Thứ Tư, 25 tháng 5, 2016

Tác Giả Nguyễn Viết Quế- Một Phật Tử Yêu Thơ Qua Cảm Nhận Của Huỳnh Xuân Sơn



Tác giả Nguyễn Viết Quế sinh năm 1943 tại xã Xuân Sơn Đô Lương Nghệ An. Dạy học tại trường THPT Thanh Chương Nghệ An và bây giờ nghỉ hưu ông sống ở đây.

Quê hương nơi ông sinh ra và lớn nên có làn điệu dân ca xứ nghệ, với những câu ca dao như :

Đường vô xứ nghệ quanh quanh

Non xanh nước biếc như tranh họa đồ -(Ca dao)

Và đặc sản quê ông : Nhút Thanh Chương - Tương Nam Đàn (Tục Ngữ)

Thanh Chương ngon cá sông Giăng-Ngon khoai La Mạc-Ngon măng chợ Chùa-(Tục ngữ)

Và Thanh Chương bao đời nay có truyền thống "Kẻ sĩ thì trau rồi đèn sách. Người nông dân làm nông thì đàn ông chăm lo mùa vụ,đàn bà giữ gìn chính chuyên, hiền thục. Mọi người đều rất coi trọng lễ làng , phép nước, chuộng sự cần kiệm và đều coi trọng việc báo đáp công ơn với nhà vua, với cha mẹ là niềm vui"

Mẹ ông là một trong những người phụ nữ thật tuyệt vời như bao người phụ nữ tuyệt vời khác trên đất Nghệ An! ở thế kỷ trước mà:

Lưng còng gánh nặng thời gian
Da nhăn sám nắng mưa chan cuộc đời
Miếng trầu thắm đỏ đôi môi
Răng đen hạt giẻ vui cười cháu con
Khi cuối xóm lúc đầu thôn
Chuyện ‘’Kiều’, chuyện “Giãng’’, chuyện ‘’Hồn Trương Ba’’
Chiều chiều ánh nắng nhạt nhòa
Nhóm nhen lá rụng khói là là bay ./.-( Mẹ- .Tặng Mẹ 89 tuổi )
Bài thơ ông viết về mẹ và đề tặng mẹ nhân ngày bà 89 tuổi cho ta thấy bà là người phụ nữ dẫu vất vả bởi “gánh nặng thời gian”. Nhưng bà lại rất am hiểu và yêu thích thơ ca chuyện kể dân gian. Ông may mắn lớn lên cùng những lời ru của mẹ từ thuở ấu thơ:

Lời ru của mẹ
Lượn quanh vành nôi
Nụ cười trên môi
À... ơi khôn lớn.
*
Lời ru của mẹ,
Vàng óng lúa đồng
Cánh diều trải rộng
Sáo diều mênh mông
*
Lời ru của mẹ
Sau mái đình làng
Vở chèo –tuồng cổ
Tích chống ngoại xâm.
*
Lời ru của mẹ
Từ lũy tre xanh
Tình yêu nguyên lành.
Gừng cay muối mặn.
*
Lời ru của mẹ
Man mác bến sông
Điệu hò ví dặm
Gửi người tri âm.
*
Lời ru của mẹ
Đất trời bao la
Cho con tất cả
Mẹ hóa lời ca ./._( Lời ru)

Vì ông có một người mẹ và những lời ru con như ông đã viết thì có lẽ chẳng ai ngạc nhiên về tâm hồn dạt dào thơ phú của ông. Thơ ông có rất nhiều cho tới giờ là hơn hai trăm bài. Nhưng hôm nay tôi xin phép ông để đồng hành cùng ông một dòng thơ và có lẽ nó bắt nguồn từ một nỗi đau to lớn dẫn đến một ngã rẽ thơ ông nỗi đau đó là:

Âm dương cách biệt kể từ đây
Mẹ ở nơi nào? Con ở đây
Một phút chia ly ngàn dặm nhớ
Đôi hàng lệ nhỏ ngậm càng cay

Mẹ ơi ! Ơn nghĩa nặng dầy
Mái đầu tóc bạc bước chân gầy
Nếp nhà Mẹ giữ lòng trinh thuận
Nghĩa cả chúng con trọn hiếu đầy

Giờ này Mẹ vội bỏ đi đâu
Mẹ đó chóng con dạ thêm sầu
Một dáng một hình thời canh cưởi
Trong con thấp thoáng mỗi canh thâu

Mẹ ơi! Cách biệt lệ tuôn trào
Càng nghĩ càng thêm nỗi ngán ngao
Có có không không ,không lại có
Đời người như một giấc chiêm bao

Mấy vận thơ đường ,một nén hương
Dâng Mẹ giờ này trước áng đường
Cầu trời khấn Phật hương hồn Mẹ
Siêu độ an lành chốn lạc phương ./.-( Khóc Mẹ-Hợi khắc ,cửu nhật,thất nguyệt ,Canh dần niên).

Không có nỗi đau nào giống nỗi đau nào nhưng mất mẹ là mất mát to lớn vô cùng.Cũng từ đây dòng thơ ông xuất hiện những bài thơ về tư tưởng triết lý nhà phật nhiều hơn,Dẫu trước đó rải rác vẫn có như bài thơ về cửa phật là một trong những bài ông đăng trên Thi Đàn đầu tiên:

Cửa Phật từ bi Pháp nhiệm mầu
Đưa người ra khỏi biển trần đau
Tiêu trừ nghiệp chướng,lên bờ giác
Cửa Phật an vui bước tới mau .-(Cửa Phật).

Và như lời tựa trong bài thơ Cảnh Chùa thì ông đã Quy Y Tam Bảo từ lâu vì ông viết khi Năm Canh Dần 2010 ông quay lại thăm chùa ở Thủ Đức:

Ngoạn cảnh vườn chùa sáng nắng xuân
Bồ đề xanh mát vọng chuông ngân
Đài sen thị hiện Nam- Mô- Phật
Thất Bảo soi mình bóng thế nhân

Thảo mộc ngàn chồi hoa vạn sắc
Thạch màu lấp lánh ánh vàng cân
Ơn xưa Phật Tổ lưu Sùng Đức
Phật tử tăng ni tụng phước xuân .-(Cảnh Chùa-)

Ông viết bài thơ trên với lời tựa: “Kính dâng chùa Sùng Đức nơi con quy y Tam Bảo” Cho ta thấy không phải tới lúc Mẹ ông về nơi chin suối ông mới nương gửi tâm mình nơi cửa phật.thơ ông từ đây tôi nhận thấy một dòng chảy theo những bước chân ông tới hành lễ khắp nơi từ Yên Tử cao vời vợi nơi Phật Hoàng Trần NhânTông gầy dựng Phật Giáo Trúc Lâm ông viết:

Núi cao rừng thẳm suối thác reo
Mái chùa ẩn hiện dựng lưng đèo
Viễn du nối bước rồng uốn lượn
Mây trắng vờn bay hương biển theo
**
Đường lên đỉnh núi dốc cheo leo
Chim đàn ca hát ,quả rừng treo
Trước chùa gió vẩy lay khóm trúc
Bồ đề Bát Nhã Giác Hoàng gieo .-( Yên Tử Sơn)

Ông đã tới Yên Tử Sơn với tuổi đời 70 nhưng hãy xem sự lạc quan của ông nhé:

Đón tiết Xuân này thứ bảy mươi
Vui buồn sướng khổ một đời người
Công danh phú quý vèo theo gió
Hiện tại tương lai PHẬT PHÁP mời –(Xuân 70)

Và với bài thơ tuổi cao thì lại càng lạc quan hơn:

Tuổi cao quyết chí không hề chán
Luyện đức tu tâm thọ bách niên
Thể dục thể thao vừa sức khoẻ
Vui đời ích nước khác gì tiên ./.-(Tuổi Cao)

Ông có sự lạc quan bởi với quan niệm của ông thì “Công danh phú quý vèo theo gió”. Cho nên với ông : “Hiện tại tương lai Phật Pháp mời”.

Ta hãy cùng ông cảm nhận khi nghe tiếng chuông chùa vọng vang nhé:

Chuông chùa khắc điểm tiếng vang ngân
Thức tỉnh tâm nhân khắp cõi trần
Buông xả ưu phiền rời khổ não
Tu rèn đức hạnh quý ân nhân

Chân thành bình đẳng cùng thanh tịnh
Tự tại từ bi với mến thân
Phật tử tăng ni an niệm Phật
Tây phương cực lạc chốn dừng chân -(Chuông Chùa)

Ông đã mở tâm mình đã “thức tỉnh tâm nhân” nên tuổi già ông tìm bình yên
nơi cửa phật ông đã ước :

Bóng lam thấp thoáng sân chùa
Gieo duyên tu hạnh suốt mùa an cư
Ước gì ta được bây chừ
Áo tràng gõ mõ làm sư trong chùa –(Ước)
Làm sư” thì chưa nhưng “Áo lam thấp thoáng sân chùa” để mà “Tu hạnh suốt mùa an cư” thì ông đã đang làm rồi mà:việc đầu tiên là ông đã gột rửa tâm hồn mình:

Cửa Phật bác ai từ bi
Sân chùa rộng mở bước đi vô thường
Tâm Phật an trú thân thương
Kệ kinh khai mở nẻo đường Tu Di
Ngày đêm gột rửa tâm thì
An vui thanh tĩnh đời đi Di Đà – (Gột Rửa Tâm Hồn)

Từ đó dẫn tới:

Tu hành lời Phật nhẹ tâm vơi
Hạnh nguyện tu thân giữ đạo đời
Phật sự chúng sinh thường gắng sức
Hương đăng cửa Phật chẳng ngừng ngơi
\
Nam Mô trì tụng lòng thanh thản
Niệm Quán Thế Âm cứu độ người
Vọng ứơc rời trần về chốn trúc
Ta Bà thất thập thế gian ơi !-( Thất thập)

Và mấy ai làm Phật Tử tại ra được như ông:

Vui tuần dâng lễ Phật Đà
Từ bi hỷ xả lòng ta thấm dần
Tu hành vượt biển thế trần
Đạo mầu tỏa rãng xua dần bờ mê
Chon đường theo pháp đi về
Tây phương cực lạc đuề huề gió trăng
Cũng đừng mê mộng chị Hằng
Tu tâm tự lực mới tăng đạo mầu
Từ đâu rồi lại về đâu ?
Sinh lão bệnh tử ấy câu luật đời
Có không không có rối bời
Quán chiếu tự tại không rời "Tâm Kinh"
Chữ Tâm sánh với chữ Tình
Tâm tạo tướng pháp Tâm sinh tánh tình –( Không Rời)

Ông luôn tâm niệm “Chữ tâm sánh với chữ tình” để sống để hành lễ và cả với thơ cũng vậy. Đại lễ Phật Đản ông có cách mừng riêng của mình trong bài:

Phật tử rộn rã tưng bừng
Cờ hoa biểu ngữ đèn chưng đón chào
Lễ Phật Đản vui biết bao
Mừng đấng Từ Phụ dáng vào cứu nhân
Giúp đời vượt biển trầm luân
Đưa người giải thoát gian truân kiếp trần
Từ bi bác ái muôn dân
Làm lành lánh dữ đặng phần phước duyên
Nhân quả quy luật lưu truyền
Chân tam tu luyện về miền lạc bang – (Mừng Phật Đản )

Với tâm một lòng hướng phật như bậy ông hành hương lễ phật ở khắp nơi ! mỗi nơi đến ông đều ghi lại bằng thơ. Gần nhất là Chung Linh Tự ngay trên quê hương Thanh Chương của ông (Không biết ông có là người Rú Chùa- Liên Chung hay không thôi).Ngôi chùa 500 tuổi có tiếng chuông linh thiêng này. Được trùng tu theo nguyện vọng của người dân và phật tử nơi đây, ngày khánh thành ông đã viết bài Tự Chung Linh rất đặc biệt sau:

Xưa chợ bên sông phía trước chùa
Bởi thế nhân gian gọi Chợ Chùa
Nay chùa phục dựng ,linh ứng Phật
Thế nhân hoan hỷ tựu lai chùa

Qua cầu bước tới tự Chung Linh
Đất Phật ngàn xưa rạng bình minh
Thiền nam, tín nữ trì tụng niệm
Dân an, Quốc thái,Tổ siêu linh

Chung Linh phục dựng giữa lòng dân
Thanh long ,bạch hổ thế tụ quần
Hào quang toả rạng hào quang Phật
Tân thế tâm nhân xích lại gần

Khánh mõ chuông chùa vang vọng ngân
Thức tỉnh tâm mê sạch bụi trần
Phật Pháp nhiệm mầu chân lý sống
Từ bi bác ái độ thế nhân

Vui mừng chào đón đón chào Thầy
Trụ trì về đây chốn chùa này
Đại đức thiện sư Thích Quảng Bảo
Điểm tựa tâm linh vượng từ đây –(Tự Chung Linh)

Không chỉ làm thơ ghi lại cảm xúc ở những ngôi chùa không. Khi ghé Miếu Già bên dòng sông Lam ông viết:

Uốn quanh xanh thẳm sông Lam
Soi mình bên vực miếu am núi già
Lá tre cành phượng là đà
Núi cao chim hót vang xa khắp vùng
Hương thơm bay tận cửu trùng
Cứu dân độ thế mọi vùng gần xa
Thiện tâm tự tại lòng ta
Muôn nơi trăm họ một nhà chung an – (Miếu già)

Còn đây là bài thơ ông viết về đền thờ Tướng Quân trẻ Phan Đà. Phan Đà là niềm tự hào không chỉ người dân quê ông mà còn là niềm tự hào của người dân xứ nghệ. Nên tương truyền trong dân gian có câu: “Nhất Cờn, nhì Qủa, Tam Bạch Mã, Tứ Chiêu Trưng” . để nói nên vẻ uy nghi của bốn ngôi đền trên đất Nghệ An. Đền Bạch Mã lại ngay trên Thanh Chương quê ông

Quê hương đất mẹ dựng ngôi đền
Thờ phụng Phan Đà mấy chục niên
Tuốt giáo vung gươm tan đại tặc
Phi tên dẹp giặc giữ dân yên
Công ơn muôn thuở ghi tâm dạ

Nghĩa nặng ngàn thu khắc bảng truyền
Mở hội dân làng tâu lễ bái
Lưu truyền sử tích mãi còn nguyên – (Dựng Đền)

Không chỉ hành hương lễ phật trên quê hương Thanh Chương không thôi. Ông còn đi hành hương khắp nơi trong đó ông có dấu ấn với khu đền thờ Cương Quốc Công Ngyễn Xí ở Nghi Lộc Nghệ An với bài thơ :Viếng Lăng Nguyễn Xí

Đã từng vang tiếng thơm danh
Chiều nay thắp nén tâm thành trước lăng
Hổ tang tích xưa phải chăng
Giờ này hương khói gió găng nắng chiều
Hương hồn Nguyễn Xí kính yêu
Lòng buông tay khấu niệm điều đức nhân –( Viếng Lăng Nguyễn Xí)

Và bài thơ tỏ lòng tôn kính của mình :Dâng Hương Đền Nguyễn Xí

Thành tâm dâng nén tâm hương
Tượng đồng Nguyễn Xí khói hương nắng chiều
Thái Sư Cương Quốc nội triều
Sáu trăm năm trước bao điều sử ghi
Chiều nay thời khắc diệu kỳ
Vai thiều chín đỏ lối đi dâng Người -(:Dâng Hương Đền Nguyễn Xí)

Ông hành hương đến khắp nơi vào nam ra bắc đến cố đô ông viết:

Vô thăm đất cổ lung linh.
Trăm năm sừng sững uy linh chói lòa.
Còn đây sân điện Thái Hòa
Rồng bay phượng múa như là cõi tiên
Dấu xe ngựa cũ còn nguyên
Bóng người thấp thoáng ngồi trên ngai vàng
Những mơ những tưởng bàng hoàng
Mồ hôi và máu ngập tràn binh đao
Khí thiêng sông núi năm nào
Rêu phong phủ kín tường cao ngói dày
Uy nghi cửu đỉnh là đây
Sân rồng bệ ngọc có hay chăng là
Năm năm tháng tháng đã qua
Giờ đây óng ánh pha màu thời gian –(Cố Đô)

Ông ghé ngôi chùa mình từng quy y tam bảo tận Thủ Đức sài gòn.

Ghé chùa. Phúc Viên nơi ông Tín –Hạnh –Nguyện ông viết:
Tọa lạc đồi cao hướng hướng đông
Phúc Viên Thanh Lĩnh chốn thành đồng
Đạo tràng niệm Phật cầu an lạc
Phật tử trì kinh nguyện dốc lòng

Bình đẳng từ bi cùng bác ái
Chân thành thanh tịnh đặng thành công
Tây phương cực lạc lời thề nguyện
Thất -Bảo Tu -Di rực ánh hồng – (Chùa Phúc Viên).

Rong ruổi hành hương khắp các ngôi chùa miền bắc ông lưu lại riêng Yên Tử có một chùm bài thơ là:

Mưa tầm tã bỗng trời quang đãng
Miệng mỉm cười, mắt nhìn sao sáng
Hóa hiển Phật thế sư tử tọa
Ngũ sắc mây lọng, nhạc trời vang .-(Vua Trần Hiển Phật)

Đường xưa lên núi rêu phủ trơn
Gặp ba tên cướp phải nhường cơm
Trưa đến dừng chân xơi nước suối
Cầm thực giờ đây mận ngát thơm . (Chùa Cầm Thực)

Khí thiêng hội tụ cả đất trời
Bồng lai tiên cảnh chẳng sai lời
Rồng vàng uốn lượn linh Yên Tử
Mây ngàn ,gió biển ,đá chơi vơi –( Linh Sơn Yên Tử)
*

Chùa Đồng toạ lạc đỉnh đầu voi
Núi đá nhô cao tận mây trời
Sương treo lơ lửng đầu du khách
Tới rồi khoan khoái bụi trần rơi .- (Chùa đồng)

*

Qua dây dều tới chùa Hoa Yên
Đaị cổ nghiêng nghiêng hoa trắng sữa
Mây kết thành hoa giăng trước cửa
Thánh Tông tức cảnh đổi Hoa Yên- (Chùa Hoa Yên)

Bia cao năm mét chữ hán mờ
Chân bia khóm trúc lá lơ thơ
Bên bia cổ thụ xanh hoa trắng
Thiên ,địa ,nhân hoà tuyệt ý thơ.-( Bia Phật)

Và Tượng An Kỳ Sinh nữa:

Tượng đá hình sư đứng chắp tay
áo dài tha thướt gió tung bay
An Kỳ Sinh tu tiên hoá đá
Ông già tóc bạc gậy cầm tay.- (Tượng An Kỳ Sinh)

Và bài thơ ông viết về Phật Hoàng:

Vua Trần Nhân Tông
(1258 - 1308)
Rời cung điện tháp tòa
Nhập rừng trúc núi đá
Là Cha của muôn dân
Là Phật của muôn loài
Lưu tích cùng sông núi
Thơm danh mãi ngàn đời
Nối tiếp đạo Thích Ca
Dạy dân tu thiện đạo
Dẹp giặc độ chúng sinh
Pháp Hương Vân Đầu Đà
Hiệu Trúc Lâm Đại Sĩ
Gọi Điệu Ngữ Giác Hoàng .
Về Yên Tử hành hương ông ghé chùa Một Mái ông viết:
Trước cửa mai vờn tóc viễn du
Hoa bưởi trắng trắng xoa sương mù
Thấp thoáng rồng xanh khắc ẩn hiện
Am xưa Điệu Ngữ Giác Hoàng tu ***
Giọt sữa mẹ mỗi đêm một bát
Cứu thế nhân qua cơn cực khát
Đụn gạo xxưa bài học thế gian
Nửa mái nửa hang chùa thoáng mát .- .-(Chùa Một Mái)

Tâm niệm hành hương lễ phật còn đưa ông tới tận cổng trời nữa.

Ai dựng nơi đây tự thuở nào ?
Cổng trời hai cột đá dựng cao
Đường hẻm quanh co dốc tiếp dốc
Bảy mươi tay vịn miệng phì phào .-( Cổng Trời)

Có lẽ Cổng Trời chỉ là ghé thăm quan trên đường hành hương nên ông đã viết bài thơ này có chút tuổi cao nên: “Tay vịn miệng phì phào”. Nhưng tâm của một Phật tử thì rõ nét trong thơ ông với một ánh sang ngời:

Có ngày mai-nhưng ra sao?
Hôm nay hãy sống thanh cao tâm nhàn
Tình người thánh thiện vô vàn
Đừng làm phai nhạt để tàn ngày mai – (Tự Nhủ)

*

Bảy chục xuân rồi đã vượt qua
Bước sang xuân mới tuổi xuân già
Ngày về cõi niết tự tha lực
Nhân thế vô thường cực lạc xa .-(Tự Vịnh)

*

Tâm linh ,tín ngưỡng cõi thiêng
là quyền bình đẳng của riêng mỗi người
Vô tâm xem đó trò cười
Người không trí tuệ cùng người u mê .-( Cõi thiêng)

Ông đã có cõi thiêng cho riêng mình và đây cũng như một lời nhắn nhủ với con cháu với bạn bè và mọi người xung quanh ông.

Rong ruổi hành hương cũng đã đưa ông về chùa Quán Sứ và giờ đây ta hãy xem ông đúc kết về “Từ Bi- Bình Đẳng-Vô Ngã-Vị Tha”

Từ Bi
Từ bi thân ái chúng sinh
Thương người như thể thương mình chẳng sai
Giúp nhau đâu kể trong ngoài
Cứu người hoạn nạn không nài thấp cao
Bình Đẳng
Bình đẳng cư xử muôn loài
Cùng chung sự sống chớ hoài hại nhau
Người nghèo như thể người giàu
Gái trai già trẻ chung cầu bằng an
Vô Ngã
Vô ngã tâm tính hàng đầu
Sống vì mọi giới phải đâu riêng mình
Chữ nhẫn thấu hiểu phân minh
Vì tôi bỏ bạn đâu tình nhân gian
Vị Tha
Vị tha cùng với khoan dung
Đó là tặng phẩm vô cùng quý cao
Lỗi lầm ruột héo gan bào
Khoan dung tỉnh thức đường vào chân tâm ./.
Và đây là điều mà ông gửi gắm cho bạn hữu trên Thi Đàn Tho.com.vn với tình cảm và cái tâm của một phật tử yêu thơ

Thi đàn sân trí chơi chung
Văn minh ,tri thức kết cùng tâm giao
Tinh thần thân ái nêu cao
Ý thức xây dựng phong trào vươn lên
Bình đẳng ,đoàn kết vững bền
Thương yêu, chia sẻ chung tên một nhà
Tiên nhân Cụ Tổ dạy là ;
“Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”
Không đào thì chọn bông mai
Thanh tao ,tươi thắm không ngoài hoa sen –( Hoa Sen)

Tới đây tôi muốn mượn hai bài thơ của ông viết gần nhất một bài vào ngày 19/10/2013 là bài Tâm Và bài Chữ ông viết ngày 19/10/2013

Tâm
Tâm buồn lưu trú cõi u minh
Tâm thiện an lành khắp chúng sinh
Tâm loạn lòng người đa bối rối
Tâm an cuộc sống đặng thanh bình
Tâm hiền thêm bạn thời thanh thản
Tâm ác tăng thù thế bỏ khinh
Tâm tính hòa vui càng hạnh phúc
Tâm thanh quảng đại đẹp và xinh ./.
Chữ
Chữ HIẾU làm con giữ đứng đầu
Chữ TRUNG bất cứ ở nơi đâu
Chữ NHÂN học mãi song chưa hết
Chữ NGHĨA hành rồi phải nhớ lâu
Chữ ĐỨC luôn tu cho thật sáng
Chữ TÀI rèn luyện để càng sâu
Chữ TÂM rộng mở làm nền móng
Chữ TÍN nâng cao mới nhiệm mầu

Hai bài này làm đoạn kết đã nói đủ và nói hết về những điều ông mong mỏi ông phấn đấu trên con đường ông tìm tới “cõi thiêng” của riêng ông.

Lời Thưa: Từ khi biết trang tho.com.vn mỗi ngày tôi đều vô đọc thơ. Rồi tôi gặp dòng thơ rất riêng của tác giả Nguyễn viết Quế. Không biết từ bao giờ nếu cần tĩnh tâm thì tôi lại tìm thơ ông để đọc. Ông không viết thơ thiền nhưng thật kỳ lạ đọc thơ ông về những ngôi chùa về những quan niệm và triết lý nhà Phật thấy lòng nhẹ nhàng và tâm hồn thư thái. Hôm nay đây tôi xin mạn phép ông lục lọi gia tài hơn hai trăm bài thơ của ông viết về rất nhiều đề tài khác nhau để tìm ra một số bài thơ tiêu biểu của ông để khắc họa một bức chân dung tác giả Nguyễn Viết Quế qua góc nhìn một phật tử yêu thơ. Với kinh nghiệm và hiểu biết hạn hẹp của tôi có thể những bài thơ trích dẫn trên đây của tôi chưa thể đúng với suy nghĩ của tác giả. Xin phép ông hãy cho tôi được làm theo ý mình. Và đây cũng là lời cám ơn của tôi giành cho tác giả một dòng thơ mà tôi vẫn thường đọc và chiêm nghiệm



Sài Gòn 7/11/2013

Huỳnh Xuân Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét