Chủ Nhật, 10 tháng 5, 2015

Tản Mạn Cùng Ca Từ Ca Khúc Mình Ơi! Của Nữ Nhạc Sĩ Diệu Hương

NHƯ MỘT LỜI SẺ CHIA Cùng MÌNH ƠI! của nữ nhạc sĩ Diệu Hương và chị An !

Khu du lịch Vườn Hoa Khô Đà Lạt là nơi mà người viết nghe bài hát Mình Ơi! Của nữ nhạc sĩ Diệu Hương hay nhất trong tất cả những lần nghe từ trước tới nay...
Sẽ không có nhiều dấu ấn về ca từ lưu lại, như bao lần nghe trước đó, nếu như người viết không được chứng kiến: Người hát vừa hát vừa nức nở, bạn đồng môn của người hát lên sân khấu tặng hoa, nghẹn ngào rồi nức nở theo mà không xuống, một người, hai người, rồi nhiều người khác cùng như thế...


Ca từ ca khúc qua giọng hát của chị An vẫn như đang nghẹn ngào, thổn thức cùng trôi lúc này!


Mình Ơi!
Đôi chim là chim ríu rít trên cành
Em yêu là yêu tiếng gọi
của Mình là Mình, Mình ơi !

Đêm qua thức giấc bùi ngùi
Nhìn quanh là em không thấy mặt người
là người mình thương

Từ khi, từ khi là Mình bỏ em buồn
Đôi chim lơ láo, quay cuồng là cuồng biếng ăn
Co ro, co ro tìm một chỗ em nằm
Phòng không, phòng không là không chiếu lạnh
Nhện sầu là sầu giăng ngang

Mình là Mình, Mình ơi
Mình đi là đi đi mãi quên lời
Lời xưa mà ta ước hẹn
Một đời là một đời sắt son
Cây xanh là xanh lá vẫn tươi màu
Riêng em là em héo tàn
Nhạt nhoà là nhoà tình xuân

Đôi chim gẫy cánh giữa đường
Từ nay là chăn gối ngậm ngùi là ngùi tiếc thương
Hò là hò ơi ới hò
Mình đi mô mà mình đi miết rứa không về
Rứa để em chứ rứa để em chẳng có ai nằm
rứa em chẳng có ai nằm kề một bên

Mình là Mình, Mình ơi
Mình đi là đi đi mãi quên lời
Lời xưa mà ta ước hẹn
Một đời là một đời sắt son
Cây xanh là xanh lá vẫn tươi màu
Riêng em là em héo tàn
Nhạt nhoà là nhoà tình xuân

Đôi chim gẫy cánh giữa đường
Từ nay là em thôi hết được
gọi Mình là Mình, Mình ơi (Diệu Hương)

Giọng hát cao vút, trong veo, xen lẫn nghẹn ngào của chị rồi cũng đến câu kết và dừng lại, một hồi lâu sau những giọt nước mắt chia sẻ với chị  mới dừng lại. Để rồi ít phút sau người viết được biết chị hát ca khúc ấy như nỗi niềm của chính chị lúc này. 


Anh chị gặp gỡ, yêu nhau và chung sống bên nhau chỉ còn ít ngày nữa là kỷ niệm 50 năm ngày cưới... Anh đột ngột ra đi...Để lại chị hụt hẫng chơi vơi, trong cảnh "co ro tìm một chỗ em nằm. Phòng không, phòng không là không chiếu lạnh. Nhện sầu là sầu giăng ngang ". 

Chị nức nở, bạn chị nức nở, người viết giàn dụa nước mắt...

Hình ảnh hơn mười người phụ nữ tuổi trên sáu mươi tới gần 80 nắm tay nhau nghẹn ngào cứ vấn vương người viết suốt mấy ngày sau đó.

 Để giờ đây, lời ca khúc ấy lại thôi thúc người viết chia sẻ tâm tư tình cảm với chị, với những ai cùng cảnh ngộ "Uyên Ương Gãy Cánh" Trước hết xin ngược dòng về lại thập niên 60 của thế kỷ trước, Chị một thiếu nữ yêu và kết hôn cùng anh! Thời nữ sinh của chị gắn liền với chiến tranh đặc biệt là biến cố Mậu Thân 1968, 1975. Nhưng anh chị chưa bao giờ phải sống xa nhau. Tình nghĩa vợ chồng mặn nồng mấy chục năm qua chẳng khác nào ca từ mở đầu:

Mình Ơi!
Đôi chim là chim ríu rít trên cành
Em yêu là yêu tiếng gọi
của Mình là Mình, Mình ơi !


Nữ nhạc sĩ Diệu Hương cũng đã mượn hình ảnh "đôi chim ríu rít trên cành" Để nói về hạnh phúc của những lứa đôi âu yếm sống bên nhau. Hai tiếng Mình Ơi! Cất lên mới ngọt ngào làm sao, thế rồi... Thế rồi... Thời gian cứ lặng lẽ êm trôi cùng bao thăng trầm của cuộc sống cũng như thời cuộc. Các con anh chị đã trưởng thành và cất cánh bay xa. Ngôi nhà chỉ còn lại hai ông bà tuổi ngoài thất thập vẫn ríu ran mỗi ngày...Họ chờ đợi ngày kỷ niệm 50 năm bên nhau sắp tới... Ông trời đã không công bằng với chị để rồi bất ngờ :


Đôi chim gẫy cánh giữa đường
Từ nay là chăn gối ngậm ngùi là ngùi tiếc thương


Nhạc sĩ Diệu Hương viết ca khúc này như tặng riêng chị vậy! Chị đã tâm sự thế! Nỗi đớn đau tưởng như đánh gục chị, rồi vì con vì cháu chị phải nén đau mà đứng dậy. Mỗi ngày qua đi, qua đi..Đêm xuống nào có thể vợi bớt..Mệt mỏi thiếp đi khi mơ màng chợt tỉnh là lại:


Đêm qua thức giấc bùi ngùi
Nhìn quanh là em không thấy mặt người
là người mình thương


Hình dáng lời nói của anh hiện diện đây đó trong phòng khách, trong bếp, ngoài sân vườn, trong phòng ngủ còn có cả mùi hương quen thuộc trên gối nữa... Vẫn còn nguyên vẹn.
Bầu bạn cùng con cháu hay đi bơi biển cùng bè bạn thì thôi, những lúc một mình, hay đêm xuống. Chị lại hờn hờn, tủi tủi thì thầm với anh qua làn nước mắt, cùng nén nhang thơm mà rằng:


Từ khi, từ khi là Mình bỏ em buồn
Đôi chim lơ láo, quay cuồng là cuồng biếng ăn
Co ro, co ro tìm một chỗ em nằm
Phòng không, phòng không là không chiếu lạnh
Nhện sầu là sầu giăng ngang


Tuy âm dương cách trở nhưng có lẽ chị tin và người viết cũng tin rằng anh vẫn bên chị, vẫn hiểu được tâm tư của chị, hiểu chị lúc "co ro tìm một chỗ nằm"

 Phải chăng chị mong tìm một chỗ trong nhà không thấy anh hiện diện hoặc giả tìm chỗ nào đó để mong có cảm giác vòng tay ấm áp của anh bên mình.
Người viết dám tin chắc rằng nhiều lúc chị chọn chỗ nằm ngay trước bàn thờ anh mà hờn, mà tủi, mà trách 


Mình là Mình, Mình ơi
Mình đi là đi đi mãi quên lời
Lời xưa mà ta ước hẹn
Một đời là một đời sắt son
Cây xanh là xanh lá vẫn tươi màu
Riêng em là em héo tàn
Nhạt nhoà là nhoà tình xuân
Hò là hò ơi ới hò
Mình đi mô mà mình đi miết rứa không về
Rứa để em chứ rứa để em chẳng có ai nằm
rứa em chẳng có ai nằm kề một bên

Chị hờn trách ông trời lỡ chia lìa anh chị, rồi chị tủi thân nghẹn ngào gọi "Mình ơi! Mình à! bao lâu, hay bao nhiêu ngày như thế có lẽ chỉ mình chị biết và có thể là anh nữa...
Kahlil Gibran đã viết trong Uyên Ương Gẫy Cánh đại ý câu chuyện rằng: Đôi chim Uyên Ương khi sống nó chỉ có duy nhất một bạn tình, và khi một con không may chết đi, con còn lại cũng tự tìm cách đến với bạn tình của mình. Uyên Ương sống vui vầy, hạnh phúc bên nhau và chung thuỷ suốt cuộc đời nó có.


Chị và những người phụ nữ có cùng hoàn cảnh khi còn đôi lứa cũng ríu ran bên nhau chia ngọt sẻ bùi lẫn đắng cay. Không may mắn một ngày kia một nửa của các chị phải ra đi về miền miên viễn...Nỗi đau mất mát ấy không gì bù đắp nổi, những tưởng ngã quỵ theo người đầu ấp tay gối của mình. Nhưng không, các chị còn bổn phận làm vợ hương khói cho chồng, bổn phận làm mẹ, làm bà...Tình cảm gia đình, tình cảm bạn bè người thân níu kéo các chị gắng gượng đứng dậy một phần nào đó gánh vác những bổn phận và trách nhiệm của các anh để lại còn dang dở...


Nhưng nỗi buồn đau khi ấy chỉ nằm yên chứ chẳng thể nguôi quên. Bất kỳ lúc nào có cơ hội là nước mắt lại trào ra cùng những tiếng lòng kìm nén cất lên:


Đôi chim gẫy cánh giữa đường
Từ nay là em thôi hết được
gọi Mình là Mình, Mình ơi!


Chị ơi! Chị không hề thôi hết gọi "Mình Ơi! Mà có lẽ chị còn gọi nhiều hơn ngày anh còn bên chị. Chỉ có điều chắc chắn chị không bao giờ còn được nghe tiếng anh gọi chị Mình Ơi! Nữa mà thôi!


Ca từ ca khúc Mình Ơi! của nữ nhạc sĩ Diệu Hương cũng vừa đi tới câu ca cuối cùng. Nữ nhạc sĩ viết ca khúc này tặng ai? Người viết chưa biết, nhưng chắc chắn chị An  thì đã tâm sự với người viết rằng: Nhạc sĩ viết ca từ ca khúc ấy thay tâm tư của chị kể từ ngày anh bất ngờ ra đi mà không bao giờ còn có thể gọi chị Mình Ơi nữa..
Người viết bất chợt nghĩ rằng. Nữ nhạc sĩ Diệu Hương và chị An người hát ca khúc để lại dấu ấn trong lòng người viết, cùng một thế hệ. Họ sinh ra lớn lên trong chiến tranh...
Trên khắp dải đất hình chữ S này cùng thế hệ các chị còn rất nhiều người phụ nữ chưa một lần được gọi, được nghe hai tiếng Mình Ơi! Vì "Về quê chớm tuổi mạ già. Lỡ dăm vụ cấy em ra ở chùa." Và cũng còn rất nhiều người phụ nữ từ ngày còn trẻ đã phải "Ôm mồ cứ tưởng ôm vòng người yêu" vì chiến tranh!

Sài Gòn ngày 02/01/ 2015
Huỳnh Xuân Sơn

2 nhận xét: