Thứ Hai, 12 tháng 6, 2017

Cảm nhận bài thơ Nhỏ Ơi! Lên Xe Anh Đưa Về Với Hạ của tác giả Tony Tèo


Cảm nhận bài thơ Nhỏ Ơi! Lên Xe Anh Đưa Về Với Hạ của tác giả Tony Tèo

Nhỏ Ơi! Lên Xe Anh Đưa Về Với Hạ.Là tựa đề cho một cảm xúc lúc hạ sang của tác giả có bút danh Tony Tèo. Với một người nghiện cảm nhận thơ như tôi. Thật không dễ gì bỏ qua một bài thơ với những câu thơ nhẹ nhàng, hồn nhiên và trong veo như bầu trời mùa hạ…Nhưng lại chuyên chở cả một khối tình nặng trĩu này.

Nhỏ Ơi! Lên Xe Anh Đưa Về Với Hạ.

Này nhỏ ơi... theo anh về với hạ !
Nơi ấy ngoan hiền như tuổi mười ba
Màu phượng tím ngọt ngào trên lối ngõ
Ve gọi ngày lên cung bậc giao hòa

Đi thôi nhỏ… Anh đưa em vào hạ !
Ngắm ánh hoàng lam thở gió sông chiều
Cội thời gian ngày xanh xưa nhỏ khóc
Gã hoang đường.. nhớ da diết bao nhiêu

Đi đi em... anh chở em vào hạ !
Tóc em ngoan lộng lẫy gió trên đồng
Hoa cúc đằng vàng như thời hoa mộng
Lối cỏ hương trầm em có thích không !?

Nhanh nhỏ ơi... anh chở em vào hạ !
Nhanh nhỏ ơi ! mùa trễ hẹn bây giờ
Ngày bạc tóc lại nhớ thời hoa nắng
Những giọt buồn vỗ cánh khoảng vu vơ

Nhỏ biết không... anh cõng em vào hạ !
Vì sang thu lá đổ góc giáo đường
Một mình nhỏ nỉ non lời cầu nguyện
Xin một lần về lại chốn yêu thương

Đứng lên em... anh đưa về với hạ !
Nhặt tuổi hoa niên dưới gốc phượng già
Đi thôi em ... lần này…. là sau chót
Biết mai có về khi phượng tím nở hoa (Tony Tèo)

Bài thơ tự do, với sáu khổ thơ. Cũng chính là sáu cung bậc cảm xúc trong veo về những kỷ niệm với Nhỏ. Mà hình như nay không còn nhỏ nữa…Dù sao thì cái tên Nhỏ cũng thật cuốn hút ta bước vô:

Này nhỏ ơi... theo anh về với hạ !
Nơi ấy ngoan hiền như tuổi mười ba
Màu phượng tím ngọt ngào trên lối ngõ
Ve gọi ngày lên cung bậc giao hòa

Bối cảnh bài thơ chắc chắn ở thì hiện tại. Tác giả đã để chủ thể Anh làm chủ cảm xúc trong bài thơ: Này nhỏ ơi! Có nghĩa vừa mới gặp và muốn cùng Nhỏ trở về thủa mười ba…Mùa hạ năm ấy “ngọt ngào” có lẽ với cả hai. Anh đã rất tự tin khi cất lời rủ rê Này nhỏ ơi!...theo anh về với hạ”.
Nhỏ trả lời sao? Tác giả quên cho ta biết, có lẽ “màu phượng tím…tiếng ve gọi” đã làm tác giả Luống cuống cũng nên…

Lại vẫn là Chủ thể Anh cất tiếng:

Đi thôi nhỏ… Anh đưa em vào hạ !
Ngắm ánh hoàng lam thở gió sông chiều
Cội thời gian ngày xanh xưa nhỏ khóc
Gã hoang đường.. nhớ da diết bao nhiêu

Một khổ thơ với những câu thơ chở ý thơ mênh mang về miền hoài hiệm. Nhỏ có lẽ còn ngần ngại sau lời mời ban nãy, để giờ Anh phải hối hả giục "đi thôi nhỏ.." "Anh đưa em vào hạ".
Hạ xưa ấy có cội già “ngày xanh nhỏ khóc”..Mà có lẽ khóc vì “gã hoang đường”… Thời gian đã lạnh lùng trôi mãi…bến sông xưa buông rèm che ký ức. Cội thời gian chẳng còn xanh nữa…Về đi nhỏ về cùng ngắm “ánh hoàng lam” chẳng thơ mộng nữa mà đã “thở gió sông chiều” …
”Ánh hoàng lam”, “Gió sông chiều” phải chăng ráng chiều hoàng hôn đã buông, nghe trong tiếng thở của gió,của lòng người cũng vừa đổ bóng. Nhớ da diết bao nhiêu?
 Bao nhiêu là đủ cho về miền hạ xưa nhỉ? Một khổ thơ lấp lánh hồn thơ, tình sâu, ý nặng, mênh mang hồi ức….Nỗi niềm này có lẽ xuất phát nhiều từ trái tim giục giã của “Gã hoang đường..” nhiều hơn thì phải!

Nhưng sao vẫn chưa đi vậy nhỏ? Để Anh đã phần nào mất tự tin khi phải năn nỉ:

Đi đi em... anh chở em vào hạ !
Tóc em ngoan lộng lẫy gió trên đồng
Hoa cúc đằng vàng như thời hoa mộng
Lối cỏ hương trầm em có thích không !?

Lại vẫn là những kỷ niệm bắt đầu từ mùa hạ thuở mười ba ấy! Gió vờn tóc em bay chắc chỉ có anh thấy lộng lẫy trên đồng. Hoa cúc đằng…Hình như hai người cùng đám bạn thời ấu thơ đã nhiều lần kết hoa cài tóc chơi trò cô dâu chú rể… Lối cỏ hương trầm vương kỷ niệm xưa..Anh nhắc, em nhớ và làm sao không thích nhỉ? Dấu chấm than trước dấu hỏi tác giả còn dụng ý khác nữa chứ không hẳn chỉ có bấy nhiêu ý muốn nhỏ nhớ về..


Nhanh nhỏ ơi... anh chở em vào hạ !
Nhanh nhỏ ơi ! mùa trễ hẹn bây giờ
Ngày bạc tóc lại nhớ thời hoa nắng
Những giọt buồn vỗ cánh khoảng vu vơ

Chắc hẳn Nhỏ đã không từ chối…Làm sao từ chối được những lời mời như có cánh của Anh đây? Tình trong veo như bầu trời mùa hạ ngày nắng. Thơ mênh mang như ánh trăng đêm rằm tháng hạ. Kỷ niệm ngọt ngào như mật ong mùa hoa trái.. Anh không còn rủ, năn nỉ hay mời nữa mà đã giục “nhanh Nhỏ ơi”. Nhỏ không còn phải theo, anh không đưa nữa mà bây giờ là “anh chở em vào hạ”.Nhanh Nhỏ ơi! một lần hối nữa ..Mùa trễ hẹn bây giờ.
Mùa hạ mỗi năm đến một lần, không hẹn, không chờ nó vẫn đến…Sao anh lại sợ trễ? Câu trả lời có ngay đây, bởi vì “ngày bạc tóc lại nhớ thời hoa nắng”. Khi bóng đổ dáng xiêu người ta luôn thấy thời gian trôi vùn vụt, tâm lý chung của tất cả mọi người chứ không riêng gì Anh của tác giả đâu.

Nhỏ biết không... anh cõng em vào hạ !
Vì sang thu lá đổ góc giáo đường
Một mình nhỏ nỉ non lời cầu nguyện
Xin một lần về lại chốn yêu thương

Sao vậy nhỉ? mới hối hả giục Nhanh lên Nhỏ…Bây giờ lại hạ giọng nói với Nhỏ mà như nói với chính mình vậy kìa. Mới anh “đưa em về với hạ” rất nhẹ nhàng. Vậy mà bây giờ thì “anh cõng em vào hạ”. Động từ cõng khiến cho tôi và có lẽ có nhiều người đọc cảm động. Cảm động vì “sang thu lá đổ…” anh đã nghe “nhỏ nỉ non lời cầu nguyện”..Xin Chúa lòng lành ban cho nhỏ “một lần về lại chốn yêu thương”. Anh nghe và anh Cõng nhỏ về nơi ấy…Phải chăng tác giả còn một ẩn ý khác nữa muốn cất giấu cho riêng Anh và Nhỏ, đó là “sang thu lá đổ” có nghĩa cả hai đã bước sang sườn dốc cuộc đời và dáng đổ lá vàng đưa theo những kỷ niệm nơi “chốn yêu thương” xa dần xa hút…


Đứng lên em... anh đưa về với hạ !
Nhặt tuổi hoa niên dưới gốc phượng già
Đi thôi em ... lần này…. là sau chót
Biết mai có về khi phượng tím nở hoa

Cung bậc của cảm xúc ở khổ thơ chạm vào trái tim người đọc là tôi. Và cũng có thể là nhiều bạn đọc nữa. Em tưởng như rất thích và hào hứng để Anh đưa về với hạ. Nhưng rồi khi nghe “ Nhỏ biết không..anh cõng em vào hạ”. Tôi đã thấy nao nao và giờ đây bước vào khổ kết lại là lời của Anh “Đứng lên em…”động từ Đứng này thêm chữ “lên em”.tôi có cảm giác nhỏ đã không còn nhỏ và dẫu có đồng ý để anh “cõng” thì cũng thật khó để về “nhặt tuổi hoa niên dưới gốc phượng già”. Hai hình ảnh đối lập nhau “tuổi hoa niên” đối với “gốc phượng già’ khiến cho ý thơ tình thơ như trĩu nặng theo tình cảm của Anh. Và, khoảng lặng trong câu đối này cũng kéo thời gian và khoảng cách trở về với hạ thật xa và không dễ thì phải…

Một câu thơ bị ngắt ra làm ba đoạn, xen vào đó là những dấu ba chấm lạnh lùng: “Đi thôi em…lần này…là sau chót”. Cùng với nhịp thơ của cả khổ chùng xuống chất chứa nỗi buồn chẳng dễ nguôi ngoai. ‘Biết mai có về khi phượng tím nở hoa”.

Em cũng chính là Nhỏ có đứng dậy không? Sau khi biết điều ấy nhỉ! Về nhặt tuổi hoa niên ai lại nỡ từ chối. Nhất là khi có Anh động viên “đi thôi em…”.Một lần sau chót có Anh nhưng thật khó thì phải…

Một bài thơ tình viết về mùa hạ nhưng với tôi nó chất chứa cả một khối tình giữa hai chủ thể Anh với Nhỏ. Từ thuở mười ba đến giờ. Khi mà nhỏ đã “thở gió sông chiều” họ vẫn có bên nhau. Nghe được tâm tư sâu kín của nhau “xin một lần về chốn yêu thương” Để rồi Anh luôn động viên thúc giục và cuối cùng dẫu có phải cõng thì anh vẫn ‘đưa em về với hạ”. Đến khổ kết sợi dây thân mật mới mở ra nút thắt, qua sự chuyển cách thể hiện tình cảm “Đứng lên em..” “Đi thôi em..”của chủ thể Anh trong bài.

Nhỏ ơi! Lên Xe Anh Đưa Về Với Hạ của tác giả Tony Tèo là một bài thơ dễ đọc khó cảm và tôi rất thích những ý thơ mà nó chuyên chở. Mong tác giả và bạn đọc hãy coi những cảm nhận này là suy nghĩ một chiều từ cá nhân tôi với góc nhìn đẹp nhất…
Bài thơ đầu tiên tôi được đọc của một tác giả hoàn toàn xa lạ được đăng lại bởi nucuoidoantrang. Chắc chắn sẽ không tránh khỏi thiếu sót , Xuân Sơn mong tác giả và bạn đọc bỏ qua cho nếu có sự khác biệt về góc nhìn!

Sài Gòn 24/6/2014
Huỳnh Xuân Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét