Thứ Tư, 25 tháng 5, 2016

Huỳnh Xuân Sơn Cảm Nhận Bài Thơ Thiên Đường Lạnh Của Tác Giả Quyen Xua



Buông điện thoại xuống. Tôi ngồi thẫn thờ nhớ quê. Chỉ cách xa hai giờ máy bay, hai ngày đường bộ. Vậy mà đã hơn chục mùa xuân rồi tôi xa quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn của mình! Cô bạn thân từ hồi nhỏ mới gọi điện kể về quê tôi, năm nay giá rét bất thường làm cho hoa trái nở không đúng tết. Vụ cấy cũng sợ rét làm cho lúa chết….Bao nhiêu nỗi niềm của người dân quê tôi đang phải chống chọi với giá rét. Mấy ai còn nghĩ tới tết với mùa xuân đâu?

Nỗi nhớ quê chưa nguôi ngoai. Mở máy ra vào mạng loay hoay sao lại đi lạc tới nhà người lạ. Đập vào mắt tôi là bài thơ Thiên Đường Lạnh. Nhìn cái tựa đề rất gần gũi với tâm trạng tôi . tôi rê chuột đi theo

Thiên Đường Lạnh

Không một nụ mai vàng
không một chút gì báo hiệu xuân sang
thành phố như loài dơi mải mê ngủ đông quên đêm dài giá rét
không đêm nào tôi có được một giấc ngủ sâu thẳng thét
cứ chập chờn trong mộng mị, chiêm bao
..........
Tôi thương quê nghèo, thương con nắng hanh hao
cơn gió tháng mười hai đủ làm se se nỗi nhớ
có đi xa mới nghe lòng trăn trở
đau đáu một phương trời thao thiết tiếng gà trưa
cuối năm rồi hoa cúc trổ vàng chưa ?
mùa quýt Cấm Sơn đã oằn cây chín đỏ ?
cội mai già có nhiều hoa trước ngõ?
con khướu trong vườn mùa lạnh có ngân nga...???
..........
Lặng lẽ tôi tìm một giọng cười rất thực ở quê xa
cái hào sảng hồn nhiên của người miền Tây chơn chất
ơi thiên đường....ơi...được...mất...
tôi lẻ loi buồn nghe lạnh quá...mình tôi !
.........
Thèm buổi sáng vỉa hè cà phê bè bạn quá đi thôi
tô bún cá nồng nàn mùi thơm Châu Đốc
những chiếc xe đẩy ban trưa nào me nào cóc...
hàng Tết "xô" đầy dọc lối Cá Ba Sa
.........
Thiên đường lạnh...thiên đường xa
không có thiên sứ dịu dàng nào chấp cho ta đôi cánh
những nụ cười thoáng qua ...rất lạnh !
con tim xa cội nguồn ...tình cảm cũng hư hao
thiên đường buồn ...
thiên đường lạnh...
xanh xao...!!! (Quyen Xua)

Đọc hết nửa bài thơ tôi vẫn nghĩ tác giả như viết cho nỗi niềm của tôi vậy. Nhưng không phải vậy, chị quê Miền Tây sông nước. Nhưng có hề gì đâu, tôi đi theo cả bài thơ và bỗng nhiên tôi rất muốn viết về Thiên Đường Lạnh của chị.
Bài thơ tự do được chị viết từ nơi xa hướng về cố hương. Với nỗi nhớ quay quắt khi Xuân về. Nỗi niềm đau đáu nhớ quê hương được chị bắt đầu bằng:

Không một nụ mai vàng
không một chút gì báo hiệu xuân sang
thành phố như loài dơi mải mê ngủ đông quên đêm dài giá rét
không đêm nào tôi có được một giấc ngủ sâu thẳng thét
cứ chập chờn trong mộng mị, chiêm bao
..........

Một khổ thơ kết thúc bằng hàng dấu chấm lửng lạnh lùng. Chị giới thiệu thành phố chị ở “không một nụ mai vàng” . Chưa hết, khi xuân về nơi đây “như loài dơi mải mê ngủ…” chỉ có “đêm dài giá rét”. Còn tác giả của chúng ta khi xuân về lại đang sống giữa Thành phố mà chị đã có lúc coi nó là Thiên Đường. Nhưng hỡi ơi! Thiên đường mà sao chị lại“Không đêm nào tôi có một giấc ngủ sâu thẳng thét”. Chị chập chờn trong giấc ngủ bởi “ mộng mị, chiêm bao”! Sao vậy nhỉ? tôi thắc mắc và tôi theo chị vượt qua hàng dấu chấm lửng lạnh lùng kia để đi tiếp vào Thiên Đường Lạnh của chị:

Tôi thương quê nghèo, thương con nắng hanh hao
cơn gió tháng mười hai đủ làm se se nỗi nhớ
có đi xa mới nghe lòng trăn trở
đau đáu một phương trời thao thiết tiếng gà trưa
cuối năm rồi hoa cúc trổ vàng chưa ?
mùa quýt Cấm Sơn đã oằn cây chín đỏ ?
cội mai già có nhiều hoa trước ngõ?
con khướu trong vườn mùa lạnh có ngân nga...???
..........

Tám câu thơ mà có tới sáu dấu chấm hỏi (?)quả thật nó đã làm trăn trở lòng người đọc. với bốn câu kết bằng vần Trắc càng làm cho khổ thơ mạnh mẽ và như muốn bứt phá ra khỏi khuôn khổ chật chội của ngôn từ, để diễn tả nỗi nhớ , niềm thương mà tác giả muốn gửi gắm vào câu chữ.

Chị đang sống xa quê, ở nơi mà người ta vẫn gọi nó là thiên đường vậy mà chị vẫn “đau đáu một phương trời thao thiết tiếng gà trưa”. “Cơn gió tháng mười hai” thôi mà với chị nó đã “đủ se se nỗi nhớ”. Khi “đi xa” chị mới thấm thía nỗi nhớ, một “tiếng gà trưa” khi xưa đâu có là gì! Vậy mà giờ đây “nghe lòng trăn trở”. Chị còn cần ai đó trả lời giúp rất nhiều câu hỏi trong tâm thức ùa về! nào là “hoa cúc trổ vàng chưa?” “mai có nhiều hoa?” và những vườn quýt quanh núi “Cấm Sơn” quê chị đã “oằn cây chin đỏ?” câu này chị hỏi mà như chị đã trả lời rồi!

Có lẽ mỗi khi xuân về ngày trước, chị là người chăm chút cho “cội mai già”. Chị cũng là người lo sửa sang cho mấy khóm cúc để trang trí ba ngày xuân và dâng cúng ông bà tổ tiên. Và chắc chắn chú “khướu trong vườn” luôn làm bạn với chị.

Tất cả…tất cả, bây giờ đã xa cách và chỉ còn trong nỗi nhớ . bởi nơi đây.Dẫu là thiên đường nhưng với chị nó là : “thành phố như loài dơi mải mê ngủ đông quên đêm dài giá rét”

Tôi lại cùng chị vượt qua hồi ức đầyắp nỗi nhớ thương ấy bằng một hàng dấu chấm lạnh lùng. Để về thực tại nơi Thiên Đường chị đang cư ngụ:


Lặng lẽ tôi tìm một giọng cười rất thực ở quê xa
cái hào sảng hồn nhiên của người miền Tây chơn chất
ơi thiên đường....ơi...được...mất...
tôi lẻ loi buồn nghe lạnh quá...mình tôi !
.........

Giữa chốn thiên đường ấy! “không một bông mai”. Không có một dấu hiệu nào báo tin xuân. Chị thổn thức nỗi nhớ quê hương. Và giờ đây chị lại đi tìm “một giọng cười rất thực ở quê xa”. Và một điều chị muốn nữa đó là “cái hào sảng hồn nhiên của người Miền Tây chơn chất”. Chị đã “lặng lẽ tôi tìm” . không biết chị có tìm thấy không? Chỉ biết rằng chị đang “lẻ loi” đang “mình tôi!”. Và đang cố tìm thêm nơi “thiên đường…” này chị đã “được…” gì và đã “mất …” gì!

Ở nơi chị đang sống chị nghĩ vậy. Chị đã đi tìm ,những cái mà ngày ở quê, luôn hiện diện quanh chị. Chẳng phải tìm, chẳng phải ao ước, chỉ mở lòng ra, dang tay ra là đón lấy thôi!

Chị có lẽ đã nghĩ vậy. Nên chị lại dắt tôi bay qua hàng dấu chấm ngăn cách, thay cho khoảng cách địa lý hiện tại, để về với quê hương :


Thèm buổi sáng vỉa hè cà phê bè bạn quá đi thôi
tô bún cá nồng nàn mùi thơm Châu Đốc
những chiếc xe đẩy ban trưa nào me nào cóc...
hàng Tết "xô" đầy dọc lối Cá Ba Sa
.........

Chị Bất giác Thèm buổi cà phê tụ tập với bạn bè. Thèm hương vị của “tô bún cá đồng” rồi mấy món ăn vặt “ nào me nào cóc” trên những chiếc xe đẩy bán rong. Và hình ảnh những quầy hàng lưu động bán “xô” có mặt khắp các nơi ,với đầy đủ mặt hàng. Dọc theo lối “Cá BaSa” ( có lẽ là một con đường, hay một địa danh trên quê hương An Giang của chị”.

Những thèm muốn rất đơn sơ, giản dị, mà chị ngày trước, hay tôi bây giờ có thể bước chân ra khỏi nhà là có. Vậy mà bây giờ với chị là nỗi nhớ vời vợi.

Quả là chị có tài dắt tôi bay nhảy qua những khoảng cách địa lý rất thú vị.Giờ này nếu muốn biết Thiên Đường Lạnh của chị ra sao? Bắt buộc tôi lại phải cùng chị nhảy qua hàng dấu chấm cách ngăn một lần nữa:


Thiên đường lạnh...thiên đường xa
không có thiên sứ dịu dàng nào chấp cho ta đôi cánh
những nụ cười thoáng qua ...rất lạnh !
con tim xa cội nguồn ...tình cảm cũng hư hao
thiên đường buồn ...
thiên đường lạnh...
xanh xao...!!!



Vậy là chị đã mở ra cái Thiên Đường của người . Nơi ấy đã không quyến rũ được chị. Bởi với chị “không có thiên sứ ….Chắp cho… đôi cánh” . Tự chị phải đi. Tự chị trải nghiệm và tự chị cảm nhận và cuối cùng với chị nó là “Thiên đường xa”. Ở nơi ấy “những nụ cười rất thật” chị đã đi tìm mà chỉ thấy “những nụ cười thoáng qua “ và “rất lạnh”…

Chị đã kết luận rằng tất cả những điều chị cảm nhận thấy “tình cảm hư hao” thiên đường buồn” thiên đường lạnh”, “thiên đường xa” là do “con tim xa cội nguồn”. nên nó “xanh xao…!!!”

Chị không hề nói Thiên Đường thật sự với chị bây giờ là đâu! Nhưng tất cả bài thơ cứ bay qua nơi xứ người được mệnh danh là Thiên Đường rồi lại quay về Quê nghèo của chị, cứ vậy ao ước, khát khao, đan xen với những lạnh lùng nơi đất khách, quê người.

Thiên Đường Lạnh chị đã cảm nhận được. Và có lẽ chị cũng đã tìm thấy Thiên Đường của riêng mình rồi!



Sài Gòn 12/1/2013

Huỳnh Xuân Sơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét