Chủ Nhật, 4 tháng 6, 2017

Cảm Nhận Bài Thơ Nỗi Lòng Thiếu Phụ Của Tác Giả Túy Phong Nguyệt



Người phụ nữ á đông ngày nay đã được giải phóng rất nhiều không còn những cảnh như người chinh phụ chờ chồng mòn mỏi đến hóa đá, trong sự tích Hòn Vọng Phu. Gần hơn nữa là một người phụ nữ mà trước khi trở thành thiếu phụ được Nguyễn Gia Thiều miêu tả :

Khóe thu ba dợn sóng khuynh thành
Bóng gương thấp thoáng dưới mành
Cỏ cây cũng muốn nổi tình mây mưa –(Cung Oán Ngâm khúc)

Vậy mà khi trở thành thiếu phụ chưa được bao lâu đã :
Vẻ phù dung một đóa khoe tươi
Nhụy hoa chưa mỉm miệng cười
Gấm nàng ban đã lạt mùi thu dung-(Cung Oán Ngâm Khúc )

Và phải cất lên khúc ngâm ai oán của người thiếu phụ mòn mỏi cô đơn khắc khoải:

Vì đâu lên nỗi dở dang
Ngẫm mình mình lại thêm thương nỗi mình- (Cung Oán Ngâm Khúc).

Những cảnh như vậy nay không còn trong xã hội hiện đại nữa. nhưng khi bắt gặp hai chữThiếu Phụ chỉ người con gái đã có chồng ấy. Sao nó vẫn mang một dáng dấp buồn ảo não, hay bởi chữ thiếu phụ bao đời nay gắn với tên người thiếu phụ Nam Xương trong sử ca của nhạc sĩ Thẩm Oánh.Viết về nỗi oan khuất của người vợ khi ở nhà vừa mòn mỏi chờ chồng đi chiến trận và nuôi con nhỏ, hiếu đễ với mẹ già vẫn giữ trọn vẹn chung trinh với chồng….cuối cùng phải ôm nỗi oan khuất gieo mình xuống sông để chứng minh sự trong sạch của mình….khi người chồng hiểu ra thì đã quá muộn.

Trong dòng thơ mới chảy vô Thi Đàn tôi gặp một tựa bài thơ Nỗi Lòng Thiếu Phụ của tác giả Túy Phong Nguyệt. một tác giả trẻ viết về nỗi lòng thiếu phụ bằng thể thơ Đường Luật Thất Ngôn Bát Cú.

Nỗi Lòng Thiếu Phụ.

Se se cái lạnh buổi đầu Đông
Gió phớt làn môi nhợt sắc hồng
Thiếu phụ bên song trông dạ khách
Vầng trăng cạnh núi ngắm loan phòng!
Người đi ngõ tối sầu giăng nẻo
Kẻ đợi canh khuya tủi ngập lòng!
Héo hắt đêm tàn thương nhớ mãi
Canh dài buốt giá hóa mênh mông!

Tám câu thơ với 56 chữ mà tác giả muốn diễn tả nỗi lòng người thiếu phụ quả thật không đơn giản để tôi có thể khám phá.

Câu đề thứ nhất tác giả tả cảnh tiết trời đông với cái se se lạnh, nhưng với Nỗi Lòng Thiếu Phụ thì, cái “se se lạnh” này có cả trong lòng người nữa, chứ không hẳn chỉ là tiết trời. bởi “se se cái lạnh buổi đầu đông”. Chữ “cái” đi sau từ láy “se se” và đi kèm với từ “lạnh” chuyển thề thành danh từ kép “cái lạnh” khiến ta liên tưởng có thể đưa tay ra cầm nắm được. bởi nếu không thì chỉ cần se se hơi lạnh buổi đầu đông, cũng đủ để tả thực thời tiết đầu đông rồi!

Câu đề thứ hai tác giả viết : “Gió phớt làn môi nhợt sắc hồng”. Vừa tả tiết trời mùa đông mới chớm với cái se se lạnh, tác giả nhấn mạnh cái lạnh lòng bằng việc dùng “gió phớt” làm cho “ Làn môi nhợt sắc hồng”. mới hai câu đề thôi bằng việc tác giả dùng danh từ kép “cái lạnh” đi cùng từ láy (se se)ngay đầu câu thứ nhất, đã dẫn dắt ta qua hai câu đề để giới thiệu một khung cảnh đìu hiu và một nỗi lòng cô quạnh.
Bước vào hai câu kế tiếp:

Thiếu phụ bên song trông dạ khách
Vầng trăng cạnh núi ngắm loan phòng.

Hai câu thực được tác giả dùng bốn cặp đối đó là “thiếu phụ” đối với “vầng trăng”, “bên song” đối với “cạnh núi” , “trông” đối với “ngắm” và “dạ khách” đối với “loan phòng”.

Bốn cặp đối này kết với nhau làm nên hai câu vốn dùng để tả đêm trăng nơi một miền quê có người thiếu phụ cô đơn trong căn phòng của mình.

Như đã nói ở trên thiếu phụ trước gió với nhạt “làn môi hồng”.là một thiếu phụ trẻ, và giờ đây trong đêm trăng lại ngồi bên song để mà “trông dạ khách”. Chị chờ đợi ai đây?với câu hỏi ngỏ ta vào hai câu luận

Người đi ngõ tối sầu giăng nẻo
Kẻ đợi canh khuya tủi ngập lòng

Hai câu này tác giả dùng các cặp đối “người đi” đối với “kẻ đợi” , “ngõ tối” đối với “canh khuya” và “sầu giăng nẻo” đối với “tủi ngập lòng”. Các cặp đối này kết hợp nhuần nhuyễn với nhau và với hai câu thực ở trên, miêu tả nỗi lòng buồn tủi của người thiếu phụ khi đêm về nhớ da diết “người đi” và có lẽ người đi ấy chính là người mà chị đang suy nghĩ những nỗi niềm của người ấy nghĩ sao và có nhớ đến cảnh loan phòng chỉ có mình chị cô đơn hay không?

Đêm khuya người thiếu phụ trăn trở, suy tư trong nỗi buồn “tủi ngập lòng” . Có lẽ bởi Người thiếu phụ cũng biết cũng hiểu “người đi” kia cũng đâu có vui vẻ gì! Trước mặt người ấy cũng là “ngõ tối” và những buồn “sầu giăng” mắc khắp nẻo đấy thôi.

Cùng nỗi niềm ấy của người đi và kẻ ở ta vào hai câu kết:

Héo hắt đêm tàn thương nhớ mãi
Canh dài buốt giá hóa mênh mông!

Hai câu kết diễn tả một đêm cô đơn đến quạnh quẽ của người thiếu phụ trẻ, thương nhớ một người cũng đang khắc khoải nỗi nhớ thương. Hai tâm hồn yêu thương nhớ nhung hòa quyện trong những lời thơ giàu tính truyền cảm, dẫn dắt ta qua hết một đêm đầu đông, cùng Nỗi Lòng Người Thiếu Phụ.

Bài thơ Đường Luật Thất Ngôn Bát Cú tuy còn chút lỗi điệp từ “Canh” xong với những cặp đối tương đối chuẩn đi vào theo niêm luật của thể thơ khó và vốn dĩ vẫn được cho là khô. Nhưng xuyên suốt cả bài thơ ta bị cuốn theo nỗi niềm của người thiếu phụ, với từng câu thơ mượt mà và với một nhịp thơ trầm buồn man mác.

Bài thơ diễn tả nỗi buồn của người thiếu phụ cô đơn. Nhưng không hẳn chỉ người thiếu phụ trẻ này, ta vẫn bắt gặp đâu đó xung quanh mình, những tổ ấm nhỏ trở thành tổ lạnh bởi vì cuộc sống thiếu thốn họ phải hy sinh đi hạnh phúc để đổi lấy miếng cơm manh áo hàng ngày và hy vọng có chút ít tiền dư tích cóp lo cho tương lai!

Cả người chồng đi hoặc người vợ ở nhà đều biết và hiểu nỗi lòng người kia . nhưng xum họp lúc này là bất khả kháng. Từ những hoàn cảnh éo le như vậy nên đã có Nỗi Lòng Thiếu Phụ hôm nay ta đọc.

Cám ơn tác giả Phong Túy Nguyệt và bài thơ Nỗi lòng Thiếu Phụ đã cho tôi có cảm xúc để viết bài cảm nhận này.Đây là góc nhìn phiến diện một chiều của riêng cá nhân tôi. Mong tác giả và bạn đọc bỏ qua cho nếu có gì sai sót

Sài Gòn 20/11/2013
Huỳnh Xuân Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét