Thứ Bảy, 21 tháng 5, 2016

Đọc bài thơ ĐỂ KHÔNG PHẢI LÀ BỨC THƯ TUYỆT ĐỊNH của tác giả Lan Phương.




ĐỂ KHÔNG PHẢI LÀ BỨC THƯ TUYỆT ĐỊNH
(Viết cho những người vợ trong cuộc:)

Đàn ông không chỉ có những phút xao lòng
Mà dễ có cả một phần đời yêu mê - Em biết!
Nhận làm vợ anh là nhận luôn phần thua thiệt
Nhận trái tim trời gây hay nổi loạn bất thường

Rồi đến một ngày em cạn kiệt yêu thương
Thiên chức vẫn tròn mà tim em rỗng hẳn
Ta lại hóa người dưng? Đó là điều đơn giản
Khó khăn là làm sao giữ chút ấm cho con

Em tự lột da, banh thịt chắn bão giông
Miễn sao tổ nhà nhìn ngoài không thấy rách
Lấy nước mắt và máu tưới cây non lớn mạnh
Che, tưới cả cho anh (Giành đau đớn riêng mình)

Chỉ xin anh kín đáo những tình riêng
Đừng quá sỗ sàng bày phơi ong bướm
Để em có thể cười sau bức màn son phấn
Để con chúng mình tự tin mà lớn lên

Đơn tố cáo này em viết gửi riêng anh
Công tố, quan tòa, luật sư gì gì - Cũng là anh - Xét xử
Mấy ai có thể tự lôi bản thân ra vành móng ngựa
Em mong anh luận tội mình rồi im lặng .. xé đơn. (Lan Phương)

Bài thơ này tác giả đề lời dẫn "Viết cho những người vợ trong cuộc" Ai là người vợ trong cuộc này thì có lẽ chỉ có tác giả biết rõ nhất!
Bạn biết họ không?
Còn tôi thì tất nhiên là không biết rồi!
Vậy mà mới mấy phút trước phía đầu dây bên kia cô bạn nức nở.... Xuân Sơn vào mạng đọc bài thơ của Lan Phương đi.. Không hiểu sao cô ấy biết hoàn cảnh của mình mà viết cho mình đấy...
Bậy nào, Thơ mà sao lại vơ vào mình thế! Hai người có biết nhau đâu thậm chí chưa kết bạn trên mạng mà...
Cô bạn ấy sau một hồi nức nở cũng chịu chấp nhận rằng trong cuộc sống này có rất nhiều người Phụ Nữ đang gặm nhấm nỗi niềm giống chị chứ không phải riêng mình chị đâu!
Bạn cúp máy, người viết ngồi nghiền ngẫm từng câu chữ được tác giả Lan Phương sắp xếp không theo một dòng chảy suôn sẻ như Thơ chị thường thế... Có lẽ bởi bài Thơ này nó vốn là một thông điệp mà người vợ gửi cho chồng:

Đơn tố cáo này em viết gửi riêng anh
Công tố, quan tòa, luật sư gì gì - Cũng là anh - Xét xử

Mà đã là "Đơn tố cáo" Thì làm gì có nội dung ngọt ngào đắm đuối hay hờn giận trách cứ nhau ...
Người vợ không cam tâm? Không đành hay không thể "Xét xử" Dẫu biết rõ:

Mấy ai có thể tự lôi bản thân ra vành móng ngựa
Em mong anh luận tội mình rồi im lặng .. xé đơn.

Điều cuối Em muốn thấy hành động Anh làm sau khi Luận Tội mình là "Xé đơn", Vậy suy cho cùng Em cũng chỉ muốn một mình Anh đọc lá "Đơn tố cáo" Ấy! Rồi để toà án lương tâm Anh tự định tội và tự xét xử...
Người viết có một chút thất vọng qua câu kết bài thơ của tác giả Lan Phương khi mà sự bất lực, tính cam chịu vẫn hiển hiện dẫn chủ thể Em đi vào ngõ cụt bế tắc không lối thoát!
Người viết nghĩ thế bởi nội dung mà bài thơ đưa đến ngay từ đầu, đã là một đúc kết rất thẳng thắn và rõ ràng, rất thật , rất thơ nhưng cũng thật nhiều thắc mắc đến theo khi chủ thể Em đã khẳng định "Em biết!":

Đàn ông không chỉ có những phút xao lòng
Mà dễ có cả một phần đời yêu mê - Em biết!

Ai cũng có Phút xao lòng! Đàn ông hay phụ nữ cũng có! Nhưng mà "Có cả một phần đời yêu mê" Thì không phải ai cũng thế.
"Một phần đời.." Là khoảng thời gian bao nhiêu ngày, bao nhiêu tháng, bao nhiêu năm hoặc giả bao nhiêu chục năm? Em đã kết luận về Đàn Ông như thế! Em cũng khẳng định "Em biết!" Nhưng hai câu thơ sau thì lại dẫn ngời đọc vào một chiều cảm nhận khác, không phải phút xao lòng, chẳng phải tình yêu sét đánh vỡ trái tim yêu nữa...Mà lại là một quyết định lạ lùng:

Nhận làm vợ anh là nhận luôn phần thua thiệt
Nhận trái tim trời gây hay nổi loạn bất thường

Em có yêu Anh, người mình lấy làm chồng hay không? Là câu hỏi người viết muốn hỏi chủ thể Em của tác giả Lan Phương. Nếu vì yêu mà bất chấp thì lại khác. Người viết sợ rằng sự chấp "Nhận làm vợ anh" Này chưa hẳn chỉ vì tình yêu! Vậy hà cớ gì Em phải ôm ấp "Trái tim trời gây hay nổi loạn bất thường" Dẫu biết như vậy là mình đã mặc nhiên chấp "nhận luôn phần thua thiết".

Hai câu thơ này có nhịp thơ không suôn sẻ duy nhất trong cả bài thơ. Câu thơ trước ngắt nhịp bốn sáu, câu thơ sau đổi sang nhịp năm năm chở ý thơ nối dài mười từ rất đặc biệt.
Biết rõ đàn ông là thế! Phải chăng Em đã vì quá yêu, yêu đến u mê để nghĩ rằng đàn ông thường thế, chứ người mình yêu, mình lấy làm chồng không nằm trong số đông ấy.

Nhưng! vốn dĩ ở đời vẫn luôn có chữ nhưng trong bất kỳ hoàn cảnh nào chứ không riêng ai! Mang theo những câu hỏi người viết đi tìm câu trả lời ở phía những tứ thơ vừa mở cửa :

Rồi đến một ngày em cạn kiệt yêu thương
Thiên chức vẫn tròn mà tim em rỗng hẳn
Ta lại hóa người dưng? Đó là điều đơn giản
Khó khăn là làm sao giữ chút ấm cho con

Ai đó đã từng nói đại ý rằng "Hạnh phúc là cho đi và không cần nhận lại!" Phải chăng Em đã chất chứa trong con tim, khối óc mình suy nghĩ như thế? Hẳn Em đã yêu thương Anh rất nhiều và sự trao gửi tình yêu ấy không hề toan tính, so đo, cho tới một ngày chợt nhận ra tình yêu thương ấy đã bị "Cạn kiệt". Thiên chức làm vợ, thiên chức làm mẹ "vẫn tròn" ....
Vòng tròn nào có thể hoàn hảo khi trái tim trống rỗng ! Người đầu ấp má kề bao ngày, bao tháng bao năm để rồi bất giác nhận thấy "người dưng" Chỉ một từ Hoá là xong tất cả ư? Anh và Em nghĩ vậy ư? Không hình như chỉ từ phía Em thì phải? Em vừa thốt ra hai từ "Khó khăn" Khi mong muốn "Giữ ấm cho con" Đây thôi!
Em phải chăng đã vắt "cạn kiệt" Yêu thương cũng bởi vì "Giữ ấm cho con" Giữ cho tổ ấm mà có lẽ nhiều năm Em vun vén, thậm chí che đậy để ai nhìn vào cũng nghĩ đó là tổ ấm... Ngoại trừ Anh và cũng có thể là chỉ mình Em biết cái tổ đó là Tổ Lạnh ...
Những suy nghĩ ấy đã được khổ thơ nối tiếp làm chứng

Em tự lột da, banh thịt chắn bão giông
Miễn sao tổ nhà nhìn ngoài không thấy rách
Lấy nước mắt và máu tưới cây non lớn mạnh
Che, tưới cả cho anh (Giành đau đớn riêng mình)

Tác giả sử dụng môt loạt động từ như "lột da, Banh thịt, chắn, rách, tưới, che...." Nhằm khắc hoạ bản chất của Tổ Lạnh mà Em cố công che đậy sau khi gầy dựng vun vén mong là tổ ấm đã không thành...
Liệu sau những việc làm và hành động cũng như suy nghĩ không giống ai của Em hết "Một phần đời" Ấy. Có mấy người nhìn nhận từ bên ngoài vào mà "không thấy rách" đây?
Tác giả ơi! Em ơi! Phụ nữ chúng mình ơi!
Xót xa và bất hạnh thay tất cả những nỗi đau từ trong tâm hồn, từ trái tim yêu, và cả nỗi đau thể xác này lại do "Em tự" Gây ra cho chính bản thân mình.
Bão giông từ đâu tới mà Em phải dùng cả bản thân mình, lấy nước mắt, thậm chí cả máu để mà che, mà tưới cho Con và cả Trụ cột của cái tổ lạnh ấy là Anh...
Bão đời? Bão lòng? Hay bão tố từ phía Anh gieo rắc? Câu hỏi này tác giả vẫn chưa đề cập đến,
Lá "đơn tố cáo" vẫn chưa hoàn thiện ...

Chỉ xin anh kín đáo những tình riêng
Đừng quá sỗ sàng bày phơi ong bướm
Để em có thể cười sau bức màn son phấn
Để con chúng mình tự tin mà lớn lên

Chỉ xin anh...
Đừng,,,,
Lời cầu xin này được gửi vào lá "Đơn tố cáo" Cùng nguyên do Anh "Ong bướm" Thì đã rõ, nhưng mình Em không thể cứ che, cứ chắn mãi được... Đành phải xin, đành phải nhờ ... Sau khi đã "lột da, banh thịt" Và có lẽ cũng không còn nước mắt để mà tủi hờn nữa..
"Để con chúng mình...." Thì có lẽ người mẹ nào trên thế gian này cũng sẽ hy sinh để đổi lấy điều đó. Tất cả vì con, cho con hay còn vì điều gì khác nữa...
Tác giả hẳn có ý khi sắp xếp ý thơ trong khổ thơ này và nhất là lý do "Để em có thể cười sau bức màn son phấn" Đi vào nội dung "Đơn tố cáo" Thật xót xa.
Người xin đã xin, Đơn đã viết, còn gửi đến tay Anh hay chưa là một câu hỏi thật khó trả lời cho người trong cuộc. Nhất là Anh sau khi đọc đơn sẽ có phản ứng như thế nào? Cũng lại là một câu hỏi ngỏ... Bởi Em cũng chỉ muốn mình Anh và Em người viết biết và kẻ nhận đọc mà thôi

Đơn tố cáo này em viết gửi riêng anh
Công tố, quan tòa, luật sư gì gì - Cũng là anh - Xét xử
Mấy ai có thể tự lôi bản thân ra vành móng ngựa
Em mong anh luận tội mình rồi im lặng .. xé đơn.

Bài thơ với tựa đề ĐỂ KHÔNG PHẢI LÀ BỨC THƯ TUYỆT ĐỊNH. Của tác giả Lan Phương vừa đi đến câu kết. Người viết lúc này mới nhận thấy lời tựa và nội dung của bài thơ hình như không cùng một thông điệp. Nội dung là lá "Đơn tố cáo" Gửi Quan Toà cũng chính là Bị cáo,là công tố viên, là người biện hộ... Là chồng của Em là Cha của các con Em và trụ cột một gia đình ai nhìn vào cũng tưởng là tổ ấm.
Vậy thì tựa đề này phải chăng chính là lời cảnh tỉnh giành cho Anh từ phía Em! Tất cả tuỳ thuộc vào Anh sau khi đọc "Đơn Tố Cáo", Anh tự Xét xử và tự biện hộ. Anh đọc rồi Xé đơn hay không? Đồng nghĩa việc anh có thay đổi hay không? Sau khi biết Em đã "cạn kiệt" Yêu thương và có lẽ cũng không còn đủ sức lực và nụ cười để mà "Che chắn" Bão giông đựơc nữa!
Người viết đồ rằng Anh dẫu có làm theo lời Em trong đơn Xin Anh "kín đáo tình riêng" Và thôi không " Sỗ sàng phơi bày ong bướm" Nữa thì vẫn có một bức thư TUYỆT ĐỊNH (phải chăng chính là lá đơn Ly Hôn) Sẽ được gửi đi thay vì lá "Đơn tố cáo" Mang tính cảnh tỉnh hôm nay.
Chỉ còn một con đường duy nhất là Anh thay đổi, Nếu Anh thay đổi thì nụ cười Em chắc chắn sẽ tự nhiên nở, chứ không phải nụ cười gượng dùng để che đậy những ẩn ức thiệt thòi mà đêm ngày Em đang phải gánh chịu nữa..
Khi gửi gắm ý thơ vào câu chữ trong bài thơ này, tác giả Lan Phương có lẽ đã mong muốn rằng lá "Đơn Tố Cáo" của chủ thể trữ tình Em gửi đi, không phải cho cá nhân một Đức Ông Chồng cụ thể là Anh. Mà nhiều, có lẽ rất nhiều người phụ nữ có hoàn cảnh và tâm trạng giống như Em, bên cạnh cũng có rất rất nhiều người đàn ông trong nhân quần xã hội hôm nay là địa chỉ mà lá đơn này cần gửi tới như một lời cảnh tỉnh ...
Cám ơn tác giả và cám ơn bạn của người viết đã khơi nên dòng chảy suy tư này. Có thể những suy diễn, biện giải trên đây, chưa hẳn đúng với ý thơ và tâm tư của tác giả cũng như phần đông bạn đọc.
Rất mong nhận được sự bao dung từ tất cả cho những gì chưa được của người viết.

Sài Gòn 8/4/2016
Huỳnh Xuân Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét