Thứ Bảy, 21 tháng 5, 2016
Ba Khoảng Lặng Mang Tên Đăng Quang Long Qua Cảm Nhận Của Huỳnh Xuân Sơn
Tôi đọc thơ của tác giả Đăng Quang Long mỗi ngày, mỗi bài thơ là một nốt nhạc của bản nhạc dài bất tận đời ông! Tôi nhận thấy bản nhạc ấy lúc réo rắt trên cao cùng niềm vui trong cuộc sống, lúc trầm buồn khi nhớ về một hồi ức thời binh đao, lúc dạt dào theo dòng sông tình ái, lúc hào hùng theo chân hai cuộc chiến vĩ đại mà ông đã tham gia. Lúc ngắt nhịp theo những trăn trở suy tư trong cuộc sống cùng nỗi cô đơn-( riêng tựa Cô Đơn thôi ông đã có cả chục bài-)
Đặc biệt thời gian gần đây bản nhạc đời ông có thêm nốt lặng. Ba nốt lặng này về ba góc khuất của trái tim ông. Có lẽ sau một thời gian chôn dấu nó đi ông muốn quên thì nó lại cứ ùa về và gần đây nó bật lên thành : Khoảng Lặng Trong Đêm. Khoảng Lặng Tình yêu. Và Khoảng Lặng nỗi Đau.
Tôi đọc, tôi suy nghĩ, tôi trăn trở và tôi quyết định chia sẻ cùng ông ba nốt lặng này. Mong sao bản nhạc đời ông sẽ không còn có thêm bất kỳ một nốt lặng nào nữa!
Với Khoảng Lặng Trong Đêm ông viết:
Lãng đãng sương đày bay nhởn nhơ
Sao rơi cháy rực lạnh sương mờ
Tơ vàng líu ríu buông vô tận
Ngọn gió âm thầm rắc ngẩn ngơ
Nhãn lực khơi nguồn tâm náo nức
Tình yêu kết nối dạ mong chờ
Buông vào khoảng lặng đêm nhung nhớ
Bỗng thấy thương nhiều cảnh đón đưa –(Khoảng Lặng Trong Đêm)
Khoảng Lặng này mới chỉ bắt đầu cháy trong trái tim ông, ông vẫn còn cho nó trào ra bằng thơ Đường Luật . hai câu đề ông giới thiệu
Lãng đãng sương đày bay nhởn nhơ
Sao rơi cháy rực lạnh sương mờ
Chẳng hề có từ đêm nhưng hình ảnh hai câu đề cho thấy ngay cảnh trời đêm. “Sương Lãng đãng” còn bị “đày” nên mới “bay nhởn nhơ”, chưa hết sao trên trời “rơi” mà “cháy rực”. Nhưng lại làm “lạnh sương mờ” rất nhiều mâu thuẫn ở đây? Nào là sương vốn rơi tự nhiên nhưng ông lại dung nó bị “ đày” và đây nữa “sao rơi cháy rực” sao lại “Lạnh sương mờ”? ta hãy để ngỏ thắc mắc này để vào hai câu thực đã:
Tơ vàng líu ríu buông vô tận
Ngọn gió âm thầm rắc ngẩn ngơ
Hai câu thực nếu xét đơn thuần thì ông tả cảnh màn đêm thôi, Sao rơi cháy rực thì sẽ buông ra những tia sáng như muôn sợi tơ vàng và nàng gió kia thì cứ việc âm thầm thổi thôi đó là lẽ thường. Nhưng ở đây ông lại để ngọn gió ấy “rắc ngẩn ngơ” . Thơ Đường Luật sinh ra hai câu thực, vốn để tả thực, như tên gọi của nó. Ta hãy cứ hiểu vậy đi, để đi đến hai câu luận rồi ta sẽ tìm hiểu tiếp:
Nhãn lực khơi nguồn tâm náo nức
Tình yêu kết nối dạ mong chờ
Ở hai câu luận ông cho ta thấy rõ vì “Cái thần trong ánh mắt” nó đã khơi nguồn trong tâm ông náo nức và còn bởi “tình yêu kết nối” nên “dạ mong chờ”. Tình yêu thì bao la nghĩa chứ đâu chỉ tình yêu đôi lứa. ta có thể hiểu rất nhiều nghĩa với hai câu luận này chỉ tùy thuộc vào suy luận và cảm nhận của mỗi người mà thôi.
Riêng tôi đã có suy luận cho riêng mình bởi đã tới hai câu kết:
Buông vào khoảng lặng đêm nhung nhớ
Bỗng thấy thương nhiều cảnh đón đưa
Vậy đó tất cả cảnh màn đêm với “sương bị đày”. “Sao cháy rực” và “tơ vàng buông” “ “gió rắc ngẩn ngơ” nhưng chỉ có một ánh mắt hút hồn với một “tình yêu kết nối”. là đã lộ ra Khoảng Lặng Đêm này là một đêm nhung nhớ người mà “Phải đón đưa”.
Một khoảng lặng của ông mà ông muốn giữ nó cho riêng mình và nếu có thì chỉ thêm một người mà “phải đón đưa” kia biết khoảng lặng của ông . Có lẽ vì vậy nên ông giấu nó trong một bài thơ Đường Luật khiến tôi đi tìm muốn hụt hơi. Mà chưa chắc đã trúng.
Và có lẽ giấu mãi nên trái tim ông nó muốn nổ tung và tất cả nó trào dâng thành một khúc tâm tư Tự Do phóng khoáng nhưng chất chứa nỗi niềm trong Khoảng Lặng Tình Yêu:
Khoảng lặng...
giữa anh và em ...
Khoảng lặng ngọt ngào
Điều chưa nói đã trao từ ánh mắt
Từ nhịp đập con tim bồi hồi ngây ngất
Khoảng lặng nào...
cũng đầy ắp tương tư.
Tôi đã nói từ Khoảng Lặng Đêm rồi mà! Ánh mắt của Em mới trao thông điệp thôi, đã làm ông “bồi hồi ngây ngất”. Và bây giờ thì tự ông thốt ra những lời tự đáy lòng rằng: “Khoảng lặng nào …cũng đầy ắp tương tư.” Bởi ông nhớ tới:
trong vòng tay nhau ghì đến mỏi nhừ
Trong nỗi nhớ của từng ngày xa cách
Trong cơn sóng của cuộc đời thử thách
Trong lúc dỗi hờn mây tím nhốt hoàng hôn
Trong đêm thâu khi ngọn nến chập chờn
Ông đã mang tất cả theo bên mình từ “vòng tay ghì nhau đến mỏi nhừ” rồi nỗi nhớ của những ngày xa cách dẫu cuộc đời vùi dập ông trong sóng gió trong thử thách. Nhưng dẫu ông giờ “mây tím đã nhốt hoàng hôn” . Thì trong đêm thâu với ngọn nến heo hắt chập chờn ông vẫn nhớ vẫn mang theo hồi ức bắt nguồn từ một “Ánh mắt trao”. Để giờ đây chỉ còn lại ông, vâng chỉ mình ông thôi! với Khoảng Lặng Đêm của mình:
mơ hồ trong tấm chăn tơ mỏng
Không còn đâu chỗ trống
Cho sự thờ ơ lạnh lẽo vô tình
Mình vẫn nâng niu hàng ngày...
Khoảng lặng giữa em và anh.
Một trái tim đa cảm trong tình yêu với một mối tình “mơ hồ” quấn đời ông bằng “tấm chăn tơ mỏng”. nhưng ông vẫn “nâng niu hàng ngày”. Cuối cùng thì ông cũng phải nói ra cái khoảng lặng ông muốn giữ cho riêng ông thôi đó là “Khoảng lặng giữa anh và em.
Ta đã cùng ông qua hai khoảng Lặng rồi, bây giờ ta sẽ cùng ông đến với khoảng lặng thứ ba của ông. Có lẽ khoảng lặng này đã làm ông đau đớn và trăn trở khắc khoải nhiều nhất, có lẽ là rất nhiều đêm, rất nhiều ngày, trong một năm qua, ông không ngủ chỉ để nằm gặm nhấm nỗi mất mát… nỗi đau tích tụ lại trái tim bé nhỏ già nua của ông không còn chỗ chứa nữa nên hôm nay nó vỡ òa ra thành Khoảng Lặng Mang Tên Nỗi Đau:
Có nỗi đau...
không thể thổ lộ cùng ai
đành thở dài
im lặng.
Khoảng lặng này...
càng nén vào sâu lắng
lại càng đau
Cái đau đục ngàu
thành mênh mông bể khổ
Cuộc trầm luân chất chứa nỗi u sầu.
Giữa hai lần đau...
Khoảng lặng nào mỏng nhất
Chìm vào tâm tư...khô cạn dòng nước mắt
Suôt bao năm rồi...theo bóng hình nhau.
Vách ngăn khoảng lặng tối màu
Chia từng lớp mong manh nhìn chẳng thấy
Chỉ cảm nhận giọt mưa bay lẩy bẩy
Rơi vào lòng những tiếng vu vơ
Băng tạm vết thương đau
bằng cảm giác mơ hồ
Tâm lặng lẽ cứ đong đầy buồn tủi
Cứ ngu ngơ như trăng rơi sườn núi
Lại thấy những hạt vàng rụng xuống hư không.
Khoảng lặng trôi vào mênh mông
Tan biến thành nỗi nhớ
Thành vết sẹo trong tâm hồn nghẹt thở
Kéo hai miền sướng-khổ lại gần nhau
Khoảng lặng nào lấp được hố thương đau.
Khoảng Lặng Mang Tên Nỗi Đau. Ông viết bằng thể thơ tự do với cách dùng từ chắt lọc của một người chuyên làm thơ Đường Luật . Cách ngắt câu đột ngột theo diễn biến tâm lý dẫn dắt người đọc vào bên trong một cách tài tình.
Với khoảng lặng này... nó quá lớn và ông đã nói hết, tôi xin phép không đi sâu vào trong khoảng lặng này nữa. Bởi tôi biết mỗi ngôn từ nói về nó bây giờ không chia sớt được nỗi đau trong ông, mà có lẽ lại vô tình đào sâu, khoét rộng, nỗi mất mát đớn đau, đang bóp vỡ trái tim ông, khi mà người bạn tri kỷ của ông đã vĩnh viễn ra đi.
Tôi đã mạn phép ông đi qua ba khoảng lặng của thơ ông và có lẽ cũng chính là ba khoảng lặng của đời ông. Có thể với vốn sống và vốn hiểu biết của mình còn quá hạn hẹp tôi chưa hiểu hết được những tâm tư tình cảm của ông khi ông viết ba khoảng lặng này. Nhưng như tôi đã nói lúc đầu mong ông và bạn đọc hãy coi đây là tình cảm mà tôi muốn chia sẻ cho vơi bớt những khoảng lặng trong ông. Để bản nhạc thơ ông lại cất lên tiếp nối những cung thanh âm trầm bổng chứ không còn những nốt lặng nào như những nốt lặng này nữa.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét