Thứ Bảy, 21 tháng 5, 2016

Đọc bài thơ NỖI ĐAU HẬU CHIẾN của tác giả Nguyễn Thành Lãm



Cảm Nhận bài thơ NỖI ĐAU HẬU CHIẾN của tác giả Nguyễn Thành Lãm
**********************************************

Nhà thơ Nguyễn Duy viết trong Ngồi Buồn Nhớ Mẹ Ta Xưa rằng:

Ta đi trọn kiếp con người
Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru...
...................
Mẹ ru cái lẽ ở đời
Sữa nuôi phần xác hát nuôi phần hồn

Người viết biết bài thơ ấy và nhớ những câu thơ này cũng đã lâu, Nhưng hôm nay gặp một hình ảnh người Mẹ già ngồi đưa võng ru con, mà có lẽ bà đang ru "phần hồn" Của người lính trẻ, con trai bà trong thơ của tác giả Nguyễn Thành Lãm có tựa đề Nỗi Đau Hậu Chiến... Trong cuộc chiến thông thường có bao nhiêu người lính trẻ ngã xuống là bấy nhiêu nỗi đau của người mẹ hiển hiện. Nhưng Nỗi đau nào có thế nguôi? Nỗi đau nào không bao giờ liền sẹo? Và đã có ai đếm nổi có bao nhiêu nỗi đau? Người viết tin chắc câu trả lời nào của bất kỳ ai cũng đều không thoả đáng trong mọi trường hợp!
Giờ đây người viết đang đi tìm xem tác giả Nguyễn Thành Lãm nói về nỗi đau nào sau khi chiến tranh kết thúc:

NỖI ĐAU HẬU CHIẾN

À ơi ! Con ngủ cho ngon
Cô đơn lạnh lẽo...chẳng còn nữa đâu
Chẳng còn biền biệt rừng sâu
Chẳng còn súng trận gối đầu nằm say
Xưa đi chân bước như bay
Giờ về nằm trọn trong tay mẹ già
Đêm nay con ở lại nhà
Ngày mai con phải rời xa mẹ rồi
Đứt từng khúc ruột con ơi
Lắt lay mình mẹ một đời tang thương...

Tiếng than nức nở đêm trường
Mẹ ngồi đưa võng ru xương con mình (Nguyễn Thành Lãm)

Chiến Tranh hai từ ấy chỉ nhìn thấy, nghe thấy thôi, lập tức nỗi mất mát, nối tiếp nỗi đau kéo dài nhiều thế hệ đã hiển hiện. Những nhà thơ nhà văn và nhạc sĩ họ đã viết quá nhiều về những người lính trẻ của hai bên chiến tuyến. Những Kinh Kha của thời hiện đại vì thời cuộc ,vì bảo vệ mảnh đất nơi mình sinh ra lớn lên mà phải cầm súng hướng nòng vào nhau....
Hơn bốn mươi năm tiếng súng ngừng nổ nếu tính từ cột mốc 1975 và hơn một phần tư thế kỷ nếu tính từ cột mốc cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc kết thúc. Những người lính may mắn trở về cũng bước vào tuổi xế chiều.
Trong số nhiều triệu những người lính không may đã "mãi mãi tuổi hai mươi" Ai may mắn có đồng đội chôn cất còn được ngôi mộ cho người thân (nếu còn) nhang khói. Biết bao người lính còn nằm đâu đó giữa đại ngàn xanh, nơi vườn tược hay nương rẫy, dưới những con đường hay góc phố hoặc giả dưới lòng sông, dưới đáy biển...
Với những người lính nằm lại thân xác đã mãi mãi tan vào đất vào nước nơi sa trường! Nhưng nỗi đau mà người thân ở quê nhà gánh chịu thì không hề tan vơi theo năm tháng.
Đơn cử chỉ một trận chiến tết Mậu Thân thôi ta đã thấy nghẹn ngào với những ca từ trong Hát Trên Những Xác Người của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
...........
Tôi đã thấy
Bên khu vườn, một người mẹ ôm xác đứa con
...........
Tôi đã thấy
Trên con đường, người cha già ôm con lạnh giá
.............
Tôi đã thấy
Những hố hầm đã chôn vùi thân xác anh em. (Trịnh Công Sơn)
...........
Tưởng như không còn nỗi đau nào hơn thế! Hỡi những người mẹ trên thế gian này có thấy nơi đâu như quê hương Việt Nam có những tiếng vỗ tay reo mừng cay xót đắng lòng như

Mẹ vỗ tay reo mừng xác con (Trịnh Công Sơn)

Nào hay Hoà Bình đã đến mấy chục năm, Vẫn hiển hiện những cái vỗ tay reo khiếp đảm không ngừng, chỉ là ngày một hiếm hoi hơn. Nhiều bà mẹ đã không chờ được đến lúc tìm được con dù chỉ một nắm xương tàn.
Bà mẹ chủ thể trữ tình trong thơ của tác giả Nguyễn Thành Lãm là một người mẹ may mắn trong số nhiều triệu bà mẹ bất hạnh mất con vì chiến tranh. Bà đã tìm được con và đêm nay bà đang ru con

À ơi ! Con ngủ cho ngon
Cô đơn lạnh lẽo...chẳng còn nữa đâu
Chẳng còn biền biệt rừng sâu
Chẳng còn súng trận gối đầu nằm say

Bốn câu thơ được tác giả sử dụng qua hình tượng lời ru con,cũng chính là những nét khắc hoạ nhằm giới thiệu về người lính trẻ , con của Mẹ :" Xưa đi chân bước như bay" Người lính trẻ ấy đã bao năm "Cô đơn lạnh lẽo" nằm giữa rừng sâu? Người lính ấy đã bao ngày, bao tháng, bao năm "súng trận gối đầu .." Với ba từ "chẳng còn..." Có phải chăng với người mẹ và người lính chiến tranh đã lùi xa rất xa?
Có phải chăng tất cả không còn quan trọng nữa với người Mẹ sau nhiều năm vò võ ngóng chờ, cầu nguyện,để tìm dưđược con, được xác con trong nỗi đau tột cùng...
Đêm nay người Mẹ đã thoả nguyện bởi con bà : "Giờ về nằm trọn trong tay mẹ già"! Mẹ ru con? Hay mẹ ru mình với một khát khao rất thật "Con ngủ cho ngon". Một nắm xương của Lá Xanh đang được vòng tay của Lá Vàng ôm ấp, nâng niu mới thật đau đớn làm sao!

Đêm nay con ở lại nhà
Ngày mai con phải rời xa mẹ rồi

Vậy là đã rõ thêm..Con mẹ ngã xuống nằm lưu lạc rừng sâu núi thẳm nhiều năm lạnh lẽo, nay may mắn mẹ được ôm ấp nâng niu nắm xương có lẽ không còn nguyên vẹn... Ngày mai con đi? Có lẽ là ra nghĩa trang? Ra vườn? Hay một nơi nào đó chứ không còn trong căn nhà này nữa...
Làm sao cảnh "Tre già... chôn măng" mà không:

Đứt từng khúc ruột con ơi
Lắt lay mình mẹ một đời tang thương...

Tác giả đã viết những tứ thơ trên với nỗi lòng chứa đựng trái tim đớn đau tột cùng của người Mẹ Vâng những hình ảnh ấy, nỗi đau ấy, sự mất mát do chiến tranh gieo rắc và để lại ấy. Trên khắp dải đất hình chữ S này ta có thể thấy Chúng chất lên đôi vai người mẹ ở bất kỳ đâu, từ thành phố đến thôn quê, từ miền núi tới miền xuôi, từ người mẹ giàu sang đến người mẹ lam lũ..
Những người Mẹ mất con ấy lại là con của một người Mẹ chung, Mẹ Việt Nam! Người Mẹ mà sau "Một nghìn năm nô lệ giặc Tàu, một trăm năm đô hộ giặc Tây..." "Gia tài của Mẹ.." Còn lại là "Một rừng xương khô, một núi đầy mồ". Trong những cánh rừng xương khô thảm khốc ấy, Mẹ chủ thể trữ tình trong Nỗi Đau Hậu Chiến đã may mắn được Mẹ Việt Nam ban dành lại "Một nắm xương tàn". Một niềm an ủi, một nỗi vui thống khổ lúc cuối đoạn "Đời tang thương..."
Những câu thơ nối kết nhau theo một nhịp ngắt đều đặn không ngừng, không dứt,như nỗi niềm đớn đau của người mẹ kéo dài từ ngày "Con đi như bay" Cho đến lúc " về nằm trọn trong tay mẹ già"...
Hai câu thơ kết của Nỗi Đau Hậu Chiến đứng tách riêng ra như ngắt mạch của dòng chảy ngược vào trong tâm điểm cuộc chiến, hoặc giả ngắt đứt những gì mà chiến tranh gieo rắc kinh hoàng hiển hiện để người đọc trở về thực tại.

Tiếng than nức nở đêm trường
Mẹ ngồi đưa võng ru xương con mình

Một ý thơ đặc biệt. Một tình thơ nặng trĩu. Một hồn thơ dung dị, rất thật, rất đời và cũng rất đau đớn vừa khép lại bài thơ Nỗi Đau Hậu Chiến, với hình ảnh người mẹ ngồi đưa võng ru con, nhưng đau đớn thay mẹ đang "ru xương con mình".
Người viết chợt nghĩ với việc khép lại bài thơ bằng hình ảnh đau đớn này, Có lẽ Nỗi Đau Hậu Chiến không chỉ nói về một người mẹ mất con trong một cuộc chiến cụ thể nào....
Đâu đây phảng phất lời ca nghẹn ngào trong Ca Dao Mẹ

Mẹ ngồi ru con đong đưa võng buồn đong đưa võng buồn
Mẹ ngồi ru con mây qua đầu ghềnh lạy trời mưa tuôn
Lạy trời mưa tuôn cho đất sợi mềm hạt mầm vun lên
Mẹ ngồi ru con nước mắt nhọc nhằn xót xa đời mình

Mẹ ngồi ru con đong đưa võng buồn năm qua tuổi mòn
Mẹ nhìn quê hương nghe con mình buồn giọt lệ ăn năn
Giọt lệ ăn năn đưa con về trần tủi nhục chung thân
Một dòng sông trôi cuốn mãi về trời bấp bênh phận người (Trịnh Công Sơn)

Cám ơn tác giả Nguyễn Thành Lãm đã viết khúc tráng ca Nỗi Đau Hậu Chiến với những ý thơ cũ mà không cũ, reo vui mà đau đớn...
Chiến tranh tàn khốc vào thơ tác giả không có súng nổ, không có bom rơi cũng chẳng có máu chảy. Nhưng những mất mát và đau đớn kéo dài cho người thân của những người trực tiếp cầm súng và đã ra đi mãi mãi thì hiển hiện rõ nét qua từng câu thơ, Gần gụi được gắn kết bằng thể thơ Lục Bát. Nếu như ai đó nói "Thơ hay là sau khi đọc ý thơ, tình thơ, hồn thơ, đọng lại trong lòng người đọc" Thì với cá nhân người viết và có lẽ không ít bạn đọc khác nữa bài thơ này đã hội đủ những điều kiện ấy!

Cá nhân người viết vốn được sinh ra trong chiến tranh và lớn lên khi chiến tranh đã kết thúc, nên mọi cảm nhận chỉ mang tính một chiều. Nếu như có sai sót rất mong nhận được sự bao dung từ tác giả cũng như bạn đọc

Sài Gòn 10/4/2016
Huỳnh Xuân Sơn

1 nhận xét:

  1. Mẹ vỗ tay reo mừng xác con (Trịnh Công Sơn)
    Đọc câu này ám ảnh thật sự :(( người ta reo mừng đón con bình an trở về, reo mừng vì một điều làm họ hạnh phúc vậy mà với người mẹ anh hùng "xác con" vừa là nỗi đau lại vừa là "hạnh phúc". Người chiến sĩ cùng đất nước đi qua phong ba nhưng khi giông tố tan đi, đất nước thái bình thì anh lại không còn nữa, không thể cảm nhận cái ngày mà anh/chị đã dùng một đời, tương lai, ước mơ để đổi lấy thậm chí còn không biết thân mình còn nguyên vẹn không, có được chôn trong mộ phần đàng hoàng mà thậm chí có khi còn có những thân xác chôn dưới lớp đất xa lạ không phải đất Việt có được đón về hết chưa :((( nó làm mình nhớ tới câu trong bộ phim Hậu Duệ Mặt Trời "“Người lính luôn sống chung với tấm vải liệm. Khi anh ngã xuống tại một vùng đất không tên vì lợi ích quốc gia, nơi chết sẽ thành nấm mồ và đồng phục sẽ thành vải liệm cho anh” mà người còn ở lại thì phải chịu đựng nỗi đau mất mát, nỗi ám ảnh kinh hoàng những tàn tích chiến tranh ảnh hưởng lên họ là quá lớn.
    haizz chỉ mong kiếp sau các anh sẽ sinh ra với cuộc đời an bình, cảm nhận vẻ đẹp của đất nước, viết tiếp những điều dang dở anh mong ước...
    -20/06/2023- Hi spring

    Trả lờiXóa