Thứ Tư, 25 tháng 5, 2016

Cảm Nhận Bài Thơ Tiễn Con ! Của Tác Giả Trăng Khuyết



Hôm nay tôi đã viết về người lính của những năm 60 đến 75 của thế kỷ trước. Tôi đã viết về người lính của những năm 75 đến 86 cũng của thế kỷ trước. Tôi đã viết rồi tình cảm của người phụ nữ viết về người lính và những người mẹ người vợ và người yêu của lính. Tôi cũng đã viết rồi kỷ vật của người lính.

Nhưng giờ này tôi vẫn muốn viết thêm một bài nữa. Vì tôi cảm thấy còn thiếu một tình cảm, một nỗi lòng của người cha tiễn con trai duy nhất lên đường ra trận.Dù là trong thời nay đất nước hòa bình nhưng ngoài biển khơi kia.Nơi đầu sóng ngọn gió vẫn còn bao rình rập của ngoại bang.

Lục lọi trong "mớ bòng bong" thơ cũ vì thơ mới không có bài có nội dung như tôi muốn. Rất may tôi gặp Tiễn Con của tác giả Trăng Khuyết viết về chủ đề người lính. Và đây là bài thơ ấy!

Tiễn Con

Dằn vặt bên lòng tiếng nước non
Cá tôm sợ hãi biển căm hờn
Trùng khơi nổi sóng gầm chưa đủ
Quần đảo xé lòng ngủ chẳng ngon
Trăn trở bao đêm đành gạt lệ
Tạ từ vài dặm tiễn đưa con
Thân cha bóng ngã đành cam phận
Gác lại tình nhà vẹn sắc son

Bài thơ được viết theo thể Đường Luật Thất Ngôn Bát Cú. Với những câu từ chắt lọc và tuân thủ niêm luật vận của thơ đường luật, nhưng không gò bó cứng nhắc,

Tác giả dùng 56 từ trong tám câu thơ để diễn tả tâm trạng người cha có cậu con trai duy nhất.Quyết định cho con nhập ngũ. Ông đã trải qua bao nhiêu đêm trăn trở dằn vặt suy nghĩ lựa chọn giữa an nguy của đất nước. và tình nhà. Cuối cùng ông đã quyết định Tiễn Con . Để hiểu rõ hơn ta vào từng câu từng ý mà tác giả đã gửi gắm.

Dằn vặt bên lòng tiếng nước non
Cá tôm sợ hãi biển căm hờn

Hai câu đầu trong thơ Đường Luật được gọi là hai câu đề. Hai câu này tác giả muốn nói tâm tư người cha “dằn vặt” suy nghĩ, và trăn trở vì “tiếng nước non” tiếng nước non đây là tổ quốc tươi đẹp thanh bình nơi đất liền. Nhưng ngoài biển khơi thì đang dậy sóng.Đêm ngày “tàu lạ” dình dập đâm vào tàu cá của ngư dân. Cắt cáp thăm dò dầu khí. Và lăm le chiếm đóng những hòn đảo thuộc chủ quyền của đất nước ta. Tác giả dùng câu thơ “cá tôm sợ hãi biển căm hờn” quả là khó có câu thơ nào sâu sắc hơn và thâm thúy hơn. Muốn biết rõ hơn ta cùng tác giả vào hai câu thực .

Trùng khơi nổi sóng gầm chưa đủ
Quần đảo xé lòng ngủ chẳng ngon

Hai câu này tác giả dùng các cặp đối sau : “trùng khơi” đối với “quần đảo’ , “nổi sóng”đối với “xé lòng” và “gầm chưa đủ” đối với “ngủ chẳng ngon”. Các cặp đối này nối kết với nhau miêu tả rõ hơn tình hình biển đảo quê hương đang dậy sóng ngoài khơi tổ quốc ta. Là một người cha yêu thương cậu con trai duy nhất nhưng ông đồng thời cũng là một công dân có trách nhiệm với tổ quốc.Nên ông mới có nỗi đau “xé lòng” khiến ông nhiều đêm “ngủ chẳng ngon”.

Với những nỗi niềm dằn vặt của người cha như vậy. Tác giả đưa ta vào hai câu luận như sau:


Trăn trở bao đêm đành gạt lệ
Tạ từ vài dặm tiễn đưa con

Giữa nợ nước và tình nhà ông dẫu cũng có đôi lúc ngập ngừng nhưng cuối cùng đã rớt lệ để mà “tiễn đưa con” . Chữ đành đặt ở đây đã thể hiện điều này. Ai không vậy nhất là những người cha chỉ có một con mà lại là con trai còn trẻ . Ông đã làm một việc mà không phải ai cũng làm được . Ông đành tiễn đưa con lên đường! việc làm cao cả của những người cha dẫu vẫn còn những giọt lệ bùi ngùi khi đưa tiễn.

Những trăn trở suy tư và cuối cùng đi đến việc quyết định của người cha già ấy vẫn đảm bảo luật của thơ Đường Luật trong hai câu có tên là câu luận này.

các cặp đối ấy như sau "trăn trở" đối với "tạ từ", "bao đêm" đối với "vài dặm" và "đành gạt lệ" đối với "tiễn đưa con".

Và đây là hai câu kết của bài thơ đầy tình yêu tổ quốc, tình yêu dân tộc, yêu biển đảo quê hương. Của một người cha:


Thân cha bóng ngã đành cam phận
Gác lại tình nhà vẹn sắc son.

Bài thơ kết lại bằng kết luận “Gác lại tình nhà vẹn sắc son” .Tình nhà đã được người cha hy sinh dẫu bản thân ông “bóng ngã” cũng “đành cam phận”. Chữ đành thêm một lần được tái hiện, nhưng không làm bi lụy mềm lòng người đọc. nó làm rõ hơn tình cảm cha con. Tình yêu gia đình mà bất cứ người cha nào trong hoàn cảnh này cũng phải “đành” mà thôi!

Tôi chưa bao giờ làm một người cha, trong hoàn cảnh như bài thơ này. Nhưng tôi gặp, tôi đọc và tôi biết trên khắp đất nước, dù thành phố hay nông thôn. Đều có rất nhiều chàng trai lên đường bảo vệ biển đảo quê hương, giống như người con trong bài thơ này. Anh đã vẽ thêm một nét vào bức tranh sống động, khắc họa tình yêu tổ quốc của những người lính đang canh giữ biển đảo quê hương.

Anh làm được điều này là một phần lớn nhờ sự suy nghĩ sâu sắc và coi "tình nhà" nhẹ hơn "nợ nước" của cha anh. Và đây đó trên quê hương ta còn nhiều lắm những cảnh Tiễn Con cảm động và cao quý như Tiễn Con của tác giả Trăng Khuyết.

Sài Gòn 21/12/2013



Huỳnh Xuân Sơn

1 nhận xét: