Chủ Nhật, 17 tháng 5, 2015

ĐỌC NHỚ HẠ của tác giả Phạm Hoàng Tuyên




Mùa Hạ! không biết tự bao giờ? Không biết do đâu mà nó luôn là mùa gợi nhớ, nhắc nhớ...Đặc biệt khi đứng trước những chùm phượng đỏ "đốt cháy cả khoảng trời" Cùng inh ỏi tiếng ve... Thời hoa niên, tuổi học trò không bảo nhau những kỷ niệm cứ ùa về. Nhất là những ai có chút duyên nợ với câu chữ thì ý thơ xuất hiện vào những lúc như thế. Tác giả Phạm Hoàng Tuyên với bài thơ Hạ Nhớ cũng vừa khơi trong tôi một dòng cảm xúc đặc biệt.
Nhớ Hạ

Mây vô tình trôi lạc bến sông xưa
Hồn bỗng nhớ một thuở nào xa lắc
Nắng hạ buồn trong lời ve rưng rức
Phượng rực trời thiêu cháy một vùng mơ.
Anh bây giờ vẫn lặng lẽ làm thơ
Qua năm tháng tình em thành vết tích. (Phạm Hoàng Tuyên)

Sáu câu thơ tổng cộng 48 chữ, được tác giả phác hoạ nên bức tranh mang tên Nhớ Hạ. Vẫn là những nét vẽ đặc trưng như hoa phượng, như tiếng ve cùng màu nắng. Nhưng bức tranh ấy lại có nhiều chiều gợi nhắc về một nỗi nhớ mùa hạ có lẽ đã xa, rất xa...

Nhớ Hạ bùng lên không phải do chủ thể gặp "Màu hoa như màu máu con tim". Mà do một áng "Mây vô tình trôi.." Khiến cho ai đó chứ chưa hẳn là Mây " lạc bến sông xưa". Bến sông ấy hẳn có "Một dòng trong xanh chảy đến vô cùng". Bến sông ấy có lẽ cất giấu rất nhiều kỷ niệm về một mùa hạ nào đó. Nên tác giả vung cọ thêm một nét nữa vào bức phác thảo Nhớ Hạ:

Hồn bỗng nhớ một thuở nào xa lắc

Vậy là câu giả định trên của tôi rằng "ai đó" đi lạc vào "bến sông xưa" Có lẽ đã đúng. Hồn của ai đó bởi đi lạc nên "bỗng nhớ một thuở nào xa lắc" Xa thôi đã thấy nhớ rồi, ở đây tác giả viết Xa Lắc, liệu với khoảng cách không gian và thời gian xa lắc ấy, kỷ niệm có còn nguyên vẹn không? Nhất là khi nhịp thơ dùng để khơi gợi 3/5 trúc trắc chuyển sang 3/3/2 cũng gập ghềnh không kém...

Nắng hạ buồn trong lời ve rưng rức
Phượng rực trời thiêu cháy một vùng mơ.

Những âm thanh hình ảnh đặc trưng của mùa hạ, như nắng, tiếng ve, phượng đỏ xuất hiện.. Nhưng khi theo nét vẽ của tác giả vào trong Nhớ Hạ với các từ như "Buồn" "Rưng rức" Rồi thì "Thiêu cháy."..Khiến cho màu nắng không còn "Màu nắng như là màu mắt em". Để cho ai kia không còn cơ hội "Gọi nắng, cho tóc em cài loài hoa nắng rơi, nắng đưa em về miền cao gió mây." Mà với "nắng hạ buồn theo lời ve rưng rức" Thì tác giả ơi! Phải chăng:"Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn" Rồi từ đó mỗi khi âm thanh rộn ràng của dàn đồng ca mùa hạ cất lên là lại cảm thấy: "Tiếng ve nức nở buồn hơn tiếng lòng". Vùng ước mơ bị những tàng phượng thiêu đốt ấy phải chăng là

"và thuở ấy biết bao nhiêu buồn vui
gói trọn theo tuổi đời
tình đẹp như trang giấy kết vần thơ
như một nụ hoa trắng
nhưng bao nhiêu yêu dấu đã phai mờ
thời gian nỡ vùi chôn tuổi học trò "(Lưu Bút Ngày Xanh- Thanh Sơn)
Kỷ niệm tuổi học trò với những bâng khuâng đầu đời bao giờ cũng đẹp và thật khó quên. Ngay cả khi nó không được trọn vẹn như mơ ước của mỗi nam thanh, nữ tú thủa còn mộng mơ .
Với tác giả Phạm Hoàng Tuyên người đang phác thảo bức tranh nỗi Nhớ Hạ có lẽ cũng không ngoại lệ.
Không một câu nào diễn tả sự dở dang, không một lời chưa kịp ngỏ, không một kỷ vật trao nhau dẫu là giấu trong ngăn bàn lặng lẽ...Tôi vẫn cảm nhận thấy Nhớ Hạ có một tâm tư chưa trọn ngay trước khi vào hai câu kết.
Anh bây giờ vẫn lặng lẽ làm thơ
Qua năm tháng tình em thành vết tích
Ngôi thứ nhất Anh xuất hiện nhưng để nói rằng hiện tại "bây giờ vẫn lặng lẽ làm thơ". Không có một sự liên hệ kết nối nào với vầng mây đi lạc vào "bến sông xưa" Để cho "Hồn bỗng nhớ"... Nhưng với câu thơ có ngôi thứ hai Em xuất hiện thì đã cho thấy Anh chính là chủ thể trong bài thơ Nhớ Hạ!
Tuy Anh khẳng định "Qua năm tháng tình em thành vết tích" Nhưng xuyên suốt cả bài thơ với những nét vẽ tài tình, lúc ẩn, khi hiện, về một mùa hạ đã xa của chủ thể Anh trong nỗi nhớ. Người viết tin chắc rằng dẫu qua bao nhiêu năm tháng đi nữa. Tình em ấy chỉ nằm yên một góc khuất nào đó trong trái tim của Anh, một thi sĩ đa cảm! Để rồi mỗi khi có dịp hoặc giả mỗi khi hạ về, bắt gặp: "Màu hoa phượng thắm như máu con tim" là mỗi lần bồi hồi nhớ lại và cũng là : "Mỗi lần hè thêm kỷ niệm" Chất chứa trong tâm hồn trong trái tim của Anh Vết Tích ấy không bao giờ phai mờ cả...Nhớ Hạ là một minh chứng rõ nét cho nhận định ấy!
Sài Gòn 17/5/2015
Huỳnh Xuân Sơn

1 nhận xét:

  1. Nhìn mây trôi nhớ nắng hạ thương...Nhớ tiếng ve sầu nhớ Phượng buồn!Nhớ bến sông xưa vết tích còn...Đỏ tình rực thắm nỗi nhớ nhung...

    Trả lờiXóa