Chủ Nhật, 4 tháng 6, 2017

Cảm Nhận Bài Thơ Thương Con Gái Lấy Chồng Xa Của Tác Giả Trinhcamle



Ngày đầu năm mới xong công việc cúng gia tiên. Tôi vào mạng chúc tết các bạn thơ trên Thi Đàn. Tôi bắt đầu bấm lần lượt trong danh sách hội viên và vào trang cá nhân của từng người, đọc hết bài đầu trang rồi ghi lời chúc tết. Không quan trọng bạn thơ ấy là ai! Và có vui khi mình chúc không? Nhưng với suy nghĩ rằng: theo phong tục cổ truyền thì mọi lời chúc đầu năm đều mang đến cho người nhận niềm may mắn.

Sau khi chúc được khoảng trên năm chục người. Thì tới trang danh sách thành viên thứ hai. Người đầu tiên là tác giả trinhcamle.

Một cái tên rất quen thuộc trên Thi Đàn, với cảm nhận của riêng tôi thì thơ anh nhẹ nhàng, mềm mại pha chút nồng nàn . Nhưng luôn luôn là dòng thơ tình dang dở và day dứt sau ly tan, có một số bài anh viết về mảng đề tài khác thì vẫn man mác nỗi buồn. Nghĩ vậy nhưng khi đọc bài thơ đầu trang để chúc tết anh, tôi vô cùng ngạc nhiên lẫn thích thú, vẫn là những vần lục bát ngọt ngào, không lẫn với người thứ 3 trên thi đàn. Vẫn mang mang nỗi buồn, nhưng lại là một tình thơ, ý thơ khác hẳn dòng thơ của anh mà tôi đọc từ trước tới giờ. Tôi copy lại và ngồi chúc tết tiếp . bây giờ có lẽ đêm đầu năm cũng đã khuya lắm rồi, tôi ngồi đọc lại và quyết định đồng hành cùng với bài thơ . Bài thơ này có lẽ là chính nỗi niềm của anh- người cha- giành cho con gái. Như lời tựa:

Thương Con Gái Lấy Chồng Xa

Sinh con ai chả ước mong
Dựng vợ gã chồng, cháu chắt đùa vui

Con về làm dâu xứ người
Đường xa xa lắm nụ cười vương lo
Mười hai bến nước vòng vo
Cầu trời con được đũa so bằng đầu

Mẹ chồng,giữ hiếu con dâu
Tòng phu trọn đạo vẹn câu vợ hiền
Tào khang ấm bút vui nghiên
Dịu dàng một mực ,chính chuyên một lòng

Nâng niu từ thuở ẳm bồng
Quý con hơn cả vàng ròng con ơi
Dưỡng dục con được nên người
Bố mẹ quên cả một đời gian lao

Duyên trời định biết làm sao ?
Rời xa mái ấm lòng nào muốn đâu
Ngày đêm bố mẹ nguyện cầu
Con được hạnh phúc bền lâu bên chồng

Khi nào rảnh rảnh nghe không
Ai nơi quê cũ cũng mong con về ?(Trinhcamle)

Một bài thơ lục bát, với những lời thơ chân thành, mộc mạc chuyên chở một khối tình sâu nặng của người cha với con gái. Hòa quyện cùng với câu từ chắt lọc là cách gieo vần khác lạ với thể thơ Lục Bát. Đã dẫn ta đi vào nội dung thơ nhẹ nhàng như xem một câu chuyện hấp dẫn vậy. Câu chuyện tình Cha con của tác giả Trinhcamle được bắt đầu bằng:

Sinh con ai chả ước mong
Dựng vợ gã chồng, cháu chắt đùa vui.

Nỗi niềm và ước mong của tác giả cũng chính là nỗi lòng của mọi người cha người mẹ trên thế gian này. Một cặp lục bát không vần theo qui luật 6-8 mà là 6-4, nằm tách riêng làm cánh cửa của câu chuyện nặng trịch mở ra rất nhiều trăn trở suy tư của các bậc làm cha làm mẹ.

Rồi khi bước vào qua cánh cửa ấy ta gặp:

Con về làm dâu xứ người
Đường xa xa lắm nụ cười vương lo
Mười hai bến nước vòng vo
Cầu trời con được đũa so bằng đầu

Con Gái đi lấy chồng, là ước mong của cha mẹ cơ mà. Có gì khiến tác giả phải trăn trở vậy? phải chăng : “có con mà gả chồng gần. / Có bát canh cần nó cũng đem cho”. Nhưng con gái của tác giả lại “về làm dâu xứ người”. Và, xứ ấy thì “Đường xa xa lắm …” nên tác giả mới cảm nhận “nụ cười vương lo”. Con gái vui cười khi “Vu quy” mà lòng người cha lại cảm nhận nỗi “vương lo” trong nụ cười ấy! một chút trăn trở, một chút băn khoăn : “Mười hai bến nước vòng vo”. Biết con sẽ gặp bến nào trong mười hai bến ấy? chỉ còn biết “cầu trời con được đũa so bằng đầu”. Lời cầu mong cho con gái của tác giả ở đây phải chăng xuất phát từ “Xứ người…đường xa xa lắm”. Khoảng cách địa lý khác nhau, cùng với phong tục tập quán sẽ khác nhau . Có lẽ còn ẩn ý nữa rằng Tác giả cũng chưa hiểu nhiều về chàng rể của mình. Tác giả lo khi về sống với nhau cách biệt về địa lý xa xôi như vậy? liệu tình yêu của con gái, con rể có đủ lớn để vượt qua được tất cả khó khăn khi về sống bên nhau như một đôi “đũa bằng đầu”. Quả thật chỉ có tình cảm của người cha nhìn xa trông rộng, mới có nỗi niềm như vậy.

Sau nỗi lo bây giờ là những điều dặn dò con gái khi về làm dâu “xứ người”

Mẹ chồng,giữ hiếu con dâu
Tòng phu trọn đạo vẹn câu vợ hiền
Tào khang ấm bút vui nghiên
Dịu dàng một mực ,chính chuyên một lòng

Tác giả có lẽ là người sâu nặng với nền văn hóa Á Đông. Điều mà anh khuyên con khi về nhà chồng chỉ gói gọn : “tam tòng tứ đức”. Có lẽ với anh bấy nhiêu là quá đủ cho niềm mong mỏi của mình. Tứ đức gồm Công, Dung, Ngôn, Hạnh. Con gái anh nếu giữ trọn vẹn và làm theo lời khuyên răn của anh thì đâu chỉ “tào khang ấm bút vui nghiên” mà niềm vui niềm hạnh phúc sẽ đến cho cả đại gia đình hai bên nội ngoại.

Răn dạy con rồi, có lẽ đã tiễn con vu quy, giờ đây còn lại hai đấng sinh thành. Tác giả mới nhận ra tình cảm của mình trong nỗi niềm ngày con theo chồng:

Nâng niu từ thuở ẳm bồng
Quý con hơn cả vàng ròng con ơi
Dưỡng dục con được nên người
Bố mẹ quên cả một đời gian lao

Tác giả năm nay đã sang bên kia sườn dốc của cuộc đời rồi. Tóc đã pha sương . Dòng đời đã trải qua trọn vẹn một thời bao cấp khó khăn. Cùng lúc sinh ra, nuôi dạy con cái và phải lo cuộc sống thời bữa rau, bữa cháo. Áo manh, quần chiếc trong hoàn cảnh khó khăn chung của toàn xã hội. Nay xã hội thay đổi cuộc sống khác hơn, ngày tiễn con về nhà chồng tác giả hẳn nhiên là nhớ tới thủa “con còn ẵm bồng”. nâng niu chăm sóc răn dạy “con được nên người”. tác giả đang nhớ thời gian khó trải qua. Nhưng để động viên an ủi chính mình anh lại viết: “ Quên cả một đời gian lao”. Xây dựng hạnh phúc gia đình, tác giả có suy nghĩ “quý con hơn cả vàng ròng” nên có con là anh quên hết mọi sự vất vả đã đang trải qua. Hôm nay ngày vui khi thấy con đi xây dựng tổ ấm của riêng mình thì tác giả vẫn còn trăn trở:

Duyên trời định biết làm sao ?
Rời xa mái ấm lòng nào muốn đâu
Ngày đêm bố mẹ nguyện cầu
Con được hạnh phúc bền lâu bên chồng

Lời cầu nguyện mỗi “ngày đêm” của hai đấng sinh thành. Cùng với những tháng ngày nuôi nấng dạy dỗ con “nên người” của tác giả. “Thêm duyên trời đã định”, thì dù con gái và cả cha mẹ đều không muốn “rời xa mái ấm gia đình”. Nhưng đó chỉ là ước mong thôi, chứ ngay khi mở cửa tác giả đã viết: “nuôi con ai chả ước mong. / Dựng vợ gả chồng.” Quy luật của cuộc sống luôn luôn có chia ly mới có đoàn tụ. Con gái đi lấy chồng. mới có “cháu chắt đùa vui”. Có đi xa mới có ngày về xum họp cho thỏa nỗi nhớ. Tình cảm người cha trong tác giả sâu rộng mênh mông, anh hiểu, anh biết, anh băn khoăn. Nhưng rồi anh chỉ căn dặn thêm một câu:

Khi nào rảnh rảnh nghe không
Ai nơi quê cũ cũng mong con về ?

Con theo chồng về “làm dâu xứ người” và anh đã dạy con phải giữ trọn đạo “tam tòng tứ đức” nên anh biết con sẽ phải toàn tâm toàn ý lo cho “mái ấm gia đình” mới của mình. Giờ anh chỉ mong “khi nào rảnh rảnh” hãy nhớ, không chỉ riêng cha mẹ mà bất kỳ “ai nơi quê cũ cũng mong con về”.

Bài thơ Thương Con Gái Đi Lấy Chồng Xa, là nỗi lòng người cha của tác giả Trinhcamle,cũng là bức tranh hạnh phúc của gia đình anh, mà ngày xuân tôi được chiêm ngưỡng. Tôi chưa trải qua nỗi niềm tiễn con về nhà chồng như anh. Nhưng khi đọc bài thơ này tôi cảm thấy cảm xúc ùa về và tôi đã ghi lại. Có thể tôi chưa lột tả và cảm nhận đúng những gì mà tác giả đã viết. xong với tình cảm của một người yêu những bài thơ hạnh phúc tôi đã viết. Xin tác giả và bạn đọc hãy coi đây là tình cảm của riêng cá nhân tôi giành cho một bài thơ mà tôi yêu thích.

Sài Gòn ngày mùng 1 tết Giáp Ngọ
Huỳnh Xuân Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét