Thứ Tư, 29 tháng 7, 2015

MẸ


MẸ

Tóc dài chấm gót chân son 
Mảnh mai dáng Mẹ thủa còn thanh tân 
Thương Giang nức nở hợp làn
Lắng trong tiễn Mẹ tần ngần theo Cha

Đồng chiêm trũng, bãi đồi xa
Chân trần thiếu phụ trải qua sớm chiều
Bên Cha góp nhặt thương yêu 
Âm thầm vốc nước tưới điều khốc khô

Nửa chiều che nắng quái xô
Hoàng hôn hắt đổ giấc mơ lặng thầm 
Bao lần dõi ánh trăng rằm
Mẹ mong đêm vắng "Tháng năm..." thật dài

Lưng oằn từ buổi sớm mai 
Thương con Mẹ chất lên vai nghĩa nghì 
Nuốt từng giọt lệ chèo đi
Mặc cho sông uốn ôm ghì vực sâu...


Nhìn con Mẹ thấy mình giàu
Giàu luôn "Dị mộng" níu nhau suốt đời
Cuối chiều mây xám vẫn trôi
Vói tay Mẹ hái nụ cười già nua...

Mẹ ơi! Trái ngọt được mùa
Nhờ bàn tay Mẹ nắng mưa ươm mầm
Gieo hương một dạ sắt cầm 
Vườn nhà ấm áp tình thâm trĩu cành 

(Huỳnh Phú Vang)

Thứ Hai, 27 tháng 7, 2015

Đọc ĐỪNG! Của tác giả C. H



Bao nhiêu chữ cho một bài thơ đủ để đọng lại trong lòng bạn đọc, ý thơ mà người viết muốn chuyển tải? Câu hỏi này ít nhiều mỗi người viết đều đắn đo khi gặp ý thơ muốn viết. Với tác giả C.H thì chỉ cần ba ngắt ý với mười từ là đủ:
Đừng!

Ứ!
Đừng anh ..,
Mình để dành cho nhau ngày cưới! (C.H)

Chỉ với vỏn vẹn ba ngắt ý cho một bài thơ tình, phải chăng là quá ngắn? Bởi biển tình thường sâu thăm thẳm và rộng mênh mông !

Đừng! chỉ với mười từ mà tác giả muốn chuyên chở một cuộc đối thoại? Hình như chỉ là độc thoại? Nhưng có Anh lại có Mình có sự phản kháng hẳn là đối thoại!

Ứ! Một sự phản kháng nhẹ nhàng, dịu dàng và rất dễ thương là ngắt ý thứ nhất cho bài thơ này! Vì sao?Và vì đâu? dẫn đến một từ chỉ sự phản kháng. Ứ! Hẳn sự phản kháng này đến từ phía Em mà nguyên nhân xuất phát từ đối tác bên cạnh!

Vừa mới bật lên một từ Ứ rất dễ thương thì liền theo sau là ngắt ý thứ hai.

Đừng anh....!

Vẫn là một sự phản kháng có lẽ kèm theo hành động cương quyết hơn. Đừng anh...Cái dấu ba chấm này thật đắc địa, Không cần nói ra thì ai cũng biết tại sao có sự phản kháng này.
Anh đã làm gì?
Dang tay ngắt một bông hoa em cũng có thể ngăn lại và nói "Đừng anh..." Lắm chứ.
Một vòng tay, môi kề một nụ hôn, cũng có thể là Đừng anh...Con gái mà! Dẫu sao? Và muốn biết tại sao? Em lại phản kháng ta vào ngắt ý thứ ba

Mình để dành cho nhau ngày cưới!

Không chỉ là Anh và cũng chẳng là Em nữa mà là Mình, cả hai mới thực hiện được chuyện để Dành này .
Chữ tình, thâm ý và hồn cốt của bài thơ Đừng! Nằm trọn trong câu thơ bảy chữ và một dấu chấm than này.

Xưa nay : "Các nền văn hóa luôn đề cao trinh tiết bởi nó cho thấy sự trong trắng trong tâm hồn, ý chí kiên định trong việc tiết chế bản năng để giữ gìn thể xác thuần khiết trước hôn nhân. Trinh tiết là món quà tinh thần lớn lao khi "lần đầu tiên" Của người bạn đời được họ giữ gìn và dành tặng cho mình, qua đó củng cố sự tin tưởng vào đức hạnh của bạn đời. Do giá trị đạo đức và tinh thần đó mà trinh tiết được nhiều người tôn vinh..."

Thời xa xưa khi mà quan niệm"Nhất nam viết hữu thập nữ viết vô" Nhưng phụ nữ vẫn có quyền ngẩn cao đầu mà nói với các chàng trai:

Hàng ngày kinh sử dùi mài
Anh biết chăng ngàn vàng dẫu có khó nài chữ trinh.(Ca dao)

Những nam sinh nho nhã biết tôn trọng trinh tiết cũng là đức hạnh của các cô thì đối đáp rằng:

Phận anh quân tử bất quý ngàn vàng
Chữ trinh em giữ anh chẳng màng vàng cân.

Trở lại với bài thơ Đừng! Của tác giả C. H. Sau khi phản kháng nhỏ nhẹ nhưng cương quyết với người mình yêu đã xác định có "ngày cưới". Anh không có hành động hay lời nói nào trả lại Em trong bài thơ! Nhưng tác giả tin, tôi tin và mong rằng bạn đọc cũng tin rằng . Cô gái ấy như phần đông các cô gái Việt Nam đã được răn dạy theo nề nếp gia phong từ bao đời nay ông bà ta giữ gìn và truyền lại.

Mặc ai ép nghĩa nài tình
Phận mình là gái tiết trinh làm đầu. (Ca Dao)

"Chữ trinh đáng giá ngàn vàng." Không chỉ đúng với thế hệ tác giả nay tuổi đã về chiều. Mà ở đâu thời nào và bao giờ cũng vậy!
"Không phải ngẫu nhiên mà hầu hết các tôn giáo và dân tộc từ Đông sang Tây đều có khái niệm về trinh tiết và tôn vinh nó. Trinh tiết là biểu tượng của một tình yêu trong sáng, thủy chung, không bị chi phối bởi dục vọng xác thịt. Đây là một trong những giá trị Chân - Thiện - Mỹ mà dù ở thời đại nào thì con người cũng ca tụng và hướng tới."

Ngày hôm nay xã hội phát triển kéo theo nhiều quan niệm về tình yêu hôn nhân và trinh tiết cũng thoáng hơn của một bộ phận giới trẻ. Nhưng không vì thế mà Trinh tiết bị coi nhẹ.

Lối sống buông thả, Sống thử, yêu hết mình. Của một số bạn trẻ ngày nay dẫn tới nhiều hệ luỵ xấu. Tha hoá về đạo đức, ảnh hưởng hạnh phúc gia đình, trong khi gia đình là nền tảng của xã hội!

Một tình yêu trong sáng một lối sống lành mạnh, dẫn tới gia đình hạnh phúc. Cần và rất cần phải có Đừng từ mỗi thiếu nữ. Và cần cả hai phải cùng "Mình để dành cho nhau ngày cưới!"!

Cám ơn tác giả C.H đã cho tôi có cơ hội đồng cảm và giãi bãy những suy nghĩ cũng như quan niệm của riêng mình!

Còn bạn? Bạn nghĩ sao về Đừng...!


Sài Gòn 29/5/2015

Huỳnh Xuân Sơn

Đọc Giấu của tác giả Hương Ngọc Lan


Giấu! Một hành động nhằm che đậy những việc làm hoặc những hình ảnh đồ vật của riêng mình mà không muốn người khác biết đến, lại được tác giả Hương Ngọc Lan đặt tựa đề cho bài thơ tình của mình. Người viết bị cuốn hút bởi tựa đề dẫn đến chìm đắm trong ý thơ với tình thơ nhẹ nhàng, đã dẫn người viết bước vô thế giới nội tâm của bài thơ.

 Người viết mong bạn đọc cùng  khám phá xem Hương Ngọc Lan đã Giấu những gì?..

GIẤU

Em giấu anh vào trong trái tim em
Để không phải cả đêm ngày thổn thức
Và yêu anh bằng tình yêu rất thực
Cho tâm hồn không còn phải cô liêu

Em giấu anh vào nỗi nhớ liêu xiêu
Dẫu thời gian làm bạc đầu con sóng
Tình vẫn như bờ cát yêu biển rộng
Và cuộc đời còn đẹp mãi giấc mơ

Em giấu anh vào trong những vần thơ
Để nhân gian còn được nhiều ước vọng
Dù trải qua bao năm dài tháng rộng
Thì cuộc tình vẫn đẹp mãi như tranh

Giấu anh vào trong giấc mộng mong manh
Cho yêu thương suốt đời không phai nhạt
Như sóng lòng luôn cuộn dâng dào dạt 
Vì anh là hạnh phúc của riêng em! (Hương Ngọc Lan)

Giấu ! Đã được tác giả dùng thể thơ tự do để chuyên chở tứ thơ chứa đựng tình thơ, đưa người đọc qua nhiều cung bậc cảm xúc riêng. Nhưng hẳn mỗi bạn đọc trong đó có người viết, ít nhiều đã tìm thấy mình trong những câu thơ với những từ ngữ giản đơn mà thanh thoát.

Em giấu anh vào trong trái tim em
Để không phải cả đêm ngày thổn thức
Và yêu anh bằng tình yêu rất thực
Cho tâm hồn thoát khỏi bến cô liêu 

Điều mà "em muốn giấu" Đầu tiên qua những câu thơ rất dễ cảm, nhưng lại trùng trùng những câu hỏi? Anh người mà chủ thể Em "yêu bằng tình yêu rất thực" Sao lại phải Giấu? Và nơi cất giấu ấy cũng khác lạ "trong trái tim em".
 Ngay sau đó là một sự giả định . Nếu giấu được thì Em "không phải cả đêm ngày thổn thức", chưa hết, nếu  giấu được thì "tâm hồn" Cũng "thoát khỏi bến cô liêu"... 
Một tình yêu em đã khẳng định rằng nó  rất thực, nhưng tâm hồn nơi xuất phát tình yêu thì lại trú ngụ trong một"bến cô liêu" và suốt cả ngày đêm trái tim ấy phải "thổn thức"... 
Ôi! Giá như những cảm xúc ấy, nơi trú ngụ ấy chỉ sảy ra khi phải Giấu! Nỗi khát khao, niềm mong mỏi ấy, có lẽ không chỉ đến với một mình người viết khi đọc khổ thơ mở đầu này. Để rồi một câu hỏi xuất hiện phía sau câu chữ vừa chuyển tải qua tứ thơ!
Tình yêu rất thực em trao cho anh mà lại mong mỏi Giấu trọn anh trong trái tim mình. Yêu anh mà trái tim em phải ngày đêm thổn thức, Yêu anh mà tâm hồn em phải Trú ngụ trong "bến cô liêu". Nhưng tất cả sẽ thoát ra khi "Em Giấu anh"! Tình yêu đơn phương? Hay tình yêu đầy trắc trở...
Ngổn ngang câu hỏi người viết mang theo vào sâu hơn trong Giấu:

Em giấu anh vào nỗi nhớ liêu xiêu
Dẫu thời gian làm bạc đầu con sóng
Tình vẫn như bờ cát yêu biển rộng
Và cuộc đời còn đẹp mãi giấc mơ

Cuộc đời hẳn ai cũng nuôi dưỡng những ước mơ chứ không riêng Em và cũng chẳng mình Anh trong cuộc tình được ví như "Bờ yêu biển rộng" này. "Nỗi nhớ liêu xiêu" Ơi! Liệu có đủ chỗ cho em cất Giấu anh không? Em không giấu một chốc một lát như thủa nào ta chơi trò chơi trốn tìm đâu. Em muốn giấu kỹ giấu lâu dầu có phải chờ đợi bao lâu để giấu được? Em cũng cam lòng..
Hình ảnh những con sóng bạc đầu hiện diện nơi đây được tác giả đổ thừa tại "Thời gian. Không! Thời gian chỉ làm những mái tóc xanh kia bạc vì chờ đợi? Phai vì thổn thức...

Cuộc tình như "bờ cát yêu biển rộng" Ư? Phải chăng bờ lặng lẽ đợi chờ những con sóng được hình thành từ sự cuộn nhồi trong lòng biển theo tiếng gọi con tim lao vào bờ bất chấp "Bờ cát dài phẳng lặng" Hay vách đá đang chờ.

Giấu vào anh này đáng yêu, nhưng cũng thật đáng sợ tác giả ạ! Có lẽ tới đây tác giả sẽ đặt cho người viết một câu hỏi? Người viết biết câu hỏi ấy, Tác giả biết câu trả lời cho câu hỏi ấy, vậy thôi mình cùng giữ lại cho riêng mỗi người nhé !

Hai nơi cất giấu mà Em muốn giấu anh vào đã qua. Trái tim và Nỗi nhớ liêu xiêu. Nhưng có lẽ hai nơi ấy chỉ một mình Em biết và nếu giấu được thì nhiều lắm có thêm Anh nữa biết ...
Phải chăng Giấu anh ở hai nơi ấy bí mật sẽ được giữ kín. Tình yêu cũng vì thế mà mãi mãi như bờ với biển chẳng thể rời nhau?

Giấu được anh phải chăng Em chỉ muốn thế? Không ! Hình như Em cần nhiều hơn thế:

Em giấu anh vào trong những vần thơ
Để nhân gian còn được nhiều ước vọng
Dù trải qua bao năm dài tháng rộng
Thì cuộc tình vẫn đẹp mãi như tranh

Tranh hẳn chỉ dùng để ngắm, ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt. Vậy mà tác giả lại ví "cuộc tình vẫn đẹp mãi như tranh". Dẫu bao nhiêu năm dài tháng rộng đi qua. Cuộc tình này sẽ là như thế nếu "Em giấu anh vào trong những vần thơ". Thơ cần có bạn đọc, tranh cần có người ngắm. Vậy phải chăng Em chỉ muốn khoe ra chứ không cần giấu đi? Cuộc tình này như một bức tranh đẹp lắm, thơ mộng lắm, sâu nặng lắm và cũng không ít khổ đau với Em phải không tác giả ơi!

Giấu! Hình như lẫn trong tiếng lòng thổn thức Em lại không muốn giấu. Cứ quẩn quanh, loay hoay tìm nơi cất giấu thêm một lần nữa...

Giấu anh vào trong giấc mộng mong manh
Cho yêu thương suốt đời không phai nhạt
Như sóng lòng luôn cuộn dâng dào dạt 
Vì anh là hạnh phúc của riêng em!

Giấu trong tim! Mong chiếm giữ trọn trong nhịp đập dập dồn ấy, Em còn muốn Giấu cả trong tâm tư trong bất kể suy nghĩ nào nơi ấy chắc chỉ có Em cảm nhận được - Nỗi nhớ... Nhưng rồi cả hai nơi ấy nếu Giấu được thì tình yêu ấy, nỗi niềm ấy và Anh ... Chỉ một mình em biết, mình em cảm và đó không phải điều mà Em muốn. Thôi thì nơi cất giấu của Thi sĩ có lẽ an toàn và cũng sẽ có một ai đó biết "những vần thơ" ... Hiện hữu mà lại không thể cầm nắm, không thể ôm ấp nâng niu, chỉ có thể nhìn thấy và cảm nhận. Cuộc tình không thể như "một bức tranh" Tác giả có lẽ cũng dđồng cảm như thế để rồi phân vân, để rồi lựa chọn và cuối cùng đi đến quyết định "Giấu anh vào trong giấc mộng mong manh".

Trong giấc mộng Em hẳn nhiên sẽ không phải sống trong "thổn thức suốt đêm ngày". Cũng không phải chờ đợi như bờ chờ sóng, càng không phải ngắm nhìn từ xa như tranh. Em với một tình yêu đặc biệt dành cho Anh "suốt đời không phai nhạt". Tình của em có lẽ còn dạt dào hơn những con sóng bạc đầu ngoài khơi lao về với bờ. Bất chấp tất cả chỉ bởi "anh là hạnh phúc của riêng em"Chứ không hẳn là hạnh phúc của hai ta.

Giấu của Hương Ngọc Lan phải chăng là một cuộc tình cần phải giấu. Nhưng khi yêu trái tim luôn có lý lẽ riêng của nó, người mang trái tim yêu thổn thức suốt đêm ngày kia hẳn không hề muốn Giấu... Em trong thơ Hương Ngọc Lan là một chủ thể đặc biệt, và tình yêu thương dành cho Anh của Em cũng đặc biệt không kém.
 Đó chính là nguyên nhân để cảm xúc bật lên Giấu được tác giả gửi vào câu chữ đơn giản nhưng trau chuốt kỹ lưỡng, trước khi sắp xếp theo một nhịp điệu khi êm ả, lúc gập ghềnh và có lúc như hụt hẫng... Tất cả nhằm chuyên chở một mối tình trắc trở, có lẽ người gây ra trắc trở từ phía anh.
 Phải chăng bắt nguồn từ trắc trở ấy khiến cho trái tim yêu loạn nhịp của Em buộc phải che Giấu... 
Giấu nhưng mà không giấu được nữa rồi. Mối tình ấy đã được khoe ra kể từ khi câu thơ đầu tiên được viết ra...

Sài Gòn 26/7/2015
Huỳnh Xuân Sơn

Chủ Nhật, 24 tháng 5, 2015

Nợ Duyên



Nợ Duyên

Trăng ngà vừa rơi
Tảng đá nghìn năm vỡ nát
Cả hai rơi xuống dòng đời
Bọt tung trắng xoá...
Hoá trăm năm

Chủ Nhật, 17 tháng 5, 2015

ĐỌC NHỚ HẠ của tác giả Phạm Hoàng Tuyên




Mùa Hạ! không biết tự bao giờ? Không biết do đâu mà nó luôn là mùa gợi nhớ, nhắc nhớ...Đặc biệt khi đứng trước những chùm phượng đỏ "đốt cháy cả khoảng trời" Cùng inh ỏi tiếng ve... Thời hoa niên, tuổi học trò không bảo nhau những kỷ niệm cứ ùa về. Nhất là những ai có chút duyên nợ với câu chữ thì ý thơ xuất hiện vào những lúc như thế. Tác giả Phạm Hoàng Tuyên với bài thơ Hạ Nhớ cũng vừa khơi trong tôi một dòng cảm xúc đặc biệt.
Nhớ Hạ

Mây vô tình trôi lạc bến sông xưa
Hồn bỗng nhớ một thuở nào xa lắc
Nắng hạ buồn trong lời ve rưng rức
Phượng rực trời thiêu cháy một vùng mơ.
Anh bây giờ vẫn lặng lẽ làm thơ
Qua năm tháng tình em thành vết tích. (Phạm Hoàng Tuyên)

Sáu câu thơ tổng cộng 48 chữ, được tác giả phác hoạ nên bức tranh mang tên Nhớ Hạ. Vẫn là những nét vẽ đặc trưng như hoa phượng, như tiếng ve cùng màu nắng. Nhưng bức tranh ấy lại có nhiều chiều gợi nhắc về một nỗi nhớ mùa hạ có lẽ đã xa, rất xa...

Nhớ Hạ bùng lên không phải do chủ thể gặp "Màu hoa như màu máu con tim". Mà do một áng "Mây vô tình trôi.." Khiến cho ai đó chứ chưa hẳn là Mây " lạc bến sông xưa". Bến sông ấy hẳn có "Một dòng trong xanh chảy đến vô cùng". Bến sông ấy có lẽ cất giấu rất nhiều kỷ niệm về một mùa hạ nào đó. Nên tác giả vung cọ thêm một nét nữa vào bức phác thảo Nhớ Hạ:

Hồn bỗng nhớ một thuở nào xa lắc

Vậy là câu giả định trên của tôi rằng "ai đó" đi lạc vào "bến sông xưa" Có lẽ đã đúng. Hồn của ai đó bởi đi lạc nên "bỗng nhớ một thuở nào xa lắc" Xa thôi đã thấy nhớ rồi, ở đây tác giả viết Xa Lắc, liệu với khoảng cách không gian và thời gian xa lắc ấy, kỷ niệm có còn nguyên vẹn không? Nhất là khi nhịp thơ dùng để khơi gợi 3/5 trúc trắc chuyển sang 3/3/2 cũng gập ghềnh không kém...

Nắng hạ buồn trong lời ve rưng rức
Phượng rực trời thiêu cháy một vùng mơ.

Những âm thanh hình ảnh đặc trưng của mùa hạ, như nắng, tiếng ve, phượng đỏ xuất hiện.. Nhưng khi theo nét vẽ của tác giả vào trong Nhớ Hạ với các từ như "Buồn" "Rưng rức" Rồi thì "Thiêu cháy."..Khiến cho màu nắng không còn "Màu nắng như là màu mắt em". Để cho ai kia không còn cơ hội "Gọi nắng, cho tóc em cài loài hoa nắng rơi, nắng đưa em về miền cao gió mây." Mà với "nắng hạ buồn theo lời ve rưng rức" Thì tác giả ơi! Phải chăng:"Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn" Rồi từ đó mỗi khi âm thanh rộn ràng của dàn đồng ca mùa hạ cất lên là lại cảm thấy: "Tiếng ve nức nở buồn hơn tiếng lòng". Vùng ước mơ bị những tàng phượng thiêu đốt ấy phải chăng là

"và thuở ấy biết bao nhiêu buồn vui
gói trọn theo tuổi đời
tình đẹp như trang giấy kết vần thơ
như một nụ hoa trắng
nhưng bao nhiêu yêu dấu đã phai mờ
thời gian nỡ vùi chôn tuổi học trò "(Lưu Bút Ngày Xanh- Thanh Sơn)
Kỷ niệm tuổi học trò với những bâng khuâng đầu đời bao giờ cũng đẹp và thật khó quên. Ngay cả khi nó không được trọn vẹn như mơ ước của mỗi nam thanh, nữ tú thủa còn mộng mơ .
Với tác giả Phạm Hoàng Tuyên người đang phác thảo bức tranh nỗi Nhớ Hạ có lẽ cũng không ngoại lệ.
Không một câu nào diễn tả sự dở dang, không một lời chưa kịp ngỏ, không một kỷ vật trao nhau dẫu là giấu trong ngăn bàn lặng lẽ...Tôi vẫn cảm nhận thấy Nhớ Hạ có một tâm tư chưa trọn ngay trước khi vào hai câu kết.
Anh bây giờ vẫn lặng lẽ làm thơ
Qua năm tháng tình em thành vết tích
Ngôi thứ nhất Anh xuất hiện nhưng để nói rằng hiện tại "bây giờ vẫn lặng lẽ làm thơ". Không có một sự liên hệ kết nối nào với vầng mây đi lạc vào "bến sông xưa" Để cho "Hồn bỗng nhớ"... Nhưng với câu thơ có ngôi thứ hai Em xuất hiện thì đã cho thấy Anh chính là chủ thể trong bài thơ Nhớ Hạ!
Tuy Anh khẳng định "Qua năm tháng tình em thành vết tích" Nhưng xuyên suốt cả bài thơ với những nét vẽ tài tình, lúc ẩn, khi hiện, về một mùa hạ đã xa của chủ thể Anh trong nỗi nhớ. Người viết tin chắc rằng dẫu qua bao nhiêu năm tháng đi nữa. Tình em ấy chỉ nằm yên một góc khuất nào đó trong trái tim của Anh, một thi sĩ đa cảm! Để rồi mỗi khi có dịp hoặc giả mỗi khi hạ về, bắt gặp: "Màu hoa phượng thắm như máu con tim" là mỗi lần bồi hồi nhớ lại và cũng là : "Mỗi lần hè thêm kỷ niệm" Chất chứa trong tâm hồn trong trái tim của Anh Vết Tích ấy không bao giờ phai mờ cả...Nhớ Hạ là một minh chứng rõ nét cho nhận định ấy!
Sài Gòn 17/5/2015
Huỳnh Xuân Sơn

ĐỌC VẾT CẮT của tác giả Ngô Tuyết Lê



Vết Cắt
Là thợ may, bao nhiêu năm rồi;
Ta đã vá lành bao chiếc áo sờn lưng
Thế mà mảnh vỡ của tim không hề vá được.
Những đường may không hồn sao vải thành quần áo
Những vết cắt khéo tay sẽ làm cho quần áo có hồn...
Vậy mà sao vết cắt con tim chỉ một lần vô tình
Cũng làm cho nó ngàn lần rỉ máu?
...Và những vết thương cứ dần sâu...
Để cuộc sống muôn màu bỗng trở nên xám ngắt.
Ai vô tình đẩy hoàng hôn vào màn đêm dày đặc
Cho chiều đợi chờ bỗng hóa tối cô liêu? (Tuyết Lê)

Vết Cắt được tác giả chắt lọc những ngôn từ bình dị nhất có thể để gửi vào mười một câu thơ, cùng với nghệ thuật sắp đặt thành chiếc xe Tự Do chuyên chở nội dung rất khác biệt. Nhịp điệu thơ trúc trắc, gập ghềnh di chuyển tới hai câu hỏi không dễ trả lời. Phải chăng đó lại là thủ pháp khiến cho tứ thơ đọng lại trong lòng người đọc.
Vết Cắt một dấu vết để lại liên quan tới nghề ngiệp làm thợ may của nhân vật trữ tình.

Là thợ may, bao nhiêu năm rồi;
Ta đã vá lành bao chiếc áo sờn lưng
Hai câu mở đầu theo cách lung khởi của tác giả với tâm ý giới thiệu tới nghề nghiệp liên quan nhiều tới động từ Cắt của tựa đề. Dấu vết để lại của hai câu mở là điều ai cũng đã hiểu. Thợ may là cắt may tấm vải thành quần áo, một công việc đòi hỏi sự khéo tay và con mắt thẩm mỹ của người làm ra sản phẩm. Ta muốn khẳng định mình không chỉ làm những việc thông thường ấy, mà còn làm cả những việc liên quan mà không mấy ai trong thời buổi hôm nay làm "Vá lành bao chiếc áo". Chứ không hẳn là Ta có ý mình chưa phải là một thợ may lành nghề ! Chỉ vá áo.
Ai trong chúng ta đã làm thợ may vá. Hẳn đều biết chiếc áo sờn lưng mà vá lành cho đẹp, còn khó hơn may một chiếc áo mới!
Ta chắc hẳn một thợ may lành nghề, điều đó minh chứng qua hai câu thơ có sự quan sát, so sánh, cảm nhận tinh tường về nghề may:

Những đường may không hồn sao vải thành quần áo
Những vết cắt khéo tay sẽ làm cho quần áo có hồn...

vết cắt xuất hiện trong thơ, nhưng chỉ là vết cắt của người thợ "Khéo tay làm cho quần áo có hồn". Vẫn biết từ mảnh vải trở thành quần áo sẽ phải trải qua rất nhiều vết cắt. Người thợ khéo tay chỉ đưa một đường kéo là ra thành phẩm. Người thợ mới học nghề nhiều khi phải cắt đi, cắt lại mới định hình, mặc dầu đã có đường phấn may...
Câu chuyện nghề nghiệp may vá tới đây được chuyển sang một hướng khác, cũng vẫn là Vết Cắt nhưng dấu tích để lại thì lại khác.

Vậy mà sao vết cắt con tim chỉ một lần vô tình
Cũng làm cho nó ngàn lần rỉ máu?

Trái tim của ai đó đã bị một ai đó khác Vô tình cắt phải chỉ một lần. Bao lâu rồi? Trái tim ấy mỗi khi rung lên lại là một lần rỉ máu. Ta tự nhận dẫu Ta đã cắt, may, vá bao nhiêu tấm áo manh quần lành lặn, vậy mà "...mảnh vỡ của tim không hề vá được." Thật khó để ai đó có thể trả lời câu hỏi thứ nhất của Ta.
Vết Cắt vẫn đang chuyển bánh chở tứ thơ đi
...Và những vết thương cứ dần sâu...
Một câu thơ có đến hai dấu ba chấm(...) chặn đầu và khoá đuôi. Diễn tả sau Vết Cắt vô tình ấy là ngàn lần rỉ máu, dẫu muốn cũng không thể vá lại dù chỉ có một mảnh vỡ của tim. Để từ đó vết thương cứ dần sâu, dần sâu sau mỗi lần rỉ máu. Dần sâu chứ không phải đã bị cắt sâu, nó đã nhấn chìm muôn màu tươi đẹp xung quanh nhịp đập con tim thương tổn. "Để cuộc sống muôn màu bỗng trở nên xám ngắt."

Khi xung quanh u uẩn làn mây bạc, khi trái tim mang vết cắt không thể liền sẹo, thì mọi cảm nhận về cuộc sống, về tình yêu đã đang chìm khuất...Có lẽ đều trở thành vô nghĩa với Ta.
Câu hỏi thứ nhất không thể trả lời. Thì câu hỏi thứ hai đã xuất hiện
Ai vô tình đẩy hoàng hôn vào màn đêm dày đặc
Cho chiều đợi chờ bỗng hóa tối cô liêu?

Quy luật tự nhiên vốn là thế. Hết trưa sang chiều trước khi vào tối sẽ có một khoảng đệm ngắn thôi đó là hoàng hôn.
Ta đang chờ đợi điều gì trong chiều nhạt nắng với trái tim thương tổn để mà không kịp nhận ra hoàng hôn vừa tắt. Ôm nỗi niềm cô quạnh trống vắng gặm nhấm đêm dài.
Một vết cắt vô tình để trái tim thương tổn vĩnh viễn.
Một Ai đó vô tình lấy mất buổi hoàng hôn?
Phải chăng họ là một!
Nếu vậy thì Ta ơi! Họ vốn vô tình chứ không cố ý. Hoặc giả họ cố ý quá khéo để Ta cảm nhận rằng họ chỉ Vô Tình.
Giờ đây Vết Cắt ấy chỉ có chính Ta một thợ may lành nghề mới tìm cách vá lại được thôi, dẫu khó như hoặc hơn khi vá "Tấm áo sờn vai" Thì cũng cố gắng tìm cách hoặc chờ đợi lúc nào đó có thể... Ta vá lại.
Xung quanh Ta dẫu là "màn đêm dày đặc". Xin hãy bình tĩnh tìm lối ra, biết là rất khó khi Ta bị Xô vào đêm tối cô liêu ấy! Nhưng điều gì, chuyện gì và cái gì đều có hướng đi riêng, có lối thoát, xin hãy cùng trái tim mình nghe lời mách bảo của tạo hoá rằng: Sau đêm đen sẽ là một ngày nắng ấm. Ta phải trải qua sẽ thấy sẽ gặp hai khoảng đệm là hừng đông và bình minh. Xin đừng để trái tim mang thương tổn cùng tâm hồn chờ đợi mà bỏ qua hai khoảnh khắc này như buổi hoàng hôn trước đêm.
Ai đó có nói rằng Khi một cánh cửa đóng sập trước mắt ta, thì liền sau đó sẽ là nhiều cánh cửa khác mở ra....Mong Ta hãy đón nhận và bước vào một cánh cửa nào đó theo tiếng gọi của bản năng...
Vết Cắt của tác giả Tuyết Lê với cảm nhận của
 tôi là như vậy!
Sài Gòn 16/5/2015
Huỳnh Xuân Sơn




Thứ Sáu, 15 tháng 5, 2015

Đọc TUYỆT SẦU Cùng Tác Giải Ngọc Rạng



TUYỆT SẦU
Thu nao lá héo mất rồi
Đông về hoa trổ cùng chồi xinh tươi
Xuân đi thương cảm cho người
Hè nầy lửa phượng lại cười hồn ve (Ngọc Rạng)

Bốn câu thơ Lục Bát Tứ Tuyệt, tổng cộng hai mươi tám chữ được tác giả dùng tâm tư tình cảm, với nghệ thuật sắp đặt câu từ, nhằm chuyển tải tới bạn đọc tựa đề Tuyệt Sầu.
Tuyệt Sầu trải dài suốt bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông. Vậy mà chỉ bốn câu thơ?
Tuyệt? Phải chăng đồng nghĩa với Tuyệt giao với nỗi Sầu?
Tuyệt? Phải chăng nỗi Sầu sắp chạm ngưỡng giới hạn mà tâm hồn con người ta có thể chứa đựng, chỉ cần thêm một chút Sầu nữa là sẽ vỡ tung lồng ngực nơi chất chứa?
Hai thắc mắc này khiến người viết muốn khám phá thế giới nội tại của Tuyệt Sầu.
Bốn mùa của Tuyệt Sầu được khởi từ Mùa Thu.
Thu nao lá héo mất rồi!
Người viết có lần nghe Thầy của mình dạy rằng: "Người xưa viết chữ 愁 "Sầu" bằng hai chữ 秋 "Thu" và 心 "Tâm", tức là buồn như tấc lòng gặp tiết Thu sang."
Phải chăng tác giả Ngọc Rạng cũng khởi Tuyệt Sầu bằng suy nghĩ như thế. Hẳn Thu ngày nào đó chứ chưa hẳn mùa thu mới qua. Xuất phát điểm ra nỗi sầu còn lớn hơn "tấc lòng gặp tiết Thu sang" Vì "Thu nao" Ấy lá không phải vàng theo quy luật tự nhiên tìm về với cội, để rồi bắt đầu một vòng đời mới. "Lá héo" Mà còn thốt ra hai chữ "Mất rồi" Hẳn nhiên có bàn tay tác động của bên ngoài.
Khởi đầu Tuyệt Sầu tác giả đã mượn hình ảnh tính chất và nguyên nhân của Lá héo trong mùa Thu để trải thảm mời người đọc bước tiếp cùng Tuyệt Sầu.
Vâng Thu đi thì ắt hẳn là Đông đến theo quy luật của tự nhiên. Tác giả Ngọc Rạng cảm rằng
Đông về hoa trổ cùng chồi xinh tươi
Đông tàn! Phần lớn vạn vật cỏ cây là thế, Ngay cả con người khi bước vào tuổi đầu Đông thôi đã thấy ngay se se nỗi niềm...Vậy mà Đông trong Tuyệt Sầu lại không thuận theo lẽ tự nhiên ấy. Đông trong Tuyệt Sầu rộn ràng theo nhịp thơ 2/2 mang đến cảnh sắc tươi vui của mùa Xuân. Ta có "Hoa trổ" Có "Chồi xinh tươi" Biểu hiện của sức sống, mang lại cho Tuyệt Sầu một hy vọng, có hoa trổ, sẽ có buổi kết trái ngọt. Và nếu vậy thì Tuyệt Sầu ắt hẳn là tuyệt giao với nỗi Sầu rồi.
Một nửa chặng đường đã qua xuất hiện tia sáng phía trước. Hy vọng chưa hẳn là thấy kết quả nếu ta dừng lại. Tuyệt Sầu còn cả một nửa chặng đường đợi chờ khám phá ở phía trước... Ngay lúc này ta đến với câu thơ thứ 3 câu thơ quan trọng nhất của bài thơ. Theo như nhà giáo, học giả Trần Trọng Kim viết thì "Thơ tứ tuyệt “uyển chuyển biến hóa bởi câu thứ ba. Nếu câu ấy chuyển biến khéo thì câu thơ thứ tư tự trôi đi như thuyền thuận nước.”
Xuân đi thương cảm cho người

Câu thơ thứ ba viết về mùa Xuân. Nhưng liền theo đó là động từ đi. Vậy có thể suy ra trong Tuyệt Sầu có được rộn ràng hương sắc hy vọng của mùa Xuân kéo dài từ Đông sang cả Xuân. Nhưng lúc Xuân đi lại là niềm "Thương cảm" Xuất hiện "Cho người". Người ở đây có lẽ là ngôi thứ hai...
Vậy thì ai là người đã trao đi nỗi niềm thương cảm ấy? Phải chăng chính là người đã, đang và sẽ còn ôm mối Tuyệt Sầu đi cùng sang Hạ.
Hè này lửa phượng lại cười hồn ve
Câu thơ thứ tư cũng là câu thơ kết quả đúng nó đã "trôi như thuyền thuận nước" Cùng với Tuyệt Sầu, dập tắt hy vọng Tuyệt Sầu là tuyệt giao với nỗi sầu.

Hai biểu trưng của mùa Hạ là hoa Phượng và tiếng Ve đi vào Tuyêt Sầu cùng câu thơ rất thơ, rất tình nhưng ngổn ngang nỗi niềm. Lửa phượng đốt cháy bầu trời mùa hạ. Hoa phượng luôn say vũ khúc trong tiếng nhạc rộn ràng của dàn đồng ca mùa hạ mà nhạc công chính là bầy Ve. Nhưng ở đây tác giả lại chỉ muốn nói đến Hồn Ve.
Phải chăng hạ đã về ngoài kia. Hoa phượng tưng bừng reo vui trong gió cùng cả bầy ve rộn ràng. Có một chú Ve lạc bầy đứng lặng một góc nào đó và tự thấy như mình bị chính những nàng hoa phượng kia "Cười cợt".
Tuyệt Sầu! Phải chăng là nỗi sầu đau vô tận tưởng như không thể vượt qua của Người mà Mùa Thu ẩn trong hình hài lá héo, Mùa Đông rộn ràng cùng hoa nở chồi non xuất hiện, cũng chính là Người ngôi thứ hai trong mùa Xuân nhận sự Thương cảm và họ ẩn mình trong Lửa Phượng vào mùa Hạ. Và Người ngôi thứ nhất ấy Xuân đi cũng chính là lúc bắt đầu tự thu mình lại, ngỡ như mình chỉ là một chú ve lạc bầy trong mùa Hạ rộn ràng...Tất cả, tất cả thốt lên hai chữ Tuyệt Sầu được tác giả Ngọc Rạng ghi lại và người viết vừa khám phá theo suy nghĩ chủ quan của người đọc.

Sài Gòn 15/5/2015
Huỳnh Xuân Sơn

Đọc Dòng Sông Ô Lâu của tác giả Nguyễn Văn Sâm




Tác giả Nguyễn Văn Sâm vừa gửi gắm tâm tư, tình cảm của mình vào câu chữ trong bài thơ:

DÒNG SÔNG Ô LÂU

Ai đã từng qua cầu mỹ chánh
ngắm dòng sông tỏa bóng bờ tre
Chuyện kể Ba tôi vào những buổi chiều hè
Cùng đàn trâu với bạn bè tắm mát

Sông ô lâu xưa chưa hề quen biết
Chỉ được nghe khi Me kể về Ba
Rằng ở đây sông với nước hiền hòa
Ba lớn lên cùng bạn bè đi chiến đấu

Chính con sông cũng là nơi cất giấu
Che mắt quân thù trong lúc hiểm nguy
Chiến tranh qua đi Ba không dịp trở về
Nơi con sông với bao là kỷ niệm

Ngồi bên sông trải lòng theo dòng chảy
Sông nước ngậm ngùi nhớ lại những ngày qua
Sông với tôi cùng chợt nghĩ đến Ba
Người với chúng tôi một thời ôm ấp

Sông với tôi giờ như cá với nước
Tuy mới quen nhưng tựa đã lâu rồi
Nhớ đến sông lòng dạ mát trong tôi
Sông ô lâu thắm tình quê thơm ngát (SâmFrohburg)

Những dòng sông đi vào thơ vào nhạc thì nhiều vô kể. Thông thường khi viết về sông quê, tác giả thường gửi vào cảm xúc những kỷ niệm của chính mình gắn bó với dòng sông ấy...Như nhà thơ Lê Huy Mậu cùng nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo với Khúc Hát Sông Quê làm nao lòng những người con xa xứ..
Quá nửa đời phiêu dạt
Con lại trở về úp mặt vào sông quê
Ôi con sông dạt dào như tình mẹ
Chở che con đi qua chớp bề mưa nguồn.."
Nhưng với tác giả Nguyễn Văn Sâm anh lại không đi theo con đường mà nhiều nhà thơ, nhạc sĩ, người yêu thơ đã đi
Khi anh có lẽ cũng đã "Quá nửa đời phiêu dạt.." Mới vừa "Trở về úp mặt vào..." Dòng sông quê.
Ai đã từng qua cầu Mỹ Chánh
ngắm dòng sông tỏa bóng bờ tre
Dòng sông Ô Lâu phần lớn dòng chảy thuộc vùng đất "Hai châu Ô Lý vuông nghìn dặm"(Hoàng Thái Xuyên). Nay thuộc thành phố Huế. Tác giả sinh ra lớn lên ở đâu, kỷ niệm tuổi ấu thơ có gắn liền với Dòng Ô Lâu hay không? Anh không nói đến khi trở về "Ngắm dòng sông" Với những luỹ tre biểu tượng của làng quê Việt... Anh ngắm dòng chảy của sông Ô Lâu nào đâu thấy "Từng hạt phù sa tháng ba tháng bảy. Từng giọt heo may trên má em hồng" Mà khi ấy có lẽ một mình anh: "Ngồi bên sông trải lòng theo dòng chảy" Bao nhiêu hồi ức vọng về, để anh "...Nhớ lại những ngày qua". "Sông nước ngậm ngùi..." Ư?
 Không! Sông vẫn hiền hoà trôi xuôi dòng nước trong lành hướng về Phá Tam Giang. Có lẽ chỉ có người đang ngồi nhìn ngắm dòng chảy ấy là bùi ngùi thôi! Bởi vì

Sông với tôi cùng chợt nghĩ đến Ba
Người với chúng tôi một thời ôm ấp

Một cặp câu thơ đẹp nhất,thơ nhất, tình nhất. Chuyên chở ý thơ khác lạ làm điểm nhấn cho cả bài thơ xuôi dòng chảy cùng sông. Tác giả nhìn dòng sông "Nghĩ đến Ba" Nếu chỉ có vậy thì ý thơ sẽ trôi đi như dòng nước sông Ô Lâu. Điều đặc biệt nằm ở ý "Sông với tôi cùng chợt nghĩ..." Con sông huyền sử, con sông vô tri bỗng trở nên có tâm tư tình cảm như chính con người vậy.
Một liên từ Cùng, đi theo hai liên từ Với...Khiến cho con sông có tình sâu đậm với hai cha con tác giả...

Tình cảm dành cho cha của tác giả trào dâng cùng những câu chuyện kể đã lấn át tình riêng của tác giả với Sông Ô Lâu. Nó chỉ cuồn cuộn chảy với ký ức về Ba... Bây giờ tác giả mới thổ lộ rằng với mình thì : "Sông ô lâu xưa chưa hề quen biết" Mà anh mới:Chỉ được nghe khi Me kể về Ba". Câu chuyện kể ấy nằm lòng từ thủa là cậu bé, hay chàng trai trẻ hoặc giả giờ đây là một người đàn ông luống tuổi... Tất cả hằn in trong tâm trí để hôm nay bật ra đi vào bài thơ Dòng Sông Ô Lâu rằng:
...........
Chuyện kể Ba tôi vào những buổi chiều hè
Cùng đàn trâu với bạn bè tắm mát
.........
Rằng ở đây sông với nước hiền hòa
Ba lớn lên cùng bạn bè đi chiến đấu
Chính con sông cũng là nơi cất giấu
Che mắt quân thù trong lúc hiểm nguy

Chiến tranh qua đi Ba không dịp trở về
Nơi con sông với bao là kỷ niệm

Tám câu thơ với những ngôn từ mộc mạc, với một nhịp thơ đều đều bình lặng pha chút xúc động bùi ngùi như nội dung tác giả muốn chuyển tải tới bạn đọc. Với riêng tác giả có lẽ anh chưa có dịp tận hưởng cảm giác như Cha mình, như nhà thơ Lê Huy Mậu:

Cùng một bến sông
Con trâu đằm sóng dưới
Bầy trẻ thơ tắm mát phía thượng nguồn
Một dòng xanh trong chảy mãi tới vô cùng( Khúc Hát Sông Quê)

Nhưng về với sông Ô Lâu ngồi bên bờ tre ngược dòng hồi ức có lẽ anh đã thấy như mình đã có được cảm giác ấy qua câu chuyện kể của mẹ anh!
Tới đây ta đã hiểu vì sao? "Sông Ô Lâu xưa chưa hề quen biết". Và ngay lúc này ta lại vỡ oà cảm xúc khi đọc những câu thơ kết mà tác giả vừa đưa ta tới:

Sông với tôi giờ như cá với nước
Tuy mới quen nhưng tựa đã lâu rồi
Nhớ đến sông lòng dạ mát trong tôi
Sông Ô Lâu thắm tình quê thơm ngát

Tác giả trở về rồi lại ra đi...Sông Ô Lâu vẫn đang ngày đêm xuôi dòng nước hiền hoà tìm về bến cuối. Từng hạt phù sa vẫn âm thầm bồi đắp đôi bờ... Dòng sông Ô Lâu đã đang và sẽ mãi mãi in trong tâm trí tác giả.. Như anh đã khẳng định chắc nịch rằng "Sông với tôi giờ như cá với nước" Chẳng thể xa nhau...
Điều đó giúp cho ta tin rằng mỗi khi có dịp anh dẫu có
"Quá nửa đời phiêu dạt" Vẫn sẽ tiếp tục nhiều lần nữa:
"Con lại trở về úp mặt vào sông quê
Ơi con sông dạt dào như lòng mẹ
Chở che con đi qua chớp bể mưa nguồn.."

Và có lẽ mỗi khi nỗi nhớ nơi xa thúc giục, anh lại cất lời ca thì thầm:

"Ơi con sông quê, con sông quê
Ơi con sông quê, con sông quê"

Cám ơn tác giả Nguyễn Văn Sâm với bài thơ đã cho tôi có dịp gửi tình cảm của mình vào câu chữ, Và nhất là được cùng tác giả cảm nhận "Sông Ô Lâu thắm tình quê thơm ngát"


Sài Gòn 14/5/2015
Huỳnh Xuân Sơn


Thứ Ba, 12 tháng 5, 2015

Đọc Ru Con Trong Đêm Chợ Tình cùng tác giả Trịnh Phú Đa.

Ru Con Trong Đêm Chợ Tình


Anh ngồi chuyện với chính mình 
Trông nhà!_ em đến chợ tình Khau Vai 
Đêm nay em sẽ cùng ai?
Còn anh ôm cả đêm dài mà ru 

Màn đêm giăng lối mịt mù
Tự lòng lại cất lời ru riêng mình
Hôm nay em diện thật xinh 
Liệu em gặp được người tình xưa không?

 Cầu trời đừng nổi bão giông
 Để hanh khô những cánh đồng ngoài nương
 Cho trai với gái các mường
 Nợ tình trả hết người thương năm nào

 Đêm nay trời vắng trăng sao
 Nương ngàn đầy tiếng thì thào sẻ chia
 Liệu em mắt có đầm đìa?
Trước khi trời sáng đã lìa được chưa 

Thương em nặng mối tình xưa
 Chợ phiên năm một đã vừa chưa em?
 Cha con anh_ gối đệm mềm
 Ru con anh dỗ cả đêm dịu dàng! (Trịnh Phú Đa)

Bài thơ Lục Bát với những câu từ mượt mà, trải theo nhịp thơ êm ả. Nhưng chuyên chở nội dung cũng chính là tâm tư nỗi niềm của chàng trai trẻ, có lẽ là người dưới xuôi lên làm rể đất Hà Giang, không hề yên ả? Chỉ nội tên bài thơ Ru Con Đêm Chợ Tình thôi, đã khiến cho người đọc liên tưởng ngay tới câu hỏi? Đêm chợ tình sao anh lại ru con? Mang theo câu hỏi này ta đồng hành cùng với chủ thê Anh của tác giả Trịnh Phú Đa

Anh ngồi chuyện với chính mình 
Trông nhà!_ em đến chợ tình Khau Vai 
Đêm nay em sẽ cùng ai?
Còn anh ôm cả đêm dài mà ru 

Bốn câu thơ theo một nhịp 2/2 đều đặn diễn tả lời tự sự của chủ thể Anh! Đêm chợ tình Khau Vai chỉ diễn ra duy nhất một đêm trong năm, Anh Trông nhà, để Em đi chợ tình. Tác giả khởi đầu ngay bằng câu tự sự "Anh ngồi chuyện với chính mình." Với câu hỏi "Đêm nay em sẽ cùng ai? Hẳn nhiên đêm nay Anh không chỉ "ôm cả đêm dài mà ru" Mà có lẽ còn trở trăn, còn thao thức, còn bồn chồn lo lắng...
Màn đêm giăng lối mịt mù
Tự lòng lại cất lời ru riêng mình
Hôm nay em diện thật xinh 
Liệu em gặp được người tình xưa không?
Anh trò chuyện với mình? Không! Anh đang ngồi Trông nhà, nhưng hồn vía Anh thì đã theo Em đến chợ Tình rồi thì phải. Màn đêm bao phủ ngôi nhà anh đang trông, Màn đêm đồng cảm với trai gái các Mường tìm về chợ Tình đêm nay. Màn đêm có lẽ chỉ "Giăng lối mịt mù" Với chính Anh thôi! Màn đêm chắn mành ngay trước mặt anh kể từ lúc "Em diện thật xinh". Cũng chính là lúc "Tự lòng" Anh bật lên "lời ru riêng mình". Anh ru riêng điều gì? Không! Anh đang dõi theo bước chân Em đến chợ Tình. Anh còn thấp thỏm, lo âu cho chính mình nữa chứ không hẳn chỉ là "Liệu em gặp được người tình xưa không?". Anh biết chắc, biết rõ. Dẫu gặp, hay không gặp được "Người tình xưa". Thì mỗi năm một đêm Em của Anh vẫn đến chợ Tình kia mà. Lời thơ tự sự vẫn đều đều trôi trên nền nhạc điệu có nhịp 2/ 2 ấy. Chưa thấy Anh Ru Con. Vẫn chỉ là thấp thỏm, lo âu "Tự ru" mình và thấp thoáng một chút hờn ghen thì phải?

 Cầu trời đừng nổi bão giông
 Để hanh khô những cánh đồng ngoài nương
 Cho trai với gái các mường
 Nợ tình trả hết người thương năm nào

 Nghệ thuật sắp đặt câu vần của tác giả rất đặc biệt. "Cầu trời đừng nổi bão giông"  Vẫn giữ nhịp 2/2 từ đầu, bỗng nhiên sang câu bát nhịp ngắt chuyển sang 3/3/2, trước khi trở lại nhịp 2/2 để diễn tả tính "Chính  nhân quân tử" Của Anh. Có lẽ khi yêu rồi đến lúc cưới nhau, cho đến nay Anh đã biết rất rõ phong tục tập quán của người Đồng Bào nơi Em của anh sinh ra và lớn lên. Biết mỗi năm sẽ phải Trông nhà một đêm .... Biết là thế, Anh đã cầu mong "Mưa thuận gió hoà" Cho "Trai với gái các mường" Chứ không riêng gì Em của anh " Trả hết người thương năm nào"! Tác giả ơi! Anh của Em ơi! Thơ thì thế, mỏi mong là thế. Nhưng nợ tình làm sao trả được đây? Có lẽ nhiều người trong số họ tới chợ tình cũng chỉ là chia sẻ tâm tư tình cảm của mỗi người, đôi khi chỉ cùng ngồi nghe lại tiếng Kèn Môi, Kèn Lá của người xưa mà thôi! 
Vẫn chỉ là Anh tự sự, anh cầu mong, anh lo lắng. Chưa thấy anh Ru Con ..Đêm trên cao nguyên đá vẫn trôi về phía những canh khuya. Lòng anh vẫn bất an thì phải? Người ở nhà để trông nhà, nhưng tâm trí chắc ở trên cung trăng dõi xuống chợ Tình Khau Vai thì phải? 
 Đêm nay trời vắng trăng sao
 Nương ngàn đầy tiếng thì thào sẻ chia
 Liệu em mắt có đầm đìa?
Trước khi trời sáng đã lìa được chưa 
Đoán già, rồi lại đoán non, Anh có lẽ không phải "Ngồi chuyện với chính mình" Nữa. Anh phải chăng suốt đêm đã đi ra, đi vào, luẩn quẩn  như con gà mắc tóc. Hết nhìn quanh trong nhà, lại ra sân có khi ra tận ngõ dõi mắt  về hướng có Đêm Chợ Tình mà bồn chồn, mà tưởng tượng, mà thắc thỏm...
 Điều anh lo nhất, không phải là "gặp được không?" Hay trả hết được không? Càng không phải "Liệu em mắt có đầm đìa" hay không? Mà chính là nỗi lo "Trước khi trời sáng có lìa được không?". Trời ạ! Nguyên một đêm là khoảng thời gian mà phong tục tập quán, cũng chính là nét đẹp văn hoá của người Đồng Bào thiểu số các dân tộc vùng cao Hà Giang. Cho những người mà vì nhiều lý do yêu nhau nhưng không lấy được nhau. Danh chính ngôn thuận đến với nhau...Trời sáng ắt hẳn họ tự động chia tay nhau về lại với cuộc sống thường nhật. trong suốt ba trăm sáu mươi lăm ngày và ba trăm sáu mươi tư đêm còn lại, họ toàn tâm toàn ý cho gia đình cho chồng, cho con...
Anh thắc thỏm mong họ "lìa nhau" trước khi trời sáng chắc là không có rồi!
 Vẫn chưa thấy anh Ru Con, mà có thể lúc này có khi anh còn quên sự hiện diện của con trong căn nhà, nếu như bé không khóc, không quấy vì thiếu hơi ấm của cả cha lẫn mẹ... Dẫu sao thì tác giả cũng đã đưa ta tới khổ thơ kết:

Thương em nặng mối tình xưa
 Chợ phiên năm một đã vừa chưa em?
 Cha con anh_ gối đệm mềm
 Ru con anh dỗ cả đêm dịu dàng! 

Một khúc tâm tình, một lời tự sự, của một người chồng, người cha có lẽ là một bậc "Nam nhi chi chí" Hiếm quý trong xã hội phát triển phức tạp hôm nay. Vừa được tác giả Trịnh Phú Đa khắc hoạ gửi gắm vào câu chữ...
'Thương nhau thương cả đường đi " Câu Ca Dao này đã hiện diện trong trái tim, trong tâm hồn của Anh, Chủ thể chữ tình trong thơ. Thấp thỏm, hờn ghen, lo ấu, trăn trở, cầu mong và cuối cùng Anh muốn nói, Anh hiểu được và Anh "Thương em nặng mối tình xưa". Nặng tình! Anh vẫn còn một chút băn khoăn, lo sợ sau mỗi đêm chợ tình ra về, Em có mang theo chút bâng khuâng lưu luyến như kiểu người dưới xuôi hay nói "Tình cũ không rủ cũng tới" hay không? 
Không! Người viết tin rằng, người đồng bào vùng cao, họ có văn hoá có phong tục của họ, Truyền thống ấy nối tiếp bao nhiêu đời, để vẫn còn một phiên chợ độc đáo như Khau Vai cho ta chiêm ngưỡng ngày nay!
Một câu thơ như ngắt đôi, như phân định rành rẽ "Cha con anh" Một bên và một bên là "Gối đệm mềm". Tác giả như muốn khẳng định rằng mọi phỏng đoán trên đây của người viết về chủ thể Anh là sai. Anh vẫn nằm yên trên  chăn ấm nệm êm mà "Ru con anh dỗ cả đêm dịu dàng"
Cuối cùng thì chữ Ru Con cũng hiện  diện ở câu cuối cùng của bài thơ. Nhưng điều đó cũng chưa cho thấy Anh đã Ru Con Trong Đêm Chợ Tình. 
Sau khi đồng hành cùng tác giả Trịnh Phú Đa đi qua hết năm khổ thơ, cũng chính là năm cung bậc cảm xúc của chủ thể trữ tình Anh đã trải qua. Phải chăng những cảm xúc ấy chỉ là một trong những phiên chợ tình Khau Vai đầu tiên, mà Anh về làm rể vùng đất Hà Giang huyền thoại này trải qua.
Nhà thơ Nguyễn Duy từng viết
 "Mẹ ru cái lẽ ở đời
 Sữa nuôi phần xác
Hát nuôi phần hồn" 
Phải chăng tác giả Trịnh Phú Đa muốn dùng tâm tư tình cảm của người cha. Cũng là một đấng mày râu có tấm lòng rộng lượng...Để gửi gắm một ý thơ sâu xa hơn nữa, ẩn sau câu chữ, sau những xáo trộn tâm tư của chủ thể Anh "ngồi tự ru mình" trong đêm vợ đi gặp người tình cũ. Để nhắc với thế hệ sau về nét đẹp văn hoá cần giữ gìn của người Đồng Bào vùng cao Hà Giang hôm nay. Và có lẽ tâm tư một nhà giáo về hưu, ông cũng muốn ca ngợi tình yêu cao thượng của chàng trai, người cha ru con trong bài thơ này...
 Ngày nay xã hội phát triển như cơn lốc, đã và đang cuốn đi một số phong tục, tập quán hoặc làm biến tướng những phong tục tập quán cũng là nét đẹp văn hoá của một số cộng đồng người Đồng Bào thiểu số...Như tục Ngủ Thăm... Một phần lớn  nguyên nhân phải chăng bắt nguồn tnhững gia đình được xây dựng không cùng trên một cái nôi văn hoá, như gia đình Anh và Em trong Ru Con Trong Đêm Chợ Tình, nhưng người vợ đã  không nhận được sự  đồng cảm sẻ chia như chủ thể Anh của tác giả Trịnh Phú Đa.

Sài Gòn 12/5/2015
Huỳnh Xuân Sơn

Thứ Hai, 11 tháng 5, 2015

ĐỌC NGHẸN LÒNG HAI TIẾNG MÌNH ƠI-Thơ Hùng Nguyễn

NGHẸN LÒNG HAI TIẾNG MÌNH ƠI
(Thơ Hùng Nguyễn)
Khi không, em thỏ thẻ hai tiếng "Mình ơi!"
Nhỏ nhẻ thế mà níu chiều chựng lại
Như bàn tay trái nắm nhầm bàn tay phải
Thân thương sao, đâu sá nệ mấy phương trời

Bắt chước em, ta gọi lại "Mình ơi!"
Nghe tiếng "Dạ" mà mùa Đông trẩy nắng
Khoảng cách đâu rồi, một trời xa vắng
Gần gũi sao, da diết đến chơi vơi

Thế rồi, ta quen miệng gọi nhau "Mình ơi!"
Mặc nợ duyên không nên nghĩa vợ chồng
Đi qua bão tiếng hời cao lồng lộng
Xuôi dòng tình rót khúc vọng lả lơi

Khi chúng mình gọi nhau hai tiếng "Mình ơi!"
Là sông rủ sông cùng tìm về biển cả
Là mặn mòi đầy đại dương vời vợi
Là hồi môn tặng đời một huyền thoại phù sa

Nhé em, hãy cứ gọi nhau "Mình ơi!"
Âu yếm, giản đơn, thật thà như độc thoại
Xuyên nỗi nhớ, em gọi: Mình ơi...! trong hoang dại
Linh tính... anh nằm một mình cười mỉm... Mình ơi!(Hùng Nguyễn)

Hai mươi câu thơ Tự Do đã được tác giả Hùng Nguyễn chọn để chuyển tải một khoảnh khắc" khi không", Bất ngờ chủ thể  Anh nghe hai tiếng Mình ơi! Đúng ra Anh phải được nghe mỗi ngày. Muốn hỏi tác giả vì đâu và vì sao khiến cho Anh phải Nghẹn Lòng Hai Tiếng Mình Ơi! Nhưng thôi tự mình đi tìm và lý giải trước đã...

Khi không, em thỏ thẻ hai tiếng "Mình ơi!"
Nhỏ nhẻ thế mà níu chiều chựng lại
Như bàn tay trái nắm nhầm bàn tay phải
Thân thương sao, đâu sá nệ mấy phương trời
Vâng các cụ xưa nói chẳng sai "Đàn ông yêu bằng lỗ tai" Mới có hai tiếng thỏ thẻ "Mình ơi!" Cất lên (có lẽ lần đầu tiên giữa Anh và Em thì phải?) Mà đã khiến "Bàn tay trái nắm nhầm bàn tay phải"
 Một hành động vô thức này thôi đã quá đủ để diễn tả tâm trạng của chủ thể Anh khi bất ngờ nghe "Em thỏ thẻ" Mà có lẽ lời em nhỏ nhẻ này, Anh nghe qua điện thoại hoặc qua một phương tiện truyền thông nào đó ví như Skype chẳng hạn. Cái cảm giác "thân thương" Bật lên từ chủ thể Anh đã tố cáo chính anh về mối quan hệ giữa Anh và Em có gì đó chưa thật chỉn chu để danh chính ngôn thuận mà âu yếm gọi nhau Mình ơi! Thêm một ý để người viết tin vào điều ấy, cũng chính là ý thơ, thơ nhất, đẹp nhất khổ thơ này "Níu chiều chựng lại" Lời nói mà Anh cho là "Nhỏ nhẻ thế" Mà sức mạnh thì ghê gớm tới mức níu được chiều ư?
 Không! Chiều vẫn đang trôi không hề chựng lại... Chỉ có tâm hồn, trái tim loạn nhịp của ai đó tuổi đã về chiều bỗng nhiên "Chựng lại" Khi nghe hai tiếng Mình Ơi! Trong lúc không ngờ nhất mà lại đang phải cách "mấy phương trời" Mà thôi!
"Khi không" Hai từ như hờn  trách Em vậy, nhưng cả khổ thơ lại là niềm vui, vui đến nghẹn ngào, đã khiến cho Anh không làm chủ được hành động cũng như cảm xúc của mình. Nhưng rồi giây phút ấy qua đi cũng rất nhanh . Anh kịp nhận ra hoàn cảnh của chính mình lúc này hoặc giả chưa tin vào tai mình thì phải, nên Anh vội vàng:

Bắt chước em, ta gọi lại "Mình ơi!"
Nghe tiếng "Dạ" mà mùa Đông trẩy nắng
Khoảng cách đâu rồi, một trời xa vắng
Gần gũi sao, da diết đến chơi vơi

Có lẽ chính Anh chưa tin vào tai mình thật, nên sự ngờ vực ấy là khởi nguồn cho hành động bắt chước...Để rồi chỉ một tiếng Dạ đủ cho Anh bềnh bồng mấy cõi...Mùa Đông nào trẩy nắng? Hay chính anh ngỡ mình hái cả bầu trời đầy nắng mang về đốt cháy trái tim đang loạn nhịp  đây? 
Hai khổ thơ diễn tả tâm lý, trạng thái, diễn tiến của hai chủ thể trữ tình Anh và Em trong thơ của tác giả Hùng Nguyễn. Với những cảm xúc "thân thương sao" "Da diết.." Đi kèm với tâm trạng "Chơi vơi"... Phải chăng hai người họ không "Danh chính ngôn thuận"  Để gọi nhau bằng đại từ Mình! Như bao cặp vợ chồng vẫn âu yếm gọi nhau, hoặc giả những đôi lứa yêu nhau trao cho nhau những lời tình tự gắn với đại từ Mình. Đúng sai trong nhận định suy đoán này, người viết xin nhờ tác giả hoặc chủ thể Anh trả lời dùm. Người viết xin mượn hai bài thơ sau của chính tác giả thay cho lời phản biện của mình.

Vô Duyên
Mắc gì thương vợ người ta.
Làm như vay mượn thịt da kiếp nào.
Lạy trời bơn bớt chiêm bao.
Kẻo trăm năm giấc ngủ nào cũng...Tanh (Hùng Nguyễn)

Lỡ Xuân 
Ta về...Ghé xuống sân ga.
 Liệu em có dám bỏ nhà theo không?
 Hay là vú cháu vù chồng.
 Mấy thương cũng chịu dẫu lòng rách bươm (Hùng Nguyễn)

Chỉ hai tiếng Mình ơi! mà đã "Níu chiều chựng lại" Thêm một tiếng Dạ! mà "Mùa Đông trẩy nắng"...Hà cớ gì họ lại không :

Thế rồi, ta quen miệng gọi nhau "Mình ơi!"
Mặc nợ duyên không nên nghĩa vợ chồng
Đi qua bão tiếng hời cao lồng lộng
Xuôi dòng tình rót khúc vọng lả lơi
Vâng tâm lý chung của những người đang yêu hầu như là vậy. Mặc! Bão giông xô đẩy dập vùi họ bất chấp tất cả. Mấy ai thẳng thắn được như nhà thơ Đồng Đức Bốn để mà hỏi: "Em bỏ chồng về ở với tôi không?" Nhiều rất nhiều các cô, các chị khi nghe câu này thì "Mấy thương cũng chịu dẫu lòng rách bươm". Và không ít quý ông đa tình sau khi thốt ra câu hỏi ấy mới giật mình tỉnh lại để "Quay đầu về núi". Ở đây tác giả Hùng Nguyễn đã để cho hai chủ thể Anh và Em đi qua "Bão tiếng hời cao lồng lộng" Một cách thản nhiên. Để cùng nhau: "Xuôi dòng tình" Mà " rót khúc vọng lả lơi".
Nhưng lại là chữ nhưng xuất hiện trong đầu người viết. Bởi có lẽ để vượt qua "bão tiếng hời.." Không hề dễ dàng. Chủ thể Anh hình như sau phút "Níu  chiều chựng lại". Đã nhận ra việc gọi nhau "Mình ơi!" Sẽ đi đâu? Về đâu đây? Nên Anh đã thầm nhắn gửi những ai cùng cảnh ngộ và có lẽ cũng là gửi đến người "Cách mấy phương trời" Đang ngày đêm ấu yếm gọi nhau Mình ơi! Nữa đây

Khi chúng mình gọi nhau hai tiếng "Mình ơi!"
Là sông rủ sông cùng tìm về biển cả
Là mặn mòi đầy đại dương vời vợi
Là hồi môn tặng đời một huyền thoại phù sa

Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ có một ước ao rất đặc biệt thế này
“Ước gì ta được là sông
Để ra đến biển là không còn mình”
Tác giả Hùng Nguyễn một nam nhân thi sĩ lại để  cho chủ thể Anh hẹn hò cùng Em,  một nơi mà cuối cùng rồi ai cũng phải đến. Vâng! Trăm sông cùng đổ về với biển. Sông rủ sông một ẩn ý đắt giá cho hoàn cảnh của Anh và Em lúc này. Hai nhánh sông còn mong có đoạn hợp dòng trước khi về cửa biển. Nhưng Sông rủ Sông thì ắt hẳn là hai dòng nước song song mãi mãi... Chỉ còn biết đợi ngày về với Biển. Dẫu "Không còn mình" Nhưng dù muốn hay không cũng chỉ còn cách này, nơi này mà thôi!
 Có lẽ đó không chỉ là tâm trạng là nỗi niềm là hy vọng của chủ thể anh. Mà còn có nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ, tác giả Hùng Nguyễn, người viết và ít nhất có thêm:
Nữ sĩ Quế Hằng trong Tình Yêu:
Tình là biển mênh mông
Đón dòng sông đỏ áu
Sông tìm biển nương náu 
Cả lúc nắng, khi mưa
Và đây nữa " Vì chặng cuối sông dài là biển rộng. Ta một lần chắc chắn gặp nhau" (Em Đừng HPV)
Trở lại với bài thơ cùng tâm tư chủ thể Anh được tác giả Hùng Nguyễn gửi gắm trong khổ thơ kết:
Nhé em, hãy cứ gọi nhau "Mình ơi!"
Âu yếm, giản đơn, thật thà như độc thoại
Xuyên nỗi nhớ, em gọi: Mình ơi...! trong hoang dại
Linh tính... anh nằm một mình cười mỉm... Mình ơi!

Bốn câu thơ có ba dấu ba chấm, ba từ Mình ơi! kèm theo nào là "Hãy cứ gọi" Nào là "Thật thà" Nhưng lại xuất hiện "Độc thoại", "Một mình" "linh tính" Nơi Anh, dẫu vẫn có "Âu yếm" "Nỗi nhớ", "Giản đơn", "Mỉm cười". Nhưng chỉ một cụm từ "Trong hoang dại" Nơi Em. Là đã đủ để người viết tin tưởng vào dòng suy tư của mình khi cùng trôi theo cảm xúc "Nghẹn Ngào Hai Tiếng Mình Ơi! Của tác giả Hùng Nguyễn...
Người viết xin tặng chủ thể Anh trong thơ và tác giả Hùng Nguyễn một khúc ca từ của nhạc sĩ An Thuyên thay cho lời kết!
"Cắt nửa vầng trăng 
Cắt nửa vầng trăng tôi là con đò nhỏ 
Chặt đôi câu thơ 
Bẻ đôi câu thơ tôi làm mái chèo lướt sóng 

Đưa tôi về 
Đưa tôi về với người tôi yêu.. "

Chuyện tình cảm nam nữ không ai biết trước và cũng không ai nói mạnh miệng được. Xin chúc cho tất cả các cặp vợ chồng trên thế gian này bên nhau luôn âu yếm nói với nhau như
Mình Ơi! 
Đôi chim là chim ríu rít trên cành
Em yêu là yêu tiếng gọi
của Mình là Mình, Mình ơi !(Mình Ơi!-Diệu Hương)

Sài Gòn 02/05/2015
Huỳnh Xuân Sơn


Chủ Nhật, 10 tháng 5, 2015

Tản Mạn Cùng Ca Từ Ca Khúc Mình Ơi! Của Nữ Nhạc Sĩ Diệu Hương

NHƯ MỘT LỜI SẺ CHIA Cùng MÌNH ƠI! của nữ nhạc sĩ Diệu Hương và chị An !

Khu du lịch Vườn Hoa Khô Đà Lạt là nơi mà người viết nghe bài hát Mình Ơi! Của nữ nhạc sĩ Diệu Hương hay nhất trong tất cả những lần nghe từ trước tới nay...
Sẽ không có nhiều dấu ấn về ca từ lưu lại, như bao lần nghe trước đó, nếu như người viết không được chứng kiến: Người hát vừa hát vừa nức nở, bạn đồng môn của người hát lên sân khấu tặng hoa, nghẹn ngào rồi nức nở theo mà không xuống, một người, hai người, rồi nhiều người khác cùng như thế...


Ca từ ca khúc qua giọng hát của chị An vẫn như đang nghẹn ngào, thổn thức cùng trôi lúc này!


Mình Ơi!
Đôi chim là chim ríu rít trên cành
Em yêu là yêu tiếng gọi
của Mình là Mình, Mình ơi !

Đêm qua thức giấc bùi ngùi
Nhìn quanh là em không thấy mặt người
là người mình thương

Từ khi, từ khi là Mình bỏ em buồn
Đôi chim lơ láo, quay cuồng là cuồng biếng ăn
Co ro, co ro tìm một chỗ em nằm
Phòng không, phòng không là không chiếu lạnh
Nhện sầu là sầu giăng ngang

Mình là Mình, Mình ơi
Mình đi là đi đi mãi quên lời
Lời xưa mà ta ước hẹn
Một đời là một đời sắt son
Cây xanh là xanh lá vẫn tươi màu
Riêng em là em héo tàn
Nhạt nhoà là nhoà tình xuân

Đôi chim gẫy cánh giữa đường
Từ nay là chăn gối ngậm ngùi là ngùi tiếc thương
Hò là hò ơi ới hò
Mình đi mô mà mình đi miết rứa không về
Rứa để em chứ rứa để em chẳng có ai nằm
rứa em chẳng có ai nằm kề một bên

Mình là Mình, Mình ơi
Mình đi là đi đi mãi quên lời
Lời xưa mà ta ước hẹn
Một đời là một đời sắt son
Cây xanh là xanh lá vẫn tươi màu
Riêng em là em héo tàn
Nhạt nhoà là nhoà tình xuân

Đôi chim gẫy cánh giữa đường
Từ nay là em thôi hết được
gọi Mình là Mình, Mình ơi (Diệu Hương)

Giọng hát cao vút, trong veo, xen lẫn nghẹn ngào của chị rồi cũng đến câu kết và dừng lại, một hồi lâu sau những giọt nước mắt chia sẻ với chị  mới dừng lại. Để rồi ít phút sau người viết được biết chị hát ca khúc ấy như nỗi niềm của chính chị lúc này. 


Anh chị gặp gỡ, yêu nhau và chung sống bên nhau chỉ còn ít ngày nữa là kỷ niệm 50 năm ngày cưới... Anh đột ngột ra đi...Để lại chị hụt hẫng chơi vơi, trong cảnh "co ro tìm một chỗ em nằm. Phòng không, phòng không là không chiếu lạnh. Nhện sầu là sầu giăng ngang ". 

Chị nức nở, bạn chị nức nở, người viết giàn dụa nước mắt...

Hình ảnh hơn mười người phụ nữ tuổi trên sáu mươi tới gần 80 nắm tay nhau nghẹn ngào cứ vấn vương người viết suốt mấy ngày sau đó.

 Để giờ đây, lời ca khúc ấy lại thôi thúc người viết chia sẻ tâm tư tình cảm với chị, với những ai cùng cảnh ngộ "Uyên Ương Gãy Cánh" Trước hết xin ngược dòng về lại thập niên 60 của thế kỷ trước, Chị một thiếu nữ yêu và kết hôn cùng anh! Thời nữ sinh của chị gắn liền với chiến tranh đặc biệt là biến cố Mậu Thân 1968, 1975. Nhưng anh chị chưa bao giờ phải sống xa nhau. Tình nghĩa vợ chồng mặn nồng mấy chục năm qua chẳng khác nào ca từ mở đầu:

Mình Ơi!
Đôi chim là chim ríu rít trên cành
Em yêu là yêu tiếng gọi
của Mình là Mình, Mình ơi !


Nữ nhạc sĩ Diệu Hương cũng đã mượn hình ảnh "đôi chim ríu rít trên cành" Để nói về hạnh phúc của những lứa đôi âu yếm sống bên nhau. Hai tiếng Mình Ơi! Cất lên mới ngọt ngào làm sao, thế rồi... Thế rồi... Thời gian cứ lặng lẽ êm trôi cùng bao thăng trầm của cuộc sống cũng như thời cuộc. Các con anh chị đã trưởng thành và cất cánh bay xa. Ngôi nhà chỉ còn lại hai ông bà tuổi ngoài thất thập vẫn ríu ran mỗi ngày...Họ chờ đợi ngày kỷ niệm 50 năm bên nhau sắp tới... Ông trời đã không công bằng với chị để rồi bất ngờ :


Đôi chim gẫy cánh giữa đường
Từ nay là chăn gối ngậm ngùi là ngùi tiếc thương


Nhạc sĩ Diệu Hương viết ca khúc này như tặng riêng chị vậy! Chị đã tâm sự thế! Nỗi đớn đau tưởng như đánh gục chị, rồi vì con vì cháu chị phải nén đau mà đứng dậy. Mỗi ngày qua đi, qua đi..Đêm xuống nào có thể vợi bớt..Mệt mỏi thiếp đi khi mơ màng chợt tỉnh là lại:


Đêm qua thức giấc bùi ngùi
Nhìn quanh là em không thấy mặt người
là người mình thương


Hình dáng lời nói của anh hiện diện đây đó trong phòng khách, trong bếp, ngoài sân vườn, trong phòng ngủ còn có cả mùi hương quen thuộc trên gối nữa... Vẫn còn nguyên vẹn.
Bầu bạn cùng con cháu hay đi bơi biển cùng bè bạn thì thôi, những lúc một mình, hay đêm xuống. Chị lại hờn hờn, tủi tủi thì thầm với anh qua làn nước mắt, cùng nén nhang thơm mà rằng:


Từ khi, từ khi là Mình bỏ em buồn
Đôi chim lơ láo, quay cuồng là cuồng biếng ăn
Co ro, co ro tìm một chỗ em nằm
Phòng không, phòng không là không chiếu lạnh
Nhện sầu là sầu giăng ngang


Tuy âm dương cách trở nhưng có lẽ chị tin và người viết cũng tin rằng anh vẫn bên chị, vẫn hiểu được tâm tư của chị, hiểu chị lúc "co ro tìm một chỗ nằm"

 Phải chăng chị mong tìm một chỗ trong nhà không thấy anh hiện diện hoặc giả tìm chỗ nào đó để mong có cảm giác vòng tay ấm áp của anh bên mình.
Người viết dám tin chắc rằng nhiều lúc chị chọn chỗ nằm ngay trước bàn thờ anh mà hờn, mà tủi, mà trách 


Mình là Mình, Mình ơi
Mình đi là đi đi mãi quên lời
Lời xưa mà ta ước hẹn
Một đời là một đời sắt son
Cây xanh là xanh lá vẫn tươi màu
Riêng em là em héo tàn
Nhạt nhoà là nhoà tình xuân
Hò là hò ơi ới hò
Mình đi mô mà mình đi miết rứa không về
Rứa để em chứ rứa để em chẳng có ai nằm
rứa em chẳng có ai nằm kề một bên

Chị hờn trách ông trời lỡ chia lìa anh chị, rồi chị tủi thân nghẹn ngào gọi "Mình ơi! Mình à! bao lâu, hay bao nhiêu ngày như thế có lẽ chỉ mình chị biết và có thể là anh nữa...
Kahlil Gibran đã viết trong Uyên Ương Gẫy Cánh đại ý câu chuyện rằng: Đôi chim Uyên Ương khi sống nó chỉ có duy nhất một bạn tình, và khi một con không may chết đi, con còn lại cũng tự tìm cách đến với bạn tình của mình. Uyên Ương sống vui vầy, hạnh phúc bên nhau và chung thuỷ suốt cuộc đời nó có.


Chị và những người phụ nữ có cùng hoàn cảnh khi còn đôi lứa cũng ríu ran bên nhau chia ngọt sẻ bùi lẫn đắng cay. Không may mắn một ngày kia một nửa của các chị phải ra đi về miền miên viễn...Nỗi đau mất mát ấy không gì bù đắp nổi, những tưởng ngã quỵ theo người đầu ấp tay gối của mình. Nhưng không, các chị còn bổn phận làm vợ hương khói cho chồng, bổn phận làm mẹ, làm bà...Tình cảm gia đình, tình cảm bạn bè người thân níu kéo các chị gắng gượng đứng dậy một phần nào đó gánh vác những bổn phận và trách nhiệm của các anh để lại còn dang dở...


Nhưng nỗi buồn đau khi ấy chỉ nằm yên chứ chẳng thể nguôi quên. Bất kỳ lúc nào có cơ hội là nước mắt lại trào ra cùng những tiếng lòng kìm nén cất lên:


Đôi chim gẫy cánh giữa đường
Từ nay là em thôi hết được
gọi Mình là Mình, Mình ơi!


Chị ơi! Chị không hề thôi hết gọi "Mình Ơi! Mà có lẽ chị còn gọi nhiều hơn ngày anh còn bên chị. Chỉ có điều chắc chắn chị không bao giờ còn được nghe tiếng anh gọi chị Mình Ơi! Nữa mà thôi!


Ca từ ca khúc Mình Ơi! của nữ nhạc sĩ Diệu Hương cũng vừa đi tới câu ca cuối cùng. Nữ nhạc sĩ viết ca khúc này tặng ai? Người viết chưa biết, nhưng chắc chắn chị An  thì đã tâm sự với người viết rằng: Nhạc sĩ viết ca từ ca khúc ấy thay tâm tư của chị kể từ ngày anh bất ngờ ra đi mà không bao giờ còn có thể gọi chị Mình Ơi nữa..
Người viết bất chợt nghĩ rằng. Nữ nhạc sĩ Diệu Hương và chị An người hát ca khúc để lại dấu ấn trong lòng người viết, cùng một thế hệ. Họ sinh ra lớn lên trong chiến tranh...
Trên khắp dải đất hình chữ S này cùng thế hệ các chị còn rất nhiều người phụ nữ chưa một lần được gọi, được nghe hai tiếng Mình Ơi! Vì "Về quê chớm tuổi mạ già. Lỡ dăm vụ cấy em ra ở chùa." Và cũng còn rất nhiều người phụ nữ từ ngày còn trẻ đã phải "Ôm mồ cứ tưởng ôm vòng người yêu" vì chiến tranh!

Sài Gòn ngày 02/01/ 2015
Huỳnh Xuân Sơn

Thứ Bảy, 9 tháng 5, 2015

Đọc NGƯỜI ĐÀN BÀ NHƯ BIỂN của tác giả Lan Phương KTV





Simone de Beauvoir nữ nhà văn, nhà triết học người Pháp có một câu nói nổi tiếng rằng:“On ne nait pas femme, on le devient” (Người ta không sinh ra là đàn bà, người ta trở thành đàn bà ...) Để trở thành Đàn Bà người phụ nữ đã lập gia đình và phải trải qua một quá trình từng trải, những sự chiêm nghiệm về cuộc sống nhất định... Hay nói gần gụi hơn, đàn bà thường sâu sắc đằm thắm hơn con gái chăng?
Với bạn thì sao? Riêng tôi đã đồng ý với quan điểm trên đây và thêm một ý nữa, gọi người phụ nữ có gia đình, có sự từng trải là đàn bà nó mộc mạc dân dã và phần nào thấy gần gũi hơn!
Có lẽ cùng quan điểm ấy, nên tác giả Lan Phương đã đặt tựa đề cho bài thơ, cũng là những tâm tư viết về người phụ nữ, gắn với hai chữ Đàn Bà!
NGƯỜI ĐÀN BÀ NHƯ BIỂN

Dù thăm thẳm, mênh mông đến nhường nào?
Vẫn có bến bờ, có ngọc trai ẩn đáy
Dẫu lúc lặng êm dẫu lúc ồn ào
Vẫn ngang dọc hải lưu ngầm khó thấy

Biển vốn âm thầm giấu lệ buồn riêng
Yên ả hay bão giông... nước màu gì cũng mặn
Khi rút cạn ra xa là đỉnh cao tức giận
Sắp dựng sóng thần tàn phá bến tan hoang

Càng bao la Biển càng thấm cô đơn
(Ngỡ chẳng có vòng tay nào đủ rộng)
Tiếng sóng xô bờ là lời Biển khóc
Nửa than van nửa như tự vỗ về

Dẫu có vơi đầy Biển còn mãi đam mê
Sóng vẫn cứ xanh đến chừng nào có thể
Bỗng một ngày nhận ra mình nhỏ bé
Trong ngực Trời rộng lượng một vòm ôm.(Lan Phương KTV)

Mười sáu câu thơ tự do được tác giả sử dụng những ngôn từ trau chuốt kỹ lưỡng, sắp xếp thành một bức tranh với không gian ba chiều về biển. Không một từ nào nhắc tới người Đàn Bà. Chỉ có Biển, biển và biển cuối cùng xuất hiện thêm Trời... Mười sáu câu thơ, là mười sáu mảnh ghép nhiều chiều cảm nhận của bức tranh về biển. Đó là điều đầu tiên người viết thấy được khi đọc xong bài thơ. Người Đàn Bà Như Biển hay ngược lại Biển như người đàn bà. Sự so sánh này tưởng như khập khiễng. Bất giác nhớ lời người xưa

"Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu"! Mang theo nửa câu ca dao người viết bước vào bốn mảnh ghép đầu tiên của bức tranh sống động mà tác giả Lan Phương cũng là một người Đàn Bà như tôi, như nhân vật trữ tình trong thơ vừa hoàn thiện
Dù thăm thẳm, mênh mông đến nhường nào?
Vẫn có bến bờ, có ngọc trai ẩn đáy
Dẫu lúc lặng êm dẫu lúc ồn ào
Vẫn ngang dọc hải lưu ngầm khó thấy
Tác giả sinh ra lớn lên ở đâu? Người viết chưa được biết. Nhưng biết chắc chị đang sống và làm việc bên biển. Có lẽ vì vậy nên sự cảm nhận cùng cái nhìn xuyên thấu về những quy luật, cùng những hiện tượng tự nhiên. Đã được chị đưa vào bốn câu thơ mở đầu với nghĩa bóng có lẽ bất kỳ ai đọc lên là cảm nhận được liền. Còn nghĩa chìm khuất sau những hiện tượng tự nhiên ấy phải chăng là bản chất, là tính cách, là tâm hồn, là tình cảm của người đàn bà. Dẫu có thế nào đi nữa vẫn có những đức tính tốt, những nét đẹp ẩn chứa, chỉ là chưa có dịp thể hiện thôi! Vâng "dẫu lặng êm dẫu có lúc ồn ào" Nhưng tâm tính người đàn bà vẫn mãi giữ cái cốt cách xưa nay vốn có!
Biển vốn âm thầm giấu lệ buồn riêng
Yên ả hay bão giông... nước màu gì cũng mặn
Khi rút cạn ra xa là đỉnh cao tức giận
Sắp dựng sóng thần tàn phá bến tan hoang
Tính chất vật lý của biển vốn là vậy! Tác giả đã khắc hoạ xong rõ từng nét một. Biển âm thầm giấu lệ buồn riêng? Hay người đàn bà âm thầm giấu những giọt lệ buồn riêng? Dù muốn cũng không thể nào chia sẻ được với ai! Bão giông hay yên ả cuộc đời đều thế! Có phải chăng vì Người Đàn Bà ấy vốn Như Biển. Nên suốt cuộc đời này xuôi theo dòng hải lưu ngang dọc vẫn là làn nước mặn mòi! Chỉ có điều xin Ai kề cận bên biển luôn nhớ rằng: Giống như Biển khi người đàn bà thu mình lại, lánh ra một nơi khác, có thể đó là biểu hiện đỉnh điểm của cơn tức giận đã không còn kìm nén được nữa...
Xin hãy lánh đi kẻo sóng thần ập tới không gì cản nổi... Nếu điều đó xảy ra thì bến bờ ơi! Tan hoang là điều không tránh khỏi. Nhưng thông thường sóng thần chỉ xảy ra trong những trường hợp đặc biệt do tác động từ đáy đại dương và cực chẳng đã biển phải cuộn lòng dâng sóng thần mà tàn phá bến bờ...Phần lớn còn lại mặt biển là những cơn sóng nhỏ bạc đầu rong chơi rồi vỗ yên ru bờ bến mà thôi! Ngay cả trong những cơn giông bão sóng gầm lên dữ dội nhưng bão tan mặt nước lại trở về sự bình yên như chưa hề có bão giông qua. Chỉ có bờ bến đôi khi sạt lở cây cối gãy đổ... Lỗi do gió bão chứ chẳng hề do biển...
Những ai yêu biển xin hiểu rằng: Biển cũng suy tư, biển cũng buồn vui và cũng biết giận hờn đấy nhé! Biển là Người Đàn Bà dẫu có sâu sắc tới đâu, có nhẫn nại chịu đựng tới đâu, cũng có lúc ngậm ngùi mà ngẫm về mình!
Càng bao la Biển càng thấm cô đơn
(Ngỡ chẳng có vòng tay nào đủ rộng)
Tiếng sóng xô bờ là lời Biển khóc
Nửa than van nửa như tự vỗ về
Đó đây người ta vẫn nói rộng bao la như biển. Nhà thơ Hữu Thỉnh thì lại phát hiện ra "Biển vẫn cậy mình dài rộng thế. Vắng cánh buồm một chút đã cô đơn"!
Riêng tác giả Lan Phương lại có ý nghĩ thiết thực hơn về nỗi khát khao của người Đàn Bà luôn mong muốn có một vòng tay ấm áp! Chị nghĩ Biển rộng dài thế lấy đâu ra một vòng tay rộng lớn để ôm trọn đây? Thế là chị để cho Người Đàn Bà ấy như Biển gặm nhấm nỗi cô đơn! Ai đời sóng, biển, bờ tự tình đẹp là thế. Xuân Diệu từng viết "Anh muốn làm sóng biếc. Hôn mãi cát vàng em. Hôn thật khẽ thật êm. Hôn êm đềm mãi mãi..."
Tác giả ơi! Thật khó kìm lòng khi chị để cho tiếng sóng biển dạt dào ấy là "lời biển khóc" Không! Không bao giờ tiếng tự tình của biển và bờ lại "nửa than van nửa như tự vỗ về" cả.
Muốn nói với tác giả như thế lắm lắm, nhưng rồi nghĩ lại Biển bờ và sóng vẫn muôn đời như thế, chỉ có tâm trạng con người mà ở đây là Người Đàn Bà trong thơ của chị đang đứng trước biển... Có lẽ cũng là nơi mà nhạc sĩ Lam Phương đã:
Nằm nghe sóng vỗ từng lớp xa
Bọt tràn theo từng làn gió đưa....
...Đời anh sẽ đẹp vì có em...
Biển xanh cát trắng, sóng hòa nhịp ái ân
Không còn những chiều bâng khuâng.... (Biển Tình- Lam Phương) Và cũng có thể Người Đàn Bà ấy đang đứng ở một bãi cát ven biển đâu đó dọc Miền Trung, nơi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã cất lên: Biển đánh bờ,
Xôn xao bờ đánh biển
Đừng đánh nhau ... Ơi biển sẽ tàn phai
Đừng gạch tên vì yêu đừng xé nát
Biển là em ngọt đắng trùng khơi...
Biển nghìn thu ở lại, nghìn thu ngậm ngùi (Biển Nghìn Thu Ở Lại - Trịnh Công Sơn).
Dẫu cho Người Đàn Bà đang đứng trước biển ở nơi nào đi nữa. Cũng không thể phủ nhận người đàn bà ấy đang gặm nhấm nỗi cô đơn, cô đơn đến cùng cực chứ không chỉ là buông lời than van trước biển là vợi bớt.
Nhưng có lẽ nhờ sự từng trải, sự sâu sắc của người phụ nữ đã thành Đàn Bà nên đứng trước nỗi cô đơn ấy, đã biết đứng lên tự an ủi vỗ về mình.
Dù gì thì tác giả cùng Người Đàn Bà Như Biển cũng đã lộ diện những mảnh ghép cuối cùng của bức tranh 3D
Dẫu có vơi đầy Biển còn mãi đam mê
Sóng vẫn cứ xanh đến chừng nào có thể
Bỗng một ngày nhận ra mình nhỏ bé
Trong ngực Trời rộng lượng một vòm ôm.
Hai câu đầu thêm một lần khẳng định về nguyên lý cấu tạo của Biển cũng như tâm tư Người Đàn Bà vẫn yêu, vẫn tận hiến tình yêu của mình tới chừng nào còn có thể. Hai câu cuối cùng tác giả dùng để kết mới đẹp làm sao! Biển rộng, dài, sâu bao nhiêu vẫn có bờ có đáy. Biển như người đàn bà vốn "sâu sắc như cơi đụng trầu". Biển ơi! Người đàn bà ơi! Còn một nửa thế giới "Đàn ông nông nổi giếng khơi" Cơ mà. Chỉ là hôm giờ buồn nản, cô đơn nên biển cũng như người đàn bà chưa kịp nhận ra: Trên biển là cả bầu trời cao xanh vời vợi đấy thôi! Và ngay bên Người Đàn Bà một vòng tay chỉ chờ Người Đàn Bà quay sang là mạnh mẽ siết chặt... Tác giả cảm nhận dùm là vòng tay "rộng lượng" Đó thôi! Thật hạnh phúc Người Đàn Bà ạ! Không có gì hạnh phúc hơn bên mình có một người đàn ông rộng lượng... Dẫu sau bao giông gió mới "Bỗng một ngày chợt nhận ra" Thì vẫn chưa muộn bao giờ.
Sài Gòn ngày 02/02/2015
Huỳnh Xuân Sơn

Thứ Sáu, 8 tháng 5, 2015

ĐỌC NGƯỜI ĐÀN BÀ LÀM THƠ tác giả Lan Phương




Thời xưa trong xã hội phong kiến với quan niệm Trọng Nam Khinh Nữ ..Phụ nữ ít được học chữ sinh ra ít nữ thi sĩ...Xã hội phát triển ít nhiều cởi trói quan niệm sống cho người phụ nữ Á Đông, nhất là phụ nữ có gia đình.Những Bà Huyện Thanh Quan, Nữ sĩ Đoàn Thị Điểm, Nữ sĩ Anh Thơ, nữ sĩ Mộng Tuyết...Đại diện cho số ít người phụ nữ có gia đình làm thơ! Những giai thoại về tâm tư họ không nhiều dấu ấn để lại trong lòng người viết như các Nam thi nhạc sĩ ...
Trong những lúc cà phê chuyện trò với bạn hữu, nhất là mấy chị em phụ nữ yêu thơ tụ lại.Thi thoảng vẫn nghe đôi lời phàn nàn về nỗi khổ của người phụ nữ có gia đình làm thơ, mà nhiều khi phải kìm nén..Người viết vẫn ấp ủ một lần trải lòng vào nỗi niềm ấy mà chưa có cơ hội.Để rồi hôm nay gặp một tâm trạng như thế của Người Đàn Bà Làm Thơ được tác giả Lan Phương KTV gửi gắm vào câu chữ :
Người Đàn Bà làm Thơ
Tự nguyện hiến tấc lòng
Mài tim thành công cụ
Cày đến nát mảnh tâm hồn - Người đàn bà cặm cụi
Đôi khi đất sắc như dao khiến chảy máu tim mình
Tưới nước mắt lên khô cằn
Vắt nắng tìm mưa, nhặt gió ra từ bão

Hạt buồn khỏa thân
Hạt vui choàng áo
Mẩy lép như nhau - Mang ủ tứ gieo vần
Bất cứ cây gì mọc lên đều sẵn gen đa tình
Nếu là lúa? Gặt thóc về nấu rượu
Chuốc những gã si tình say khứ hồi vài cuộc
Rơm rạ thu gom, chất đống đợi…. đốt nhà


Nếu là bông? Đúng mùa nhất định sẽ nở hoa
Dâng hết cho đời không một lần toan tính
Dẫu có thể người đi ngang qua chẳng dừng chân đứng ngắm
Vẫn nồng nàn tận hiến sắc hương...
Người đàn bà làm thơ thật đáng thương
Khi một ngày nhận ra không còn gì để gieo rồi gặt hái
Mảnh tâm hồn cô đơn mọc lên toàn cỏ dại. (Lan Phương KTV)

Người Đàn Bà Làm Thơ chỉ nhìn tên Tựa đề đã khiến người viết không thể cưỡng lại sự háo hức khám phá ẩn ý tác giả giấu sau ngôn từ..
Đọc xong bài thơ thì cái sự háo hức ban đầu chuyển sang sự ngậm ngùi cùng thổn thức với câu chữ.. Lan Phương tác giả ở đâu làm gì người viết chưa biết, Nhưng những câu thơ chị viết thì cứ như là chị viết thay cho người viết và bạn thơ nữ của người viết vậy.
Người Đàn Bà? Sao không là Người Phụ Nữ? Phải chăng chị muốn dành riêng cho những người phụ nữ có gia đình làm thơ! câu hỏi này cứ quẩn quanh ,cứ bủa vây, cứ thôi thúc người viết. Hãy lau nước mắt để trải lòng ra, cố mà lột phăng cái "áo choàng" tác giả mặc cho từng ý thơ trong bài thơ này.
Người Đàn Bà Làm Thơ có lần tác giả đã viết:

Đôi khi thơ làm mặt nạ
Người đang nức nở, thơ cười
Thơ u sầu, người hỉ hả
Người say, thơ tỉnh từng lời…(Mặt Nạ Thơ)
Nhưng ở đây trong nỗi niềm Người Đàn Bà này tác giả đã thẳng thắn mà rằng:

Tưới nước mắt lên khô cằn
Vắt nắng tìm mưa, nhặt gió ra từ bão
Hạt buồn khỏa thân
Hạt vui choàng áo
Mẩy lép như nhau - Mang ủ tứ gieo vần
Vâng những vần thơ "Tỉnh từng lời" này đã khiến cho những Người Đàn Bà Làm Thơ khác như tôi phải ngậm ngùi qua một loạt động từ mạnh "Tưới" Vắt, Nhặt,Khoả Thân, Choàng Ủ rồi Gieo gắn liến với nào là "nước mắt" rồi gió ,bão, buồn vui....Nhưng cái mà đánh gục người viết chính là ý thơ: "Mẩy lép như nhau". Mẩy còn mong nảy mầm sự sống, Lép biết chắc rằng công cốc mà sao vẫn mang "gieo" ?
 Phải chăng bởi Hạt buồn thì trần trụi Người Đàn Bà Làm thơ không cần giấu giếm, không cần che đậy? Không biết các nam nhân thi sĩ nghĩ gì về ý thơ này nữa "Hạt vui choàng áo".
Các cụ xưa có dạy rằng "tốt đẹp khoe ra" vậy mà sao Người Đàn Bà Làm Thơ lại phải có hành động "choàng áo cho "Hạt Vui" trước khi đem "ủ tứ gieo vần"?
Hạt buồn, Hạt vui ấy dẫu mẩy hay lép vẫn được nâng niu chăm sóc như nhau ư? Phải chăng nó được hình thành từ những việc làm không tưởng những mong gặt hái thành quả "vắt nắng tìm mưa" rồi thì "nhặt gió từ trong bão" sau khi Tưới nước mắt lên khô cằn". Bao nhiêu nước mắt cho những hạt mẩy nẩy mầm,người viết chưa dám định lượng. nói chi đến tác giả đến Người Đàn Bà Làm Thơ! còn hạt lép thì đương nhiên tát cạn hết sông hồ để tưới cũng không bao giờ nảy mầm chứ nói chi nước mắt!
Người phụ nữ làm thơ muốn thể hiện vui buồn đã khó, phải chăng Người Đàn Bà làm thơ bày tỏ vui buồn gửi vào câu chữ còn khó hơn! Buồn thì ắt hẳn nó thật đến trần trụi, Vui thì phải lột đi lớp vỏ ngôn từ mới cảm nhận được ư? Một khổ thơ nặng trĩu tâm tư người đọc nảy sinh ra câu hỏi ấy, vì sao? và vì đâu mà Người Đàn Bà Làm Thơ lại phải gánh chịu như vậy?
Xin mang theo câu hỏi này đi sâu vào trong mảnh vườn mà tác giả đã mang nỗi niềm của Người Đàn Bà Làm Thơ "Ủ tứ gieo vần"
Bất cứ cây gì mọc lên đều sẵn gen đa tình
Nếu là lúa? Gặt thóc về nấu rượu
Chuốc những gã si tình say khứ hồi vài cuộc
Rơm rạ thu gom, chất đống đợi…. đốt nhà

Bước vào khổ thơ đầy tâm trạng này người viết nhớ tới lời của cố nhà văn Nguyễn Quang Sáng rằng "văn xuôi là gạo được nấu thành cơm, Thơ là rượu.".
Rượu ư? có lần tác giả Lan Phương đã Uống Rượu như thế này:
Buồn thế thái
Uống dăm ly Tiên Tửu
Thấm lơ mơ
Trong tinh túy đất trời
Tinh túy của người
Chan vào thơ từng giọt
Chén muộn phiền
Đầy cười, khóc
Lại vơi...
Hồn tịnh lại
Nhấp từng ly Tâm Tửu
Ngấm vào tim
Than lửa ngún tàn đêm
Say lặng lẽ
Dịu dàng đau lặng lẽ
Chén ly bôi
Cạn nhé! Hỡi tình nhân!(Uống Rượu)
Tác giả Lan Phương phải chăng cũng đã từng hơn một lần mượn chuyện Uống Rượu mà biện giải cho Người Đàn Bà Làm Thơ rằng "cây nào cũng có gen đa tình" hay chị muốn nói bất cứ ai cũng có máu đa tình thì sao người đàn bà làm thơ lại ngoại lệ được...Chỉ mượn hình ảnh Cây Lúa gần gụi với mỗi người dân Việt và cũng là nguyên liệu chính yếu thường dùng để chắt lọc ra rượu theo sau từ giả định Nếu...
Từ gieo hạt, nảy mầm trưởng thành, đơm bông kết quả. Nếu may mắn là hạt mẩy khi gặt về còn phải phơi khô rồi trải qua chà xát, mới được nấu thành cơm và còn cần thêm men xúc tác mới có thể ủ dậy men sau đó mới mang ra nấu chờ từng giọt rượu được chưng cất..
Nếu may mắn những giọt rượu cay đắng nồng thơm ấy được người thưởng thức mà ở đây tác giả gọi nó là "chuốc những gã si tình say" mà nào say một lần thì còn đỡ ..trong Người Đàn Bà Làm Thơ chị cho mấy gã "say khứ hồi" mà còn thêm "vài cuộc như thế". Hẳn những giọt rượu thơ ấy Ngọt ngào lắm chứ không chỉ đắng cay nồng thôi đâu...
Nếu chỉ như vậy thôi thì niềm vui của Người Đàn Bà Làm Thơ hay của những hạt lúa được nấu thành rượu sẽ nhân lên mấy bận...Nhưng, hậu cuộc vui qua đi, cũng như còn có rất nhiều những giọt rượu thơ của biết bao Người Đàn Bà Làm Thơ khác nữa mời mọc.Mấy gã si tình cũng trở về "Đúng nghĩa trái tim" đi hoang của mấy gã...Người Đàn Bà Làm Thơ còn lại những gì đây? Tác giả thì gọi những bài thơ thật khó công mới có ấy sau khi trình làng rộn ràng vài bữa nó thành "rơm rạ thu gom chất đống đợi..." chao ôi! là đợi "Đốt nhà".
Tới đây người viết chợt nhớ tới và liên tưởng một sự đồng điệu giữa Người Đàn Bà Làm Thơ và thi nhạc sĩ Đynh Trầm Ca khi viết Một Kiểu Chết thế này

Bài thơ này anh bóng gió xỏ xiên
Sau cánh hoa ai là con rắn nấp?
Và như thế tôi gom thơ đốt
Những bài thơ từng cứu tôi khỏi điên

Gia đình tôi bắt đầu cuộc sống bình yên
Riêng hồn tôi lần lần vào cõi chết (Đynh Trầm Ca)

Phải chăng những câu thơ, bài thơ mà Người Đàn Bà Làm Thơ đang "chất đống đợi...Đốt nhà" ấy cũng có cùng chung phận số như ý thơ của thi nhạc sĩ Đynh Trầm Ca viết ở trên? Người viết xin nhờ tác giả cùng với Người Đàn Bà Làm Thơ trả lời dùm...Nếu như điều đó đã xảy ra, Còn nếu như vẫn còn đang chờ đợi thì xin cùng người viết đi tiếp ..Sau khi Người Đàn Bà Làm Thơ tự nhận "Nếu là lúa" đã tròn vành rõ nghĩa trong khổ thơ nặng trĩu tình thơ làm điểm nhấn cho cả bài thơ của tác giả Lan Phương!

Và đây thêm một chữ Nếu nữa:
Nếu là bông? Đúng mùa nhất định sẽ nở hoa
Dâng hết cho đời không một lần toan tính
Dẫu có thể người đi ngang qua chẳng dừng chân đứng ngắm
Vẫn nồng nàn tận hiến sắc hương...
"Nếu là bông"( theo phương ngữ miền trung Bông chính là Hoa...)Vâng rất đồng ý với chị bất kỳ loài hoa nào thì cứ "tới mùa nhất định sẽ nở hoa" trừ một số ít loài bốn mùa khoe sắc hương!
Người Đàn Bà Làm Thơ tự nhận thấy mình như là hoa "dâng hết cho đời không một lần toan tính" khờ khạo làm sao như hoa Xuyến Chi(cúc dại) ven đường kia vậy, Luôn khoe từng bông trắng trong, rung rinh trước gió mỗi khi bước vào buổi giao mùa Mưa Nắng. Nó không hề nghĩ tới có ai ngắm mình như mấy nàng Dã Quỳ rực rỡ hay không?
Dù sao đi nữa dẫu có là hoa cỏ dại thì Người Đàn Bà Làm Thơ ơi! Có hoa vẫn có người ngắm chỉ là nhiều hay ít thôi!
Nhưng ngậm ngùi lại là câu "Nồng nàn tận hiến sắc hương". kia!
Người viết bỗng thấy phảng phất đâu đây trong một lần tác giả đã gửi gắm "Người Đàn Bà Như Biển" rằng
Dẫu có vơi đầy Biển còn mãi đam mê
Sóng vẫn cứ xanh đến chừng nào có thể
Bỗng một ngày nhận ra mình nhỏ bé
Trong ngực Trời rộng lượng một vòm ôm.
Vâng người viết rất tin mong và tin rằng tác giả cũng mong và tin thế !Cứ nồng nàn tận hiến đi một ngày kia sẽ được hạnh phúc mà nép vào "Ngực trời rộng lượng một vòng ôm"!
Phải chăng đam mê nào cũng đều có giá của nó. Người Đàn Bà Làm Thơ đáng thương hay đáng trách hoặc giả đáng yêu? còn tuỳ thuộc vào ánh mắt và trái tim người đối diện.
Người Làm Thơ là người nhặt chữ ghép câu làm thành chiếc xe chuyên chở tâm tư tình cảm của mình, của những sự vật sự việc xung quanh mình, và của cả những người bên mình nữa, Nhưng có lẽ Người Đàn Bà Làm Thơ có nhiều điểm khác hơn những điểm chung ấy chăng? ít nhất là trong thơ của tác giả Lan Phương khi chị viết:
Tự nguyện hiến tấc lòng
Mài tim thành công cụ
Cày đến nát mảnh tâm hồn - Người đàn bà cặm cụi
Đôi khi đất sắc như dao khiến chảy máu tim mình
Vâng lại vẫn làm nhức nhối lòng người đọc với những từ như "hiến, mài, cày,cặm cụi..Cùng với "tấc lòng,nát, mảnh...Tác giả khéo léo lựa chọn sắp xếp chúng lại để chuyên chở ý thơ khắc hoạ nên tính cách của Người Đàn Bà Làm Thơ tận hiến tất cả những gì mình có được cho thơ, tác giả mượn hình tượng đắt giá, gần gũi và thật đến nao lòng người! Đó là Tự mài tim mình thành công cụ lao động để mà cày xới mảnh tâm hồn của chính mình gieo hạt chờ nảy mầm cây thơ..Hình ảnh Người Đàn Bà Cặm Cụi lam lũ trên mảnh vườn tự tạo của chính mình mới xót xa làm sao khi mà tự họ cảm thấy "Đôi khi đất sắc như dao khiến chảy máu tim mình"! Sự liên tưởng so sánh và cảm nhận thật đắt giá, nhưng với người viết thì đắt nhất là hai từ cặm cụi. Vâng có lẽ chỉ những Người Đàn Bà Làm Thơ mới có đủ can đảm mài tim mình làm công cụ mà cặm cụi chăm bón ngay cả những hạt lép...Và, rồi một mai đây khi Hạt mẩy không còn nữa...có lẽ nào vì thế mà tác giả kết thúc rằng:
Người đàn bà làm thơ thật đáng thương
Khi một ngày nhận ra không còn gì để gieo rồi gặt hái
Mảnh tâm hồn cô đơn mọc lên toàn cỏ dại.
Tác giả Lan Phương kết luận như thế! rõ ràng rồi không cần phải giấu diếm, Người làm thơ nói chung không có gì phải đáng thương cả! Nhưng Người Đàn Bà Làm Thơ mà đặc biệt là người đàn bà trong bài thơ này sau những gì mà tác giả Lan Phương đã viết ra...Không chỉ đáng thương mà còn đáng yêu bởi tình yêu thơ mà bất chấp tất cả tận hiến cho thơ ...
Người viết muốn nhờ tác giả nhắn với Người Đàn Bà Làm thơ một lời chia sẻ thế này.
Chị cứ yên tâm nhé! Nếu một ngày mảnh vườn ấy không còn gì để gieo trồng nữa thì có nghĩa lúc ấy, cả vườn cây chị gieo hạt, chăm sóc nâng niu suốt dặm dài, đã trưởng thành và cho trái ngọt, chị chỉ việc chiêm ngưỡng thôi! Mảnh tâm hồn sẽ có một chút cô đơn nhưng cây thành quả chị tạo dựng đủ sức để khuất lấp một vài khóm cỏ dại cơ hội mọc lên đây đó trong vườn!
Bài Thơ Người Đàn Bà Làm Thơ của tác giả Lan Phương KTV vừa dừng lại cùng người viết!
Rất may mắn người viết có bên mình một bờ vai vững chãi cảm thông và thấu hiểu tình yêu của người viết dành cho thơ. Vì vậy những nhận định diễn giải trong bài viết này mang tính chất liên tưởng trong xã hội và phần nào "Đồng bệnh tương lân, đồng khí tương cầu",giữa người viết và tác giả..
Rất mong nhận được sự lượng thứ từ tác giả cũng như bạn đọc nếu như có sự sai sót.
Sài Gòn 5/5/2015
Huỳnh Xuân Sơn