Thứ Bảy, 21 tháng 5, 2016

Huỳnh Xuân Sơn Với Cảm Nhận Bài Thơ Hương Đồng Gió Nội Của Tác Giả Nguyên Thoại



Mỗi khi nhớ đến quê hương nơi sinh ra và lớn lên trong lòng tôi –một người xa xứ. Bạn biết không ? lời bài thơ của nhà Thơ Đỗ Trung Quân lại lung linh trước mặt:

Quê hương là chùm khế ngọt

Cho con trèo hái mỗi ngày

Quê hương là đường đi học

Con về rợp bướm vàng bay- (Quê Hương)

Quê tôi có đặc điểm rất giống với quê của nhà thơ Tế Hanh

Quê hương tôi có con sông xanh biếc

Nước gương trong soi tóc những hàng tre

Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè

Tỏa nắng xuống lòng sông lấp loáng- (Nhớ con sông quê hương)

Nỗi nhớ quê hôm nay bỗng trào dâng lên bởi tôi bắt gặp bài thơ của tác giả viết về quê hương nhưng không là Quê Hương của Đỗ Trung Quân hay của Tế Hanh mà nó phảng phất quê của Nhà thơ Nguyễn Bính : Hôm qua em đi tỉnh về/ Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều.( Gái Xuân)

Mới chỉ nhìn thấy tựa đề Hương Đồng Gió nội của bài thơ thôi là quá đủ để cuốn hút tôi, người mà nhìn đã biết “nhà quê” rồi. Tôi chẳng kịp xin phép tác giả cứ thế là bước vô Hương Đồng Gió Nội của anh. Mong sao tìm được chút hương quê của mình:

Bài thơ được tác giả viết theo thể thơ Đường Luật. Thể thơ khó cảm nhận nhất nhưng trong lòng càng thôi thúc tôi mạnh mẽ hơn khi thấy hai câu đề:

Quê nghèo thuở ấy của tôi ơi
Đậm mãi trong tim suốt một đời

Tác giả giới thiệu quê hương mình nghèo nhưng là “nghèo thủa ấy” thôi. Có lẽ bây giờ không còn nghèo nữa nên hình ảnh quê nghèo ấy mãi in sâu trong trái tim tác giả. Lại càng háo hức muốn biết quê hương tác giả đã thoát nghèo rồi mà sao hình ảnh Quê nghèo lại đeo bám anh đến vậy. “Quê nghèo thủa ấy của tôi ơi!” Một câu thơ cảm thán tha thiết quá. Ta mang theo tình cảm ấy vào hai câu thực cùng tác giả:
Lúa trĩu vai thơm bờ ruộng ngát
Môi chào nụ thắm đóa hồng tươi

Hai câu thực vẽ ra cảnh mùa lúa được mùa. Lúa trĩu vai bởi ngày ấy nghèo làm gì có xe cộ chuyên chở. Nhà nào khá giả một chút thì có con bò con trâu kéo xe lúa từ bờ ruộng về nhà. Nhà nghèo thì thanh niên, đàn ông gánh lúa về , cảnh nhà đơn chiếc thì đàn bà trẻ nhỏ cũng phải gánh.Bởi được mùa lên hương lúa chín lan tỏa cả cánh đồng. Bờ thửa là nơi mà nhà nhà vác lúa từ ruộng lên xếp đợi gánh hoặc đợi chở về nhà. Và cũng từ những lúc đi gặt lúa, đi làm đồng ấy người trong làng gặp nhau luôn luôn nở nụ cười thân thiện, tình làng nghĩa xóm với nhau thân thiết như người nhà. Vâng người ở quê gặp nhau thân thiện như vậy đấy. Dẫu nghèo khó khổ cực vất vả gánh lúa trên vai nặng trĩu nhưng không bao giờ kiệm nụ cười.

Hương Đồng Gió Nội đi qua các cặp đối của hai câu thực với “lúa trĩu” đối với “môi chào” và “vai thơm” đối với “nụ thắm” còn “bờ ruộng ngát” đối với “đóa hồng tươi” vẽ nên hình ảnh vụ lúa và tình người nhà nông. Bây giờ bước vô hai câu luận xem quê anh có những gì nữa đây?
Thương ngày nắng đổ còng lưng cấy
Nhớ buổi mùa vô rộn tiếng cười

Lại vẫn miêu tả và nói về cảnh làng quê và tình người.Bây giờ là anh “thương ngày nắng đổ còng lưng cấy”. Nhà nông vào vụ cấy gặt hay bất cứ giai đoạn nào gieo mạ, làm cỏ bón phân thì dù mưa hay nắng đều phải ra đồng mới mong kịp thời vụ.Bây giờ có lẽ tác giả đã thoát cảnh cấy cày rồi nên anh đã “thương” và “Nhớ”. Nhưng nhớ tiếng cười khi mùa vô là sao nhỉ? Chẳng lẽ bây giờ không còn mùa vô nữa để gặp nhau ngoài đồng, ngoài đường, với những nụ cười thân thiện nữa ư? Ta đã cùng tác giả đi qua hai câu luận đầy nỗi niềm với “quê ngèo thuở ấy”. và các cặp đối ở câu này cũng tương đối hoàn chỉnh. Để giờ đây bước vô hai câu kết với:
Tự lúc tường cao ghìm gió nội
Hương đồng tản mát nghĩa tình vơi

Phải tới hai câu kết này mới vỡ ra cái tựa đề gây nao nao kia! Thì ra “Quê nghèo thủa ấy”của tác giả là vậy đây. Nay nó đã không còn là Quê nghèo với những bờ giậu xanh rờn giữa hai nhà. Chỉ cần đứng bên sân nhà mình có thể nói chuyện năm câu ba điều với người bên hàng xóm rồi. Đường làng đường liên thôn liên xã cũng vậy. Đi làm đồng về ghé gốc đa gốc gạo nghỉ ngơi, hoặc bụi tre ngà nhà hàng xóm mát rượi những buổi trưa hè các ông bạn già ngồi uống trà chuyện vãn.đã hết thật rồi ư? Đã mất thật rồi ư?

“Tự lúc tường cao” vâng tường cao che chắn hết rồi anh ạ! anh viết nó “ghìm gió nội” và ngay cả cái “hương đồng” thơm mùi lúa, ngô kia nó cũng bị những bức tường cao làm cho “tản mát”, thật xót xa khi cũng chỉ vì giầu có lên, bờ tre thay bằng tường gạch chăng dây kẽm, hệ lụy kéo theo là tình nghĩa xóm làng cũng vì thế mà vơi đi!

Một bài thơ Đường Luật với những câu từ gần gũi thân thiện. Niêm vần chuẩn và phép đối tương đối hoàn chỉnh. Đã cho ta cảm nhận được một bức tranh quê hương tuy đã thoát nghèo nhưng lại mất đi rất nhiều thứ .Cái dễ làm tổn thương cho những người sống nội tâm nhất đó là tình làng nghĩa xóm mai một đi, vơi đi và mất dần theo sự phát triển của xã hội.

Và dù sao và có thế nào đi nữa thì với anh, với tôi và với bạn, hai tiếng Quê Hương vẫn:

Quê hương mỗi người chỉ một

Như là chỉ một mẹ thôi

Quê hương nếu ai không nhớ

Sẽ không lớn nổi thành người –(Quê Hương- Đỗ Trung Quân )

Và ai cũng ao ước :

Ta muốn trở lại tuổi thơ

Ta muốn nằm trên mảnh đất ông cha

Nghe mưa đập cành tre, nghe mưa rơi tàu lá…

Ôi tiếng sấm từ xa bỗng gầm vang rộn rã….(Nhớ Cơn Mưa Quê Hương- Lê Anh Xuân)

Cám ơn tác giả Nguyên thoại với bài thơ Hương Đồng Gió Nội đã cho tôi có cảm xúc viết bài cảm nhận này. Có thể những ý nghĩ và suy luận của tôi trong bài viết này chưa hẳn là ý của tác giả và của bạn đọc. Mong rằng tác giả và bạn đọc hãy coi đây là tình cảm của riêng cá nhân tôi dành cho một bài thơ mà tôi rất thích và đây là bài thơ ấy :

Hương Đồng Gió Nội

Quê nghèo thuở ấy của tôi ơi
Đậm mãi trong tim suốt một đời
Lúa trĩu vai thơm bờ ruộng ngát
Môi chào nụ thắm đóa hồng tươi
Thương ngày nắng đổ còng lưng cấy
Nhớ buổi mùa vô rộn tiếng cười
Tự lúc tường cao ghìm gió nội
Hương đồng tản mát nghĩa tình vơi- ( Nguyên Thoại)



Sài Gòn 8/11/2013

Huỳnh Xuân Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét