Thứ Bảy, 21 tháng 5, 2016

Huỳnh Xuân Sơn Cảm Nhận Bài Thơ Quê Hương Của Tác giả Lê Thanh Bình



Hai tiếng Quảng Trị gợi nhớ trong lòng người dân Việt Nam nhiều chục năm qua là những địa danh như:Vĩnh Linh, Cửa Tùng, Gio Linh, Bến Hải, Thạch Hãn, Thành Cổ Quảng Trị, Đại Lộ Kinh Hoàng…Và còn nhiều lắm những tên sông, tên đất, tên làng gắn liền với đau thương mất mát của chiến tranh. Viết về nơi được coi là tàn khốc nhất của chiến tranh thì chẳng có giấy mực nào tả hết...
Ngót bốn chục năm non sông nối liền một dải. Quảng Trị đã im tiếng súng. Đâu dễ gì quên đi những dấu tích của những năm tháng ác liệt ấy….Nhưng Quảng Trị đã hồi sinh mạnh mẽ…Mảnh đất kiên cường của tổ quốc đã đi vào lòng từng người dân Việt Nam:

Dòng Bến Hải bảy ngàn ngày
Vẫn không chia cắt đất này thành hai
Quê nghèo vươn tới ngày mai
Trường Sơn ôm ấp hình hài bể đông (Ta Về Quảng Trị- Nguyễn Minh Quang)

Vĩnh Linh- Quảng Trị cũng chính là quê hương của tác giả Lê Thanh Bình. Chị đã cảm nhận “quê nghèo vươn tới…” bằng tất cả tình yêu quê hương nỗi niềm hoài niệm trong bài thơ:

Quê Hương

"Quê hương mình nơi con sinh ra
Dải đất hẹp bốn mùa nắng gió
Hương bưởi mùa thu hương sen mùa hạ
Vẫn ngọt ngào trong những điệu dân ca..."

Quê hương mình khói lửa đã đi qua
Mảnh đất bao năm bom cày đạn xới
Chiến tranh qua thì thiên tai ập tới
Cơ cực hoài thương lắm! Vĩnh Linh ơi!

Đã qua rồi, đói khổ cảnh quê tôi
Cha nằm xuống móng tay còn đọng đất
Mẹ thầm ước bữa cơm no trước ngày mất
Em gái mồ côi manh áo rách đến trường...

Mẹ bảo mình nghèo đừng mơ ước viễn vông
Trăng trên cao mần răng mà hái được
Nay quê tôi làm nên điều mơ ước
Đang từng ngày cùng đất nước đi lên.

Mái ngói đỏ tươi thay tranh rạ quê nghèo
Bạt ngàn cao su đang mùa cho nhựa sống
Tiếng máy reo vui trên đồi gió lộng
Nắng tươi hồng giữa đất mẹ sinh sôi...

Về thăm quê trong dạ cứ bồi hồi
Vần thơ vụng thay bao lời muốn nói
Muốn ôm hôn những bàn tay vun xới
Chan chứa trong lòng hai tiếng quê hương.(Lê Thanh Bình)

“Quê Hương nếu ai không nhớ. Sẽ không lớn nổi thành người”. Chị có lẽ đã nhớ quê da diết những năm tháng phải xa... Ngày mỗi ngày qua sự hướng lòng về nguồn cội càng thôi thúc nhiều hơn…Một trong những lần về thăm quê như thế đã cho ta chiêm ngưỡng Quê Hương Vĩnh Linh Quảng Trị, nơi chôn nhau cắt rốn của chị, những cảm xúc chân thật, mộc mạc, nhưng chan chứa tình,chị gửi vào từng câu chữ. Không cầu kỳ, chẳng trau chuốt, kết thành những vần thơ như chính tấm lòng chân thật của đứa con xa quê muốn nói

Về thăm quê trong dạ cứ bồi hồi
Vần thơ vụng thay bao lời muốn nói
Muốn ôm hôn những bàn tay vun xới
Chan chứa trong lòng hai tiếng Quê Hương.

Vâng! hai tiếng Quê Hương luôn luôn ngọt ngào như dòng sữa mẹ, không chỉ chan chứa tình mà còn dạt dào như tiếng sóng biển vỗ êm bờ cát. Nhiều năm xa quê trở về... có lẽ lần này có dịp ngắm cảnh đổi thay của quê hương thân yêu đang ngày đêm chuyển mình vươn tới...Tiếng lòng ngân lên những xúc cảm, những rung động của trái tim bật lên thành tứ thơ kết... Niềm vui niềm hạnh phúc từ sâu thẳm đáy lòng người thiếu phụ đang ở tuổi xế chiều.
Có lẽ tất cả tình cảm, cảm xúc ấy được hun đúc từ tuổi thơ của chị, một tuổi thơ dữ dội bởi chiến tranh. Hoà bình lập lại quê hương tiêu điều xơ xác”cứ một đôi vai người dân Quảng Trị gánh 7 tấn bom”. Vĩnh Linh là “cái rốn” đựng bom đạn nó phải gấp nhiều lần số chia bình quân ấy.) Bãi chiến trường ác liệt khi xưa…hôm nay rà phá bom mìn sót lại tới đâu, là cây trái ngọt lành tươi tốt đến đấy. Làng quê tan hoang không một mái nhà… Nay là những mái ngói đỏ tươi… Là nhà máy, khu công nghiệp mọc lên.
Thành quả ấy có được từ những đôi bàn tay gầy dựng của người dân Quảng Trị, trong đó có những người thân yêu của chị. Làm sao không bồi hồi xúc động cho được, Làm sao không “Muốn ôm hôn những bàn tay vun xới”. Tình riêng hoà lần niềm vui chung trước cảnh quê hương đổi thay đã khiến chị bật lên “những lời thơ vụng” Để “thay bao điều muốn nói”. Những điều muốn nói từ trong sâu thẳm trái tim đứa con xa quê trở về…

Quê Hương được chị bắt đầu bằng một khổ thơ trích dẫn:

"Quê hương mình nơi con sinh ra
Dải đất hẹp bốn mùa nắng gió
Hương bưởi mùa thu hương sen mùa hạ
Vẫn ngọt ngào trong những điệu dân ca...".

Bốn câu thơ viết về một “dải đất hẹp” vâng dọc dải đất hình chữ S thì miền đất Quảng Bình, Quảng Trị là nơi có chiều ngang hẹp nhất.
Nắng lửa từ trên dội xuống, gió Lào “bụng chứa nóng thiêu” Thốc ngang. Thời tiết khắc nghiệt là vậy nhưng với bàn tay cần cù chịu thương chịu khó của người dân nơi đây vẫn cho ta “ hương bưởi mùa thu, hương sen mùa hạ” Ngọt ngào và thơm mát, không chỉ trong ‘những làn điệu dân ca”.

Quê Hương Vĩnh Linh Quảng Trị nơi chị được sinh ra hơn nửa thế kỷ trước…Hôm nay thanh bình yên ả như reo vui đón đứa con xa xứ trở về…Làng quê tươi đẹp ngọt ngào là thế. Nhưng cách đây ngót bốn chục năm nó là địa danh ác liệt nhất của cuộc chiến…

Quê hương mình khói lửa đã đi qua
Mảnh đất bao năm bom cày đạn xới
Chiến tranh qua thì thiên tai ập tới
Cơ cực hoài thương lắm! Vĩnh Linh ơi!

Chiến tranh gây hậu quả đau thương nơi đây thì đã rõ…Chị chỉ nhắc nhớ… “Mảnh đất bao năm bom cày đạn xới” Ấy. Còn phải oằn mình gánh chịu thiên tai. Nào đâu chỉ “Nắng chi như nấu như nung suốt ngày” Mà còn bão lũ mỗi khi kéo về sẵn sàng cuốn phăng đi tất cả thành quả mà vất vả lắm, chật vật lắm, “cơ cự lắm”…Người dân nơi đây, trong đó có những người thân yêu của chị mới gầy dựng được…

Đã qua rồi, đói khổ cảnh quê tôi
Cha nằm xuống móng tay còn đọng đất
Mẹ thầm ước bữa cơm no trước ngày mất
Em gái mồ côi manh áo rách đến trường...

Chiến tranh đã để lại trên mảnh đất Vĩnh Linh quê chị một thời là “vành đai trắng”. Với cơ man nào là đạn bom vật liệu nổ còn sót lại. Cho tới tận ngày nay, vẫn còn những người phải chịu mang thương tật hoặc mất đi mạng sống khi gặp phải bom mìn nằm sâu dưới lòng đất rình rập.

Nhưng với người nông dân nơi đây, mà điển hình là những người cha trong đó có người cha kính yêu của chị. Họ miệt mài lao động tới mức khi “Nằm xuống móng tay còn đọng đất”. Hình ảnh xúc động nhất hiện diện trong ý thơ “móng tay còn đọng đất…” Phải chăng chị muốn mượn hình ảnh đắt giá này để nhấn mạnh sự cực nhọc lam lũ cho tới khi nhắm mắt xuôi tay, mới được ngơi nghỉ của người dân vùng đất với khí hậu khắc nghiệt và chiến tranh tàn khốc nhất đất nước…

Cảnh cơ cực như vậy nhưng vẫn không đủ ăn, đã được chị khắc hoạ rõ nét qua câu thơ “Mẹ thầm ước bữa cơm no trước ngày mất”. Quả thật đắng lòng người đọc. Cha mất mẹ không còn em thơ lâm cảnh “mồ côi” Thì hình ảnh “manh áo rách đến trường” Là cảnh không tránh khỏi. Nhưng còn được đến trường thì “em gái mồ côi” Còn là người may mắn trong những tháng năm khó khổ …Tất cả những nỗi gian truân vất vả đói khổ cơ cực ấy chị đã khẳng định: “Đã qua rồi..”Khi về thăm quê lần này.

Mẹ bảo mình nghèo đừng mơ ước viễn vông
Trăng trên cao mần răng mà hái được
Nay quê tôi làm nên điều mơ ước
Đang từng ngày cùng đất nước đi lên.

Mái ngói đỏ tươi thay tranh rạ quê nghèo
Bạt ngàn cao su đang mùa cho nhựa sống
Tiếng máy reo vui trên đồi gió lộng
Nắng tươi hồng giữa đất mẹ sinh sôi...

Ngắm làng quê thay da đổi thịt với những “mái ngói đỏ tươi…”( và nay có lẽ là những nhà lầu vững chãi), thay cho những mái “tranh rạ quê nghèo” lúp xúp ngày nào. Có lẽ chị đã rưng rưng… Để có được thành quả ấy xuất phát từ sự chịu thương chịu khó của người dân nơi đây. Những cánh rừng trơ trụi, những cánh đồng tan hoang ngày chiến tranh kết thúc, nay thay vào đó là “bạt ngàn cao su đang mùa cho nhựa sống”. Một khổ thơ đẹp, đắt và tràn ý thơ. Ẩn chứa nỗi niềm vui mừng của người con xa quê nay trở về…Một khổ thơ có lẽ là đẹp nhất làm điểm nhấn cho bài thơ đã xuất hiện như: “Tiếng máy reo vui trên đồi gió lộng. Nắng tươi hồng giữa đất mẹ sinh sôi.”

Công việc giờ đây trở thành niềm vui của cuộc sống. Gió từ ngoài khơi tràn qua “Dải đất hẹp” Lên non cao, kể cả mùa gió Lào tìm đường qua “dải đất hẹp” Về với biển, nó vẫn là gió nóng nhưng chỉ cái nóng bên ngoài thôi. Nóng trong lòng đã nguội đi rất nhiều từ sự hồi sinh của miền đất nắng gió hôm nay. Gió đưa “tiếng máy reo vui” Như tiếng lòng người dân reo vui vậy.

Khi đất mẹ từng ngày mở rộng trên nền chiến trường khốc liệt, đất sạch bom mìn tới đâu cây cối đơm hoa kết trái tới đó…Có lẽ cũng chẳng nơi đâu có những vùng đất bị khoanh vùng vì chưa rà phá bom mìn như Quảng Trị…Trong những âm thanh reo vui của máy móc cơ giới, thay cho sức người trên đồi bãi. Còn có tiếng máy từ những khu công nghiệp vọng ra thôi thúc nhịp sống người dân thêm hối hả…
Hẳn không thể không nhắc đến một tiếng máy rất nhỏ nhưng lại reo vui lớn nhất. Đó chính là tiếng máy rà phá bom mìn của tổ chức phi chính phủ PTVN và rất nhiều tổ chức nhân đạo khác. Đang ngày đêm dọc ngang trên mảnh đất quê hương Quảng Trị tìm vật liệu nổ còn sót…
Trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng có nơi nào như Quảng Trị phải đợi đến 300 năm nữa mới rà phá hết bom mìn còn sót trong chiến tranh. (nguồn Tin Nhanh Việt Nam ngày 7/4/2014)….

Chị có lẽ đã ngồi trầm ngâm rất lâu khi nhớ về những năm tháng khốn khó… Thuở mà “Mẹ bảo mình nghèo đừng mơ ước viển vông”. Không biết chị và người thân đã mơ ước gì? lẽ nào mơ ước một ngày quê hương yên bình không tiếng súng. Hàng ngày có đủ bữa cơm no, manh quần tấm áo lành lặn…Bấy nhiêu thôi mà khó như hái trăng sao trên trời hay sao?

Có lẽ khi viết đến đây, trước khi “bồi hồi” Đặt những câu thơ kết. Chị đã ao ước mẹ của chị và những bà mẹ nơi đây. Những người phụ nữ không chỉ chịu đựng vất vả gian truân, mà còn chịu đựng sự hy sinh mất mát đau thương tột cùng. Nỗi đau mà có lẽ trên thế gian này không đâu lại có cảnh như cố nhạc sĩ Phạm Duy đã viết trong Bà Mẹ Gio Linh : “ Tay nâng... nâng lên ...rưng rưng nước mắt đầy./ Mẹ nhìn đầu con, tóc trắng phất phơ bay./ Ta yêu con ta môi thắm bết máu cờ./ Nụ cười hồn nhiên đôi mắt ngó trông ta."
Được nhìn thấy quê hương thay da đổi thịt hôm nay. Hẳn các bà, các mẹ cùng với chị sẽ rất vui, vui chung với niềm vui của người dân Quảng Trị nói riêng và người dân cả nước nói chung...

Sài Gòn 5/7/2014
Huỳnh Xuân Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét