Thứ Bảy, 21 tháng 5, 2016

Huỳnh Xuân Sơn Cảm NỖI NIỀM HOA GẠO của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hưng



Tháng tư về cùng với mùa Hạ! Bên cạnh hoa Loa kèn trắng có hoa Gạo đỏ người ta còn gọi là Mộc Miên hay Pơ Lang nữa. Loài hoa mỗi năm chỉ nở một lần nhắc nhớ về một truyền thuyết,gắn với tình yêu đôi lứa chưa trọn.. Hoa Gạo là khởi nguồn cho biết bao bài hát câu thơ ra đời...
Một nhạc sĩ Trọng Đài với "Lã Chã Hoa Gạo"
Một Bình Nguyên Trang với Nỗi Niềm Tháng Ba nao lòng người khi cảm những câu thơ

Năm ấy mẹ sinh em mùa đói
Tháng ba nhọc nhằn và hoa gạo rụng hố vôi
Cha đi vắng rét nàng Bân buốt nhói
Mẹ ướt mồ hôi, em khóc chào đời. (Bình Nguyên Trang)

Cũng vào tháng giáp hạt có ngày sinh nhật nhà thơ với những câu thơ buốt nhói lòng người viết về Mẹ

Ngày sinh con không có mặt cha
Một mình mẹ quặn lòng khai nở
Con như món đồ dễ tan dễ vỡ
Mẹ âm thầm nâng trứng hứng hoa (Mẹ- Nguyễn Ngọc Hưng)!

"Năm ấy " đi vào thơ Bình Nguyên Trang là năm nào? Liệu có cùng năm với nhà thơ Nguyễn Ngọc Hưng chào đời hay không? Người viết chưa biết rõ! Nhưng chắc chắn cùng "Mùa Đói" và cùng mùa hoa Gạo nở !
Bốn câu thơ trên của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hưng không liên quan gì tới hoa Gạo. Nhưng Người viết nhận ra nó liên quan mật thiết với bài thơ mà người viết bắt đầu đọc.

NỖI NIỀM HOA GẠO

Mỗi tháng ba hoa gạo nở vun trời
Vò gạo hẩm trong nhà vơi tận đáy
Lại ăn đong, mướt mồ hôi mẹ chạy
Con xót lòng nhặt bông gạo… thổi cơm(?!)

Loay hoay nửa ngày chưa dậy mùi thơm
Biết là hoa không nấu thành chi được
Tiên Bụt biến rồi, ngọc đâu mà ước
Nhồi trong tay con xác gạo giập bầm
Đàn sáo sậu vui gì kêu tíu tít
Ngơ ngác tháng ba lăn một vết trầm…

Nắng lơ mơ ru cánh bướm đậu nhầm
Phiêu phưởng gió dụ đường ong bay lạc
Nhìn hoa gạo rực lên màu chua chát
Con mong mẹ về ngọt sắn bùi khoai

Lớn lên trong mùi đất ải phân hoai
Hồn thấm đẫm bao nỗi niềm hoa gạo
Con càng hiểu chỉ trông vào thơm thảo
Không thể qua cơn đói rạc đói rài!

Chẳng cách gì xanh mãi với giêng hai
Thì đối diện cùng tháng ba giáp hạt
Nở là hoa đến khi tàn ra rác
Đuối cỡ nào cũng gắng sức mà bay

Vượt qua bão bùng mưa nắng quắt quay
Mắt tháng ba lại vơi đầy sắc đỏ
Mẹ hát trong cây mẹ cười trong gió
Gạo vun vò con vẫn đói ngày xưa!(Nguyễn Ngọc Hưng)

Bài thơ dài được nhà thơ gửi gắm vào câu chữ bằng thể thơ Tám Chữ. Hoa Gạo của tác giả không là màu hoa đỏ đốt cháy cả khoảng trời mơ mộng, không là màu hoa ghi nhớ một mối tình, Chẳng giống như nữ sĩ họ Bình "Rớt vào hố vôi". Mà ở đây hoa Gạo của nhà thơ chở theo Nỗi Niềm của người Con hiếu thảo với những kỷ niệm buốt tận tâm can ,có lẽ không chỉ mình tác giả, mình người viết khi đọc !

Mỗi tháng ba hoa gạo nở vun trời
Vò gạo hẩm trong nhà vơi tận đáy
Lại ăn đong, mướt mồ hôi mẹ chạy
Con xót lòng nhặt bông gạo… thổi cơm(?!)

Không ngôn từ hoa mỹ, chẳng ẩn ý cầu kỳ, bốn câu thơ đã xô người đọc ngã ngược về những thập niên gần cuối thế kỷ trước...Và có lẽ cho tới tận hôm nay, nhiều nhà lúc giáp hạt "Tháng ba ngày tám" vẫn còn cảnh "Ăn đong" chạy gạo từng bữa...
Nhưng ám ảnh người đọc không phải cái nghèo, cái đói thường trực ấy, mà chính là hành động thể hiện cái khát khao có bát cơm rất thật, rất đời, được đưa vào thơ "nhặt bông gạo... Thổi cơm?!"
Lúc này đây mới thật thấm thía, thật xót xa theo cái đói "Xót lòng" cùa Con qua một dấu chấm hỏi và một dấu chấm than!
Hỏi làm gì nhỉ, khi mà hai câu thơ cũng chính là hai vế đối nhằm tăng thi ảnh trong thơ ngay mở đầu "Gạo vun trời" được đối lập với "Vò gạo hẩm" "Vơi tận đáy". Chưa lúc nào thấy hai từ Vun và Vơi đắt giá như lúc này khi nó được nhà thơ đặt đúng chỗ...
Dấu hỏi đã có câu trả lời!
Còn dấu chấm than phải chăng để khẳng định cho việc Con "Nhặt hoa gạo..Thổi cơm" là đúng chăng?
Vâng danh từ Gạo khi nghe, và vẫn biết nó vốn được mang nấu thành cơm, đói quá mẹ vắng nhà ta nhặt Gạo mà thổi cơm thôi! Tuổi thơ luôn có những suy nghĩ trong veo như thế, No đủ có lẽ nhìn bông hoa Gạo sẽ khác khi cái đói cồn cào gan ruột ...

Loay hoay nửa ngày chưa dậy mùi thơm
Biết là hoa không nấu thành chi được
Tiên Bụt biến rồi, ngọc đâu mà ước
Nhồi trong tay con xác gạo giập bầm
Đàn sáo sậu vui gì kêu tíu tít
Ngơ ngác tháng ba lăn một vết trầm…

Hành động nhặt hoa gạo thổi cơm cuối cùng thất bại là điều tất yếu! Ai cũng thấy và ai cũng biết kết quả. Nhưng sáu câu thơ này thì chất chứa một nỗi thất vọng của Con hiện hữu và không chừng còn ám ảnh tâm hồn nhiều dặm đường phía trước, cùng với hành động "Nhồi trong tay con xác gạo giập bầm". Vâng nhặt, gom, nâng lên, đặt xuống, ước ao qua cơm đói, thậm chí cậy nhờ cả Tiên Bụt cuối cùng đói vẫn hoàn đói. Còn dấu ấn "ngơ ngác tháng ba lăn một vết trầm..." thì mãi mãi được vun cho đầy thì phải?
Vì đâu? Vì sao? Ai trả lời câu hỏi này, có lẽ không có và nếu có thì cũng không thể thoả đáng. Thôi đành mang theo vào sâu hơn nữa Nỗi Niềm Hoa Gạo cùng tác giả

Nắng lơ mơ ru cánh bướm đậu nhầm
Phiêu phưởng gió dụ đường ong bay lạc
Nhìn hoa gạo rực lên màu chua chát
Con mong mẹ về ngọt sắn bùi khoai

Thật lạ với tâm trạng của chủ thể trữ tình Con ở khổ thơ này. Nắng lơ mơ? Hay Con đang lơ mơ?
"Cánh bướm đậu nhầm"? "Ong bay lạc"? Mà lý do lạc là do "Phiêu phường gió dụ đường"? Hậu quả dẫn đến "nhìn hoa gạo rực lên màu chua chát".
Người viết đang tự hỏi Màu hoa gạo vào thơ, theo nhạc, đỏ trời thương nhớ hoặc rực rỡ khát khao là thế! Sao trong Nỗi Niềm Hoa Gạo nó lại mang một màu thât đặc biệt hiếm ai nghĩ tới "Chua chát" thế này?.Với câu thơ cuối cùng của khổ thơ thể hiện điều mà "Con mong.." như thế, cùng với gió là nguyên nhân dẫn đướng để" ong bay lạc" dẫn đến khơi nguồn Nỗi Niềm Hoa Gạo tuôn tràn, đã khiến người viết mạn phép một chút liên tưởng về khổ thơ chất chứa nỗi niềm nhưng cũng thật nhiều câu hỏi này?
Hình tượng "cánh bướm đậu nhầm" bởi "nắng lơ mơ ru" kia, phải chăng là một lần đặt tình yêu không đúng chỗ. Chỗ nhầm ấy là nơi mà từ đó " Ong bay lạc".
Ong bay lạc chẳng phải cố tình, mà do hoàn cảnh lãng mạn,phiêu bồng của Gió lãng tử dẫn đến...
Hậu quả không chỉ mình người đặt tình yêu không đúng chỗ gánh chịu mà ngay cả Con cũng xót xa theo... Con đang nhìn màu hoa gạo "Chua chát" hay chính người Mẹ? Câu hỏi này người viết không dám lạm bàn. Nhưng tấm lòng mong mỏi hy sinh cam chịu thì hiện rõ nét qua câu thơ cuối khổ dẫu có "Ngọt sắn bùi khoai" thì Mẹ ơi! "Con vẫn mong Mẹ về". Mẹ về với Con Hay về nơi "Ong Bay Lạc"?
Với người viết thì những câu thơ này chính là hồn cốt, là điểm nhấn cho cả bài thơ Nỗi Niềm Hoa Gạo. Nỗi niềm ấy của Con chưa dừng lại ở màu hoa "Chua chát" . Bài thơ vẫn còn cuốn đi

Lớn lên trong mùi đất ải phân hoai
Hồn thấm đẫm bao nỗi niềm hoa gạo
Con càng hiểu chỉ trông vào thơm thảo
Không thể qua cơn đói rạc đói rài!

Phải chăng một khoảng thời gian khá dài đã qua, Con và Mẹ cùng màu hoa ấy, nổi trôi theo dòng đời nghiệt ngã. Có lẽ đó cũng chính là những năm thời bao cấp khốn khổ, nhà nhà thiếu ăn, thiếu mặc dẫn đến nhạt phai ngay cả truyền thống người Việt "Lá lành đùm lá rách". Nhưng vẫn có ở đây "lá rách ít đùm lá rách nhiều"! Vâng ở đâu và thời nào cũng thế "Lòng thơm thảo" rất quý bởi "Một miếng khi đói bằng một gói khi no". Nhưng đói đến mức "Rạc rài" thì lòng thơm thảo nào cho đủ đây?
Trong cái bức bách khốn cùng bởi đói "Rạc rài " ây ! Sợ nhất con người ta "Đói ăn vụng túng làm liều". Nhưng ở Nỗi Niềm Hoa Gạo là một chân trời hy vọng mở ra xuất phát từ suy nghĩ của một chàng trai "Nam nhi chi chí".

Chẳng cách gì xanh mãi với giêng hai
Thì đối diện cùng tháng ba giáp hạt
Nở là hoa đến khi tàn ra rác
Đuối cỡ nào cũng gắng sức mà bay

Bốn câu thơ đã nói hết nói đủ cái suy nghĩ chín chắn, vững vàng, của một cội Tùng Bách là trụ cột lúc này. Nỗi Niềm Hoa Gạo từ đây đã chấp nhận đối diện với thực tế hoàn cảnh sắp đặt của số phận. Hoa Gạo hay bất cứ loài hoa nào khác cùng chung phận số "Nở là hoa đến khi tàn ra rác".
Con tự nhủ mình hay Con đang cùng Mẹ động viên nhau, khi mượn thi ảnh "Đuối cỡ nào cũng gắng sức mà bay". dẫu đói no con người ta cũng phải sống, phải đi và sẽ đến... Ý chí nghị lực và quyết tâm, thể hiện ở những câu thơ vừa qua đã khiến Nỗi Niềm Hoa Gạo chan chứa hy vọng ở phía trước.

Vượt qua bão bùng mưa nắng quắt quay
Mắt tháng ba lại vơi đầy sắc đỏ

Hai trong bốn câu thơ kết có hậu vừa hiện diện. Bao nhiêu những "bão bùng mưa nắng quắt quay" đã bỏ lại phía sau, dù cho phía trước vẫn còn gập ghềnh trắc trở nhưng có lẽ "Màu hoa chua chát" Không còn nữa thay vào đó là" vơi đầy sắc đỏ" mỗi khi tháng ba về...
Nỗi Niềm Hoa Gạo đã khép lạ để nhường chỗ cho Nỗi Niềm của Con, người mà tuổi ấu thơ đã "nhặt hoa gạo..Thổi cơm"!

Mẹ hát trong cây mẹ cười trong gió
Gạo vun vò con vẫn đói ngày xưa!

Vẫn là Gạo vẫn là Vun vẫn nguyên cái đói. Nhưng là "Đói ngày xưa", ngày mà mẹ chạy ăn từng bữa, ngày mà "sắn ngọt khoai bùi". Ngày ấy chưa đủ đầy như hôm nay, gạo "vun vò" nhưng có Mẹ, có Con chứ nào phải ngậm ngùi nhìn "mẹ cười trong gió" và nghe "Mẹ hát trong cây" như hôm nay.

Ở bài thơ Nỗi Niềm Hoa Gạo Phải chăng hình ảnh Hoa Gạo mang nỗi niềm xuyên suốt bài thơ chính là Nỗi niềm của Con và đó cũng chính là người mà hôm nay, mỗi khi tháng ba về mùa hoa gạo nở là lại cồn cào cái đói, chẳng phải đói cơm mà đang dâng trào tận cùng sự khao khát còn có được Tình Mẫu Tử thiêng liêng. Khát khao tới mức nhìn cây thấy Mẹ hát, Mẹ cười, trong ngời sắc đỏ của hoa Gạo . Người viết xin mượn hai câu thơ của nữ sĩ họ Bình để gửi một chút tình tới tác giả, tới chủ thể trữ tình Con trong Nỗi Niềm Hoa Gạo. thay cho lời kết!

Đành rằng tháng ba vẫn thắp màu hoa cũ
Nhưng có những điều phải sống khác ngày xưa. (NNTB - Bình Nguyên Trang)

Sài Gòn chiều 20/4 2016
Huỳnh Xuân Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét