Thứ Bảy, 21 tháng 5, 2016
Huỳnh Xuân Sơn Cảm Nhận Bài Thơ Tóc Mây Của Nhà Thơ Nguyễn Ngọc Hưng
Cảm Nhận Bài Thơ Tóc Mây của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hưng
Tóc Mây
Tóc mây đâu phải là mây
Mà râm mát cả những ngày nắng điên
Mân mê từng sợi dịu hiền
Em cười
Tơ đấy
Buộc riêng một người… (Nguyễn Ngọc Hưng)
Bài thơ Tóc Mây chỉ vỏn vẹn bốn câu Lục Bát Biến Thể mà khiến tôi chìm nghỉm trong ý thơ. Tóc Mây mong manh, dịu nhẹ, xen chút bâng khuâng ẩn trong những câu từ trau chuốt là tình sâu, nghĩa rộng. Được nhà thơ viết, có lẽ không chỉ dành riêng một mái tóc của một thiếu nữ cụ thể nào!
Tóc Mây được miêu tả bằng một câu khẳng định độc đáo
Tóc mây đâu phải là mây
Hai từ mây đồng âm khác nghĩa được đưa vào câu thơ,với thủ pháp tài tình của nhà thơ trong việc sắp xếp câu chữ. Khi đọc câu thơ ta nhận thấy như một câu hát, chở một lời khẳng định về Tóc Mây.
Không giống như nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ đã để cho Tóc Mây bồng bềnh cùng gió lại vương buồn:
Ôi tóc mây bay ru lên điệu buồn
Sợi tình theo gió vỗ cánh bay xa (Tóc Mây)
Mà ở Tóc Mây nhà thơ đã đưa bạn đọc đến công năng đặc biệt cụ thể của mái tóc này.
Mà râm mát cả những ngày nắng điên
Thật tài tình vừa khẳng định Tóc Mây không phải là Mây đâu đấy nhé, Thoắt cái ngay câu tiếp theo tác giả lại đưa người đọc chìm trong bóng râm mát rượi của Mây. Mây trên trời khi ngang qua trao cho bạn, cho tác giả và cho tôi cái cảm giác mát rượi ngày nắng, Nhưng Tóc Mây lại che chở được "Những ngày nắng.."
Bốn mùa đều có nắng, cái nắng hanh của ngày thu, nắng ấm áp của chiều đông cái nắng tươi rói của sáng xuân và cái nắng nồng trưa hạ... Tóc mây đều che chở như Mây.
Nhưng với cái "Nắng điên"! Thì nhà thơ lại đưa ta sang chiều cảm nhận khác! Chỉ với một từ Điên thôi mà ý nghĩa hồn cốt câu thơ đã đưa ta vượt ra khỏi cái nắng của thời tiết khắc nghiệt, để bước vào cái Nắng vô hình, mà có lẽ còn nóng hơn cả cái nắng Xiên Khoai mùa hạ nữa thì phải?
Nhưng dẫu có Nắng nào đi nữa thì như câu thơ đầu khẳng định rồi. Tóc Mây mà, có phải là Mây đâu?
Có Tóc Mây là có bóng "Râm mát" bất kể Nắng gì đi nữa! Nhà thơ vừa khắc vào đá một thông điệp như thế nhờ dụng cụ đặc biệt hai câu thơ mở đầu. Đánh dấu nửa chặng đường đã qua của Tóc Mây để cùng ta đi tiếp.
Mân mê từng sợi dịu hiền
Câu thơ thứ ba hiện diện trong Tóc Mây với cấu trúc thật đặc biệt, câu thơ không có chủ ngữ...Từ đây nảy sinh một câu hỏi.
Ai là người mân mê từng sợi tóc ấy?
Còn dịu hiền thì hẳn nhiên là Tóc Mây rồi!
Mang theo câu hỏi này ta đến với câu thơ cuối
Em cười
Tơ đấy
Buộc riêng một người…
Ngôi thứ hai xuất hiện với đại từ nhân xưng Em! Có Em hẳn có Anh! Vậy thì câu hỏi ở trên đã có câu trả lời.
Tơ đấy!
Tơ hẳn nhiên phải là những sợi dài suôn mượt mới mong "Buộc.." được.
Riêng một người? Người ấy có lẽ là Anh và không ai khác chính là Người "Nắng Điên" ở trên thì phải.
Nay trong Tóc Mây Chẳng như ông nhạc sĩ viết "Trời bao nhiêu gió tóc bao nhiêu buồn " hay "Tóc mây buồn phủ kín tim tôi"(Tóc Mây- Phạm Thế Mỹ)
Mà ở đây nhà thơ thả cho Tóc Mây bềnh bồng, rồi nhỏ nhẹ "Tơ đấy.." Nhẹ như tơ, óng như tơ, suôn mượt như tơ, dịu dàng, đằm thắm khi thành lụa... Thêm "Nụ cười toả nắng" nữa! Đâu có khó khăn gì để "Buộc riêng một người..."
Dấu ba chấm đi sau đủ để cho Tóc Mây không chỉ là một cá nhân Anh!
Tóc Mây có thể là bất cứ người phụ nữ nào viết trọn vẹn bốn chữ Công Dung Ngôn Hạnh !
Riêng một người... Anh có thể là bất cứ người đàn ông nào, dẫu có sở hữu vẻ phong trần lãng tử đôi khi có chút điên loạn của nhịp tim đa tình thì Em vẫn đủ sức Buộc...
Và khi ấy thì lời ca kết của bản nhạc Tóc Mây sẽ vang lên lan xa ngọt ngào "Ôi tóc mây thơm men say lạ thường / Tình ta xanh lá tóc mây không vàng."
Tóc Mây của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hưng với cảm nhận của riêng tôi là như thế! Cám ơn nhà thơ với những câu thơ ý tại ngôn ngoại đã cho tôi có dịp đồng hành với một bài thơ hay.
Rất mong nhận được sự bao dung từ tác giả cũng như bạn đọc nếu như tôi có cảm nhận khác biệt và sai sót.
Sài Gòn tháng 1/ 4/2014
Huỳnh Xuân Sơn
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét