Thứ Hai, 30 tháng 5, 2016

THƠ HAIKU TRÊN THIDAN TỚI 30/5






QUỲNH

Đêm đen bừng sáng
Đóa quỳnh mãn khai
Hương tình lan tỏa

(HXS)

Duyên

Nắng xuyên vòm lá me xanh
Gió xuân vội
Nô đôi tà áo
(HXS)

Cha

Mây chiều sà xuống
Phủ kín đời con
Trắng phơ in dấu nhọc nhằn tháng năm

Huỳnh Xuân Sơn

Sen

Dậy sóng mặt hồ
Bông sen hàm tiếu
Thanh khiết ban mai

( HXS)




Giao Thừa

Khoảnh khắc giao hoà
Pháo hoa
Muôn lòng rộn rã

Nhớ

Đêm khuya
Tiếng Từ Quy
Cô nhân lưu lạc phương trời lạ

(HXS)

Không Đề

Phiến lá cuối cùng
Rơi
Màu chiều thay sắc
(HXS)

Những Khúc Hoài Niệm

Phượng bừng cháy đỏ
lối cũ
Aó trắng thôi bay

Thanh thoát tiếng ve
Đường quê
Thiếu phụ ngược dòng

Phượng hồng đơm nụ
Gió vờn tán me
Sân trường đầy nắng (HXS)




Những Khúc Hạ Buồn

Phượng đỏ ngập trời
Sân trường đầy nắng
Áo trắng xưa đâu
*
Bằng lăng tím ngắt
Đi trong tiếng ve
Khúc buồn vang vọng
*
Trời chiều vương nắng
Cánh diều
Chở tuổi thơ bay (HXS)

HỎI

Nắng ngả về chiều
Mây mải phiêu diêu
Chân trời bao lối?

(HXS 9/5/2016)

THƠ ĐĂNG TRÊN THI ĐÀN SAU NGÀY 1/4/2016



Phú Yên

Tây rừng Đông biển Phú Yên cười
Tháp Nhạn Sông Ba Phước Lộc ơi!
Vựa lúa Miền Trung tình của đất
Hoa vàng xứ Nẫu mối duyên trời
Đá Bia vời vợi mây vương lại
Ghềnh Đĩa thâm trầm đón nắng rơi
Cuộc đất tình người ăm ắp ấy
Mai xa chắc hẳn nhớ không vơi! (Huỳnh Xuân Sơn )

Trúc Quân Tử

Thẳng thắn vươn mình đón nắng mai
Lốc giông chẳng ngả tháng năm dài
Chích bông mấy chú chuyền nên đẹp?
Se sẻ dăm chàng đậu hẳn sai?
Ý tựa Đông qua măng đón gió
Tình nương Xuân đến cội chờ ai?
Lưu danh thiên cổ đời trao tặng
Quân Tử rộng lòng dễ có hai?

(Huỳnh Xuân Sơn)

KHÚC HẠ

Hạ vẫn nồng nàn cánh phượng rơi
Hạ hồng đôi má lúc trao lời
Hạ dào dạt ý theo dòng chảy
Hạ rộn ràng tình rẽ sóng khơi
Hạ thả nắng vương tràn khắp lối
Hạ âm thầm hỏi tiếng lòng vơi
Hạ luôn khao khát vòng tay ấm
Hạ vẫn nồng nàn cánh phượng rơi! (HPV)

17/3/2013

Cà Phê Chiều Mưa

Mây đi vắng bao ngày
Chiều nay về quần tụ
Trút từng điều ấp ủ
Uớt hết buổi hoàng hôn

Từng giọt từng giọt tuôn
Gửi ngọn nguồn xa vắng
Cả không gian yên ắng
Nghe tiếng lòng buông rơi

Tiếng nấc không thành lời
Buông đầy ly đặc sánh
Mưa chừng như lấp lánh
Tạnh dần trên đôi môi

Vị đắng nở nụ cười
Hương nồng thơm hoà quyện
Ngọt ngào câu ước hẹn
Men say dậy mãi thôi

(Huỳnh Xuân Sơn)

CÔ ĐƠN

Quanh mình bao phủ một màu đêm
Nức nở trăm phương trốn khỏi rèm
Cánh nhạn chừng như đà mỏi mệt
Dõi bên song cửa ngậm ngùi thêm
Tâm giao lỗi bước trồng an ủi
Tri kỷ lạc vườn gieo ấm êm
Gánh nợ không đầy duyên phận lỡ
Cây buồn trổ nhánh ngả bên thềm?

Khoảng Trống

Nghiêng bầu rót mãi không tràn
Chơi vơi chếnh choáng bất an bồn chồn
Không! Đừng! Phía ấy hoàng hôn
Giọt chiều vừa nhấp đắng hồn thơ rơi!


Nợ Duyên

Trăng ngà vừa rơi
Tảng đá ngàn năm vỡ nát
Cả hai rơi xuống dòng đời
Bọt tung trắng xoá...
Hoá trăm năm

Huỳnh Xuân Sơn

Hạnh Phúc

Giấu vào đêm nụ hôn nhanh
Trăng hờ hững thả bức mành trên không
Mây hình như vẫn mủi lòng
Thả rơi từng giọt sương trong vắt tình

Từ khi xa buổi bình minh
Em lầm lũi đón phần mình nắng trao
Nửa anh biết trải phương nào
Xế trưa nắng vẫn xôn xao trước thềm

Chiều nay gió hỏi riêng em
Phượng hồng đã nở êm đềm ve ca
Niềm vui em có muốn hoà
Để hè rực rỡ thềm nhà đón anh

(Huỳnh Xuân Sơn)

MƯA!

Chờ bao ngày mới gặp mưa
Dòng trong cạn kiệt lại vừa tái sinh
Quý sao những giọt ân tình
Dẫu sa chốn ảo tạc hình Tha Nhân

(HXS)

TRỞ VỀ

Chiều sang gió cũng vừa dừng
Bến xưa lắng lại ngập ngừng hạt vương
Thẫn thờ đếm bước trên đường
Câu chờ chữ đợi ý thương gọi vần

Hỏi lòng sao mãi phân vân
Mở ra kỷ niệm xưa cần nay trao
Mùa xuân chẳng phải của đào
Bên mai có mận bước vào gặp mơ

Dòng trong đục vẫn có bờ
Những khi thiếu gió thẫn thờ hắt hiu
Nắng nghiêng trời đã ngả chiều
Đáy sông nước vẫn cuộn điều thị phi

Bao đời sông khởi tình thi
Người đưa bến tiễn giọt ly chẳng tàn
Bao giờ nước cuộn sầu tan
Để dòng Thương với gió ngàn phiêu du

(Huỳnh Xuân Sơn)

Đồng Lòng

Cùng nhau
Đón nắng chiều sang
Đồng lòng se sợi duyên vàng bằng mây

Cùng nhau
Chắn gió nương cây
Và ngăn sương lạnh khi ngày chưa lên

Cùng nhau
Lục nhớ tìm quên
Viết ra tình khúc ngân lên bốn mùa

Cùng nhau
Tìm nắng trong mưa
Hong khô mấy giọt ngâu vừa hết đêm.(HXS)

HOA CÚC

Diễm kiều khoe sắc sánh cùng mai
Bền bỉ giữa đông lạnh kéo dài
Tô Thức si mê ngờ Trúc đúng
Đào Tiềm say đắm Cúc nào sai
Đông Pha một bận sửa thơ vội
Để tích đời sau nhắc mãi ai?
Hiếu thảo lưu truyền khi xé cánh
Ngự trong Mặc Cúc đẹp nhân hai

(Huỳnh Phú Vang)

Hoài Niệm

Thấp thoáng nụ hồng đợi trước sân
Nghe chồi nảy nụ tiếng trong ngần
Vườn bên nắng thả buồn bao sợi
Để tím hoàng hôn rộn bước chân

Mấy giọt bâng khuâng sương đọng sớm
Hương nhài dịu nhẹ thoảng phân vân
Biết chăng bên ấy vườn thanh vắng
Tiếng sáo dìu dặt trong vắt ngân

Hỏi giậu cúc tần xanh bao buổi
Tơ hồng ai rắc óng ả lan
Dây trầu năm cũ về đâu nhỉ
Để ánh mắt cau úa muộn mằn

Có phải trời chiều thay sắc áo
Vai gầy đăm đắm mộng Tùng Quân
Nhiều năm xa vắng vừa trở lại
Một khúc tri âm cảm rất gần

(Huỳnh Phú Vang)

Khúc Cảm Hoài

Mỗi khắc trôi qua nọ ngắn dài
Vàng rơi lá trải luống dần phai
Mây chiều đổi sắc vương màu tóc
Nắng sớm thay tia phả dấu hài
Gió Bấc nhầm đường quên ý trúc
Mưa phùn tỏ lối hẹn tình mai
Vườn thu trĩu quả câu thề ước
Nhớ buổi hè sang khúc cảm hoài!

(Huỳnh Xuân Sơn)

Đừng Mê

Tâm Hồn có dễ để mà trông
Nhan sắc ngắm chăng thoả nỗi lòng?
Mỗi ý trao đi tình mấy đọng
Dăm vần gửi lại nghĩa nào đong?
Hỏi mây nhớ buổi trời im gió
Nhắn nắng còn nghe sấm nổ không?
Từ cố chi kim đều trọng nết
Hỡi người lưu bút nhớ sang dòng

(Huỳnh Xuân Sơn)

Qua Cầu Cần Thơ

Rời đất Tây Đô chở tiếng cười
Cần Thơ mấy nhịp Vĩnh Long ơi!
Âm thầm Bến Bắc ven sông Cái
Rạo rực Dây văng giữa đất trời
Cách trở bao lần con nước lớn
Đôi bờ lỡ hẹn bởi dòng trôi
Mỹ Hoà xứ bưởi ai dừng lại
Hào Sảng tình quê nhớ một đời

(Huỳnh Xuân Sơn)

Gửi Bạn

Đi đâu cũng nhớ trở về đây
Bão tố dù qua gió vẫn lay
Than thản nhìn hoa thương phận mỏng
Thảnh thơi ngắm biển xót vai gầy
Dang tay níu giữ ai người hiểu
Ngửa mặt than trời chỉ thấy mây
Chân bước lòng buồn đâu Khoảng Vắng
Nắng vàng chim hót đợi vườn này

Bến Mộng

Dòng đời gặp lúc mộng không thành
Bẻ lái rời đi nhớ giữ danh
Mấy bận lạc đường tâm hướng sáng
Bao lần lỗi nhịp dạ trung thành
Trời chiều chớ tưởng đêm toàn tối
Vực thẳm đừng lo nước chảy quanh
Tia sáng cuối hầm luôn mở lối
Thuyền neo chốn đậu đẹp như tranh

(Huỳnh Xuân Sơn)

Học Thơ Đường

Khó khăn khi mới học thơ Đường
Khúc chiết cô từ ý bốn phương
Luận Thực Niêm Vần nghe khó thích
Kết Đề Đối Ngẫu thấy buồn vương
Nam thanh khởi xướng người so sánh
Thiếu phụ hòa theo kẻ tỏ tường
Nên biết ông cha truyền giữ lại
Rằng nay nối tiếp để thơm hương

Huỳnh Xuân Sơn

Hạnh Phúc

Từ lúc hẹn thề anh nhớ không?
Ngọt ngào đầy ắp cả loan phòng
Dịu dàng câu hát chia niềm nhớ
Vững chãi bờ vai một hướng trông
Nhớ lúc bão giông không nản trí
Để nay nắng ấm sưởi tình nồng
Cùng gom hạnh phúc lên thuyền nhé
Xuôi dòng êm ấm đến cửa sông!

(Huỳnh Xuân Sơn )

Đổi Thay

Đợi nắng lên nghe nụ thoát cành
Chờ xem hương sắc đỏ vàng xanh
Cội mai lặng lẽ buông từng lá
Tích nhựa chờ sương đọng giọt lành
Đào bích năm nay chừng nhớ lối
Về cùng cúc thắm hẹn giăng mành
Thấy người nhộn nhịp chào xuân tới
Chạnh nhớ một thời chỉ áo manh

(Huỳnh Xuân Sơn)

Sầm Sơn

Cuộn lòng biển lặng sóng không cười
Trường Lệ giờ đâu Thanh Hoá ơi!
Nắng vẫn nồng nàn nương ý đất
Mây còn khao khát bện duyên trời
Quảng Xương một thủa vòng tay nối
Trống Mái ngàn năm lệ đá rơi
Độc Cước dang tay ôm bờ cõi
Oai hùng Sông Mã chẳng xa vời

(HXS)



Ngọc Lan ru khẽ giấc trưa
Hoàng Lan đồng cảm gió lùa trao hương
Thoảng như ngọt mấy hạt sương
Cùng vào tô điểm mộng hường vừa sang

Bất chợt gió giật đi ngang
Từng bông hàm tiếu ngỡ ngàng lìa cây
Rơi trong mưa tiếng nặng đầy
Trắng hoa xanh lá rải dầy khắp sân

Lặng nhìn bất lực bần thần
Vừa khoe hương sắc rất gần đây thôi
...........
Giật mình lạnh toát mồ hôi
Ngoài song vẫn trắng hoa cười lá reo

(Huỳnh Xuân Sơn)

Không Đề

Tơ tình phơ phất ai buông
Sợi căng vui sợi chùng buồn cùng ngân
Cung thương thổn thức đêm gần
Cung trầm nức nở xé chăn chiếu hờn

Những mơ mộng tưởng vỡ tan
Nét mi ngoan ngỡ đã tràn song thưa
Khép hờ Xuân để gió lùa
Trái tim bấn loạn khi mùa Đông qua...
........


Không Đề

Nhen ngọn lửa nấu rượu mình
Những mong ngấu đận duyên tình chết men
Ngỡ năm tháng ủ lãng quên
Nào hay chưng cất dậy lên thơm lừng...

Đắng cay mấy giọt ngập ngừng
Rơi về lối mộng nửa chừng ngẩn ngơ
Ngọt ngào vừa đến se tơ
Đượm nồng canh cửi hững hờ cạnh bên...

Hoa xoan mấy cánh nhớ quên
Theo mưa nức nở đợi đêm chuyển màu
Chi Li đọng mấy giọt châu
Mà dòng trong đục Thương sầu không tan? (2/4/2016 HXS)


Khúc Cảm Hoài

Hờ hững em buông dải yếm hường
Tứ Thân nô gió dịu dàng thương
Mời Trầu da diết chừng như gửi
Giã Bạn luyến lưu ngỡ đã vương
Mấy buổi xuân về xanh lối cũ
Để hoàng hôn xuống tím ven đường
Hội Lim trống giục người nô nức
Lỡ Hẹn buồn giăng suốt dặm trường (Huỳnh Xuân Sơn)




Sinh Nhật 73

Phượng vỹ mùa sang thắm lại rồi
Bung trong nắng gió Ven Sông mời
Giai nhân lặng lẽ gom từ ý
Lãng tử trầm tư cất chữ vơi
Uớt giọt sương quê tình vẫn ấm
Cạn ngày xa xứ nghĩa bên người
Bảy ba năm trải dòng dâu bể
Hái quả ngọt ngào hạnh phúc ơi! (HXS - 20)




Sinh Nhật 73

Vàng nắng Ven Sông hạ trải rồi
Du dương sóng nhỏ biếc xanh mời
Tao Nhân trọng nghĩa tình bao đủ?
Mặc khách yêu thơ ý bấy vơi?
Mấy sợi phong sương bồng mái tóc
Dăm bài xướng hoạ thoả tâm người
Bảy Ba mùa phượng lòng thanh thản
Hạnh phúc đong đầy nhé bạn ơi! (Huỳnh Xuân Sơn - 19)




Hoài Niệm

Bến cũ dòng trôi bạn vẫn chờ
Tìm về kỷ niệm thủa ngu ngơ
Tóc xanh gió thổi ghi niềm nhớ
Chiều xế nắng xiên khắc ước mơ
Bờ lở tình suông còn giữ nghĩa
Đò nghiêng vững dạ vẫn tôn thờ
Bao năm viễn xứ hoài trông ngóng
Một buổi tương phùng gọi ý thơ (Huỳnh Xuân Sơn)




Trở Về
Bến chiều ngọn sóng đã hanh vàng
Cách trở thuyền về mộng có tan?
Lối cũ giăng ngang tình gió núi
Dòng nay lắng lại nghĩa mây ngàn
Giai Nhân khoả nước câu hò vọng
Lãng tử buông chèo tiếng sáo ngân
Bao dấu thương yêu về hiện hữu
Vẹn nguyên hương sắc một nhành Lan (Huỳnh Xuân Sơn)

Đọc Khoàng Vắng của Nguyễn Xuân Dương



Khoảng Vắng trong tâm hồn hẳn ai cũng ít nhiều đã trải qua  nhưng có lẽ chẳng ai cảm nhận giống ai cả. Người viết vừa bắt gặp một Khoảng Vắng đặc biệt  trong thơ của tác giả Nguyễn Xuân Dương!

KHOẢNG VẮNG

Ta biết là em đã đến đây
Bởi hoa e ấp lá mừng lay
Hương nồng vẫn đọng vườn lan nhỏ
Sắc thắm còn in ngõ liễu gầy
Sáo thả lời đơn buồn dạ gió
Nhạn buông tiếng lẻ tủi lòng mây
Em qua để lại chiều thương nhớ
Ai hiểu lòng ta khoảng vắng này?(Nguyễn Xuân Dương)

Khoảng Vắng được tác giả gửi ý thơ cho câu chữ chuyên chở bằng thể thơ Đường Luật Thất Ngôn Bát Cú. Với cấu trúc cùng niêm luật vần và đối ngẫu tương đối hoàn hảo.
Năm mươi sáu chữ, năm mươi bốn từ của bài thơ,cũng chính là năm mươi sáu  ca từ đang được cất lên từ đáy lòng chủ thể trữ tình trong thơ,  theo giai điệu trầm buồn, tha thiết của bản nhạc mang tên Khoảng Vắng. Vâng người viết cũng đang cùng đồng cảm với tác giả khi nghe Khoảng Vắng này.

Tác giả sử dụng và sắp xếp từng từ theo một nhịp thơ rất nhẹ nhàng giới thiệu việc chủ thể trữ tình trong thơ khẳng định chắc nịch rằng:

Ta biết là em đã đến đây

 Đây là đâu?
Đã đến là đến đây bao lâu rồi?
 Hai thắc mắc này phải chăng đã hoàn thành nhiệm vụ của câu Khai Đề tác giả gửi gắm vào câu chữ.
Còn với câu Phá Đề thì lại là:
Bởi hoa e ấp lá mừng lay
Có hoa, có lá, chắc hẳn có một khu vườn hoặc một lối cũ, đường xưa. Có e ấp có mừng hẳn bóng hồng ấy vừa mới đến thôi! Chưa dời gót bao xa đâu. Câu phá đề mang đến cho người đọc nhận ra sự cảm nhận thật gần gụi thân thuộc của Ta với Em. Chỉ mới  thấy "hoa e ấp", rồi "lá mừng lay" thôi  mà đã khẳng định ngay được rằng "Biết em đã đến đây". Sự khẳng định đến từ giác quan thứ sáu hay còn từ nguyên nhân nào khác nữa đây? mang theo thắc mắc này ta vào với hai câu kế tiếp

Hương nồng vẫn đọng vườn lan nhỏ
Sắc thắm còn in ngõ liễu gầy
Ở hai câu Thực tác giả sử dụng các cặp đối sau :"Hương nồng" đối với ""Sắc thắm", "Vẫn đọng" đối với "Còn in" và "Vườn lan nhỏ" đối với "Ngõ liễu gầy". Ba cặp đối chỉn chu hoà quyện vào nhau cùng với Vẫn và Còn làm điểm nhấn chuyên chở ý thơ mà cặp Đề vừa giới thiệu ở trên.
Phải chăng ở hai câu Thực tác giả còn muốn nói rằng Em vừa  mới dời bước đi để lại làn hương thân thuộc phảng phất, bóng dáng thân quen thấp thoáng quanh đây.
"Vườn Lan" ấy có những "bông hoa e ấp", "ngõ liễu gầy" nhưng "lá vẫn mừng lay"  Báo hiệu  một bóng giai nhân cuốn hút ánh mắt cũng như bước chân của Lãng Tử. để rồi cho người đọc dự cảm Khoảng Vắng sẽ có những phút giây tương phùng ở phía trước?
 Muốn biết thêm ta phải đi tiếp cùng tác giả vào cặp câu Luận

Sáo thả lời đơn buồn dạ gió
Nhạn buông tiếng lẻ tủi lòng mây

Hai câu Luận tác giả sử dụng các cặp đối "Sáo thả" đối với "Nhạn buông", "Lời đơn" đối với "Tiếng lẻ" và "Buồn dạ gió" đối với "Tủi lòng mây". Vẫn cách ngắt nhịp 2/2/3 cùng với sự trau chuốt câu từ đưa vào các cặp đối chuẩn xác..
Cặp câu Luận đã được tác giả gửi gắm vào câu chữ qua thủ pháp nghệ thuật tài  tình, trong đó ẩn chứa hai tâm hồn, hai nhịp đập với hai nỗi niềm "Đơn" "Lẻ" khác nhau qua hình tượng thơ Mây, Gió cùng Nhạn và Sáo.
Tiếng sáo vào thơ không theo lẽ thông thường là reo vi vút trên không trung, chẳng phải dìu dặt tiếng sáo chàng Trương tấu khúc đêm đêm. Sáo thả lời đơn thôi chữ đơn thật khiến người đọc bâng khuâng rồi tự hỏi: Phải chăng tiếng sáo ấy chở theo một tiếng lòng khắc khoải nhớ thương gửi vào trong gió, Gió mang đi đâu chưa biết chỉ biết rằng khi Ai kia "thả lời đơn" khiến "Gió buồn trong dạ". Văng vẳng quanh đây  lời đồng cảm sẻ chia cùng Ai kia của thi sĩ họ Hà gửi đến

Sáo buồn chợt nhả chợt buông..
Ai về xứ ấy tình thương đong đầy.

Tiếng thăng trầm gửi mây vào gió.
Văng vẳng xa đâu đó gợi sầu.
Sáo buồn đậm nét lo âu.
Đường xa thăm thẳm gửi sầu nơi nao. (Tiếng Sáo -  Ngọc Quang Hà)

Còn cánh Nhạn vào thơ cũng không theo lẽ thường người ta hay nói. Nhạn ở đây "Buông tiếng lẻ" lúc  đang sải cánh có lẽ đơn côi trên bầu trời lộng gió đã khiến cho Mây cũng phải "Tủi lòng" Khi nghe  những "tiếng lẻ" ấy!
Tiếng Nhạn  khiển tủi lòng Mây  phảng phất đâu đây lời người xưa:
Đôi ta chẳng đặng sum vầy
Như  đôi chim nhạn lạc bầy kêu thương (Ca Dao)

Cặp câu Luận chính là  hồn cốt của Khoảng Vắng mà tác giả vừa giới thiệu xong! Nhiều nỗi niềm bâng khuâng của Ai kia thật khó tả, cũng chẳng thể trách tiếng Nhạn thả hay lời Sáo buông để cho Mây tủi gió buồn Và Ai kia phải cùng tác giả cùng bạn đọc bước vào cặp câu kết trước khi dặt một dấu chấm kết thúc bạn nhạc Khoảng Vắng

Em qua để lại chiều thương nhớ
Ai hiểu lòng ta khoảng vắng này?

Hai câu kết thêm một lần đại từ nhân xưng Em và Ta xuất hiện rồi kết thúc bằng một câu hỏi. Câu hỏi này rất khó có câu trả lời thoả mãn cho Ta khi mà trong Ta đang ngổn ngang nỗi niềm bởi biết chắc "tiếng nhạn kêu thương" vừa  mới"đến đây". Nhưng rồi chỉ còn lại "Chiều thương nhớ" mà "Em qua để lại". Một Khoảng Vắng mênh mông không biết chừng nào lấp lại được?
Ai hiểu lòng ta? Ta ơi! tác giả ơi! bạn đọc ơi! Ta chưa hiểu được lòng ta lúc này làm sao ai hiểu được để trả lời giúp đây.
Người viết cũng chẳng thể trả lời cho câu hỏi này. Nhưng người viết tÌm thấy ít nhất hai tác giả đã đồng cảm sâu sắc với Khoảng Vắng và mạn phép họ mang về đây như một lời chia sẻ với Ai Kia và với "Tiếng Nhạn kêu thương"  trong Khoảng Vắng.

Tôi đợi tìm hương trên lối gió
Người đi nhặt sóng cuối chân mây (Thư Hoàng)

Em đi buồn nhớ khô lòng đá
Anh ở sầu thương cháy dạ mây (Nguyễn Đăng Tuyên)

Bài Thơ Khoảng Vắng của tác giả Nguyễn Xuân Dương vừa đừng lại cùng những cảm nhận của riêng cá nhân tôi!
Với bài thơ này tác giả dường như muốn giấu ý thật sâu, chở tình thật nặng, muốn bản nhạc tình thật êm đềm dịu nhẹ và thanh thoát cất lên. Vẫn biết để vượt qua  những quy định nghiêm ngặt của cái khuôn "Tám bệnh mười hai lỗi" mà vẫn bảo toàn được yêu cầu của ý thơ là điều không thể.
Trong Khoảng Vắng ví như khi ta đến bên "Vườn lan nhỏ" phải qua một "Ngõ liễu gầy" đâu chỉ có những rặng liễu ngả nghiêng quyến rũ, hay toàn những bông hoa khoa sắc diễm kiều. Hai bên ngõ và rải rác khắp khu vườn vẫn có vài bông hoa dại, mấy nhánh cỏ đó thôi! 
Điệp tự Em và Ta phải chăng là tác giả đã cố ý để cho một bông hoa bên một khóm cỏ nhằm làm nền điểm tô cho năm mươi bốn bông hoa khác khoe sắc toả hương trong Khoảng Vắng của mình.

Sài Gòn 30/5/2016
Huỳnh Xuân Sơn

Thứ Tư, 25 tháng 5, 2016

Cảm Nhận Bài Thơ Tiễn Con ! Của Tác Giả Trăng Khuyết



Hôm nay tôi đã viết về người lính của những năm 60 đến 75 của thế kỷ trước. Tôi đã viết về người lính của những năm 75 đến 86 cũng của thế kỷ trước. Tôi đã viết rồi tình cảm của người phụ nữ viết về người lính và những người mẹ người vợ và người yêu của lính. Tôi cũng đã viết rồi kỷ vật của người lính.

Nhưng giờ này tôi vẫn muốn viết thêm một bài nữa. Vì tôi cảm thấy còn thiếu một tình cảm, một nỗi lòng của người cha tiễn con trai duy nhất lên đường ra trận.Dù là trong thời nay đất nước hòa bình nhưng ngoài biển khơi kia.Nơi đầu sóng ngọn gió vẫn còn bao rình rập của ngoại bang.

Lục lọi trong "mớ bòng bong" thơ cũ vì thơ mới không có bài có nội dung như tôi muốn. Rất may tôi gặp Tiễn Con của tác giả Trăng Khuyết viết về chủ đề người lính. Và đây là bài thơ ấy!

Tiễn Con

Dằn vặt bên lòng tiếng nước non
Cá tôm sợ hãi biển căm hờn
Trùng khơi nổi sóng gầm chưa đủ
Quần đảo xé lòng ngủ chẳng ngon
Trăn trở bao đêm đành gạt lệ
Tạ từ vài dặm tiễn đưa con
Thân cha bóng ngã đành cam phận
Gác lại tình nhà vẹn sắc son

Bài thơ được viết theo thể Đường Luật Thất Ngôn Bát Cú. Với những câu từ chắt lọc và tuân thủ niêm luật vận của thơ đường luật, nhưng không gò bó cứng nhắc,

Tác giả dùng 56 từ trong tám câu thơ để diễn tả tâm trạng người cha có cậu con trai duy nhất.Quyết định cho con nhập ngũ. Ông đã trải qua bao nhiêu đêm trăn trở dằn vặt suy nghĩ lựa chọn giữa an nguy của đất nước. và tình nhà. Cuối cùng ông đã quyết định Tiễn Con . Để hiểu rõ hơn ta vào từng câu từng ý mà tác giả đã gửi gắm.

Dằn vặt bên lòng tiếng nước non
Cá tôm sợ hãi biển căm hờn

Hai câu đầu trong thơ Đường Luật được gọi là hai câu đề. Hai câu này tác giả muốn nói tâm tư người cha “dằn vặt” suy nghĩ, và trăn trở vì “tiếng nước non” tiếng nước non đây là tổ quốc tươi đẹp thanh bình nơi đất liền. Nhưng ngoài biển khơi thì đang dậy sóng.Đêm ngày “tàu lạ” dình dập đâm vào tàu cá của ngư dân. Cắt cáp thăm dò dầu khí. Và lăm le chiếm đóng những hòn đảo thuộc chủ quyền của đất nước ta. Tác giả dùng câu thơ “cá tôm sợ hãi biển căm hờn” quả là khó có câu thơ nào sâu sắc hơn và thâm thúy hơn. Muốn biết rõ hơn ta cùng tác giả vào hai câu thực .

Trùng khơi nổi sóng gầm chưa đủ
Quần đảo xé lòng ngủ chẳng ngon

Hai câu này tác giả dùng các cặp đối sau : “trùng khơi” đối với “quần đảo’ , “nổi sóng”đối với “xé lòng” và “gầm chưa đủ” đối với “ngủ chẳng ngon”. Các cặp đối này nối kết với nhau miêu tả rõ hơn tình hình biển đảo quê hương đang dậy sóng ngoài khơi tổ quốc ta. Là một người cha yêu thương cậu con trai duy nhất nhưng ông đồng thời cũng là một công dân có trách nhiệm với tổ quốc.Nên ông mới có nỗi đau “xé lòng” khiến ông nhiều đêm “ngủ chẳng ngon”.

Với những nỗi niềm dằn vặt của người cha như vậy. Tác giả đưa ta vào hai câu luận như sau:


Trăn trở bao đêm đành gạt lệ
Tạ từ vài dặm tiễn đưa con

Giữa nợ nước và tình nhà ông dẫu cũng có đôi lúc ngập ngừng nhưng cuối cùng đã rớt lệ để mà “tiễn đưa con” . Chữ đành đặt ở đây đã thể hiện điều này. Ai không vậy nhất là những người cha chỉ có một con mà lại là con trai còn trẻ . Ông đã làm một việc mà không phải ai cũng làm được . Ông đành tiễn đưa con lên đường! việc làm cao cả của những người cha dẫu vẫn còn những giọt lệ bùi ngùi khi đưa tiễn.

Những trăn trở suy tư và cuối cùng đi đến việc quyết định của người cha già ấy vẫn đảm bảo luật của thơ Đường Luật trong hai câu có tên là câu luận này.

các cặp đối ấy như sau "trăn trở" đối với "tạ từ", "bao đêm" đối với "vài dặm" và "đành gạt lệ" đối với "tiễn đưa con".

Và đây là hai câu kết của bài thơ đầy tình yêu tổ quốc, tình yêu dân tộc, yêu biển đảo quê hương. Của một người cha:


Thân cha bóng ngã đành cam phận
Gác lại tình nhà vẹn sắc son.

Bài thơ kết lại bằng kết luận “Gác lại tình nhà vẹn sắc son” .Tình nhà đã được người cha hy sinh dẫu bản thân ông “bóng ngã” cũng “đành cam phận”. Chữ đành thêm một lần được tái hiện, nhưng không làm bi lụy mềm lòng người đọc. nó làm rõ hơn tình cảm cha con. Tình yêu gia đình mà bất cứ người cha nào trong hoàn cảnh này cũng phải “đành” mà thôi!

Tôi chưa bao giờ làm một người cha, trong hoàn cảnh như bài thơ này. Nhưng tôi gặp, tôi đọc và tôi biết trên khắp đất nước, dù thành phố hay nông thôn. Đều có rất nhiều chàng trai lên đường bảo vệ biển đảo quê hương, giống như người con trong bài thơ này. Anh đã vẽ thêm một nét vào bức tranh sống động, khắc họa tình yêu tổ quốc của những người lính đang canh giữ biển đảo quê hương.

Anh làm được điều này là một phần lớn nhờ sự suy nghĩ sâu sắc và coi "tình nhà" nhẹ hơn "nợ nước" của cha anh. Và đây đó trên quê hương ta còn nhiều lắm những cảnh Tiễn Con cảm động và cao quý như Tiễn Con của tác giả Trăng Khuyết.

Sài Gòn 21/12/2013



Huỳnh Xuân Sơn

Cảm Nhận Lời Ca Khúc Thì Thầm Mùa Xuân Của Nhạc Sĩ Ngọc Châu



Mùa Xuân về ,đất trời theo lẽ tự nhiên có rất nhiều thay đổi. Cây cối khẳng khiu khi nghe tiếng mùa xuân gọi, liền cựa mình thức giấc, vội vàng tô điểm sắc xuân bằng những chồi non xinh xinh. Những loài hoa xuân cũng bung nụ khoe sắc sau những ngày đông chắt chiu dưỡng chất nuôi cây lá.
Gió xuân về, mang theo bao nhiêu náo nức đến với các bé thơ. Mùa Xuân gợi nhớ hoài niệm cho những người lớn tuổi. Và, mùa xuân về khiến tình yêu nảy lộc, đơm hoa nơi những bạn nam thanh nữ tú.
Đang đồng hành trong giòng nhạc bất tận về mùa xuân vang lên rộn rã ! Tôi dừng lại lắng nghe Tiếng hát của ca sĩ Mỹ Linh đang phiêu với Thì Thầm Mùa Xuân của nhạc sĩ Ngọc Châu.Và bất giác tôi như thấy mùa xuân ngoài kia đang thì thầm với chính mình ở tuổi đôi mươi vậy.Tôi thấy…và sau phút ngập ngừng tôi bước vào:

Thì Thầm Mùa Xuân

Từng chồi non xanh mơn man
Từng hạt mưa long lanh rơi ... mùa xuân
Và trong ánh mắt lấp lánh lấp lánh
Lời yêu thương yêu thương ai .. ngập ngừng

Mùa xuân đã đến bên em
Và mùa xuân đã đến bên anh ... thì thầm
Làn gió khẽ vuốt tóc em
Và làn gió nói cùng em ... nhớ thương

Và em đã biết nói tiếng yêu đầu tiên
Và em đã biết thương nhớ biết giận hờn
Mùa xuân đã đến bên em trao nụ hôn
Và mùa xuân đã trao cho em ánh mắt anh

Để rồi, đắm say ... Ðể rồi, ngất ngây!!!



Tuổi thanh xuân đã lùi quá xa, nhưng giờ đây khi đã bước vô và đồng hành cùng những cơn gió heo may, những ca từ của người nhạc sĩ trẻ vẫn cứ cuốn tôi đi.

Thì Thầm Mùa Xuân , là lời của tình yêu đôi lứa, lời ca hạnh phúc của người mới biết yêu, Thì Thầm Mùa Xuân cũng chính là Tiếng Xuân vui, là tình xuân ngọt ngào, là hương xuân lan tỏa:

Ca khúc tươi trẻ được bắt đầu bằng những ca từ đẹp như thơ, hòa với nhạc, dệt gấm, thêu hoa, lên bức tranh tình yêu dựng giữa mùa xuân mới:



Từng chồi non xanh mơn man
Từng hạt mưa long lanh rơi ... mùa xuân
Và trong ánh mắt lấp lánh lấp lánh
Lời yêu thương yêu thương ai .. ngập ngừng



Chỉ với bốn câu, tác giả đã vẽ lên khung cảnh mùa xuân với những “chồi non xanh” .Nhưng xanh không thôi thì chưa hẳn tình xuân đã để lại dấu ấn đẹp đến thế! Xanh đi liền với từ láy”mơn man” và “mùa xuân” có thêm “từng hạt mưa” rơi! Mà khi rơi lại nhẹ nhàng đến mức ta cảm nhận được vẻ đẹp “long lanh” của từng hạt mưa. Mưa xuân lất phất bay thôi mà! Mùa Xuân không thể thiếu mưa, thiếu mầm cây đang nhú.. Bên cạnh tác giả lúc này lại có một “ai”. Để thơ, để nhạc và xuân hòa quyện “trong ánh mắt lấp lánh lấp lánh” . Một ánh mắt trong veo khi đón nhận “lời yêu thương” vẫn còn chút“ngập ngừng”.

Tình xuân tươi non, hòa quyện với tình yêu trong trẻo qua ánh mắt “ai” xen lẫn chút “ngập ngừng” để Thì Thầm Mùa Xuân vẫn còn đang tiếp tục Thì thầm:

Mùa xuân đã đến bên em
Và mùa xuân đã đến bên anh ... thì thầm
Làn gió khẽ vuốt tóc em
Và làn gió nói cùng em ... nhớ thương

Người ta vẫn thường nói mùa xuân là mùa của tình yêu và hạnh phúc. Với nhạc sĩ Ngọc Châu, chắc hẳn trong trường hợp này là như thế ! Giai điệu ngọt ngào bay bổng nhưng không kém phần lãng mạn khi cất lên: “Mùa xuân đã đến bên em. Mùa xuân đã đến bên anh” và chỉ để “thì thầm”. Thật lạ phải không? Mùa xuân sao phải đến bên hai người chỉ để “thì thầm”? hay là lời tình yêu mà ở trên cô bé có “ánh mắt…lấp lánh…ngập ngừng” đón “lời yêu thương”. Bây giờ mượn lời Mùa xuân để “thì thầm” chăng? Và còn Gió xuân kia cũng lạ lùng nữa , gió “khẽ vuốt tóc em” thì hẳn rồi! nhưng : “làn gió nói cùng em” thì thầm câu “nhớ thương” cơ! Gió nói với em hay anh mượn lời gió để nói với em đây? Đố ai biết được!

Không hiểu Mùa xuân đến bên hai người thì thầm điều gì? mà khi Gió khẽ nói thêm câu “nhớ thương”. Vậy là :

Và em đã biết nói tiếng yêu đầu tiên
Và em đã biết thương nhớ biết giận hờn
Mùa xuân đã đến bên em trao nụ hôn
Và mùa xuân đã trao cho em ánh mắt anh

Để rồi, đắm say ... Ðể rồi, ngất ngây!!!



Mùa Xuân quả là có phép mầu nhiệm. Một “ánh mắt long lanh” khi đón nhận “lời yêu thương… ngập ngừng”, rồi khi Mùa xuân đến bên “thì thầm” gì đó? Gió xuân nói khẽ thêm câu “nhớ thương” và vuốt khẽ mái tóc. Bấy nhiêu thôi mà “em đã biết nói tiếng yêu đầu tiên” và thêm một bước nữa là đã biết “ thương nhớ biết giận hờn”...

Lúc này thì Mùa xuân xuất hiện , đến bên và không còn “thì thầm” nữa, mà “trao nụ hôn”, trao luôn cả “ánh mắt anh”. Nếu mùa xuân trao ánh mắt anh, và trao nụ hôn thì không thể nào có một câu kết đẹp như chuyện cổ tích của tình yêu “để rồi đắm say…để rồi ngất ngây!!!”. Như thế này được?

Mùa Xuân ở đây chỉ là chất xúc tác với những “từng chồi non xanh mơn man” và từng hạt mưa long lanh rơi” thêm chút gió xuân se se ,đưa làn nắng ấm đến bên hai người đang trao nhau những lời tỏ tình đầu tiên, để cho tình yêu đâm chồi nảy lộc cùng mùa xuân tươi trẻ,nồng nàn.

Một Thì Thầm Mùa Xuân vẫn sẽ và mãi được yêu thích và đón nhận, đặc biệt là những dịp xuân về tết đến. Thì Thầm Mùa Xuân không chỉ giành riêng cho những đôi lứa đang yêu. Không chỉ riêng cá nhân tôi, mà có lã sẽ có rất nhiều bạn đọc, người nghe lớn tuổi, tìm thấy chút hoài niệm của chính mình trong đó.

Sài Gòn mùng 3 tết Giáp Ngọ

Huỳnh Xuân Sơn

Một Ngày Tôi Đi Tìm Bạn Cho Nhà Tôi - Huỳnh Xuân Sơn



Xin cho tôi được mượn nơi này để gửi lời cảm ơn chân thành tới các anh chị trực tổng đài bưu điện tỉnh Bình Định, bưu điện các huyện, tất cả ủy ban các xã, cùng một số gia đình người dân trong tỉnh. Đặc biệt là anh Thân Đình Thi cựu bí thư xã Ân Hảo huyện Hoài Ân, anh Bình trưởng thôn Tân Xuân xã Cát Hanh huyện Phù Cát, đã giúp đỡ tôi trong suốt " Một Ngày Tôi Đi Tìm Bạn Cho Nhà Tôi."

Buổi sáng tôi thức dậy! Ngôi nhà thật yên ắng. Hai con đã đi học. Tôi bước xuống thang lầu, nhìn vào phía nhà trong không thấy bóng dáng nhà tôi đâu. Tôi bước ra phía trước, anh bắc ghế ngồi bên giàn phong lan. Khuôn mặt trầm ngâm tư lự, ánh mắt nhìn xa xăm đến nỗi tôi đến gần bên, anh cũng chẳng hay biết.
-Sao sáng nay anh không nấu nước pha café? Anh cũng không gọi em dậy?
Nghe tôi nói, anh giật mình quay lại:
-Mấy giờ rồi em?
-Gần bảy giờ rồi.
-Thế à! Thôi để anh đi nấu nước.
-Thôi để em! Tôi vội vã bước vào trong bếp.
Thật ra mà nói mấy hôm nay anh suốt ngày bận rộn dõi theo từng phút, từng giờ, từng ngày, hành trình đi tìm lại các bạn cũ học lớp 6 trường Sư Phạm Qui Nhơn(1972-1974) đã thất lạc nhau gần 40 năm.

Ngày 22 tháng 8 năm 2012 với chúng tôi sẽ là một ngày không thể quên!
Đang ngồi nhâm nhi ly café. 8 giờ sáng, bỗng máy điện thoại của anh có tin nhắn của anh Thái: "Tìm bạn Vương Hữu Thành đành bó tay thôi! Hỏi tổng đài rồi, không có địa danh nào tên Tân Xuân cả? Thôi, mình tiếp tục đi ra Quảng Ngãi đây!"
Một nét buồn xen thất vọng trên gương mặt anh. Anh nói:
-Nếu anh không bị đau chân, thì giờ này anh cũng đang đi tìm bạn cùng với Thái rồi. (Anh Trần Trọng Thái là người bạn cùng lớp hiện đang ở Phú Yên. Đầu tháng tám anh tìm gặp bạn bè và bắt đầu lên đường cùng con ngựa sắt của mình rong ruổi khắp các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên để tìm những người bạn còn lại trong lớp chưa liên lạc được.)

Sau khi nhận được tin nhắn của anh Thái, tôi quyết định tìm bạn của anh giúp anh. Tôi biết rằng sẽ phải khó khăn vì chỉ một địa danh Tân Xuân nào đó ở Bình Định mà sau mấy chục năm biết có thay đổi hay không? Tôi lấy giấy bút, cầm điện thoại và bắt đầu một kế hoạch mà trong thâm tâm tôi cũng cảm thấy lờ mờ.
Bắt đầu từ tổng đài 0561080
-Alô! Cô cho tôi hỏi ở Bình Định có địa danh nào? hoặc thôn hay xã nào? có tên là Tân Xuân không ạ?
Sau một hồi chờ máy đầu dây bên kia trả lời:
- Chỉ có một xã Tân Xuân của huyện Tây Sơn thôi ạ.
-Vậy cô làm ơn cho tôi xin số điện thoại của xã đó đi ạ!
- Điện thoại được kết nối với UBND xã nhưng tất cả những điều tôi có được từ cuộc điện thoại này chỉ là con số không tròn trĩnh.
Quay lại tổng đài 1080, tôi xin được một số nhà dân trong xã.
Điện thoại được kết nối, đầu dây kia là một cô gái 22 tuổi, sau khi nghe tôi trình bày lý do cuộc điện thoại này là vì tôi muốn tìm một người bạn thất lạc gần bốn mươi năm. Nghe xong cô rất vui vẻ. Nhưng kết quả là ở thôn cô ở và một số thôn khác mà cô biết thì không có ai tên Vương Hữu Thành làm thầy giáo cả. Cô nói:
- Hay chị chờ em một lát, em đi hỏi mấy người lớn tuổi xem thử.
Sau một hồi chờ đợi, tôi gọi lại thì có một chút hy vọng..
- Ở trường Bùi Thị Xuân, quốc lộ 19 có thầy Thành dạy văn ở trường cấp 2. nhưng khi tôi hỏi thầy đó khoảng bao nhiêu tuổi? và họ gì? thì cô không biết?
Lại cúp máy, cô tiếp tục dò tìm, 15 phút sau tôi gọi lại, tia hy vọng ban nãy bay đi mất! Khi nghe cô nói không biết thầy họ gì nhưng thầy khoảng gần 50 tuổi (Trong khi nhà tôi và anh bạn mà tôi tìm phải gần sáu mươi tuổi cơ.)
Tạm biệt và cảm ơn cô gái! Tôi quay lại tổng dài 1080. Trả lời tôi bây giờ không còn là cô gái dễ thương ban sáng nữa. Sau khi nghe tôi nói lý do xin số điện thoại của tất cả bưu điện các huyện trong tỉnh Bình Định, thì cô trả lời rằng:
-Chị cần số điện thoại ở huyện nào thì em cho số huyện đó?
-Tôi cần số tất cả các huyện trong tỉnh.
-Em không thể giúp chị được! và tín hiệu tít tít... vang lên.
Tôi đành lên hỏi nhà tôi tên các huyện của tỉnh Bình Định. May quá! Anh biết! Anh cho tôi tên 10 huyện và thành phố Quy Nhơn.
Tôi lại bấm tổng đài 1080 và lần này thì tôi đã có tên và số điện thoại bưu điện 10 huyện trong tỉnh.Từ số điện thoại có được, tôi gọi về bưu điện từng huyện và xin số điện thoại từng xã và từ từng xã tôi truy tìm thôn Tân Xuân ?
Bắt đầu từ huyện Tây Sơn, không có. Tuy Phước, không .Vân Canh, cũng không…
Đến lúc này tôi có phần hơi nản nên tắt máy bỏ đi nấu cơm. Ăn xong tôi lại tiếp tục hành trình tìm kiếm! Huyện Vĩnh Thạnh không có . Đến huyện An Lão, tiếp tôi ở đầu dây bên kia là một người đàn ông, mới nghe tôi nói lý do xin điện thoại của các xã, thì anh nói ngay: không cần đâu, trên đường đi làm, tôi có đi ngang qua thôn có tên Tân Xuân nhưng nó thuộc Hoài Ân. Cô thử điện thoại sang Hoài Ân, nó thuộc xã Ân Hảo. Mừng quá! Tôi như thấy được tia sáng cuối đường hầm.
Bưu diện huyện Hoài Ân cho tôi số điện thoại xã Ân Hảo, người trực ủy ban xã Ân Hảo cho tôi biết xã Ân Hảo đã tách làm hai. Đây là Ân Hảo Đông, còn Tân Xuân ở Ân Hảo Tây, nhưng tôi sẽ cho chị số của anh cựu bí thư đảng ủy xã là người thôn Tân Xuân, chị không cần gọi sang xã đâu. Người cựu bí thư đó là anh Thân Đình Thi, khi tôi gọi thì anh đang ở Sài Gòn. Anh nói: tôi năm nay 60 tuổi rồi sinh ra và lớn lên ở Tân xuân nhưng ở vùng tôi không có họ Vương cũng như không có ai từng học Sư Phạm Qui Nhơn cả. Họ Vương chỉ có ở thôn Hậu Trung nhưng nó thuộc Ân Hảo Tây. Theo anh biết thì nhiều năm anh làm cán bộ xã Ân Hảo không có ai tên như vậy? Và cũng không có ai học SPQN cả. Anh hứa sẽ cố gắng tìm giúp nhưng vẫn khuyên tôi chuyển hướng tìm kiếm sang huyện khác. Tôi nghe lời và cúp máy. Chuông điện thoại đổ! Tiếng anh Thi :
- Cô ơi, tôi cho cô số điện thoại của thầy hiệu trưởng mới về hưu may ra thầy giúp được cô.
Tôi bấm số gọi cho thầy Nguyễn Từ Khoa, thầy đi vắng, tiếp tôi là vợ thầy. Cô ấy hẹn tối gọi lại xem thầy có giúp được gì không? vì cô không biết về những điều tôi cần hỏi.
Sau đó anh Thi có gọi cho tôi vài lần, cho số phôn của một vài nơi, mà theo anh có thể có thông tin tôi cần, nhưng kết quả không như ý muốn.
Tạm biệt Hoài Ân với những người dân nhiệt tình dễ mến! Tôi gọi tìm ở Hoài Nhơn nhưng không có.
Sau hàng trăm cuộc điện thoại, tai tôi như ù đi! Người thì mệt mỏi, chán nản. Tôi bỏ đi lên lầu định nghe nhạc cho thư giãn đầu óc. Lên tới nơi, nhà tôi lại đưa cho tôi xem tin nhắn của anh Thái:
"Trên đường đi Quảng Ngãi để tìm bạn, sức khỏe tốt, ăn uống tốt, đang nằm gốc keo bên đường nghỉ. Chiều trời mát đi tiếp!"
Đọc xong, tôi như được tiếp thêm sức mạnh! Quay xuống nhà và tiếp tục công việc tìm kiếm!
Bưu điện Phù Cát, sau khi nghe tôi nói lý do xin số điện thoại các xã. Anh trực bưu điện nói:
-Cô hãy gọi số phòng bưu chính huyện mà hỏi dễ hơn vì ở đó có các địa danh thôn xã.
Tôi gọi phòng bưu chính huyện, trả lời tôi là một người đàn ông (rất tiếc là tôi đã không hỏi tên anh).Anh trả lời:
- Có thôn Tân Xuân ở xã Cát Hanh. (Lần này thì vầng thái dương đã thực sự xuất hiện). Tôi xin số xã anh nói:
- Tôi cho cô số phôn một cơ sở mộc ở tại thôn Tân Xuân. Sau khi ghi xong 2 số điện thoại của cơ sở mộc đó tôi nói:
- Anh cho em xin số của ủy ban xã và trường học luôn, kẻo không gọi được em lại phiền anh. Anh nói:
- Nếu không gọi được cô cứ điện lại tôi sẽ giúp cô!
Tôi gọi 2 số anh cho nhưng cả 2 số đều không liên lạc được .Tôi gọi lại phòng bưu chính. Anh vui vẻ cho tôi số điện thoại của xã.
Tôi gọi ủy ban xã, người trả lời tôi là anh thường trực ủy ban. Anh cho tôi số di động của ông trưởng thôn Tân Xuân và còn dặn tôi nếu không gặp thì gọi lại anh sẽ tìm người giúp.
Tôi gọi ông trưởng thôn tên Bình. Sau một hồi hỏi lý do tôi tìm người tên Vương Hữu Thành trước năm 75 học SPQN niên khóa 72-74 ông trả lời:
- Ở thôn Tân Xuân có họ Vương Hữu còn tên Thành thì chờ một giờ nữa gọi lại, để ông tra sổ rồi trả lời.
Hy vọng tràn trề, tôi mang tin đó nói với nhà tôi, Anh mừng rỡ! Anh vội gọi ngay cho anh Nguyễn Xuân Từ ở thị trấn Ngô Mây Phù Cát (Anh Nguyễn Xuân Từ cũng do anh Thái mới tìm ra mấy hôm trước). Anh nói anh Từ hãy xuống ngay xã Cát Hanh để tìm bạn Vương Hữu Thành.
Một tiếng trôi qua, tôi gọi lại ông Bình, ông nói:
-Tôi chưa xong việc, mà tôi đã nói là có họ Vương Hữu rồi mà. Có việc gì mà gấp dữ vậy.
Tôi nói : -dạ việc gấp thì không nhưng từ sáng tới giờ (4h30), em điện gần 200 cuộc rồi, bây giờ mới có chút hy vọng, mong anh giúp, mà không phải mình em đâu? Có đến 50 người chờ anh để biết tin bạn của mình nữa đấy!

Ông ấy hỏi tôi:
- Sao nghe giọng nói thì cô còn nhỏ mà làm gì 72 -74 đã học SPQN rồi. Tôi cười, không giải thích mà xin ông gặp chồng tôi một chút....

Ông hẹn xong công việc sẽ gọi lại .
Chúng tôi ngồi chờ, 10 phút sau điện thoại tôi reo lên! Một số lạ 0905214596. tôi nhấc máy. Giọng một người nam, nói tiếng miền trung.
- Cô ơi! Cho tôi gặp anh bạn tôi với.
-Dạ xin lỗi bạn anh tên là gì ạ? Tôi hỏi lại
-Tôi không biết bạn tôi tên gì? nhưng tôi là Vương Hữu Thành đây!
Máy được chuyển cho chồng tôi. Hai người mừng rỡ hỏi thăm nhau rối rít. Thế là Anh đã tìm được bạn.
Trong khi nhà tôi và anh Thành hàn huyên, tôi gọi điện cám ơn. Người đầu tiên là anh Thân Đình Thi báo cho anh biết là tôi đã tìm được anh Thành. Người thứ hai là ông Bình trưởng thôn Tân Xuân xã Cát Hanh Phù Cát. Tôi cảm ơn ông đã giúp tôi, nghe xong, ông cũng rất vui mừng và nói:
- Chúc mừng cô đã tìm được bạn!

Vậy là sau 10 tiếng đồng hồ ròng rã bên chiếc điện thoại, tôi đã tìm được bạn cho chồng. Người bạn đã 38 năm không tin tức chỉ còn một dòng địa chỉ lưu lại trong quyển kỷ yếu năm1974 là "Vương Hữu Thành Tân Xuân- Bình Định"
Tôi nghĩ rằng tôi đã đem đến một niềm vui cho chồng mình và cho cả các anh, các chị lớp nhị 6 k11 SPQN nữa.
Sài Gòn, 26/08/2012
Huỳnh Phú Vang..

Huỳnh Xuân Sơn Với Cảm Nhận Ca Từ Ca Khúc Đâu Phải Bởi Mùa thu Của Nhạc Sĩ Phú Quang



Chiều xuân mới, dăm ba đứa bạn hẹn gặp quán cà phê Tí Tách Thành phố Tuy Hòa. Niềm vui gặp mặt bạn bè và người thân không kéo tôi ra khỏi khung cảnh thơ mộng nơi đây. Mưa xuân bay lất phất , dăm cội mai già lặng lẽ buông những cánh mai quá độ còn sót lại trang điểm màu vàng cho gốc, nhường chỗ cho lộc non đâm chồi. Tiếng nhạc dìu dặt vang lên từ những chiếc loa ẩn khuất đâu đó. Chợt một cơn gió thổi đưa những chiếc lá bàng ở cuối sân bay tới tấp xuống quanh tôi. Sắc đỏ bầm của lá bàng trên cây tô đậm cả khoảng trời, lúc này tôi mới để ý đến.

Từ trong sâu thẳm nỗi nhớ mùa thu trỗi dậy , tôi thắc mắc sao cây bàng lại trút lá vào mùa xuân ? Lớp lớp lá đỏ trên cây, dưới chân tôi và cả khoảng sân trước mặt. Một đôi tàng cây đã trút hết lá, lác đác những mầm lá non vừa nhú ra khỏi cành khẳng khiu, làm lay động tâm hồn bất cứ ai ngắm nhìn. Bất giác tôi cất tiếng khe khẽ: “lá trút rơi nhiều đâu phải bởi mùa thu”.

Vâng, bất kỳ điều gì đều có ngoại lệ, không chỉ trong cuộc sống đầy mâu thuẫn của con người, mà ngay cả cỏ cây cũng vậy. Cây bàng là một nét chấm phá khác lạ cho bức tranh sống động về mùa xuân. Nhạc sĩ Phú Quang viết ca khúc Đâu Phải Bởi Mùa Thu, có lẽ cũng xuất phát từ cảm xúc khi đứng trước một khung cảnh lá trút vào mùa xuân, như hôm nay chăng?

Với thắc mắc ấy! tôi đi tìm ca từ bài hát: Đâu Phải Bởi Mùa Thu:

Em ru gì, lời ru cho đá núi, đá núi tật nguyền vết sẹo thời gian,
em ru gì lời ru cho biển khơi, biển khơi biết bao giờ ngừng lại.

Em ru gì lời ru cho anh một đời đam mê, một đời giông tố,
em ru gì cho ta khi bao ngày phôi pha,
câu hát ngân lên bỗng tắt nửa chừng
thôi đừng hát ru ... thôi đừng ray rứt ...
lá trút rơi nhiều đâu phải bởi mùa thu.

Em ru gì, lời ru bao tiếc nuối tiếc,
nuối tiếc một đời ước vọng tàn phai,
em ru gì, lời ru cho ngày mai,
thời gian có bao giờ trở lại,
em ru gì, lời ru cho anh, một đời đam mê, một đời giông tố,
em ru gì cho ta, khi bao ngày phôi pha,
câu hát ngân lên bỗng tắt nửa chừng,
thôi đừng hát ru, thôi đừng ray rứt,
lá trút rơi nhiều đâu phải bởi mùa thu.




Ca từ của ca khúc này, (Được tác giả viết theo ý thơ của bài thơ : Yên Lặng của nữ thi sĩ Giáng Vân.) giống như một bài thơ Tự do, với những câu thơ mang tâm trạng day dứt, thắc mắc, yêu thương. Như một lời nhắn, như một lời động viên, như một lời an ủi đã cuốn tôi bước vào để đồng hành với Đâu Phải Bởi Mùa Thu.

Mở đầu là những ca từ chẳng hề ăn nhập với nội dung của tựa đề :



Em ru gì, lời ru cho đá núi, đá núi tật nguyền vết sẹo thời gian,
em ru gì lời ru cho biển khơi, biển khơi biết bao giờ ngừng lại.




Lời ru luôn là những lời dễ ăn sâu trong tiềm thức con người nhất. Có lẽ cũng vì điều này mà nhạc sĩ Phú Quang đã đưa lời ru của em vào ca khúc. Nhưng, Em ở đây lại khiến cho tác giả phải đặt câu hỏi: “Em ru gì..?hai lần. Lạ thật, trong khi “Đá núi tật nguyền, vết sẹo thời gian” còn em thì cất “lời ru cho đá núi,”. Chưa hết ngạc nhiên này, lại đến ngạc nhiên khác. “lời ru cho biển khơi” của em. khi đi cùng câu hỏi “biển khơi biết bao giờ ngừng lại” , liệu góp ích được gì?

Thật lạ lùng và gây tò mò. Đâu Phải Bởi Mùa Thu, Sao em lại đi làm một việc vô vọng như vậy nhỉ? Biển muôn ngàn đời trước và ngàn đời sau, luôn ầm ì tiếng sóng suốt ngày đêm. Biển khơi biết bao giờ ngừng lại ?Đúng là một ẩn số khó giải. Ta xuôi theo giòng chảy cùng những ca từ kế tiếp:

Em ru gì lời ru cho anh một đời đam mê, một đời giông tố,
em ru gì cho ta khi bao ngày phôi pha,
câu hát ngân lên bỗng tắt nửa chừng
thôi đừng hát ru ... thôi đừng ray rứt ...
lá trút rơi nhiều đâu phải bởi mùa thu.




Sau khi lời ru cất lên trong vô vọng. Bây giờ, câu hỏi “em ru gì” đã có chút thực tế hơn. Vẫn là hai câu hỏi “em ru gì?” nhưng ở đây là “lời ru cho anh” mà em biết, và anh cũng biết, đời anh vốn “ Một đời đam mê, một đời giông tố”. Với anh thì cuộc đời là thế! Còn lời ru mà anh muốn hỏi là “em ru gì cho ta”? Ru gì đây hỡi em trong khi cả anh và em đã trải qua “bao ngày phôi pha”? Thật khó hơn cả “lời ru cho đá núi” và “lời ru cho biển khơi” . “Lời ru cho anh” và “ lời ru cho ta” đã khiến cho “câu hát ngân lên bỗng tắt nửa chừng”. Vì sao vậy? Có phải ‘tiếng hát ngân lên” gặp “một đời giông tố” hay bởi đã gặp “bao ngày phôi pha” mà phải “tắt nửa chừng”. Câu hỏi này cũng thật khó trả lời khi ta là người ngoài cuộc. Nhưng lời an ủi, như lời động viên: “thôi đừng hát ru… Thôi đừng ray rứt”… Đã mở cho ta một cánh cửa để trả lời rằng: không có gì là bất biến theo bất cứ việc gì? Điều gì cũng có thể mang theo ngoại lệ. Tác giả đã khẳng định rằng: “Lá trút rơi nhiều đâu phải bởi mùa thu”. Vâng, tôi đồng ý bởi mới chiều nay thôi, tôi đã mơ màng thấy thu khi sắc đỏ của lá bàng trút xuống giữa tiết trời mùa xuân. Thu đã qua lâu lắm rồi. Đông lạnh giá cũng vừa bịn rịn chia tay. Mùa xuân tươi mới đang về với lộc non chồi biếc, nhưng vẫn còn lẫn trong đó là những chiếc lá bàng khô lìa cành sau cơn gió nhẹ.

Dẫu đã có lời an ủi, động viên cho em . Lời ru em ngân nga trong vô vọng vẫn làm lay động trái tim người nghe:


Em ru gì, lời ru bao tiếc nuối tiếc,
nuối tiếc một đời ước vọng tàn phai,
em ru gì, lời ru cho ngày mai,
thời gian có bao giờ trở lại,




Vẫn lại là điệp khúc câu hỏi “em ru gì”? Anh hỏi vậy có lẽ chỉ để hỏi, bởi anh đã và đang cảm nhận được lời ru ấy chất chứa “bao nuối tiếc”! Anh cảm nhận được trong đó sự nuối tiếc “một đời ước vọng tàn phai”. Lời ru em cất lên còn chứa cả nỗi niềm mong ước dành “cho ngày mai”. Anh cảm nhận được và cũng lại là một câu hỏi như một lời khuyên nhưng lại như một lời nhắc rằng : “thời gian có bao giờ trở lại?”. Vâng thời gian đã trôi qua rồi không thể quay lại cũng như “không ai tắm hai lần trên cùng một dòng nước”. Nhắc rồi, khuyên rồi và có lẽ đây cũng chính là nỗi lòng của anh khi kết thúc ca từ của ca khúc: Đâu Phải Bởi Mùa Thu




em ru gì, lời ru cho anh, một đời đam mê, một đời giông tố,
em ru gì cho ta, khi bao ngày phôi pha,
câu hát ngân lên bỗng tắt nửa chừng,
thôi đừng hát ru, thôi đừng ray rứt,
lá trút rơi nhiều đâu phải bởi mùa thu.




Mọi việc, mọi sự vật thông thường sẽ tuân theo một qui luật tất yếu , đại đa số trong đó sẽ tuân theo, nhưng cho dù nơi đâu và khi nào “ Lá trút rơi nhiều” là hình ảnh gợi lên tiết trời của mùa thu. Nhưng ở đây, nhạc sĩ Phú Quang lại khẳng định: “Lá trút rơi nhiều đâu phải bởi mùa thu”.Mùa thu không phải là tác nhân làm cho lá rụng…Một chút gì đó làm cho chúng ta thêm se lòng khi chợt nhớ đến mùa thu.

Đây là bài thơ của nữ sĩ Giáng Vân khởi nguồn cho nhạc sĩ Phú Quang viết lên ca khúc Đâu Phải Bởi Mùa Thu




Yên Tĩnh




Mặt trời trưa đã quá đỉnh đầu
Vách đá chắn ngang điều muốn nói
Em ru gì cho đá núi
Đá núi trụi trần vết tạc của thời gian

Em ru gì cho dòng sông
Dòng sông chẳng khi nào ngừng lặng
Sóng cuộn lên nỗi khát khao vô bờ
Sóng rất biết nơi mình đi và đến

Em ru gì cho anh
Mặt trời linh thiêng mặt trời giông tố
Đã mệt mỏi rồi đã bao nỗi âu lo
Trên gương mặt anh hằn lên nỗi khổ
Khiến câu hát cất lên bỗng tắt nửa chừng

Em yêu anh như yêu cuộc đời cực nhọc
Có tuổi thơ em buồn bã dịu dàng
Sáng lung linh vầng ánh sáng thiên thần
Niềm hạnh phúc muôn đời có thật

Xin đừng trách em nhiều
Cũng xin đừng day dứt
Cây lá có rơi nhiều xin đừng hỏi mùa thu
Lặng nghe anh
Yên tĩnh - lời ru (Giáng Vân)

Sài Gòn 12/2/2014

Huỳnh Xuân Sơn

Huỳnh Xuân Sơn Với Cảm Nhận Bài Thơ Đêm Cổ Tích Của Tác Giả Thúy Ngân



Sài Gòn đã qua đi khoảng lặng giao mùa.Mùa mưa đã rời xa thực sự để mùa nắng về thế chỗ. Những đêm mưa ầm ào không còn nữa, thay vào đó là những đêm trăng bàng bạc.

Sông Sài Gòn đêm nay làm nền cho những ánh đèn soi bóng những tòa cao ốc huyền ảo lung linh. Quán cà phê Ven Sông, đêm yên bình với tiếng nhạc dìu dặt đang phát từ chiếc loa ẩn nấp đâu đó, nghe như gần bên cạnh, lúc lại thấy xa xôi như từ đâu đó ngoài sông vọng vào!

Với khung cảnh thơ mộng ấy. Bên tôi anh đang thả hồn theo tiếng nhạc. Tôi lại đang thả tâm hồn mình theo Đêm Cổ Tích của Thúy Ngân! Bỗng nhiên tôi thấy Đêm Cổ Tích như làThúy Ngân viết cho riêng tôi đêm nay vậy.

Đêm Cổ Tích

Đêm xuân nồng nàn
Nụ hoa chúm chím
Giọt sương xao xuyến
Sao trời lung linh
Chàng gió đa tình
Vương lên hương sắc
Mơn man
Xuân tình…

Em
Ngây thơ
Mắt biếc
Trong veo
Hồn nhiên
Tuổi thần tiên.

Anh
Hơi thở mùa xuân
Bờ vai vững chãi
Vòng tay ấm áp
Thương yêu ngập tràn

Bỗng nghe…
E ấp
Đắm say
Bẽn lẽn
Ngất ngây
Tay trong tay
Tình trong như đã...
Hương xuân đong đầy.

...Trăng nghiêng
Nụ xuân nghiêng
Anh thần tiên
Em thần tiên
Triền miên
Đêm
Cổ tích… (Thúy Ngân)

Bài thơ chị viết theo thể thơ tự do, cách ngắt câu ngắn, cùng phép ẩn dụ khéo léo. Mạch thơ tràn đầy hạnh phúc đôi lứa, thể hiện qua cuộc hẹn hò vào một đêm xuân.
Khúc ca Đêm Cổ Tích được ngân lên bắt đầu bằng giai điệu nhẹ nhàng da diết:
Đêm xuân nồng nàn
Nụ hoa chúm chím
Giọt sương xao xuyến
Sao trời lung linh

Chàng gió đa tình

Vương lên hương sắc

Mơn man

Xuân tình…



Thế giới thần tiên đã được mở ra : “Xuân Tình mơn man…” Hay là tình yêu chớm nở giữa đêm xuân. Của “Chàng gió đa tình” và “nụ hoa chúm chím” đã khiến cho “đêm xuân nồng nàn” . “Giọt sương”, “Sao trời “ hay “chàng gió” và “nụ hoa” đã “xao xuyến” khi bầu trời “lung linh” tỏa ánh sáng từ ngàn sao chiếu rọi. “Hương sắc” quyện hòa với “đêm xuân” . Đêm Cổ Tích đâu chỉ có vậy, Khúc ca hạnh phúc vẫn đang tiếp tục Ngân lên với giai điệu dồn dập hơn



Em

Ngây thơ

Mắt biếc

Trong veo

Hồn nhiên

Tuổi thần tiên.



Thật tài tình chỉ với mười hai từ ngắn gọn chia ra sáu câu thơ ngắn. Chị đã vẽ ra chân dung của “nụ hoa chúm chím”…

Trái ngược với Em …là hình ảnh của Anh:



Anh

Hơi thở mùa xuân

Bờ vai vững chãi

Vòng tay ấm áp

Thương yêu ngập tràn…

Với năm câu thơ rất ngắn, chị đã cho ta thấy một “đấng trượng phu” mạnh mẽ . Anh …với chị là:“Hơi thở mùa xuân” là “bờ vai vững trãi”, một điều nữa có lẽ quan trọng nhất là “vòng tay ấm áp” đã làm cho Em dẫu còn “hồn nhiên…ngây thơ” nhưng đã cảm nhận ngay được “thương yêu ngập tràn…”.

Khi bên nhau cho ta cảm giác “yêu thương” thì có lẽ chị đã nhận thấy “hương xuân” đã về cùng “tình xuân…”. Và chị viết



Bỗng nghe…

E ấp

Đắm say

Bẽn lẽn

Ngất ngây

Tay trong tay

Tình trong như đã...

Hương xuân đong đầy.



Chị không nói “Bỗng nghe…” xuất hiện lúc nào? Chỉ thấy chị cảm nhận được “hương xuân đong đầy” mặc dầu: “mặt ngoài còn e…”. Có lẽ là cái khoảnh khắc “tay trong tay” làm cho chị “ngất ngây”, “đắm say” và “e ấp… bẽn lẽn” ấy. Không hẳn chỉ là “bỗng nghe…” mà còn là khoảnh khắc lưu dấu mãi mãi trong chị kể từ khi “chàng gió đa tình” đến, mang theo “ xuân tình…” để bây giờ khi “tay trong tay”chị đã cảm nhận được “hương xuân đong đầy”!

Và khúc nhạc kết cho bản nhạc tình êm dịu nồng nàn đã tới:



...Trăng nghiêng

Nụ xuân nghiêng

Anh thần tiên

Em thần tiên

Triền miên

Đêm

Cổ tích…

Với dấu ba chấm đặt ở đầu câu, đầu khổ thơ trước câu “trăng nghiêng” rồi “nụ xuân nghiêng” một hình ảnh ẩn dụ thật lãng mạn dẫn dắt hai người một “ngây thơ…tuổi thần tiên” và một “hơi thở mùa xuân” với “vòng tay ấm áp”. Đến với Đêm Cổ Tích nhưng bước vào thế giới tình yêu hạnh phúc “triền miên”. Với hình ảnh “Em thần tiên” và “anh cũng thần tiên”..trong Đêm Cổ Tích…

Mọi khoảng cách, ranh giới…những e ấp , bên những bẽn lẽn đã được dỡ bỏ bằng hai động từ “nghiêng”. Trăng trên trời nghiêng cho ánh trăng đổ xuống.Nụ Xuân nghiêng đón nhận ánh trăng cùng “Xuân tình” với“Hương xuân” tất cả không gian thời gian hòa quyện lại thành giai điệu dịu dàng thanh thoát của bản nhạc Đêm Cổ Tích…

Mà chị Thúy Ngân đã và đang muốn lưu giữ cho riêng mình chăng?

Sài Gòn 10/1/2014

Huỳnh Xuân Sơn

Huỳnh Xuân Sơn Cảm Nhận Bài Thơ Thiên Đường Lạnh Của Tác Giả Quyen Xua



Buông điện thoại xuống. Tôi ngồi thẫn thờ nhớ quê. Chỉ cách xa hai giờ máy bay, hai ngày đường bộ. Vậy mà đã hơn chục mùa xuân rồi tôi xa quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn của mình! Cô bạn thân từ hồi nhỏ mới gọi điện kể về quê tôi, năm nay giá rét bất thường làm cho hoa trái nở không đúng tết. Vụ cấy cũng sợ rét làm cho lúa chết….Bao nhiêu nỗi niềm của người dân quê tôi đang phải chống chọi với giá rét. Mấy ai còn nghĩ tới tết với mùa xuân đâu?

Nỗi nhớ quê chưa nguôi ngoai. Mở máy ra vào mạng loay hoay sao lại đi lạc tới nhà người lạ. Đập vào mắt tôi là bài thơ Thiên Đường Lạnh. Nhìn cái tựa đề rất gần gũi với tâm trạng tôi . tôi rê chuột đi theo

Thiên Đường Lạnh

Không một nụ mai vàng
không một chút gì báo hiệu xuân sang
thành phố như loài dơi mải mê ngủ đông quên đêm dài giá rét
không đêm nào tôi có được một giấc ngủ sâu thẳng thét
cứ chập chờn trong mộng mị, chiêm bao
..........
Tôi thương quê nghèo, thương con nắng hanh hao
cơn gió tháng mười hai đủ làm se se nỗi nhớ
có đi xa mới nghe lòng trăn trở
đau đáu một phương trời thao thiết tiếng gà trưa
cuối năm rồi hoa cúc trổ vàng chưa ?
mùa quýt Cấm Sơn đã oằn cây chín đỏ ?
cội mai già có nhiều hoa trước ngõ?
con khướu trong vườn mùa lạnh có ngân nga...???
..........
Lặng lẽ tôi tìm một giọng cười rất thực ở quê xa
cái hào sảng hồn nhiên của người miền Tây chơn chất
ơi thiên đường....ơi...được...mất...
tôi lẻ loi buồn nghe lạnh quá...mình tôi !
.........
Thèm buổi sáng vỉa hè cà phê bè bạn quá đi thôi
tô bún cá nồng nàn mùi thơm Châu Đốc
những chiếc xe đẩy ban trưa nào me nào cóc...
hàng Tết "xô" đầy dọc lối Cá Ba Sa
.........
Thiên đường lạnh...thiên đường xa
không có thiên sứ dịu dàng nào chấp cho ta đôi cánh
những nụ cười thoáng qua ...rất lạnh !
con tim xa cội nguồn ...tình cảm cũng hư hao
thiên đường buồn ...
thiên đường lạnh...
xanh xao...!!! (Quyen Xua)

Đọc hết nửa bài thơ tôi vẫn nghĩ tác giả như viết cho nỗi niềm của tôi vậy. Nhưng không phải vậy, chị quê Miền Tây sông nước. Nhưng có hề gì đâu, tôi đi theo cả bài thơ và bỗng nhiên tôi rất muốn viết về Thiên Đường Lạnh của chị.
Bài thơ tự do được chị viết từ nơi xa hướng về cố hương. Với nỗi nhớ quay quắt khi Xuân về. Nỗi niềm đau đáu nhớ quê hương được chị bắt đầu bằng:

Không một nụ mai vàng
không một chút gì báo hiệu xuân sang
thành phố như loài dơi mải mê ngủ đông quên đêm dài giá rét
không đêm nào tôi có được một giấc ngủ sâu thẳng thét
cứ chập chờn trong mộng mị, chiêm bao
..........

Một khổ thơ kết thúc bằng hàng dấu chấm lửng lạnh lùng. Chị giới thiệu thành phố chị ở “không một nụ mai vàng” . Chưa hết, khi xuân về nơi đây “như loài dơi mải mê ngủ…” chỉ có “đêm dài giá rét”. Còn tác giả của chúng ta khi xuân về lại đang sống giữa Thành phố mà chị đã có lúc coi nó là Thiên Đường. Nhưng hỡi ơi! Thiên đường mà sao chị lại“Không đêm nào tôi có một giấc ngủ sâu thẳng thét”. Chị chập chờn trong giấc ngủ bởi “ mộng mị, chiêm bao”! Sao vậy nhỉ? tôi thắc mắc và tôi theo chị vượt qua hàng dấu chấm lửng lạnh lùng kia để đi tiếp vào Thiên Đường Lạnh của chị:

Tôi thương quê nghèo, thương con nắng hanh hao
cơn gió tháng mười hai đủ làm se se nỗi nhớ
có đi xa mới nghe lòng trăn trở
đau đáu một phương trời thao thiết tiếng gà trưa
cuối năm rồi hoa cúc trổ vàng chưa ?
mùa quýt Cấm Sơn đã oằn cây chín đỏ ?
cội mai già có nhiều hoa trước ngõ?
con khướu trong vườn mùa lạnh có ngân nga...???
..........

Tám câu thơ mà có tới sáu dấu chấm hỏi (?)quả thật nó đã làm trăn trở lòng người đọc. với bốn câu kết bằng vần Trắc càng làm cho khổ thơ mạnh mẽ và như muốn bứt phá ra khỏi khuôn khổ chật chội của ngôn từ, để diễn tả nỗi nhớ , niềm thương mà tác giả muốn gửi gắm vào câu chữ.

Chị đang sống xa quê, ở nơi mà người ta vẫn gọi nó là thiên đường vậy mà chị vẫn “đau đáu một phương trời thao thiết tiếng gà trưa”. “Cơn gió tháng mười hai” thôi mà với chị nó đã “đủ se se nỗi nhớ”. Khi “đi xa” chị mới thấm thía nỗi nhớ, một “tiếng gà trưa” khi xưa đâu có là gì! Vậy mà giờ đây “nghe lòng trăn trở”. Chị còn cần ai đó trả lời giúp rất nhiều câu hỏi trong tâm thức ùa về! nào là “hoa cúc trổ vàng chưa?” “mai có nhiều hoa?” và những vườn quýt quanh núi “Cấm Sơn” quê chị đã “oằn cây chin đỏ?” câu này chị hỏi mà như chị đã trả lời rồi!

Có lẽ mỗi khi xuân về ngày trước, chị là người chăm chút cho “cội mai già”. Chị cũng là người lo sửa sang cho mấy khóm cúc để trang trí ba ngày xuân và dâng cúng ông bà tổ tiên. Và chắc chắn chú “khướu trong vườn” luôn làm bạn với chị.

Tất cả…tất cả, bây giờ đã xa cách và chỉ còn trong nỗi nhớ . bởi nơi đây.Dẫu là thiên đường nhưng với chị nó là : “thành phố như loài dơi mải mê ngủ đông quên đêm dài giá rét”

Tôi lại cùng chị vượt qua hồi ức đầyắp nỗi nhớ thương ấy bằng một hàng dấu chấm lạnh lùng. Để về thực tại nơi Thiên Đường chị đang cư ngụ:


Lặng lẽ tôi tìm một giọng cười rất thực ở quê xa
cái hào sảng hồn nhiên của người miền Tây chơn chất
ơi thiên đường....ơi...được...mất...
tôi lẻ loi buồn nghe lạnh quá...mình tôi !
.........

Giữa chốn thiên đường ấy! “không một bông mai”. Không có một dấu hiệu nào báo tin xuân. Chị thổn thức nỗi nhớ quê hương. Và giờ đây chị lại đi tìm “một giọng cười rất thực ở quê xa”. Và một điều chị muốn nữa đó là “cái hào sảng hồn nhiên của người Miền Tây chơn chất”. Chị đã “lặng lẽ tôi tìm” . không biết chị có tìm thấy không? Chỉ biết rằng chị đang “lẻ loi” đang “mình tôi!”. Và đang cố tìm thêm nơi “thiên đường…” này chị đã “được…” gì và đã “mất …” gì!

Ở nơi chị đang sống chị nghĩ vậy. Chị đã đi tìm ,những cái mà ngày ở quê, luôn hiện diện quanh chị. Chẳng phải tìm, chẳng phải ao ước, chỉ mở lòng ra, dang tay ra là đón lấy thôi!

Chị có lẽ đã nghĩ vậy. Nên chị lại dắt tôi bay qua hàng dấu chấm ngăn cách, thay cho khoảng cách địa lý hiện tại, để về với quê hương :


Thèm buổi sáng vỉa hè cà phê bè bạn quá đi thôi
tô bún cá nồng nàn mùi thơm Châu Đốc
những chiếc xe đẩy ban trưa nào me nào cóc...
hàng Tết "xô" đầy dọc lối Cá Ba Sa
.........

Chị Bất giác Thèm buổi cà phê tụ tập với bạn bè. Thèm hương vị của “tô bún cá đồng” rồi mấy món ăn vặt “ nào me nào cóc” trên những chiếc xe đẩy bán rong. Và hình ảnh những quầy hàng lưu động bán “xô” có mặt khắp các nơi ,với đầy đủ mặt hàng. Dọc theo lối “Cá BaSa” ( có lẽ là một con đường, hay một địa danh trên quê hương An Giang của chị”.

Những thèm muốn rất đơn sơ, giản dị, mà chị ngày trước, hay tôi bây giờ có thể bước chân ra khỏi nhà là có. Vậy mà bây giờ với chị là nỗi nhớ vời vợi.

Quả là chị có tài dắt tôi bay nhảy qua những khoảng cách địa lý rất thú vị.Giờ này nếu muốn biết Thiên Đường Lạnh của chị ra sao? Bắt buộc tôi lại phải cùng chị nhảy qua hàng dấu chấm cách ngăn một lần nữa:


Thiên đường lạnh...thiên đường xa
không có thiên sứ dịu dàng nào chấp cho ta đôi cánh
những nụ cười thoáng qua ...rất lạnh !
con tim xa cội nguồn ...tình cảm cũng hư hao
thiên đường buồn ...
thiên đường lạnh...
xanh xao...!!!



Vậy là chị đã mở ra cái Thiên Đường của người . Nơi ấy đã không quyến rũ được chị. Bởi với chị “không có thiên sứ ….Chắp cho… đôi cánh” . Tự chị phải đi. Tự chị trải nghiệm và tự chị cảm nhận và cuối cùng với chị nó là “Thiên đường xa”. Ở nơi ấy “những nụ cười rất thật” chị đã đi tìm mà chỉ thấy “những nụ cười thoáng qua “ và “rất lạnh”…

Chị đã kết luận rằng tất cả những điều chị cảm nhận thấy “tình cảm hư hao” thiên đường buồn” thiên đường lạnh”, “thiên đường xa” là do “con tim xa cội nguồn”. nên nó “xanh xao…!!!”

Chị không hề nói Thiên Đường thật sự với chị bây giờ là đâu! Nhưng tất cả bài thơ cứ bay qua nơi xứ người được mệnh danh là Thiên Đường rồi lại quay về Quê nghèo của chị, cứ vậy ao ước, khát khao, đan xen với những lạnh lùng nơi đất khách, quê người.

Thiên Đường Lạnh chị đã cảm nhận được. Và có lẽ chị cũng đã tìm thấy Thiên Đường của riêng mình rồi!



Sài Gòn 12/1/2013

Huỳnh Xuân Sơn.

Huỳnh Xuân Sơn Với Cảm Nhận Bài Thơ Lời Tỏ Tình Đêm Giáng Sinh ! Của Tác Giả Nguyễn An Bình



Vậy là một mùa giáng sinh nữa lại về. Khắp nơi tưng bừng chào đón ngày Đức Chúa Ngôi Hai ra đời cứu rỗi nhân loại. Niềm vui đến không chỉ những gia đình Thiên Chúa giáo. Mà còn lan sang cả những gia đình ngoại đạo. Đặc biệt là giới trẻ, với họ mùa giáng sinh cũng là mùa yêu thương! Mùa của những lời hẹn ước trước Chúa và cũng là dịp để các chàng trai cô gái trao nhau những lời tỏ tình và đón nhận tình yêu của Thiên Chúa .

Chiều nay dù còn một ngày nữa mới tới đêm giáng sinh. Tôi bắt gặp một câu chuyện tình rất nhiều cảm xúc, liên quan tới đêm giáng sinh, đó là lời tỏ tình của một chàng trai là con chiên ngoan đạo!

Lời Tỏ Tình Đêm Giáng Sinh

Chẳng biết em khấn gì trong lời nguyện
Tiếng kinh cầu có thầm nói yêu đương?
Tôi ở cạnh em dù không lên tiếng
Muốn một đời làm tượng đá tháp chuông.

Em tinh khôi trong tâm hồn thánh nữ
Tôi ngu ngơ giữa địa ngục thiên đàng
Cổng nhà thờ có bao giờ dung thứ
Kẻ gian tà ngoại đạo chốn trần gian?

Đứng bên em tôi thật thà xưng tội
Chỉ một lần gian dối chuyện bán mua
Trong máng cỏ chúa hài đồng bối rối
Đưa hai tay ngơ ngác để chào thua.

Em trốn giữa đông người đi thánh lễ
Lá thư tình viết vội gởi cho ai?
Đêm giáng sinh sao ba vua đổi chổ
Lời tỏ tình còn nguyên vẹn trên tay.

Yêu em lắm dù ngàn lời sám hối
Tiếng chuông buồn sao giữ được chiên ngoan
Trên thập tự kiếp người ai gánh tội
Chúa trên trời nào hiểu chuyện thế gian?( Nguyễn An Bình)

Bài thơ được tác giả Nguyễn An Bình viết theo thể thơ tự do. Từng câu, từng chữ chắt lọc, gọt dũa, như từng nốt nhạc sắp xếp trên một bản nhạc có trình tự của cảm xúc thông qua ngôn ngữ thơ ca. chuyển tải một câu chuyện tình trong đêm giáng sinh.

Câu chuyện tình này có lẽ của chính tác giả chứ không hẳn là cảm xúc thơ ca. Nó được bắt đầu bằng:


Chẳng biết em khấn gì trong lời nguyện / Tiếng kinh cầu có thầm nói yêu đương? / Tôi ở cạnh em dù không lên tiếng / Muốn một đời làm tượng đá tháp chuông.

Một khổ thơ diễn tả tâm trạng của chàng trai đi lễ thường nhật. Nhưng chàng trai này đến nhà thờ không chỉ để đọc kinh cầu nguyện. Mà lại muốn “một đời làm tượng đá tháp chuông”. Vì sao vậy tác giả ơi! Có phải trái tim của anh đang bấn loạn lên trong lồng ngực. Bởi bên cạnh anh có một cô gái đang thì thầm cầu nguyện. cô ấy “khấn gì trong lời nguyện”.

Câu hỏi này chắc chắn anh không biết, tôi không biết và chỉ duy nhất một mình cô ấy biết! và thêm một câu hỏi nữa của chàng trai, “Tiếng kinh cầu có thầm nói yêu đương?”. Có lẽ không anh ạ! Người ta tới nhà thờ khấn nguyện rất nhiều điều để mong cho chúa cứu rỗi …..chứ trong khi cầu nguyện sẽ không có bất cứ một cô gái nào “thầm nói yêu đương” cả.

Có lẽ anh đã yêu thầm người ta rồi đấy! vì yêu nên anh sẽ cảm thấy trong tiếng kinh cầu kia có lời “ nói yêu đương”. Chứ không bao giờ là cô ấy cả!

Mang theo suy luận này ta theo tác giả vào khổ thơ tiếp

Em tinh khôi trong tâm hồn thánh nữ / Tôi ngu ngơ giữa địa ngục thiên đàng / Cổng nhà thờ có bao giờ dung thứ / Kẻ gian tà ngoại đạo chốn trần gian?.

Tới đây tác giả cho ta biết rõ hơn về hai nhân vật chính của câu chuyện này. Em thì “tinh khôi trong tâm hồn thánh nữ”. Còn anh thì lại tự nhận là “tôi ngu ngơ” và sự ngu ngơ này đang ở giữa ngã ba “Địa ngục” và “Thiên đàng”. Vì sao mà chỉ vì yêu một cô gái có “tâm hồn thánh nữ” thôi mà lại đẩy anh tới ngã ba …với một tâm trạng “ngu ngơ” nhỉ? chưa hết anh còn tự hỏi mình “ cổng nhà thờ có bao giờ dung thứ” . Anh tạo ra một mâu thuẫn tại đây! cổng nhà thờ thì có lẽ chưa vào tới trước mặt Chúa…. Vậy thì anh mong muốn rằng ai đó… chứ không phải Đức Chúa “dung thứ” cho “kẻ gian tà ngoại đạo chốn trần gian”.

Tôi là kẻ ngoại đạo nhưng có suy nghĩ thế này anh ạ! Đức Chúa lòng lành hoặc Mẹ Maria có thể tha thứ thôi. Chứ cũng không thể dung thứ cho “kẻ gian tà”.

Đức Phật nhân từ cũng chỉ có thể tha thứ như câu “bỏ dao đồ tể thành Phật”. chứ Ngài cũng không bao giờ “dung thứ” anh nhớ nhé!

Tôi mạn phép trả lời câu hỏi của anh! Mà có lẽ người anh mong muốn nghe câu trả lời không phải là tôi. Mà là một ai khác kia. Nhưng tôi đã trả lời và bây giờ tôi muốn cùng anh vào khổ thơ tiếp

Đứng bên em tôi thật thà xưng tội / Chỉ một lần gian dối chuyện bán mua / Trong máng cỏ chúa hài đồng bối rối / Đưa hai tay ngơ ngác để chào thua!

Thì ra anh có lẽ không phải muốn xưng tội trước Đức Cha hay trước Đức Chúa hay là Mẹ Maria. Mà anh lại muốn và đã: “đứng bên em” mà làm một việc dẫu “thật thà” nhưng lại chẳng giống ai. Khiến cho “Chúa hài đồng” cũng phải “bối rối” không biết tính sao với kẻ “gian tà ngoại đạo”này. Nên đành “đưa hai tay ngơ ngác chào thua”. Đó là anh “xưng Tội” về một tội lỗi mà theo anh thì anh đã phạm phải “chỉ một lần”: Tội “gian dối” trong “chuyện bán mua”.

Một chàng trai “ngu ngơ”. Sao lại phạm tội “gian dối chuyện bán mua nhỉ”? có lẽ là anh phạm tội gian dối này với cô gái từ hồi “để chỏm” chơi trò bán mua và đã trót lỡ gian dối với cô bé. Và cô ấy đã giận dỗi chăng?

Và có phải từ khi anh gian dối ấy. Anh đã sám hối trong thâm tâm và anh đã âm thầm lặng lẽ theo bên cuộc đời cô gái tới hôm nay không?

Không biết sau khi anh “xưng tội” thì em có tha thứ cho anh không! Tác giả không nói, chỉ thấy anh viết tiếp rằng:

Em trốn giữa đông người đi thánh lễ / Lá thư tình viết vội gởi cho ai? / Đêm giáng sinh sao ba vua đổi chổ / Lời tỏ tình còn nguyên vẹn trên tay.

Vậy là anh anh không nói thì ta cũng biết kết cục buồn cho anh rồi!

Chuyện “gian dối” của anh dẫu một lần thôi ,để em người con gái “tinh khôi trong tâm hồn thánh nữ”. Sau khi nghe thì trả lời anh thế nào? Anh muốn giữ cho riêng mình.

Anh có lẽ đã chờ đợi đêm giáng sinh rất lâu để mà trao “lá thư tình viết vội”. anh hy vọng Đêm giáng sinh , đêm của mùa hạnh phúc , mọi giáo dân đều hoan hỉ đi thánh lễ, chắc chắn em của anh cũng có mặt như mọi lần.

Ngày Đức Chúa Ngôi Hai ra đời. Có ba ông Vua cùng nhìn thấy một vì tinh tú sang khác lạ. Họ đã đi theo ánh sáng của vì sao ấy và thật bất ngờ cả ba ông đều được vì sao đưa tới nơi Đức Chúa Hài Đồng ra đời trong máng cỏ nơi hang đá.

Còn Đêm Giáng Sinh mà tác giả muốn trao lá thư tình cho em thì vì sao may mắn của tác giả thay ngôi, đổi chỗ ra sao ? anh không muốn nói hay anh đã lạc lối, hoặc em đã lạc đường ! để giờ đây anh trách “em trốn giữa đông người” để cho “lời tỏ tình còn nguyên vẹn trên tay”.

Thì ra “lá thư viết vội” kia là một “lời tỏ tình” anh muốn trao! Mà không có cơ hội.

Cuối cùng thì khổ kết cũng là lúc xúc cảm của tác giả được đẩy tới nơi ngã ba giữa “thiên đàng” và “địa ngục” một lần nữa

Yêu em lắm dù ngàn lời sám hối
Tiếng chuông buồn sao giữ được chiên ngoan
Trên thập tự kiếp người ai gánh tội
Chúa trên trời nào hiểu chuyện thế gian?

Quả thật rất khó để nói gì cho anh vợi bớt nỗi buồn này. Vì anh cũng đã cố gắng hết mình bằng việc không chỉ một lần “ đứng bên em xưng tội” thôi mà anh đã có tới “ngàn lời sám hối” bởi anh biết mình “yêu em lắm”..

Cơ hội để chàng trai “ngu ngơ”trao lời tỏ tình không có, và khi bên em thì em lại “ không biết”, trái tim đang loạn nhịp nhưng lại thầm mong “muốn làm tượng đá tháp chuông” để mà nhìn ngắm em cho thỏa thích, và biết đâu lại nghe được em” khấn nguyện điều gì”.Từng ấy điều che đi tình yêu từ phía anh, thì làm sao mà em nhìn thấy được. dẫu có tha thứ cho anh chuyện “gian dối” kia. Thì em cũng chưa biết hôm nay trong đêm giáng sinh này, sẽ có một người chờ đợi để mà tỏ tình!

Bây giờ anh thất vọng, anh yêu mà có lẽ nhút nhát quá chăng? Nàng sang ngang? Nàng thành nữ tu? Hay nàng không cho anh có cơ hội trao lời tỏ tình, vì nàng không yêu anh. Ta chẳng cần tìm hiểu nữa! bởi tác giả đã cho biết có “tiếng chuông buồn” và “sao giữ được chiên ngoan”.

Tác giả ơi ! hai câu kết của anh đã tố cáo anh không còn đủ tỉnh táo để nhìn nhận vấn đề rồi đây!

Rõ ràng là tại anh! Do anh mà bây giờ anh lại đổ thừa “Chúa ở trên trời” nên không hiểu chuyện thế nhân” .

Cả chuyện anh hỏi “trên thập tự kiếp người ai gánh tội”?

Anh là người ngoại đạo hay anh vờ như mình không biết, để mà trách cứ, hờn giận Chúa vào đêm Giáng sinh này.

Mọi giáo dân đều biết.Tôi biết và rất nhiều người ngoại đạo nữa biết “ Đức Chúa Ngôi Hai” đã có ba mươi ba năm sống kiếp người chịu mọi điều đắng cay, thậm chí bị ngay chính những người thân cận mình phản bội tới ba lần. Nhưng Người vẫn nhẫn nhịn và tha thứ hết, cho tới khi Người bị đóng đinh trên cây Thập Giá. Vậy thì chẳng có lý do gì Người lại “không hiểu chuyện thế nhân” cả.

Vậy thì anh. Vâng, chính anh! Đã và đang “bồng bềnh” sau khi yêu mà chưa yêu được và không được yêu phải không?

Lời Tỏ Tình Đêm Giáng sinh của tác giả Nguyễn An Bình phải chăng là như vậy?

Tôi bản thân là người ngoại đạo nên trong khi viết bài cảm nhận này nếu có gì sai sót xin được tác giả và bạn đọc lượng thứ và bỏ qua!

Sài Gòn 23/12/2013



Huỳnh Xuân Sơn

Huỳnh Xuân Sơn Với Cảm Nhận Bài Thơ Lạt Mềm ! Của Nhà Thơ Trương Nam Chi



Tôi đã từng rất thích cái ý tưởng lạ lùng khác người của tác giả Thủy Hiền trong Nghìn Câu Thơ Tài Hoa của nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm:

Mong manh mấy sợi tóc dài
Mà em quấn được chân người lãng du.-( Mong Manh –Thủy Hiền)

Chỉ có“ Mấy sợi tóc dài” đã giữ được “chân người lãng du” bên mình, đâu cứ phải là điều gì “dao to búa lớn” mới làm được đâu!
Thủy Hiền viết vậy. Xã hội có nhiều người phụ nữ may mắn cập được bến bình yên cho con thuyền tình của mình.

Nhưng vẫn còn đây nhiều lắm, những người phụ nữ yêu mãnh liệt, yêu say đắm. Cuối cùng chỉ còn một mình ôm nỗi xót xa. Tôi đã gặp một người phụ nữ như thế trong thơ của nhà thơ Trương Nam Chi .

Lạt Mềm. Mới nhìn cái tựa đề thôi là bao nhiêu câu hỏi ào tới: Lạt Mềm Chị dùng làm gì giữa chốn phồn hoa náo nhiệt của đất Sài Gòn này đây? Và khi đọc hết bài thơ. Tôi đã rất thích thú và hăm hở vào chốn mà Lạt Mềm “đang cư ngụ” .

Lạt mềm…
Em buộc làm sao?
Phút dây ai đổ dầu vào lửa than
Phút giây tiên bụt quy hàng
Phút dây lòng dạ ruột gan bời bời.

Lạt mềm…
Em trả cho người
Con tim hoang dại say lời phù vân
Con tim lầm lỡ bao lần
Con tim mắc nợ có cần thứ tha

Lạt mềm…
Buộc thói trăng hoa
Bao nhiêu vòng hết thói trăng hoa thì dừng
Lạt mềm buộc cái dửng dưng
Người đi, kẻ ở thôi đừng vấn vương

Lạt mềm…
Mình buộc
Mình thương! (Trương Nam Chi)




Ngay câu thơ đầu chị đã buông lửng Lạt Mềm và tự hỏi lòng:

Lạt mềm…

Em buộc làm sao?

Phút giây ai đổ dầu vào lửa than

Phút giây tiên bụt quy hàng

Phút giây lòng dạ ruột gan bời bời.

“Phút giây lòng dạ ruột gan bời bời” bùng cháy mãnh liệt ấy được chị ví nó giống như “ai đổdầu vào lửa than”. Có lẽ bắt nguồn từ chính cái phản ứng hóa học tự nhiên ấy, chẳng ai có cách nào dập tắt được, vẫn chưa đủ để nói lên điều chị muốn buộc lại bằng lạt mềm lên chị phải mô tả tiếp rằng “tiên bụt” trên trời nơi cõi tiên xa xôi đâu đó kia còn Phải “quy hàng”. Thì làm sao chị buộc được đây? Thôi đành để nó cháy.

Lạt Mềm , chị mang ra để ở đây cùng với câu hỏi mà bản thân chị có lẽ cũng đã biết là hỏi chỉ để hỏi thôi.Chứ làm sao mà buộc nổi, phút giây mà trái tim chị bùng cháy mãnh liệt, đến mức mà bản thân chị cũng chẳng kiểm soát nổi, chứ nói chi lạt mềm. Vì đâu? do đâu ?mà chị miêu tả bằng ba câu đầu dòng đều có “phút giây”. Có lẽ chỉ có phút giây ngắn ngủi nào đó thôi nhưng:

Rồi điều gì đến nó cũng đến thôi. Khi mà chẳng kìm hãm lại được cái “phút giây lòng dạ ruột gan bời bời” ấy. để nó bùng cháy theo cảm xúc của con tim thì:

Lạt mềm…

Em trả cho người

Con tim hoang dại say lời phù vân

Con tim lầm lỡ bao lần

Con tim mắc nợ có cần thứ tha.

“Con tim hoang dại say lời phù vân” ư? Và nữa “con tim lầm lỡ” ư? Không và có lẽ là chị đã sai lầm ngay từ cái phút giây để ai kia “đổ dầu vào lửa”. Chính chị đã “say lời phù vân” và để cho lý trí bị dẫn dắt bởi một “con tim hoang dại” thì tất yếu nó sẽ “lầm lỡ thôi”. Nó đâu có mắc nợ chị ơi!

Ta lầm lỡ thì cần thứ tha, chứ trái tim ta thì không bao giờ lầm lỡ cả, nó chỉ làm theo những gì nó muốn và nó sẽ không cần ai tha thứ cho điều nó muốn đâu.

Bây giờ cũng không thể trả được cho ai nữa cả chị ơi! Khi mà Lạt Mềm kia đã chẳng buộc nổi rồi thì giờ đây làm sao trả được

Lạt mềm…

Buộc thói trăng hoa

Bao nhiêu vòng hết xót xa thì dừng

Lạt mềm buộc cái dửng dưng

Người đi, kẻ ở thôi đừng vấn vương

Ở đây nữa cũng chẳng lạt nào buộc được cái “thói trăng hoa” ấy cả . Càng buộc thì càng thêm “xót xa” thôi chứ chẳng thể hết được . Nếu có hết thì có lẽ sẽ là hết lạt mềm thôi chị ạ!

Chị đã đúng khi mà “buộc cái dửng dưng” ấy lại, để kẻ đi đi mãi còn người ở lại ôm nỗi xót xa . Nhưng vẫn còn hơn nếu cứ buộc mãi cái “thói trăng hoa” kia, mà ngộ nhỡ buộc được bên mình thì nào đâu chỉ có xót xa không thôi!

Cuối cùng thì lạt mềm cũng đã làm được cái việc hữu ích khi chị đã nhận ra:
Lạt mềm…
Mình buộc
Mình thương!

Một sợi lạt mềm dẻo dai và khi sử dụng thì rất chắc chắn được chị mang vào bài thơ làm hình ảnh minh họa cho tâm tư nỗi lòng của người phụ nữ say đắm vì chữ tình.Mà bất chấp tất cả.
Nhưng ở đời vẫn vậy “theo tình thì tình phụ”, người phụ nữ ấy chỉ “phút giây lòng dạ bời bời” mà bùng cháy ngọn lửa tình mãnh liệt đến nỗi “tiên bụt phải quy hàng”. Để rồi sau những ảo tưởng say mê ấy mới chợt nhận ra mình phải ôm “nỗi xót xa” .
và giờ đây khi chỉ còn lại một mình. Người phụ nữ ấy đã hiểu ra mình để “con tim hoang dại” thì mình “đừng vấn vương” và tự mình phải thương mình thôi.
Câu kết của chị cho thấy tất cả đã giải quyết xong, người đi kẻ ở chẳng còn ai vấn vương cả. chỉ còn nỗi xót xa sẽ sớm hết sau khi đã biết đã hiểu “Lạt Mềm…./Mình buộc. Mình thương”

Sài Gòn 6/1/2014
Huỳnh Xuân Sơn

Huỳnh Xuân Sơn Với Cảm Nhận Bài Thơ Chớm Đông ! Của Tác Giả Như Mai


Sài Gòn chiều nay trời âm u. Mây xám giăng đầy trời. Tôi có cảm giác như bầu trời sà xuống thấp ngay trước mặt vậy! Bầy chim sẻ rủ nhau về tổ, trên mái ngói trước nhà sớm hơn mọi khi. Hình như chúng cũng cảm nhận được cái se lạnh ngoài trời, và cái buồn man mác trong lòng tôi. Chúng ríu rít la ó như muốn tôi ngưng dòng hồi ức mà cho chúng ăn và chơi với chúng!
Bầy sẻ ơi! Hãy im lặng nào. Hôm nay ta không thể ngưng lại mà thả hồn, theo những đôi cánh nho nhỏ chao liệng. Cùng tiếng cãi nhau chí chóe như mọi ngày được đâu!
Tôi thầm nói với chúng như vậy, bởi tôi đang bị những câu thơ nặng trĩu tâm tư và tràn đầy tình cảm của bài thơ Chớm Đông cuốn hút.

Nắng hanh buổi đầu đông
Như tình ai vừa chớm
Mỏng tang làn sương sớm
Nhẹ tênh áng mây chiều

Mong manh dáng yêu kiều
Thướt tha cùng làn gió
Nắng hanh tô má đỏ
Xao xuyến lòng thi nhân

Có thể nào lãng quên?
Giọt nắng hanh vời vợi
Xa rồi còn đọng lại
Suốt dặm dài tháng năm! (Như Mai)
Thực tình thì tôi chưa có cơ hội đọc thơ của chị nhiều. Nên sự hiểu biết về dòng thơ của chị còn hạn chế. Nhưng có một điều rất kỳ lạ là, đọc bất kỳ bài nào là tôi thấy ngay mình trong đó. Chị lớn hơn tôi, nhưng cứ như là chị viết hộ nỗi lòng thầm kín của tôi vậy.
Bài thơ Chớm Đông chị viết cho thời khắc giao mùa.Cuối thu đầu đông.Nhưng không chỉ có đơn thuần là miêu tả tiết trời se lạnh như vốn có của buổi đầu đông. Ở đây chị đã viết cho buổi đầu đông của chị.
Tiết trời se se lạnh, cùng những cơn gió bấc nhè nhẹ, len lỏi vào sâu trong tâm tư chị chăng? Và không chừng khi Chớm Đông ra đời. Chị đang “một mình đếm nỗi ưu tư” cũng nên.
Bài thơ được chị bắt đầu bằng

Nắng hanh buổi đầu đông
Như tình ai vừa chớm
Mỏng tang làn sương sớm
Nhẹ tênh áng mây chiều
Lời thơ nhẹ nhàng thanh thoát, như những gì chị muốn viết vậy. Nắng đầu đông không rực rỡ như nắng hè, không nồng nàn như nắng thu,nó lại càng không có cái ấm áp của Nắng xuân. Nó mang một chút dìu dịu, một chút hanh hao, một chút hoài niệm vừa đủ để con người ta ngược dòng về với kỷ niệm tuổi thanh xuân ngày nào!
ở đây chị đã về với “tình ai vừa chớm” mối tình của ai? Lại là chỉ mới vừa chớm. Mà sao chị lại nhớ vậy chị ơi! Chị thấy nó “mỏng tang” và cảm thấy “nhẹ tênh” .Dẫu nó chỉ như “làn sương sớm” mong manh, dễ tan biến dưới “nắng hanh”, dù là nắng của buổi đầu đông. Sương sớm tan rồi , nắng hanh gợi nhớ chăng? để chiều về chị thấy nó lại phảng phất bồng bềnh như “áng mây” đang trôi về phía cuối chân trời kia.
Tình ai vừa chớm ư? Tình của chị thì phải! Chỉ có một cuộc tình nhẹ nhàng, nhưng rất đẹp và đủ lớn, để mà chị phải mang theo từ “nắng xuân, đến hạ rồi qua thu”. Bây giờ đã bước vào đầu đông chị vẫn còn thấy nó hiện diện trong “làn sương sớm”. Trong “áng mây chiều” dẫu chỉ là “nhẹ tênh” và “mỏng tang”. Em yêu quý chị vì điều ấy chị ạ. Nếu mà ta quên hết. Chỉ còn sống với hôm nay. Có phải ta đã quá tàn nhẫn và vô tình không hả chị?
Chị dắt tôi đi vào hồi ức của ngày xưa rất tự nhiên như trước mắt ta là chị của ngày ấy vậy.

Mong manh dáng yêu kiều
Thướt tha cùng làn gió
Nắng hanh tô má đỏ
Xao xuyến lòng thi nhân

Bây giờ khi chị ngồi mà “chơi vơi” dưới “nắng hanh”, để ngược về với “tình ai vừa chớm” làm sao mà không “xao xuyến” cho được. Buổi đầu đông nhìn lại mình. đâu còn “thướt tha” đâu còn “mong manh” nữa . Dáng dấp sau khi leo lên đỉnh dốc của cuộc đời rồi. Chân đã bắt đầu mỏi, lưng muốn còng. Vài chị Đồi mồi về thăm và muốn ở lại làn da mịn màng. Chưa hết đôi chim “uyên ương” cũng tặng lại ít dấu chân. Mà không biết rằng, người nhận quà rất buồn khi nhận được nó.
Có lẽ đây là những tâm tư, nỗi lòng của chị khi “xao xuyến” nhìn mình hôm nay, nhớ mình ngày xưa. Giống như bước vào tiết trời đông gặp “nắng hanh” se se lạnh, lại nao nao nhớ tới cái ấm áp của nắng xuân hay cái rạo rực của nắng hạ.Thêm chút nồng nàn của nắng thu. Nhưng chị ơi! Nhớ cũng chỉ để nhớ mà thôi chị nhỉ.Làm sao ta có thể quay ngược được thời gian để tìm về với thời đã qua.
Có lẽ chị đã nghĩ như vậy. Nên chị đưa tôi vào khổ kết. Để biết thêm những tâm tư, tình cảm của chính mình, thêm một lần nữa mà chị mong muốn gửi gắm qua Chớm Đông.
Có thể nào lãng quên?
Giọt nắng hanh vời vợi
Xa rồi còn đọng lại
Suốt dặm dài tháng năm!
Một câu hỏi ? xoáy vào lòng người đọc “có thể nào lãng quên?” . Con người ta bôn ba xuôi ngược, lặn ngụp trong suốt dặm dài của con sông đời.Những thăng trầm trong cuộc sống từ mùa xuân, tới hạ, qua cả thu rồi.
Làm sao có thể nhớ hết những gì đã trải qua hả chị! Lãng quên là điều chắc chắn có thể xảy ra với bất cứ ai. Ngay cả người nặng tình nhất. chỉ có điều trong mớ hồi ức hỗn độn ấy, ta nhớ gì quên gì thôi phải không chị?
Còn ở đây ta hãy xem chị muốn mãi nhớ điều gì. Khi chị nói chị không thể nào “lãng quên” “giọt nắng hanh vời vợi” .Chỉ một “giọt” thôi hả chị! Sao không cả một bầu trời “nắng hanh”nhỉ?
Mà thật ra mới có một giọt thôi mà đã “vời vợi” rồi thì hai, ba, hoặc nhiều hơn thế thì biển tình, sẽ không có chỗ mà chất chứa nỗi niềm đúng không ạ.
Cuối cùng chị kết luận bằng hai câu vừa thấu tình đạt lý và đẹp lòng tất cả. Chị khẳng định đã “xa rồi” đó chỉ là một giọt “còn đọng lại”.Nhưng là đã đọng “suốt dặm dài tháng năm”. Thật tuyệt với cái kết có hậu đầy đủ tình người chị ạ. Em rất thích thú với câu kết này. Bởi em luôn “phục tùng chủ nghĩa có hậu”.
Một bài thơ chỉ với 12 câu. Vỏn vẹn 60 từ.Chị đã đưa ta đi qua một kỷ niệm rất đẹp cùng nỗi niềm của chị, cũng là nỗi niềm chung của những người phụ nữ. Khi lên đỉnh dốc của cuộc đời trước khi bắt đầu xuống sẽ có khoảng lặng để hồi tưởng, để suy tư, thao thức như chị trong Chớm Đông hôm nay.

Sài Gòn 18/12/2013
Huỳnh Xuân Sơn

Huỳnh Xuân Sơn Với Cảm Nhận Bài Thơ Kỷ Niệm Mùa Đông ! Của Tác Giả Đinh Hải Lợi



Mùa đông lạnh giá bao trùm lên cảnh vật khắp nơi một màu xám ngắt lạnh lẽo. Mùa đông có thể làm cho những đôi lứa yêu nhau cảm thấy ấm áp mỗi khi xích lại gần nhau. Mùa đông luôn làm cho những ai cô đơn càng thêm cô quạnh. cái lạnh ngoài trời thêm cái lạnh trong lòng ,Mùa đông còn làm cho con người ta hay nhớ nhung hoài niệm “mơ về nơi xa lắm”.
Tôi đang ở vùng mà mùa đông không xâm lăng tới được. Nhưng một thời yêu và nhớ, tôi cũng đã có cái rét cắt da xé thịt bên ngoài. Cùng với cái lạnh trong lòng thổn thức.
Cho nên bây giờ tôi đang xuôi dòng để ngược về quá khứ cùng chị Đinh Hải Lợi với bài thơ:

Kỷ Niệm Mùa Đông

Đọc bài thơ đưa em vào xứ mộng
Nhớ xưa anh hò hẹn một chiều
Ngày Đông về trên lối nhỏ thân yêu
Bàng rụng đỏ vùi chân trong buốt lạnh…

Giờ mình em chẳng còn ai đi cạnh
Trong đêm sầu tuyệt vọng nhớ người xưa
Cơn bão về kế tiếp những ngày mưa
Thân ve xác bước chân em đã mỏi

Có lẽ nào phương xa anh thầm gọi
Người xa rồi để lạnh trái tim đau
Dẫu ngàn trùng ta vẫn nhớ về nhau
Trong sâu thẳm chẳng thể là ký ức

Kỷ niệm xưa với người thương đích thực
Hạnh phúc qua rồi em mãi không quên
Mùa Đông về giá lạnh qua thềm
Đêm băng giá tràn vào em tất thảy

Ở nơi xa hỡi anh có thấy
Con tim buồn trong giá lạnh mùa đông ? (Đinh Hải Lợi)

Tôi chưa một lần gặp chị ngoài đời. Nhưng chẳng hề gì bởi người xưa đã nói “văn thơ thể hiện tính người". Thơ chị đằm thắm dịu dàng man mác buồn như chính con người và tâm hồn chị vậy! Một đôi lần được tâm sự với chị qua email hay điện thoại. Tôi lại càng cảm nhận thêm sự dịu dàng nhưng rất sâu sắc của người phụ nữ từng trải qua rất nhiều cung bậc tình cảm khác nhau.

Có lẽ với chị thơ là cứu cánh, là nơi để chị trải lòng mình. Đặc biệt là mỗi khi nỗi nhớ thương người đầu ấp tay gối ùa về. bất cứ khi nào chị bắt gặp hình ảnh hay kỷ vật gì liên quan đến anh , chị lại bồi hồi thổn thức với nỗi nhớ quắt quay.
Hôm nay cũng không ngoại lệ. Chị đọc ‘Đưa em vào xứ mộng” lập tức tất cả hồi ức về tình yêu ,tình cảm vợ chồng, từ lâu, đã rất lâu ,ào về. Khiến chị bật lên thành “nỗi nhớ mùa đông” tha thiết khắc khoải nhớ thương này.
Mở đầu chị đã viết:

Đọc bài thơ đưa em vào xứ mộng
Nhớ xưa anh hò hẹn một chiều
Ngày Đông về trên lối nhỏ thân yêu
Bàng rụng đỏ vùi chân trong buốt lạnh
Bài thơ Đưa Em Vào Xứ Mộng với các câu thơ mở đầu như “anh xin dìu em vào xứ mộng….anh xin dìu em vào trong giấc mộng./ Anh gom thương nhớ ánh trăng vàng. / Để sưởi ấm gió đông sang.”Có lẽ đọc tới đây chị đã dừng lại mất rồi. Dừng lại để hồi tưởng, để nhớ thương, để hờn trách và để ngược dòng trở về thuở, “anh hò hẹn một chiều”. Buổi chiều hò hẹn đầu tiên ấy cũng lại là một buổi chiều “đông” chăng? Để giờ đây chị đang đi giữa “ngày đông về” mặc dù vẫn “lối nhỏ thân yêu” ấy, song cảm giác ấm áp bên anh, có anh sưởi ấm, đã không còn nữa. Chị đang mang giày chắc chắn vậy chị à. Vậy mà sao đi trên “lối nhỏ thân yêu” với thảm lá “bàng rụng đỏ” mà chị lại cảm giác “Vùi chân trong buốt lạnh”. Phải chăng trái tim chị đang thổn thức nhớ hơi ấm ngày xa anh trao cho chị. Giật mình vì mình đang bước những bước đơn côi…đôi chân bước những bước lạnh lẽo tủi hờn vì cô đơn nên chị mới cảm giác như vậy đấy thôi!

Dù muốn hay không thì em vẫn theo chị vào dòng hồi ức nối tiếp :


Giờ mình em chẳng còn ai đi cạnh
Trong đêm sầu tuyệt vọng nhớ người xưa
Cơn bão về kế tiếp những ngày mưa
Thân ve xác bước chân em đã mỏi

Em đã nói rồi mà bước chân chị “trong buốt lạnh” là vì chị cô đơn mà. Chị đã cảm nhận sự lạnh giá bên ngoài quyện thấu tận trong tâm can .Nên chị viết “giờ mình em” mà em bây giờ cũng chỉ còn “thân ve xác” với những “bước chân em đã mỏi” bởi vì chị bây giờ mãi mãi “chẳng còn ai đi cạnh”.Ai ở đây là anh, là người yêu thương của chị, là “người xưa” mà lúc nào chị cũng nhớ cũng thương, chứ không hẳn chỉ là “trong đêm sầu tuyệt vọng” đâu!

Chị viết vậy là bởi cuộc đời chị ,trước khi gặp và yêu, rồi lấy anh. Chị đã phải trải qua nhiều “cơn mưa …” và cả những “cơn bão” cũng ập về ,quần thảo, đêm ngày vò xé tâm can chị.

Cơn mưa, giông bão ngoài trời điên cuồng,phá phách hung tợn rồi cũng có lúc ngừng. Mưa bão trong lòng chị biết bao giờ ngừng đây? Nó đã khiến thân thể chị gần như là xác ve rồi mà vẫn chưa yên. Chị nói “bước chân em đã mỏi” phải chăng chị đã gắng gượng hết sức rồi ư!

Dòng hồi ức suy tư của chị vẫn chưa dừng lại …nó vẫn đang trào dâng hành hạ tấm “thân ve xác” của chị. Chị viết

Có lẽ nào phương xa anh thầm gọi
Người xa rồi để lạnh trái tim đau
Dẫu ngàn trùng ta vẫn nhớ về nhau
Trong sâu thẳm chẳng thể là ký ức

Không, không phải đâu chị ạ! Tại chị buồn quá, hụt hẫng với nhớ thương mà chị nghĩ quẩn vậy đấy. anh đã đi xa, rất xa nhưng chắc chắn anh muốn chị vui sống với con cháu, với thơ ca, với cuộc đời này dẫu chị phải mang một “trái tim đau”với nỗi cô đơn khắc khoải. Anh không bao giờ “thầm gọi”chị đâu!

Có lẽ chị cũng đã bị thực tại giá lạnh trong tim và ngoài trời làm cho thức tỉnh nên chị đã nhận ra một thực tế phũ phàng đang ở ngay bên cạnh chị, bám diết lấy tấm “thân ve xác” của chị đây.

Chị và anh đã cách xa “ngàn trùng” .sự thật ấy hiển hiện trước mặt chứ “không thể là ký ức” và dù có thế nào thì “ta vẫn nhớ về nhau”. Chị đã rất đúng về ý nghĩ này. Chị không thể quên anh, trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Vậy thì làm sao anh có thể quên chị được chị nhỉ! Hai anh chị luôn luôn và mãi mãi “nhớ về nhau” là bởi giữa hai người như chị đang nói:

Kỷ niệm xưa với người thương đích thực
Hạnh phúc qua rồi em mãi không quên
Mùa Đông về giá lạnh qua thềm
Đêm băng giá tràn vào em tất thảy

Chị không cần khẳng định anh là “người thương đích thực” thì bất cứ ai khi đọc đến đây đều hiểu,anh và chị đã có khoảng trời hạnh phúc “không thể quên”. Chị không thể quên những kỷ niệm yêu thương ấy. bây giờ chị nhận ra sự thật phũ phàng rằng “Hạnh phúc qua rồi” nên chị mới thấy “mùa đông về giá lạnh qua thềm” có nghĩa chị đang ở trong căn phòng ấm áp , nhưng nó không còn là “loan phòng hạnh phúc” nữa. giờ đây “hạnh phúc qua rồi” anh đi để lại “cô phòng” nên dẫu gió rét ngoài thềm không lùa tới đây song “băng giá” thì đã “tràn vào em tất thảy”.
Băng giá trong lòng chắc chắn nó làm chị rét lắm phải không? ở đây ngay bây giờ em muốn chia sẻ với chị một chút nắng ấm phương nam. Mong sao chị bớt đi cô quạnh trong lòng, và giá rét ngoài trời đừng làm cho chị nhớ thương thêm nữa những” kỷ niệm mùa đông”năm nào ấm áp. Nay trở thành “ băng giá” trong lòng chị.
Rồi cuối cùng dòng hồi ức kỷ niệm mùa đông cũng dừng lại với câu hỏi nặng trĩu và không dễ trả lời thỏa đáng cho chị.
Ở nơi xa hỡi anh có thấy
Con tim buồn trong giá lạnh mùa đông ?
Chắc chắn anh thấy và anh biết chị ạ!

Có lẽ anh cũng như em và tất cả bạn đọc đều mong mỏi mùa đông lạnh giá sẽ nhanh chóng qua đi. Để mùa xuân ấm áp về. Chị cũng bớt đi phần nào nỗi nhớ thương da diết với “Kỷ Niệm Mùa Đông”.
Bài thơ “Kỷ Niệm Mùa Đông” được tác giả Đinh Hải Lợi viết theo thể thơ tự do. Với những câu từ gần gũi kết nối với nhau, thành một bài thơ có giai điệu trầm buồn.
Chị đã dắt tôi đi xuyên suốt những nỗi niềm mà chị mang canh cánh trong lòng. Với bao trăn trở, nhớ thương, hoài niệm hun đúc trong tâm hồn chị rất lâu. Hôm nay khi mùa đông về cũng là lúc chị bật lên những câu thơ buồn man mác. Đủ để chị gửi đi một thông điệp rằng. bất cứ bao giờ và khi nào chị vẫn mãi nhớ thương anh. Người đi đã xa rất xa..và chị cũng luôn luôn khát khao ở nơi xa ấy anh cũng vẫn sẽ nhớ tới chị như chị đang nhớ anh vậy.

Sài Gòn 6/12/2013
Huỳnh Xuân Sơn

Tình Thơ Cho Thơ - Tình Thơ Cho Xuân- Trong Tập Thơ Thơ Và Xuân Của Nhà Thơ Đặng Kiên Cường Qua Cảm Nhận Của Huỳnh Xuân Sơn



Vậy là ngày cuối cùng của năm 2013 đã trôi qua. Năm mới đã đến đồng nghĩa với mùa xuân đang về. Mùa của biết bao cảm xúc được viết lên thành thơ, thành nhạc. Xuân năm nay là mùa xuân đầu tiên tôi có những lời chúc của bạn thơ. Và cũng lần đầu tiên khi xuân về, tôi có thêm những người bạn mà mình cần quan tâm chia sẻ.

Một trong số đó là nhà thơ Đặng Kiên Cường, người bạn đặc biệt của tôi, biết chúc gì anh đây,Năm 2014 là một năm đặc biệt với anh vì anh vừa tròn 70 tuổi đời và 10 tuổi thơ. Tôi nghĩ rằng mình tự làm một món quà chúc xuân gửi đến bạn mình. Sẽ ý nghĩa hơn là những lời chúc sáo rỗng và có lẽ thừa. Dù cho món quà tôi làm có thể không đẹp nhưng là tấm lòng của tôi gửi đến anh.

Tôi liền giở các tập thơ anh gửi Một, Hai tôi đã viết rồi. ba, bốn , năm, sáu và đây rồi tập thơ thứ 7 có tên Thơ và Xuân . Và bây giờ tôi bắt đầu viết về Thơ Và Xuân của anh, thay cho lời chúc đầu năm mà tôi không có cách nào gửi được.

Tập Thơ thứ 7 của nhà thơ Đặng Kiên Cường viết về Thơ và Xuân với rất nhiều mảng màu sắc khác nhau. Sau khi đọc tôi đi tìm, và tôi thấy ngoài Thơ Và Xuân quyện hòa với nhau. Trong tập thơ này còn đang cuộn chảy một dòng sông mang theo Tình Thơ Cho Thơ và Tình Thơ Cho Xuân .

Mở đầu tập thơ là lời chúc xuân của anh gửi đến tất cả người dân nước Việt Nam. Chứ không chỉ là chúc bạn thơ ba miền:

Ba miền khởi sắc đón xuân

Đào mai đua nở muôn phần đẹp tươi

Mừng xuân rộn rã tiếng cười

An khang vui khỏe người người vui xuân.-(Chúc xuân Quý tỵ)

Mùa xuân về tràn ngập niềm vui, nhất là với người yêu thơ và có tâm hồn thơ như anh. Nhưng ở Thơ và Xuân anh lại âm trầm ngược dòng để về với quê hương , nguồn cội của mình bằng những câu thơ đơn giản mộc mạc như chính những người dân miền biển quê anh vậy:

Quê tôi biển cả hữu tình

Có chùa ngói đỏ có đình mái đao

Lời ru của mẹ ngọt ngào

Bên tôi muôn thuở dạt dào yêu thương

Dù đi trăm nẻo ngàn phương

Lòng tôi vẫn nhớ quê hương cội nguồn. ( Trích Quê hương là nguồn cội)

Dòng thơ về biển, về nơi chôn nhau, cắt rốn của anh. Trong Thơ và Xuân vẫn dạt dào nối tiếp như sóng ngoài biển Giao Thủy quê anh, chưa bao giờ ngừng nghỉ

Bãi dài sóng tím chiều xa

Biển đêm sóng vỗ nhập nhòa lân tinh

Ta nghe tiếng biển tâm tình

Lao xao tình tự… bình minh đang chờ ( Biển đêm Thịnh Long)

Và đây là những tâm tình của anh trước biển khi xuân về

Biển mặn từ ngàn xưa đã khát

Suối sông ngọt tự bao giờ

Đi quanh cũng về biển cả

Biển là nguồn hay giông tố trên cao – (Tình biển 1)

Không biết biển đã trả lời câu hỏi ấy cho anh thế nào? Chỉ biết anh vẫn đứng đó mà tình tự tiếp với biển quê hương.

Biển với người gắn bó thủy chung

Biển say sưa từng lớp sóng điêp trùng

Biển tặng ta những kỷ niệm nên thơ. – (Tình biển 2)

Những câu thơ thấm đẫm tình cảm xuất phát từ đáy lòng. Được anh viết về biển quê anh trong Thơ và Xuân đâu chỉ có vậy.

Khi tham gia trại sáng tác ở Thịnh Long anh đã gửi lại rất nhiều cảm xúc vào thơ như

Anh đến Thịnh Long bóng xế chiều

Rồng vàng phố biển quyện thân yêu

………..

Chào đón thuyền thơ về dự trại

Đợi chờ thi hữu tới sân thơ-( Biển quê em)

Những lời mời gọi về biển Thịnh Long của thơ anh chưa dừng lại.Nó được nối tiếp bằng những câu thơ quyến rũ gọi mời :

Anh đến “Cồn Mơ” yêu cảnh đẹp

Chị về “Chân Sóng” mến tình nồng

Bao la trời đất say tình biển

Bát ngát triều dâng sóng đợi mong –(Biển tình)

Biển hát thì thầm mong gợi nhớ

Thông reo thúc giục thỏa lòng bơi –(Tắm biển)

Tình thơ anh gửi vào Thơ và Xuân . Cho quê hương Nam Định dạt dào, tha thiết và bao la góc nhìn như vậy. Sẽ chẳng có ai ngạc nhiên bởi anh vốn là người sinh ra lớn lên bên biển. Hít thở làn hơi mặn mòi của biển cả từ khi mới lọt lòng mẹ. nên thơ anh cũng hào sảng như tiếng biển vậy.

Thơ và Xuân anh đã viết về quê hương nguồn cội về Biển quê hương . Vẫn chưa thấy anh viết gì cho riêng mình . Mà bây giờ lại thấy anh viết cho Thơ và Xuân

Xuân về non lộc tươi cành

Nắng xuân ấm áp nghĩa tình làng quê

Hương xuân biển cả đưa về

Trời xuân xanh đẹp tràn trề mênh mang

Mỗi lần đến độ xuân sang

Vần thơ thêm thắm ý càng hay thêm

Xuân về biếc cánh môi duyên

Cho bao tươi trẻ ấm lên ngọt ngào

Xuân về hồng cánh hoa đào

Cho thơ mãi mãi quyện vào vườn xuân-( Xuân và Thơ)

Bài thơ này tôi trích cả bài bởi Thơ và Xuân đã quyện hòa vào nhau trong cả mười câu thơ. Để miêu tả tình thơ, tình người, khi xuân về. Mỗi chữ mỗi câu đều có một nhiệm vụ, kết nối để cho Thơ và Xuân tỏa hương khoe sắc ….

Còn đây là những vần thơ cho Thơ của anh.

Tôi yêu những vần thơ hay nhất

Những vần thơ chứa chất nhựa đời

Những vần thơ thúc giục lòng người

Hiến dâng đời mình cho những gì quý nhất-( Thơ).

Có lẽ từ những suy nghĩ chân thành và rất thật như thế cho nên thơ viết cho Thơ của anh cứ nối tiếp chân tình như

Đêm khuya thao thức trong mơ

Gieo vần kết nối vần thơ ân tình

Trăng sao mờ ảo lung linh

Bóng trăng hòa quyện bóng mình trong thơ –( Viết Thơ)

Không chỉ đêm khuya anh ngồi tự tình với trăng và làm thơ. Mà ngay khi nghỉ hưu sau mấy chục năm “một thời báo chí xông pha” và đã từng “trải bao bão táp mưa rơi”. Khi về với:

Nay về với cánh đồng thơ

Nắng chiều xế bóng lững lờ mây trôi

Bao nhiêu kỷ niệm đầy vơi

ủ trong năm tháng giục lời thơ bay

Ơi năm! Ơi tháng ! ơi ngày

Vần thơ thao thức gió bay cùng chiều –(thao thức vì thơ).

Tình thơ trong anh đã ấp ủ quá lâu, nay được chắp cánh bay. Quả thật nó đã bay mải miết, dẫu anh thì đã ngả “trời chiều” . Thơ anh vẫn ngân vang và còn tiếp tục ngân lên những câu thơ cho Thơ nữa:

Đây có lẽ là những câu thơ thật nhất nó xuất phát từ đáy lòng anh

Làm thơ quên cả tuổi già

Có nàng khuya sớm mặn mà tới lui

Thi đàn thơ họa chung vui

Khi chia xa…lại ngậm ngùi nhớ thương- (Thơ với tuổi già)

Từ những suy nghĩ thật như thế .Anh đến với thơ là quên hết mình. Anh viết

Tay cầm bầu rượu túi thơ

Chênh chao chếnh choáng tỉnh mơ nhẹ nhàng

Mỗi cuốn thơ một nấc thang

Cổng trời kiến thức ta mang vào đời._(Túi thơ và bầu rượu).

Thơ cho Thơ của anh đâu chỉ là tình thơ của anh, tình thơ của thời gian, mà còn tình thơ cho những suy tư trăn trở với thơ

Đêm xuân thơ hỏi nợ nần

Sao khuya trăng muộn gà ngân canh dài

Gió sương đưa bóng hình ai

Chập chờn trong mắt thức hoài cùng tôi-(Khó ngủ)

Còn đây là những vương mang của tình thơ với Thơ, với bạn thơ bốn phương

Lời thơ vọng mãi trong tôi

Hồn thơ lồng cánh từng lời yêu thương

……….

Hội thơ đầy ắp tiếng cười

Là cho tôi cả một trời yêu thương (Vui cùng bạn thơ)

Tình thơ cho Thơ của anh không thể thiếu mảng giành cho thơ tình. Tình yêu trong thơ anh nồng nàn da diết .Nhưng chân thành và mộc mạc như chính con người anh :

Những vần thơ không phải của nhà thơ

Không nắn nót cũng không tô không vẽ

Mộc mạc đơn sơ như câu chuyện kể

Chuyện đời thường …chuyện của lứa đôi (Bên cửa sổ)

Ta hãy xem chuyện lứa đôi trong thơ của anh nhé

Không ngờ một áng thơ tình

Mà làm lay động chúng mình- hội thơ

Trái tim ngủ tự bao giờ

Mà nay thức dậy ngẩn ngơ cõi lòng

……………

Tình yêu giọt máu kiếp người

Phải đâu tuổi tác mà nguôi men tình

Cổ nhân từng đã chứng minh

Máu tim còn đỏ men tình còn say

Sự đời chứng tỏ bấy nay

Tình yêu không tuổi xưa nay đã từng – (Anh đã làm thức lại trong em)

Triết lý về tình yêu thì anh viết như một triết gia như vậy đấy. Thế mà khi cần nói cần tỏ bầy cho “người ấy” biết thì anh lại

Một ngày nuối tiếc lại qua

Mình và “người ấy” vẫn xa lạ hoài

Mến nhau lại chẳng ngỏ lời

Có người nhút nhát nhất đời …lạ chưa

Nhút nhát người- nhút nhát thơ

Đã thương thương lắm giả vờ như không – (Nhút Nhát)

Ngẫm lại thấy bài Nhút nhát anh viết rất thật, chứ chẳng phải viết vì Nhút Nhát đâu. Ngay trong bài Thơ Xanh anh viết khi nhận thư, có nghĩa không gặp mặt “người ấy” vậy mà cũng chỉ dám viết:

Đọc thư em gửi thăm anh

Bỗng dưng đôi mắt tóc xanh hiện về

Lời thơ mộc mạc chân quê

Bâng khuâng nhớ lại lời thề vì ai – (Thơ Xanh)

Tình thơ cho Thơ của anh mênh mông trong Thơ và Xuân . Nhưng hai câu thơ sau sẽ nói rõ hơn về tình thơ của anh

Gửi đời một góc tim thơ

Gửi người một góc tình ngơ ngẩn tình- (Gửi)

Anh có hẳn một góc trái tim giành cho “tình ngơ ngẩn tình” và một góc trái “tim thơ”. Thì chả trách sao tình thơ anh giành cho Thơ mênh mang. Còn giành cho thơ tình lại “nhút nhát”đến vậy? câu hỏi này xin hẹn hỏi anh sau.

Bây giờ tôi muốn xem Tình thơ cho Xuân trong tập thơ này anh đã viết như thế nào? Và có mấy góc trái tim anh gửi cho Xuân. Mùa của tình yêu đâm chồi nảy lộc.

Bài đầu tiên viết cho Xuân anh giành chúc xuân cả nước rồi, bây giờ anh lại giành tình cảm cho các cụ cao niên trước, dù anh cũng đã bước vào tuổi “thất thập cổ lai hy” rồi vậy mà

Tuổi cao có bạc mái đầu

Vẫn tinh trí lực trước sau xanh rờn

Xuân chúc các cụ thọ hơn

Sống dư trăm tuổi cháu con xum vầy (trích Mừng xuân- mừng thọ).

Sau khi chúc các cụ cao niên bằng những lời chúc rất vui lòng người nghe. Anh lại quay sang chúc cho Thơ của quê hương

Đã tám xuân rồi Nam Định ơi

Thuyền thơ cập bến vẫn đông vui

Thơ bạn bên ta ta bên bạn

Cùng chung xướng họa trọn niềm vui (Mừng CLB thơ Nam Định)

Anh đã giành tình cảm ngày xuân cho các cụ cao niên, cho ngôi nhà thơ và bây giờ thì cho những người lính trẻ đang ngày đêm bám biển bảo vệ tổ quốc

Xuân sang đào nở khắp nơi

Chúc anh canh giữ bầu trời vui tươi

Mặc cho nắng gió biển trời

Bên thềm lục địa ngời ngời sắc xuân

Cánh thơ đang nối thêm vần (trích Gửi người chiến sỹ biên phòng)

Có lẽ bây giờ thì anh tạm bằng lòng để ngắm xuân cho riêng mình

Hoa đào nở đón xuân sang

Rượu đây thơ đã sẵn sàng đón xuân

Xuân ơi về đã bao lần

Xuân nay vẫn thắm hơn xuân thủa nào

Trời xuân chim Lạc bay cao

Để đời vui thấy ngày nào cũng xuân- (Đón Xuân)

Và đây có lẽ là một góc khuất anh muốn giành riêng cho mình mỗi khi xuân về đây. Nhưng tôi nhìn thấy và tôi vẫn viết

Đào khoe lá thắm ủ mầm tươi

Đón nắng mai vui khúc khích cười

Xuân đến yêu…yêu xuân kết bạn

Mai đào quấn quýt mối tình tôi – ( xuân đến).

Tôi đã đi qua hết tập thơ Thơ và Xuân của anh. Xuân về , xuân vui, xuân hoài niệm thoang thoảng thôi. Còn lại tất cả anh giành cho Thơ Xuân .

Tôi xin mượn bốn câu thơ trong bài Đợi của anh để kết cho bài viết về Tình Thơ và Xuân,Tình thơ cho Thơ và tình thơ cho Xuân của anh.

Ta đợi ngày ngày ta đợi ta

Đợi bao nhiêu thứ vội chi già

Đợi hồn tươi trẻ cùng non nước

Đợi áng thơ lòng mãi ngân nga. –(Đợi)

Tôi tin rằng mình sẽ còn được đọc nhiều tập thơ nữa của anh. Tôi tiếp tục Đợi….trong khi Đợi tôi sẽ đọc và viết tiếp những tập thơ của anh. Nhà thơ Đặng Kiên Cường với hình ảnh ông già đầu bạc trắng. Nhưng tình thơ còn non trẻ của cậu bé thơ 10 tuổi…

Sài Gòn 1/1/2014

Huỳnh Xuân Sơn