Thứ Hai, 30 tháng 5, 2016

Đọc Khoàng Vắng của Nguyễn Xuân Dương



Khoảng Vắng trong tâm hồn hẳn ai cũng ít nhiều đã trải qua  nhưng có lẽ chẳng ai cảm nhận giống ai cả. Người viết vừa bắt gặp một Khoảng Vắng đặc biệt  trong thơ của tác giả Nguyễn Xuân Dương!

KHOẢNG VẮNG

Ta biết là em đã đến đây
Bởi hoa e ấp lá mừng lay
Hương nồng vẫn đọng vườn lan nhỏ
Sắc thắm còn in ngõ liễu gầy
Sáo thả lời đơn buồn dạ gió
Nhạn buông tiếng lẻ tủi lòng mây
Em qua để lại chiều thương nhớ
Ai hiểu lòng ta khoảng vắng này?(Nguyễn Xuân Dương)

Khoảng Vắng được tác giả gửi ý thơ cho câu chữ chuyên chở bằng thể thơ Đường Luật Thất Ngôn Bát Cú. Với cấu trúc cùng niêm luật vần và đối ngẫu tương đối hoàn hảo.
Năm mươi sáu chữ, năm mươi bốn từ của bài thơ,cũng chính là năm mươi sáu  ca từ đang được cất lên từ đáy lòng chủ thể trữ tình trong thơ,  theo giai điệu trầm buồn, tha thiết của bản nhạc mang tên Khoảng Vắng. Vâng người viết cũng đang cùng đồng cảm với tác giả khi nghe Khoảng Vắng này.

Tác giả sử dụng và sắp xếp từng từ theo một nhịp thơ rất nhẹ nhàng giới thiệu việc chủ thể trữ tình trong thơ khẳng định chắc nịch rằng:

Ta biết là em đã đến đây

 Đây là đâu?
Đã đến là đến đây bao lâu rồi?
 Hai thắc mắc này phải chăng đã hoàn thành nhiệm vụ của câu Khai Đề tác giả gửi gắm vào câu chữ.
Còn với câu Phá Đề thì lại là:
Bởi hoa e ấp lá mừng lay
Có hoa, có lá, chắc hẳn có một khu vườn hoặc một lối cũ, đường xưa. Có e ấp có mừng hẳn bóng hồng ấy vừa mới đến thôi! Chưa dời gót bao xa đâu. Câu phá đề mang đến cho người đọc nhận ra sự cảm nhận thật gần gụi thân thuộc của Ta với Em. Chỉ mới  thấy "hoa e ấp", rồi "lá mừng lay" thôi  mà đã khẳng định ngay được rằng "Biết em đã đến đây". Sự khẳng định đến từ giác quan thứ sáu hay còn từ nguyên nhân nào khác nữa đây? mang theo thắc mắc này ta vào với hai câu kế tiếp

Hương nồng vẫn đọng vườn lan nhỏ
Sắc thắm còn in ngõ liễu gầy
Ở hai câu Thực tác giả sử dụng các cặp đối sau :"Hương nồng" đối với ""Sắc thắm", "Vẫn đọng" đối với "Còn in" và "Vườn lan nhỏ" đối với "Ngõ liễu gầy". Ba cặp đối chỉn chu hoà quyện vào nhau cùng với Vẫn và Còn làm điểm nhấn chuyên chở ý thơ mà cặp Đề vừa giới thiệu ở trên.
Phải chăng ở hai câu Thực tác giả còn muốn nói rằng Em vừa  mới dời bước đi để lại làn hương thân thuộc phảng phất, bóng dáng thân quen thấp thoáng quanh đây.
"Vườn Lan" ấy có những "bông hoa e ấp", "ngõ liễu gầy" nhưng "lá vẫn mừng lay"  Báo hiệu  một bóng giai nhân cuốn hút ánh mắt cũng như bước chân của Lãng Tử. để rồi cho người đọc dự cảm Khoảng Vắng sẽ có những phút giây tương phùng ở phía trước?
 Muốn biết thêm ta phải đi tiếp cùng tác giả vào cặp câu Luận

Sáo thả lời đơn buồn dạ gió
Nhạn buông tiếng lẻ tủi lòng mây

Hai câu Luận tác giả sử dụng các cặp đối "Sáo thả" đối với "Nhạn buông", "Lời đơn" đối với "Tiếng lẻ" và "Buồn dạ gió" đối với "Tủi lòng mây". Vẫn cách ngắt nhịp 2/2/3 cùng với sự trau chuốt câu từ đưa vào các cặp đối chuẩn xác..
Cặp câu Luận đã được tác giả gửi gắm vào câu chữ qua thủ pháp nghệ thuật tài  tình, trong đó ẩn chứa hai tâm hồn, hai nhịp đập với hai nỗi niềm "Đơn" "Lẻ" khác nhau qua hình tượng thơ Mây, Gió cùng Nhạn và Sáo.
Tiếng sáo vào thơ không theo lẽ thông thường là reo vi vút trên không trung, chẳng phải dìu dặt tiếng sáo chàng Trương tấu khúc đêm đêm. Sáo thả lời đơn thôi chữ đơn thật khiến người đọc bâng khuâng rồi tự hỏi: Phải chăng tiếng sáo ấy chở theo một tiếng lòng khắc khoải nhớ thương gửi vào trong gió, Gió mang đi đâu chưa biết chỉ biết rằng khi Ai kia "thả lời đơn" khiến "Gió buồn trong dạ". Văng vẳng quanh đây  lời đồng cảm sẻ chia cùng Ai kia của thi sĩ họ Hà gửi đến

Sáo buồn chợt nhả chợt buông..
Ai về xứ ấy tình thương đong đầy.

Tiếng thăng trầm gửi mây vào gió.
Văng vẳng xa đâu đó gợi sầu.
Sáo buồn đậm nét lo âu.
Đường xa thăm thẳm gửi sầu nơi nao. (Tiếng Sáo -  Ngọc Quang Hà)

Còn cánh Nhạn vào thơ cũng không theo lẽ thường người ta hay nói. Nhạn ở đây "Buông tiếng lẻ" lúc  đang sải cánh có lẽ đơn côi trên bầu trời lộng gió đã khiến cho Mây cũng phải "Tủi lòng" Khi nghe  những "tiếng lẻ" ấy!
Tiếng Nhạn  khiển tủi lòng Mây  phảng phất đâu đây lời người xưa:
Đôi ta chẳng đặng sum vầy
Như  đôi chim nhạn lạc bầy kêu thương (Ca Dao)

Cặp câu Luận chính là  hồn cốt của Khoảng Vắng mà tác giả vừa giới thiệu xong! Nhiều nỗi niềm bâng khuâng của Ai kia thật khó tả, cũng chẳng thể trách tiếng Nhạn thả hay lời Sáo buông để cho Mây tủi gió buồn Và Ai kia phải cùng tác giả cùng bạn đọc bước vào cặp câu kết trước khi dặt một dấu chấm kết thúc bạn nhạc Khoảng Vắng

Em qua để lại chiều thương nhớ
Ai hiểu lòng ta khoảng vắng này?

Hai câu kết thêm một lần đại từ nhân xưng Em và Ta xuất hiện rồi kết thúc bằng một câu hỏi. Câu hỏi này rất khó có câu trả lời thoả mãn cho Ta khi mà trong Ta đang ngổn ngang nỗi niềm bởi biết chắc "tiếng nhạn kêu thương" vừa  mới"đến đây". Nhưng rồi chỉ còn lại "Chiều thương nhớ" mà "Em qua để lại". Một Khoảng Vắng mênh mông không biết chừng nào lấp lại được?
Ai hiểu lòng ta? Ta ơi! tác giả ơi! bạn đọc ơi! Ta chưa hiểu được lòng ta lúc này làm sao ai hiểu được để trả lời giúp đây.
Người viết cũng chẳng thể trả lời cho câu hỏi này. Nhưng người viết tÌm thấy ít nhất hai tác giả đã đồng cảm sâu sắc với Khoảng Vắng và mạn phép họ mang về đây như một lời chia sẻ với Ai Kia và với "Tiếng Nhạn kêu thương"  trong Khoảng Vắng.

Tôi đợi tìm hương trên lối gió
Người đi nhặt sóng cuối chân mây (Thư Hoàng)

Em đi buồn nhớ khô lòng đá
Anh ở sầu thương cháy dạ mây (Nguyễn Đăng Tuyên)

Bài Thơ Khoảng Vắng của tác giả Nguyễn Xuân Dương vừa đừng lại cùng những cảm nhận của riêng cá nhân tôi!
Với bài thơ này tác giả dường như muốn giấu ý thật sâu, chở tình thật nặng, muốn bản nhạc tình thật êm đềm dịu nhẹ và thanh thoát cất lên. Vẫn biết để vượt qua  những quy định nghiêm ngặt của cái khuôn "Tám bệnh mười hai lỗi" mà vẫn bảo toàn được yêu cầu của ý thơ là điều không thể.
Trong Khoảng Vắng ví như khi ta đến bên "Vườn lan nhỏ" phải qua một "Ngõ liễu gầy" đâu chỉ có những rặng liễu ngả nghiêng quyến rũ, hay toàn những bông hoa khoa sắc diễm kiều. Hai bên ngõ và rải rác khắp khu vườn vẫn có vài bông hoa dại, mấy nhánh cỏ đó thôi! 
Điệp tự Em và Ta phải chăng là tác giả đã cố ý để cho một bông hoa bên một khóm cỏ nhằm làm nền điểm tô cho năm mươi bốn bông hoa khác khoe sắc toả hương trong Khoảng Vắng của mình.

Sài Gòn 30/5/2016
Huỳnh Xuân Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét