Thứ Tư, 6 tháng 5, 2015
Tản Mạn Cùng Ca Từ Ca Khúc Bốn Mươi Năm Gặp Lại của nhạc sĩ Đào Thế Vượng
Quy Nhơn những ngày cuối tuần tháng bảy bầu trời như cao hơn, xanh hơn. Tiếng sóng biển như dạt dào hơn mọi ngày. Đường phố cũng rộn ràng hơn theo những vòng bánh xe quay tụ về đây từ khắp nơi…
Bánh xe thời gian vẫn lặng lẽ trôi xuôi trái ngược với mấy trăm trái tim mang ước muốn quay ngược về ngày này cách nay bốn mươi năm.
Ngày ấy sau “Đêm Lửa Tàn”. Gầm sáu trăm ước mơ mang theo hành trang vào đời tung cánh bay đi….Cứ ngỡ mùa hè năm sau, năm sau nữa lại gặp. Vậy mà phải đợi đến Bốn mươi năm sau mới có ngày trở về của các chị các anh khoá 11 trường SPQN.
Bốn mươi năm hơn nửa đời người…Dẫu cho thời gian ấy là dài hay ngắn với mỗi cá nhân,thì nó cũng đã kịp biến một giáo sinh thướt tha trong tà áo trắng của tuổi đôi mươi trở thành bà nội, bà ngoại ở tuổi 60 có người còn hơn số tuổi ấy và cũng đã kịp biến một chàng giáo sinh làm Thầy ở tuổi đôi mươi thành ông nội, ông ngoại. Rất nhiều người trong số họ có mái tóc đã bạc phơ.
Người tận tâm với nghề thầy, người bôn ba tứ xứ kiếm sống bằng nhiều nghề khác nhau, có người thành đạt với danh vọng tiền tài, có người trở thành bác nông dân chính hiệu…. Họ là ai? Làm chức vụ gì? Hay làm nghề gì? Có hề chi, tất cả không còn khoảng cách, khi hôm nay hơn 150 người hội tụ về đây từ châu Mỹ, châu Úc, và ở nhiều vùng quê suốt từ Quảng Trị cho tới Sài Gòn, Phú Quốc.
Tôi đã thấy một anh thì thầm với bạn rằng lời căn dặn của thầy Hiệu Trưởng đêm chia tay bốn mươi năm trước đã ứng nghiệm “ cuộc đời là một đi tìm để được gặp, và trên hành trình tìm gặp đó, hành trang của chúng ta phải đủ nhưng đơn giản. Trút bỏ những giận ghét vẩn vơ, những bận tâm vô ích, những so đo nặng nề để được nhẹ nhàng như cánh diều nương gió lên cao.”
Tôi đã thấy giọt nước mắt nóng hổi của một chị cựu giáo sinh khi gặp lại người bạn cùng lớp sau bốn mươi năm. Càng xúc động hơn khi nghe chị bạn ấy kể: “nghe có người cùng khoá về họp mặt ngồi uống cà phê ở đây. Mình lấy xe đạp đi ngang qua đứng ngoài rào xem có ai quen không?”. Thật may chị đã nhận ra người bạn gái cùng lớp…
Tôi đã thấy mấy anh ôm chặt lấy nhau không nói lên lời. Người nhận ra bạn mình vì mừng mà chẳng kịp nói, sau mấy tiếng ơ ơ, người còn chưa kịp nhận ra ông già trước mặt mình là ai, thì lại cứ im lặng để tận hưởng cảm giác ấm áp của vòng tay bè bạn. Để rồi khi nhận ra nhau họ cất tiếng cười vang
Vậy đấy,những cựu giáo sinh K11 thân tình như thế, các anh các chị là khoá cuối cùng được làm lễ tốt nghiệp. Khi ra trường được một thời gian ngắn thì biến cố 30/4/1975 xảy ra. Cơn lốc thời cuộc cuốn họ xa nhau, xa mãi để rồi Bốn Mươi Năm Sau có một ngày hội ngộ thật khó quên cho mỗi người khi trở về.
Tôi là người “ngoại đạo” trong chuyến tàu lịch sử của họ. Tôi may mắn được lên chuyến tàu ấy nhờ một hành khách tốt bụng. Sẽ là bấy nhiêu cảm xúc về lần Hội Ngộ có một không hai này. Nếu như tôi không được nghe lời ca của ca khúc Bốn Mươi Năm Gặp Lại. Do ca sĩ, nhạc sĩ cũng chính là một cựu giáo sinh Đào Thế Vượng cất lên và kết thúc ca khúc. Rất lâu sau tôi vẫn thấy lời ca còn ẩn hiện. Cuối buổi tôi có lẽ là người duy nhất hỏi tác giả lời ca khúc này. Hình như tôi là người ngoài cuộc vui, nên tôi có nhiều chú ý cũng nên. Lời ca khúc có lẽ cũng chính là tâm tư, tình cảm của tác giả và rất nhiều các anh các chị cựu giáo sinh khác nữa.
Bốn Mươi Năm Gặp Lại.
Bốn mươi năm vụt bay
vụt bay
bây giờ mình lại gặp
Bạn và tôi
Sau một thời nổi trôi
Về nơi đây
Ôn lại lúc xuân thời
Cùng nhau vui thời gian cuối cuộcđời
Nào cùng nâng ly
Cùng nâng ly
Cùng nâng ly
Một cho anh, một cho tôi
Và một cho những người bạn đã qua đời
Hai năm dài miệt mài nơi Sư Phạm.
Buồn và vui nghịch ngợm khó quên
Tình đồng môn gắn bó mãi đó nhen
Vai choàng vai xiết chặt mối thân tình
Bốn mươi năm vụt bay
vụt bay
Bạn và tôi
Sau một thời nổi trôi
về nơi đây ôn lại lúc xuân thời
Cùng nhau vui cười vang vang khắp trời
Thương lắm các bạn ơi
Vui lắm các bạn ơi
Thương lắm các bạn ơi! (Đào Thế Vượng)
Bốn Mươi Năm Gặp Lại phải chăng là sự kiện dễ dàng để chứng kiến. Bốn mươi năm gặp lại phải chăng suốt những năm dài họ đã vô tình? Phải chăng là không thể? Hay còn lý do nào khác. Với thắc mắc ấy tôi quay ngược lại cột mốc họ ra trường và thời khắc lịch sử năm 1975!
Đang là thầy cô giáo trẻ tràn đầy nhiệt huyết, thế rồi người được tiếp tục theo nghề, người vì điều kiện gia cảnh lý lịch không được đi dạy. Người đi học tiếp tục để theo một ngành nghề khác. Rồi những năm tháng khốn khổ của thời bao cấp đã lấy đi, hay đúng hơn là vắt cạn kiệt tâm huyết và tuổi thanh xuân của họ.
Cuộc sống với cơm áo gạo tiền bao vây, rồi thêm những cuộc di tản…Giờ đây khi tất cả các thầy cô giáo trẻ năm xưa, tuổi đã về chiều. Người còn công tác cũng vừa nghỉ hưu, con cái trưởng thành phần nào đã nguôi ngoai nỗi buồn của quá khứ. Họ bắt đầu tìm nhau, bằng mọi cách cuối cùng cũng có ngày hội tụ hôm nay…
Tác giả Đào Thế Vượng anh không còn theo nghiệp làm thầy từ sau 30/4/1975. Anh bôn ba tứ xứ, nay lưu lạc tận châu Mỹ xa xôi. Cảm nhận của anh về lần gặp mặt này có lẽ khác hơn các anh chị khác một chút chăng? Khi mà anh thấy: “Bốn mươi năm vụt bay./ vụt bay” Hai động từ kép “vụt bay” trong ca từ mở đầu ca khúc, anh nhấn mạnh cho khoảng thời gian xa cách bốn mươi năm, nay mới có dịp gặp lại. Với anh có lẽ chỉ mới như mới cách xa nơi đây, ngôi trường yêu dấu vài bữa, vài tháng, vài năm là cùng. Để“bây giờ mình lại gặp./Bạn và tôi./Sau một thời nổi trôi./Về nơi đây.”. Anh cảm thấy “vụt bay” có lẽ bởi anh và bạn bè gặp lại nhau, sau phút giây tay bắt mặt mừng là chỉ có những câu chuyện “Ôn lại lúc xuân thời./ Cùng nhau vui thời gian cuối cuộc đời”.
Có gặp nhau là có nâng ly và cách nâng ly của tác giả đã làm cho người nghe chú ý. Anh không nâng ly một lần cụng rồi uống mà là: “Nào cùng nâng ly./Cùng nâng ly./Cùng nâng ly./Một cho anh,/ một cho tôi./ Và một cho những người bạn đã qua đời!”
Thật cảm động khi ngày vui ngày hội ngộ, họ nhắc nhớ nhau, hỏi thăm nhau. Người ra đi mãi mãi từ biến cố 1975. Người ra đi rải rác những năm sau đó, người biết báo cho người chưa biết. Còn rất nhiều người nay họ vẫn không biết tin tức về nhau. Cảm động nhất là cách ngày hội ngộ các anh các chị một tháng, họ lại mất đi một bạn nữ thân thương vì cơn đột quỵ. Chị Võ Thị Đào nhà thơ Thy Trang lớp Nhị 2 mà tôi hằng mến mộ, dẫu chỉ gặp chị một lần ngoài đời và mươi lần trong thơ…
Tác giả cùng các anh, các chị, đã nâng những ly bia, ly rượu, ly trà, ly cà phê ấm áp những giọt tình bạn hữu để gặp nhau, để cùng nhau nhớ tới những người bạn mình đã khuất.
Có thể bạn sẽ cảm động hơn nếu bạn biết. Trong số họ có những thầy cô giáo trẻ, chạy về xuôi theo Lộ Máu Số 7, bị bom rơi đạn lạc cướp đi mạng sống. Đã ra đi trong vòng tay bạn đồng môn cùng chạy loạn. Nhiều năm sau anh bạn cùng gia đình người giáo viên vắn số đi dọc con đường ấy để tìm lại. Nếu có tin báo là họ lại đi. Lần gần đây nhất tới nơi nghe người chôn cất miêu tả thì lại không đúng màu quần áo khi bạn mất. Họ ra về rồi cùng nhau hùn kinh phí quay trở lại xây mộ cho người không quen biết ấy, chỉ với ước muốn bạn mình, con em mình cũng sẽ được người khác chăm sóc và nhang khói ở nơi nào đó…
Có thể bạn sẽ ngạc nhiên hơn, khi nghe thấy và biết được khoảng thời gian họ sống học tập cùng nhau chỉ: “Hai năm dài miệt mài nơi Sư Phạm./Buồn và vui nghịch ngợm khó quên.”Họ được học tập trong một ngôi trường mà suốt dải đất miền Trung trước năm 1975 ai cũng mơ ước. Trường Sư Phạm Quy Nhơn cái nôi đào tạo ra những thầy cô ưu tú cho nền giáo dục nước nhà. Bốn mươi năm nay họ luôn tự hào mình là cựu giáo sinh ngôi trường ấy! Chỉ hai năm nhưng với họ thì “Tình đồng môn gắn bó mãi đó nhen./ Vai choàng vai xiết chặt mối thân tình”. Vâng sự gắn bó của họ, với những cái xiết tay choàng vai thân tình rất nhiều người cũng đã thấy. Không phải chỉ riêng khóa 11 hôm nay. Mà năm 2012 kỷ niệm 50 năm thành lập trường toàn thể cựu giáo sinh 13 khóa hơn 1000 người đã hướng về trường với sự gắn kết chưa từng có trong lịch sử các ngôi trường, đã “không còn mang tên trường mình nữa”.
Với tác giả Đào Thế Vượng cựu giáo sinh, nay đã xa trường, xa nghề thêm xa xứ, hẳn lần quay lại thăm trường cũ với anh ghi dấu nhiều kỷ niệm. Dẫu cho: “Bốn mươi năm vụt bay/ vụt bay./ Bạn và tôi./ Sau một thời nổi trôi./ về nơi đây ôn lại lúc xuân thời./ Cùng nhau vui cười vang vang khắp trời”. Những lời ca đi vào phần kết, tác giả cứ ngân lên rất nhiều lần những ca từ :
Thương lắm các bạn ơi
Vui lắm các bạn ơi
Thương lắm các bạn ơi!
Phải chăng anh muốn truyền cảm xúc đang dâng trào trong tim khi về gặp mặt bạn bè thầy cô xưa, tại Quy Nhơn trên sân ngôi trường có “những hàng thông trầm mặc in dấu anh chị em đi về…”. Hay “những công viên hoa sứ nở muộn, những dãy hành lang heo hút gió đông hay phơi phới gió hè, dẫn vào những căn phòng nội trú, rộn ràng bao buồn vui đèn sách và tình bạn ý quê. Nghe mỗi khi đêm xuống từ lòng đại dương sóng xa vọng lại nhiều thương nhớ bâng khuâng , ưu tư vời vợi” ( Câu Chuyện Lửa Tàn- Cựu HT Thầy Trần Văn Mẫn), cho các anh các chị cựu giáo sinh K11 vì những lý do riêng chưa thể về hội tụ lần này.
Dẫu muốn hay không, thì ca từ của ca khúc Bốn Mươi Năm Gặp Lại cũng vừa khép lại. Lời ca ấy còn đọng mãi trong tôi, người may mắn được chứng kiến tình cảm, tình đồng môn của các anh các chị cựu giáo sinh K11 nói riêng và 13 khóa của trường SPQN nói chung.
Quy Nhơn,thành phố hiền hòa vẫn ngày đêm nằm nghe sóng biển hát. Mang theo nhiều cảm xúc rời thành phố biển xa lạ mà thân quen, ngang qua ngôi trường cũ của các chị các anh, nhìn hàng phượng già khoe sắc. Tôi chợt nhận ra và có một chút thắc mắc riêng, cùng là hoa phượng sao có cây hoa màu đỏ thẫm, có cây hoa màu đỏ tươi và có cây hoa nở mang màu cam…Nhưng thắc mắc này có lẽ khó tìm câu trả lời bởi người trồng nó bây giờ biết tìm ở nơi đâu? Vậy thì thôi tôi tự nhủ dẫu màu nào thì nó vẫn là hoa phượng loài hoa của mùa hạ, của tuổi học trò…
Quy Nhơn 27/7/2014
Huỳnh Xuân Sơn
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét