Thứ Sáu, 28 tháng 2, 2014

CHUYỆN TRĂM NĂM




 

 Chuyện Trăm Năm
Khi mùa xuân đến hẹn
Nắng hồng lên
Cây nảy lộc đâm chồi
Có loài chim Di như mọi lần sẽ đến
Xây tổ chờ em
Như gọi như mời

Chuyện trăm năm
Như diều bay trong gió
Có lúc vươn cao
Có lúc ngập ngừng
Dẫu còn chút duyên và cõi lòng mở ngõ
Nếu cơn gió quên về
Ta lỡ chuyện trăm năm

Chuyện trăm năm
Như cung đàn lỡ nhịp
Khúc tương tư
Giọt nước mắt xuôi dòng
Ta với em hẹn nhau từ muôn kiếp
Sao bây giờ 
Tình vẫn mãi long đong

Chuyện trăm năm

Như gió ngàn như biển rộng
Mênh mang buồn
Khi vừa mới yêu nhau
Sông thì dài
Nhưng cõi lòng mãi cạn
Mây bay hoài
Tình ta biết về đâu?

Chuyện trăm năm

Chuyện bây giờ mới nói
Đã yêu em 
Nên ta quyết đợi chờ
Nếu một mai đò xưa về réo gọi
Nửa tấc lòng đang tỉnh
Nửa đang mơ…

Thứ Tư, 26 tháng 2, 2014

XUÂN HỒNG





Xuân Hồng

Xuân vừa quay lại có vui không
Xuân sắp đoàn viên nghĩa vợ chồng
Xuân đợi cho tròn câu hẹn núi
Xuân chờ vẹn ý nghĩa thề sông
Xuân buồn ai gọi vơi ngày vắng
Xuân nhớ người gieo trọn tháng mong
Xuân ước sao trời luôn sáng mãi
Xuân mang khúc hát vạn tình hồng

Thứ Bảy, 22 tháng 2, 2014

XUÂN Ý



Xuân gõ cửa rồi ai biết không?
Xuân trong đáy mắt gái yêu chồng
Xuân tràn mái tóc hong làn gió
Xuân đọng gót hài thẹn bến sông
Xuân đến mang bao điều ước nguỵện
Xuân về gợi lắm ý trông mong
Xuân nay như vẫn ngàn năm cũ
Xuân mãi đua chen vạn sắc hồng

Thứ Tư, 19 tháng 2, 2014

VẸN TÌNH




Cánh bướm vườn xuân lượn dập dìu
Hương hoa thoảng nhẹ khắp vườn yêu
Giai nhân cười nụ mơ ngàn ý
Tài tử say duyên mộng vạn điều
Chiều xuống sáng lên đời nắng rọi
Trà khuya rượu sớm sắc màu thêu
Cùng nhau chung sống qua năm tháng
Đầu bạc răng long tuổi xế chiều

Chủ Nhật, 16 tháng 2, 2014

CẢM XÚC ĐƯỜNG ĐẾN ĐÊM THƠ NGUYÊN TIÊU NÚI NHẠN -TUY HÒA- PHÚ YÊN

Tôi đến Thành phố ven biển Tuy Hòa vào một ngày đầu xuân. Nơi này đã nhiều năm qua rất thân thuộc với tôi. Xuân nơi đây yêu lắm những con phố ngập đầy sắc đỏ của cây bàng mùa trút lá,mà nhiều nhất có lẽ là phố Cao Thắng. Rất nhiều dịp tôi về thăm thành phố nhỏ, thăm miền quê Xứ Nẫu nơi sinh ra và lớn lên của người tôi yêu thương.  Năm nay thì khác , rất nhiều xúc cảm với Xuân nơi đây ùa về.

  Đêm thơ Nguyên Tiêu Núi Nhạn đã bước sang tuổi 34. Theo lời giới thiệu của nhạc sĩ Ngọc Quang thì Ngày Thơ Việt Nam cũng bắt nguồn từ Đêm Thơ Nguyên Tiêu trên đỉnh núi Nhạn này.

Chiều rằm tháng giêng lúc bóng xế  anh đưa tôi lên Núi Nhạn, hoàng hôn đang xuống trên dãy núi phía tây,phía  thượng nguồn con sông Ba hùng vĩ. Tiết trời vào Xuân  nước sông hiền hòa như cô gái đang tuổi cập kê, uốn mình ôm ấp ngọn Núi có  Ngôi tháp Chăm cổ kính mang tên Tháp Nhạn, xa hơn một chút phía đông là Biển, từ phía ấy vọng lại  rì rào, thì thầm tiếng tự tình của sóng và bờ.

Hai chúng tôi lững thững tản bộ trên những cung đường ngoằn nghoèo để lên đỉnh núi. Hai bên đường lúp xúp những bụi mua, cỏ, cây, và cả những cội Thiên Tuế đứng lặng lẽ nghe tiếng nhạc phát ra vang vọng trên khắp ngọn núi. Vừa thơ, vừa nhạc dìu dặt.
 Tôi cùng anh đi thật chậm có lẽ cũng đã rất lâu anh chưa trở lại nơi này.

Giọng trầm trầm anh kể:

Ngày anh còn nhỏ, trên núi Nhạn là rừng cây um tùm có rất nhiều khỉ đột và muông thú (Núi còn có tên là Núi Khỉ). Trải qua chiến tranh nơi này bây giờ chỉ còn lại cỏ cây như vậy đấy. Vừa đi vừa nghe anh kể chẳng mấy chốc đã lên đến lưng chừng núi. Nơi này có một tượng đài chiến thắng xây dựng năm 2003 và hoàn thành năm 2007. Tôi không vào đó sau khi chụp mấy bức ảnh phong cảnh dòng sông và cầu Đà Rằng nhìn từ đây.
 Tới đây tôi mới cảm nhận hết vẻ đẹp của thi sĩ Huỳnh Khinh khi viết về Hoàng hôn trên Núi Nhạn


Lên chơi Núi Nhạn buổi tà dương

Phong cảnh nhìn xem đẹp lạ thường

Trước mặt mây hồng vờn biển bạc

Sau lưng gác tía gợn tia vàng ( Huỳnh Khinh)


 Dọc đường lên núi có rất nhiều băng rôn ghi nội dung Đêm Thơ Nguyên Tiêu Núi Nhạn. Một hồi leo nữa cùng câu chuyện về Ngôi Tháp có hình con chim Nhạn, rồi ngày xưa trên núi có rất nhiều chin Nhạn về sống, Về  cái hang trong núi có tên Hàm Long bây giờ đã bị lấp. Câu chuyện anh kể hấp dẫn khiến tôi không biết mỏi và rồi cũng leo tới nơi, sau một hồi thở dốc tôi đã kịp chiêm ngưỡng (sợ mặt trời lặn phải nhìn trong ánh điện ) ngôi tháp cổ kính.

Tuy đã bị mất đi rất nhiều vẻ đẹp rêu phong do dấu ấn của lần trùng tu gần đây nhất, vào những năm gần cuối thế kỷ 20. Tháp được xây theo  khối hình chóp vuông vững chắc cao khoảng 25 m. Đây là một trong những ngôi tháp đứng một mình chứ không thành cụm tháp như ta thường thấy dọc miền duyên hải trung, nam trung bộ.

Điều đặc biệt là tiếng nhạc, từ những chiếc loa thùng lớn phát ra những giọng ngâm thơ, của các Nghệ sĩ ngân nga những tác phẩm nổi tiếng, làm cho khung cảnh Núi Nhạn thêm huyền ảo nên thơ như nhạc.

Mặt phía đông nam của Tháp Nhạn, là nơi dựng sân khấu chính cho đêm giao lưu Thơ. Mặc dù 19h mới bắt đầu, nhưng từ hơn 17h đã rất đông người yêu thơ đến đây,chọn cho mình một chỗ ngồi ưng ý để nghe.
 Họ là những nam thanh, nữ tú, có đôi, có cặp, có bạn bầu, đi chọn nơi để vừa nghe được thơ vừa cảm nhận và đón đợi ánh trăng rằm nhuộm màu sáng trắng huyền ảo lung linh. Chứ không phải chọn chỗ ngồi nơi sân khấu. Bất giác tôi cũng muốn cùng anh chọn cho mình một chỗ ngồi trên đỉnh núi thay vì ngồi ở sân khấu.

Theo như lời giới thiệu của ban tổ chức thì có tới 5 thành phố trong và ngoài nước tới giao lưu thơ trong hai đêm thơ tại đây!


Mặt trời khuất hẳn chỉ còn những tia nắng cuối cùng đang cố len lỏi qua đám mây màu trắng như muốn ở lại cùng Núi Nhạn đêm nay. Gió mang theo hơi lạnh từ ngoài biển vào vẫn không làm cho dòng người ngớt đổ về núi Nhạn mỗi lúc một đông thêm. Ngồi trên núi với cái se lạnh của đêm xuân, với vị mặn mòi của biển, với tiếng thì thầm của cây cỏ xung quanh, có anh bên cạnh. Và, đặc biệt Chị Hằng đã đến, mang theo ánh trăng vàng quyến rũ, mỗi lúc trăng một lên cao hơn mặt trăng tròn vành vạnh như muốn sà xuống thấp, cùng với tao nhân mặc khách đêm nay, đang háo hức chờ : Đêm Thơ Nguyên Tiêu trên Núi Nhạn mở màn.


Tuy Hòa 15/2/2014

Huỳnh Xuân Sơn

Thứ Năm, 13 tháng 2, 2014

LỄ TÌNH NHÂN




Nắng ấm vườn xuân én dập dìu
Bao người trẻ đợi Lễ Tình Yêu
Đóa hồng gởi Bạn muôn ngàn ý
Ánh mắt trao duyên bấy bận điều
Hẹn ước ngày vui đàn sáo dạo
Mong chờ tháng mộng gấm hoa thêu
Vòng tay ân ái nồng muôn thuở
Chắt gạn đắm say vạn sáng chiều

Thứ Ba, 11 tháng 2, 2014

CẢM NHẬN BÀI THƠ CHÙA HƯƠNG CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN NHƯỢC PHÁP




Ai yêu thơ Việt chắc hẳn đều biết đến bài thơ Chùa Hương của nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp. Ra đời năm 1934 cùng với làn sóng Thơ Mới tràn vô dòng chảy thi ca Việt Nam. Bài thơ được nhà thơ Ngyễn Nhược Pháp ghi lời tựa: “Thiên ký sự của một cô bé ngày xưa.”. Một Thiên ký sự ra đời cách đây 80 năm nhưng nó vẫn làm sao xuyến biết bao trái tim của người yêu thơ cho tới tận hôm nay, và có lẽ còn nhiều năm sau nữa.


Chùa Hương

(Thiên ký sự của một cô bé ngày xưa)


Hôm nay đi Chùa Hương,
Hoa cỏ mờ hơi sương.
Cùng thầy me em dậy,
Em vấn đầu soi gương.


Khăn nhỏ, đuôi gà cao,
Em đeo giải yếm đào;
Quần lĩnh, áo the mới,
Tay cầm nón quai thao.


Me cười: "Thầy nó trông!
Chân đi đôi dép cong,
Con tôi xinh xinh quá!
Bao giờ cô lấy chồng?"

 

Em tuy mới mười lăm
Mà đã lắm người thăm,
Nhờ mối mai đưa tiếng,
Khen tươi như trăng rằm.

 
Nhưng em chưa lấy ai,
Vì thầy bảo người mai
Rằng em còn bé lắm!
(Ý đợi người tài trai).


Em đi cùng với me.
Me em ngồi cáng tre,
Thầy theo sau cưỡi ngựa,
Thắt lưng dài đỏ hoe.

 
Thầy me ra đi đò,
Thuyền mấp mênh bên bờ.
Em nhìn sông nước chẩy
Đưa cánh buồm lô nhô.


Mơ xa lại nghĩ gần,
Đời mấy kẻ tri âm?
Thuyền nan vừa lẹ bước,
Em thấy một văn nhân.


Người đâu thanh lạ thường!
Tướng mạo trông phi thường.
Lưng cao dài, trán rộng.
Hỏi ai nhìn không thương?


Chàng ngồi bên me em,
Me hỏi chuyện làm quen:
"Thưa thầy đi chùa ạ?
Thuyền đông, trời ôi, chen!"


Chàng thưa: "Vâng, thuyền đông!"
Rồi ngắm trời mênh mông,
Xa xa mờ núi biếc,
Phơn phớt áng mây hồng.


Dòng sông nước đục lờ.
Ngâm nga chàng đọc thơ.
Thầy khen: "Hay! Hay quá!"
Em nghe rồi ngẩn ngơ.

 

Thuyền đi. Bến Đục qua.
Mỗi lúc gặp người ra,
Thẹn thùng em không nói:
"Nam vô A-Di-Đà!"


Réo rắt suối đưa quanh.
Ven bờ, ngọn núi xanh,
Nhịp cầu xa nho nhỏ.
Cảnh đẹp gần như tranh.


Sau núi Oản, Gà, Xôi,
Bao nhiêu là khỉ ngồi.
Tới núi con Voi phục,
Có đủ cả đầu đuôi.


Chùa lấp sau rừng cây.
(Thuyền ta đi một ngày)
Lên cửa chùa em thấy
Hơn một trăm ăn mày.


Em đi, chàng theo sau.
Em không dám đi mau,
Ngại chàng chê hấp tấp,
Số gian nan không giàu.


Thầy me đến điện thờ,
Trầm hương khói tỏa mờ.
Hương như là sao lạc,
Lớp sóng người lô nhô.

 
Chen vào thật lắm công.
Thầy me em lễ xong,
Quay về nhà ngang bảo:
"Mai mới vào chùa trong."


Chàng hai má đỏ hồng
Kêu với thằng tiểu đồng
Mang túi thơ bầu rượu:
"Mai ta vào chùa trong!"


Đêm hôm ấy em mừng.
Mùi trầm hương bay lừng.
Em nằm nghe tiếng mõ,
Rồi chim kêu trong rừng.


Em mơ, em yêu đời!
Mơ nhiều... Viết thế thôi!
Kẻo ai mà xem thấy,
Nhìn em đến nực cười!


Em chưa tỉnh giấc nồng,
Mây núi đã pha hồng.
Thầy me em sắp sửa
Vàng hương vào chùa trong.


Đường mây đá cheo veo,
Hoa đỏ, tím, vàng leo.
Vì thương me quá mệt,
Săn sóc chàng đi theo.

 

Me bảo: "Đường còn lâu,
Cứ vừa đi ta cầu
Quan-Thế-âm-bồ-tát
Là tha hồ đi mau!"


Em ư? Em không cầu,
Đường vẫn thấy đi mau.
Chàng cũng cho như thế.
(Ra ta hợp tâm đầu).


Khi qua chùa Giải-oan,
Trông thấy bức tường ngang,
Chàng đưa tay lẹ bút
Thảo bài thơ liên hoàn.


Tấm tắc thầy khen: "Hay!
Chữ đẹp như rồng bay."
(Bài thơ này em nhớ,
Nên chả chép vào đây).


Ô! Chùa trong đây rồi!
Động thắm bóng xanh ngời.
Gấm thêu trần thạch nhũ,
Ngọc nhuốm hương trầm rơi.


Me vui mừng hả hê:
"Tặc! Con đường mà ghê!"
Thầy kêu: "Mau lên nhé!
Chiều hôm nay ta về."

 

Em nghe bỗng rụng rời
Nhìn ai luống nghẹn lời!
Giờ vui đời có vậy,
Thoảng ngày vui qua rồi!


Làn gió thổi hây hây,
Em nghe tà áo bay,
Em tìm hơi chàng thở.
Chàng ôi, chàng có hay?

 

Đường đây kia lên trời,
Ta bước tựa vai cười.
Yêu nhau, yêu nhau mãi!
Đi, ta đi, chàng ôi!


Ngun ngút khói hương vàng
Say trong giấc mơ màng,
Em cầu xin Trời, Phật
Sao cho em lấy chàng.


Thiên ký sự đến đây là hết. Tôi tin rồi hai người lấy nhau, vì không lấy được nhau thì cô bé còn viết nhiều. Lấy nhau rồi là hết chuyện.6-1934 (Nguyễn Nhược Pháp)


Một bài thơ dài tới 34 khổ, mỗi khổ bốn câu, với những lời thơ trong veo như tâm hồn của cô gái tuổi 15. Đã đưa ta trở lại những năm 30 của thế kỷ trước. Bắt đầu đồng hành với câu chuyện kể của nhà thơ. Nhân vật chính là một thiếu nữ lần đầu theo cha mẹ đi trảy hội Chùa Hương. Lễ Hội nơi “thâm sơn cùng cốc” với thắng cảnh “Động Hương Tích” đẹp như chốn thần tiên, nhưng phải đi từ rất sớm. 

Mở đầu câu chuyện Nhà Thơ viết:
  Hôm nay đi Chùa Hương,
Hoa cỏ mờ hơi sương.
Cùng thầy me em dậy,
Em vấn đầu soi gương.


Khăn nhỏ, đuôi gà cao,
Em đeo giải yếm đào;
Quần lĩnh, áo the mới,
Tay cầm nón quai thao.

Trang phục “yếm đào, quần lĩnh, áo the, nón quai thao” thời ấy phải con nhà khá giả hoặc chức sắc mới có. Và cô bé đã dậy sớm diện trang phục , vấn đầu soi gương. Chắc hẳn cô bé xinh lắm. Và nhà cô bé cho ta cảm giác một tổ ấm hạnh phúc, khi nghe cuộc trò chuyện của Me em nói với Thầy em và hỏi con gái: 


Me cười: "Thầy nó trông!
Chân đi đôi dép cong,
Con tôi xinh xinh quá!
Bao giờ cô lấy chồng?"


Em tuy mới mười lăm
Mà đã lắm người thăm,
Nhờ mối mai đưa tiếng,
Khen tươi như trăng rằm.


Nhưng em chưa lấy ai,
Vì thầy bảo người mai
Rằng em còn bé lắm!
(Ý đợi người tài trai).


Trong xã hội phong kiến với quan niệm : “Nữ thập tam, nam thập lục” . chứ không giống như bây giờ. Nữ 18, nam 20 mới được lập gia đình. Và ở trong Thiên Tình Sử này thì cô bé cũng chỉ mới 15 tuổi. “nhưng đã lắm người thăm”. Nhiều người mai mối, nhưng “em chưa lấy ai” bởi vì Thầy em bảo. “Rằng em còn bé lắm”. Và đây là ý nghĩ của cô bé sau khi nghe cha mình từ chối người mai mối: (“ý đợi người trai tài”). Một câu này thôi cho ta thấy cô bé chắc cũng là người tài sắc.

Chưng diện xong, cả gia đình cô gái lên đường trảy hội Chùa Hương: 


Em đi cùng với me.
Me em ngồi cáng tre,
Thầy theo sau cưỡi ngựa,
Thắt lưng dài đỏ hoe.


Thầy me ra đi đò,
Thuyền mấp mênh bên bờ.
Em nhìn sông nước chẩy
Đưa cánh buồm lô nhô.


Mơ xa lại nghĩ gần,
Đời mấy kẻ tri âm?
Thuyền nan vừa lẹ bước,
Em thấy một văn nhân.


Người đâu thanh lạ thường!
Tướng mạo trông phi thường.
Lưng cao dài, trán rộng.
Hỏi ai nhìn không thương?


Đoạn thơ này Nguyễn Nhược Pháp thêm một lần khẳng định cô gái con nhà “danh gia vọng tộc” bởi người dân thường thì đi lễ thường đi bộ. Còn ở đây “Me em ngồi cáng tre” . và “Thầy theo sau cưỡi ngựa. Thắt lưng dài đỏ hoe”. Còn em thì vô tư hồn nhiên mơ màng “nhìn sông nước”. Một suy nghĩ rất người lớn so với cô gái tuổi 15 là “mơ xa lại nghĩ gần. Đời mấy kẻ tri âm”…rồi khi thuyền vừa rời bến “Em thấy một văn nhân”. Có lẽ bởi đang trong tâm trạng mơ màng, tìm kiếm “kẻ tri âm”. Nên trong mắt em cảm nhận và đánh giá “người văn nhân” ngay rằng: “người đâu thanh lạ thường! tướng mạo trông phi thường. Lưng cao, dài trán rộng.” với em có lẽ đây là người mà em vẫn hằng mơ ước : 


Chàng ngồi bên me em,
Me hỏi chuyện làm quen:
"Thưa thầy đi chùa ạ?
Thuyền đông, trời ôi, chen!"


Chàng thưa: "Vâng, thuyền đông!"
Rồi ngắm trời mênh mông,
Xa xa mờ núi biếc,
Phơn phớt áng mây hồng.


Dòng sông nước đục lờ.
Ngâm nga chàng đọc thơ.
Thầy khen: "Hay! Hay quá!"
Em nghe rồi ngẩn ngơ. 


Thuyền đi. Bến Đục qua.
Mỗi lúc gặp người ra,
Thẹn thùng em không nói:
"Nam vô A-Di-Đà!"


Một cuộc đối thoại giữa “Me em” và “người văn nhân” cho thấy Chàng ngoài dáng dấp là một văn nhân, còn là một thi sĩ . Tình cảm giành cho người văn nhân” tiến thêm một chút nữa có lẽ bắt đầu từ lời khen của thầy “Hay! Hay quá”. Cô gái giờ đây không chỉ mơ màng mà những lời thơ của chàng làm cho “ngẩn ngơ” mà còn biết thẹn thùng khi có người khác nhìn nữa. Phải chăng khi có “người ra” thì em lại không nói “Nam mô A Di Đà”. Là em sợ “người ra” cũng nhìn thấy trong lòng em đang “mơ màng” hay đang “ngẩn ngơ” vì chàng và những lời thơ hay của chàng.

Câu Chuyện Cô Gái Chùa Hương, giờ đây mới bắt đầu miêu tả cảnh hai bên đường đến Chùa Hương.


Réo rắt suối đưa quanh.
Ven bờ, ngọn núi xanh,
Nhịp cầu xa nho nhỏ.
Cảnh đẹp gần như tranh.


Sau núi Oản, Gà, Xôi,
Bao nhiêu là khỉ ngồi.
Tới núi con Voi phục,
Có đủ cả đầu đuôi.


Chùa lấp sau rừng cây.
(Thuyền ta đi một ngày)
Lên cửa chùa em thấy
Hơn một trăm ăn mày. 


Những lời thơ đơn giản nhưng chứa đựng tâm hồn ngây thơ trong vắt của cô bé. Đặc biệt là sau “một ngày” ngồi trên thuyền. Ngắm cảnh hai bên bờ Suối Yến cô cảm nhận nó “đẹp như tranh” . Và mỗi ngọn núi có một tên gọi theo lễ vật mà Phật Tử hay mang cúng ngày ấy như Oản Gà Xôi,rồi Núi Voi, Mà thấp thoáng trên núi có “bao nhiêu là khỉ ngồi”. Rồi mới tới “Chùa lấp sau rừng cây”. Tới chùa, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt cô bé là rất nhiều “ăn mày” .Và ,với sự lạ lẫm lần đầu tiên cô bé có lẽ đã thầm đếm mới biết có “hơn một trăm ăn mày”. 


Và rồi Thiên Tình Sử thì vẫn tiếp diễn bên cạnh việc Lễ Chùa: 

Em đi, chàng theo sau.
Em không dám đi mau,
Ngại chàng chê hấp tấp,
Số gian nan không giàu.


Thầy me đến điện thờ,
Trầm hương khói tỏa mờ.
Hương như là sao lạc,
Lớp sóng người lô nhô. 


Chen vào thật lắm công.
Thầy me em lễ xong,
Quay về nhà ngang bảo:
"Mai mới vào chùa trong."


Chàng hai má đỏ hồng
Kêu với thằng tiểu đồng
Mang túi thơ bầu rượu:
"Mai ta vào chùa trong!"


Đêm hôm ấy em mừng.
Mùi trầm hương bay lừng.
Em nằm nghe tiếng mõ,
Rồi chim kêu trong rừng. 


Em mơ, em yêu đời!
Mơ nhiều... Viết thế thôi!
Kẻo ai mà xem thấy,
Nhìn em đến nực cười!


Sau một ngày trên thuyền cùng Thầy Me và “Người Văn nhân”, mơ màng và ngơ ngẩn theo cảnh sắc hai bên đường và những câu thơ hay của chàng. Bước lên bờ và leo dốc vào Chùa, cô gái đã cảm nhận được rằng Chàng cũng để ý mình nên mới “không dám đi nhanh” khi mà “Chàng đi sau” vì “sợ chàng chê hấp tấp. Số gian nan không giàu”.

Sau một hồi chen lấn trong “lớp sóng người lô nhô” cô gái và Thầy Me cũng như chàng cũng đã “lễ xong”. Có lẽ là mới lễ được ở Chùa Thiên Trù, nên Thầy me sau khi về “nhà ngang” thì quyết định : “Mai ta vào chùa trong”. Một tín hiệu vui cho cố gái là “chàng hai má đỏ hồng”. có lẽ chàng cũng ngượng ngùng chăng? Rồi “kêu với thằng tiểu đồng” : “Mai ta vào chùa trong”. Tín hiệu vui thôi! Chứ chàng cũng có nói gì với em đâu? Nhưng “đêm hôm ấy” “em nằm nghe tiếng mõ”, thấy dễ thương và “em mừng”. Em nằm không chỉ nghe tiếng Mõ không mà còn nghe được cả “tiếng chim trong rừng” nữa! Và rồi “em mơ, em yêu đời” em mơ…và cùng với nỗi vui mừng, nỗi rạo rực của trái tim, cô gái còn lo nếu có ai nhìn em lúc này thì “đến nực cười”….Thế rồi:


Em chưa tỉnh giấc nồng,
Mây núi đã pha hồng.
Thầy me em sắp sửa
Vàng hương vào chùa trong.


Đường mây đá cheo veo,
Hoa đỏ, tím, vàng leo.
Vì thương me quá mệt,
Săn sóc chàng đi theo.


Me bảo: "Đường còn lâu,
Cứ vừa đi ta cầu
Quan-Thế-âm-bồ-tát
Là tha hồ đi mau!"


Em ư? Em không cầu,
Đường vẫn thấy đi mau.
Chàng cũng cho như thế.
(Ra ta hợp tâm đầu).


Khi qua chùa Giải-oan,
Trông thấy bức tường ngang,
Chàng đưa tay lẹ bút
Thảo bài thơ liên hoàn.


Tấm tắc thầy khen: "Hay!
Chữ đẹp như rồng bay."
(Bài thơ này em nhớ,
Nên chả chép vào đây).


Ở đoạn này của Thiên Tình Sử ngoài việc Thầy Me sắm sửa lễ vào chùa trong, với đường đi cheo leo. Có hai tín hiệu vui của chàng giành cho em nữa: vì lo Me em mệt nên chàng đi theo để săn sóc, và hai là sau khi Me dặn leo đường đá ghập ghềnh, sẽ mệt mỏi hãy niệm câu: “Nam mô A Di Đà thì sẽ hết mệt. Nhưng cả hai người Em và Chàng đều “tâm đầu ý hợp” rằng “không cầu” mà : “Đường vẫn thấy đi mau”.

Chàng vẫn chưa nói chuyện với em. Khi đến chùa Giải Oan chàng thêm một lần trổ tài “ thảo bài thơ liên hoàn” và bài thơ này cũng được “tấm tắc thầy khen Hay. Chữ đẹp như Rồng bay” còn em thì sau khi Chàng thảo xong lập tức: “bài thơ này em nhớ”.

Thông thường leo lên tới “chùa trong” là mọi người thường mệt còn em thì reo lên với giọng vui tươi chẳng tỏ chút mệt mỏi:


Ô! Chùa trong đây rồi!
Động thắm bóng xanh ngời.
Gấm thêu trần thạch nhũ,
Ngọc nhuốm hương trầm rơi.


Me vui mừng hả hê:
"Tặc! Con đường mà ghê!"
Thầy kêu: "Mau lên nhé!
Chiều hôm nay ta về."


Em nghe bỗng rụng rời
Nhìn ai luống nghẹn lời!
Giờ vui đời có vậy,
Thoảng ngày vui qua rồi!

 

Làn gió thổi hây hây,
Em nghe tà áo bay,
Em tìm hơi chàng thở.
Chàng ôi, chàng có hay?


Đường đây kia lên trời,
Ta bước tựa vai cười.
Yêu nhau, yêu nhau mãi!
Đi, ta đi, chàng ôi!


Ngun ngút khói hương vàng
Say trong giấc mơ màng,
Em cầu xin Trời, Phật
Sao cho em lấy chàng.



Vào đến chùa trong dù mẹ phải “Tặc ! con đường thấy mà ghê.” Nhưng lời thầy mới làm cho cô bé chết điếng hồn : “mau nhé chiều ta về”

Mặc dầu cho tới bây giờ thì Chàng vẫn chưa nói gì với em. Nhưng Thiên Tình Sử của cô gái có “mái tóc đuôi gà” này thì đã yêu say đắm “người văn nhân”. khi nghe lời Thầy nói “chiều ta về” , cô đã “bỗng rụng rời” cảm thấy “ngày vui luống qua rồi!” và “nhìn ai thấy “nghẹn lời”. Cô bé mơ màng với khát vọng được “ Tựa vai” , sánh bước cùng chàng trên “đường đây kia lên trời”.

Cuộc vui nào rồi cũng tàn. Ngày vui nào cũng qua, nhưng hy vọng thì tràn đầy trong tâm hồn trắng trong đang rạo rực vì yêu của cô bé!

Bây giờ Thiên Tình Sử của cô gái đi trảy hội Chùa Hương mới bắt đầu làm công việc như mọi người. Ai tới đây cũng làm với mục đích là “cầu trời khấn phật”. Lời khấn của cô bé cũng là lời kết của Thiên Tình Sử. “Nghi ngút khói hương vàng. Say trong khói mơ màng. Em cầu xin Trời Phật. Sao em lấy được Chàng?!.

Không biết chàng trai khấn nguyện điều gì? chỉ biết nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp ghi mấy lời cuối bài thơ như sau: “Thiên ký sự đến đây là hết. Tôi tin rồi hai người lấy nhau, vì không lấy được nhau thì cô bé còn viết nhiều. Lấy nhau rồi là hết chuyện. tháng 6-1934”.


 Cho tới hôm nay! Gần 80 năm bài thơ ra đời. Thi sĩ cũng ra người thiên cổ 76 năm. Cô bé ngày ấy bị tiếng sét ái tình đánh trúng, hôm nay nếu còn, bà cũng gần một trăm tuổi. Cháu chắt của bà hôm nay cũng bước vào tuổi cập kê như bà thủa ấy! Và ,có lẽ trong dòng người đang kéo về trảy hội Chùa Hương kia có không ít người cùng tuổi cháu chắt bà hôm nay cũng như bà ngày ấy, đang ngân nga giai điệu ca khúc Em Đi Chùa Hương được phổ nhạc từ bài thơ này. Và cũng có không ít người già có, trẻ có,lẩm nhẩm đọc đôi câu thơ trong Thiên Tình Sử Cô Gái Chùa Hương của Thi Sĩ tài hoa bạc mệnh Nguyễn Nhược Pháp.

Sài Gòn 6/ tết Giáp Ngọ

Huỳnh Xuân Sơn

Thứ Ba, 4 tháng 2, 2014

CẢM NHẬN LỜI CA KHÚC NHỚ MỘT CHIỀU XUÂN CỦA NHẠC SĨ NGUYỄN VĂN ĐÔNG

Không biết từ lúc nào? Có lẽ từ sau khi tôi biết nghe và cảm nhận dòng nhạc tiền chiến, tôi thích tìm hiểu về những giai thoại gắn với tên ca khúc và người nhạc sĩ. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông là một trong những nhạc sĩ mà tôi yêu thích . Những  ca khúc như :Chiều Mưa Biên Giới, Sắc Hoa Màu Nhớ, Hải Ngoại Thương Ca. Đặc biệt là ca khúc Nhớ Một Chiều Xuân.
Ca khúc này, với tôi mang nhiều kỷ niệm. Nhớ một buổi chiều xuân, chồng tôi cất tiếng hát “Chiều nay thấy hoa cười….” Và cũng từ hôm ấy, sau khi đã chung sống với nhau 17 năm, tôi mới biết nghe và cảm nhận được giọng hát truyền cảm của anh.
Hôm nay ngồi nghe lại ca khúc này, lòng nao nao khiến tôi muốn viết một điều gì đó, mặc dù ca khúc này, nhạc sĩ  Nguyễn Văn Đông viết về một cuộc tình chưa trọn. Cuộc tình này  đã  để lại rất nhiều dấu ấn trong ông. Và tôi thay đổi quyết định, ngày xuân vẫn viết về :

 Nhớ Một Chiều Xuân:

Chiều nay thấy hoa cười chợt nhớ một người
Chạnh lòng tôi khơi . . . bao niềm nhớ
Người nơi xa xăm phương trời ấy
Người còn buồn còn thương còn nhớ
Nắng phai rồi . . . em ơi !

Chiều Xuân có một người ngơ ngác đi tìm
Một tình thương nơi . . . phương trời cũ
Chiều nay hoa Xuân bay nhiều quá
Chiều tàn dần phai trên ngàn lá
Tìm đâu bóng . . . hình ai ?

Người vê còn nhớ . . . khúc hát
Người yêu dấu bên bờ thành Vienne
Lòng này còn quyến . . . luyến mãi
Đêm Xuân dài mà đâu có hay

Chiều nay có một loài hoa vỡ bên trời
Đợi mùa Xuân sang tô . . . màu nhớ
Dừng chân trông hoa Xuân hồng thắm
Buồn tìm về tình ai đằm thắm
Giờ hun hút trời mây .(Nguyễn Văn Đông)

Theo tìm hiểu của tôi,Nhạc sĩ  Nguyễn Văn Đông viết ca khúc này để nhớ một người con gái mang quốc tịch Áo. Họ đã gặp và yêu nhau tại quần đảo Hawoai. Ngày chia tay để trở về Việt Nam, ông đã thề non hẹn biển là sẽ trở lại và không phụ tình cô gái. Nhưng rồi chiến tranh liên miên, ngày  càng thêm ác liệt,ông đã không thể thực hiện lời thề hẹn của mình.
Và cuộc tình ấy đã ly tan,. để Nhớ Một Chiều Xuân ra đời và sống mãi đến hôm nay. Ca từ của bài hát được cất lên bắt đầu từ một buổi chiều xuân:

Chiều nay thấy hoa cười chợt nhớ một người
Chạnh lòng tôi khơi  bao niềm nhớ
Người nơi xa xăm phương trời ấy
Người còn buồn còn thương còn nhớ
Nắng phai rồi em ơi !
Những ca từ đẹp như những câu thơ, hòa quyện với giai điệu trầm bổng tha thiết nhẹ nhàng, pha chút ray rứt nhớ nhung của tác giả! Khi bắt gặp một nụ cười, một dáng người hao hao giống “người xa xăm phương trời ấy” đã khiến cho ông “chạnh lòng” và biết bao hồi ức được khơi gợi.
Và rồi ông cũng tự vấn liệu “người còn buồn, còn thương, còn nhớ? Ba câu hỏi liên tiếp khiến ông có lẽ không chỉ “chạnh lòng”mà chắc nỗi nhớ, buồn, thương của ông cũng dồn dập đổ về…Nhưng rồi ông chợt nhận ra “nắng phai rồi em ơi!”.
 Nắng phai? Hay tình cảm bị cách xa đã nhạt phai dần từ ngay chính tác giả đây? Mang theo câu hỏi này ta đi theo giòng hồi ức mà vì “chạnh lòng” khiến ông khơi thông và đang ngược về:

Chiều Xuân có một người ngơ ngác đi tìm
Một tình thương nơi  phương trời cũ
Chiều nay hoa Xuân bay nhiều quá
Chiều tàn dần phai trên ngàn lá
Tìm đâu bóng  hình ai ?
Trong khung cảnh buổi “chiều xuân”, có “hoa xuân bay nhiều quá”. Và, chính tác giả cũng biết rằng “chiều dần tàn” rồi. Có lẽ cuộc tình ấy đã “phai trên ngàn lá”. Nếu có tìm thì cũng chỉ thấy được và biết trước sẽ “tìm đâu bóng hình ai”? Nhưng bởi nỗi nhớ “phương trời cũ” nơi ấy có “một tình thương” có lẽ cũng đã xa rồi. Nhưng vẫn đủ sức mạnh để khiến cho tác giả “ngơ ngác đi tìm”.Trong khi đã biết có tìm cũng chỉ là để tìm mà thôi!
Bất giác tôi nhớ tới câu thơ của mình:
“…Bên giòng thời gian
 chảy dài như nắng lụa
Cứ mỗi bận đi tìm lại nhớ chút tình si” ( HXS)

Có lẽ sau khi biết vậy! Tác giả đã quay sang thì thầm như nói với chính mình:

Người về còn nhớ  khúc hát
Người yêu dấu bên bờ thành Vienne
Lòng này còn quyến  luyến mãi
Đêm Xuân dài mà đâu có hay!

Chia tay người yêu!  Tác giả mang theo hình ảnh cuộc tình ngày nào, kẻ  đàn người hát trên bãi biển Hawoai. Bây giờ người xưa cũng đã trở về Áo , không biết nơi phương trời xa xăm đó,người ấy có còn nhớ những  rung động ngọc ngà của một thời đã xa, như tác giả đang nhớ hay không? Còn bản thân tác giả thì tự nhủ rằng :”lòng này còn quyến luyến mãi”. Ngỡ xa nhau một thời gian ngắn rồi sẽ đoàn tụ. Nhưng thời cuộc không cho phép để rồi khi nhận ra sự chia lìa thì đã muộn rồi chăng! Đêm xuân đâu thể nói rằng đêm dài như Đêm đông. Chỉ có sự nhớ nhung trong lòng mới khiến tác giả thấy “đêm dài” nhưng khi nhận ra thì đêm đã qua rồi “mà đâu có hay”. Bây giờ thì thực tại đã đánh thức ông:

Chiều nay có một loài hoa vỡ bên trời
Đợi mùa Xuân sang tô  màu nhớ
Dừng chân trông hoa Xuân hồng thắm
Buồn tìm về tình ai đằm thắm
Giờ hun hút trời mây .

“Chiều nay thấy hoa cười…”dẫn đến:
“Chiều Xuân có một người ngơ ngác đi tìm”
Để rồi:
“Chiều nay có một loài hoa vỡ…”

Loài hoa vỡ ấy, hay cuộc tình không trọn  ấy. Nay chỉ  còn “đợi mùa xuân sang” để  “tô màu nhớ” mà thôi. Tình yêu dẫu  đẹp giờ đã “hun hút trời mây”. Nhưng với một tâm hồn đa cảm của tác giả thì cuộc tình ấy vẫn mãi mãi trong tâm trí ông. Hôm nay cũng là một chiều xuân thắm tươi, vô tình  bắt gặp nụ cười của hoa thôi. Bấy nhiêu cũng  đủ khiến ông “dừng chân trông hoa xuân hồng thắm” . Và trong sâu thẳm trái tim của tác giả  vẫn có một góc giành cho “tình ai đằm thắm”. Một nỗi nhớ ngọt ngào đã được tác giả mang vào ca khúc Nhớ Một Chiều Xuân rất thật, rất tình và làm rung động trái tim người nghe suốt bao năm qua.

Ngoài kia Xuân Giáp Ngọ đã về. Muôn hoa đua sắc đang cười. Ở  một góc nhỏ  của thành phố Sài Gòn, người nhạc sĩ tài hoa nay đã bước qua tuổi 82, liệu có đang mơ màng nhớ về tình cũ khi bắt gặp nắng xuân về bên song cửa . Ở nước Áo xa xôi kia “người ấy” cũng đã là bà nội bà ngoại rồi, không biết có còn nhớ tới những dấu chân xưa cũ  bên bờ biển lộng gió Hawoai hay không?
Còn ca khúc Nhớ Một Chiều Xuân thì vẫn tươi trẻ như chàng trai cô gái đang yêu thuở đôi mươi!

Sài Gòn sáng mùng 3 tết Giáp Ngọ
Huỳnh Xuân Sơn

Thứ Bảy, 1 tháng 2, 2014

CẢM NHẬN CA TỪ MÙA XUÂN ĐẦU TIÊN CỦA CỐ NHẠC SĨ HỌA SĨ THI SĨ VĂN CAO




Trên thảo nguyên mênh mông của thơ ca, nhạc, họa . Ta có thể thấy, có thể gặp, ở  bất kỳ nhà thơ, nhạc sĩ hay họa sĩ nào đều có tác phẩm viết, vẽ  về mùa xuân.

Thường thì bản thân  nhạc sĩ đã là một nhà thơ. Nhưng là nhà thơ thì chưa phải là nhạc sĩ. Một bản nhạc, một bài thơ thì có thể cho người đọc cảm nhận một bức tranh trong đó, nhưng một bức tranh thì người ngắm thông thường không thể cảm nhận thấy một bài thơ, hay bản nhạc trong đó.

Tôi nói dông dài vậy, bởi thông thường thì  cả ba  nghề gắn trước chữ SĨ : Họa sĩ, Nhạc sĩ và Thi sĩ luôn có sự gắn bó tương quan hỗ trợ nhau bằng cách này hay cách khác. Nhưng thật hiếm khi một người có thể đạt được cả ba điều.

Nhưng, bất kỳ điều gì đều có ngoại lệ của nó, và Văn Cao (1923-1995) là một người mà ta có thể gọi

Nhạc sĩ Văn Cao

Thi sĩ Văn Cao

Họa sĩ Văn Cao

Đều đúng cả. Điều  đặc biệt dù với tên gọi nào thì tác phẩm của ông đều nổi tiếng.

 Cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của ông không bằng phẳng, mượt mà, đẹp đẽ  như thơ, nhạc, tranh  của ông.

Khi làm họa sĩ, tranh của ông được báo chí trong, ngoài nước khen ngợi. Song ông vẫn phải đứng bán những đứa con tinh thần của mình, ở lề đường, khắp thành phố Hải Phòng hay Hà Nội. Kiếm từng đồng để mưu sinh trong nghèo khó.

Thời gian này ông cũng là một thi sĩ .Thơ của ông vẫn sống mãi tới bây giờ. Một vài bài thơ tiêu biểu ta có thể  biết đến: “Năm Buổi Sáng Không Có Trong Sự Thật”, “Một Đêm Đàn Lạnh Trên Sông Huế” hay Ai Về Kinh Bắc….

Và rồi Bản nhạc đầu tay Buồn Tàn Thu ra đời  năm 1939, cột mốc chính thức đưa tên Văn Cao dần trở thành  một trong những nhạc sĩ tên tuổi của nền tân nhạc Việt Nam. Nhưng ông cũng chưa thể sống bằng thơ, nhạc của mình.Theo lời ông thì mãi tới năm 1976 ông lần đầu tiên  mới nhận được 100rup tiền nhuận bút của bản nhạc Mùa Xuân Đầu Tiên được xuất bản ở Liên Xô…



Theo dòng trôi của cuộc đời cũng như thời cuộc. Sau năm 1954 ông ít viết, làm thơ hay vẽ…suốt từ năm 1958 tới cuối năm 1975 ông đã khai sinh một tác phẩm âm nhạc mà mãi gần đây mới được phổ biến. Đó là bản Mùa Xuân Đầu Tiên. Tác phẩm này như là  lời tiên tri của ông vậy. Lần đầu tiên một mùa xuân thanh bình trên khắp dải đất hình chữ S.Những điều nhỏ nhặt, những ước mong bình thường nhất cũng lần đầu tiên được hiện diện. Lần đầu tiên ông có tiền nhuận bút. Sau bao nhiêu thăng trầm của ca khúc thì cuối cùng nó cũng được chính thức phổ biến.

Giai điệu dìu dặt, nhẹ nhàng của ca khúc cùng đi với ca từ là những câu thơ mượt mà nhưng không kém phần sâu nặng .



Mùa Xuân Đầu Tiên



Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về
Mùa bình thường mùa vui nay đã về

mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên
Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông
một trưa nắng cho bao tâm hồn.
Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về
Người mẹ nhìn đàn con nay đã về

Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên
Nước mắt trên vai anh, giọt sưởi ấm đôi vai anh
Niềm vui phút giây như đang long lanh.
ôi giờ phút yêu quê hương làm sao trong xuân vui đầu tiên.
ôi giờ phút trong tay anh đầu tiên một cuộc đời êm ấm.

Từ đây người biết quê người
Từ đây người biết thương người
Từ đây người biết yêu người .
Giờ dặt dìu mùa xuân theo én về
Mùa bình thường, mùa vui nay đã về.

Mùa xuân mơ ước ấy xưa có về đâu
với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông
một trưa nắng thôi hôm nay mênh mông. (Văn Cao)



Ca khúc Mùa Xuân Đầu Tiên ra đời cuối năm 1975  khi non sông nối liền một dải, chiến tranh chấm dứt trên khắp mọi miền đất nước. Mùa Xuân Đầu Tiên êm ấm, thanh bình của cả dân tộc. cũng như  cuộc đời sóng gió của chính tác giả (khi viết ca khúc này Văn Cao đã 53 tuổi)  

Giờ đây ta hãy cùng hòa nhịp với trái tim của người nhạc sĩ, nhà thơ, họa sĩ  đã 53 tuổi, xem ông cảm nhận những gì khi Mùa Xuân đến, mà với ông đây là Mùa Xuân Đầu Tiên. Qua những ca từ ông viết giành cho bản nhạc này:

Mở đầu ca khúc là hai câu rất nhẹ nhàng được kết thúc bằng hai từ “về”, ông dùng để diễn tả mùa xuân về:



Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về
Mùa bình thường mùa vui nay đã về

mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên



Với ông, lúc này có lẽ một cánh én trên không. Cũng đủ để thấy mùa xuân rồi. Cánh Én luôn là biểu tượng của mùa xuân, thấy én về là biết “mùa xuân theo” sau. Ở đây trong ông là “mùa vui nay đã về” mặc dù chỉ là “mùa bình thường”. Nhưng có lẽ  còn có niềm vui hòa bình nên mặc dù chưa thấy, mai đào, chưa thấy pháo nổ đì đùng (thời đó chưa cấm pháo) thì mặc nhiên chỉ một hình ảnh “én về” là đủ với ông và có lẽ rất nhiều người căm ghét chiến tranh nữa. đã quá đủ cho một “mùa vui”. Là “mùa xuân mơ ước…đầu tiên” không còn bom rơi, đạn nổ, không còn cảnh chết chóc nữa. Mùa xuân mơ ước ấy không chỉ là mơ ước của riêng ông, mà nó là mơ ước của cả dân tộc , hôm nay khi mà: “ Mùa xuân đang đến đầu tiên”..

Khi cảm nhận được “mùa Xuân mơ ước “ ông thấy ngay cảnh làng quê thanh bình :



Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên song
một trưa nắng cho bao tâm hồn.

Hai câu vừa như tả cảnh làng quê ven sông với tiếng gà gáy trưa, với những làn khói trắng từ những mái bếp đang lan tỏa. Những âm thanh và hình ảnh ấy  khi chiến tranh, thì có “mơ ước”cũng không có dịp chiêm ngưỡng và nghe thấy. Nó đã bị tiếng súng tiếng bom và khói thuốc súng che lấp mất. Nay quê hương hòa bình rồi, thì những âm thanh hình ảnh ấy mới rõ nét cho người nhìn chiêm ngưỡng khi Xuân về.

Phải chăng còn một ẩn ý nữa vì mùa Xuân luôn luôn về sau một mùa đông lạnh giá. Ai cũng khát khao ánh nắng Xuân  ấm áp , nhưng cũng phải tới buổi trưa giá lạnh mới tan hẳn và lúc này mới thật sự là “một trưa nắng cho bao tâm hồn”.

Mùa Xuân Đầu tiên vẫn đang ngân vang :



Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về
Người mẹ nhìn đàn con nay đã về

Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên
Nước mắt trên vai anh, giọt sưởi ấm đôi vai anh

Niềm vui phút giây như đang long lanh.



Mùa Xuân về theo những cánh én, mùa xuân cũng là mùa đoàn tụ xum họp của những người đi xa. Đi chiến đấu, đi làm nhiệm vụ công tác hay mưu sinh xa nhà. Tất cả đều có mơ  ước ngày xuân sum họp bên gia đình. Vào thời điểm cuối  năm 1975  những người lính xa nhà trở về sum họp với gia đình, sau nhiều năm ở chiến trường không tin tức, hẳn  không có niềm hạnh phúc nào bằng. Hình ảnh “giọt nước mắt trên vai anh, giọt sưởi ấm đôi vai anh” quả thật  là hình ảnh đẹp theo rất nhiều nghĩa, mặc dù là “giọt nước mắt” nhưng là giọt nước mắt hạnh phúc và là “Niềm vui phút giây như long lanh”. Cũng chính những giọt nước mắt ấy “sưởi ấm đôi vai anh”

Hình ảnh “Người mẹ nhìn đàn con nay đã về” ngoài nghĩa là những bà mẹ của các anh lính , còn là hình ảnh Bà Mẹ Việt Nam “nhìn đàn con nay đã về”.

Tác giả kết luận đó là những điều mà những mùa xuân trước đây, có lẽ từ khi tác giả còn nhỏ thì chưa có một mùa xuân nào như xuân này. “Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên”.

Khi đã cảm nhận thực sự là mùa xuân mơ ước đã về rồi thì nỗi lòng, niềm mong mỏi hạnh phúc, tất cả hòa quyện cất lên :


ôi giờ phút yêu quê hương làm sao trong xuân vui đầu tiên.
ôi giờ phút trong tay anh đầu tiên một cuộc đời êm ấm.

Từ đây người biết quê người
Từ đây người biết thương người
Từ đây người biết yêu người .



Trong tất cả chuỗi cảm nhận về Mùa Xuân Đầu Tiên thì có lẽ bao nhiêu tình cảm tình yêu quê hương, yêu con người được tác giả gửi gắm rất nhiều vào những ca từ này.

Hai cụm tán thán từ “ôi giờ phút” mà có lẽ là giờ phút tác giả cảm nhận thấy xuân về dặt dìu theo sau cánh én. Tác giả thấy “yêu quê hương làm sao trong xuân vui đầu tiên” đó là tình cảm chung và một tình cảm riêng song hành bên cạnh nữa đó là “trong tay anh đầu tiên một cuộc đời êm ấm”.

 Ở tuổi 53 bây giờ ông mới cảm nhận được cuộc đời êm ấm trong tay.

 Đây cũng là câu duy nhất trong tất cả các câu trong ca khúc này được kết thúc bằng vần trắc.

Và rồi tác giả bắt đầu nghĩ cho mọi người, trong bối cảnh xã hội lúc bấy giờ thì ai cũng dễ dàng nhận biết rằng “từ đây người biết quê người” là giành cho những người con miền nam ra bắc tập kết, giờ mới có dịp trở lại quê hương của mình.

“Từ đây người biết thương người/ Từ đây người biết yêu người”. có lẽ giành cho những người lính nơi chiến trường của hai chiến tuyến, cùng máu đỏ da vàng nhưng họ phải cầm súng chĩa vào nhau, nay thì hết rồi cảnh ấy không còn nữa. Chiến tranh kết thúc mọi điều tốt đẹp sẽ đến cùng mùa xuân mới…

Và khúc ca kết thúc bằng:



Giờ dặt dìu mùa xuân theo én về
Mùa bình thường, mùa vui nay đã về.

Mùa xuân mơ ước ấy xưa có về đâu
với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên song
một trưa nắng thôi hôm nay mênh mông.



Vẫn là những dấu hiệu cho thấy mùa xuân đã về. Nhưng từ trước tới nay, hay nói đúng ra trong cuộc đời tác giả thì mùa xuân này  “xưa nay mơ ước” nhưng nó “có về đâu, và bây giờ mới thấy “mùa vui nay đã về” .

Mùa vui chỉ “với khói bay trên sông, gà gáy trưa bên song”. Hình ảnh và âm thanh của buổi trưa mùa xuân ấy, được tác giả kết luận rằng :Nó chỉ là “một trưa nắng thôi”. Nhưng “hôm nay mênh mông”. Cái sự cảm nhận mênh mông của tác giả khi kết thúc lại mở ra một tương lai rộng lớn. Vượt ra khỏi không gian và thời gian, của một làng quê thanh bình, trong một buổi trưa xuân tràn đầy nắng ấm.

Mùa Xuân Đầu Tiên của Nhạc sĩ, Họa sĩ Thi sĩ tài hoa Văn Cao với suy nghĩ của tôi là vậy đó. Có thể với tuổi đời và vốn sống của mình còn hạn hẹp tôi chưa thể cảm nhận hết cái hay, cái đẹp của ca từ bài hát này, song với tình yêu vô bờ giành cho một người nghệ sĩ tài hoa mà tôi quý trọng . Tôi xin được viết và đã viết hết mình về Mùa Xuân Đầu Tiên của ông, như một nén tâm nhang gửi đến ông nhân dịp xuân về tết đến.



Sài Gòn mùng 2 tết  Giáp Ngọ

Huỳnh Xuân Sơn