Thứ Bảy, 21 tháng 5, 2016

Một Thể Thơ Mới Mang Tên Song Tứ Bát Của Tác Giả Huỳnh Ngọc Tự Qua Cảm Nhận Của Huỳnh Xuân Sơn


Bạn là người yêu thích thơ thì nhất định sẽ biết thơ Lục Bát và Song ThấtLục Bát là thể thơ của người Việt Nam chúng ta được phát triển từ ca dao tục ngữ hò vè trong dân gian. Thơ Đường thì lại càng biết nó xuất xứ từ Trung Quốc vào đời Đường. Thơ Tự Do nói chung là thơ mới được du nhập vào Việt Nam từ phương Tây. Bài thơ đầu tiên có lẽ là bài Tình Già của Phan Khôi. Nó khơi dậy một cuộc bút chiến giữa thơ mới và thơ cũ…và hậu cuộc bút chiến này thì ai cũng biết. thể thơ này cũng vẫn tồn tại tới ngày nay.
Nhưng có lẽ không nhiều người yêu thơ Việt Nam biết đến một thể thơ rất ngắn. Chỉ vỏn vẹn 17 âm tiết, ngắt nhịp thành ba hàng 5/7/5. một bài thơ 17 âm tiết và ghi lại một sự vật, một sự việc một cách hiện thực. thể thơ này gợi mở chứ không miêu tả… để người đọc tự cảm nhận và khám phá.
Thể thơ này chính là thơ Haiku của Nhật Bản được nhà thơ nỗi tiếng Matsuo Basho sáng tác khoảng 400 năm về trước ( 1603-1868).. Du nhập vào Việt Nam thì có 17 từ và cũng theo bố cục 5/7/5 …
Và ở đây hôm nay hay nói đúng hơn là khoảng ba tháng nay trên Thi Đàn Việt Nam xuất hiện một thể thơ mà lúc đầu  tôi không muốn đọc, khi thấy thể thơ đề ghi chú là Song Tứ Bát- (hai câu 4 một câu 8). Xin lỗi tác giả tôi không đọc vì tôi biết chưa bao giờ có thể thơ nào là Song Tứ Bát cả. Từ khi tôi đam mê thơ tôi đã tìm đọc và tìm hiểu theo hiểu biết của tôi thì cùng lắm là có Song Tứ Lục Bát. Tôi mang thắc mắc của mình hỏi các vị tiền bối thì cũng không ai nói có thể thơ ấy. Vậy là tôi không đọc khi trên thơ mới đăng có bài đề là Song Tứ Bát.
 Nhờ mỗi ngày đọc thơ mới và đọc nhận xét lời bình mới, cho đến một hôm tôi đọc được một lời bình của bạn có tên Hương Giang trao đổi với tác giả về thể thơ này. Và cũng từ đấy tôi biết tác giả tự nghĩ ra và viết theo luật của mình và  anh tự đặt tên cho nó là Song Tứ Bát. Và một từ Tự nữa cho đủ “bất quá tam” tôi muốn nói đó là TỰ cũng chính là tên tác giả: Huỳnh Ngọc Tự ở Cần Thơ và là thành viên BBT Thi Đàn Việt Nam. Từ đó thì thỉnh thoảng tôi cũng đọc nhưng cũng chỉ là đọc thơ thôi và không để lại trong tôi dấu ấn gì!
Cho tới cách đây mấy ngày tôi gặp bài thơ viết về Cần Thơ

Bình minh sông Hậu
Nắng ấm Ninh Kiều
Bức tranh thơ mộng phố chiều Tây Đô. –(Cần Thơ)

Tôi đọc bài thơ này khi tôi mới rời Bến Ninh Kiều có một ngày và buổi sáng hôm trước mới ngắm bình minh trên Sông Hậu bao la. Tôi bỗng thấy bài thơ này đúng là ngắn gọn dễ cảm nhận và phảng phất đâu đây nét tối giản của thơ Haiku và cái sâu sắc của câu từ gợi mở chứ không miêu tả.Nhưng nó lại được viết theo một bố cục và gieo vần theo kiểu Song Tứ Bát.
Vậy là tôi vào trang thơ của tác giả lục tìm các bài thơ này và thật bất ngờ gần hai chục bài mỗi bài một sắc thái riêng. Tôi copy về và xem. Quả thực có đất để tôi gieo trồng câu chữ về hai chục bài thơ này.  Vậy là giờ đây tôi ngồi xem tác giả tìm tòi một thể thơ mới của riêng mình. Và cũng tò mò muốn biết anh viết về điều gì? viết về ai? và viết về nơi đâu?
ở trên anh viết về Quê hương anh Cần Thơ là vậy.Còn đây là bài Yêu Quê Hương

Đi tìm chân lý
Phải rõ ngọn nguồn
Thương dân yêu nước muôn phương tựu về- (Yêu Quê Hương).

 Còn đây là bài thơ anh viết về  TìnhMẹ

Vọng tiếng ầu ơ
Con thơ ngon giấc
Tình Mẹ  ngàn đời chất ngất yêu thương.-(Tình Mẹ)

Và thêm một bài về công đức của đấng sinh thành nữa

Công Cha –Nghĩa Mẹ
Ơn đức cao vời
Con xin tạc dạ suốt đời người ơi!- (Ghi Ơn).

Người làm thơ luôn luôn gửi gắm mình trong đó. Nhưng với 16 từ thôi mà gửi gắm diễn tả được một sự việc hoặc một tâm trạng thật khó. Ta hãy xem với 16 từ anh viết về Phận Người nhé

Lá rơi về cội
Mưa đổ xuôi nguồn
Trăm năm một kiếp…thừa buồn thiếu vui. -(Phận Người)

Quả thật tôi đọc 16 chữ của anh tôi thấy một kiếp người hiển hiện trước mắt. chỉ có điều bài thơ này anh bi quan với cuộc đời quá.sao mà lại nghĩ “Thừa buồn thiếu vui”?
Nhưng bi quan đó chỉ là một lúc nhất thời thôi bởi tôi lại thấy anh mộng mơ ngay đây

Đêm khuya thanh vắng
Trăng tắm ao sâu
Ta - em hai đứa gối đầu mộng mơ -( Mộng mơ)

Có lẽ giấc mơ này bắt nguồn từ nỗi tương tư sau

Con tim thổn thức
Nghe khúc nhạc buồn
Tình đầu một thuở…vấn vương suốt đời - (Tương Tư1)

Và Khúc Tương Tư này được nối dài ra thêm bởi ánh Trăng huyền ảo hay bởi một nàng tên Nguyệt thì hãy để bạn đọc đoán và nếu cần có lẽ tác giả sẽ trả lời sau nhé!

Vì em là Nguyệt
Cho ta mong chờ
Tình nào gõ cửa dại khờ hồn ta- (Tương Tư 2)

Trong chuỗi tình cảm này có lẽ liên quan tương hỗ đến nhau vì còn hai bài nữa một bài anh mượn ý cảm tác Nàng Kiều của Nguyễn Du để viết nên nỗi lòng mình với người mà “hai đứa gối đầu mộng mơ” ấy cũng nên:

Thu buồn man mác
Lá hát lao xao
Thương em một kiếp má đào truân chuyên-(Nỗi lòng)

Tôi kết tội anh mượn nàng Kiều để nói nỗi lòng mình bởi còn thấy Dáng Xưa trong bài này nữa

Heo may xào xạc
Hôn chiếc lá vàng
Chiều thu man mác mơ màng dáng xưa.- (Dáng Xưa)

Có lẽ không chỉ mình tôi nói anh như vậy đâu. Mà ngay chính anh đã để cho bạn đọc thấy mình trong đó. Còn bài thơ dưới là anh thể hiện cho ta thấy anh hay thưởng Trăng vào lúc :”hoàng hôn khuất”

Hoàng hôn tĩnh lặng
Ánh nguyệt nghêu ngao
Bao lần sĩ tử tiêu dao đỉnh sầu- (Thưởng trăng)

Sau khi Tiêu dao đỉnh sầu rồi thì anh lại có cái nhìn khác về trăng như sau

Lung linh dáng nguyệt
Khoe nét khuôn vàng
Đẹp lòng thi sĩ dâng tràn ý thơ- (Trăng Đẹp)

Vẫn là cảm xúc ấy khi anh cảm nhận thu với màu tím của tình yêu chứ không hề là tím buồn

Hoàng hôn lơi lả
Chiều tím mơ màng
Nhớ em ngồi ngắm lá vàng chao nghiêng-( Thu Tím)

Bài thơ này là một trong những bài phảng phất cái hồn của thơ HaiKu rõ nét nhất. mùa Thu mà không hề có từ Thu một đặc điểm bắt buộc của thơ Haiku gọi là Qúy Ngữ
Và nét độc đáo này cũng có trong bài Hạ Buồn

Chao nghiêng cánh phượng
Rỉ rả tiếng ve
Từng giờ học cuối chợt nghe hạ buồn- (Hạ Buồn)

Nhưng bài Bão này thì lại diễn tả được rất nhiều điều trong 16 từ của anh

Bão kêu xé ruột
Lũ nuốt bến bờ
Con người khốn khổ từng giờ hiểm nguy – ( Bão)

Và bài nỗi đau này nữa:

Bão trời hung dữ
Gây cảnh điêu linh
Thiên tai tàn phá quê mình miền trung –( Nỗi Đau)

Bão  nói được nhiều điều gì thì xin để mỗi bạn đọc có cảm nhận riêng cho mình. Còn với tôi 16 từ này đã phản ánh đủ một cơn bão dữ kèm theo lũ về, và con người thì luôn có hiểm nguy rình rập.
 và Nỗi Đau thì diễn tả nội cái sự hung dữ của bão tàn phá miền trung gây cảnh hoang tàn….
Anh đã viết về  Quê Hương về Mẹ , về Cha Mẹ về tình yêu và thiên nhiên. Và đây là phần anh viết về riêng anh với Tâm và Ngộ

Tâm mà vọng đọng
Như tiếng chuông ngân
Đường tu đã khép cố lần không ra –(Tâm)

Anh đã hiểu được Tâm mà “động”thì chưa thể “Tu” thì có lẽ anh đã tìm ra đường về vô ngã của mình.

Vạn vật hư không
Tiền tài bọt biển
Tùy duyên ái đạo xoay chuyển càn khôn-(Ngộ 1)

Ăn năn là hối
Khi tỏ lỗi lầm
Muốn tìm cội phúc phải tầm đạo ngay –(Ngộ 2)

Qua gần hai chục bài thơ được tác giả viết theo thể thơ Song Tứ Bát do tác giả tự đề ra niêm luật và viết tôi nhận thấy thể thơ này có đặc điểm như sau:

-tổng số từ trong bài là 16 từ chia ra ba câu theo nhịp ngắt câu 4/4/8

 Câu 1 có 4 từ.Từ cuối câu một thường là vần trắc gieo vần với từ thứ 2 của câu hai vần trắc (Mở:  giới thiệu sự việc muốn phản ánh.)
-          Câu 2 có 4 từ.Từ cuối câu hai là vần bằng và gieo vần với từ thứ 6 của câu 3 vần bằng ( Luận: suy ngẫm về sự việc muốn phản ánh)
Câu ba có 8 từ.  Kết thúc bằng vần bằng: ( Kết: sự việc muốn nói thành công hay thất bại )

-Ba câu thơ trong một bài 16 từ gieo vần như trên được tác giả đặt là thể thơ Song Tứ Bát (hai câu 4 một câu 8).
Và  quan trọng chính là sự chắt lọc câu từ tối giản để gói gọn ý nghĩa trọn vẹn của:
- sự việc muốn phản ánh
-tâm tư muốn nói
-Địa danh muốn nói
-miêu tả một nhân vật hoặc một vật cụ thể
Không biết thể thơ này của anh sẽ tồn tại sẽ sống ra sao? Liệu anh có như thi Nhân Nguyễn Du ngày viết Đoạn Trường Tân Thanh phải hỏi

 “Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như.”(Nguyễn Du).

Và biết đâu những thế hệ người yêu thơ sau này lại biết đến một Huỳnh Ngọc Tự như một Matsuo Basho của Việt Nam thì sao? Có lẽ phải chờ thời gian trả lời thôi!
 Nhưng tôi đã thấy một số bạn hữu trên thi đàn họa với thơ anh. Chứng tỏ thể thơ này đã gây cảm tình với họ xin trích dẫn:

Trong bài Trăng Đẹp tác giả Chu Long đã họa

Dưới trời trăng sáng
Vàng ánh mơ màng
Ta nâng ly rượu ngỡ ngàng như mơ- (Chu Long-Hải Phòng)

Hay trong bài Bão Dữ các bạn thơ trên thi đàn đã họa :

Đất khô nứt nẻ
Nắng cháy ruộng đồng
Mùa Màng thất bát tháng ngày nao đao-(Chu Long)

Và đây là bài họa của tác giả Nguyên Thảo

Tiếc gì hỡi bão
Chưa ráo lại tràn
Quê tôi gánh phải muôn vàn đau thương-(Nguyên Thảo)

Và đây là bài thơ mà chị Kim Thoa viết có đề ghi chú là Song Tứ Bát

Chăm Sóc Mẹ Liệt Sĩ

Mẹ già bao năm
Chính quyền chăm sóc
Hồn người liệt sĩ yên lòng đài hoa- (Kim Thoa Hà Nội)

Còn đây là lời nhận xét của tác giả Hồ Chỉnh trong bài Tương Tư:

Người ta chỉ tổ chức thi truyện ngắn,chưa thấy thi thơ ngắn bao giờ.        
thơ ngắn cũng hay lắm chứ,đáng trân trọng lắm chứ !
Như bài này của bạn HUỲNH NGỌC TỰ, chỉ với 16 câu ,3 dòng,nhưng vẫn hội đủ Tiêu Chuẩn của một bài thơ hay.
Thơ hay đâu chỉ có dài
Đọc xong...vương vấn,là bài thơ hay.
Chúc HNT và gia đình luôn vui,khoẻ.”
Và ít nhất anh cũng có thêm một người ủng hộ nữa là tôi. Tuy tôi chưa viết nổi một bài thơ Song Tứ Bát  như của anh, nhưng tôi sẽ đọc thơ anh chứ không bỏ qua như hồi anh mới viết nữa.
Trên đây là đôi lời cảm nhận về một thể thơ mới của tác giả Huỳnh Ngọc Tự.mà tôi mạo muội xin ghi nếu sự nhìn nhận của tôi có gì thiếu sót mong tác giả và các thi hữu bổ sung và bỏ qua cho sự thiếu sót ấy.
Sài Gòn 7/11/2013
Huỳnh Xuân Sơn 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét