Thứ Bảy, 3 tháng 6, 2017

Cảm nhận bài thơ U Uất Tuổi Thơ của tác giả Nguyên Hữu



Thơ là tiếng nói từ trong sâu thẳm đáy lòng cất lên. Thơ là mật ngọt chắt chiu từ cuộc sống. Thơ là những giọt rượu nồng cay được chưng cất từ cuộc sống. Thơ là những cảm xúc được gói ghém trên trường đời để một lúc nào đó quá chật chội không níu giữ được nữa nó bung ra thành ý thơ….

Tất cả những suy nghĩ ấy, hôm nay tôi đã bắt gặp trong thơ của tác giả Nguyên Hữu:

U Uất Tuổi Thơ

Bố vừa đập phá bát mâm
Mẹ ngồi sợ hãi cúi gằm mặt kêu
Cái tát trên má đã thêu
Bản năng mẹ chạy gào kêu xóm làng

Nó buồn nước mắt hai hàng
Nhặt mảnh đĩa bát rơi văng căn phòng
Từng mảnh sắc nhọn cứa lòng
Đau đau rát rát cánh đồng tuổi thơ...

Căn phòng nhìn nó thẫn thờ
Ích kỉ cuộc sống giấc mơ con buồn
Bữa cơm lạnh lẽo cô đơn
Tủi thân giấc ngủ chập chờn bát rơi

Xa xăm nào đó một nơi
Có gia đình đó tiếng cười thật vui
Giật mình tỉnh giấc bùi ngùi
Bố đưa tờ giấy mẹ lùi thương con...

Ngoài trời mưa nức nở hờn
Gào đòi hạnh phúc đâu còn xa xưa... (25/02/2014 -Nguyên Hữu )

U Uất Tuổi Thơ được tác giả viết theo thể thơ lục bát, một thể thơ gắn liền với cuộc sống người dân Việt. Nhằm gửi gắm một tiếng kêu xé lòng của một đứa con sống trong một “tổ lạnh”. Hai kỹ sư tạo dựng đồng thời cũng là chủ nhân của “tổ lạnh” này có lẽ đã không… hay là chưa nhìn thấy, nghe thấy tiếng kêu này…. Người con đã kìm nén nhiều ngày, nhiều tháng và có lẽ đã nhiều năm…giờ đây như cái lò xo bị nén lâu ngày bật dậy…Tâm tư bật ra được tác giả Nguyên Hữu ghi lại.

Ngay từ cái tựa đề U Uất Tuổi Thơ đã thấy cám cảnh lòng người đọc. Tuổi thơ bao phủ bởi u tối ư? tuổi thơ sao lại phải chịu uất ức nhỉ? Muốn, tôi thật muốn tìm câu trả lời cho cảm xúc thơ ca của tác giả, bằng góc nhìn của người đọc thơ…

Bố vừa đập phá bát mâm
Mẹ ngồi sợ hãi cúi gằm mặt kêu
Cái tát trên má đã thêu
Bản năng mẹ chạy gào kêu xóm làng

Khi hai người mới gặp và yêu nhau chắc hẳn chưa bao giờ những người làm cha làm mẹ này nghĩ tới cảnh hôm nay. Bởi thế họ mới cưới và quyết định sinh con. Nguyên do vì sao mà người làm bố lại “đập phá bát mâm” trước mặt con…cái bát cái mâm là vật vô tri bị trút giận..nhưng còn người mẹ “sợ hãi cúi gằm mặt kêu” kia. Người đã từng đầu ấp tay gối cơ mà, cớ sao lại giáng những “cái tát” mà đến nỗi “má đã thêu” chữ thêu mới cám cảnh làm sao? Thêu hoa, thêu bướm chứ ai nỡ thêu hằn những ngón tay lên mặt vợ mình, mẹ của con mình. Có lẽ cái tát nảy lửa này đã không chỉ thêu một dấu lên khuôn mặt người mẹ đang “sợ hãi cúi gằm” kia. Mà những cái tát như trời giáng từ cánh tay lực lưỡng của người bố đã liên tiếp đập vào mới khiến người mẹ phải “chạy gào kêu xóm làng” theo bản năng làm người…Người phụ nữ Á Đông phần đông luôn cam phận và chịu đựng. Nhưng khi đã không thể cúi gằm mặt chịu đựng mà phải vùng chạy kêu cứu xóm làng thì quả thật người bố đã quá tàn nhẫn…Cuộc chiến độc diễn một chiều từ người bố chính là chỗ dựa của “tổ lạnh”. Trút vào người vợ nỗi đau thể xác lẫn tinh thần…Xé nát vụn tâm hồn trẻ thơ của đứa con đang chứng kiến…

Nó buồn nước mắt hai hàng
Nhặt mảnh đĩa bát rơi văng căn phòng
Từng mảnh sắc nhọn cứa lòng
Đau đau rát rát cánh đồng tuổi thơ...

Người làm cha đang hùng hổ chứng minh mình là đấng “anh hùng” vũ phu với vợ, có hiểu, có thấy tâm trạng đứa con đang “nhặt mảnh bát đĩa rơi” kia với hai hang nước mắt không?

Khổ thơ diễn tả nỗi đau của đứa con khi phải chứng kiến cảnh “cơm không lành, canh không ngọt” giữa hai người thân thuộc nhất của mình “mảnh sắc nhọn” của chén bát vỡ kia không chỉ “cứa lòng” người con đang nhặt. Mà có lẽ sự ám ảnh theo nó suốt đời và ám ảnh cả người đọc nữa…Nỗi đau ám ảnh này được tác giả miêu tả bằng hai từ láy” đau đau, rát rát” không chỉ lúc chứng kiến mà cả “cánh đồng tuổi thơ”….

Căn phòng nhìn nó thẫn thờ
Ích kỉ cuộc sống giấc mơ con buồn
Bữa cơm lạnh lẽo cô đơn
Tủi thân giấc ngủ chập chờn bát rơi

Một sự đảo ngữ thành công của tác giả khi dùng “căn phòng nhìn nó thẫn thờ”…có lẽ trên đời này không có đứa còn nào lại không thẫn thờ khi thấy cảnh cha đánh mẹ đập mâm cơm..Người mẹ theo bản năng sống còn mà phải chạy la làng kêu cứu…Vâng những người cha người mẹ này đã quá “ích kỷ”, vô tâm ..mà không biết nghĩ còn có con trước mặt. Những bữa cơm trở nên “lạnh lẽo cô đơn”. Còn con thơ không chỉ tủi thân mà còn phập phồng lo sợ… ngay cả khi trong giấc ngủ vẫn “chập chờn bát rơi”..

Xa xăm nào đó một nơi
Có gia đình đó tiếng cười thật vui
Giật mình tỉnh giấc bùi ngùi
Bố đưa tờ giấy mẹ lùi thương con...

Căn nguyên của sóng gió ập vô tổ ấm một thời đã hé mở… Tổ lạnh này đã có một thời là tổ ấm thực sự..có tiếng cười của cha có niềm vui của mẹ,bên hạnh phúc của con thơ….

Nhưng giờ đây sau “giấc ngủ chập chờn bát rơi” và những cái tát nảy lửa của cha dành cho mẹ..người con tỉnh dậy lại gặp hình ảnh “Bố đưa tờ giấy…”, Tờ giấy là vật vô tri nhưng chứa đựng nội dung người bố viết những gì? người mẹ biết, người con biết, tôi biết và có lẽ nhiều bạn đọc nữa biết… Nhưng bế tắc ở chỗ người “mẹ lùi thương con…”Dấu ba chấm đi sau quyết định của người mẹ “lùi” lại mở ra cả một khoảng trời có thể “gương vỡ lại lành” và cũng có thể lại là liên miên những bữa cơm có hình ảnh người mẹ cúi gằm chịu đựng cảnh bát đĩa rơi….Người con lúc này bơ vơ hụt hẫng với cặp câu kết:

Ngoài trời mưa nức nở hờn
Gào đòi hạnh phúc đâu còn xa xưa...

Trời như thấu hiểu lòng người đã trút “mưa nức nở hờn”. Người con chỉ còn biết “gào đòi hạnh phúc đâu còn xa xưa…”.

Dấu ba chấm ơi! Hãy cho những cô bé, cậu bé có hoàn cảnh tương tự này tìm lại được những gì đã mất….Ngoài trời mưa rồi sẽ tạnh…Hờn tủi rồi cũng qua…Đau thương rồi cũng nguôi ngoai… “Sau cơn mưa trời lại sáng”…Duy chỉ có nỗi ám ảnh đau thương này thì có lẽ sẽ đeo bám suốt đời những đứa trẻ .Chắc không có cách gì gỡ bỏ …

Một bài thơ ngắn, với những câu thơ lục bát được ghép từ những ngôn từ bình dị nhưng qua bút pháp của tác giả Nguyên Hữu đã vẽ lên một bức tranh mang gam màu tối của cuộc sống gia đình nơi những tổ ấm đã trở thành tổ lạnh…Ta có thể bắt gặp đó đây xung quanh mình. Xã hội hôm nay đã cởi trói cho người phụ nữ, đã bảo vệ quyền trẻ em rất nhiều..Nhưng vẫn không thể tránh khỏi những mảnh đời bất hạnh như người con trong U Uất Tuổi Thơ của tác giả Nguyên Hữu.

Sài Gòn 18/6/2014

Huỳnh Xuân Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét