Thứ Sáu, 15 tháng 5, 2015

Đọc TUYỆT SẦU Cùng Tác Giải Ngọc Rạng



TUYỆT SẦU
Thu nao lá héo mất rồi
Đông về hoa trổ cùng chồi xinh tươi
Xuân đi thương cảm cho người
Hè nầy lửa phượng lại cười hồn ve (Ngọc Rạng)

Bốn câu thơ Lục Bát Tứ Tuyệt, tổng cộng hai mươi tám chữ được tác giả dùng tâm tư tình cảm, với nghệ thuật sắp đặt câu từ, nhằm chuyển tải tới bạn đọc tựa đề Tuyệt Sầu.
Tuyệt Sầu trải dài suốt bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông. Vậy mà chỉ bốn câu thơ?
Tuyệt? Phải chăng đồng nghĩa với Tuyệt giao với nỗi Sầu?
Tuyệt? Phải chăng nỗi Sầu sắp chạm ngưỡng giới hạn mà tâm hồn con người ta có thể chứa đựng, chỉ cần thêm một chút Sầu nữa là sẽ vỡ tung lồng ngực nơi chất chứa?
Hai thắc mắc này khiến người viết muốn khám phá thế giới nội tại của Tuyệt Sầu.
Bốn mùa của Tuyệt Sầu được khởi từ Mùa Thu.
Thu nao lá héo mất rồi!
Người viết có lần nghe Thầy của mình dạy rằng: "Người xưa viết chữ 愁 "Sầu" bằng hai chữ 秋 "Thu" và 心 "Tâm", tức là buồn như tấc lòng gặp tiết Thu sang."
Phải chăng tác giả Ngọc Rạng cũng khởi Tuyệt Sầu bằng suy nghĩ như thế. Hẳn Thu ngày nào đó chứ chưa hẳn mùa thu mới qua. Xuất phát điểm ra nỗi sầu còn lớn hơn "tấc lòng gặp tiết Thu sang" Vì "Thu nao" Ấy lá không phải vàng theo quy luật tự nhiên tìm về với cội, để rồi bắt đầu một vòng đời mới. "Lá héo" Mà còn thốt ra hai chữ "Mất rồi" Hẳn nhiên có bàn tay tác động của bên ngoài.
Khởi đầu Tuyệt Sầu tác giả đã mượn hình ảnh tính chất và nguyên nhân của Lá héo trong mùa Thu để trải thảm mời người đọc bước tiếp cùng Tuyệt Sầu.
Vâng Thu đi thì ắt hẳn là Đông đến theo quy luật của tự nhiên. Tác giả Ngọc Rạng cảm rằng
Đông về hoa trổ cùng chồi xinh tươi
Đông tàn! Phần lớn vạn vật cỏ cây là thế, Ngay cả con người khi bước vào tuổi đầu Đông thôi đã thấy ngay se se nỗi niềm...Vậy mà Đông trong Tuyệt Sầu lại không thuận theo lẽ tự nhiên ấy. Đông trong Tuyệt Sầu rộn ràng theo nhịp thơ 2/2 mang đến cảnh sắc tươi vui của mùa Xuân. Ta có "Hoa trổ" Có "Chồi xinh tươi" Biểu hiện của sức sống, mang lại cho Tuyệt Sầu một hy vọng, có hoa trổ, sẽ có buổi kết trái ngọt. Và nếu vậy thì Tuyệt Sầu ắt hẳn là tuyệt giao với nỗi Sầu rồi.
Một nửa chặng đường đã qua xuất hiện tia sáng phía trước. Hy vọng chưa hẳn là thấy kết quả nếu ta dừng lại. Tuyệt Sầu còn cả một nửa chặng đường đợi chờ khám phá ở phía trước... Ngay lúc này ta đến với câu thơ thứ 3 câu thơ quan trọng nhất của bài thơ. Theo như nhà giáo, học giả Trần Trọng Kim viết thì "Thơ tứ tuyệt “uyển chuyển biến hóa bởi câu thứ ba. Nếu câu ấy chuyển biến khéo thì câu thơ thứ tư tự trôi đi như thuyền thuận nước.”
Xuân đi thương cảm cho người

Câu thơ thứ ba viết về mùa Xuân. Nhưng liền theo đó là động từ đi. Vậy có thể suy ra trong Tuyệt Sầu có được rộn ràng hương sắc hy vọng của mùa Xuân kéo dài từ Đông sang cả Xuân. Nhưng lúc Xuân đi lại là niềm "Thương cảm" Xuất hiện "Cho người". Người ở đây có lẽ là ngôi thứ hai...
Vậy thì ai là người đã trao đi nỗi niềm thương cảm ấy? Phải chăng chính là người đã, đang và sẽ còn ôm mối Tuyệt Sầu đi cùng sang Hạ.
Hè này lửa phượng lại cười hồn ve
Câu thơ thứ tư cũng là câu thơ kết quả đúng nó đã "trôi như thuyền thuận nước" Cùng với Tuyệt Sầu, dập tắt hy vọng Tuyệt Sầu là tuyệt giao với nỗi sầu.

Hai biểu trưng của mùa Hạ là hoa Phượng và tiếng Ve đi vào Tuyêt Sầu cùng câu thơ rất thơ, rất tình nhưng ngổn ngang nỗi niềm. Lửa phượng đốt cháy bầu trời mùa hạ. Hoa phượng luôn say vũ khúc trong tiếng nhạc rộn ràng của dàn đồng ca mùa hạ mà nhạc công chính là bầy Ve. Nhưng ở đây tác giả lại chỉ muốn nói đến Hồn Ve.
Phải chăng hạ đã về ngoài kia. Hoa phượng tưng bừng reo vui trong gió cùng cả bầy ve rộn ràng. Có một chú Ve lạc bầy đứng lặng một góc nào đó và tự thấy như mình bị chính những nàng hoa phượng kia "Cười cợt".
Tuyệt Sầu! Phải chăng là nỗi sầu đau vô tận tưởng như không thể vượt qua của Người mà Mùa Thu ẩn trong hình hài lá héo, Mùa Đông rộn ràng cùng hoa nở chồi non xuất hiện, cũng chính là Người ngôi thứ hai trong mùa Xuân nhận sự Thương cảm và họ ẩn mình trong Lửa Phượng vào mùa Hạ. Và Người ngôi thứ nhất ấy Xuân đi cũng chính là lúc bắt đầu tự thu mình lại, ngỡ như mình chỉ là một chú ve lạc bầy trong mùa Hạ rộn ràng...Tất cả, tất cả thốt lên hai chữ Tuyệt Sầu được tác giả Ngọc Rạng ghi lại và người viết vừa khám phá theo suy nghĩ chủ quan của người đọc.

Sài Gòn 15/5/2015
Huỳnh Xuân Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét