnh phúc không được như ý anh chăng? Vẫn có áo cưới vu quy, nhưng lại là “kém tươi” và khi : “Đón dâu” thì thật khó tin, nhưng đó là sự thật : “Chàng rể quên hoa cưới”. Chị yêu và thương anh nên chỉ “ngấn lệ rưng rưng” thôi. Còn miệng thì “vẫn mỉm cười”.

Vậy là từ đó họ nên duyên hạnh phúc. Vừa dạy học vừa lo vun vén gia đình. Để đảm bảo cuộc sống có được bữa rau bữa cháo thời bao cấp. Hay những bữa cơm no đủ sau này, chị đã phải:”chắt chiu”: anh biết và anh càng thương yêu chị hơn là vì vậy chăng.

Những câu thơ dạt dào tình cảm vẫn đang nối tiếp:

Từ ấy thương anh , em chắt chiu
Bảng đen , phấn trắng đời hắt hiu
Nhìn con khôn lớn em thường bảo
Hạnh phúc nào hơn , buổi xế chiều

Dẫu là có từ “hạnh phúc” và chị vẫn “thường bảo” chẳng có “hạnh phúc nào hơn” nhưng sao cả khổ thơ vẫn man mác nỗi niềm . Có lẽ tại câu “bảng đen phấn trắng đời hắt hiu”. Câu thơ này như một tảng đá “ngàn cân” níu cả khổ thơ trùng xuống.
Bây giờ thì đã qua hết sóng gió thác ghềnh rồi, mặt sông lặng sóng. Chị “nhìn con khôn lớn” ở “buổi xế chiều” mà cảm nhận được không có “hạnh phúc nào hơn”. Điều đó không phải gia đình nào cũng có!
Một khổ thơ kết thật tuyệt vời!

Em ơi , anh mãi mãi yêu em !
Có em , xuân sẽ mãi êm đềm
Bên em , xuân sẽ càng thêm thắm
Yêu em , xuân đến càng yêu thêm .

Bao nhiêu sóng gió, thăng trầm của thời cuộc. Cũng như của cuộc đời đã trôi qua. Để giờ đây bước vô tuổi xế chiều. Anh chị bên nhau tràn đầy hạnh phúc. Những câu thơ anh viết ở khổ kết đã nói đủ, nói hết, về tình thương yêu, niềm cảm mến anh giành cho người đầu ấp tay gối của mình suốt mấy chục năm qua.

Anh chị giờ đây tóc đã pha sương. Người về nghỉ hưu vui chăm sóc cây cảnh, và làm thơ, sưu tập những khoảnh khắc đẹp của cuộc sống. Người còn đang miệt mài với phấn trắng bảng đen. Nhưng tình yêu họ giành cho nhau thì vẫn tươi trẻ như ngày nào mới gặp và yêu nhau!

Nhân dịp xuân Giáp Ngọ. Tôi xin viết đôi dòng cảm nhận về một bài thơ mà tôi yêu thích. Của một tác giả mà tôi quý trọng, dẫu chỉ gặp anh có đôi lần. Nhưng có hề chi ông bà ta đã dạy rằng: “Văn thơ thể hiện tính người”. Tôi luôn nhớ điều này mỗi khi đọc và cảm nhận một bài thơ, hay đọc một đoản văn, của bất kỳ một tác giả nào. Và hôm nay với Thơ Xuân Gửi Cho Vợ Yêu của tác giả Vũ Hải Châu cũng với tâm tình như vậy!

Sài Gòn Mùng 4 tết Giáp Ngọ
Huỳnh Xuân Sơn

Cảm Nhận Bài Thơ Nhớ Mẹ Của Tác Giả Phương Dung



Đã từ lâu lắm rồi tôi có thói quen nghe nhạc không giống ai, khi vui tôi nghe nhạc buồn, khi buồn tôi nghe nhạc vui. Đặc biệt khi tập trung làm việc gì thì bên tai phải có tiếng nhạc không lời của những bản nhạc mà tôi thích.Vậy mà buổi chiều nay tất cả đảo lộn, khi nhà hàng xóm mang về một giàn nhạc rất lớn, Ông chủ trẻ mở bài hát Mừng Tuổi Mẹ của nhạc sỹ Trần Long Ẩn. Trong khi tôi đang viết bài và nghe nhạc không lời của nhạc sỹ Nguyễn Ánh Chín. Bên kia từng lời hát trèo qua phòng tôi: “Mỗi mùa xuân sang. Mẹ tôi già thêm một tuổi.Mẹ tôi già thêm một tuổi. Mỗi mùa xuân sang ngày tôi xa mẹ càng gần …”( mừng tuổi mẹ-Trần Long Ẩn)Tôi tắt nhạc của mình và ngồi đón từng lời nhạc từ bên ấy, dòng nhạc về Mẹ cứ tiếp nối... “Lòng mẹ bao la như biển thái bình dạt dào.Tình mẹ tha thiết như dòng suối hiền ngọt ngào. Lòng mẹ êm ái như đồng lúa chiều rì rào (Lòng Mẹ-Y Vân). Thả hồn theo giai điệu sao cảm thấy nhẹ nhàng êm ái quá.Bất giác tôi nhớ ra bài thơ của một tác giả nữ ở tận châu Úc xa xôi.Chị viết về mẹ với tất cả nỗi nhớ thương vô bờ người mẹ đã 97 tuổi của mình. Đúng là “Mẹ già như chuối ba hương. Như xôi nếp một, như đường mía lau” (Thơ cổ-khuyết danh).Từ bên kia bờ đại dương chị viết nỗi lòng gửi về Mẹ

Rằm tháng bảy trăng về soi nỗi nhớ
Nhớ Mẹ già còm cõi ngóng tin con
Trăng viễn phương nghe giá buốt tâm hồn
Thương nhớ lắm ! Mẹ tuổi già xế bóng .

Mở đầu dòng tình cảm gửi mẹ. Chị viết với nỗi niềm tha thiết,với tình cảm nặng trĩu nỗi nhớ thương và như có chút lo lắng … Có lẽ chị đã nghĩ chắc chỉ có Trăng rằm tháng bảy mới soi tỏ được nỗi nhớ nhung này của chị thôi. Chị ngồi viết về người mẹ tuổi gần trăm. Đang ngày đêm mòn mỏi ngóng cô con gái út với nỗi nhớ thương.. Chị cảm thấy ánh trăng xứ người này cũng nghe thấu nỗi lòng tê tái trong chị .Ở khổ sau chị nhớ mẹ nhưng lại viết về tình cảm mẹ chị dành cho người cha đã quá cố của mình.
Buồn hiu hắt khi Ba rời xa Mẹ
Tình vuông tròn đã hơn 80 năm
Tiễn đưa Ba, Mẹ đau xót trong lòng
Tui ở lại ông ơi! sao đành bỏ.

Ba Mẹ chị sống hạnh phúc bên nhau tám mươi năm (80 ) vuông tròn. Cho tới ngày ba chị về với ông bà tổ tiên .Ba chị đi trước. Mẹ chị đã trên chín chục tuổi phải ngồi xe lăn khi đưa chồng về lòng đất.Hình ảnh chị viết :
Khăn tang trắng đưa chồng về với đất
Ngồi xe lăn mếu máo với tay chồng
Mắt lệ mờ Mẹ dõi chiếc xe tang
Đưa về đất tình trăm năm của Mẹ.

Hình ảnh cảm động vô cùng một cụ bà trên chín chục tuổi, đầu đội khăn trắng, ngồi xe lăn mếu máo vẫy theo chiếc xe tang từ từ lăn bánh, rời xa bà để “Đưa về đất tình trăm năm của Mẹ.” Chị viết với nỗi lòng của đứa con xa xứ, mang trong mình vĩnh viễn hình ảnh đó, nên khổ thơ này sâu lắng và nặng trĩu tình cảm.

Tình cảm Mẹ chị giành cho Ba chị, tình cảm chị giành cho Mẹ mình và có lẽ hình ảnh này nó sẽ làm cho trái tim bất kỳ ai nhìn thấy hoặc cảm nhận khổ thơ này, đều phải xúc động theo.Dòng cảm xúc của chị được nối tiếp:

Tết năm đó con lại về với Mẹ
Mừng tuổi Ba con thắp nén hương buồn
Mẹ chắp tay lời khấn nguyện yêu thương
Con ôm Mẹ thì thầm thương Ba quá.

Ba chị đã về chốn cửu tuyền. Nhưng tình cảm của Mẹ chị, của các anh chị em và đặc biết là của cô con gái út là chị, thì ông vẫn còn đâu đây. Quấn quýt bên vợ con và các cháu, chắt. Để mỗi khi có dịp xà vào lòng mẹ chị lại thổ lộ tình thương ấy, để an ủi mẹ và an ủi cả cho chính chị nữa.

Cho đến bây giờ chị mới viết về tình cảm của chị giành cho Mẹ. khi mà Ba chị đi xa đã ba năm. Mẹ chị đã phần nào nguôi ngoai một chút. Chị mới bớt đi nỗi lo Mẹ nhớ thương và đi theo Ba.Là phận con dẫu thương mẹ tới đâu, thì chị cũng chỉ biết thành tâm cầu nguyện. Xin ơn trên phù hộ cho mẹ được mãi yên vui, cùng đàn con và các cháu.. Từ trong sâu thẳm trái tim mình suy nghĩ trong chị bật lên thành thơ chị viết:
Nay Mẹ đã 97 rồi Mẹ nhỉ
Con khẩn cầu Mẹ luôn mãi yên vui
Khăn tang Ba theo hương khói năm rồi
Mẹ vui vẻ cùng đàn con, đàn cháu.

Tới khổ kết nhịp thơ như chùng xuống? như khắc khoải? chị viết mà như âu lo. Mặc dù những khổ trước chị đã thấy mẹ có niềm vui cùng con cháu rồi. Mà sao giờ đây chị viết với tâm trạng không vui, mặc dù điều ao ước là vô cùng lớn lao trong mùa vu lan báo hiếu, chị hỏi và chị ao ước vào khổ kết
Rằm tháng bảy mùa Vu Lan báo hiếu
Con làm gì để mắt Mẹ mãi vui ?
Trong tim con ao ước sự diệu kỳ
Mẹ luôn khỏe để con hoài ôm Mẹ .

Có lẽ khi viết tới đây, chị cũng như tôi lúc này đang nghe “Mẹ già như chuối chín cây...!”.Chị hiểu điều này, tôi biết điều này, bạn biết điều này...và chúng ta ai cũng mong gió đừng lay... Dẫu chị đã sáu chục tuổi và Mẹ chị đã chín mươi bảy tuổi rồi. Nỗi lo này quyện vô hồn thơ, tình thơ của chị và vương vấn trong lòng tôi và có lẽ là có trong lòng người đọc. Ngay lúc mà chị đang viết đến đây tôi cầu mong chị cũng được như tôi bây giờ, đang nghe thêm một khúc nhạc nữa: “Dù biết như thế tôi vẫn phải tin. Tôi vẫn phải tin Mẹ đang còn trẻ . Mỗi mùa xuân về Mẹ thêm tuổi mới! Mỗi mùa xuân mới! mỗi mùa xuân mới con mừng tuổi mẹ” (Mừng Tuổi Mẹ-Trần Long Ẩn )

Một bài thơ tình cảm được viết theo thể thơ tự do, với câu từ giản dị không trau chuốt cầu kỳ, không dùng nhiều kỹ thuật. Nhưng bài thơ này được viết ra từ trong sâu thẳm trái tim người thiếu phụ đã sáu mươi tuổi về nỗi Nhớ Mẹ. Nên nó hòa quyện được tất cả tình cảm nỗi nhớ thương, mong ngóng và xen chút âu lo.của một người con dành cho Mẹ mình.

Bài thơ cũng đã diễn tả được tâm trạng chung của tất cả những ai đang còn Cha Mẹ già, mà không được kề cận gần bên.

Cám ơn tác giả Phương Dung cùng bài thơ Nhớ Mẹ đã cho tôi có cảm xúc viết bài viết này. Có thể tôi chưa cảm nhận hết được ý thơ, hồn thơ và trên hết là những tâm tư tình cảm, mà chị muốn gửi gắm vào bài thơ này. Xin tác giả và bạn đọc hãy coi đây là tình cảm của cá nhân tôi giành cho một bài thơ mà tôi đồng cảm.

Và đây là bài thơ ấy

NHỚ MẸ

Rằm tháng bảy trăng về soi nỗi nhớ
Nhớ Mẹ già còm cõi ngóng tin con
Trăng viễn phương nghe giá buốt tâm hồn
Thương nhớ lắm ! Mẹ tuổi già xế bóng .




Buồn hiu hắt khi Ba rời xa Mẹ
Tình vuông tròn đã hơn 80 năm
Tiễn đưa Ba, Mẹ đau xót trong lòng
Tui ở lại ông ơi! sao đành bỏ.




Khăn tang trắng đưa chồng về với đất
Ngồi xe lăn mếu máo với tay chồng
Mắt lệ mờ Mẹ dõi chiếc xe tang
Đưa về đất tình trăm năm của Mẹ

.

Tết năm đó con lại về với Mẹ
Mừng tuổi Ba con thắp nén hương buồn
Mẹ chắp tay lời khấn nguyện yêu thương
Con ôm Mẹ thì thầm thương Ba quá.




Nay Mẹ đã 97 rồi Mẹ nhỉ
Con khẩn cầu Mẹ luôn mãi yên vui
Khăn tang Ba theo hương khói năm rồi
Mẹ vui vẻ cùng đàn con, đàn cháu.




Rằm tháng bảy mùa Vu Lan báo hiếu
Con làm gì để mắt Mẹ mãi vui ?
Trong tim con ao ước sự diệu kỳ
Mẹ luôn khỏe để con hoài ôm Mẹ ..(Phương Dung)




Sài Gòn 21/10/2013

Huỳnh Xuân Sơn

Cảm Nhận Bài Thơ Tóc Rối Của Tác Giả Đông Oanh (Cựu Giáo Sinh SPQN K13, Cựu HS.NTHQN)



Ca khúc Tóc Mây của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ, với những ca từ khiến bất cứ ai yêu cái đẹp, cũng đều chết mê chết mệt về một Nàng trong hình ảnh Tóc Mây

Mùa hè vui đôi chân chắp cánh
Tóc mây hồng cho mắt long lanh
Trời mùa đông môi em thắp nắng
Tóc mây dài chân vui đường vắng
Rồi mùa xuân cây thay áo mới
Tóc mây vàng cho nắng thêm tươi

Ba mùa đẹp đi với ba cung bậc cảm xúc tuyệt diệu như vậy. Cứ ngỡ đâu, Tóc Mây sẽ thăng hoa và cập bến tình tuyệt đẹp vào mùa thu thì bất ngờ gặp cảnh:

Rồi mùa thu xôn xao lá úa
Tóc mây buồn phủ kín tim tôi
Ôi tóc mây bay ru lên điệu buồn
Sợi tình theo gió vỗ cánh bay xa

Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ có lẽ nào lại để cho hình ảnh mái tóc mà ông gọi là Tóc Mây phải cô đơn… nên hai câu kết của ông ít nhiều an ủi cho tôi. Để tôi không bị hụt hẫng

Ôi tóc mây thơm men say lạ thường
Tình ta xanh lá tóc mây không vàng. (Phạm Thế Mỹ)
Tại sao tôi lại đi tìm Tóc Mây làm niềm vui thưởng thức cho mình. Bởi tôi là một trong những người yêu lắm những mái tóc đẹp, trong khi tôi lại vừa bắt gặp ở chị Đông Oanh, người bạn lớn. Một Tóc Rối ngậm ngùi và rất nhiều cảm xúc đang cuốn tôi theo:

Tóc Rối!

Chắc gì mình hạnh phúc
Nếu kiếp này có nhau
Chỉ mong sao người ấy
Sống nghĩa tình với ai

Mộng xưa vùi dĩ vãng
Nhắc lại thêm bẽ bàng
Lời thề trăm năm ấy
Theo gió thoảng mây bay

Kiếp sau nếu gặp lại
Chẳng biết có đổi thay
Nếu cũng như kiếp này
Thà đừng cùng chung lối

Cuộc đời như tóc rối
Thanh thản chải từ từ
Từng sợi từng sợi một
Sẽ thấy mình bình an - (Đông Oanh)

Bài thơ được chị viết theo thể thơ ngũ ngôn. Một trong những thể thơ đòi hỏi người viết phải chắt lọc câu từ sao cho ý thơ cô đọng nhất có thể.

Tôi đã thật sự bất ngờ với Tóc Rối khi chị viết :

Chắc gì mình hạnh phúc
Nếu kiếp này có nhau
Chỉ mong sao người ấy
Sống nghĩa tình với ai

Có lẽ là chị viết cho Cố nhân của chị.Và, quan trọng là để chị tự an ủi mình đừng tiếc nuối, đừng đau khổ vì cuộc tình đổ vỡ này nữa thì phải.
Nếu đúng thì có lẽ chị đã đau khổ rất nhiều...Để rồi khi rũ bỏ được niềm đau ấy chị bật lên “chắc gì mình hạnh phúc./ Nếu kiếp này có nhau”..Nhưng bởi từ đáy lòng có lẽ chị còn thương "người ấy" nên mới có “chỉ mong sao người ấy. Sống nghĩa tình với ai”.
Thật không dễ gì thốt ra lời thơ ấy ! nhưng may mắn là chị đã nghĩ được và viết ra được. Mong rằng chị sẽ nhẹ lòng hơn. Khi viết tiếp:

Mộng xưa vùi dĩ vãng
Nhắc lại thêm bẽ bàng
Lời thề trăm năm ấy
Theo gió thoảng mây bay

Đây chính là lý do để cho chị phải đau khổ, người ấy đã phụ tình chị, dẫu đã có giữa hai người “lời thề trăm năm”. Vậy mà vì ai ? và vì đâu? Mà nó đã “theo gió thoảng mây bay”. Vâng rất đồng ý với chị là hãy đem nó "vùi dĩ vãng, chẳng nên "nhắc lại" làm gì. Bởi một lần nhắc là thêm một lần cảm thấy "bẽ bàng" mà thôi.
Biết vậy nhưng có lẽ vì chị là người nặng tình lắm lắm nên chị vẫn hy vọng ở tận “kiếp sau”:

Kiếp sau nếu gặp lại
Chẳng biết có đổi thay
Nếu cũng như kiếp này
Thà đừng cùng chung lối

Hy vọng là điều rất cần thiết cho bất kỳ ai, bất kỳ chuyện gì trong cuộc sống. Nhưng cái hy vọng của chị ở đây sao nó chua xót lắm chị ơi!

Niềm hy vọng nếu chỉ là “gặp lại” thì có lẽ sẽ khác hơn...Nhưng chị hy vọng “người ấy” “đổi thay” thì mong manh quá. Với hai từ “chẳng biết” ở đây thì có lẽ, chị đã gần như chắc chắn về kết quả niềm hy vọng ở mãi tận kiếp sau kia cũng chẳng sáng sủa gì.

Có lẽ là vậy nên chị lại quay về để tự thì thầm với chính mình: “Thà đừng chung lối”, chữ “thà”chị đặt ở đây sao như đang nếm vị “đắng nghét” của hương vị tình yêu thêm vậy chị ơi ! Có lẽ là chị đã nhấm nháp vị đắng ấy, sau khi nếm trải sự chua xót ở trên. Cảm nhận cuộc tình có "chua xót” cùng với “đắng nghét” là bởi câu thơ “nếu cũng như kiếp này” đi trước cái quyết định dứt khoát “Thà đừng” kia.

Và đây là những điều chị muốn nói với chính mình và với những ai có cảnh ngộ giống như mình thì phải:

Cuộc đời như tóc rối
Thanh thản chải từ từ
Từng sợi từng sợi một
Sẽ thấy mình bình an

Thật là khó khăn khi mái tóc vốn đang mượt mà lại bị rối tung. Gặp trường hợp này không thể nôn nóng, mà phải gỡ từ từ sẽ ra . Nếu ta vội vàng thì rối càng thêm rối và nếu không khéo mà quá đà thì sẽ phải cắt bỏ. Đó là hình ảnh tả thực của khổ kết. Phải chăng cũng là thông điệp mà tựa đề Tóc Rối tác giả muốn gửi gắm..
Ở Tóc Rối xuyên suốt từ đầu bài thơ tới giờ. Là nỗi niềm, là nỗi buồn đau bị tình phụ. Nhưng chị vẫn nghĩ cho người “ phụ tình” ấy “sống nghĩa tình với ai” chứ không là với mình. Chỉ còn chút hy vọng mong manh cho riêng chị: Là kiếp sau sẽ gặp lại vẫn người ấy, nhưng người ấy sẽ “đổi thay” chứ không như “kiếp này”.
Chính bài thơ là sự khẳng định: Chị chứ không phải là ai khác đã đem “vùi dĩ vãng” nỗi đau khổ này. Bây giờ chị đã “thanh thản” để gỡ dần từng mối rối...Từng nút thắt của cuộc đời chị ra. Từng nút một..
Chính khi chị gỡ hết và đã tìm “thấy mình bình an”. Là lúc bài thơ Tóc Rối đầy tâm trạng này ra đời!

Một bài thơ tình được viết từ một người phụ nữ bị phản bội. Bất kỳ ai chứ không riêng gì chị đều cảm thấy hụt hẫng,đau khổ lắm chứ,bi quan lắm chứ...Vượt qua tất cả bài thơ lại là một bản nhạc không hề bi lụy, sầu thảm mà chứa đựng trong bài là tình thơ và ý thơ diễn tả tâm lý lạc quan và có hậu. đây chính là thông điệp mà tác giả-một cô giáo- muốn gửi gắm qua Tóc Rối.

Sài Gòn 30/11/2013
Huỳnh Xuân Sơn

Cảm Nhận Bài Thơ Mười Năm Của Tác giả Sương Lam Nhã My



Mười năm không gặp tưởng tình đã cũ
Mây bay bao năm tưởng mình đã quên
Như mây bay đi một trời thương nhớ..
Nhưng em yêu ơi một vùng ký ức
Vẫn còn trong ta cả một trời yêu…(Trần Quảng Nam).

Những ca từ trong ca khúc Mười Năm Yêu Em của nhạc sĩ Trần Quảng Nam trên đây, chính là điều mà tôi nghĩ tới khi đọc bài thơ Mười Năm của tác giả Sương Lam Nhã My. Duy chỉ có điều ca khúc của Nhạc sĩ Trần Quảng Nam là nỗi lòng của một trang nam tử, còn tác giả của chúng ta lại viết về tâm tư của một yểu điệu thục nữ…Nhưng điểm chung của họ là viết về một mối tình ngang trái sau mười năm họ nhìn lại cuộc tình này…
Và đây là tác phẩm Mười Năm của Thiếu phụ Sương Lam Nhã My

Mười Năm

(tặng TT)
Ta về như bóng mây qua ải
Lặng lẽ trời buồn vắng trăng sao

Về đâu muôn dặm đời hoang hoải
Lá chết ngập ngừng mấy nỗi đau
Vĩnh biệt đâu là người đã mất
Mà đời không được bước cùng nhau

Mười năm lặng lẽ em giờ đã
Tình chết ngậm ngùi bóng vó câu
Ta về sợi tóc màu sương điểm
Nghe nặng thời gian nước qua cầu

Bóng ai thăm thẳm ngoài cõi vắng
Trong chốn hoang đường trắng nẻo xa
Lời thề buổi ấy còn mang nặng
Nhưng đủ buộc đời ta nhớ ta

Người đi hoa bưởi hoa xuân rụng
Sỏi đá buồn theo bước ngập ngừng
Em đã chết lòng theo xác pháo
Áo hoa thờ thẩn nắng cài song

Mười năm đâu kể là dâu bể
Một giấc mộng thôi quá não lòng
Cho dẫu tình đôi ta vẫn đợi
Chắc gì đã được tỏ mà mong

Mười năm chẳng thể dài hơn nữa
Mà ngắn bao nhiêu ước mộng đầu
Ta gói thời gian trong lớp bụi
Đã màu rêu úa lạnh đời nhau…(Nhã My)

Bài thơ với một chủ đề không mới (tình dang dở). Nhưng với sự gắn kết câu từ có chọn lọc trau chuốt, theo một nhịp thơ như trầm buồn như khắc khoải theo tiếng lòng người thiếu phụ sau khi “chết lòng theo xác pháo” hay bùi ngùi mười năm sau ngày “áo hoa thờ thẫn..” sang sông ấy trở về chốn cũ. Cảnh cũ người xưa ngày gặp lại diễn biến bài thơ được tác giả khéo léo sắp đặt theo thể thơ tự do, nhằm gửi gắm một tình thơ thật giàu cảm xúc. Nội tâm cũng như chuyển biến tâm lý của người thiếu phụ ngày trở về được tác giả khắc hoạ rõ nét qua từng khổ thơ…

Ngay hai câu mở đầu diễn tả sự trở về của người thiếu phụ đã mở ra những giai điệu mang âm hưởng buồn qua hình tượng:

Ta về như bóng mây qua ải
Lặng lẽ trời buồn vắng trăng sao

Lặng lẽ ta về thì ai chẳng vậy? không lý lại đi nói với “người xưa” ngày hôm nay em về ư? điều đó là không thể …Nhưng hình ảnh “như bóng mây qua ải” lại là thông điệp khác. Chứ không chỉ là về thăm cố hương hay thăm người cũ…Aỉ nào ở đây? để cho bóng mây lướt qua trong khi “trời buồn vắng trăng sao”. Một áng mây bay lặng lẽ qua một “ải” nào đó, trong trời đêm đen mù mịt được tác giả lấy làm cột mốc cho sự trở về sau Mười Năm của người thiếu phụ…Thật ám ảnh với một hồn thơ trĩu nặng để cùng tác giả đi tiếp:

Về đâu muôn dặm đời hoang hoải?
Lá chết ngập ngừng mấy nỗi đau?
Vĩnh biệt đâu là người đã mất
Mà đời không được bước cùng nhau

Một nỗi đau có lẽ đã vò xé bóp nát trái tim người thiếu phụ qua khổ thơ này. Hai từ “vĩnh biệt” làm cho cả khổ thơ như chùng xuống. Vẫn biết ngay sau hai từ ấy là sự khẳng định chắc chắn “đâu là người đã mất”. Chỉ là “đời không được bước cùng nhau”. Có phải căn nguyên của “lá chết ngập ngừng mấy nỗi đau” và câu hỏi khiến người nghe không thể trả lời “về đâu muôn dặm đời hoang hoải?”. Được bắt nguồn từ khi “đời không được bước cùng nhau”,khi ấy cả hai đã coi như “vĩnh biệt” mặc dù mỗi người vẫn đang đi theo một ngả rẽ của riêng mình… Hôm nay “bóng mây qua ải” lặng lẽ trở về. Nhưng tự hỏi lòng biết về đâu? giữa chập chùng lối rẽ mà tác giả gọi nó là “ muôn dặm đời hoang hoải”…Vẫn chưa thấy “ngôi thứ hai” xuất hiện vẫn chỉ là những tâm tình của người thiếu phụ:

Mười năm lặng lẽ bây giờ đã
Tình chết ngậm ngùi bóng vó câu
Ta về sợi tóc màu sương điểm
Nghe nặng thời gian nước qua cầu

“Mười năm lặng lẽ em giờ đã”…một câu nói bỏ lửng dẫn đến “Ta về sợi tóc màu sương điểm”. Mười năm, thời gian không phải quá dài nhưng đã đủ làm cho “nghe nặng thời gian bước qua cầu”. Có lẽ thời gian vẫn nhẹ nhàng trôi như qui luật của nó thôi, chỉ có lòng người nặng trĩu níu kéo thời gian lại . Bởi tự đáy lòng, tự trong trái tim đã biết mười năm ấy “tình chết ngậm ngùi bóng vó câu” rồi mà! Phải chăng ở câu thơ này còn ẩn chứa một uẩn khúc gì cho cuộc tình dở dang này thì phải? bởi không khi mà tác giả mượn ý của câu thành ngữ “bóng Câu qua cửa sổ..” Tình chết ngậm ngùi và nhanh như “bóng Câu qua cửa sổ” ư? Căn nguyên nào dẫn đến cái chết cho cuộc tình này lại nhanh đến vậy? ta cùng tác giả đi tiếp vào bài thơ

Bóng ai thăm thẳm ngoài cõi vắng
Trong chốn hoang đường trắng nẻo xa
Lời thề buổi ấy còn mang nặng
Nhưng đủ buộc đời ta nhớ ta

Người đi hoa bưởi hoa xuân rụng
Sỏi đá buồn theo bước ngập ngừng
Em đã chết lòng theo xác pháo
Áo hoa thờ thẩn nắng cài song

Mười năm trước “bóng ai thăm thẳm ngoài cõi vắng” để lại “lời thề” cho một người dõi mắt ngóng trông. Người ở lại nâng niu gìn giữ lời thề ấy dẫu đã biết chỉ là “chốn hoang đường” hay còn có chút vấn vương bởi “trắng nẻo xa” phía trước…Nhưng dù sao thì “lời thề buổi ấy” với người trở về hôm nay mãi mãi “đủ buộc đời ta nhớ ta”. Chỉ là nhớ thôi chứ chẳng phải là buộc đời ta với nhau phải không tác giả?...

Rồi ngã rẽ không hề mong muốn cũng đến bởi “người đi hoa bưởi hoa xuân rụng”. Hoa bưởi rụng còn chờ ngày hái quả! Hoa xuân rụng ta đợi trái gì đây? Trong khi ấy “sỏi đá buồn theo ..” Em cũng đanh phải “bước ngập ngừng” những bước đi vào ngã rẽ ấy mà mỗi bước là thêm chết một bước sâu vào đáy lòng “theo xác pháo”. Về bến ấy, cuối lối rẽ ấy có một cánh áo hoa có lẽ còn vương xác pháo “thờ thẫn ..” bên song. Nắng cài song? Hay nỗi lòng day dứt nhớ thương chết theo từng vệt nắng tắt dần ngoài song cửa vào cái buổi chiều pháo nổ ấy! Tất cả trôi đi… cuốn theo để dìm chết cuộc tình một cách nhanh nhất, bắt đầu từ cột mốc này thì phải…để rồi:

Mười năm đâu kể là dâu bể
Một giấc mộng thôi quá não lòng
Cho dẫu tình đôi ta vẫn đợi
Chắc gì đã được tỏ mà mong

Một lời thề, một cuộc tình, một sự ra đi, một sự trở về…Một bước ngoặt qua một cửa ải thật không dễ dàng với “mười năm đâu kể là dâu bể”…Không kể nhưng những ai đã từng yêu, từng phải xa, từng trở lại hẳn không chỉ là dâu bể mà là mênh mông biển rộng hun hút vực sâu ngăn lối…chẳng dễ vượt qua nổi. Nhạc sĩ Vũ Thành An khi cuộc tình đổ vỡ ông đã trách móc người yêu ..nhưng phải đợi nhiều năm sau ông mới sửa lời ca khúc Bài Không Tên Cuối Cùng trong đó có câu rất hợp với tâm trạng người thiếu phụ của tác giả Sương Lam Nhã My hôm nay:

“Nếu chúng mình có thành đôi lứa
Chắc gì ta đã thoát ra đời khổ đau”.

Người thiếu phụ sau mười năm ‘lặng lẽ như bóng mây..” để ‘qua ải” và trở về… Có lẽ phải mất rất nhiều thời gian cùng với những dằn vặt khổ đau vì đã mang nặng lời thề để mà buộc nỗi nhớ vào mình, rồi sau khi cân đong đo đếm cuối cùng đã nhận ra“cho dẫu tình đôi ta vẫn đợi./ Chắc gì được tỏ mà mong..”…

Mười năm chẳng thể dài hơn nữa
Mà ngắn bao nhiêu ước mộng đầu
Ta gói thời gian trong lớp bụi
Đã màu rêu úa lạnh đời nhau…

Khổ thơ kết đã đóng sập cánh cửa cho nỗi buồn day dứt suốt mười năm qua không có cơ hội nhân thêm mãi…Hai câu thơ như hai vế đối làm điểm nhấn cho người trong cuộc. Để người ngoài cuộc tự so sánh “ mười năm chẳng thể dài…” nhưng đã đủ để cho người thiếu phụ nhận ra “ngắn bao nhiêu ước mộng đầu”…Khi đã nhận ra, đã rũ bỏ được nỗi buồn thì đương nhiên không cứ người thiếu phụ ấy mà có lẽ tác giả, tôi, và sẽ có nhiều bạn đọc khác nữa sẽ “gói thời gian trong lớp bụi./”Bởi chính nó suốt mười năm qua đã làm “ úa lạnh đời nhau”.

Nỗi niềm sau mười năm của người thiếu phụ phần nào đã được nguôi ngoai sau lần trở về này. Còn người ấy thì sao? Có lẽ ta có quyền chờ đợi ở tác giả Sương Lam Nhã My một tác phẩm khác viết về Trang nam tử mười năm sau.. Tác giả đề tặng TT, TTcó phải là người thiếu phụ? TT có phải là Trang Nam Tử ? Dù TT là ai thì đây cũng là một bài thơ tràn đầy cảm xúc và rất nhân văn rất tình người, và rất chân thật của tác giả Sương Lam Nhã My…

Nhạc sĩ Trần Quảng Nam khi kết thúc Mười Năm Yêu Em ông đã viết:

Ôi ! ta xa nhau tưởng chừng như đã..
Ôi ta yêu nhau để lòng cứ ngỡ
Tình bất phân ly- tinh vẫn như mơ
Đành nhủ lòng thôi giã từ kỷ niệm. (Trần Quảng Nam)

Còn nhạc sĩ Vũ Thành An khi kết cho ca khúc Bài Không Tên Cuối Cùng ông sửa lời lại thành:

…Này em hỡi con đường em đi đó, con đường em theo đó.
Đúng đấy em ơi
Nếu chúng mình có thành đôi lứa
Chắc gì ta đã thoát ra đời khổ đau
Nếu không còn gặp nữa
Giữ cho trọn ân tình xưa
Xin gửi em một lời nguyện
Được bình yên, được bình yên suốt đời…(Vũ Thành An)

Và tôi mong rằng đó cũng là suy nghĩ là tâm tư, là nỗi niềm sâu kín, mà Trang nam tử của người thiếu phụ trở về hôm nay dành để nói với cố nhân của mình.

Sài Gòn 7/7/2014
Huỳnh Xuân Sơn

Cảm nhận bài thơ Sóng Và Bờ của nhà thơ Trương Quang Thứ



Thi sĩ Xuân Diệu đã từng khao khát được “làm con sóng biếc. Hôn mãi cát vàng em..” Nữ sĩ Xuân Quỳnh khi viết về biển chị lại khẳng định “Chỉ có thuyền mới hiểu biển mênh mông nhường nào”. Biển luôn là Thi đề lôi cuốn tâm hồn của các nhà thơ…Biển sóng và bờ đôi khi kèm theo giông tố. Mỗi người có cách biểu cảm qua thơ khác nhau. Với nhà thơ Trương Quang Thứ lại có xúc cảm thơ ca đặc biệt qua chuyện tình với góc nhìn thật đặc biêt của riêng ông

Sóng Và Bờ

Chờ đợi mãi
Cuối cùng rồi cũng gặp
Bao nhớ thương
Sóng biển dâng trào
Thêm sức gió
Dồn thời gian tích tụ
Vỗ cuộn bờ
Mong thỏa khát khao!
Nhưng bây giờ
Bờ đã lùi sâu
Triền cát mịn ngày xưa liễu rủ
Đã kè đá, chắn bê tông phòng thủ
Biển ạt ào
Vồ vập
Chơi vơi!...
Sóng vẫn cuộn lên
Bao khát vọng khôn nguôi
Từ tình yêu muôn đời của sóng
Vấp vào bờ
Vỡ tan thành bong bóng…
Vẫn không hề hối hận chuyện dại khôn.
Để bạc đầu con sóng vẫn lang thang…(Trương Quang Thứ)

Câu chuyện tình yêu của sóng và bờ, mà sóng là chủ thể khát khao dâng hiến…chính là chủ đề của bài thơ.
“Sóng biển là hiện tượng diễn ra ở lớp nước gần mặt biển. Sóng thường hình thành do gió và những hiệu ứng địa chất và có thể di chuyển hàng ngàn km trước khi tới đất liền.”.Kích cỡ sóng biển dao động từ những gợn sóng lăn tăn đến những cơn sóng thần cực lớn. Ngoài dao động thẳng đứng các hạt nước trong cơn sóng biển có một chút chuyển động theo phương ngang…” Trên đây là một đoạn trích tôi sưu tầm về sóng biển…nhằm tìm hiểu câu chuyện Sóng và Bờ của nhà thơ Trương Quang Thứ. Mở đầu câu chuyện thật ngọt ngào hạnh phúc:

Chờ đợi mãi
Cuối cùng rồi cũng gặp
Bao nhớ thương
Sóng biển dâng trào
Thêm sức gió
Dồn thời gian tích tụ
Vỗ cuộn bờ
Mong thỏa khát khao!

Như đã nói ở trên sóng biển có thể di chuyển hàng ngàn km trước khi cập bờ…Ở đây sóng được tạo ra từ đâu ? do gió hay do sự cuộn nhồi của lòng biển mà thành. Tác giả không nói. Chỉ thấy một cặp câu thơ ngắn rất có hậu. Sau khi chờ đợi thì tất nhiên chẳng có hạnh phúc nào bằng “cuối cùng cũng gặp”. Chắc chắn là sóng gặp bờ…Nhưng “sóng biển dâng trào”, từ “bao nhớ thương” và còn thêm có gió tiếp sức rồi ‘dồn thời gian tích tụ”. Sóng mới “vỗ cuộn bờ”khi sóng tấp vô bờ cát, hay bờ đá thì cũng thành bọt trắng phau(Đó là hiện tượng khi chân sóng không đỡ nổi ngọn sóng)…Cũng có nghĩa sóng đã không còn là mình…Cả đời sóng chờ đợi “cuối cùng cũng gặp” và “mong thoả khát khao” khi không còn là mình nữa…Thật lạ, con sóng như có tâm hồn vậy. Nó biết dồn nén, tích tụ bao nhớ thương, biết mong chờ biết khát khao. phải chăng sóng là hình ảnh một chàng trai lãng tử phong lưu nặng tình nào đó chăng?
Nhưng nếu sóng là chàng lãng tử đang khao khát dâng hiến thì chủ thể Bờ là ai?

Nhưng bây giờ
Bờ đã lùi sâu
Triền cát mịn ngày xưa liễu rủ
Đã kè đá, chắn bê tông phòng thủ
Biển ạt ào
Vồ vập
Chơi vơi!...

Thì ra sau khi “chờ đợi mãi” và “cuối cùng cũng gặp” mà là gặp một “bờ đã lùi sâu”. Chẳng còn bờ cát mịn thủa nào liễu rủ…Thay vào đó là kè đá, bê tông chắn sóng…Tác giả còn mạnh bạo cho là nó hiện diện trên bờ cát làm nhiệm vụ phòng thủ.,, Biển vẫn muôn đời dào dạt, sóng vẫn thế cứ rong chơi mê mải rồi một lúc nào đó tấp vào bờ tung bọt trắng xoá. Xoá luôn cả thân mình…Nay Sóng vồ vập mang theo tâm trạng chơi vơi, có lẽ là hụt hẫng nữa. “Bờ đẹp đẽ cát vàng….như lặng lẽ mơ màng” Không còn nữa…Dáng ai như “liễu buông mành” nay đâu? Chủ thể Bờ trong bài thơ cũng e ấp bóng dáng một nữ tú khuê các…và hình như không thể chờ chàng Sóng đa tình lãng tử mãi được. Nàng đã lùi về bổn phận “liễu rủ” của mình và Ai đó đã bảo vệ nàng bằng những bờ kè chắn Sóng…Dẫu biết Biển ạt ào, Vồ vập ..rồi Chơi vơi. Nhưng Bờ đâu thể như sóng lao lên, bất chấp tất cả chỉ để biến mình thành bọt nước trắng …tan biến vào bờ…Nếu nguy cơ sóng cả lấn bờ cuốn đi, sẽ có Ai đó đúc bê tông, xẻ đá để xây kè bảo vệ Bờ trước sóng…Biết là vậy đấy nhưng:

Sóng vẫn cuộn lên
Bao khát vọng khôn nguôi
Từ tình yêu muôn đời của sóng
Vấp vào bờ
Vỡ tan thành bong bóng…
Vẫn không hề hối hận chuyện dại khôn.

Cả cuộc đời Sóng từ lúc được sinh ra đến khi thành bọt trắng xoá. Cũng chỉ có một khát khao duy nhất là được tấp vào Bờ..Biết là khi ấy không còn mình nữa, biết là Bờ bây giờ không còn như cũ nữa…vẫn khát khao tận hiến chưa một lần “hối hận chuyện dại khôn”..Sóng cứ “cuộn lên” trào dâng rồi đuổi bắt mãi, mang theo khát vọng muôn đời…

Có lẽ nào cả cuộc đời con Sóng chỉ đeo đuổi bấy nhiêu thôi? Người quân tử yêu bằng trái tim, yêu bằng khát khao dâng hiến, nào đâu toan tính thiệt hơn…Yêu là yêu, vậy thôi dẫu phải trả giá bằng cả bản thân mình…Nhà thơ để cho câu kết tách riêng một mình thêm chữ “để” ở đầu không nhập nhĩ gì với nội dung ở trên..tất cả chỉ là

Để bạc đầu con sóng vẫn lang thang…

Câu kết chất chứa sự cô đơn nhưng nặng trĩu tình thơ bởi chữ “vẫn”. Khiến ta phải trở trăn, phải suy nghĩ về tình yêu của Sóng…Vâng tình yêu ấy chỉ đến một chiều từ phía sóng xô…Còn Bờ đâu? Hình như đã an phận vì có Đá, bê tông phòng thủ…

Sóng Và Bờ của nhà thơ Trương Quang Thứ phải chăng là cuộc tình muôn thủa khát khao, dâng hiến...nhưng có lẽ chưa bao giờ được thoả nguyện.

Sài Gòn 19/6/2014
Huỳnh Xuân Sơn

Cảm Nhận Bài Thơ Tháng Chạp Về Của Tác Giả Cung Trầm



Mỗi khi xuân về tết đến, tôi hay giành thì giờ rảnh rỗi để đọc thơ và nghe nhạc. Những bài hát, những vần thơ chuyên chở biết bao hoài niệm của tác giả. Thấp thoáng đâu đó trong rất nhiều giai điệu nhạc và trong các bài thơ tôi đã tìm thấy mình trong đó! Và bài thơ Tháng Chạp Về của Tác giả Cung Trầm đã làm cho tôi rất thích thú sau khi đọc. Bất giác tôi muốn đồng hành cùng tác giả để tìm về với kỷ niệm xưa.

Tháng Chạp Về

Tháng Chạp về nghe lòng thương nhớ quá
Thầy - bạn xưa thuở tóc hãy còn xanh
Ước mộng ngày xưa dẫu đã không thành
Vẫn xanh mãi nơi quê người xứ lạ.

Ngày xưa ấy lòng xuân vui khó tả
Thức suốt đêm múa cọ vẽ mai vàng
Làm thiệp Xuân háo hức tặng cô nàng
Có chú bướm vờn hoa trông rất “đã”!

Suốt buổi học trống lòng khua rộn rã
Đợi giờ chơi thừa lúc đến trao tay
Tay chân run và trán mồ hôi vã
Trao thiệp nhanh rồi tất tả đi ngay!

Ngồi dựa gốc cây mà tưởng đang bay
Trời đẹp quá! Ôi, cuộc đời đáng sống!
Chuông vào lớp tâm trí còn mơ mộng
Ôi tuyệt vời! ta đang tỉnh hay say?

Lần đầu đời tay được chạm vào tay
Cảm giác lạ rần rần trong thân thể!
Thần tiên quá! tình yêu là như thế?
Là đê mê, là hồi hộp, là...say!

Tháng Chạp về tay chẳng được chạm tay,
Không trao thiệp vẫn nghe lòng rạo rực!
Cảm giác xưa “nằm vùng” trong tiềm thức,
gọi tôi về. Dĩ vãng chẳng xa bay! (Cung Trầm)

Một bài thơ Tự Do  đưa ta ngược về với kỷ niệm thuở học trò, với những rung động đầu đời, không dễ gì quên được.
Thông thường kỷ niệm tuổi hồng ta hay nhớ đến mỗi khi hoa phượng nở và bầy ve cất tiếng réo gọi trên những tán lá xanh. Nhưng ở đây tác giả lại đến với ký ức ngày xanh vào một ngày tháng chạp về:

Tháng Chạp về nghe lòng thương nhớ quá
Thầy - bạn xưa thuở tóc hãy còn xanh
Ước mộng ngày xưa dẫu đã không thành
Vẫn xanh mãi nơi quê người xứ lạ

Như bất kỳ một bài thơ, một câu chuyện kể nào khác. Tác giả đã cho ta biết rằng “nơi quê người xứ lạ”. Năm hết tết đến cũng là lúc mà “ước mộng ngày xưa dẫu đã không thành” nhưng nó “vẫn xanh mãi”. Một cánh cửa mở ra ,phía trong đang chờ đợi biết bao điều hấp dẫn. Ta hãy bước vào xem điều gì khiến ước mộng của tác giả không thành :

Ngày xưa ấy lòng xuân vui khó tả
Thức suốt đêm múa cọ vẽ mai vàng
Làm thiệp Xuân háo hức tặng cô nàng
Có chú bướm vờn hoa trông rất “đã”!

Theo tác giả thì ngày đó “lòng xuân vui khó tả” . Niềm vui gì mà không thể tả được anh không cho biết. Chỉ biết rằng anh đã “thức suốt đêm” để “làm thiệp xuân”, đặc biệt trên tấm thiệp phải có bông “mai vàng” và một “chú bướm vờn hoa”. Với anh thì tấm thiệp này “trông rất đã” chỉ việc “tặng cô nàng” . Anh đang rất “háo hức” để trao tấm thiệp này.
Và rồi giờ vào lớp cũng đến anh ngồi học mà:

Suốt buổi học trống lòng khua rộn rã
Đợi giờ chơi thừa lúc đến trao tay
Tay chân run và trán mồ hôi vã
Trao thiệp nhanh rồi tất tả đi ngay!

Tới đây tôi hiểu thêm được một chút tâm lý của mấy anh khi yêu cũng nhát cáy, chẳng khác tụi con gái chúng tôi là mấy. Chỉ có mỗi việc chờ giờ ra chơi trao tấm thiệp thôi mà “suốt buổi học trống lòng khua rộn rã” . Chưa hết đâu “tay chân run” thừa cơ hội các bạn không để ý, trao vội vàng rồi “tất tả đi ngay”. Tưởng anh đi đâu? Hóa ra ra:

Ngồi dựa gốc cây mà tưởng đang bay
Trời đẹp quá! Ôi, cuộc đời đáng sống!
Chuông vào lớp tâm trí còn mơ mộng
Ôi tuyệt vời! ta đang tỉnh hay say?

Lần đầu đời tay được chạm vào tay
Cảm giác lạ rần rần trong thân thể!
Thần tiên quá! tình yêu là như thế?
Là đê mê, là hồi hộp, là...say!

Hai khổ thơ diễn tả tâm trạng cậu học trò mới lớn biết rung động và lần đầu tay chạm tay với người mình thích. “Cảm giác lạ rần rần trong thân thể” hẳn nhiên là với ai cũng có, bất kể nam hay nữ. Khi anh vui và ngây ngất hưởng thụ hương vị tình yêu mê đắm “lần đầu đời tay được chạm vào tay”. “Ngồi dựa gốc cây mà tưởng đang bay”, những câu thơ tả thực sống động và chân thực nhất, khiến bất cứ ai đọc đều thấy mình trong đó.
 Bất giác tôi nhớ tới câu thơ của Huỳnh Phú Vang: “ Vẫn bàn tay này
 Một lần vụng dại
 Chỉ chạm nhẹ thôi mà run bắn một đời”
  Đâu có khác là mấy so với tác giả Cung Trầm phải không ạ!
Cảm giác bay bổng, đắm chìm trong nỗi hồi hộp đê mê ấy. Đã theo tác giả suốt những năm tháng bôn ba xuôi ngược chìm nổi theo dòng đời. Đến mức khi hôm nay cũng là một ngày tháng chạp, tác giả đã bước sang bên kia đỉnh dốc của cuộc đời rồi mà:
Tháng Chạp về tay chẳng được chạm tay,
Không trao thiệp vẫn nghe lòng rạo rực!
Cảm giác xưa “nằm vùng” trong tiềm thức,
gọi tôi về. Dĩ vãng chẳng xa bay!

Ở khổ kết tác giả đã trả lời cho ta biết vì sao ký ức tuổi học trò lại trở về ào ào trong những ngày tháng chạp này. Có lẽ cũng một phần bởi anh là một trong những người nặng tình với mối tình tuổi học trò đầu đời ấy! kết cuộc của mối tình ấy như lúc đầu tác giả đã nói: “ Ước mộng ngày xưa dẫu đã không thành.” Nhưng nó “Vẫn xanh mãi nơi quê người xứ lạ.”

Hôm nay cảm giác này ùa về khi tác giả đang ở nơi cách xa mái trường có “gốc cây” kỷ niệm nửa vòng trái đất. anh cũng đã là ông nội, ông ngoại rồi. Người con gái được trao tấm thiệp năm xưa giờ đây tóc đã pha sương, có lẽ cũng đang ngồi ru cháu và bồi hồi nhớ về kỷ niệm năm nào. Một ngày tháng chạp có cậu bạn học tặng tấm thiệp xuân rồi biến mất vào đám bạn để người nhận ngơ ngẩn cũng nên.

Sài Gòn đầu xuân Giáp Ngọ
Huỳnh Xuân Sơn

Ba Bài Thơ Đặc Biệt Của Tác Giả Chu Quyến - Với Cảm Nhận Của Huỳnh Xuân Sơn



Khi tôi tới Thi Đàn thì Tác giả Chu Quyến đã ít làm Thơ  ! Lâu lâu mới thấy anh đăng một bài rồi cần mẫn làm công việc duyệt bài cho các bạn thơ.

Hôm nay như mọi ngày tôi vào mục thơ mới, thật bất ngờ thấy tên tác giả Chu Quyến với ba bài liền nhau, tôi bấm vô rồi lần lượt đọc :

Nhớ Mẹ Nhiều

Trời sao
lại sớm chia li
Một đời
mẹ vội
ra đi xa rồi
Thẩn thương
đơn độc Cha ơi !
Nhớ khi
cơm, cháo
nhớ thời vàng son
Sum vầy
Cha – Mẹ cùng Con
Giờ đây
đông đủ
chỉ còn bóng Cha !

Chị… !

Chị Tôi
xưa tuổi còn son Mải ham công việc
vui buồn cũng xong
Chị ôm những cái long đong
Ngoài vườn cuốc xới,
bên trong lợn gà
Sớm khuya giúp mẹ cha già Để em ăn học vượt qua xóm nghèo Bây giờ lưng chị khom veo Chị tôi vẫn cứ
đơn neo một mình Các em nay đã trưởng thành Tiếc cho thân chị
xuân thanh qua rồi
Gặp anh thủa trước vậy thôi Bẵng nhanh thời trẻ
lẻ loi lúc già Chỉ còn mơ ước đã qua Chỉ còn hồi tưởng
trôi xa lối mòn..

Mưa Yêu

Ơn trời
chợt đổ cơn mưa..
Để tôi
điều kiện
giăng vừa cái ô
Che sang
mái tóc em khô
Nhờ đà
em ngả
nơi tôi thêm gần
Mong trời
mưa tạnh dần dần
Để tôi
điều kiện
đánh vần chữ yêu..!(Chu Quyến)



Ba bài thơ đều viết theo thể thơ Lục Bát quen thuộc, nhưng anh lại có cách ngắt khúc gãy gập theo từng cung bậc cảm xúc của mình.

Bài đầu tiên anh viết về gia đình lớn của anh. Thật xúc động với những lời thơ ngắn gọn xúc tích và bầy tỏ tấm lòng chân thành của anh:

Trời sao/ lại sớm chia li/ Một đời /mẹ vội /ra đi xa rồi /Thẩn thương /đơn độc Cha ơi!/Nhớ khi /cơm, cháo/nhớ thời vàng son/Sum vầy/Cha – Mẹ cùng Con/Giờ đây/đông đủ/ chỉ còn bóng Cha ! (Chu Quyến)

Bốn câu  thôi! Mà sao đọc xong ta thấy nó dài lê thê và nặng trĩu. Một nhịp thơ 2/4/2/2/4 lặp lại ba lần đã diễn tả toàn cảnh gia đình của anh. Mẹ của anh đã về nơi chin suối. Cha già đơn độc một mình.

Con cháu về đông đủ và nhớ lại khi xưa bữa cơm, bữa cháo, nhưng với anh là “thời vàng son” vì dù nghèo nhưng mỗi khi “sum vầy” thì có đủ “cha-mẹ cùng con”. Niềm hạnh phúc còn cả cha lẫn mẹ mỗi khi gia đình sum họp là niềm mơ ước của tất cả mỗi gia đình , mỗi người con trên thế gian này.

Niềm hạnh phúc này của tác giả hôm nay, anh đã gợi lại rất khéo trong bức họa toàn cảnh gia đình “giờ đây đông đủ chỉ còn bóng cha”.

Bài thơ thứ hai lại được tác giả ngắt nhịp theo một nhịp điệu khác hẳn để viết về Chị:

Chị…!

Chị Tôi /xưa tuổi còn son Mải ham công việc /vui buồn cũng xong/Chị ôm những cái/ long đong/Ngoài vườn cuốc xới /bên trong lợn gà /Sớm khuya giúp mẹ cha già Để em ăn học vượt qua xóm nghèo Bây giờ lưng chị khom veo Chị tôi vẫn cứ /đơn neo một mình Các em nay đã trưởng thành Tiếc cho thân chị /xuân thanh qua rồi /Gặp anh thủa trước vậy thôi Bẵng nhanh thời trẻ /lẻ loi lúc già Chỉ còn mơ ước đã qua Chỉ còn hồi tưởng /trôi xa lối mòn..(Chu Quyến)

Thực tình mà nói lúc đầu tôi đọc bài thơ này, cứ nghĩ rằng chắc do lỗi khi copy, câu thơ lục bát mới chạy lung tung như vậy! nhưng khi đọc lần thứ hai và đến lần thứ ba thì tôi đã biết mình hiểu sai rồi!

Và để cho chắc chắn rằng tôi sai , tôi đã copy về và sắp xếp câu theo đúng niêm luật sáu- tám và đọc thì ý tình và nhịp điệu thơ khác xa với cách ngắt câu của tác giả.

Bước vào bài thơ Chị…! tác giả viết:

Chị tôi./ Xưa tuổi còn son Mải ham công việc/Vui buồn cũng xong. Hai câu thơ ngắt ra làm ba khổ theo nhịp 2/8/4 đã nói xong về một người chị thuở tuổi thanh xuân lo lam làm không nghĩ cho riêng mình, vui cũng được buồn cũng xong.

Và hai câu tiếp cũng ngắt làm ba hàng xong nhịp thơ đổi thành 6/4/4 và vẫn là mô tả công việc của chị đảm đang quán xuyến từ trong nhà đến ngoài đồng.

Nhưng có lẽ với bản tính chịu thương chịu khó và nhất là dễ chịu “vui buồn cũng xong” cho lên tác giả đã hiểu rằng chị mình phải “ôm những cái long đong”.

Cảm động nhất và có lẽ tất cả tình cảm của tác giả dành cho chị của mình, được anh gửi gắm vào khúc thơ sau:

Sớm khuya giúp mẹ cha già Để em ăn học vượt qua xóm nghèo Bây giờ lưng chị khom veo Chị tôi vẫn cứ
đơn neo một mình Các em nay đã trưởng thành Tiếc cho thân chị
xuân thanh qua rồi
Gặp anh thủa trước vậy thôi Bẵng nhanh thời trẻ
lẻ loi lúc già Chỉ còn mơ ước đã qua Chỉ còn hồi tưởng
trôi xa lối mòn.. (Chu Quyến)

Năm cặp Lục Bát tức có tới mười câu thơ nhưng anh chỉ ngắt ra bảy dòng . trong đó có hai dòng đặc biệt chỉ có bốn chữ:

Xuân thanh qua rồi.
Trôi xa lối mòn.

Tác giả thương chị sau bao nhiêu năm vất vả lo cho gia đình, cho đàn em , không hề nghĩ tới bản thân. Dẫu có lẫn cũng “gặp anh” nhưng mà thời ấy nó đã xa quá rồi!

Giờ đây chị “thời trẻ đã qua” và còn lại “ mơ ước” nhưng là “mơ ước đã qua” và “hồi tưởng” với một “lối mòn trôi xa”.

Một bài thơ diễn tả tình cảm chị em rất thành công. Tác giả viết rõ ràng là cách gieo vần lục bát, và với cách ngắt câu của anh khiến người đọc hiểu được cảm nhận được và đồng cảm được với cuộc đời đầy vất vả, và nỗi truân chuyên của chị tác giả. Và cách ngắt câu này, còn làm cho cảm giác như thời gian trôi lê thê chậm chạp qua những nỗi niềm của người chị.

Và đây bài thơ thứ ba tác giả viết cho hồi ức của mình!

Mưa Yêu

Ơn trờitrời /chợt đổ cơn mưa.. /Để tôi /điều kiện/giăng vừa cái ô /Che sang /mái tóc /em khô /Nhờ đà/em ngả /nơi tôi thêm gần /Mong trời /mưa tạnh dần dần Để tôi/điều kiện /đánh vần chữ yêu..! (Chu Quyến)

Vẫn là nhịp thơ khác lạ của tác giả. 2/4/2/2/4 tôi có thể hiểu trong bài thơ này người được tác giả “đánh vần chữ yêu”. Chính là người đầu ấp tay gối bây giờ của tác giả.

Một kỷ niệm trong một cơn mưa mà bây giờ tác giả “tóc đã hoa râm” vẫn còn viết với một tình cảm tha thiết và nhịp thơ dồn dập như chính nhịp tim yêu đang thổn thức đủ thấy người ấy quan trọng như thế nào với tác giả.

Ba bài thơ đăng một lần được tác giả Chu Quyến viết về ba cảm xúc khác nhau, cho ba khoảng tình cảm khác nhau. Thứ nhất là gia đình lớn với cha già đơn lẻ.thêm nỗi nhớ mẹ đã khuất.

Hai là viết cho người chị của mình đã vì gia đình vì bầy em mà quên đi hạnh phúc cho riêng mình.

Và ba là một kỷ niệm hằn sâu trong tiềm thức tác giả về “em” , nhờ Mưa Yêu mà anh đã “đánh vần được chữ Yêu”

Nhưng tất cả ba bài thơ đều có chung một cách ngắt nhịp độc đáo và khác lạ, chung một tình thơ trĩu nặng và ngọt ngào! Đủ nói cho ta rõ ba bài thơ này quan trọng như thế nào với tác giả.

Sài Gòn 28/11/2013

Huỳnh Xuân Sơn

Thứ Tư, 14 tháng 6, 2017

Cảm nhận bài thơ Ở Phía Không Anh của nữ sĩ Phan Thị Thanh Minh


Huỳnh Xuân Sơn cảm nhận bài thơ Ở Phía Không Anh của nữ sĩ Phan Thị Thanh Minh


Ở PHÍA KHÔNG ANH

Phía không anh đêm buồn vô hạn
Ngày đông vui chỉ bạn và ta
Nhớ khi Hưng Khánh-Đông Hà
Chén vui nâng,đặt,men ngà tình say !

Ngồi nhớ lại bao ngày xưa ấy
Khi gần,khi xa mấy ngàn cây
Việc quân cách trở đó đây
Tình yêu cháy bỏng đong đầy mắt nhau !

Năm mươi năm trước sau trọn vẹn
Buồn vì chưa toại nguyện cuối đời
Anh xa thanh thản về trời
Mình em vò võ nhớ thời bên anh !

Trước hè vẫn trăng thanh,gió mát
Em không anh,tan nát cõi lòng
Chập chờn thức,ngủ hằng mong
Anh về thơm lén má hồng ngày xưa ! (Phan Thị Thanh Minh)


Bài thơ như một lời tâm tình thủ thỉ của nữ sĩ với người “đầu ấp tay gối” hơn năm mươi năm của mình. Dòng hồi ức của nữ sĩ trào dâng gửi vào thể thơ Song Thất Lục Bát. Nhằm dệt nên một bản nhạc tình dìu dặt. Lúc vút cao khi kết và gieo vần bằng thanh âm trắc của cặp câu Thất. Lúc dịu dàng nỗi nhớ chảy thành dòng hồi ức suy tư mượt mà qua cặp câu Lục Bát. Cứ nối tiếp như vậy Song Thất Lục Bát hòa quyện với nhau chuyên chở tiếng lòng nữ sĩ qua những cung bậc tình cảm khi dạt dào nỗi nhớ, lúc cháy bỏng khát khao!
Bản nhạc tình cất lên khi trào dâng nỗi nhớ thương “người đã rong chơi cuối trời quên lãng”. Nỗi lòng nữ sĩ hẳn cô đơn cùng cực khi viết:

Năm mươi năm trước sau trọn vẹn
Buồn vì chưa toại nguyện cuối đời
Anh xa thanh thản về trời
Mình em vò võ nhớ thời bên anh !
Ngày Vua Quang Trung về “Nơi tiên cảnh” , Bắc cung Hoàng Hậu -Lê Ngọc Hân còn phải ngậm ngùi cất lên khúc Ai rằng:

Những ao ước trập trùng tuổi hạc,
Nguyền trăm năm ngõ được vầy vui.
Nào hay sông cạn, bể vùi,
Lòng trời giáo giở, vận người biệt ly.( Ai Tư Vãn)

Khi viết khúc Ai này Bắc cung Hoàng Hậu chỉ mới sống với Vua Quang Trung chưa được mười năm. Nhưng tình sâu nghĩa nặng của một người vợ dành cho chồng thì nào đâu kể là Vua hay Hoàng Hậu. Tình cảm của bà là người phụ nữ mất chồng mà ao ước, khát khao, tiếc nuối mà thôi!

Nữ sĩ Phan Thị Thanh Minh hẳn khát khao nhiều hơn thế, trách ông trời nhiều hơn thế và trách vận người biệt ly nhiều hơn thế nữa. Bởi nữ sĩ cũng là một người phụ nữ bình thường, như bao người phụ nữ Á Đông khác. Năm mươi năm đầu ấp tay gối. “Lia thia quen chậu . Vợ chồng quen hơi”. Vợ chồng là “nghĩa trăm năm”, Cớ sao mới “năm mươi năm” đã bắt nữ sĩ phải xa chồng. Vẫn biết “Anh đi thanh thản về trời” nhưng liệu có ai thấu cho nỗi niềm cô đơn cô quạnh của nữ sĩ khi một “mình em vò võ…” Sớm ra ngắm nắng, chiều vào ngắm đêm. Nhìn quanh nơi nào cũng thấy bóng dáng người thương yêu dấu. Có thể nào lại không “nhớ thời bên anh” được đây?

Phía không anh đêm buồn vô hạn
Ngày đông vui chỉ bạn và ta
Nhớ khi Hưng Khánh-Đông Hà
Chén vui nâng,đặt,men ngà tình say !

Ngày dài trôi qua còn có thể nguôi ngoai, bởi có bạn có bè thưởng trà ngâm thơ đối họa:

Ngắm cánh đài cong khoe dáng đẹp
Xem chùm nhụy ngát tỏa hương xa
Ta ngâm ý ngỏ mừng thêm trẻ
Bạn họa lời trao chúc chẳng già ( Quỳnh Nở Cùng Thơ- Phan Thị Thanh Minh)

Nhưng khi đêm xuống, nỗi cô đơn thêm nhớ thương bắt đầu dày vò trái tim của nữ sĩ . Có lẽ đó là khởi nguồn cho dòng ký ước ngược nguồn về thủa mặn nồng tình cảm họ có nhau cách đây hơn năm mươi năm.
Ngày hai người trên quê hương “Hưng khánh”- Hưng Nguyên- Nghệ An, nơi chôn nhau cắt rốn của nữ sĩ. Hay lúc vào tận Đông Hà- Quảng Trị quê hương nơi phu quân của nữ sĩ sinh ra và lớn lên. Hai người luôn có nhau chia ngọt sẻ bùi. Chén Tình thủa ấy Anh nâng Em đặt, sóng sánh men say làm cho hai trái tim ngây ngất hương yêu giữa thời khó khăn gian khổ, chiến tranh ác liệt.

Hồi ức thủa mặn nồng êm ái ấy. Có lẽ chính là khởi nguồn cho nữ sĩ khẳng định “Phía không anh đêm buồn vô hạn.” Một câu thơ được “phá niêm giữ luật” làm tăng ý nghĩa của “phía không anh” rất nhiều. nếu giữ niêm thì hẳn sẽ không gây ấn tượng mạnh như thế , tôi đã liều mình thử đổi chỗ từ ví dụ “Không anh phía đêm buồn vô hạn” hay thay chữ Anh bằng một chữ khác nhằm giữ niêm nhưng đều không ổn. Qua đó mới thấy hết cái tài của người nữ sĩ khi viết Song Thất Lục Bát.

Ngồi nhớ lại bao ngày xưa ấy
Khi gần,khi xa mấy ngàn cây
Việc quân cách trở đó đây
Tình yêu cháy bỏng đong đầy mắt nhau !

Nỗi nhớ về những ngày tròn tình vẹn nghĩa bên nhau, hẳn nhiên không thể thiếu được những năm tháng xa nhau bởi chiến tranh gian khổ. Anh của nữ sĩ vốn là một người lính. Năm thì mười họa mới có dịp về thăm nhà thăm người vợ trẻ. Nhưng nhớ thương không vì xa cách mà vợi bớt, ngược lại thêm trào dâng. Với câu thơ “tình yêu cháy bỏng đong đầy mắt nhau! Nữ sĩ đã nói đủ nói hết về tình yêu mà họ có được dẫu “Khi gần khi xa mấy ngàn cây”.

Tình yêu bỏng cháy chính là ngọn lửa hun đúc nên tổ ấm hạnh phúc năm mươi năm của họ. Ác nghiệt thay chiến tranh ác liệt, bom đạn vốn không có mắt vậy mà Anh vẫn may mắn trở về bên nữ sĩ khi hòa bình lập lại. Vậy mà bỗng một ngày Anh bỏ ra đi. Phòng loan không còn hơi ấm hương yêu của hai trái tim chung một nhịp đập nữa. Chỉ còn cô lẻ một trái tim đêm ngày đập những nhịp đập thổn thức nhớ thương.
Có lẽ tâm trạng nữ sĩ khi ấy phần nào giống nỗi lòng Bắc Cung Hoàng Hậu trong khúc Ai:

Gió hiu hắt phòng tiêu lạnh lẽo
Trước thềm lan, hoa héo ron ron.
…………………………..
Nỗi lai lịch dễ hầu than thở
Trách nhân duyên mờ lỡ cớ sao?
Sầu sầu, thảm thảm xiết bao...
Sầu đầy giạt bể, thảm cao ngất trời!

Nẻo u minh khéo chia đôi ngả,
Nghĩ đòi phen, nồng nã đòi phen.
Kiếp này chưa trọn chữ duyên,
Ước xin kiếp khác vẹn tuyền lửa hương. ( Ai Tư vãn – Lê Ngọc Hân)

Nữ sĩ Phan Thị Thanh Minh dẫu buồn “vạn nẻo nhớ, sầu ngàn ngõ thương” cũng đành kết bản nhạc tình với khúc tâm Thơ :

Trước hè vẫn trăng thanh,gió mát
Em không anh,tan nát cõi lòng
Chập chờn thức,ngủ hằng mong
Anh về thơm lén má hồng ngày xưa !

Anh đi rồi, hiển nhiên là sự thật không thể thay đổi. Như “trăng thanh gió mát” kia vẫn hiện hữu trước nhà. Có chăng "ở phía không anh” chỉ duy nhất Em là thay đổi. Thay đổi gì ư? Chỉ là một trái tim yêu trọn vẹn nay “tan nát” bởi nhớ thương và tự sâu thẳm “cõi lòng” vẫn không thể nào nghĩ anh đã rời xa. Sự thật này! luôn luôn tàn nhẫn với người ở lại. Dẫu cho đã bao ngày đêm trôi qua “ chập chờn thức ngủ” thì vẫn có những khát khao rất thật, rất đời và nặng tình sâu nghĩa: “ Anh về thơm lén má hồng ngày xưa”. Có lẽ đó cũng chính là kỷ niệm thủa xa nhau có lần Anh về và lén thơm lên đôi má của nữ sĩ khi đang ngủ. Nếu đúng vậy thì nữ sĩ ơi! Hãy cứ nhắm mắt nhớ lại, là sẽ gặp được nụ “hôn lén” năm nào ngay thôi.
Viết đến đây tôi có một ao ước rằng, khi nữ sĩ đọc tới đây, bà sẽ cảm thấy hơi ấm của nụ hôn lén năm nào, nóng hổi, ngọt ngào trên đôi môi của mình. Dẫu cho nó không còn căng mọng như ngày có Anh bên cạnh nữa!

Ở Phía Không Anh của nữ sĩ Phan Thị Thanh Minh với riêng tôi là như thế!

Sài Gòn 11/8/2014
Huỳnh Xuân Sơn

Cảm nhận bài thơ Anh Đi Rồi của tác giả Hoa Hồng


Huỳnh Xuân Sơn cảm nhận bài thơ Anh Đi Rồi của tác giả Hoa Hồng


Tôi đã biết tác giả Hoa Hồng, khi chị viết Người Đàn Bà Đi Tìm Đồng Đội, bằng cảm xúc thơ ca mà thấm đẫm hồn thơ, như người từng xông pha trên tuyến lửa 1C. Để rồi hôm nay tôi lại thổn thức cùng tác phẩm Anh Đi Rồi viết về tâm trạng một phụ nữ trẻ cô đơn nặng tình trọng nghĩa... Của tác giả có đời tư ngập tràn hạnh phúc mang tên Hoa Hồng.

Anh đi rồi
Môi em màu xám lạnh
Nhớ cái riết nhau mà ngây ngất đến dại lòng.
Cầu tre ai bắc mấy nhịp cong cong.
Để lắt lẻo cái nốt duyên trong dậy thì con gái.

Anh đi rồi
Hạt ngâu cứ vô tình vung vãi.
Đường về ngút ngái.
Em tự cấu vào chuỗi ngày ngây dại
Để đau một chữ đau.

Anh đi rồi
Em guộn sợi tơ trời giăng trên đám mây nhàu.
Đan áo đợi
người đàn ông để lại cho thu chiếc lá vàng héo hắt.
Tháng bảy đong một mùa yêu đầy nước mắt.
Hoàng hôn tím ngắt phía cạn ngày.

Anh đi rồi
Ngơ ngẩn bên đời một cái gối tay.
Đêm gãy khúc em chơi vơi giữa muôn trùng nhớ quên khờ khạo.
Đành sao? nỡ để em mồ côi một chữ yêu giữa chợ tình nhốn nháo.
Rệu rạo em.

Anh đi rồi
Lũ bướm ong mới sáng sớm đã say mèm.
Bẹo hình bẹo dạng quanh hàng dâm bụt nhà cô hàng xóm.
"Cậu ông trời" ra bờ đê ngồi chồm hổm.
Trách cháu mình
Sao mưa hoài để tháng bảy đỏ hết mắt kia kìa!

Anh đi rồi.
Mình con tim em gõ nhịp giữa đêm khuya.
Con chim cú tha nụ cười của em đi mất.
Lần đầu cái thì con gái sao mà lận đận.
Anh đi
Xanh xao miền nhớ
Gầy guộc giấc mơ em.( Trần Ngọc Hòa- Hoa Hồng)


Bài thơ viết theo thể thơ tự do, với những câu thơ ngắt khúc dài, thật dài và đôi khi thật ngắn. Chuyển tải ý thơ theo những diễn tiến tâm lý người phụ nữ khác nhau. Xuyên suốt bài thơ với sáu lần khẳng định “Anh đi rồi”, mỗi lần khẳng định trái tim người phụ nữ lại thêm một lần “ Đau một chữ đau”, và lại cách xa thêm một tầm với để nhặt lại “nụ cười” do “con chim cú” tha đi.

Người phụ nữ Á Đông xưa nay luôn được răn dạy theo nguyên tắc của lễ giáo từ thời phong kiến để lại.Tam Tòng Tứ Đức, trong Tam Tòng ấy chỉ có ba đại từ nhân xưng Cha, Chồng và Con. Như vậy nếu theo Nguyên tắc Nho Giáo này thì có lẽ người phụ nữ là chủ thể Em trong Anh Đi Rồi của tác giả Hoa Hồng mang tâm trạng mất mát hụt hẫng, gánh nỗi đau đớn từ tâm hồn, tới thể xác khi mất đi người đàn ông yêu thương của đời mình.

Không một chữ mất mát nào,nhưng cả bài thơ vẫn cho thấy nó chính là những tiếng gào thét đau nhói của người phụ nữ. Những ngôn từ dành cho bài thơ cũng được sắp xếp theo một nhịp điệu chẳng mượt mà êm ái. Có lẽ do con đường mà chủ thể Em phải đi qua vốn gập ghềnh trắc trở, như chính nhịp điệu của bài thơ cũng nên.

Ca dao xa xưa cha ông ta đúc kết đã bao đời cho những người gặp phải cảnh trớ trêu như Em :

Dậm chân, đấm ngực kêu trời
Vợ chồng chưa mấy năm trời đã xa (Ca dao)

Hay như:

Vợ chồng là nghĩa phu thê
Tay ấp má kề sinh tử có nhau ( Ca dao)

Em của tác giả Hoa Hồng vì sao mà mất đi người thân yêu nhất, tác giả không đề cập đến. Chỉ thấy bước vào Anh Đi Rồi là đã gặp ngay:
Anh đi rồi
Môi em màu xám lạnh
Nhớ cái riết nhau mà ngây ngất đến dại lòng.
Cầu tre ai bắc mấy nhịp cong cong.
Để lắt lẻo cái nốt duyên trong dậy thì con gái.

Tình nghĩa phu thê khẳng định ngay ở khổ đầu, Mà ở đây là người vợ trẻ vừa kịp quen hơi chồng với những vòng tay ghì xiết. Hơi ấm, hương yêu còn nóng hổi sau khi “anh đi rồi”. “Ví dầu cầu ván đóng đinh. Cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi” ( ca dao). Nhưng ở đây cầu tre lại làm “lắc lẻo cái nốt duyên” ở người “con gái” mới “dậy thì”. “Anh đi rồi” đôi môi đỏ mọng đương thì con gái căng tràn nhựa sống là vậy, bỗng chốc đổi “màu xám lạnh”. Biết là cầu tre lắc lẻo khó đi, nhưng cũng chẳng biết trách ai bắc “mấy nhịp cầu cong” ấy. Để giờ đây Em phải “nhớ cái riết nhau mà ngây ngất đến dại lòng”. Vâng, có lẽ chưa kịp cảm nhận được cái đắm mê ngây ngất của hương yêu, thì thực tại đã đánh thức nỗi tê tái đến “dại lòng” của Em. Câu thơ này chính là điểm nhấn mở ra một chuỗi những nhớ thương, đan xen với nỗi khổ đau đến tột cùng của Em ở phía trước.

Anh đi rồi
Hạt ngâu cứ vô tình vung vãi.
Đường về ngút ngái.
Em tự cấu vào chuỗi ngày ngây dại
Để đau một chữ đau.

Có mất mát nào đớn đau hơn khi sự thực là “Anh đi rồi”, mà vẫn nửa tỉnh, nửa mê để mà làm một hành động “Tự cấu” mà cấu vào “ chuỗi ngày ngây dại” của chính mình, để mà mong rằng mình đang mê chứ không phải tỉnh. Nhưng trớ trêu thay “anh đi rồi” lại là sự thực nên “đau” lại càng thêm “đau”. Hẳn nhiên là những giọt mưa Ngâu kia chẳng bao giờ “vô tình vung vãi” cả! Mỗi năm đến hẹn lại lên, mưa ngâu sẽ đến vào tháng 7. Chỉ có tháng 7 mới có Cầu Ô Thước cho đôi lứa chia ly bởi âm dương cách trở lên cầu để gặp nhau. Có lẽ với nỗi đau, thêm những giọt nước mắt, cứ nối tiếp lăn dài và chúng vô tình hòa lẫn “Hạt ngâu” đấy thôi!

Anh đi rồi
Em guộn sợi tơ trời giăng trên đám mây nhàu.
Đan áo đợi
người đàn ông để lại cho thu chiếc lá vàng héo hắt.
Tháng bảy đong một mùa yêu đầy nước mắt.
Hoàng hôn tím ngắt phía cạn ngày.

“Anh đi rồi” sự thực là thế. Nhưng có ai hiểu cho nỗi lòng trống vắng đơn côi của người vợ trẻ lúc này không?. Bất cứ điều gì, Em có thể làm để vơi đi nỗi nhớ niềm thương và xua đi cô quạnh, Em đều không nề hà. Ngay cả những việc như “ guộn (cuộn) tơ trời trên đám mây nhàu” để mà “đan áo đợi”. Vẫn biết “trên đám mây nhàu” ấy Em khó có thể guộn được sợi tơ nào. Nhưng Em vẫn nuôi hy vọng, thêm khao khát cuộn và đan cho bằng được, để rồi sẽ trao cho “người đàn ông” người mà trước khi ra đi đã “ để lại cho thu chiếc lá vàng héo hắt”. Có lẽ cũng chính là người đã gieo vào tim Em những nồng nàn, ấm áp, yêu thương, rồi bỗng nhiên cắt ngang chặt dọc xé nát trái tim Em, rồi đẩy Em vào “một mùa yêu thương đầy nước mắt”. Nào đâu chỉ có “hết mùa yêu thương” tháng 7 thôi. Mà còn mãi cho đến tận “hoàng hôn tím ngắt phía cạn ngày”. Hai từ “tím ngắt” đặt vào màu sắc buổi “hoàng hôn phía cạn ngày” cho ta cảm giác y như lúc nhìn thấy “ đôi môi xám lạnh” của Em vậy

Anh đi rồi
Ngơ ngẩn bên đời một cái gối tay.
Đêm gãy khúc em chơi vơi giữa muôn trùng nhớ quên khờ khạo.
Đành sao? nỡ để em mồ côi một chữ yêu giữa chợ tình nhốn nháo.
Rệu rạo em.

Anh đi rồi
Lũ bướm ong mới sáng sớm đã say mèm.
Bẹo hình bẹo dạng quanh hàng dâm bụt nhà cô hàng xóm.
"Cậu ông trời" ra bờ đê ngồi chồm hổm.
Trách cháu mình
Sao mưa hoài để tháng bảy đỏ hết mắt kia kìa!

Thời gian vẫn lặng lẽ trôi đi bên đời của Em đấy. Em ngơ ngẩn khi nhớ lại bên mình đã từng có một bờ vai vững chãi, một chiếc gối không êm nhưng ấm nồng hơi thở, cái “gối tay” ấy nay không còn nữa, bởi “anh đi rồi”. Cuộc tình đứt đoạn, kéo theo men ái ân lụi tàn mất hút, nhưng dư hương của nó vẫn còn lẩn khuất quanh Em. Đêm gãy khúc? Hay lòng em tan nát “chơi vơi giữa muôn trùng nhớ quên”. Anh có lẽ là không đành để em phải “ mồ côi” một chữ yêu đâu. Chỉ có con tim còn thổn thức với nhịp đập cũ xưa bên bến hạnh phúc ngắn ngủi . Nên cảm thấy “rệu rạo” mà không đành đấy thôi!

Dẫu cho “lũ bướm ong” có “bẹo hình, bẹo dạng” hay là chúng có bao vây luôn “nhà cô hàng xóm” mặc, Em vẫn chỉ một lòng chờ “mùa yêu thương” tháng 7 mà thôi. “Cậu ông trời” trách cháu? Hay Em tự an ủi mình đây? Thôi nếu khóc mà vơi được sầu nhớ, buồn tủi, khổ đau thì cứ khóc, đừng ngại ai kia có quở “mắt đỏ hết kia kìa!”

Anh đi rồi.
Mình con tim em gõ nhịp giữa đêm khuya.
Con chim cú tha nụ cười của em đi mất.
Lần đầu cái thì con gái sao mà lận đận.
Anh đi
Xanh xao miền nhớ
Gầy guộc giấc mơ em.

Một khổ kết không hề dễ đọc và dễ cảm hết ý thơ vừa hiện diện. Hình ảnh người phụ nữ cô độc với trái “tim em gõ nhịp giữa đêm khuya” khiến tôi và có lẽ có rất nhiều bạn đọc thấy chạnh lòng. Rồi thêm hình ảnh: “Con chim cú” xuất hiện vốn đã là điềm gở (theo dân gian)…ở đây tác giả còn cho nó làm thêm cái việc khác thường rằng “mang nụ cười của em đi mất”. Phải chăng ngày con chim cú xuất hiện, nó đã mang anh đi mãi mãi. Để rồi từ đó nụ cười cũng tắt trên đôi môi Em. Với câu kết “ Anh đi xanh xao miền nhớ, gầy guộc giấc mơ em”. Có lẽ chẳng cần phải nói thêm về nỗi cô đơn và sự nhớ thương đã làm cho tâm hồn và thân xác người phụ nữ trẻ trở thành như thế nào nữa…

Vâng “lần đầu cái thì con gái”, với cuộc đời Em đến đây, đã gắn liền với hai chữ “lận đận” rồi. Nhưng lận đận đến bao giờ? Sau khi Anh Ra Đi thì còn tùy thuộc vào suy nghĩ của mỗi người trong cuộc khác nhau.

Thời phong kiến nếu chiếu theo Tam Tòng thì khi “phu tử tòng Tử”. Xã hội hiện đại ngày nay, đã cởi trói cho thân phận người phụ nữ Á Đông nói chung và những người phụ nữ không may mắn “đứt gánh giữa đường” nói riêng rất nhiều. Nhưng xung quanh chúng ta vẫn không thiếu những người phụ nữ như Em của tác giả Hoa Hồng. Họ đã yêu đã thương đã thề ước và họ thủ tiết với chồng giữ chọn nghĩa Tào Khang.

Bài thơ của tác giả Hoa Hồng với cá nhân tôi là một bài thơ hay về tình, sâu rộng về ý. Đặc biệt là những câu thơ có nhiều sức gợi như :
Nhớ cái riết nhau mà ngây ngất đến dại lòng
Để lắt lẻo cái nốt duyên trong dậy thì con gái.
Em tự cấu vào chuỗi ngày ngây dại
Em guộn sợi tơ trời giăng trên đám mây nhàu.
Đan áo đợi
Tháng bảy đong một mùa yêu đầy nước mắt.
Hoàng hôn tím ngắt phía cạn ngày.
Ngơ ngẩn bên đời một cái gối tay.
Đêm gãy khúc em chơi vơi giữa muôn trùng nhớ quên khờ khạo.
Mình con tim em gõ nhịp giữa đêm khuya.
Con chim cú tha nụ cười của em đi mất.

Bấy nhiêu câu thơ chất chứa tầng tầng ý thơ trong một bài thơ, cho người đọc tha hồ liên tưởng bay cùng không gian nhiều chiều lấp lánh ..Với riêng tôi đấy chính là một thành công của tác giả Hoa Hồng làm nên một tác phẩm hay mà không phải ai cũng viết được, mặc dù khi đọc lên có lẽ không chỉ riêng tôi mà sẽ có rất nhiều người nhận thấy.

Sài Gòn 8/8/2014
Huỳnh Xuân Sơn

Cảm nhận bài thơ Giấu Vào Anh của tác Giả Hoa Hồng


Cảm nhận bài thơ Giấu Vào Anh của tác Giả Hoa Hồng


Giấu là một động từ chỉ hành động mà bản thân người làm không muốn cho người khác thấy! Vậy mà tác giả Hoa Hồng lại đặt tựa đề cho một bài thơ tình Giấu Vào Anh. Hoa Hồng đã cất giấu những gì vào Anh, và chị có giấu được hay không? Đó là điều tôi muốn tìm khi khám phá bài thơ
Giấu Vào Anh

Em giấu một nỗi nhớ rất non
Vào trong búp lá
Nũng nịu và ăn vạ
Đòi phải xanh nhiều.

Em giấu cái thì mới nhú rất kiêu
Trong áo mỏng rồi ửng hồng đôi má
Một chút gì nghe lạ
Nao nao

Em gom hết ngọt ngào
Giấu trong chùm cam sau vườn cho mùa no múi
Giấu nét chân quê đồng nội
Trong chiếc ao nhà
Rau muống mùa này trổ rất nhiều hoa
Em xin giấu thủy chung trong màu tím nhớ
Để người đi mắc nợ
Một bờ quê.

Trinh nữ xòe hoa níu bước ai về
Lá xếp trên tay cho em giấu thẹn thùa mềm mại
Chút thì yêu non tơ đầu đời khờ dại
Em xin được giấu vào anh.( Trần Ngọc Hòa)

Giấu Vào Anh với một nhịp điệu nhẹ nhàng chuyên chở tới bảy động từ giấu cho năm khổ thơ tự do. Những điều mà từng khổ thơ muốn giấu tăng dần độ khó theo tâm tư biến chuyển phức tạp của chủ thể Em. Bắt đầu bằng việc

Em giấu một nỗi nhớ rất non
Vào trong búp lá
Nũng nịu và ăn vạ
Đòi phải xanh nhiều.

Búp lá mỏng manh, vừa cựa mình tách vỏ nảy mầm chả thể nào là nơi chắc chắn hay kín đáo, bởi nó vốn đang phát triển từng ngày. Ấy vậy mà đó lại là nơi Em muốn “Giấu một nỗi nhớ rất non”. Búp lá hẳn nhiên là lá non rồi! nhưng “nỗi nhớ rất non” mà muốn giấu đi thì lại mở ra một chiều cảm nhận khác. Em muốn giấu hay em muốn khoe đây nhỉ? Giấu ư? Đã giấu rồi sao lại nũng nịu và ăn vạ. Để mà “đòi phải xanh nhiều”. Mâu thuẫn chồng theo mâu thuẫn phần nào khắc họa tâm tư của mấy cô con gái mới lớn…

Em muốn giấu đi nỗi nhớ còn rất non vào trong một búp lá có lẽ còn non hơn, nhưng lại nũng nịu, đòi, phải, ( mà đòi ai và nũng nịu với ai đây?). Có lẽ người mà bị ăn vạ và bị cô bé vòi vĩnh là chủ thể của nỗi nhớ rất non kia. Nếu đúng thì hẳn nhiên Em không đòi thì búp lá vẫn lớn lên cùng nỗi nhớ và sẽ xanh lên theo màu của hy vọng. Em muốn giấu và đã giấu! Nhưng Em ơi! Em đã để lộ một cảm xúc chớm nở cũng rất non và một tình cảm mơ màng trong veo như đôi mắt của thiếu nữ tuổi đôi tám mất rồi.

Phải chăng Em muốn giấu và cũng lại muốn khoe cái rung động đầu đời của người con gái? Câu hỏi này tôi để ngỏ chờ Em, chờ tác giả trả lời.

Em giấu cái thì mới nhú rất kiêu
Trong áo mỏng rồi ửng hồng đôi má
Một chút gì nghe lạ
Nao nao

Khổ thơ đầu chứa hồn thơ trong veo, tình thơ ngọt ngào hé mở cánh cửa dẫn người đọc vào mang theo tâm trạng bâng khuâng trước vẻ đẹp xanh non vừa chớm nở đầu đời. Để rồi vỡ òa cảm xúc, khi ta bắt gặp cái bâng khuâng, cái rạo rực của tuổi mơ hoa . Còn hình ảnh nào đắt hơn nữa không tác giả Hoa Hồng ơi! Khi mà chị muốn khoe “Cái thì mới nhú rất kiêu” bằng việc chị để cho chủ thể “Em giấu…”. Mà giấu đi đâu không giấu, lại đi “Giấu trong áo mỏng…” để rồi càng giấu nó lại càng lộ ra, dẫn tới “ửng hồng đôi má”. Cái cảm giác “một chút gì nghe lạ…nao nao” của Em khi ấy vốn chẳng lạ tí nào đối với tác giả, với tôi và có lẽ rất nhiều người phụ nữ khác đã trải qua cái tuổi mới lớn đầy cảm giác lạ lùng ấy. Biết là vậy nhưng bây giờ đọc thơ vẫn thấy sống dậy cảm xúc nôn nao khó tả ngày nào… Phải chăng đây chính là thành công của tứ thơ mà ít người viết có được.

Bài thơ vẫn cuốn tôi đi sau những cơn sóng dội tôi ngược trở về ngày thanh xuân:

Em gom hết ngọt ngào
Giấu trong chùm cam sau vườn cho mùa no múi
Giấu nét chân quê đồng nội
Trong chiếc ao nhà

Từ cảm xúc bâng khuâng đầu đời, tới bỡ ngỡ trước thay đổi của tuổi vừa mới biết yêu, tác giả dẫn ta vào kho cất giữ kỷ niệm thời thiếu nữ…Qua những cung bậc cảm xúc đổi thay của cô thôn nữ mộc mạc càng tô điểm cho nét đẹp của bài thơ . Khi “em gom hết ngọt ngào” có lẽ là khi tình cảm trào dâng mãnh liệt vừa đủ độ chín của trái tim người thiếu nữ đã trưởng thành. Nhưng em gom nó lại để “giấu trong chùm cam sau vườn cho mùa no múi”. Thì đích thị là tình yêu mang theo ngọt ngào dậy men trong hương vị trái cây miệt vườn sông nước. Làm cho việc Em cất giấu thật duyên dáng và khéo léo. Phải chăng em còn giấu gì nữa sau vườn cam, giả như cái nắm tay rụt dè hay nụ hôn đầu bỡ ngỡ chẳng hạn… Nếu đúng thì tác giả đã ẩn được một ý thơ ngọt ngào hơn bất kỳ trái cam nào sau vườn cây trĩu quả ấy. Hương đồng gió nội của người thôn nữ hiện diện trong thơ càng thêm đằm cái duyên quê qua hình ảnh:

Rau muống mùa này trổ rất nhiều hoa
Em xin giấu thủy chung trong màu tím nhớ
“Để người đi mắc nợ.
Một bờ quê.
Trinh nữ xòe hoa níu bước ai về
Lá xếp trên tay cho em giấu thẹn thùa mềm mại

Những vạt hoa rau muống Em trồng, hay những vạt cây trinh nữ bên đường ta qua. Có lẽ Em không Giấu mà em đã gửi nỗi lòng thầm kín nhưng nồng nàn hương quê đủ khiến “người đi mắc nợ”. Mắc nợ bao nhiêu? Phải chăng chỉ có “một bờ quê” có vạt hoa Trinh nữ. Không! Có lẽ là mắc nợ thủy chung son sắt Em chờ, Em trao anh hết ngay cả:

Chút thì yêu non tơ đầu đời khờ dại
Em xin được giấu vào anh.

Bảy lần cất giấu đã qua! Lần nào Em cũng khẳng định mình giấu. Nhưng hình như Em càng muốn giấu thì nó càng khoe ra, khiến người đọc biết được, để rồi cuối cùng mỉm cười vỡ òa hạnh phúc với hai câu kết vẹn tình, trọn nghĩa cho một tình yêu đẹp. Ngôi thứ hai Anh xuất hiện ở câu kết và có lẽ Anh cũng là nơi ấm áp nhất để cho Em cất giấu tất cả những gì em đã khoe!

Giấu Vào Anh với cảm nhận của cá nhân tôi là như vậy. Có thể chưa phải là những gì tác giả muốn gửi gắm và chưa phải là góc nhìn chung của phần đông bạn đọc yêu thơ Trần Ngọc Hòa ( Hoa Hồng). Nhưng bằng tình yêu thơ và sự đồng cảm với Giấu Vào Anh tôi đã viết. Rất mong sự lượng thứ từ tác giả và bạn đọc nếu có điều sai sót.

Sài Gòn 30/8/2014
Huỳnh Xuân Sơn

Thứ Hai, 12 tháng 6, 2017

Cảm Nhận Bài Thơ Nhớ Cô Của Tác Giả Nguyễn Hoàng Thuận



Ngày nhà giáo Việt Nam đã qua đi mấy hôm rồi.Nhưng dòng thơ về thầy cô về những kỷ niệm của thầy trò với mái trường thì vẫn ào ào chảy vô Thi Đàn.

Trong những bài thơ dạt dào tình cảm ấy, tôi gặp một kỷ niệm rất đặc biệt của tác giả Nguyễn Hoàng Thuận:

Nhớ Cô

Đêm qua trăng tròn
Bóng trong đáy nước
Dịu dàng đưa thuyền tiến bước
Tình cờ em mới hiểu được ánh trăng

Nồng nàn sâu lắng
Thầm lặng bao la
Lời ru vần cũ ê a
Cô về với mộng ôm ta dịu hiền

Trăng hóa niềm riêng
Như miền đất Mẹ
Tiếng mái chèo khua nhè nhẹ
Dõi bước đường đời dạy khẽ yêu thương

Hè qua bóng Phượng
Em vương nỗi lòng
Tình thơ chẳng phải phượng Hồng
Em yêu là cõi nhớ mong Cô hiền.

Mở đầu nỗi Nhớ Cô tác giả không giới thiệu cho ta thấy cô là ai và vì sao lại có nỗi nhớ. Anh chỉ viết:

Đêm qua trăng tròn
Bóng trong đáy nước
Dịu dàng đưa thuyền tiến bước
Tình cờ em mới hiểu được ánh trăng.

Cô là vầng trăng tròn ư? Và vì sao lại phải đợi tới khi “trăng tròn” và soi bóng xuống đáy nước thì “em mới hiểu được ánh trăng” mà lại chỉ tình cờ hiểu thôi! Trong khi cô vẫn “dịu dàng” làm công việc của mình là “đưa thuyền tiến bước”. Tác giả vẫn chưa nói tại sao? ta hãy tìm hiểu tiếp ở khổ thơ sau:

Nồng nàn sâu lắng
Thầm lặng bao la
Lời ru vần cũ ê a
Cô về với mộng ôm ta dịu hiền

Hé mở một chút với từ “nồng nàn” mà lại đi kèm “sâu lắng” rồi thì “thầm lặng” mà đến mức “bao la” cậu học trò có lẽ đã có những rung cảm khác lạ. Vượt qua tình cảm cô trò rồi chăng?

Dự cảm này có phần đúng bởi tác giả khẳng định ngay đây thôi! trong tiềm thức những tâm tư của cậu học trò theo cả vào giấc ngủ. Bằng những lời ru mà không phải lời ru của mẹ đâu nhé! Cậu học trò này có lời ru đặc biệt bằng những “vần cũ ê a”. Để rồi khi chìm vào giấc mộng cậu thấy “Cô về” và cô đã “ôm ta dịu hiền”. cậu học trò thì “nồng nàn sâu lắng” và Cô về trong mộng chỉ “ôm ta dịu hiền”. Tác giả đã dẫn ta vào khổ thơ sau rất khéo:

Trăng hóa niềm riêng
Như miền đất Mẹ
Tiếng mái chèo khua nhè nhẹ
Dõi bước đường đời dạy khẽ yêu thương

Cô với cậu học trò là tình cảm cô trò thân thương như với bao học trò khác, Cô dịu dàng truyền thụ kiến thức, dậy dỗ học trò, dõi theo từng bước đường đời của học trò.
Cậu học trò thì đã có chút rung động khác thường nhưng rồi sau giấc mộng mà cậu đã gặp “cô về” “ôm ta dịu hiền” như người mẹ hiền vậy! cậu đã biết, đã hiểu và cất dấu nỗi lòng cho riêng cậu.
Và đây là khổ kết của bài thơ tác giả đã muốn nói rõ nỗi lòng mình cất giấu, và điều mà khi “trăng tròn dõi bóng” cậu đã hiểu ra:

Hè qua bóng Phượng
Em vương nỗi lòng
Tình thơ chẳng phải phượng Hồng
Em yêu là cõi nhớ mong Cô hiền.

Chữ Phượng, chữ Hồng và chữ Cô, ở khổ thơ cuối tác giả đã cố tình viết hoa cùng với những câu thơ sâu lắng gửi lòng mình.

Điều tác giả muốn nói về Phượng Hồng ở đây có lẽ là:
Mối tình đầu của tôi
…..
Tà áo ai bay trắng cả giấc mơ
Là bài thơ còn hoài trong vở
Giữa giờ chơi mang đến lại mang về…
…………….
Ai cũng hiểu chỉ một người không hiểu
Nên có một gã khờ
Ngọng nghịu đứng làm thơ (Phượng Hồng –Đỗ Trung Quân)

Và tác giả cũng đã khẳng định rõ ràng rằng: “tình thơ chẳng phải phượng Hồng”. mà tình thơ ở đây, ở Nhớ Cô này chính là : “Em yêu là nỗi nhớ mong Cô hiền”.

Một bài thơ tự do với những câu từ gần gũi, đã được tác giả khéo léo dẫn dắt ta đi qua một tình cảm rất thật với những rung động đầu đời, của cậu học trò với cô giáo của mình.

tình cảm âm thầm ấy mãi là một “niềm riêng” của cậu bởi sự “tình cờ em mới hiểu”. Cô chính là ánh trăng tròn rất đẹp, rất sáng trong, mà cậu dẫu có yêu thích tới đâu cũng chỉ có thể ngắm nhìn mà thôi.

Và hôm nay “niềm riêng” ấy đã được tác giả thông qua ngôn ngữ thơ ca, hé mở cho bạn đọc và tôi biết qua bài thơ Nhớ Cô.

Sài Gòn tháng 11/2013
Huỳnh Xuân Sơn