BÃO QUÊ
Không biết tự bao giờ hai tiếng "quê hương" ăn sâu vào trong tiềm thức tâm khảm của tôi sâu đến vậy, tự nhiên như vậy. Như bất cứ khi nào, lúc nào hễ nghe hoặc đọc được những câu thơ đại loại:
Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày
Quê hương là đường đi học
Con về rợp bướm vàng bay
Là y như rằng hình ảnh quê hương của nhà thơ Đỗ Trung Quân ngọt ngào và dễ thương lại hiện lên, lại thôi thúc tôi ngược dòng thời gian trở về quá khứ. Một thời xa rất xa …
Quê tôi nghèo lắm khoảng đầu tháng ba, đầu tháng tám gần như cả làng thiếu ăn. Nhà này còn sắn, còn ngô sẻ cho nhà kia hết gạo ăn mượn tạm. Những đồng rau lang mơn mởn sẵn sàng cho những ai hết gạo cứ việc ra đấy hái về ăn tạm, đỡ đói qua ngày như chính của nhà mình vậy. Cái tình làng nghĩa xóm thơm thảo là thế, cái hương quê đậm đà chan chứa là vậy, như hương bưởi hương chanh bay theo tôi đi suốt những năm tháng của cuộc đời đã qua và chắc chắn sẽ còn theo tôi suốt phần đời còn lại.
Đây liệu có phải là duyên phận không, tôi không biết. Có điều, tôi vốn sinh ra và lớn lên từ quê hương nghèo khó, một nắng hai sương nên rất dễ bị xúc động mỗi khi nhìn thấy chữ "Quê", đọc được ở đâu đấy "từ "Hương" chăng ...
Và, hôm nay tôi gặp một bài thơ tác giả viết về "Quê", nhưng không phải "Quê hương là chùm kế ngọt" lãng mạn một thời của thi sĩ Đỗ Trung Quân. Càng không phải "Mối tình quê nghèo" của Nguyễn Bính thật thà đắm đuối với:
Hôm qua em đi tỉnh về
Đợi em ở mãi con đê đầu làng
Khăn nhung quần lĩnh rộn ràng
Áo cài khuy bấm, em làm khổ tôi
Mà là một bài thơ quê bị bão tàn phá hết trơn rồi, hư hỏng sạch sành sanh rồi "Bão quê xới gốc trầu hôi /vặn buồng cau đứt trái bồi hồi rơi". Tôi thật bất ngờ, bởi tác giả đã phân biệt được "Bão Quê" với "Bão Phố" chí ít là trong thời kỳ đô thị hóa nông thôn đến chóng mặt. Thời kỳ mà:
Bên cạnh làng tôi, đất bán hết rồi, chỉ còn nho nhỏ nghĩa địa xa xa.
Bên cạnh làng tôi, yếm thắm lụa đào, ngực cau nhu nhú đã vội đi xa.(nhạc phẩm À Í A của Lê Minh Sơn)
Vậy là, thiên tai bão lũ đã không từ một ai, không thương xót bất kỳ người nào kể cả những nơi mà "Đất bán hết rồi, chỉ còn nho nhỏ những nghĩa địa xa xa". Thắt ruột lắm, chạnh lòng lắm Bình Địa Mộc ơi - tác giả bài thơ Bão Quê. Vậy là, tôi gần như lao vào cơn bão này và ngay lập tức tôi gặp cảnh làng quê nghèo xơ xác đến xót xa
Bão quê quét rát rạt đồng
Muôn đời nay bám riết nông dân nghèo
Đồng thời nước lũ cuốn theo
Nhà xơ xước mái mẹ neo cửa chờ
Thi sĩ Mộc - xin phép nhà thơ cho tôi được gọi anh như vậy. Chỉ mới 4 câu thôi, mới khổ đầu thôi nhưng tác giả đã thấy nơi nầy "bão quét”, chỗ kia “lũ cuốn” chốn nọ “nhà xơ xước mái”. Và, sửng sốt nhất là trong hoàn cảnh ấy mà mẹ vẫn "neo cửa chờ".
Mộc ơi, sao anh lại bắt mẹ chờ. Chờ gì đây khi mà bão đã lạnh lùng, vô tâm mang đi hết thảy, kể cả nồi cám heo vừa mới nấu ban chiều ...
Bão quê rất đỗi thờ ơ
Hất tung nồi cám heo trơ trét chuồng
Con gà rúc ảng nước luôn
Trống huơ hoác nuộc lạt buông bứt chiều
Một bức tranh quê nghèo tan hoang, nát núa không còn gì ngay cả những chú gà một đời chăm chỉ bươi móc cái ăn là thế, nhưng bấy giờ cũng chỉ còn biết rúc luôn vào ảng nước, thể hiện một sự bất lực đến hèn đớn, một hành vi đầu hàng đến vô điều kiện trước sức mạnh thần kỳ của tạo hóa một khi Ngài phẫn uất sự vô trách nhiệm của con người đối với thiên nhiên chăng. Không, tôi hoàn toàn không dám nghĩ vậy, mà trong khuôn khổ có hạn bài viết nầy, tôi chỉ biết rằng ở thôn quê thì thường thường con heo nằm dưới con gà đứng trên ... nhưng bây giờ khác rồi, bão làm thay đổi tập quán, thói quen cố hữu ấy rồi nên cái chuồng heo ấy bỗng "trống huơ hoác nuộc lạt buông bứt chiều”. Đây là một câu thơ lục bát khó đọc, nhưng rất cá tính, mang phong cách "Bình Địa Mộc", thậm chí có người nói vui với tôi rằng "đọc thơ lục bát Mộc muốn sái quai hàm, muốn trẹo lưỡi" những điển hình như:
Ngọ về nếp cửa muộn mằn
Dấu vân tay thủa vá chằng chịt trưa
Giếng sâu vọng tiếng gàu khua
Như xa xăm trở lại đùa bỡn ta (bài Ngọ Về - thơ Bình Địa Mộc)
Rồi, không chỉ dừng lại ở đó mà Mộc còn dắt ta đi thêm, bước vài bước nữa để thấy trong cảnh ngổn ngang, nghiêng ngả đó người dân nông thôn ở vùng bão lũ, khúc ruột miền trung, nút thắt thiên tai gồng gánh khốn khổ do hằng năm những cơn bão quê ập vào ra sao mà ngay cả gia cầm, gia súc bé bỏng cũng chẳng còn chốn dung thân chẳng còn nơi khô ráo mà đứng lấy ... một cái chân nữa
Bão quê cây cối ngả liều
Ngõ trơn trượt bước chân xiêu vẹo về
Đường đây điện đứt lạnh tê
Chạm đêm giật thót mình mê mệt trườn
Cây cối gãy đổ, bước chân con người thì xiêu vẹo theo. Nhưng nào đã yên đâu, một khi “dây điện đứt” tất nhiên đêm tối bủa vây, khiến lòng người đã bất ổn rồi lại thêm lạnh lẽo bởi màn đêm đen. Khung cảnh này thì chẳng ai có thể yên giấc mà chỉ có thể vì mệt mỏi mà thiếp đi. Rồi, cũng chẳng thể bình yên trong màn đêm trống huơ trống hoác ấy, tan hoang xơ xước ấy vì:
Bão quê nhanh đến bất thường
Gió từ muôn hướng ngàn phương bủa bùng
Ông vồ gậy chống giường rung
Khều bong bóng vỡ nước tung trắng trời
Hình ảnh “ông vồ gậy chống giường rung", và “khều bong bóng vỡ” trong khi “nước tung trắng trời” rất khiếp đảm, rất dữ dội. Nước lũ hung hãn đã vào tận giường ngủ rồi. Tác giả dùng từ "vồ" cho ta thấy nước lũ bất ngờ trườn đến, ập vào và chỉ khi "giường rung" thì con người mới biết thế nào là "Bão quê" của Mộc, một giọng thơ hiền nhưng đau và rất cám cảnh.
Bài thơ là sự trở về quê hương của tác giả với nỗi lòng đau đáu của đứa con xa xứ, nhớ làng xóm, nhớ lũy tre xanh ngào ngạt. Có khi chỉ nghĩ tới đã cảm thấy vị ngọt trên môi. Vị ngọt này có lẽ trong tâm tưởng anh thôi, bởi ngay cả “gốc trầu” cũng bị xới tung và “buồng cau” bão vặn hết trái rồi. Hay nói khác đi Mộc đã khéo léo sử dụng hình ảnh "trái cau, dây trầu" biểu tượng của hạnh phúc cũng bị xé toạc bởi Bão Quê đã ập vào rồi
Tôi từ phố trở về nơi
Làng xanh xa lũy tre ngời ngọt môi
Bão quê xới gốc trầu hôi
Vặn buồng cau đứt trái bồi hồi rơi
Bài thơ gồm năm khổ, tác giả đã sắp xếp miêu tả năm góc nhìn về quê sau bão bằng năm tâm trạng, sắc thái khác nhau. Khổ đầu anh miêu tả cảnh chung của một miền quê đồng không nhà trống; khổ thứ hai cho thấy ngay cả gia cầm, gia súc nhỏ nhoi cũng không còn cái ăn và chỗ dung thân vốn rất quan trọng đối với đời sống nhà nông. Khổ thứ ba thể hiện cây cối gãy đổ, đường điện đứt rớt; khổ bốn là đỉnh điểm của sự sống mong manh khốn cùng, là nút thắt được hé mở bởi mạng sống con người là vốn quý, là vô giá mà "nước tung trắng trời" chỉ đến khi "giường rung" mới biết. Khổ cuối cùng, kết thúc bài thơ cho ta thấy tương lai phía trước mờ mịt “làng xanh xa lũy tre ngời ngọt môi". Ở đây ta thấy Mộc đã dùng phép đảo từ rất đắc, rất hay làm câu thơ khựng lại rồi bỗng dưng bay lên xa thẳm: làng quê nay xa mất rồi thì cái lũy tre xanh ngời ngọt môi ấy còn đâu nữa. Chao ôi!
Một bài thơ lục bát câu từ giản dị nhưng cách dùng từ, cách đảo bắt, gieo vần lửng ... như một lối diễn đạt rất riêng biệt đã cho bạn đọc không thể không cảm nhận hết thảy cái khốn cùng của làng quê nghèo chìm ngập trong bão lũ mỗi năm "bão quê quét rát rạt đồng /
muôn đời nay bám riết nông dân nghèo. Đến nhà thì "xơ xước mái "; mạng người thì mong manh; cây cối hoa màu trôi dạt hết; đường điện đứt rớt rất nguy hiểm. Bài thơ là một bức tranh quê hội tụ các gam màu tối sáng được vẽ ra rõ nét với tâm trạng u buồn, hụt hẫng chống chếnh bởi cả tương lai phía trước cũng mờ mịt đến buồng cau cũng còn biết “bồi hồi” khi lìa khỏi thân do bị bão vặn đứt!
Bão Quê ở đây không chỉ đơn thuần là một cơn bão của thiên tai ập về nữa, hiển hiện trong bài thơ của Mộc là cơn bão của lòng người luôn lo toan trăn trở. Bão nổi trong lòng tác giả, bão nổi trong lòng tôi, bão nổi trong lòng bạn và bão cũng đang hoành hành trong lòng mỗi chúng ta, mỗi người dân quê nghèo khó trên khắp dọc dài tổ quốc,
Đên đây, tôi xin được phép mượn bài thơ Bão của Tế Hanh để thay đoạn kết bài cảm nhận này:
cơn bão nghiêng đêm
cây gãy cành bay lá
ta nắm tay em
cùng nhau qua đường cho khỏi ngã
cơn bão tạnh lâu rồi
hàng cây xanh thắm lại
nhưng em đã xa xôi
và cơn bão lòng ta thổi mãi.
Vâng, Mộc ơi, cơn bão lòng ta thổi mãi, khôn nguôi. Xin cảm ơn anh đã cho bạn đọc, cho người yêu thơ được đọc một bài thơ hay. Đặc biệt đối với đồng bào miền trung, quê hương anh một lời động viên chân tình và ấm áp.
21/10/2013
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét