Thứ Tư, 14 tháng 6, 2017

Cảm nhận bài thơ Ở Phía Không Anh của nữ sĩ Phan Thị Thanh Minh


Huỳnh Xuân Sơn cảm nhận bài thơ Ở Phía Không Anh của nữ sĩ Phan Thị Thanh Minh


Ở PHÍA KHÔNG ANH

Phía không anh đêm buồn vô hạn
Ngày đông vui chỉ bạn và ta
Nhớ khi Hưng Khánh-Đông Hà
Chén vui nâng,đặt,men ngà tình say !

Ngồi nhớ lại bao ngày xưa ấy
Khi gần,khi xa mấy ngàn cây
Việc quân cách trở đó đây
Tình yêu cháy bỏng đong đầy mắt nhau !

Năm mươi năm trước sau trọn vẹn
Buồn vì chưa toại nguyện cuối đời
Anh xa thanh thản về trời
Mình em vò võ nhớ thời bên anh !

Trước hè vẫn trăng thanh,gió mát
Em không anh,tan nát cõi lòng
Chập chờn thức,ngủ hằng mong
Anh về thơm lén má hồng ngày xưa ! (Phan Thị Thanh Minh)


Bài thơ như một lời tâm tình thủ thỉ của nữ sĩ với người “đầu ấp tay gối” hơn năm mươi năm của mình. Dòng hồi ức của nữ sĩ trào dâng gửi vào thể thơ Song Thất Lục Bát. Nhằm dệt nên một bản nhạc tình dìu dặt. Lúc vút cao khi kết và gieo vần bằng thanh âm trắc của cặp câu Thất. Lúc dịu dàng nỗi nhớ chảy thành dòng hồi ức suy tư mượt mà qua cặp câu Lục Bát. Cứ nối tiếp như vậy Song Thất Lục Bát hòa quyện với nhau chuyên chở tiếng lòng nữ sĩ qua những cung bậc tình cảm khi dạt dào nỗi nhớ, lúc cháy bỏng khát khao!
Bản nhạc tình cất lên khi trào dâng nỗi nhớ thương “người đã rong chơi cuối trời quên lãng”. Nỗi lòng nữ sĩ hẳn cô đơn cùng cực khi viết:

Năm mươi năm trước sau trọn vẹn
Buồn vì chưa toại nguyện cuối đời
Anh xa thanh thản về trời
Mình em vò võ nhớ thời bên anh !
Ngày Vua Quang Trung về “Nơi tiên cảnh” , Bắc cung Hoàng Hậu -Lê Ngọc Hân còn phải ngậm ngùi cất lên khúc Ai rằng:

Những ao ước trập trùng tuổi hạc,
Nguyền trăm năm ngõ được vầy vui.
Nào hay sông cạn, bể vùi,
Lòng trời giáo giở, vận người biệt ly.( Ai Tư Vãn)

Khi viết khúc Ai này Bắc cung Hoàng Hậu chỉ mới sống với Vua Quang Trung chưa được mười năm. Nhưng tình sâu nghĩa nặng của một người vợ dành cho chồng thì nào đâu kể là Vua hay Hoàng Hậu. Tình cảm của bà là người phụ nữ mất chồng mà ao ước, khát khao, tiếc nuối mà thôi!

Nữ sĩ Phan Thị Thanh Minh hẳn khát khao nhiều hơn thế, trách ông trời nhiều hơn thế và trách vận người biệt ly nhiều hơn thế nữa. Bởi nữ sĩ cũng là một người phụ nữ bình thường, như bao người phụ nữ Á Đông khác. Năm mươi năm đầu ấp tay gối. “Lia thia quen chậu . Vợ chồng quen hơi”. Vợ chồng là “nghĩa trăm năm”, Cớ sao mới “năm mươi năm” đã bắt nữ sĩ phải xa chồng. Vẫn biết “Anh đi thanh thản về trời” nhưng liệu có ai thấu cho nỗi niềm cô đơn cô quạnh của nữ sĩ khi một “mình em vò võ…” Sớm ra ngắm nắng, chiều vào ngắm đêm. Nhìn quanh nơi nào cũng thấy bóng dáng người thương yêu dấu. Có thể nào lại không “nhớ thời bên anh” được đây?

Phía không anh đêm buồn vô hạn
Ngày đông vui chỉ bạn và ta
Nhớ khi Hưng Khánh-Đông Hà
Chén vui nâng,đặt,men ngà tình say !

Ngày dài trôi qua còn có thể nguôi ngoai, bởi có bạn có bè thưởng trà ngâm thơ đối họa:

Ngắm cánh đài cong khoe dáng đẹp
Xem chùm nhụy ngát tỏa hương xa
Ta ngâm ý ngỏ mừng thêm trẻ
Bạn họa lời trao chúc chẳng già ( Quỳnh Nở Cùng Thơ- Phan Thị Thanh Minh)

Nhưng khi đêm xuống, nỗi cô đơn thêm nhớ thương bắt đầu dày vò trái tim của nữ sĩ . Có lẽ đó là khởi nguồn cho dòng ký ước ngược nguồn về thủa mặn nồng tình cảm họ có nhau cách đây hơn năm mươi năm.
Ngày hai người trên quê hương “Hưng khánh”- Hưng Nguyên- Nghệ An, nơi chôn nhau cắt rốn của nữ sĩ. Hay lúc vào tận Đông Hà- Quảng Trị quê hương nơi phu quân của nữ sĩ sinh ra và lớn lên. Hai người luôn có nhau chia ngọt sẻ bùi. Chén Tình thủa ấy Anh nâng Em đặt, sóng sánh men say làm cho hai trái tim ngây ngất hương yêu giữa thời khó khăn gian khổ, chiến tranh ác liệt.

Hồi ức thủa mặn nồng êm ái ấy. Có lẽ chính là khởi nguồn cho nữ sĩ khẳng định “Phía không anh đêm buồn vô hạn.” Một câu thơ được “phá niêm giữ luật” làm tăng ý nghĩa của “phía không anh” rất nhiều. nếu giữ niêm thì hẳn sẽ không gây ấn tượng mạnh như thế , tôi đã liều mình thử đổi chỗ từ ví dụ “Không anh phía đêm buồn vô hạn” hay thay chữ Anh bằng một chữ khác nhằm giữ niêm nhưng đều không ổn. Qua đó mới thấy hết cái tài của người nữ sĩ khi viết Song Thất Lục Bát.

Ngồi nhớ lại bao ngày xưa ấy
Khi gần,khi xa mấy ngàn cây
Việc quân cách trở đó đây
Tình yêu cháy bỏng đong đầy mắt nhau !

Nỗi nhớ về những ngày tròn tình vẹn nghĩa bên nhau, hẳn nhiên không thể thiếu được những năm tháng xa nhau bởi chiến tranh gian khổ. Anh của nữ sĩ vốn là một người lính. Năm thì mười họa mới có dịp về thăm nhà thăm người vợ trẻ. Nhưng nhớ thương không vì xa cách mà vợi bớt, ngược lại thêm trào dâng. Với câu thơ “tình yêu cháy bỏng đong đầy mắt nhau! Nữ sĩ đã nói đủ nói hết về tình yêu mà họ có được dẫu “Khi gần khi xa mấy ngàn cây”.

Tình yêu bỏng cháy chính là ngọn lửa hun đúc nên tổ ấm hạnh phúc năm mươi năm của họ. Ác nghiệt thay chiến tranh ác liệt, bom đạn vốn không có mắt vậy mà Anh vẫn may mắn trở về bên nữ sĩ khi hòa bình lập lại. Vậy mà bỗng một ngày Anh bỏ ra đi. Phòng loan không còn hơi ấm hương yêu của hai trái tim chung một nhịp đập nữa. Chỉ còn cô lẻ một trái tim đêm ngày đập những nhịp đập thổn thức nhớ thương.
Có lẽ tâm trạng nữ sĩ khi ấy phần nào giống nỗi lòng Bắc Cung Hoàng Hậu trong khúc Ai:

Gió hiu hắt phòng tiêu lạnh lẽo
Trước thềm lan, hoa héo ron ron.
…………………………..
Nỗi lai lịch dễ hầu than thở
Trách nhân duyên mờ lỡ cớ sao?
Sầu sầu, thảm thảm xiết bao...
Sầu đầy giạt bể, thảm cao ngất trời!

Nẻo u minh khéo chia đôi ngả,
Nghĩ đòi phen, nồng nã đòi phen.
Kiếp này chưa trọn chữ duyên,
Ước xin kiếp khác vẹn tuyền lửa hương. ( Ai Tư vãn – Lê Ngọc Hân)

Nữ sĩ Phan Thị Thanh Minh dẫu buồn “vạn nẻo nhớ, sầu ngàn ngõ thương” cũng đành kết bản nhạc tình với khúc tâm Thơ :

Trước hè vẫn trăng thanh,gió mát
Em không anh,tan nát cõi lòng
Chập chờn thức,ngủ hằng mong
Anh về thơm lén má hồng ngày xưa !

Anh đi rồi, hiển nhiên là sự thật không thể thay đổi. Như “trăng thanh gió mát” kia vẫn hiện hữu trước nhà. Có chăng "ở phía không anh” chỉ duy nhất Em là thay đổi. Thay đổi gì ư? Chỉ là một trái tim yêu trọn vẹn nay “tan nát” bởi nhớ thương và tự sâu thẳm “cõi lòng” vẫn không thể nào nghĩ anh đã rời xa. Sự thật này! luôn luôn tàn nhẫn với người ở lại. Dẫu cho đã bao ngày đêm trôi qua “ chập chờn thức ngủ” thì vẫn có những khát khao rất thật, rất đời và nặng tình sâu nghĩa: “ Anh về thơm lén má hồng ngày xưa”. Có lẽ đó cũng chính là kỷ niệm thủa xa nhau có lần Anh về và lén thơm lên đôi má của nữ sĩ khi đang ngủ. Nếu đúng vậy thì nữ sĩ ơi! Hãy cứ nhắm mắt nhớ lại, là sẽ gặp được nụ “hôn lén” năm nào ngay thôi.
Viết đến đây tôi có một ao ước rằng, khi nữ sĩ đọc tới đây, bà sẽ cảm thấy hơi ấm của nụ hôn lén năm nào, nóng hổi, ngọt ngào trên đôi môi của mình. Dẫu cho nó không còn căng mọng như ngày có Anh bên cạnh nữa!

Ở Phía Không Anh của nữ sĩ Phan Thị Thanh Minh với riêng tôi là như thế!

Sài Gòn 11/8/2014
Huỳnh Xuân Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét