Thứ Bảy, 9 tháng 5, 2015

Đọc NGƯỜI ĐÀN BÀ NHƯ BIỂN của tác giả Lan Phương KTV





Simone de Beauvoir nữ nhà văn, nhà triết học người Pháp có một câu nói nổi tiếng rằng:“On ne nait pas femme, on le devient” (Người ta không sinh ra là đàn bà, người ta trở thành đàn bà ...) Để trở thành Đàn Bà người phụ nữ đã lập gia đình và phải trải qua một quá trình từng trải, những sự chiêm nghiệm về cuộc sống nhất định... Hay nói gần gụi hơn, đàn bà thường sâu sắc đằm thắm hơn con gái chăng?
Với bạn thì sao? Riêng tôi đã đồng ý với quan điểm trên đây và thêm một ý nữa, gọi người phụ nữ có gia đình, có sự từng trải là đàn bà nó mộc mạc dân dã và phần nào thấy gần gũi hơn!
Có lẽ cùng quan điểm ấy, nên tác giả Lan Phương đã đặt tựa đề cho bài thơ, cũng là những tâm tư viết về người phụ nữ, gắn với hai chữ Đàn Bà!
NGƯỜI ĐÀN BÀ NHƯ BIỂN

Dù thăm thẳm, mênh mông đến nhường nào?
Vẫn có bến bờ, có ngọc trai ẩn đáy
Dẫu lúc lặng êm dẫu lúc ồn ào
Vẫn ngang dọc hải lưu ngầm khó thấy

Biển vốn âm thầm giấu lệ buồn riêng
Yên ả hay bão giông... nước màu gì cũng mặn
Khi rút cạn ra xa là đỉnh cao tức giận
Sắp dựng sóng thần tàn phá bến tan hoang

Càng bao la Biển càng thấm cô đơn
(Ngỡ chẳng có vòng tay nào đủ rộng)
Tiếng sóng xô bờ là lời Biển khóc
Nửa than van nửa như tự vỗ về

Dẫu có vơi đầy Biển còn mãi đam mê
Sóng vẫn cứ xanh đến chừng nào có thể
Bỗng một ngày nhận ra mình nhỏ bé
Trong ngực Trời rộng lượng một vòm ôm.(Lan Phương KTV)

Mười sáu câu thơ tự do được tác giả sử dụng những ngôn từ trau chuốt kỹ lưỡng, sắp xếp thành một bức tranh với không gian ba chiều về biển. Không một từ nào nhắc tới người Đàn Bà. Chỉ có Biển, biển và biển cuối cùng xuất hiện thêm Trời... Mười sáu câu thơ, là mười sáu mảnh ghép nhiều chiều cảm nhận của bức tranh về biển. Đó là điều đầu tiên người viết thấy được khi đọc xong bài thơ. Người Đàn Bà Như Biển hay ngược lại Biển như người đàn bà. Sự so sánh này tưởng như khập khiễng. Bất giác nhớ lời người xưa

"Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu"! Mang theo nửa câu ca dao người viết bước vào bốn mảnh ghép đầu tiên của bức tranh sống động mà tác giả Lan Phương cũng là một người Đàn Bà như tôi, như nhân vật trữ tình trong thơ vừa hoàn thiện
Dù thăm thẳm, mênh mông đến nhường nào?
Vẫn có bến bờ, có ngọc trai ẩn đáy
Dẫu lúc lặng êm dẫu lúc ồn ào
Vẫn ngang dọc hải lưu ngầm khó thấy
Tác giả sinh ra lớn lên ở đâu? Người viết chưa được biết. Nhưng biết chắc chị đang sống và làm việc bên biển. Có lẽ vì vậy nên sự cảm nhận cùng cái nhìn xuyên thấu về những quy luật, cùng những hiện tượng tự nhiên. Đã được chị đưa vào bốn câu thơ mở đầu với nghĩa bóng có lẽ bất kỳ ai đọc lên là cảm nhận được liền. Còn nghĩa chìm khuất sau những hiện tượng tự nhiên ấy phải chăng là bản chất, là tính cách, là tâm hồn, là tình cảm của người đàn bà. Dẫu có thế nào đi nữa vẫn có những đức tính tốt, những nét đẹp ẩn chứa, chỉ là chưa có dịp thể hiện thôi! Vâng "dẫu lặng êm dẫu có lúc ồn ào" Nhưng tâm tính người đàn bà vẫn mãi giữ cái cốt cách xưa nay vốn có!
Biển vốn âm thầm giấu lệ buồn riêng
Yên ả hay bão giông... nước màu gì cũng mặn
Khi rút cạn ra xa là đỉnh cao tức giận
Sắp dựng sóng thần tàn phá bến tan hoang
Tính chất vật lý của biển vốn là vậy! Tác giả đã khắc hoạ xong rõ từng nét một. Biển âm thầm giấu lệ buồn riêng? Hay người đàn bà âm thầm giấu những giọt lệ buồn riêng? Dù muốn cũng không thể nào chia sẻ được với ai! Bão giông hay yên ả cuộc đời đều thế! Có phải chăng vì Người Đàn Bà ấy vốn Như Biển. Nên suốt cuộc đời này xuôi theo dòng hải lưu ngang dọc vẫn là làn nước mặn mòi! Chỉ có điều xin Ai kề cận bên biển luôn nhớ rằng: Giống như Biển khi người đàn bà thu mình lại, lánh ra một nơi khác, có thể đó là biểu hiện đỉnh điểm của cơn tức giận đã không còn kìm nén được nữa...
Xin hãy lánh đi kẻo sóng thần ập tới không gì cản nổi... Nếu điều đó xảy ra thì bến bờ ơi! Tan hoang là điều không tránh khỏi. Nhưng thông thường sóng thần chỉ xảy ra trong những trường hợp đặc biệt do tác động từ đáy đại dương và cực chẳng đã biển phải cuộn lòng dâng sóng thần mà tàn phá bến bờ...Phần lớn còn lại mặt biển là những cơn sóng nhỏ bạc đầu rong chơi rồi vỗ yên ru bờ bến mà thôi! Ngay cả trong những cơn giông bão sóng gầm lên dữ dội nhưng bão tan mặt nước lại trở về sự bình yên như chưa hề có bão giông qua. Chỉ có bờ bến đôi khi sạt lở cây cối gãy đổ... Lỗi do gió bão chứ chẳng hề do biển...
Những ai yêu biển xin hiểu rằng: Biển cũng suy tư, biển cũng buồn vui và cũng biết giận hờn đấy nhé! Biển là Người Đàn Bà dẫu có sâu sắc tới đâu, có nhẫn nại chịu đựng tới đâu, cũng có lúc ngậm ngùi mà ngẫm về mình!
Càng bao la Biển càng thấm cô đơn
(Ngỡ chẳng có vòng tay nào đủ rộng)
Tiếng sóng xô bờ là lời Biển khóc
Nửa than van nửa như tự vỗ về
Đó đây người ta vẫn nói rộng bao la như biển. Nhà thơ Hữu Thỉnh thì lại phát hiện ra "Biển vẫn cậy mình dài rộng thế. Vắng cánh buồm một chút đã cô đơn"!
Riêng tác giả Lan Phương lại có ý nghĩ thiết thực hơn về nỗi khát khao của người Đàn Bà luôn mong muốn có một vòng tay ấm áp! Chị nghĩ Biển rộng dài thế lấy đâu ra một vòng tay rộng lớn để ôm trọn đây? Thế là chị để cho Người Đàn Bà ấy như Biển gặm nhấm nỗi cô đơn! Ai đời sóng, biển, bờ tự tình đẹp là thế. Xuân Diệu từng viết "Anh muốn làm sóng biếc. Hôn mãi cát vàng em. Hôn thật khẽ thật êm. Hôn êm đềm mãi mãi..."
Tác giả ơi! Thật khó kìm lòng khi chị để cho tiếng sóng biển dạt dào ấy là "lời biển khóc" Không! Không bao giờ tiếng tự tình của biển và bờ lại "nửa than van nửa như tự vỗ về" cả.
Muốn nói với tác giả như thế lắm lắm, nhưng rồi nghĩ lại Biển bờ và sóng vẫn muôn đời như thế, chỉ có tâm trạng con người mà ở đây là Người Đàn Bà trong thơ của chị đang đứng trước biển... Có lẽ cũng là nơi mà nhạc sĩ Lam Phương đã:
Nằm nghe sóng vỗ từng lớp xa
Bọt tràn theo từng làn gió đưa....
...Đời anh sẽ đẹp vì có em...
Biển xanh cát trắng, sóng hòa nhịp ái ân
Không còn những chiều bâng khuâng.... (Biển Tình- Lam Phương) Và cũng có thể Người Đàn Bà ấy đang đứng ở một bãi cát ven biển đâu đó dọc Miền Trung, nơi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã cất lên: Biển đánh bờ,
Xôn xao bờ đánh biển
Đừng đánh nhau ... Ơi biển sẽ tàn phai
Đừng gạch tên vì yêu đừng xé nát
Biển là em ngọt đắng trùng khơi...
Biển nghìn thu ở lại, nghìn thu ngậm ngùi (Biển Nghìn Thu Ở Lại - Trịnh Công Sơn).
Dẫu cho Người Đàn Bà đang đứng trước biển ở nơi nào đi nữa. Cũng không thể phủ nhận người đàn bà ấy đang gặm nhấm nỗi cô đơn, cô đơn đến cùng cực chứ không chỉ là buông lời than van trước biển là vợi bớt.
Nhưng có lẽ nhờ sự từng trải, sự sâu sắc của người phụ nữ đã thành Đàn Bà nên đứng trước nỗi cô đơn ấy, đã biết đứng lên tự an ủi vỗ về mình.
Dù gì thì tác giả cùng Người Đàn Bà Như Biển cũng đã lộ diện những mảnh ghép cuối cùng của bức tranh 3D
Dẫu có vơi đầy Biển còn mãi đam mê
Sóng vẫn cứ xanh đến chừng nào có thể
Bỗng một ngày nhận ra mình nhỏ bé
Trong ngực Trời rộng lượng một vòm ôm.
Hai câu đầu thêm một lần khẳng định về nguyên lý cấu tạo của Biển cũng như tâm tư Người Đàn Bà vẫn yêu, vẫn tận hiến tình yêu của mình tới chừng nào còn có thể. Hai câu cuối cùng tác giả dùng để kết mới đẹp làm sao! Biển rộng, dài, sâu bao nhiêu vẫn có bờ có đáy. Biển như người đàn bà vốn "sâu sắc như cơi đụng trầu". Biển ơi! Người đàn bà ơi! Còn một nửa thế giới "Đàn ông nông nổi giếng khơi" Cơ mà. Chỉ là hôm giờ buồn nản, cô đơn nên biển cũng như người đàn bà chưa kịp nhận ra: Trên biển là cả bầu trời cao xanh vời vợi đấy thôi! Và ngay bên Người Đàn Bà một vòng tay chỉ chờ Người Đàn Bà quay sang là mạnh mẽ siết chặt... Tác giả cảm nhận dùm là vòng tay "rộng lượng" Đó thôi! Thật hạnh phúc Người Đàn Bà ạ! Không có gì hạnh phúc hơn bên mình có một người đàn ông rộng lượng... Dẫu sau bao giông gió mới "Bỗng một ngày chợt nhận ra" Thì vẫn chưa muộn bao giờ.
Sài Gòn ngày 02/02/2015
Huỳnh Xuân Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét