Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2013

ANH ƠI EM SẼ NÓI







Anh trao lời tỏ tình
Em thủa còn Giáo Sinh
Nên cứ lần nữa mãi
Bởi lòng còn ái ngại

Sau nhiều đêm khắc khoải

Xao Xuyến một bờ vai
Lời yêu vẳng bên tai
Anh ơi em sẽ nói:

Nếu anh yêu cô giáo

Xin hãy yêu thật lòng
Tâm Lý Học...em giỏi
Anh gian dối...được bao?

Nếu anh yêu cô giáo

Anh có bạn Tâm giao
Và không phải ước ao
Người vợ hiền chung thủy

Xuân Sơn

Thứ Ba, 26 tháng 11, 2013

CÔ ĐƠN



















Một cánh mây
 lững lờ trôi
 về nơi vô định
Không một lời tạ từ
Không một tiếng chia ly
Bởi trời xanh biết đâu là bờ bến
Đâu dễ trải lòng vì một chút tình si

Một vạt nắng chiều
Trải nhẹ trên mặt hồ lặng sóng
Mặt hồ nghiêng và đáy nước nghiêng theo
Làm sao quên
và lòng thôi xao động
Bóng thuyền xưa
Giờ chuyển bến về đâu

Một giấc ngủ 
Chập chờn... không trọn
Đêm quá dài
Không ai đếm thời gian
Tiếng thạch sùng trong đêm cô tịch
Cũng dội vào lòng một nỗi cô đơn

Có một tiếng thở dài
Khi tình yêu đã mất
Đợi chờ ai khi gió đã sang cầu
Tóc đã phai và thời gian đã khuất
Không thể hỏi người
Đang phiêu bạt nơi đâu

Chủ Nhật, 24 tháng 11, 2013

EO GIÓ NHƠN LÝ-QUY NHƠN






Hoàng hôn chín đỏ Eo Gió buông
Lòng người lữ khách với bâng khuâng
Dang tay núi kéo bầu trời xuống
Biển rộng mênh mông bỗng nhỏ dần

Dưới xa bãi đá nằm yên ả
Lặng lẽ nhìn từng dấu chân qua
Sóng hôn đá, gió hôn lên đá
Hôn cả gót hài lữ khách xa

Tình xưa mãi vấn vương dòng nước
Ngọt yêu thương từ núi gửi ra
Giếng Tiên thấm đẫm làn da ấm
Nhơn Lý chiều nay gió với ta

(Kỷ niệm ngày đầu tập làm thơ 20/3/2013)

Thứ Tư, 20 tháng 11, 2013

ĐÃ CÓ AI HỎI EM





Đã có ai hỏi em
Sao mãi thì thầm chút duyên con gái
Khi mùa xuân về
Xanh màu lộc non tơ
Đàn chim sáo cũng bắt chước con người
Hẹn nhau về xây tổ
Sao hai ta vẫn cứ mãi đợi chờ ?

Đã có ai hỏi em

Sợi nắng màu gì khi trời sang hạ ?
Con diều bay theo mây trắng trên cao
Trên tán phượng hồng
Bầy ve sầu vẫn đang reo hát
Những bản tình ca muôn thuở dạt dào

Đã có ai hỏi em

Thu về bằng mấy nẻo
Sao lá ngả vàng mà em vẫn chưa hay?
Bởi mùa thu về mênh mang quá
Vàng tận cuối trời vàng cả chút tình si

Đã có ai hỏi em

Cây đã trơ cành làm sao ngăn gió lạnh
Nhỡ khi đông về
Thêm một bận co ro
Đôi mắt ai kia
Vương chút buồn xa vắng
Bên này sông ta vẫn mãi đợi chờ

Thứ Ba, 19 tháng 11, 2013

NGƯỜI THẦY ĐẦU TIÊN






Hơn ba chục năm rồi thầy nhỉ
Hôm nay con vẫn nhớ như in

Vỡ lòng đi học… trong tim
Chao ôi hớn hở…nỗi niềm đi theo

Nhà con ngày ấy nghèo đơn chiếc
Chăn trâu cần trước- việc học sau
Được đi đến lớp học đầu
Với thầy với bạn- ước ao con thèm

Muốn học chữ đợi đêm thầy dạy
Hàng ngày con vẫn thấy bạn bè
Chúng vui đi học -chiều về,
Ngang nhà ríu rít con nghe:- Chào thầy

Tối về thầy dạy thay đến lớp
Con ao ước muốn ngợp trong tim
Bố ơi con muốn…com thèm
Cho con gọi nhé gọi thêm bằng thầy!

Thứ Sáu, 15 tháng 11, 2013

HOA QUỲNH







Giữa đêm sâu
Ta một mình bên trời
Hăm hở
Chờ phút nhiệm màu
Quỳnh Hương nở....Sáng Trăng Đêm
Hương sắc 
Dành cho đời
Em chỉ khoe một thoáng
Nhưng thiên thu 
Trinh trắng chỉ riêng em


Xuân Sơn


Thứ Hai, 11 tháng 11, 2013

LỜI NHẬN XÉT CỦA THẦY ĐÀM KHÁNH HỶ CHO BỐN BÀI TỪ KHÚC TỨ ĐẠI MỸ NHÂN

Đọc bốn bài Tứ Đại Mỹ Nhân trong tôi hiện lên các ý niêm nhắc lại các vấn đề:
1/ Các tiêu chuẩn thẩm mỹ, tại sao phái nữ còn gọi là phái đẹp?
2/ Căn do của "Hồng nhan đa truân" là gì?
3/ Từ bi và trí huệ có quan hệ gì ?
Đây là các vấn đề lớn đã gây ra không ít tranh cãi giữa các nhà tư tưởng từ trước đến nay. Trong sự hiểu biết hạn hẹp của tôi thì:
1/ Tiêu chuẩn thường dùng nhận định giá trị nghệ thuật là Chân-Thiện-Mỹ, ba cái này không tách rời nhau.Khách quan mà nói người nữ bao giờ nhìn cũng đẹp hơn người nam bỡi người nữ có các phẩm tính của các qui luật khoa học là: Che dấu, Thường đều, và khách quan. Xu hướng che dấu đưa đến sự trang điểm, thường đều và khách quan thể hiện ở đức tính ''Trinh Thuận". Tri thức có tính nữ hay tính âm.
2/ "Hồng nhan đa truân" là thể hiện của "Trí thức lầm than." như Hegel nói trong
"Le malheur de la Conscience" hay trong huyền thoại Địa Đàng, Adam và Eva ăn trái cấm là trái "tri thức". Khốn khổ là vì muốn nhận thức thì phải phân biệt, mà càng phân biệt thì càng xung đột, phân ly, đổ vỡ nát vụn.
3/ Tình thương hay từ bi có bản tính hợp nhất, không phân biệt nên có thể cứu chữa sự khốn khổ của trí thức. Ky Tô giáo coi Jesus Christ là đại diện của tình thương. Đặc biệt Phật giáo ngoài Đại hùng , đại lực đại từ bi, trí huệ bát nhã trong Phật giáo khác hẳn trí huệ khoa học thế tục, vì nó vượt qua được "Sở tri chướng". Khoa học ngày nay đã thấy nguy cơ của tri thức phân biệt nên lý thuyết Lượng tử thừa nhận giới hạn của tri thức, không thể biết được động thái và vị trí của một hạt tại một thời điểm nào đó. Sự bùng nổ của ngành tin học cũng là nổ lực nối kết những mối dây do tri thức phân biệt gây ra.

Chủ Nhật, 10 tháng 11, 2013

NGÀY SÁU MƯƠI.




Ngày sáu mươi mấy ai từng nghĩ tới???

Ngày sáu mươi
Nhìn mình qua khung cửa
Chợt giật mình
Bóng nắng đã xiêu
Anh cũng biết mình không còn trẻ nữa
Để đắm say
Bao vóc dáng yêu kiều

Ngày sáu mươi
Buồn vương trên mái tóc
Sợi bạc nào anh buộc lại tuổi xuân
Những sợi tóc xanh
Như từng sợi nắng
Đã bay đi không vướng lại một lần

Ngày sáu mươi
Nhìn anh qua đôi kính viễn
Đường nét nào... vóc dáng ngày xanh?
Đã có lần
Đôi mắt ấy nhìn anh
Cháy bỏng
Và hồn anh bay tận cõi mênh mông

Ngày sáu mươi
Sao môi không còn thắm
Nụ hôn đầu đời
Theo với tháng năm
Lời hẹn hò xưa
Bờ môi nào còn đọng?
Lời tình nào như giọt nắng cuối đông

Ngày sáu mươi
Bờ vai nào còn rộng
Che chở đời em
Để được an lành
Em biết đấy
Mùa xuân đâu dài hơn giấc mộng
Dù biết rằng mộng thực mong manh

Ngày sáu mươi
Đôi chân còn rảo bước
Cùng em qua
Những con phố thân quen
Gót chân son
Đôi hài sũng nước
Vội vã tìm nhau mưa ngập cả con đường

Ngày sáu mươi
Cầm tay em rất nhẹ
Anh giật mình nhớ thuở hai mươi
Vẫn bàn tay này
Một lần vụng dại
Chỉ chạm nhẹ thôi mà run bắn một đời...

Ngày sáu mươi anh quay tìm thời trẻ dại
Để một ngày được sống tuổi hai mươi

Xuân Sơn

Thứ Năm, 7 tháng 11, 2013

TỪ KHÚC TỨ ĐẠI MỸ NHÂN- Tu Hoa Mỹ Nhân- Dương Quý Phi

An Lộc Sơn truy sát
Vụng tính Lý Long Cơ
Mã Ngôi vóc ngọc vùi thân xác
Mong giữ lại cơ đồ
Thường Nga Y Vũ khúc
Nhân diện khiến Tu Hoa
Đất bằng nhan sắc làm dậy sóng
Đường Vương đã tỉnh chưa?


Trường An về mấy nẻo
Đại Yên quyết dậy cờ
Lệ chi thôi chín vì thương xót
Để mã trạm mãi chờ
Đường Triều tuy giữ được
Hận vạn kiếp không nhòa
Huyền Tông người hỡi đừng lưu luyến
Mỹ nhân chốn hư vô

Thứ Tư, 6 tháng 11, 2013

TỪ KHÚC TỨ ĐẠI MỸ NHÂN- Bế Nguyệt Mỹ Nhân- Điêu Thuyền

Kích vung thí Đổng Trác
Tay khoát đỡ Điêu Thuyền
Từ Châu Lã Bố anh hùng tận
Vì ánh mắt mỹ nhân
Càn khôn vó Xích Thố
Thiên hạ Họa Kích Phương
Một vóc liễu đào non tơ ấy
Tiêu diệt được gian thần

Cảm thương lòng nghĩa phụ
Vì hai chữ trung quân
Liều thân giăng bẫy Liên Hoàn Kế
Đâu ngại chuyện hai chồng
Nữ nhi sắc "Bế Nguyệt"
Hơn Thập bát lộ quân
Hương trời sắc nước còn đâu nữa!
Phận! "Hồng Nhan Đa Truân"

TỪ KHÚC TỨ ĐẠI MỸ NHÂN-LẠC NHẠN MỸ NHÂN- VƯƠNG CHIÊU QUÂN



Nhạn Môn Quan mây bạc
"Xuất Tái Khúc" não lòng
Một mai ai có về Cố Quận
Gửi một dạ tình chung
Buồn thay Hán Nguyên Đế
Chẳng tiếc ngọc thương hương
Mỹ nhân hề cổ kim bạc phận
Bắc phương biệt cố nhân

Hồ Cầm gieo mấy khúc
Bạch Mã cúi gục đầu
Tiễn Chiêu Quân sang Hồ tiến cống
Mồ xanh đất Hung Nô
Điểm "Thương phu trích lệ"
Mao Diên Thọ mưu đồ
Tà dương khuất bóng chiều quan ải
Đời bèo dạt sóng xô

TỪ KHÚC TỨ ĐẠI MỸ NHÂN-Trầm Ngư Mỹ Nhân- Tây Thi


Dặm trường thân gái Việt
Xuôi Ngô Quốc vì đâu?
Phạm Lãi tình riêng đành đứt đoạn
Tiễn tình nhân sang cầu
Cối Kê người binh bại
Mỹ nữ cậy phục thù
"Trầm Ngư"thôn Trữ  giờ đâu tá?
Quên giặt lụa bên cầu

Cô Tô đài cau mặt
Ngô Quốc bận nói cười
Phút sa cơ Phù Sai uất hận
Nhìn Quốc phá thân vong
Chiến trường dù bại trận
Tình trường đặng má hồng
Thiên thu một khối tình si ấy
Tan vào cõi hư không



Thứ Sáu, 1 tháng 11, 2013

THÀNH ĐỒ BÀN MỘNG VÀ THỰC QUA CẢM NHẬN TẬP THƠ ĐIÊU TÀN CỦA CHẾ LAN VIÊN

Con là ai ? Từ đâu tới ? Và vì sao lại muốn nương nhờ cửa phật? Hãy chậm rãi kể cho ta nghe.
Dạ thưa:
Năm 1287 con được sinh ra vào một chiều cuối hạ, mưa vần vũ hơn mười ngày qua, đã làm nước Sông Hồng dâng cao, ( Lại thêm một trận chiến bất phân thắng bại của Sơn Tinh và Thủy Tinh). trong bọc điều nhung gấm. Phụ Hoàng là một vị vua anh minh TRẦN NHÂN TÔNG, Mẫu Hậu là hoàng hậu Trần Thị Sinh,Anh trai con là thái tử sau nối nghiệp vua cha có tên TRẦN ANH TÔNG
Vẫn tưởng sinh ra trong gia đình hoàng tộc,con sẽ được hưởng hạnh phúc sung sướng hết đời, nhưng không phải vậy.
Tuổi thơ con là những ngày êm ấm hạnh phúc, vui chơi, học chữ, học thêu thùa, được vua cha và hoàng hậu cưng chiều. Năm con 12 tuổi, do lời hứa gả của vua cha ( lúc này đã nhường ngôi cho vua anh ) nên sứ thần của vương quốc Champa mang lễ vật sang cầu hôn. Vì con còn nhỏ và vì nhiều lí do khác nữa nên quan lại trong triều phản đối, chỉ có Quan nội chínhTrần Khắc Chung và một người nữa đồng ý gả , nên vua anh đã không gả con. Thời gian thấm thoát trôi.... năm năm sau vị vua nước Chiêm vẫn chưa từ bỏ ý định. Con lúc này đã là một cô gái trưởng thành tài sắc vẹn toàn. Con vẫn sống trong sự sợ hãi về một ngày kia mình sẽ phải rời bỏ nơi này...
Rồi đến một hôm nước Chiêm lại cho sứ giả tới, lần này kèm theo lời cầu hôn là một cuộc đổi chác làm vua anh và tất cả quan lại trong triều thay đổi quyết định. Vua Chiêm đã mang hai Châu là Châu Ô và Châu Rí ra làm Sính lễ để cưới con. Vậy là lễ vu qui của con nhanh chóng được định đoạt và tổ chức.
Vào một ngày đẹp trời năm 1306
Vua Cha và Hoàng Hậu căn dặn con:
-Con là phụ nữ, nay theo chồng nhớ phải giữ đạo hạnh tam tòng tứ đức, phu xướng phụ tùy.
-Dạ Thưa vâng
Con mang theo lời cha mẹ dặn dò, từ biệt cha mẹ và anh em hoàng tộc bước lên thuyền hoa, cùng đoàn tùy tùng do thầy dạy con cũng là quan trong triều, đưa con đi về một đất nước hoàn toàn xa lạ.
Đoàn thuyền đưa dâu xuôi dòng Hồng Hà ra biển lớn và theo hướng nam giương buồm. Sau nhiều ngày lênh đênh trên biển, đoàn thuyền đã cập bến thành Thị Nại. Đây là kinh đô cũ của vương quốc Champa. Thành Thị Nại được xây trên một dải đất nằm giữa hai nhánh của sông Côn là sông Cầu Đun và sông Gò Tháp, thành xây hình chữ nhật chạy dài theo hướng đông tây. Mặt thành phía bắc chạy dọc theo sông Gò Tháp, lấy sông làm hào chắn tự nhiên.Tường thành phía nam chạy dọc theo nhánh sông Cầu Đun. Tường thành phía đông xây dọc theo một hào nước được đào thông giữa hai nhánh sông tự nhiên . Nhìn từ biển lên con thấy thấp thoáng những đền đài, lầu các nguy nga cao vút trong thành.
Nhìn tòa thành con có chút yên tâm hơn với ý nghĩ đây là kinh đô cũ thì chắc kinh đô mới sẽ không phải là những ngôi nhà nhỏ giữa rừng, như những lời đồn trong dân gian con nghe được khi còn ở nhà
Đón con ở bến thuyền là đoàn voi, ngựa, xe cờ hoa rợp trời. Dẫn đầu đoàn người đó, và tiến về phía thuyền của con, là một người cao lớn, nước da sạm nắng,mái tóc gợn sóng bồng bềnh, mũi cao, mắt sáng thoáng nét đa tình, dáng vẻ hào hoa,phong nhã nhưng không kém phần uy nghi. Người đội một chiếc mũ hình trụ trên đỉnh có gắn một viên đá lớn tỏa ra ánh sáng nhiều màu sắc rực rỡ. Mặc một bộ quần áo lụa trắng , đường viền cổ áo, tay áo, lai áo,và hai hàng khuy lớn bằng vàng, bên ngoài khoác một chiếc áo long bào bằng vàng. Chân mang đôi hia màu đen có thêu hình con chim GARUDA màu đỏ* Theo lời của quan dẫn đoàn đó là Chế Mân, ông vua của vương quốc Champa và cũng là vị hôn phu của con.
Con bước lên bờ với sự hộ tống của cung nữ, mà không hiểu sao lúc đưa tay ra để chàng đỡ lên bờ, con đã bị vấp và may là cung nữ đỡ kịp chứ không con đã bị té ngã . Con trộm nghĩ không biết đây có phải là điềm báo gở cho mình hay không? Con được đưa lên ngồi trên kiệu voi cùng với chàng theo sau là đoàn người hộ tống. Suốt dọc hai bên đường đi, người dân ra vẫy chào hăm hở.
Khoảng một canh giờ sau, đoàn người đưa rước về tới Thành Đồ Bàn. Một tòa thành nguy nga tráng lệ nằm ẩn hiện giữa những cánh rừng xanh ngút ngàn, thành được xây bao quanh bằng những bức tường đá, chỉ để 4 cổng ra vào có quân sĩ canh gác.
Đoàn người tiến vào thành từ cửa phía đông. Khi đã vào bên trong thành con thấy những tòa tháp cao vút lộng lẫy, những đền đài nguy nga tráng lệ. Nổi bật trên nền trời là tòa cung điện nơi vua và hoàng tộc ở, nguy nga tráng lệ không thua mấy so với kinh thành Thăng Long.
Thành Đồ Bàn do tổ tiên của Phu quân con là Chiêm Vương Ngô Nhật Hoan xây dựng vào năm 999 với kiến trúc độc đáo và kiên cố. Đền đài, lầu các đều lớn hơn thành Thị Nại (kinh đô cổ. ) Đường đi trong thành lát bằng đá hoa cương. Những ngôi tháp trong thành thường đứng một mình chứ không thành cụm. Khi con đến đây thì những ngôi tháp này đã khoảng hai trăm tuổi rồi. Mỗi góc tháp đều trang trí tượng hình rắn bằng đá trắng.Trong thành có rất nhiều tượng voi, và tượng các loại quái vật bằng đá trắng mà khi ở quê nhà con chưa từng thấy bao giờ.
Cổng thành phía tây bắc có mười ngôi tháp,được xây trên một gò đất dùng để yểm hậu. Cổng thành phía tây có dãy đồi Kim Sơn án ngữ, Phía đông có núi Long Cốt làm tiền án, phía nam có Nhạn Tháp...
Chủ nhân của vương quốc Champa và tòa thành này chính là CHẾ MÂN, phu quân của con. Đây là một vị quân vương anh hùng, nhân hậu. Chính người đã chỉ huy đoàn quân nước Chiêm đánh bại đại quân Nguyên Mông do Hốt Tất Liệt dẫn đầu. Sau khi thua trận, quân Nguyên Mông để lại cơ man nào là xác chết trên thành Thị Nại. Người cho quân đi nhặt từng xác chết thiêu lấy tro cốt cho vào hũ. Cấp thuyền và lương thực cho những tù binh sống sót trở về quê.
Không những anh hùng và nhân hậu mà người còn là một vị quân vương đạo nghĩa. Minh chứng rõ nhất cho điều này là việc người tha chết cho một viên tướng của đạo quân Champa, đã câu kết với quân Nguyên Mông làm phản. Người chỉ thu hết quân và đuổi về quê làm ruộng*
Con về sống trong thành Đồ Bàn với ngôi hoàng hậu mang tên: PARAMECVARI. Được sống trong nhung lụa, trong tình yêu thương của phu quân. Đêm đêm hưởng tiệc dạ yến, có cung nữ múa hát giúp vui. Thời gian này chỉ kéo dài được gần một năm, sau một cơn bạo bệnh phu quân của con qua đời...
Đời người phụ nữ như hạt mưa sa, trong nhờ đục chịu. Con chịu cảnh góa bụa vào lúc chưa tới hai mươi....
-Thôi đủ rồi con đứng dậy đi
Khi tôi vừa chớm đứng dậy thì dẫm vào vạt áo và trượt ngã.............
.....................................................
Trời ơi ! thì ra nãy giờ tôi sống trong một giấc mơ. Người tôi ướt đẫm mồ hôi. Tôi ngồi dậy và phải mất một lúc tôi mới thoát khỏi ý nghĩ mình là Huyền Trân Công Chúa....Hôm qua tôi đi thăm Khu phế tích Thành Đồ Bàn và tu viện Nguyên Thiều nơi có cụm tháp Bánh Ít. Vào thắp nhang cho vị tổ sư Nguyên Thiều và lạy Phật xong, nơi tôi tìm đến đầu tiên là dưới chân Thích Ca Phật Đài, dưới bóng mát của bức tượng tỏa ra.
Nắng chiều xuống như chậm hơn khi bước chân của cảm xúc đầy vơi, đưa tôi tới mấy ngọn tháp Champa thuộc làng Tri Thiện xã Phước Quang, Tuy Phước Bình Định có tên gọi tháp Bánh Ít ( giống hình chiếc bánh ít ). Đây là quần thể tháp Champa còn nguyên vẹn nhất trên đất Bình Định vậy mà:

Ai tưởng đến tháp Chàm kia trơ trọi
Tháng ngày luôn rộng cửa đón ma Hời
Ai nhìn đến làn rêu thương lở lói
Trên thịt hồng nứt nẻ gạch Chàm tươi ( _ Chế Lan Viên )

Bốn ngọn tháp còn lại ngự trên đồi kế bên tu viện Nguyên Thiều, đều có của chính quay về hướng đông và có nhiều cửa giả với lối kiến trúc độc đáo của người Champa. Tháp chính cao 22m sừng sững tọa lạc trên đỉnh đồi. Xung quanh còn ba ngọn tháp nhỏ hơn. Với lối kiến trúc đa dạng và phong phú của người Champa. Hai ngọn tháp có hình dạng chiếc bánh ít ngọt trần và một ngọn có hình bánh ít mặn đã lột vỏ. Trải qua hơn một ngàn năm bốn ngọn tháp vẫn còn gần như nguyên vẹn, trước nghiệt ngã của thời gian.Tất cả cũng đã chứng kiến dưới chân mình biết bao dâu bể của cuộc đời cũng như những lời tỏ tình, lời thề ước, của biết bao đôi trai gái yêu nhau.
Thành Đồ Bàn giờ đây không còn được như cụm tháp Bánh Ít, chỉ còn là phế tích đánh dấu rằng nơi đây đã có sự hiện diện của một tòa thành, kinh đô của vương quốc hùng mạnh một thời. Nhìn vài pho tượng voi đá, sư tử đá, mấy bậc tam cấp,và một ngôi tháp Cánh Tiên trơ trọi., gợi nên trong tôi những dòng thơ của Chế Lan Viên :
Đây những tháp gầy mòn vì mong đợi
Những đền xưa đổ nát dưới thời gian
Những sông vắng lê mình trong bóng tối
Những tượng Chàm lở lói rỉ rên than...

Đây những cảnh ngàn sâu cây lả ngọn
Muôn ma Hời sờ soạng dắt nhau đi
Những rừng thẳm bóng chiều tan hỗn độn
Lừng hương đưa rộn rã tiếng từ qui...( Chế Lan Viên )

Tôi nhớ tới bài hát Hận Đồ Bàn Của Xuân Tiên mà chạnh lòng :
Cả dĩ vãng là chuỗi ngày vô tận
Cả tương lai là chuỗi huyệt chưa thành
Cũng đương chôn lặng lẽ những ngày xanh … ( Chế Lan Viên )

Thành Đồ Bàn giờ đây:
Vẻ rực rỡ đã tàn theo năm tháng
Bao năm sau còn dội tiếng kêu thương... ( Chế Lan Viên )

Tôi thơ thẩn bên những di tích, nào chùa Nhạn Tháp phía nam thành, Chùa Thập Tháp phía tây bắc thành cổ. Ngôi chùa này được xây trên nền của mười ngôi tháp Chăm và bằng gạch cũ của chính mười ngôi tháp đó. Đứng trước bậc tam cấp chùa Thập Tháp, lòng tôi dâng tràn biết bao cảm xúc...
Từ khi gặp và đồng cảm với tập thơ Điêu Tàn của nhà thơ Chế Lan Viên, tôi rất thích tìm hiểu về những di tích, phế tích và cả những truyền thuyết gắn với vương quốc Champa. Day dứt trong tôi nhiều nhất chính là chuyện tình của công chúa Huyền Trân và ông vua Chế Mân khi nghe câu:
Tiếc thay cây Quế giữa rừng
Để cho thằng Mán thằng Mường nó leo ( Ca dao )
Hoặc :
Tiếc thay hạt gạo trắng ngần
Đã vo nước đục lại vần lửa rơm ( Ca dao )
Huyền Trân ngọc ngà kiều diễm thì không có gì phải bàn, nhưng Chế Mân một ông vua thời ấy làm chủ vương quốc Champa hùng mạnh và rộng lớn.Chủ nhân của tòa thành mà phía nam:
Đây chiến thuyền nằm mơ trên sông lặng
Bầy voi thiêng trầm mặc dạo quanh thành ( Điêu tàn - Chế Lan Viên )
Phía tây thành:
Nơi ngựa hý chuông rền vang trong gió ( Chế Lan Viên )
Còn vào trong thành:
Đây điện các huy hoàng trong ánh nắng
Những đền đài tuyệt mỹ dưới trời xanh ( Chế Lan Viên )
Vậy thì cớ sao ông lại bị ví với “thằng Mán, thằng Mường ) hay chỉ là “ Nước đục” nhỉ?Tôi cứ hỏi mình và tự đi tìm câu trả lời. Cuối cùng cũng phải chấp nhận rằng:
Thành Đồ Bàn cũng thôi không nức nở
Trong sương mờ huyền ảo lắng tai nghe
Từ một làng xa xôi bao tiếng mõ
Tan dần trong yên lặng của đồng quê ( Chế Lan Viên)

Tôi yêu quê tôi và yêu dải đất Nam Ngãi Bình Phú, yêu những truyền thuyết dân gian, yêu những câu dân ca và yêu cả những ca khúc, câu thơ gắn liền với lịch sử vùng đất ấy. Yêu lắm những người dân hiền hòa cần cù, chân thật và mến khách. Tôi đã đến, ra đi rồi trở lại, và sẽ còn trở lại nhiều lần nữa để hiểu thêm, yêu thêm về mảnh đất và con người nơi đây

* nguồn tư liệu sử dụng cho bài viết có tham khảo từ Internet
Huỳnh Xuân Sơn
13/7/2013