Thứ Hai, 12 tháng 6, 2017
Hoa Trường Sơn- Trong Thơ Người Cựu Chiến Binh Nhà Thơ Đặng Kiên Cường Qua Cảm Nhận Của Huỳnh Xuân Sơn
Ngày tôi còn là cô bé lẫm chẫm biết đi. Chiến tranh chấm dứt. Nên tôi chỉ biết đến chiến tranh qua sách vở và nghe cha mẹ kể lại.
Lớn lên tôi cũng đã có dịp đi dọc Trường Sơn nhưng là Trường Sơn hôm nay đường nhựa phẳng lì, hai bên đường rừng già trầm mặc, với những dòng sông con suối nên thơ. Chẳng còn dấu vết của Trường Sơn “một thời đạn bom, một thời khói lửa” hay con đường Trường Sơn huyền thoại ngày xưa nữa.
Nhưng vẫn còn đây:
Trường Sơn đông Trường Sơn Tây
Bên nắng đốt bên mưa bay- (Sợi Nhớ Sợi Thương-Phan huỳnh Điểu).
Nhưng tìm đâu cũng chẳng thấy cảnh trong lời bài hát Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây của Nhạc Sĩ Hoàng Hiệp nữa:
Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn hai đứa ở hai đầu xa thẳm.
Đường ra trận mùa này đẹp lắm….
…Con đường mà gánh gạo, muỗi bay rừng già cho dài tay áo…
…Như tình yêu nối lời vô tận là Đông Trường Sơn nối Tây Trường Sơn. – (Hoàng Hiệp).
Chiến tranh đã lùi vào quá khứ bốn mươi năm thời gian bằng hơn nửa đời người, nhưng với thế hệ cha, anh của tôi thì nó như vừa mới qua đây thôi. Đặc biệt là với những người đã từng “xẻ dọc Trường Sơn” những năm chiến tranh ác liệt thì lại càng thấy như mới vừa hôm qua đây thôi…
Một trong những người lính như thế là Nhà thơ Đặng Kiên Cường. Ông về hưu mới bắt đầu sáng tác và lần lượt những tập thơ đều đặn ra đời. Trên tay tôi lúc này là tập thơ thứ hai có tên Hoa Trường Sơn.
thật lạ kỳ khi ông - một người lính già- đã bôn ba 42 năm trong đời người lính, lại viết về Hoa Trường Sơn?
Đọc xong tập thơ tôi trăn trở tôi suy tư với từng câu thơ mộc mạc giản dị nhưng ăm ắp tình người, tình đồng đội , tình của người lính già về với chiến trường xưa.
Cuối cùng tôi cũng đã thấy hoa nở trong tập thơ này. Và tôi bắt đầu vẽ bông hoa ấy bằng chính những câu thơ của ông – người lính già đầu bạc- Xin phép tác giả cho tôi gọi ông như vậy.
Chân dung người cựu chiến binh được ông viết:
Đi qua hai cuộc chiến binh
Nay là những cựu chiến binh quê nhà
Sớm chiều ao cá luống hoa
Trong tình làng xóm chan hòa thân thương
Cựu chiến binh giữa đời thường
Vẫn chất lính của trường sơn thuở nào- (Cựu Chiến Binh Quê Tôi)
Và những người cựu chiến binh như ông và bạn bè của ông rất nhiều trong số đó hôm nay vẫn :
Trên mình còn những vết thương
Trở trời trái gió vẫn còn vương đau- (Cựu Chiến Binh Giữa Đời Thường)
Đồng đội và cả bản thân ông mang trong mình thương tật nhìn thấy vết sẹo đau nỗi đau thân thể :
Tôi đang mang vết thương trên mình
Rõ hình rõ nét
Nỗi đau đớn quằn quại bên mình- ( Vết Thương Vô Hình)
Dù vậy ông vẫn thấy mình còn may mắn hơn những người đồng đội cũng là những người cựu chiến binh trở về từ chiến trường còn lành lặn thân thể :
Nhưng vết thương trong lòng quá lớn
Những vết thương động trời động biển
Vì nhiều đời còn mang nặng nỗi đau
Chất độc đi-ô-xin làm con người hủy diệt-( Vết Thương Vô Hình)
Ký ức chiến tranh trong thơ ông còn là vết thương của đồng đội người thương binh ¼ Nguyễn Công Sự khi bị mất đi đôi mắt :
Mấy năm đánh đá phá bom
Chẳng may bom Mỹ nó dòm được ta
Một mai đôi mắt có nhòa
Đôi tròng sâu thẳm vẫn là thiêng liêng (Bom Dòm)
Còn đây là ký ức lúc ông bên người bạn phút cuối năm 1965 nay vẫn nguyên vẹn trong tâm trí ông khi ông về thăm lại chiến trường xưa ông đã Nhớ:
Sưởi ấm đêm đông bên bếp hồng
Hỏi nhau đồng đội nhớ nhà không
Nhớ đình xóm Nam bên cạnh giếng
…………..
Nhớ cô mười tám da rám nắng
Khuya sớm chờ ai chửa cưới chồng (Nhớ)
Thơ ông không chỉ viết về nỗi đau chiến tranh mang lại .Trong Hoa Trường Sơn ông viết về ký ức chiến tranh không nhiều, chủ yếu ông viết cho những người cựu chiến binh đồng đội của ông. Thơ ông còn là tâm tư nỗi lòng của người lính hôm nay về với cuộc sống đời thường nhưng trong lòng ông vẫn sống với tâm niệm :
Xây trong lòng một nghĩa trang riêng
Để cùng sống với bạn bè đi trước
Đồng đội ơi! Bằng xương bằng thịt
Hãy vui cùng nhịp thở âm-dương - (Xây Trong Tiềm Thức)
Trong lòng bề bộn việc chung việc riêng sau cuộc chiến. Thế nhưng ông vẫn giành chỗ để lưu ký ức của những đồng đội đã ra đi.
Ông cũng như biết bao người đồng đội của mình cùng nhau trở lại chiến trường xưa và những câu thơ cất lên từ Trường Sơn hùng vĩ hôm nay, cũng chính là tiếng lòng của ông nhớ về đồng đội với tâm nguyện của mình:
Ta nghiêng mình kính cẩn trước anh linh
Những nỗi đau nhức nhối chưa lành
Làm chi đây
Ta cùng tâm nguyện
Tiếp chặng đường trọn nghĩa với non sông (Tâm Nguyện)
Và:
Đồng đội ơi chúng tôi còn sống
Tình nguyện theo cây nến nén hương
Hiến dâng xin hiến dâng tất cả
Thơm- sáng tỏa về hai ngả âm-dương (Ân Tình)
Dọc miền đất nước khắp nơi ngày trẻ xông pha trận tuyến, hôm nay ông về thăm lại có lẽ thành cổ Quảng Trị là nơi ông đặt chân tới đầu tiên, và một loạt bài thơ viết về nơi này ra đời như Thăm Thành Cổ Quảng Trị,Tháp Chuông Thành Cổ…..
Mảnh đất này tám mốt ngày đêm
Máu xương ngập lụt chân tường thành cổ
……………………
Ba mươi tám năm đất nước đi lên
Nhìn thực tại hiểu sâu thêm quá khứ
Mãi vắng bóng một thời rực lửa
Lửa hôm qua và hoa của hôm nay- ( Trước Thềm Xuân)
Và đây là nỗi lòng người lính già trước vong linh các đồng đội tại nghĩa trang Trường Sơn:
Mười hai ngàn chân linh
Ngày giỗ chung gọi nhau đồng đội
Đã bình yên sau vạn ngày thay đổi
Trường Sơn ơi nhoi nhói gọi tôi về….
….Lau nước mắt trước ngàn sau cổ tích
Tôi cúi đầu… đi giữa tiếng rừng sâu-( Trước Nghĩa Trang Trường Sơn)
Ông về thăm lại nơi này khi ông:
Sáu tư mùa xuân vẫn còn xanh
Hoa thơm đơm trái giữa ngọt lành
Ngày xuân tươi đẹp tràn sức sống
Vạn nẻo đường xa in dáng xuân –( Sáu Tư Mùa xuân)
Dẫu 64 tuổi và mang trong mình nhiều thương tích nhưng có lẽ ông sống với ý nghĩ
Đã ngoại sáu mươi chẳng thấy già
Đường xa gánh nặng vẫn xông pha
Ngỡ mình mười tám đôi mươi ấy
Vẫn đọng sức xuân vượt bóng tà – (Lạc Quan)
Và không chỉ lạc quan không đâu ông còn rất Tự Tin
Sức sống Xuân về lại trẻ ra
Yêu xuân nên quên khuấy tuổi già
Thời gian tô điểm màu sương gió
Gian khó bền lòng vững bước qua- ( Tự Tin)
Và ông vẫn còn nguyên dũng khí một thời trai trẻ khoác trên mình màu xanh áo lính:
Dũng khí hai mươi tuổi tiến công
Hiên ngang vững bước nguyện tâm đồng _ ( Dũng khí Thanh Niên)
Đã thấy Hoa nở trong Hoa Trường Sơn của nhà thơ Đặng Kiên Cường . Những bông hoa ấy kết tinh từ máu xương và cả mạng sống của đồng đội ông gửi lại mảnh đất này, để hôm nay sau bốn mươi năm trở lại, chiến tranh với súng đạn và chết chóc lùi xa. Nhưng vẫn còn lại trong trái tim khối óc những người lính năm xưa một suy nghĩ rất thật :
Vinh quang nào không tốn máu xương
Không thấm đau khắc khoải những đêm trường-( Trước Thềm Xuân)
Hoa Trường Sơn của nhà thơ Đặng Kiên Cường còn viết về rất nhiều chủ đề khác với góc nhìn của người lính già. Nhưng trong khuôn khổ có hạn của bài viết này tôi xin phép chỉ viết về một góc nhỏ trong tập thơ. Đó chính là chuỗi ký ức về chiến tranh và cái nhìn hôm nay của ông về chiến trường xưa. Nơi mà hơn bốn mươi năm trước nó là chiến trường ác liệt đã cướp đi quá nhiều đồng đội của ông, và không biết bao nhiêu phần xương máu của chính ông và cả đồng đội của ông nữa.
Dĩ vãng đã lùi xa, đau thương mất mát vẫn còn đó. Nhưng ông hiểu rằng đau thương mất mát ấy để nuôi dưỡng cho hôm nay Hoa hạnh phúc đơm bông .
Tôi xin mượn mấy câu thơ của ông trong bài Những Bông Hoa Đẹp mãi để kết cho bài viết của mình và mong rằng mỗi bạn đọc cũng giống như tôi sẽ nhìn thấy một bông hoa đang khoe sắc trong Hoa trường Sơn của nhà thơ nhà báo Đặng Kiên Cường
Chiến tranh đã đi vào huyền thoại
Những hố bom sâu cây cỏ đã đâm chồi
Đồng Lộc nay đã đi vào lịch sử
………………….
Những nơi này hoa mua hoa sim màu tím ấy
Vẫn lung linh hương sắc tuyệt vời- (Những Bông Hoa Đẹp Mãi)
Sài Gòn 15/11/2013
Huỳnh Xuân Sơn
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét