Chủ Nhật, 3 tháng 5, 2015

Bài thơ Sợi Duyên của tác giả Nguyễn Thị Thanh Nhàn


Huỳnh Xuân Sơn cảm nhận bài thơ Sợi Duyên của tác giả Nguyễn Thị Thanh Nhàn

Nói đến chữ Duyên thông thường ta thấy nó gắn liền với người phụ nữ.Ngay từ lúc bước vào tuổi cập kê đôi lần ta nghe thấy “con nhỏ đó thật có duyên”, ý chỉ người thiếu nữ có nét đẹp cuốn hút. Đó đây có những cuộc tình vì muôn vàn lý do phải tan rã, ta lại nghe “Có duyên mà không có nợ”.Khi hai người yêu nhau cảm thấy không thể sống thiếu nhau và đám cưới đến cũng là lúc ta nghe nói họ “Nên duyên chồng vợ”.
Sinh thời nhà thơ Nguyễn Khuyến đã từng thắc mắc
“Cái duyên hay cái nợ nần
Khi xa xa lắc khi gần gần ghê”(Duyên Nợ).
Tác giả Nguyễn Thị Thanh Nhàn là một phụ nữ vừa bước qua đỉnh dốc của đời người.Chữ Duyên với chị là gần? hay xa?là có hay không đây? khi mà chị cảm nhận chữ Duyên theo một ý nghĩ riêng biệt trong bài thơ.
Sợi Duyên.
Sợi duyên đã buộc chúng mình
Tháo làm chi nữa để tình phôi pha
Tháo dây rút cả thịt da
Tháo dây đau suốt đời ta sao đành.( Nguyễn Thị Thanh Nhàn)
Với bốn câu thơ tổng cộng 28 chữ và chỉ có 25 từ, được chọn lọc đơn giản không quá trau chuốt,cầu kỳ, nhưng thông điệp mà tứ thơ mang lại thì không hề đơn giản.
Tác giả gọi là Sợi Duyên và sợi duyên ấy “đã buộc chúng mình”. Động từ “buộc” đi cùng từ “đã” chỉ ra mối tình này đã đơm hoa kết trái. Cuộc sống gia đình bắt đầu sau hôn nhân và có lẽ từ đây đôi khi sóng gió xảy ra. Những lúc “cơm không lành canh không ngọt” ấy đến từ phía Anh hay em? Cũng có thể cả hai “chúng mình” đã có lúc phải ngửa cổ mà than rằng:
Duyên sao cắc cớ bớ duyên
Khi không đem chuyện ưu phiền đến ta? (Ca dao)
Phải chăng những lúc như thế này rất cần có một trong hai người phản tỉnh mà nhắc nhau, như tác giả đã nhắc:“Tháo làm chi nữa để tình phôi pha”. Vâng khi duyên trời đã định đoạt để “chúng mình” đến với nhau! Thì em ơi!( Hoặc anh ơi!) Làm sao tránh khỏi những lúc sóng xô va đập…Các cụ xưa đã đúc kết rằng “bát nằm trên sóng còn có lúc xô”.Cũng như cuộc sống gia đình với bao nhiêu thứ cần lo toan là bấy nhiêu màu, chứ đâu chỉ có màu hồng khi yêu.
Ở Sợi Duyên tác giả với ý nghiệm sâu sắc đã gieo thêm một câu thơ lay động tình người “Tháo dây rút cả thịt da./ Tháo dây đau suốt đời ta sao đành”. Phải chăng chị muốn nhắc nhớ rằng: Trong tình yêu người ta đến với nhau bằng chữ Duyên, nhưng sống với nhau còn chữ Nợ mới giữ trọn chữ Nghĩa.
Nếu như cắt đứt chữ Nợ, chặt ngang Sợi Duyên thì ai ơi! Vết thương để lại không chỉ trên “Thịt da”, còn thêm vết thương lòng, vết cứa trong tim mà “Suốt đời ta” không thể chữa liền…
Ngày xa xưa ông bà ta khi về sống với nhau rồi thì:
Đi đâu cho thiếp theo cùng
Đói no thiếp chịu lạnh lùng thiếp cam (Ca dao)
Phụ nữ Á Đông bao đời nay đã được răn dạy theo “Tam Tòng…” nên mới có chuyện “Lạnh lùng thiếp cam”. Ngày nay xã hội phát triển kéo theo tư tưởng tiến bộ,đã góp phần giải phóng cho người phụ nữ rất nhiều rồi, vậy thì “Lạnh lùng” chẳng ai bắt buộc phải cam nữa…Nhưng đã yêu thương nhau nên Duyên vì có Nợ thì bạn ơi! hãy giữ trọn chữ Nghĩa. Nếu không may thiếu thốn một chút về vật chất, đôi khi sóng gió về tình cảm một chút.. Những khi ấy hãy ngồi lại với nhau, cùng nhau nhìn về một hướng như ông bà ta đã đúc kết “Đồng vợ đồng chồng tát biển Đông cũng cạn”!
Phải chăng đó chính là thông điệp mà Sợi Duyên của tác giả Nguyễn Thị Thanh Nhàn muốn gửi gắm tới bạn đọc hôm nay.
Sài Gòn 4/11/2014
Huỳnh Xuân Sơn
Nguồn : http://tho.com.vn/thi-pham/soi-duyen/27356

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét