Thứ Ba, 20 tháng 6, 2017

Cảm Nhận Bài Thơ Mười Năm Của Tác giả Sương Lam Nhã My



Mười năm không gặp tưởng tình đã cũ
Mây bay bao năm tưởng mình đã quên
Như mây bay đi một trời thương nhớ..
Nhưng em yêu ơi một vùng ký ức
Vẫn còn trong ta cả một trời yêu…(Trần Quảng Nam).

Những ca từ trong ca khúc Mười Năm Yêu Em của nhạc sĩ Trần Quảng Nam trên đây, chính là điều mà tôi nghĩ tới khi đọc bài thơ Mười Năm của tác giả Sương Lam Nhã My. Duy chỉ có điều ca khúc của Nhạc sĩ Trần Quảng Nam là nỗi lòng của một trang nam tử, còn tác giả của chúng ta lại viết về tâm tư của một yểu điệu thục nữ…Nhưng điểm chung của họ là viết về một mối tình ngang trái sau mười năm họ nhìn lại cuộc tình này…
Và đây là tác phẩm Mười Năm của Thiếu phụ Sương Lam Nhã My

Mười Năm

(tặng TT)
Ta về như bóng mây qua ải
Lặng lẽ trời buồn vắng trăng sao

Về đâu muôn dặm đời hoang hoải
Lá chết ngập ngừng mấy nỗi đau
Vĩnh biệt đâu là người đã mất
Mà đời không được bước cùng nhau

Mười năm lặng lẽ em giờ đã
Tình chết ngậm ngùi bóng vó câu
Ta về sợi tóc màu sương điểm
Nghe nặng thời gian nước qua cầu

Bóng ai thăm thẳm ngoài cõi vắng
Trong chốn hoang đường trắng nẻo xa
Lời thề buổi ấy còn mang nặng
Nhưng đủ buộc đời ta nhớ ta

Người đi hoa bưởi hoa xuân rụng
Sỏi đá buồn theo bước ngập ngừng
Em đã chết lòng theo xác pháo
Áo hoa thờ thẩn nắng cài song

Mười năm đâu kể là dâu bể
Một giấc mộng thôi quá não lòng
Cho dẫu tình đôi ta vẫn đợi
Chắc gì đã được tỏ mà mong

Mười năm chẳng thể dài hơn nữa
Mà ngắn bao nhiêu ước mộng đầu
Ta gói thời gian trong lớp bụi
Đã màu rêu úa lạnh đời nhau…(Nhã My)

Bài thơ với một chủ đề không mới (tình dang dở). Nhưng với sự gắn kết câu từ có chọn lọc trau chuốt, theo một nhịp thơ như trầm buồn như khắc khoải theo tiếng lòng người thiếu phụ sau khi “chết lòng theo xác pháo” hay bùi ngùi mười năm sau ngày “áo hoa thờ thẫn..” sang sông ấy trở về chốn cũ. Cảnh cũ người xưa ngày gặp lại diễn biến bài thơ được tác giả khéo léo sắp đặt theo thể thơ tự do, nhằm gửi gắm một tình thơ thật giàu cảm xúc. Nội tâm cũng như chuyển biến tâm lý của người thiếu phụ ngày trở về được tác giả khắc hoạ rõ nét qua từng khổ thơ…

Ngay hai câu mở đầu diễn tả sự trở về của người thiếu phụ đã mở ra những giai điệu mang âm hưởng buồn qua hình tượng:

Ta về như bóng mây qua ải
Lặng lẽ trời buồn vắng trăng sao

Lặng lẽ ta về thì ai chẳng vậy? không lý lại đi nói với “người xưa” ngày hôm nay em về ư? điều đó là không thể …Nhưng hình ảnh “như bóng mây qua ải” lại là thông điệp khác. Chứ không chỉ là về thăm cố hương hay thăm người cũ…Aỉ nào ở đây? để cho bóng mây lướt qua trong khi “trời buồn vắng trăng sao”. Một áng mây bay lặng lẽ qua một “ải” nào đó, trong trời đêm đen mù mịt được tác giả lấy làm cột mốc cho sự trở về sau Mười Năm của người thiếu phụ…Thật ám ảnh với một hồn thơ trĩu nặng để cùng tác giả đi tiếp:

Về đâu muôn dặm đời hoang hoải?
Lá chết ngập ngừng mấy nỗi đau?
Vĩnh biệt đâu là người đã mất
Mà đời không được bước cùng nhau

Một nỗi đau có lẽ đã vò xé bóp nát trái tim người thiếu phụ qua khổ thơ này. Hai từ “vĩnh biệt” làm cho cả khổ thơ như chùng xuống. Vẫn biết ngay sau hai từ ấy là sự khẳng định chắc chắn “đâu là người đã mất”. Chỉ là “đời không được bước cùng nhau”. Có phải căn nguyên của “lá chết ngập ngừng mấy nỗi đau” và câu hỏi khiến người nghe không thể trả lời “về đâu muôn dặm đời hoang hoải?”. Được bắt nguồn từ khi “đời không được bước cùng nhau”,khi ấy cả hai đã coi như “vĩnh biệt” mặc dù mỗi người vẫn đang đi theo một ngả rẽ của riêng mình… Hôm nay “bóng mây qua ải” lặng lẽ trở về. Nhưng tự hỏi lòng biết về đâu? giữa chập chùng lối rẽ mà tác giả gọi nó là “ muôn dặm đời hoang hoải”…Vẫn chưa thấy “ngôi thứ hai” xuất hiện vẫn chỉ là những tâm tình của người thiếu phụ:

Mười năm lặng lẽ bây giờ đã
Tình chết ngậm ngùi bóng vó câu
Ta về sợi tóc màu sương điểm
Nghe nặng thời gian nước qua cầu

“Mười năm lặng lẽ em giờ đã”…một câu nói bỏ lửng dẫn đến “Ta về sợi tóc màu sương điểm”. Mười năm, thời gian không phải quá dài nhưng đã đủ làm cho “nghe nặng thời gian bước qua cầu”. Có lẽ thời gian vẫn nhẹ nhàng trôi như qui luật của nó thôi, chỉ có lòng người nặng trĩu níu kéo thời gian lại . Bởi tự đáy lòng, tự trong trái tim đã biết mười năm ấy “tình chết ngậm ngùi bóng vó câu” rồi mà! Phải chăng ở câu thơ này còn ẩn chứa một uẩn khúc gì cho cuộc tình dở dang này thì phải? bởi không khi mà tác giả mượn ý của câu thành ngữ “bóng Câu qua cửa sổ..” Tình chết ngậm ngùi và nhanh như “bóng Câu qua cửa sổ” ư? Căn nguyên nào dẫn đến cái chết cho cuộc tình này lại nhanh đến vậy? ta cùng tác giả đi tiếp vào bài thơ

Bóng ai thăm thẳm ngoài cõi vắng
Trong chốn hoang đường trắng nẻo xa
Lời thề buổi ấy còn mang nặng
Nhưng đủ buộc đời ta nhớ ta

Người đi hoa bưởi hoa xuân rụng
Sỏi đá buồn theo bước ngập ngừng
Em đã chết lòng theo xác pháo
Áo hoa thờ thẩn nắng cài song

Mười năm trước “bóng ai thăm thẳm ngoài cõi vắng” để lại “lời thề” cho một người dõi mắt ngóng trông. Người ở lại nâng niu gìn giữ lời thề ấy dẫu đã biết chỉ là “chốn hoang đường” hay còn có chút vấn vương bởi “trắng nẻo xa” phía trước…Nhưng dù sao thì “lời thề buổi ấy” với người trở về hôm nay mãi mãi “đủ buộc đời ta nhớ ta”. Chỉ là nhớ thôi chứ chẳng phải là buộc đời ta với nhau phải không tác giả?...

Rồi ngã rẽ không hề mong muốn cũng đến bởi “người đi hoa bưởi hoa xuân rụng”. Hoa bưởi rụng còn chờ ngày hái quả! Hoa xuân rụng ta đợi trái gì đây? Trong khi ấy “sỏi đá buồn theo ..” Em cũng đanh phải “bước ngập ngừng” những bước đi vào ngã rẽ ấy mà mỗi bước là thêm chết một bước sâu vào đáy lòng “theo xác pháo”. Về bến ấy, cuối lối rẽ ấy có một cánh áo hoa có lẽ còn vương xác pháo “thờ thẫn ..” bên song. Nắng cài song? Hay nỗi lòng day dứt nhớ thương chết theo từng vệt nắng tắt dần ngoài song cửa vào cái buổi chiều pháo nổ ấy! Tất cả trôi đi… cuốn theo để dìm chết cuộc tình một cách nhanh nhất, bắt đầu từ cột mốc này thì phải…để rồi:

Mười năm đâu kể là dâu bể
Một giấc mộng thôi quá não lòng
Cho dẫu tình đôi ta vẫn đợi
Chắc gì đã được tỏ mà mong

Một lời thề, một cuộc tình, một sự ra đi, một sự trở về…Một bước ngoặt qua một cửa ải thật không dễ dàng với “mười năm đâu kể là dâu bể”…Không kể nhưng những ai đã từng yêu, từng phải xa, từng trở lại hẳn không chỉ là dâu bể mà là mênh mông biển rộng hun hút vực sâu ngăn lối…chẳng dễ vượt qua nổi. Nhạc sĩ Vũ Thành An khi cuộc tình đổ vỡ ông đã trách móc người yêu ..nhưng phải đợi nhiều năm sau ông mới sửa lời ca khúc Bài Không Tên Cuối Cùng trong đó có câu rất hợp với tâm trạng người thiếu phụ của tác giả Sương Lam Nhã My hôm nay:

“Nếu chúng mình có thành đôi lứa
Chắc gì ta đã thoát ra đời khổ đau”.

Người thiếu phụ sau mười năm ‘lặng lẽ như bóng mây..” để ‘qua ải” và trở về… Có lẽ phải mất rất nhiều thời gian cùng với những dằn vặt khổ đau vì đã mang nặng lời thề để mà buộc nỗi nhớ vào mình, rồi sau khi cân đong đo đếm cuối cùng đã nhận ra“cho dẫu tình đôi ta vẫn đợi./ Chắc gì được tỏ mà mong..”…

Mười năm chẳng thể dài hơn nữa
Mà ngắn bao nhiêu ước mộng đầu
Ta gói thời gian trong lớp bụi
Đã màu rêu úa lạnh đời nhau…

Khổ thơ kết đã đóng sập cánh cửa cho nỗi buồn day dứt suốt mười năm qua không có cơ hội nhân thêm mãi…Hai câu thơ như hai vế đối làm điểm nhấn cho người trong cuộc. Để người ngoài cuộc tự so sánh “ mười năm chẳng thể dài…” nhưng đã đủ để cho người thiếu phụ nhận ra “ngắn bao nhiêu ước mộng đầu”…Khi đã nhận ra, đã rũ bỏ được nỗi buồn thì đương nhiên không cứ người thiếu phụ ấy mà có lẽ tác giả, tôi, và sẽ có nhiều bạn đọc khác nữa sẽ “gói thời gian trong lớp bụi./”Bởi chính nó suốt mười năm qua đã làm “ úa lạnh đời nhau”.

Nỗi niềm sau mười năm của người thiếu phụ phần nào đã được nguôi ngoai sau lần trở về này. Còn người ấy thì sao? Có lẽ ta có quyền chờ đợi ở tác giả Sương Lam Nhã My một tác phẩm khác viết về Trang nam tử mười năm sau.. Tác giả đề tặng TT, TTcó phải là người thiếu phụ? TT có phải là Trang Nam Tử ? Dù TT là ai thì đây cũng là một bài thơ tràn đầy cảm xúc và rất nhân văn rất tình người, và rất chân thật của tác giả Sương Lam Nhã My…

Nhạc sĩ Trần Quảng Nam khi kết thúc Mười Năm Yêu Em ông đã viết:

Ôi ! ta xa nhau tưởng chừng như đã..
Ôi ta yêu nhau để lòng cứ ngỡ
Tình bất phân ly- tinh vẫn như mơ
Đành nhủ lòng thôi giã từ kỷ niệm. (Trần Quảng Nam)

Còn nhạc sĩ Vũ Thành An khi kết cho ca khúc Bài Không Tên Cuối Cùng ông sửa lời lại thành:

…Này em hỡi con đường em đi đó, con đường em theo đó.
Đúng đấy em ơi
Nếu chúng mình có thành đôi lứa
Chắc gì ta đã thoát ra đời khổ đau
Nếu không còn gặp nữa
Giữ cho trọn ân tình xưa
Xin gửi em một lời nguyện
Được bình yên, được bình yên suốt đời…(Vũ Thành An)

Và tôi mong rằng đó cũng là suy nghĩ là tâm tư, là nỗi niềm sâu kín, mà Trang nam tử của người thiếu phụ trở về hôm nay dành để nói với cố nhân của mình.

Sài Gòn 7/7/2014
Huỳnh Xuân Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét