Thứ Ba, 11 tháng 2, 2014

CẢM NHẬN BÀI THƠ CHÙA HƯƠNG CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN NHƯỢC PHÁP




Ai yêu thơ Việt chắc hẳn đều biết đến bài thơ Chùa Hương của nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp. Ra đời năm 1934 cùng với làn sóng Thơ Mới tràn vô dòng chảy thi ca Việt Nam. Bài thơ được nhà thơ Ngyễn Nhược Pháp ghi lời tựa: “Thiên ký sự của một cô bé ngày xưa.”. Một Thiên ký sự ra đời cách đây 80 năm nhưng nó vẫn làm sao xuyến biết bao trái tim của người yêu thơ cho tới tận hôm nay, và có lẽ còn nhiều năm sau nữa.


Chùa Hương

(Thiên ký sự của một cô bé ngày xưa)


Hôm nay đi Chùa Hương,
Hoa cỏ mờ hơi sương.
Cùng thầy me em dậy,
Em vấn đầu soi gương.


Khăn nhỏ, đuôi gà cao,
Em đeo giải yếm đào;
Quần lĩnh, áo the mới,
Tay cầm nón quai thao.


Me cười: "Thầy nó trông!
Chân đi đôi dép cong,
Con tôi xinh xinh quá!
Bao giờ cô lấy chồng?"

 

Em tuy mới mười lăm
Mà đã lắm người thăm,
Nhờ mối mai đưa tiếng,
Khen tươi như trăng rằm.

 
Nhưng em chưa lấy ai,
Vì thầy bảo người mai
Rằng em còn bé lắm!
(Ý đợi người tài trai).


Em đi cùng với me.
Me em ngồi cáng tre,
Thầy theo sau cưỡi ngựa,
Thắt lưng dài đỏ hoe.

 
Thầy me ra đi đò,
Thuyền mấp mênh bên bờ.
Em nhìn sông nước chẩy
Đưa cánh buồm lô nhô.


Mơ xa lại nghĩ gần,
Đời mấy kẻ tri âm?
Thuyền nan vừa lẹ bước,
Em thấy một văn nhân.


Người đâu thanh lạ thường!
Tướng mạo trông phi thường.
Lưng cao dài, trán rộng.
Hỏi ai nhìn không thương?


Chàng ngồi bên me em,
Me hỏi chuyện làm quen:
"Thưa thầy đi chùa ạ?
Thuyền đông, trời ôi, chen!"


Chàng thưa: "Vâng, thuyền đông!"
Rồi ngắm trời mênh mông,
Xa xa mờ núi biếc,
Phơn phớt áng mây hồng.


Dòng sông nước đục lờ.
Ngâm nga chàng đọc thơ.
Thầy khen: "Hay! Hay quá!"
Em nghe rồi ngẩn ngơ.

 

Thuyền đi. Bến Đục qua.
Mỗi lúc gặp người ra,
Thẹn thùng em không nói:
"Nam vô A-Di-Đà!"


Réo rắt suối đưa quanh.
Ven bờ, ngọn núi xanh,
Nhịp cầu xa nho nhỏ.
Cảnh đẹp gần như tranh.


Sau núi Oản, Gà, Xôi,
Bao nhiêu là khỉ ngồi.
Tới núi con Voi phục,
Có đủ cả đầu đuôi.


Chùa lấp sau rừng cây.
(Thuyền ta đi một ngày)
Lên cửa chùa em thấy
Hơn một trăm ăn mày.


Em đi, chàng theo sau.
Em không dám đi mau,
Ngại chàng chê hấp tấp,
Số gian nan không giàu.


Thầy me đến điện thờ,
Trầm hương khói tỏa mờ.
Hương như là sao lạc,
Lớp sóng người lô nhô.

 
Chen vào thật lắm công.
Thầy me em lễ xong,
Quay về nhà ngang bảo:
"Mai mới vào chùa trong."


Chàng hai má đỏ hồng
Kêu với thằng tiểu đồng
Mang túi thơ bầu rượu:
"Mai ta vào chùa trong!"


Đêm hôm ấy em mừng.
Mùi trầm hương bay lừng.
Em nằm nghe tiếng mõ,
Rồi chim kêu trong rừng.


Em mơ, em yêu đời!
Mơ nhiều... Viết thế thôi!
Kẻo ai mà xem thấy,
Nhìn em đến nực cười!


Em chưa tỉnh giấc nồng,
Mây núi đã pha hồng.
Thầy me em sắp sửa
Vàng hương vào chùa trong.


Đường mây đá cheo veo,
Hoa đỏ, tím, vàng leo.
Vì thương me quá mệt,
Săn sóc chàng đi theo.

 

Me bảo: "Đường còn lâu,
Cứ vừa đi ta cầu
Quan-Thế-âm-bồ-tát
Là tha hồ đi mau!"


Em ư? Em không cầu,
Đường vẫn thấy đi mau.
Chàng cũng cho như thế.
(Ra ta hợp tâm đầu).


Khi qua chùa Giải-oan,
Trông thấy bức tường ngang,
Chàng đưa tay lẹ bút
Thảo bài thơ liên hoàn.


Tấm tắc thầy khen: "Hay!
Chữ đẹp như rồng bay."
(Bài thơ này em nhớ,
Nên chả chép vào đây).


Ô! Chùa trong đây rồi!
Động thắm bóng xanh ngời.
Gấm thêu trần thạch nhũ,
Ngọc nhuốm hương trầm rơi.


Me vui mừng hả hê:
"Tặc! Con đường mà ghê!"
Thầy kêu: "Mau lên nhé!
Chiều hôm nay ta về."

 

Em nghe bỗng rụng rời
Nhìn ai luống nghẹn lời!
Giờ vui đời có vậy,
Thoảng ngày vui qua rồi!


Làn gió thổi hây hây,
Em nghe tà áo bay,
Em tìm hơi chàng thở.
Chàng ôi, chàng có hay?

 

Đường đây kia lên trời,
Ta bước tựa vai cười.
Yêu nhau, yêu nhau mãi!
Đi, ta đi, chàng ôi!


Ngun ngút khói hương vàng
Say trong giấc mơ màng,
Em cầu xin Trời, Phật
Sao cho em lấy chàng.


Thiên ký sự đến đây là hết. Tôi tin rồi hai người lấy nhau, vì không lấy được nhau thì cô bé còn viết nhiều. Lấy nhau rồi là hết chuyện.6-1934 (Nguyễn Nhược Pháp)


Một bài thơ dài tới 34 khổ, mỗi khổ bốn câu, với những lời thơ trong veo như tâm hồn của cô gái tuổi 15. Đã đưa ta trở lại những năm 30 của thế kỷ trước. Bắt đầu đồng hành với câu chuyện kể của nhà thơ. Nhân vật chính là một thiếu nữ lần đầu theo cha mẹ đi trảy hội Chùa Hương. Lễ Hội nơi “thâm sơn cùng cốc” với thắng cảnh “Động Hương Tích” đẹp như chốn thần tiên, nhưng phải đi từ rất sớm. 

Mở đầu câu chuyện Nhà Thơ viết:
  Hôm nay đi Chùa Hương,
Hoa cỏ mờ hơi sương.
Cùng thầy me em dậy,
Em vấn đầu soi gương.


Khăn nhỏ, đuôi gà cao,
Em đeo giải yếm đào;
Quần lĩnh, áo the mới,
Tay cầm nón quai thao.

Trang phục “yếm đào, quần lĩnh, áo the, nón quai thao” thời ấy phải con nhà khá giả hoặc chức sắc mới có. Và cô bé đã dậy sớm diện trang phục , vấn đầu soi gương. Chắc hẳn cô bé xinh lắm. Và nhà cô bé cho ta cảm giác một tổ ấm hạnh phúc, khi nghe cuộc trò chuyện của Me em nói với Thầy em và hỏi con gái: 


Me cười: "Thầy nó trông!
Chân đi đôi dép cong,
Con tôi xinh xinh quá!
Bao giờ cô lấy chồng?"


Em tuy mới mười lăm
Mà đã lắm người thăm,
Nhờ mối mai đưa tiếng,
Khen tươi như trăng rằm.


Nhưng em chưa lấy ai,
Vì thầy bảo người mai
Rằng em còn bé lắm!
(Ý đợi người tài trai).


Trong xã hội phong kiến với quan niệm : “Nữ thập tam, nam thập lục” . chứ không giống như bây giờ. Nữ 18, nam 20 mới được lập gia đình. Và ở trong Thiên Tình Sử này thì cô bé cũng chỉ mới 15 tuổi. “nhưng đã lắm người thăm”. Nhiều người mai mối, nhưng “em chưa lấy ai” bởi vì Thầy em bảo. “Rằng em còn bé lắm”. Và đây là ý nghĩ của cô bé sau khi nghe cha mình từ chối người mai mối: (“ý đợi người trai tài”). Một câu này thôi cho ta thấy cô bé chắc cũng là người tài sắc.

Chưng diện xong, cả gia đình cô gái lên đường trảy hội Chùa Hương: 


Em đi cùng với me.
Me em ngồi cáng tre,
Thầy theo sau cưỡi ngựa,
Thắt lưng dài đỏ hoe.


Thầy me ra đi đò,
Thuyền mấp mênh bên bờ.
Em nhìn sông nước chẩy
Đưa cánh buồm lô nhô.


Mơ xa lại nghĩ gần,
Đời mấy kẻ tri âm?
Thuyền nan vừa lẹ bước,
Em thấy một văn nhân.


Người đâu thanh lạ thường!
Tướng mạo trông phi thường.
Lưng cao dài, trán rộng.
Hỏi ai nhìn không thương?


Đoạn thơ này Nguyễn Nhược Pháp thêm một lần khẳng định cô gái con nhà “danh gia vọng tộc” bởi người dân thường thì đi lễ thường đi bộ. Còn ở đây “Me em ngồi cáng tre” . và “Thầy theo sau cưỡi ngựa. Thắt lưng dài đỏ hoe”. Còn em thì vô tư hồn nhiên mơ màng “nhìn sông nước”. Một suy nghĩ rất người lớn so với cô gái tuổi 15 là “mơ xa lại nghĩ gần. Đời mấy kẻ tri âm”…rồi khi thuyền vừa rời bến “Em thấy một văn nhân”. Có lẽ bởi đang trong tâm trạng mơ màng, tìm kiếm “kẻ tri âm”. Nên trong mắt em cảm nhận và đánh giá “người văn nhân” ngay rằng: “người đâu thanh lạ thường! tướng mạo trông phi thường. Lưng cao, dài trán rộng.” với em có lẽ đây là người mà em vẫn hằng mơ ước : 


Chàng ngồi bên me em,
Me hỏi chuyện làm quen:
"Thưa thầy đi chùa ạ?
Thuyền đông, trời ôi, chen!"


Chàng thưa: "Vâng, thuyền đông!"
Rồi ngắm trời mênh mông,
Xa xa mờ núi biếc,
Phơn phớt áng mây hồng.


Dòng sông nước đục lờ.
Ngâm nga chàng đọc thơ.
Thầy khen: "Hay! Hay quá!"
Em nghe rồi ngẩn ngơ. 


Thuyền đi. Bến Đục qua.
Mỗi lúc gặp người ra,
Thẹn thùng em không nói:
"Nam vô A-Di-Đà!"


Một cuộc đối thoại giữa “Me em” và “người văn nhân” cho thấy Chàng ngoài dáng dấp là một văn nhân, còn là một thi sĩ . Tình cảm giành cho người văn nhân” tiến thêm một chút nữa có lẽ bắt đầu từ lời khen của thầy “Hay! Hay quá”. Cô gái giờ đây không chỉ mơ màng mà những lời thơ của chàng làm cho “ngẩn ngơ” mà còn biết thẹn thùng khi có người khác nhìn nữa. Phải chăng khi có “người ra” thì em lại không nói “Nam mô A Di Đà”. Là em sợ “người ra” cũng nhìn thấy trong lòng em đang “mơ màng” hay đang “ngẩn ngơ” vì chàng và những lời thơ hay của chàng.

Câu Chuyện Cô Gái Chùa Hương, giờ đây mới bắt đầu miêu tả cảnh hai bên đường đến Chùa Hương.


Réo rắt suối đưa quanh.
Ven bờ, ngọn núi xanh,
Nhịp cầu xa nho nhỏ.
Cảnh đẹp gần như tranh.


Sau núi Oản, Gà, Xôi,
Bao nhiêu là khỉ ngồi.
Tới núi con Voi phục,
Có đủ cả đầu đuôi.


Chùa lấp sau rừng cây.
(Thuyền ta đi một ngày)
Lên cửa chùa em thấy
Hơn một trăm ăn mày. 


Những lời thơ đơn giản nhưng chứa đựng tâm hồn ngây thơ trong vắt của cô bé. Đặc biệt là sau “một ngày” ngồi trên thuyền. Ngắm cảnh hai bên bờ Suối Yến cô cảm nhận nó “đẹp như tranh” . Và mỗi ngọn núi có một tên gọi theo lễ vật mà Phật Tử hay mang cúng ngày ấy như Oản Gà Xôi,rồi Núi Voi, Mà thấp thoáng trên núi có “bao nhiêu là khỉ ngồi”. Rồi mới tới “Chùa lấp sau rừng cây”. Tới chùa, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt cô bé là rất nhiều “ăn mày” .Và ,với sự lạ lẫm lần đầu tiên cô bé có lẽ đã thầm đếm mới biết có “hơn một trăm ăn mày”. 


Và rồi Thiên Tình Sử thì vẫn tiếp diễn bên cạnh việc Lễ Chùa: 

Em đi, chàng theo sau.
Em không dám đi mau,
Ngại chàng chê hấp tấp,
Số gian nan không giàu.


Thầy me đến điện thờ,
Trầm hương khói tỏa mờ.
Hương như là sao lạc,
Lớp sóng người lô nhô. 


Chen vào thật lắm công.
Thầy me em lễ xong,
Quay về nhà ngang bảo:
"Mai mới vào chùa trong."


Chàng hai má đỏ hồng
Kêu với thằng tiểu đồng
Mang túi thơ bầu rượu:
"Mai ta vào chùa trong!"


Đêm hôm ấy em mừng.
Mùi trầm hương bay lừng.
Em nằm nghe tiếng mõ,
Rồi chim kêu trong rừng. 


Em mơ, em yêu đời!
Mơ nhiều... Viết thế thôi!
Kẻo ai mà xem thấy,
Nhìn em đến nực cười!


Sau một ngày trên thuyền cùng Thầy Me và “Người Văn nhân”, mơ màng và ngơ ngẩn theo cảnh sắc hai bên đường và những câu thơ hay của chàng. Bước lên bờ và leo dốc vào Chùa, cô gái đã cảm nhận được rằng Chàng cũng để ý mình nên mới “không dám đi nhanh” khi mà “Chàng đi sau” vì “sợ chàng chê hấp tấp. Số gian nan không giàu”.

Sau một hồi chen lấn trong “lớp sóng người lô nhô” cô gái và Thầy Me cũng như chàng cũng đã “lễ xong”. Có lẽ là mới lễ được ở Chùa Thiên Trù, nên Thầy me sau khi về “nhà ngang” thì quyết định : “Mai ta vào chùa trong”. Một tín hiệu vui cho cố gái là “chàng hai má đỏ hồng”. có lẽ chàng cũng ngượng ngùng chăng? Rồi “kêu với thằng tiểu đồng” : “Mai ta vào chùa trong”. Tín hiệu vui thôi! Chứ chàng cũng có nói gì với em đâu? Nhưng “đêm hôm ấy” “em nằm nghe tiếng mõ”, thấy dễ thương và “em mừng”. Em nằm không chỉ nghe tiếng Mõ không mà còn nghe được cả “tiếng chim trong rừng” nữa! Và rồi “em mơ, em yêu đời” em mơ…và cùng với nỗi vui mừng, nỗi rạo rực của trái tim, cô gái còn lo nếu có ai nhìn em lúc này thì “đến nực cười”….Thế rồi:


Em chưa tỉnh giấc nồng,
Mây núi đã pha hồng.
Thầy me em sắp sửa
Vàng hương vào chùa trong.


Đường mây đá cheo veo,
Hoa đỏ, tím, vàng leo.
Vì thương me quá mệt,
Săn sóc chàng đi theo.


Me bảo: "Đường còn lâu,
Cứ vừa đi ta cầu
Quan-Thế-âm-bồ-tát
Là tha hồ đi mau!"


Em ư? Em không cầu,
Đường vẫn thấy đi mau.
Chàng cũng cho như thế.
(Ra ta hợp tâm đầu).


Khi qua chùa Giải-oan,
Trông thấy bức tường ngang,
Chàng đưa tay lẹ bút
Thảo bài thơ liên hoàn.


Tấm tắc thầy khen: "Hay!
Chữ đẹp như rồng bay."
(Bài thơ này em nhớ,
Nên chả chép vào đây).


Ở đoạn này của Thiên Tình Sử ngoài việc Thầy Me sắm sửa lễ vào chùa trong, với đường đi cheo leo. Có hai tín hiệu vui của chàng giành cho em nữa: vì lo Me em mệt nên chàng đi theo để săn sóc, và hai là sau khi Me dặn leo đường đá ghập ghềnh, sẽ mệt mỏi hãy niệm câu: “Nam mô A Di Đà thì sẽ hết mệt. Nhưng cả hai người Em và Chàng đều “tâm đầu ý hợp” rằng “không cầu” mà : “Đường vẫn thấy đi mau”.

Chàng vẫn chưa nói chuyện với em. Khi đến chùa Giải Oan chàng thêm một lần trổ tài “ thảo bài thơ liên hoàn” và bài thơ này cũng được “tấm tắc thầy khen Hay. Chữ đẹp như Rồng bay” còn em thì sau khi Chàng thảo xong lập tức: “bài thơ này em nhớ”.

Thông thường leo lên tới “chùa trong” là mọi người thường mệt còn em thì reo lên với giọng vui tươi chẳng tỏ chút mệt mỏi:


Ô! Chùa trong đây rồi!
Động thắm bóng xanh ngời.
Gấm thêu trần thạch nhũ,
Ngọc nhuốm hương trầm rơi.


Me vui mừng hả hê:
"Tặc! Con đường mà ghê!"
Thầy kêu: "Mau lên nhé!
Chiều hôm nay ta về."


Em nghe bỗng rụng rời
Nhìn ai luống nghẹn lời!
Giờ vui đời có vậy,
Thoảng ngày vui qua rồi!

 

Làn gió thổi hây hây,
Em nghe tà áo bay,
Em tìm hơi chàng thở.
Chàng ôi, chàng có hay?


Đường đây kia lên trời,
Ta bước tựa vai cười.
Yêu nhau, yêu nhau mãi!
Đi, ta đi, chàng ôi!


Ngun ngút khói hương vàng
Say trong giấc mơ màng,
Em cầu xin Trời, Phật
Sao cho em lấy chàng.



Vào đến chùa trong dù mẹ phải “Tặc ! con đường thấy mà ghê.” Nhưng lời thầy mới làm cho cô bé chết điếng hồn : “mau nhé chiều ta về”

Mặc dầu cho tới bây giờ thì Chàng vẫn chưa nói gì với em. Nhưng Thiên Tình Sử của cô gái có “mái tóc đuôi gà” này thì đã yêu say đắm “người văn nhân”. khi nghe lời Thầy nói “chiều ta về” , cô đã “bỗng rụng rời” cảm thấy “ngày vui luống qua rồi!” và “nhìn ai thấy “nghẹn lời”. Cô bé mơ màng với khát vọng được “ Tựa vai” , sánh bước cùng chàng trên “đường đây kia lên trời”.

Cuộc vui nào rồi cũng tàn. Ngày vui nào cũng qua, nhưng hy vọng thì tràn đầy trong tâm hồn trắng trong đang rạo rực vì yêu của cô bé!

Bây giờ Thiên Tình Sử của cô gái đi trảy hội Chùa Hương mới bắt đầu làm công việc như mọi người. Ai tới đây cũng làm với mục đích là “cầu trời khấn phật”. Lời khấn của cô bé cũng là lời kết của Thiên Tình Sử. “Nghi ngút khói hương vàng. Say trong khói mơ màng. Em cầu xin Trời Phật. Sao em lấy được Chàng?!.

Không biết chàng trai khấn nguyện điều gì? chỉ biết nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp ghi mấy lời cuối bài thơ như sau: “Thiên ký sự đến đây là hết. Tôi tin rồi hai người lấy nhau, vì không lấy được nhau thì cô bé còn viết nhiều. Lấy nhau rồi là hết chuyện. tháng 6-1934”.


 Cho tới hôm nay! Gần 80 năm bài thơ ra đời. Thi sĩ cũng ra người thiên cổ 76 năm. Cô bé ngày ấy bị tiếng sét ái tình đánh trúng, hôm nay nếu còn, bà cũng gần một trăm tuổi. Cháu chắt của bà hôm nay cũng bước vào tuổi cập kê như bà thủa ấy! Và ,có lẽ trong dòng người đang kéo về trảy hội Chùa Hương kia có không ít người cùng tuổi cháu chắt bà hôm nay cũng như bà ngày ấy, đang ngân nga giai điệu ca khúc Em Đi Chùa Hương được phổ nhạc từ bài thơ này. Và cũng có không ít người già có, trẻ có,lẩm nhẩm đọc đôi câu thơ trong Thiên Tình Sử Cô Gái Chùa Hương của Thi Sĩ tài hoa bạc mệnh Nguyễn Nhược Pháp.

Sài Gòn 6/ tết Giáp Ngọ

Huỳnh Xuân Sơn

4 nhận xét:

  1. BAI THO DA HAY QUA LOI BINH CUA XUAN SON CANG HAY HON

    Trả lờiXóa
  2. Xuân Sơn cảm ơn chị với lời khen chắp cánh cho XS. Chúc chị vui khỏe và mong chị thường ghé thăm em nhé!

    Trả lờiXóa