Thứ Sáu, 26 tháng 9, 2014

Cảm Tác Huỳnh Xuân Sơn - ảnh Võ Mậu Khiêm



(Thân  tặng Nhiếp ảnh gia Võ Mậu Khiêm - Xuân Sơn lang thang trên mạng, bất ngờ bắt gặp những khoảnh khắc làm rung động....xin cảm tác theo tựa đề các tác phẩm của  Tác giả Võ Mậu Khiêm)




THÁP CHÀM VỀ ĐÊM


Bầu trời giăng mắc mây bay
Hoàng hôn bao phủ lòng này nhói đau
Tháp Chăm nổi ánh đèn màu
Một chùm tháp tựa vào nhau trên đồi
Thoảng nghe tiếng vọng ma HỜI
Rêu phong cổ kính bao đời nay đâu?





BẠN TÌNH

Trăng ngà chứng giám đôi ta
Ti gôn sắc tím nệm hoa gợi tình
Một làn gió thoảng hương trinh
Màn đêm buông xuống quyện tình khát khao
Đôi ong quấn quýt yêu sao
Giật mình vương vấn tình nào đây ong?



TỐI RỒI MẸ ƠI

Hàng ngày hai chị em tôi
Mẹ cho bú tí  rồi chơi quanh nhà
Mẹ đi kiếm cỏ nơi xa
Đơn thân mình mẹ xót xa một đời
Ánh dương tìm xuống chân trời
Dắt em ra ngóng mẹ nơi cội già
Cội già như bóng dáng cha
Chở che hai đứa chiều tà dần buông



BÌNH MINH TRÊN ĐẦM NẠI


Bình minh lên rắc ánh vàng
Màn đêm rút xuống thuyền chàng ra khơi
Muôn con sóng nhỏ dạo chơi
Ngư dân đầm Nại nơi nơi thanh bình
Phía xa núi đứng tâm tình
Giúp thêm chút lặng quê mình Phan Rang



CHIỀU TRÊN QUÊ HƯƠNG TÔI

Lối về in dấu bước chân
Gió tung cát bỏng phủ thân mẹ gầy
Quê hương gió cát nơi đây
Chắt chiu ngọn cỏ tháng ngày ngóng mưa
Đàn bò dưới nắng mẹ lùa
Sinh sôi nảy nở bốn mùa nhiều thêm
Chiều về chân bước cát êm
Đường quê yêu dấu nhiều thêm dấu đời



HOÀNG HÔN TRÊN SÔNG LU


Ánh dương tạm biệt đi rồi
Màn đêm đang đến tìm nơi thả mành
Luyến lưu những áng mây xanh
Đợi chờ ánh sáng trăng thanh sắp về
Hoàng hôn trên bến sông quê
Khoảnh khắc lưu lại đắm mê bao người
Khúc quanh ngã rẽ dòng đời
Bình yên tĩnh lặng yêu người Phan Rang
Quê hương tình cảm chứa chan
Sông quê lưu dấu vọng vang bao đời...

Huỳnh Xuân Sơn

Thứ Ba, 23 tháng 9, 2014

EM ĐỪNG



Em đừng nghĩ
Ta chỉ còn gặp nhau
Trong giấc mộng

Cũng đừng nghe khúc nhạc 
Thương đau
Vì chặng cuối sông dài
Là biển rộng
Ta
Một lần chắc chắn sẽ gặp nhau

Thứ Sáu, 19 tháng 9, 2014

Đường Đến những ngày đồng cảm cùng Tác Giả Hồ Ngọc Dũng và Hồi Ký Đời Học Trò của ông!


Có một tháng ba xưa ngày tôi sắp chào đời! .Để rồi một ngày cuối tháng ba năm 2013 tôi chính thức đăng những câu thơ vụng trên trang tho.com.vn với bút danh Huỳnh Xuân Sơn. Sáu tháng sau niềm vui đã thay đổi ít nhiều. Tôi thích đi tìm những bài thơ hay của nhiều tác giả trên mạng để viết cảm nhận. Sáu tháng sau nữa,vào những ngày cuối tháng ba năm 2014. Tôi đã gặp một tác giả đặc biệt trong những lần đi tìm thơ như thế !Chú đặc biệt không phải thơ chú cuốn hút tôi, mà là tấm ảnh đại diện cùng dòng chữ Ngocdunglyhoa. Tôi cứ ngỡ Ngọc Dũng hoặc Ngọc Dung  Lý Hóa. Tưởng gặp người đồng cảm giống mình “ngoại đạo với văn chương” nhưng lại thích thơ văn.
Mang theo ý nghĩ ấy, tôi lần theo kho lưu trữ và đọc khoảng mươi bài thơ. Cho đến khi gặp bài thơ Đường Luật:
Mừng Thọ Tuổi Ta
Giáp Ngọ năm nay tuổi bảy ba
Đón xuân vui tết thọ mừng  ta
Ơn trên phù hộ sức còn khỏe
Nhờ Tổ hộ trì ấm thất gia
Con cháu sum vầy thêm phúc lộc
Bạn bè lui tới vịnh thơ ca
An nhiên vào mạng tìm tri thức
Trí tuệ tuổi già vẫn nở hoa (Hồ Ngọc Dũng)

Dù chưa quen biết hay giao lưu bao giờ, tôi gõ bài thơ họa cùng lời chào lưu lại: “Thấy tên chú đã lâu hôm nay cháu ghé nhà. Đọc bài thơ này, biết chú năm nay 73 tuổi vẫn vui Thơ Phú, rất cảm động cháu cảm tác mấy câu chúc chú nhiều sức khỏe.
Trừ đi bốn chục chẵn ba ba
Trai trẻ…già ư?… dám gọi ta
Ngày vẫn nôn nao lục vốn sống
Đêm hoài thao thức gọi thơ ra
Gió xuân dìu dặt ươm tình mộng
Nắng mới khát khao "Bờ Lốc ca"
Tự tại an nhiên vui lướt web
Chúc mừng Giáp Ngọ chú thăng hoa (HXS)
Sau đó chú không trả lời bài họa, nhưng chú sang ghi cảm nhận xã giao cùng tôi bên trang thơ huynhxuanson.blospot.com. Do thơ Đường lúc này tôi mới bắt đầu học hỏi, nên nghĩ chắc mình viết chả giống ai. Rồi tự nhủ có lẽ vì thế chú ấy bỏ qua...
Thời gian này tôi vẫn say sưa đi tìm thơ viết cảm nhận, nên cũng quên đi trang thơ Vui Tuổi Già, cho đến ngày 31/ 3/2014. Lang thang sao lại dẫn đến gặp bài thơ Hai Chị Em chú viết rất cảm động tôi liền gõ:
Phuvang Huynh21:49 Ngày 31 tháng 03 năm 2014
Cháu sang thăm chú, đọc thơ và hiểu thêm một chút về chú. Kính chúc hai chị em chú thật nhiều sức khỏe và niềm vui trong cuộc sống!
Cháu hỏi nhỏ riêng chú nhé. Chắc hồi nhỏ chú hay bắt nạt chị chú hay sao mà bây giờ tóc chú tuyết hơn chị chú vậy?
Cháu ngưỡng mộ hai chị em chú nên chẳng thể họa được câu thơ nào ra hồn...bây giờ sang nữa không lý lại về không ...cháu ghi mấy lời chúc chú vui nhé
Tối hôm sau cũng là ngày sinh nhật tôi. Tôi quay lại trang cá nhân của chú có ý muốn mang về ghi cảm nhận và đọc được những câu  trả lời của chú :
ngocdunglyhoa14:27 Ngày 01 tháng 04 năm 2014
Trước hết chú xin cảm ơn cháu đã có những chia sẻ chân thành . Còn như chú có hay dỗi với chị mình ko thì hoàn toàn ko cháu ạ. Bởi tuổi nhỏ của chú là một thằng bé yếu ớt vô cùng. Lớn lên ko hay đùa nghịch ,sống nội tâm thành thử rất được chị yêu quý . Luôn đây nếu cháu cần hiểu thêm cuộc đời qua bài thơ thì cháu hãytìm đọc : “ HỒI KÝ ĐỜI HỌC TRÒ CỦA TÔI “, mà chú đã đăng trên trang blog này .Cháu lần về những bài đăng năm 2012 là có đấy: http://www.ngocdunglyhoa42.blogspot.com/2012/12/hoi-kyoi-hoc-tro-cua-toi.html
Cảm ơn cháu đã có lòng lưu tâm nhé (HND)
Theo đường dẫn này tôi vào đọc tập Hồi Ký ấy! hết phần một cùng lời giới thiệu tôi lưu lại mấy dòng
Phuvang Huynh19:43 Ngày 01 tháng 04 năm 2014
Những câu văn chú viết từ nhịp đập của trái tim thương tổn...nên nó thật xúc động chú ạ!
Cháu còn nhỏ chỉ nghe kể ngày ấy dòng họ bên nhà Ngoại cháu bị Đấu Tố gì đó rất khổ...bố cháu cùng thế hệ với chú chỉ lớn hơn vài tuổi thôi ạ....
Bây giờ mọi việc qua lâu rồi, ghi lại vài dòng cũng như nén tâm nhang ghi khắc vậy thôi chú nhỉ!
Cháu sẽ đọc tiếp những phần còn lại chú ạ! cũng như tấm chân tình của cháu chia sẻ với thế hệ ông cha một thời khốn khó...

Liền sau đó tôi đọc tiếp phần hai và lưu lại những lời chia sẻ bằng thơ lục bát
Phuvang Huynh20:04 Ngày 01 tháng 04 năm 2014
Chú bao nhiêu tuổi lúc này
Mà đi theo Mệ Xàng hay thật tình
Đoạn mà chú ngủ một mình
Có người len lỏi cháu kinh hãi hùng...
Tiếp sau đó tôi sang đọc phần ba. Nhưng vì chú copy không xóa mặc định nên tôi không biết cách đọc. Đành ghi lại rằng phần này không đọc được.Rồi sang phần 4 đọc và chia sẻ với chú
Phuvang Huynh20:20 Ngày 01 tháng 04 năm 2014
Ba về ôm ấp bên con
Có Cha có Mẹ chẳng còn gì hơn
Mẹ Cha chú dạ sắt son
Đói no chẳng quản chẳng mòn tình thâm
Tiều Phu một đoạn đời trầm...
Phần bốn cuốn tôi vào phần 5 để rồi cảm thấy đồng cảm xúc. Tôi lưu lại
Phuvang Huynh21:10 Ngày 01 tháng 04 năm 2014
Ngậm ngùi đọc đoạn viết này
Đoạn đời gian khổ ai hay bây giờ
Rèng Rèng trên núi hoang sơ
Bước chân gánh củi tuổi thơ in hằn...
Bốn phần của cuốn hồi ký trôi qua. Tôi ghi những vần thơ chia sẻ với chú như vậy. Cũng chỉ mong một tác giả lớn tuổi mái tóc bạc phơ có thêm chút niềm vui. Hành văn của chú có một sự cuốn hút nhất định, nhưng cốt truyện mới là cái kéo tôi theo. Một buổi tối tràn đầy cảm xúc của tôi dừng lại tại đây. Lúc này tôi mới thấy phần trả lời của chú trong phần 1 rằng:
ngocdunglyhoa22:15 Ngày 01 tháng 04 năm 2014
duyên nào chú cháu gặp nhau
cùng chung cảnh ngộ tâm đầu sẻ chia
nhân duyên quả thật tình cờ
chú mong liên lạc để mà hiểu hơn .....................đt của chú đây cháu ơi 01683602037
Tôi không trả lời cũng không điện thoại vì đêm đã khuya. Tắt máy đi ngủ nhưng ngày hôm sau câu chuyện về cuộc đời của chú vẫn lảng vảng trong tâm trí tôi. Tối ngày 2 và ngày 3/ 4 tôi vẫn đọc và chia sẻ bằng những câu thơ lục bát. Cho đến khi tôi đọc được câu trả lời của chú bằng Song Thất Lục Bát như sau:
ngocdunglyhoa10:24 Ngày 03 tháng 04 năm 2014
Cháu càng đọc càng thêm hiểu kỹ
Thơ vận vào sát ý đủ lời
Có nhân có đức ở đời
Cháu đã viết được khúc thơ truyện này
Chúc cháu một ngày mới an vui cháu nhé (HND)
Lúc này tôi đã đi qua phần 9 của cuốn hồi ký. Tôi thầm ghĩ có lẽ chú thích Song Thất Lục Bát và thế là tôi tiếp tục đọc và chia sẻ từ phần 10 bằng thể thơ Song Thất Lục Bát. Chiều ngày 3/4/2014 tôi điện thoại cho chú, thấy chú rất vui. Sau cuộc nói chuyện ấy, bỗng nhiên tôi có ý nghĩ sẽ chuyển toàn bộ câu chuyện đời chú ra thơ STLB. Tôi điện thoại nói ý nghĩ này cho chú, tất nhiên chú rất vui…Tôi đi tiếp vào những phần sau theo cảm xúc của chú chứ không còn là cảm xúc của người đọc chia sẻ nữa….
Hồi Ký Đời Học Trò bằng thơ ra đời bắt đầu từ phần 10 như thế..
Chiều ngày 8/4 đã hết phần 24 trên mạng. Lúc này chú gửi phần 25 qua Email vì câu chuyện hồi kết chú chưa đăng. Tôi đọc và chuyển tiếp ra thơ, rồi quay sang chuyển lại nội dung từ phần 1 đến phần 8 ra thể STLB.
Ngày 9/4 tôi ngồi copy lại toàn bộ vì muốn giữ làm kỷ niệm. Nghĩ ngẫm sao đó, tôi đăng phần 1 bằng thơ lên Thi Đàn lúc khoảng 10 giờ đêm ngày 9/4 mà không nói với chú.
Sáng ngày 10 bài thơ đăng trên thi đàn được duyệt vô mục tiêu điểm. Tôi rụt rè xin ý kiến chú, hay là chú cho cháu đăng hết lên Thi Đàn, không ngờ chú rất vui vẻ đồng ý.
Nào ngờ khi đăng mấy bài đầu không ai duyệt có lẽ vì dư âm của Cải Cách Ruộng Đất, có BTV điện thoại hỏi tôi -XS viết có biết mình viết gì không?
Tôi không hoang mang vẫn ngồi đăng một mạch 25 phần chia làm 28 chương, gửi duyệt xong là 9 giờ sáng ngày 10/4/2014….
Bài vẫn chưa được duyệt cho tới đầu giờ chiều tôi nhận được điện thoại của một người có trách nhiệm với trang thơ động viên. Chị cứ viết như thế , em ủng hộ chị .Thơ phải phản ánh thực trạng xã hội…..Khi đang trao đổi thì cũng là lúc bài được duyệt liên tục, Cả mặt tiền trang thơ là ảnh chú Hồ Ngọc Dũng và mái tóc trắng phơ cùng tựa đề Hồi Ký Đời Học Trò.
Khi đăng lên Thi Đàn là tôi đã chấp nhận có thể “ Ăn gạch đá”. Nhưng không! tất cả đều suôn sẻ cho đến giờ này. Rất nhiều đồng cảm của bạn đọc gửi đến xin Email và điện thoại của tác giả cuốn Hồi Ký bằng văn xuôi. Duy chỉ có một vài lời bình luận sẻ chia nhưng chưa được nửa giờ họ vội vàng xóa đi. Sau đó tôi được biết do có nhiều “Ông lớn” khuyên họ không nên sẻ chia với tác phẩm này.
Qủa thật bây giờ tôi cũng chưa lý giải được tại sao? Cả một khối lượng câu chữ chú viết văn xuôi đồ sộ như vậy, mỗi một phần tôi chỉ cần đọc xuôi, đọc ngược và thêm một lần đọc xuôi nữa là tôi ngồi gõ ra thơ. Mười ngày ấy tôi đã nghỉ ba ngày vì đau vai không gõ phím, Vậy mà khoảng 1500 câu thơ chia sẻ cùng tác giả.
Sau khi đăng tải thì một số lỗi xuất hiện. Đa phần là sai luật bằng trắc, tôi đề nghị sửa và chú đồng ý. Chú sinh năm 1942 vậy là tôi sửa đến đâu giao cho chú đếm đến đấy, làm sao đúng 1942 câu. Ai dè người viết thì cứ viết, người đếm lụm cụm sao đó mà khi kết thúc lại là hơn 2000 câu. Ngày cuối tháng tư hai chú cháu quyết định sẽ để là 2014 câu. Hai câu thất cuối cùng do chồng tôi viết sau khi đọc toàn bộ tác phẩm thơ chuyển thể từ tác phẩm văn xuôi Hồi Ký Đời Học Trò :
Thực và mộng bình an một kiếp
Vòng tử sinh nối tiếp ngàn sau.
Ngày 2/5/2014 đúng dịp tác giả Hồ Ngọc Dũng bước vào tuổi 73 bài thơ chuyển thể đầu tiên được đăng tải trên trang Ngocdunglyhoa. Blogspot.com.
Sài Gòn ngày 19/9/2014
Huỳnh Xuân Sơn


XS rất mong nhận được sự góp ý cho bài viết này, Vì chú HND muốn dùng nó in cùng tập thơ chuyển thể.


Toàn bộ 2014 câu STLB đăng tải tại đâyhttp://tho.com.vn/thi-pham/hoi-ky-doi-hoc-tro-toan-tap-2014-cau-song-that-luc-bat/49388

T oàn bộ tác phẩm văn xuôi của tác giả Hồ Ngọc Dũng đăng tải tại đây
http://www.ngocdunglyhoa42.blogspot.com/2014/08/gioi-thieu-truyen-hoi-ky-oi-hoc-tro-cua.html

Thứ Ba, 16 tháng 9, 2014

XIN ĐƯỢC CHIA SẺ CÙNG TÁC GIẢ LÝ VIỄN GIAO MỘT CHUNG RƯỢU



Thơ ca có nhiều thể loại, nhiều hình thái biểu đạt ngôn ngữ và ý nghĩa khác nhau. Có tác phẩm dài dằng dặc mà ta gọi đó là Trường ca, có tác phẩm thì lại ngắn chỉ có vài từ. Bài thơ ngắn nhưng ý nghĩa và hồn cốt ẩn chứa trong nó lại không hề ngắn như khuôn khổ của bài thơ. Một trong những bài thơ ngắn như thế mà tôi đã gặp là bài thơ Haiku viết về Rượu của tác giả Lý Viễn Giao.
Rượu đầy
Lời bay
Dạ cạn
Chỉ vỏn vẹn 6 từ cho ba ngắt ý, bài thơ Haiku không quý ngữ đã gieo vào lòng tôi một dòng suy tư về Rượu và những gì liên quan đến nó.
Ngắt ý thứ nhất Rượu đầy, với người dân Việt từ cổ chí kim rượu không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Dịp lễ tết, ngày vui, ngày buồn, người ta khi vui và ngay cả lúc buồn thậm chí không vui không buồn cũng uống rượu. Rượu luôn luôn hiện diện xung quanh chúng ta. Nhưng khi mà “Rượu đầy” thì lại dẫn tới chiều hướng sẽ uống nhiều. Sau khi uống nhiều không chỉ say xỉn ảnh hưởng tới sức khỏe, mà còn bao hệ lụy kéo theo sau. Ca dao xưa các cụ đã căn dặn:
Rượu nhạt uống lắm cũng say
Người khôn nói lắm dẫu hay cũng nhàm (Ca dao)
Câu ca dao thứ hai cũng là một phần của ngắt ý thứ hai mà tác giả muốn nói trong Rượu
Lời bay.
Tục ngữ đã có câu “rượu vào lời ra”. Hệ lụy của “Lời ra” này mới là điều mà mỗi người chúng ta cần nghĩ tới và có lẽ cũng là suy nghĩ của tác giả khi nghĩ đến hệ lụy của “Rượu đầy” dẫn tới “Lời bay”
Có câu
Ở đời chẳng biết sợ ai
Sợ thằng say rượu nói dai tối ngày (ca dao)
Tuy nhiên hệ lụy của Rượu không hẳn xấu với những người có nợ với văn chương. Đường Thi cổ có câu “Đấu tửu thi bách thiên” (Rượu vào hàng trăm bài thơ ra). Điển hình của mối duyên nợ Thơ và Rượu là Lý Bạch nhà thơ lớn đời Đường .Với thi sĩ Lý Bạch phải có rượu vào mới có thơ ra, những áng thơ Đường bất hủ của ông còn lưu danh tới nay cũng xuất phát từ những lúc ngấm men cay nồng của rượu. Để rồi ngày nay bên xứ ấy vẫn còn một Tróc Nguyệt Đài (Đài bắt trăng)…Tích xưa kể rằng khi Lý Bạch rời kinh thành ngao du khắp chốn, mang theo lệnh vua ban uống rượu miễn phí ở bất kể đâu, cũng được ngân khố triều đình chi trả . Một lần Lý Bạch say rượu nằm bên bờ sông Thái Trạch, huyện Đang Hồ vào đêm trăng rằm, thấy bóng chị Hằng lấp lánh dưới sông, Lý Bạch liền lội ra để vớt trăng, dẫn đến mất mạng. Tích ấy đúng sai hẳn nhiên đời sau không dám, và không có ý phán xét, chỉ biết rằng Đài Bắt Trăng vẫn còn tồn tại cùng những áng thơ bất hủ gắn liền với thi sĩ họ Bạch và gắn liền với mối lương duyên Thơ Và Rượu..
Ca dao truyền lại và thi sĩ xứ người là vậy còn các thi sĩ của chúng ta thì sao?
Sinh thời Tản Đà đã gửi gắm tâm tư về Thơ và Rượu thế này
Rượu thơ mình lại với mình
Khi say quên cả cái hình phù du
Trăm năm thơ túi rượu vò
Ngàn năm thi sĩ tửu đồ là ai? (Thơ Về Rượu)
Gần đây nữa ta có thể kể đến cố nhà văn Nguyễn Quang Sáng cùng bài thơ Rượu của ông.
Trong mâm rượu
Nếu nói xấu người vắng mặt
Rượu sẽ thành thuốc độc
Trong mâm rượu
Nhắc nhớ người vắng mặt
Rượu sẽ ngọt ngào nước thánh
Ta rót vào hồn nỗi nhớ thương (Nguyễn Quang Sáng).
Nhà thơ Ưng Bình Thúc Giạ Thị đã có câu đúc kết về Rượu với Thơ rằng
Rượu có mùi thơm nên uống mãi
Thơ là thuốc bổ cứ ngâm chơi”(Bảy mươi tuổi tự thuật)
Trở lại với Rượu .“Rượu đầy”! Cạn hết sẽ say, khi có chất men kích thích lập tức “Lời bay”. Đó chính là những gợi mở trong ngắt ý thứ hai và Lời Bay cũng chính là điểm nhấn của bài thơ . Rượu của nhà văn Nguyễn Quang Sáng cùng ngắt ý Lời bay trong Rượu của tác giả Lý Viễn Giao, hẳn họ muốn nhắc nhớ tới văn hóa ứng xử trong giao tiếp của mỗi người khi ngồi trong mâm rượu!
Mang theo suy nghĩ về Lời bay ta đến với ngắt ý thứ ba của Rượu
Dạ cạn.
Một vế đối đắt giá với ngắt ý thứ nhất Rượu đầy. Rượu đầy nghĩa là có nhiều, mà nhiều rượu sẽ dẫn tới uống nhiều. Còn dạ cạn thật khó định lượng đây, khi mà ông bà ta đã có câu
Sông sâu biển rộng dễ dò
Nào ai lấy thước mà đo lòng người. ( ca dao).
Nhưng có lẽ câu ca dao ấy vốn nói về những người bình thường, tỉnh táo. Còn mấy người mà khi đã say tới mức lời bay không kiểm soát thì ắt chẳng cần đo cũng thấy Dạ Cạn.
Thông thường con người ta,bất kể già trẻ gái trai, khi uống nhiều nếu không biết kiềm chế sẽ dẫn đến nói nhiều. Kéo theo nhiều hệ lụy, mà đa phần trong đó là hệ lụy xấu. Và,với ngắt ý thứ ba “Dạ cạn” của tác giả Lý Viễn Giao, phải chăng ông còn muốn nhắc nhở những người uống “Rượu đầy” hãy tỉnh táo kìm chế. Đó đây nhan nhản trên các mặt báo biết bao vụ án từ say Rượu mà ra. Chỉ một cái nhìn, mà người say cho là “nhìn đểu” trong quán rượu, dẫn đến lời ra tiếng vào xô xát và hậu quả rất nhiều vụ án là người bị trọng thương hoặc mất mạng, kẻ tỉnh rượu thì vào tù hoặc lãnh án tử hình.
Vẫn biết rằng Rượu không thể thiếu trong đời sống bất kể thể chế, xã hội nào. Nhưng xin hãy nghĩ tới mặt trái của hậu cuộc “rượu đầy” sau những “lời bay” không chỉ là “Dạ cạn” mà nhiều rất nhiều từ cạn đi theo, cạn tình, cạn nghĩa, cạn luôn cả cuộc sống này.
Từ cổ chí kim. Xưa có Lý Bạch sinh thời cao ngạo tới mức
Cổ lai thánh hiền giai tịch mịch
Duy hữu ẩm giả lưu kỳ danh (Tương Tiến Tửu)
Lý Hữu Phước dịch rằng
Xưa nay lặng tiếng thánh hiền
Chỉ người uống rượu còn truyền lưu danh.
Nhưng rồi ông lại mất mạng chỉ vì say rượu. Tên ông và thơ ông quả đã lưu danh thiên cổ thật , Nhưng thử hỏi có mấy người rượu vào lời ra được như Lý Bạch.
Thời cận đại Việt Nam có Phạm Thái tức Chiêu Lỳ. Tác giả Chiến Tụng Tây Hồ Phú, Sơ Kính Tân Trang. Văn Tế Trương Quỳnh Như… Một người tài hoa vậy mà khi ở tuổi hai mươi vì chán nản tìm đến Rượu nên đã có những suy nghĩ bi quan trong Tự Trào:
Bầu giốc càn khôn giọng bét be
Miễn được ngày nào ngang dọc đã
Sống thì nuôi lấy chết chôn đi. (Tự Trào- Phạm Thái).
Cho đến tuổi Tam thập Nhi Lập ông vẫn Tự Thuật:
Một tập thơ sầu ngâm đã chán
Vài be ruột lạt uống ra gì
Chết về Tiên Phật cho xong nợ
Cái kiếp trần gian sống mãi chi (Tự Thuật- Phạm Thái).
Phạm Thái mất đi ở tuổi 36. Kết thúc chuỗi ngày li bì say rượu và kết thúc những bài thơ văn bi quan, chán nản. Mới thấy Rượu và hệ lụy của rượu không chỉ có Lời Bay và Dạ Cạn.
Thơ Haiku vốn không tả mà chỉ gợi. Tác giả Lý Viễn Giao với Rượu của mình đã khơi gợi trong tôi một dòng suy nghĩ và tôi đã viết ra những suy nghĩ của riêng cá nhân mình. Rất mong nhận được sự lượng thứ từ bạn đọc và tác giả nếu như có thiếu sót.
Sài Gòn 12/9/2014
Huỳnh Xuân Sơn



Xuân Sơn rất mong nhận được những góp ý của các vị tiền bối về thơ Haiku.

Thứ Tư, 3 tháng 9, 2014

ĐIỀM VUI - THƠ NGẮN TÌNH DÀI Ý SÂU CỦA NỮ SĨ TUỔI 80 PHAN THỊ THANH MINH



Cầm trên tay tập thơ Lời Ngắn Tình Dài của nữ sĩ tuổi tám mươi Phan Thị Thanh Minh, theo thói quen tôi mở tập thơ và đọc trang bên trái. Trong trang 24 có bốn bài thơ ngắn và đọng lại trong tôi bài thơ:

Điềm Vui


Chích bông ríu ran
Trên bồn trúc cảnh
Bình minh.(Phan Thị Thanh Minh)

Điềm Vui vỏn vẹn chỉ 10 từ cho ba ngắt ý theo lối thơ Haiku Việt.
Ngắt ý thứ nhất gợi cho ta thấy: Có một Điềm Vui sống động đang hiện hữu. Ít nhất có hai chú chim chích bông đang ríu rít trò chuyện với nhau hay có thể nhiều hơn bởi chích bông ríu ran không thể lẻ loi một con mà âm thanh “ríu ran” lan niềm vui sang người đang ngắm nhìn thưởng thức niềm vui ấy được.
Ngắt ý thứ hai là địa điểm cụ thể : Trên bồn trúc cảnh.
Họ nhà Trúc có nhiều chi nhưng trồng trong chậu cảnh thông thường người ta chọn Trúc quân tử.
Trúc quân tử gắn liền với giai thoại của Lưỡng Quốc Trạng Nguyên Mạc Đĩnh Chi khi đi sứ sang Trung Quốc ông đã xé bức hoành treo ở nhà quan Tể Tướng nước này. Nguyên do dẫn tới việc ấy vì bức hoành thêu con chim sẻ đậu trên ngọn trúc như thật, ông giơ tay bắt, những người có mặt cho là ông quê mùa phá lên cười. Lưỡng Quốc Trạng Nguyên kéo bức hoành xé toạc rồi quay sang giải thích rằng: “Cổ nhân vẫn cho trúc là bản sắc người quân tử, còn chim sẻ là đại diện cho hình dáng kẻ tiểu nhân. Tiểu nhân đâu có thể đậu trên đầu quân tử….” Bức hoành ấy và cảnh chim sẻ đậu trên ngọn trúc đã xé đi và không còn ý nghĩa tốt đẹp từ ngày xa xưa ấy.

Nay nữ sĩ gợi lại trúc quân tử đại diện cho bản sắc người quân tử. Mà ở đây có lẽ là người quân tử Việt Nam, bằng hình ảnh “Trên bồn trúc cảnh” có bầy “Chích bông ríu ran” chứ nào phải bọn chim sẻ tiểu nhân cơ hội. Mặc dù hình dáng hai loài chim này vốn nhỏ bé như nhau, nhưng người ta chỉ nuôi chích bông làm cảnh, chứ chưa thấy ai nuôi chim sẻ bao giờ.

Thêm một Điềm Vui nữa đến với người chiêm ngưỡng bồn trúc cảnh, sau khi ngắm mấy chú chích bông nô đùa dưới ánh Bình minh. Bình minh! bắt đầu một ngày mới, mở ra ánh sáng rực rỡ sau những canh dài màn đêm bao phủ.

Ngắt ý thứ ba với hình ảnh “Bình minh” góp vào Điềm Vui của người chiêm ngưỡng một không gian mới, một thời gian mới, hòa cùng sự vật cụ thể Tĩnh là “Bồn trúc cảnh” và sự việc Động là đám “Chích bông ríu ran”.

Điềm Vui mới chỉ là điềm báo trước một niềm vui sẽ tới. Bồn trúc cảnh luôn hiện hữu, đám chích bông tụ tập ríu ran rồi sẽ bay đi. Bình minh lấp lánh phía chân trời rồi cũng trôi theo vòng quay của quỹ đạo để khép trọn một vòng quay.

Điềm Vui sẽ ở lại lâu hay mau, còn tùy thuộc vào những sự vật, sự việc cụ thể muốn báo, nhưng tâm hồn người chiêm ngưỡng khoảnh khắc này thì ắt hẳn rất vui. Chỉ có niềm vui trong tâm hồn mới dẫn tới cảm nhận sự vật sự việc xung quanh vui theo .

Đại thi hào Nguyễn Du từng viết “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”! Nữ sĩ Phan Thị Thanh Minh khi viết Điềm Vui hẳn bà đang vui lắm. Bất giác tôi nghĩ có lẽ sau một đêm với những giấc mơ ngọt ngào, nữ sĩ tỉnh giấc. Cũng là lúc ánh bình minh lấp ló. Cánh cửa ban công mở ra…Và rồi trước mắt nữ sĩ là Điềm Vui ập đến hòa cùng dư hương những giấc mơ. Tâm an nhiên tự tại, lòng rộn ràng niềm vui, Xung quanh cảnh vật ắt vui theo. Điềm Vui đã báo, ngày mới bắt đầu hy vọng sẽ tràn ngập niềm vui đến bên người nữ sĩ dạt dào tình thơ.

Sài Gòn 30/8/2014.
Huỳnh Xuân Sơn