Chủ Nhật, 4 tháng 6, 2017

Cảm nhận bài thơ Quyển Nhật Ký Chiến Trường của tác giả Trần Ngọc Hoà

 
Cảm nhận bài thơ Quyển Nhật Ký Chiến Trường của tác giả Trần Ngọc Hoà

Chiến tranh đã lùi xa. Tiếng súng, tiếng đạn bom đã ngừng rất lâu, nhưng hậu quả mà nó để lại thì bao giờ mới thôi nhức nhối? Câu hỏi này biết hỏi ai đây? Người viết cứ ngẫm nghĩ mãi khi đọc bài thơ Quyển Nhật Ký Chiến Trường của tác giả Trần Ngọc Hòa.

Quyển Nhật Ký Chiến Trường
( Viết về thượng tá Nguyễn Thị Tiến người đi tìm gia đình cho liệt sĩ)

Di vật.
Là một chiếc hộp đựng bàn chải đánh răng
Gò từ mảnh đuya-ra lấy từ xác máy bay mỹ
Đất đỏ Bua La Pha Khăm Muộn không thể làm phai mờ hoen gỉ
Dòng chữ nghiêng nghiêng " Biên giới Việt Lào ".
Cuối góc phải là đôi chim bồ câu
Hai dải đuôi dài bay vờn cánh gió
Dòng " Hzo.K Muhx' khi mờ khi tỏ
Chữ viết theo phiên âm tiếng Nga
một cái tên được dịch r
là NGÔ K MINH.

Chị lật đật đi tìm cho anh một gia đình
Một chữ lót không rõ ràng hai gia đình cùng nhận
NGÔ KHẮC MINH Diễn Châu Nghệ An
NGÔ KHỔNG MINH Thanh Chương Nghệ an
Ngày ra đi gian nan
ngày trở về lận đận
Đồng chí ơi !
Biết đưa đồng chí về đâu ?
Quyển nhật ký chiến trường vẽ cô bé thôn quê cắt cỏ trăn trâu
Những ghi chép " Chiến Tranh và hòa bình "_ thép đã tôi thế đấy ".
Chữ ký " VLdimiailich Khổng Minh" đang tỏa hồng trên trang giấy
Đã chứng minh Thanh Chương Nghệ An là nơi liệt sĩ chào đời.
Bác thương binh ( cháu của liệt sĩ ) trệu trạo từng lời
" Hay là các ông các bà cho tôi xin một nửa "
Tiếng nấc con tim
những nỗi đau òa vỡ
Nghĩa trang Ba Dốc Quảng Bình
nghèn nghẹn
rưng rưng.
Thôi thì chia sẻ nỗi mừng
NGÔ K MINH
Mộ bia vẫn nằm đây giữ nguyên như cũ
Hai gia đình cùng giỗ anh ngày nhập ngũ
Người sống sống trong nhau
người chết cũng mỉm cười.(Trần Ngọc Hòa)

Nào phải nhật ký như Mãi mãi tuổi hai mươi của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, hay Nhật ký của liệt sĩ bác sĩ Đặng Thùy Trâm thì còn đỡ nhức nhối.Đằng này lại là quyển nhật ký giúp thân nhân tìm ra nơi yên nghỉ của chủ nhân cuốn nhật ký ấy. Nhưng nếu chỉ thế thôi thì ý nghĩa lại khác đi, nỗi đau cũng vợi bớt. Tất cả là tại cái “hộp đựng bản chải đánh răng” cũng là kỷ vật của người lính, trên đó khắc tên bằng tiếng Nga, một chữ đệm viết tắt K. Dẫn tới hai gia đình muốn nhận ngôi mộ…Cuối cùng quyển nhật ký lên tiếng niềm vui giống như “mẹ vỗ tay reo mừng xác con…” (Trịnh Công Sơn) đến với gia đình liệt sĩ Ngô Khổng Minh. Gia đình của liệt sĩ Ngô Khắc Minh phải “mếu máo trệu trạo từng lời” Hay các ông các bà cho tôi xin một nửa” . Đau đớn và xót xa nào hơn thế nữa không?...Một ngôi mộ người muốn dời người muốn chia….Chiến tranh ơi! Quả thật không có nỗi đau nào giống nỗi đau nào cả!
Bài thơ Tự Do đượctác giả Trần Ngọc Hòa viết tặng Cựu chiến binh Nguyễn Thị Tiến người nhìn kỷ vật của chiến trường thấy chúng có tâm hồn, có ánh mắt của chủ nhân dõi theo. Chị cũng chính là cầu nối cho hàng trăm người lính được về với người thân dẫu có muộn màng.

Tác giả đã đồng cảm cùng nỗi bùi ngùi, khi đọc câu chuyện của chị Nguyễn Thị Tiến kể lại lai lịch của quyển nhật ký, cũng như số phần của một ngôi mộ liệt sĩ tại nghĩa trang Ba Dốc Quảng Bình.Ngôi mộ ấy được quy tập về từ nước bạn Lào và cùng với :

Di vật.
Là một chiếc hộp đựng bàn chải đánh răng
Gò từ mảnh đuya-ra lấy từ xác máy bay mỹ
Đất đỏ Bua La Pha Khăm Muộn không thể làm phai mờ hoen gỉ
Dòng chữ nghiêng nghiêng " Biên giới Việt Lào ".
Cuối góc phải là đôi chim bồ câu
Hai dải đuôi dài bay vờn cánh gió
Dòng " Hzo.K Muhx' khi mờ khi tỏ
Chữ viết theo phiên âm tiếng Nga
một cái tên được dịch ra
là NGÔ K MINH.

Câu chuyện bắt đầu như thế và sẽ rất có hậu nếu như ngày ấy anh lính trẻ không khắc tắt tên đệm của mình !Chị Nguyễn Thị Tiến sau khi cùng đồng đội đưa anh về nghĩa trang yên nghỉ :

Chị lật đật đi tìm cho anh một gia đình
Một chữ lót không rõ ràng hai gia đình cùng nhận
NGÔ KHẮC MINH Diễn Châu Nghệ An
NGÔ KHỔNG MINH Thanh Chương Nghệ an
Ngày ra đi gian nan
ngày trở về lận đận
Đồng chí ơi !
Biết đưa đồng chí về đâu ?

Hai gia đình ,hai người lính trẻ, hai nỗi đau, giống nhau. Hai họ, hai tên người lính giống nhau và hai chữ lót cùng có chữ K. Di vật ghi chữ K. Hai niềm hy vọng lớn như nhau! Người ở giữa lúc này cảm nhận nỗi đau cũng như hy vọng của thân nhân hai người lính rõ nét nhất, nhưng chính bản thân chị cũng chỉ biết kêu trời chứ biết làm sao đây? Không thể hai người là một, Nhưng cũng không thể bỏ cuộc..Tác giả Trần Ngọc Hòa đã rất tài tình khi viết bốn câu thơ cuối theo một nhịp thơ dập dồn, lên cao, xuống thấp, như tiếng lòng thắc thỏm của người thân và của chính chị Nguyễn Thị Tiến, khi đứng giữa hai cái tên của hai người lính trẻ. Câu hỏi tác giả đặt cuối sự miêu tả ‘Gian nan, lận đận” càng làm tăng thêm sự nhức nhối tới tận cùng nỗi đau của người thân cũng như người chứng kiến…Để rồi kỷ vật khác phải cất lên tiếng nói:

Quyển nhật ký chiến trường vẽ cô bé thôn quê cắt cỏ trăn trâu
Những ghi chép " Chiến Tranh và hòa bình "_ thép đã tôi thế đấy ".
Chữ ký " VLdimiailich Khổng Minh" đang tỏa hồng trên trang giấy
Đã chứng minh Thanh Chương Nghệ An là nơi liệt sĩ chào đời.

Tới đây quyển nhật ký có lẽ đã hoàn thành tâm nguyện cho chủ nhân của mình. Với thân nhân của liệt sĩ Ngô Khổng Minh hẳn vợi được chút nào đó nỗi đau khi tìm thấy con em mình dẫu chỉ là nắm xương…Ngày hai chàng trai trẻ ra trận đã mang trong mình nhiệt huyết “Ta đi theo ánh lửa gọi trái tim mình”. Trong chiến tranh sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc. Hẳn cả hai chàng trai trẻ chưa phút giây nào màng tới sự an nguy của mình, Họ có lẽ đã đặt tình yêu quê hương tổ quốc lên trên hết tất cả. Những “Thép đã tôi thế đấy” quyển sách gối đầu một thời của biết bao chàng trai như các anh …Lý tưởng ấy, tình yêu ấy của cả thế hệ các anh đã phải đánh đổi biết bao xương máu của người dân nước Việt mình để có hôm nay.Nhưng bản thân các anh và nhiều đồng đội thì mãi mãi không về. Hai người lính trẻ cùng ngã xuống cùng nằm lại chiến trường…Một người về một người còn đang nằm ở đâu? Câu hỏi này không chỉ có thân nhân anh Khắc Minh hỏi? Đâu chỉ có chị Tiến Nguyễn hỏi? Tôi hỏi cậu tôi đâu? Mẹ tôi hỏi em tôi đâu?...Trước đó ông ngoại tôi trước khi nhắm mắt về già cũng chỉ trăng trối lại nếu có điều kiện phải đi tìm mộ cậu tôi về với ông bà tổ tiên … Biết bao câu hỏi như thế của biết bao than nhân người lính đã ra đi mà chưa về, không có địa chỉ nhận. Tất cả bởi chiến tranh tàn khốc, chiến tranh không có mắt. Nhưng kỷ vật chiến tranh lại có mắt có linh hồn…Quyển nhật ký chiến trường được tác giả Trần Ngọc Hòa khép lại bằng khổ thơ kết đắng lòng, nhưng nặng tình và trọn nghĩa.

Bác thương binh ( cháu của liệt sĩ ) trệu trạo từng lời
" Hay là các ông các bà cho tôi xin một nửa "
Tiếng nấc con tim
những nỗi đau òa vỡ
Nghĩa trang Ba Dốc Quảng Bình
nghèn nghẹn
rưng rưng.
Thôi thì chia sẻ nỗi mừng
NGÔ K MINH
Mộ bia vẫn nằm đây giữ nguyên như cũ
Hai gia đình cùng giỗ anh ngày nhập ngũ
Người sống sống trong nhau
người chết cũng mỉm cười.
Tính Nhân văn cao cả của người dân Việt Nam đã thể hiện ở đây và được tác giả Trần Ngọc Hòa ghi lại, như một minh chứng cho tình đồng đội sống chết có nhau. Sẻ san nỗi vui, niềm đau của những người cùng cảnh ngộ…Ngôi mộ có tấm bia Ngô K Minh nằm tại nghĩa trang Ba Dốc Quảng Bình, sẽ vẫn nằm tại đây và từ đó có hai gia đình hương khói, Cùng giỗ các anh vào ngày các anh nhập ngũ..Viết tới đây mới thấy thấm thía câu thơ của nhà thơ Phùng Khắc Bắc viết lúc lên đường đi B “Bố tôi nhìn tôi bằng cái nhìn vuốt mắt”. Người lính trẻ lên đường ra trận là đã không còn nghĩ tới sự sống cái chết đã đành. Người cha ở lại mà tiễn đưa bằng cái nhìn vĩnh biệt thì mới thấy sự hy sinh cho chiến tranh lớn biết nhường nào!

Giờ đây hẳn người nằm dưới mộ Ngô Khổng Minh luônmỉm cười cùng với người đồng đội, vẫn chưa biết xương cốt đang nằm nơi đâu? Nhưng chắc chắn rằng linh hồn anh Ngô Khắc Minh đã có nơi chốn để về, mỗi khi hai gia đình tới thăm ngôi mộ.
Hai gia đình với hai nỗi đau mất con mất cháu, giờ đây sau mấy chục năm hy vọng họ đã có chút niềm an ủi. Cám ơn chị Nguyễn Thị Tiến, cám ơn tác giả Trần Ngọc Hòa cùng bài thơ của mình đã cho tôi có dịp đồng hành với nỗi mừng từ niềm đau hậu cuộc chiến....

Sài Gòn 14/10/2014
Huỳnh Xuân Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét