Cảm nhận bài thơ Thu Về Chưa Em? của tác giả Trần Ngọc Hòa (Hoa Hồng )
Những cơn mưa chiều thưa dần và bớt nặng hạt rơi xuống mảnh đất phương Nam hai mùa mưa nắng, cũng là lúc phương Bắc bước vào mùa thu. Không biết đã bao lần tôi bâng khuâng tự hỏi Thu đã về chưa? Nhìn cánh lá me nhỏ xinh màu vàng rớt lên vai áo, cũng lâng lâng hạnh phúc ngỡ như thu vừa trao tặng. Để rồi lại tự nhủ "lá trút rơi nhiều đâu phải bởi mùa thu".Nhiều lúc bất chợt nghĩ gió heo may lùa trong mái tóc đuổi thời gian hằn lên pha màu muối tiêu rồi ư?. Mang tâm trạng man mác buồn khi thu về của người sinh ra lớn lên ở phương Bắc, nay sống ở phương Nam, phải chăng những điều đó cũng chính là khởi nguồn cho xúc cảm trào dâng khi đọc bài thơ Thu Về Chưa Em của tác giả Trần Ngọc Hòa ( Hoa Hồng)
Thu Về Chưa Em?
Thu đã về chưa em ?
Mà anh nghe trong gió
Điên điển xòe cánh nhỏ
Rủ rỉ lời chân quê.
Thu đã về chưa em ?
Mà dầm ai khua vội
Nhớ nhau mùa nước nổi
Hoa nhà quê trổ vàng.
Em yêu ơi nhà giàn
Bốn phía đều nắng gió
Mùa thiếu hương hoa cỏ
Mùa thiếu lá vàng rơi
Thu về chưa em ơi !
Mà nghe xao xuyến lạ
Lúm đồng xu xinh quá
Lúng liếng cười như hoa.(Trần Ngọc Hòa- Hoa Hồng)
Thu Về Chưa Em? của tác giả Hoa Hồng viết theo thể thơ năm chữ, đòi hỏi phải chắt lọc câu từ, cô đọng ý, nhưng vẫn đảm bảo chuyên chở được tình thơ mênh mang đến người đọc nhanh nhất có thể. Tác giả đã thật tài tình khi sắp xếp câu chữ theo một nhịp điệu có cung bậc âm thanh trầm bổng. Khi đọc bài thơ tôi cứ ngỡ đang ngân nga giai điệu một bản nhạc tình dìu dặt.
Thu Đã Về Chưa Em, cất lên tiếng lòng của một chàng trai là lính biển Nhà Giàn, anh có lẽ là người Phương Nam gửi đến cô gái nơi quê nhà phải chăng là người gốc Bắc. Thu của phương bắc cùng với nắng gió nhà giàn, với hương hoa đồng nội miệt vườn cây trái Nam bộ hoà lên khúc ca có nỗi nhớ thương da diết, có tình yêu quê hương hai mùa mưa nắng, có nỗi nhớ của người con gái mà anh cảm nhận bằng trái tim người lính khi yêu!
Thu đã về chưa em ?
Mà anh nghe trong gió
Điên điển xòe cánh nhỏ
Rủ rỉ lời chân quê.
Mùa hoa điên điển nở vàng khắp các bờ kênh, rạch, ven bờ đầm lầy ở miền Tây cũng là khi mùa nước nổi tràn về, đồng nghĩa với cuối mùa mưa. Người dân miệt vườn sông nước không hỏi nhau Thu đã về chưa? chỉ có hỏi nhau nước nổi về chưa? Mùa mưa sắp cạn ngày rồi nhỉ? Lời rủ rỉ chân quê anh nghe, phải chăng là lời của hai người yêu nhau đang thì thầm lẫn trong gió biển dạt dào. Hình ảnh bông điên điển xoè cánh nhỏ mới dễ thương làm sao? dễ thương bởi anh hỏi thu về chưa? nhưng anh không nhớ tới lá vàng, gió heo may mà là bông điên điển loài hoa đặc trưng mùa nước nổi. Thu là của quê em! Điên điển là của quê anh! lời tự tình trong gió là ta trao nhau! hình như Hoa Hồng muốn nói thế!
Thu đã về chưa em ?
Mà dầm ai khua vội
Nhớ nhau mùa nước nổi
Hoa nhà quê trổ vàng.
Vẫn lại là câu hỏi ấy! nhưng có chút nôn nao rạo rực ẩn trong từng con chữ của khổ thơ này. Phải chăng mùa thu phương Bắc với hoa cúc vàng trước sân, hoa cải vàng khắp đồng. Rồi mùa nước nổi phương Nam với hoa điên điển rung rinh trong gió. Thu về trong sắc vàng mênh mang khắp hai quê ấy phải chăng là lúc mà họ ghi dấu kỷ niệm sâu nặng với nhau. Có thể ngày cưới, hẹn mùa cưới hay chí ít cũng là ngày họ ngỏ lời với nhau!
Có lẽ là anh vội anh nôn nóng biết Thu về chưa ? nên anh cảm thấy "dầm ai khua vội" đấy thôi! Hai quê đã hoà một, cùng những bông hoa mang màu vàng hương đồng gió nội. Anh vội làm chi nữa, nôn nóng làm chi nữa, Nỗi nhớ trong xa cách chính là hương vị nồng nàn của ngày gặp lại.
Em yêu ơi nhà giàn
Bốn phía đều nắng gió
Mùa thiếu hương hoa cỏ
Mùa thiếu lá vàng rơi
Nỗi nhớ quả thật khó giấu, sau hai lần hỏi Thu về chưa em ơi! bây giờ anh mới nói về mình. Cũng như lời tự tình trước biển trao về với em qua tiếng sóng và cánh gió từ khơi xa. Nhà Giàn thì bản thân tên gọi của nó ai cũng biết nó ở đâu. Xưa nay vẫn cứ nghĩ thiếu nước ngọt, thiếu thốn đủ thứ cho sinh hoạt tối thiểu và thiếu tình cảm gần gũi yêu thương. Nay Anh còn muốn thổ lộ rằng Bốn mùa đều nắng gió, đông qua, xuân đến hạ về đón thu...Nỗi nhớ đan xen giữa hai quê, quê nào anh cũng nhớ và cũng thấy thiếu hoa cỏ phương Nam, lá vàng phương Bắc...anh nhớ thu hẳn có nỗi niềm riêng trong đó. Nỗi niềm này trộn lẫn trong nỗi nhớ về em về đất liền....
Thu về chưa em ơi !
Mà nghe xao xuyến lạ
Lúm đồng xu xinh quá
Lúng liếng cười như hoa.
Lại vẫn là câu hỏi tu từ đặc biệt ấy! Bây giờ là tiếng lòng anh tiếng nhịp tim anh và có lẽ là anh nói với chính mình!
Anh hỏi chỉ để hỏi mà thôi!Anh biết em đã đang và mãi trả lời bằng những lời rủ rỉ chân quê gửi vào trong gió, trong nắng, trong tiếng rì rào của biển. Đọng lại trong anh vẫn là hình dáng thân yêu của người anh yêu thương. Núm đồng xu xinh quá! phải chăng nụ cười như bông hoa e ấp ấy chính là nguồn động viên anh “chân cứng đá mềm” ngày đêm giữ đảo ngoài khơi xa, trên thềm lục địa của quê hương!
Một cuộc độc thoại, một lời tình tự của anh lính Nhà Giàn giữa bốn bề sóng nước Biển Đông thiếu thốn trăm bề, nhưng anh không nói về điều ấy. Tất cả trái tim tình yêu, nỗi nhớ, niềm thương anh gửi gắm về quê nhà, nơi có người anh yêu thương! Có màu hoa yêu thương, có tình quê anh yêu thương. Dẫu phương Bắc bốn mùa hay Phương Nam hai mùa mưa nắng…. Tất cả tình cảm nỗi lòng của người lính ấy được viết ra từ cảm xúc của một người phụ nữ trẻ với tình yêu của chị dành cho những chàng trai lính Nhà Giàn. Thu Về Chưa Em Ơi! Của tác giả Trần Ngọc Hòa đem đến cảm xúc thật đặc biệt với riêng tôi!
Sài Gòn 6/9/2014
Huỳh Xuân Sơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét