Thứ Hai, 12 tháng 6, 2017

Cảm Nhận Bài Thơ Nhớ Cô Của Tác Giả Nguyễn Hoàng Thuận



Ngày nhà giáo Việt Nam đã qua đi mấy hôm rồi.Nhưng dòng thơ về thầy cô về những kỷ niệm của thầy trò với mái trường thì vẫn ào ào chảy vô Thi Đàn.

Trong những bài thơ dạt dào tình cảm ấy, tôi gặp một kỷ niệm rất đặc biệt của tác giả Nguyễn Hoàng Thuận:

Nhớ Cô

Đêm qua trăng tròn
Bóng trong đáy nước
Dịu dàng đưa thuyền tiến bước
Tình cờ em mới hiểu được ánh trăng

Nồng nàn sâu lắng
Thầm lặng bao la
Lời ru vần cũ ê a
Cô về với mộng ôm ta dịu hiền

Trăng hóa niềm riêng
Như miền đất Mẹ
Tiếng mái chèo khua nhè nhẹ
Dõi bước đường đời dạy khẽ yêu thương

Hè qua bóng Phượng
Em vương nỗi lòng
Tình thơ chẳng phải phượng Hồng
Em yêu là cõi nhớ mong Cô hiền.

Mở đầu nỗi Nhớ Cô tác giả không giới thiệu cho ta thấy cô là ai và vì sao lại có nỗi nhớ. Anh chỉ viết:

Đêm qua trăng tròn
Bóng trong đáy nước
Dịu dàng đưa thuyền tiến bước
Tình cờ em mới hiểu được ánh trăng.

Cô là vầng trăng tròn ư? Và vì sao lại phải đợi tới khi “trăng tròn” và soi bóng xuống đáy nước thì “em mới hiểu được ánh trăng” mà lại chỉ tình cờ hiểu thôi! Trong khi cô vẫn “dịu dàng” làm công việc của mình là “đưa thuyền tiến bước”. Tác giả vẫn chưa nói tại sao? ta hãy tìm hiểu tiếp ở khổ thơ sau:

Nồng nàn sâu lắng
Thầm lặng bao la
Lời ru vần cũ ê a
Cô về với mộng ôm ta dịu hiền

Hé mở một chút với từ “nồng nàn” mà lại đi kèm “sâu lắng” rồi thì “thầm lặng” mà đến mức “bao la” cậu học trò có lẽ đã có những rung cảm khác lạ. Vượt qua tình cảm cô trò rồi chăng?

Dự cảm này có phần đúng bởi tác giả khẳng định ngay đây thôi! trong tiềm thức những tâm tư của cậu học trò theo cả vào giấc ngủ. Bằng những lời ru mà không phải lời ru của mẹ đâu nhé! Cậu học trò này có lời ru đặc biệt bằng những “vần cũ ê a”. Để rồi khi chìm vào giấc mộng cậu thấy “Cô về” và cô đã “ôm ta dịu hiền”. cậu học trò thì “nồng nàn sâu lắng” và Cô về trong mộng chỉ “ôm ta dịu hiền”. Tác giả đã dẫn ta vào khổ thơ sau rất khéo:

Trăng hóa niềm riêng
Như miền đất Mẹ
Tiếng mái chèo khua nhè nhẹ
Dõi bước đường đời dạy khẽ yêu thương

Cô với cậu học trò là tình cảm cô trò thân thương như với bao học trò khác, Cô dịu dàng truyền thụ kiến thức, dậy dỗ học trò, dõi theo từng bước đường đời của học trò.
Cậu học trò thì đã có chút rung động khác thường nhưng rồi sau giấc mộng mà cậu đã gặp “cô về” “ôm ta dịu hiền” như người mẹ hiền vậy! cậu đã biết, đã hiểu và cất dấu nỗi lòng cho riêng cậu.
Và đây là khổ kết của bài thơ tác giả đã muốn nói rõ nỗi lòng mình cất giấu, và điều mà khi “trăng tròn dõi bóng” cậu đã hiểu ra:

Hè qua bóng Phượng
Em vương nỗi lòng
Tình thơ chẳng phải phượng Hồng
Em yêu là cõi nhớ mong Cô hiền.

Chữ Phượng, chữ Hồng và chữ Cô, ở khổ thơ cuối tác giả đã cố tình viết hoa cùng với những câu thơ sâu lắng gửi lòng mình.

Điều tác giả muốn nói về Phượng Hồng ở đây có lẽ là:
Mối tình đầu của tôi
…..
Tà áo ai bay trắng cả giấc mơ
Là bài thơ còn hoài trong vở
Giữa giờ chơi mang đến lại mang về…
…………….
Ai cũng hiểu chỉ một người không hiểu
Nên có một gã khờ
Ngọng nghịu đứng làm thơ (Phượng Hồng –Đỗ Trung Quân)

Và tác giả cũng đã khẳng định rõ ràng rằng: “tình thơ chẳng phải phượng Hồng”. mà tình thơ ở đây, ở Nhớ Cô này chính là : “Em yêu là nỗi nhớ mong Cô hiền”.

Một bài thơ tự do với những câu từ gần gũi, đã được tác giả khéo léo dẫn dắt ta đi qua một tình cảm rất thật với những rung động đầu đời, của cậu học trò với cô giáo của mình.

tình cảm âm thầm ấy mãi là một “niềm riêng” của cậu bởi sự “tình cờ em mới hiểu”. Cô chính là ánh trăng tròn rất đẹp, rất sáng trong, mà cậu dẫu có yêu thích tới đâu cũng chỉ có thể ngắm nhìn mà thôi.

Và hôm nay “niềm riêng” ấy đã được tác giả thông qua ngôn ngữ thơ ca, hé mở cho bạn đọc và tôi biết qua bài thơ Nhớ Cô.

Sài Gòn tháng 11/2013
Huỳnh Xuân Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét